Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NHƯ MỘT GIẤC MƠ




Nguyên tác của Tom Nestor (Ái Nhĩ Lan)

     Vài Hàng Về Tác Giả:
       Là một thành viên trong gia đình có mười anh em, Tom Nestor lớn lên trong một vùng thôn quê xa thành phố tại xứ Ái Nhĩ Lan. Ông theo nghiệp văn chương từ thuở nhỏ, phần lớn những sáng tác của ông là truyện ngắn, những kịch bản miêu tả phong cảnh và con người nơi thôn dã. Sáng tác của ông được phổ biến rộng rãi tại Ái Nhĩ Lan và Anh Quốc.

♣♣♣

Tháng Năm

Người đàn ông chạy xuống đồi, băng qua cánh đồng cỏ, nhẩy qua những gốc thân cây trơ trụi nằm rải rác đó đây, rồi chạy dọc theo con đường trải đá phía ngoài bức tường của trường học. Sương đêm dầy cộng thêm những giọt nước trên ngọn cây nhỏ xuống làm hai vai ông ướt nhẹp. Những người chạy bộ ngược chiều ông là những cơ thể sạm nắng, những chiếc bụng mỡ hay những người đàn bà quần áo xanh đỏ bó chặt, thở phì phò như ngựa đua. Ba buổi mỗi tuần, ông ta đều đặn chạy suốt 5 miles vòng quanh tỉnh lỵ nhỏ này và chưa bao giờ hỏi han tên tuổi những người cùng chạy như ông và cũng chẳng để ý tới họ làm gì nên tất cả đều là những người xa lạ. Một nhóm người khỏe mạnh không bao giờ nói chuyện với nhau, đó là một điều lạ, một việc không thể hiểu nổi.

Tại nơi bước tường nối với cánh cửa sắt, ông ta dừng chân để cột lại chiếc dây giầy. chân phải rồi qua chân trái. Ông làm chậm rải như muốn độ căng của chiếc dây vừa đủ. Bất chợt ông nghe tiếng chân, rồi một bóng người hiện ra phía xa, người nọ chạy băng qua ông, hướng về phía đường Watery Road Bây giờ ông muốn chạy theo hướng người này. Ông quan sát người đó: hai cùi chỏ ép sát vào cơ thể, thụt tới thụt lui như hai cái pít-tông, mớ tóc được cột phía sau nhấp nhô lên xuống. Ông tăng vận tốc và tới sát bên người kia.

- Cô là người mới chạy phải không?

Cô ta gật đầu, mồ hôi chẩy đầm đìa mặt. “Cả ba tuần nay mà chẳng thấy ông thay đổi gì cả”.

- Ồ, cô … cô …

- Phải, cột lại dây giầy, cả hai chiếc, cũng vào đúng giờ và cùng ở một nơi.

- Chạy bộ là một thói quen không đổi được.

- Tôi biết, một thói quen thầm lặng.

Cô ta có gương mặt trái soan, hai má lúm đồng tiền, chiếc mũi cao bướng bỉnh, đôi mắt sâu xanh biếc.

- Cô không nên chạy theo đường này.

- Tôi thích. Chạy trong rừng này sẽ ngửi được mùi cỏ non và mùi nhựa thông.

- Tháng trước có một cô bị tấn công ở đó.

Câu nói làm cô ta giật mình. Thật là ngu xuẩn, ông ta nói chữa:

- Người ta đã bắt được tên đó, dù sao cô cũng nên chạy theo con đường có nhiều người qua lại. Nhưng sao tôi chưa thấy cô bao giờ nhỉ. Tên tôi là Dennis.

- Có lẽ tôi nên theo đường khác. Tôi cũng không chạy thường.

Cuộc sống của ông êm đềm trong suốt nhiều năm qua. Sarah với mớ bài tập hàng ngày, bãi cỏ phía trước và mảnh vườn nhỏ sau nhà, chiếc ghế bành, lò sưởi, tủ sách và ly rượu vang trước khi đi ngủ. Làm việc, đi ngủ, ngày nào cũng như ngày đó, lập đi lập lại như loài sâu. Thật là vô nghĩa. Hạt sương đọng trên mái tóc cô nom tựa những hạt kim cương đính trên chiếc áo choàng.

- Cô làm gì.

- Nhiều việc phải làm lắm … đọc sách, chạy bộ, đi coi xi-nê. Tôi chỉ là một người bình thường thôi.

Trong đôi mắt sâu thẳm kia có nét cười.

- Tôi muốn nói là nghề nghiệp, cô làm gì để sống?

- À, tôi dạy học.

- Ở đâu vậy?

- Trường bà sơ.

- Ồ, tôi không ghen tỵ với cô đâu. Tôi không thích làm việc chung với các bà sơ.

- Chỉ là công việc thôi. Thời buổi này kiếm được việc làm không dễ. Nhưng mà tại sao ông lại chống đối với các sơ vậy?

Ông nghĩ về Clara, một thị trấn nhỏ mà cha ông là một viên thư ký trong ngân hàng. Ông theo học cấp hai bậc trung học tại một trường bà sơ. Sơ Francis và những khuôn mặt dấu dưới những tấm vải che mặt lạnh lùng làm bộ óc ông nhỏ lại và ngu như con bò, dốt như con heo và cứng đầu như con ngựa con.

- Tôi không thích các bà sơ. Họ là những người đã lỗi thời. Đó là một nhóm người không có giới tinh, có quan niệm về đời sống thời trung cổ … Tôi nói vậy có làm cô ngạc nhiên không?

Nói đến đây ông nhìn cô. Trong một thoáng tự trong cõi thăm thẳm nào đó, ông thấy mình đang ở một nơi hoang vắng, chung quanh bóng đêm dày đặc. Và từ nơi nào thật xa xăm, có một tia sáng mờ ảo chập chờn.

- Làm sao mà ngạc nhiên được. Đại khái thì không công bằng và đầy thiên kiến. Nhưng … - Cô ta cười, tiếng cười ròn rã như tiếng chuông. – Tôi cũng đồng ý với ông vài điểm.

Họ chạy xuyên qua cánh rừng. Hàng mẫu cây thông hai bên sườn dốc chạy xuôi xuống bình nguyên phía xa, nơi đây là những vườn nho nhưng hiện nay mùa thu hoạch đã qua, chỉ còn trơ trọi những đống thân cây ngổn ngang. Không gian tràn ngập mùi thơm của nhựa thông.

- Ông làm gì?

- Ồ, nhiều việc lắm. Đọc sách, chạy bộ, uống rượu, cắt cỏ … Tôi là người bình thường như bao nhiêu người ỏ đây thôi.

- Và cứ ngày nào như ngày đó. Nhưng tôi muốn hỏi là ông làm nghề gì để sống cơ.

- À, tôi làm trong ngân hàng, trưởng phòng kế toán. Một trưởng phòng lâu đời nhất tại đây.

- Tại sao lại chọn nghề đó nếu ông không thích?

- Tôi nói là không thích sao?

- Thì qua lời nói như giễu cợt của ông đó.

- Ồ, cô đoán được tư tưởng của người khác. Nhưng đó là một nghề, nó ở trong máu huyết tôi, di truyền từ nhiều đời. Tôi sinh ra trong một gia đình gắn bó lâu đời với ngành ngân hàng.

Bây giờ con đường mòn dốc ngược. Những cành cây thấp hai bên đường như muốn chạm vào đầu, chúng đan vào nhau làm thành một đường vòng cung trông tựa như một con đường hầm chạy xuyên qua núi. Cơ bắp chân đau, ông nhìn sang khuôn mặt đang nhấp nhô bên cạnh. Thân hình rắn chắc, hai hàm răng mím chặt trong đôi môi rộng.

- Cô muốn nghỉ một chút không?

- Không cần. Chỉ còn khoảng năm chục bước nữa là tới đỉnh rồi.

Từ đỉnh đồi nhìn xuống, thị trấn nhỏ phía dưới trông thật lộn xộn. Từ trung tâm thành phố là những đường cong không đều, giống như những chiếc căm xe bị bật ra khỏi trục, toà thị trưởng và ngôi giáo đường nằm chơi vơi tại hai địa điểm vắng vẻ. Chẳng có một lý do hay lời giải thích về việc quy hoạch cho thành phố này cả. Ngay khi còn là sinh viên, ông sống tại thành phố nhỏ tên là Rottweil dưới rặng núi Alps, thành phố này được thiết kế như do một cậu bé mười hai tuổi tạo ra. Mà phần lớn những thị trấn nhỏ ở đây đầu tương tự như vậy. Cô ta nói:

- Ông biết không.

- Cô nói gì?

- Theo tôi thì tất cả những nhà quy hoạch thành phố cần phải được trói lại rồi để ở đây, cho họ được thưởng thức những công trình của họ.

- Tôi hoàn toàn đồng ý với cô. À mà cô có biết đứa con gái tôi không? Nó học ở trường cô đó.

- A!

- Sarah, lớp ba.

- Xin lỗi nhé, tôi không biết. Tôi dạy lớp bốn. Nói về tên, vậy ông tên gì?

- Tôi đã nói tên cho cô rồi, họ của tôi là Ward. Còn cô?

- Feena.

- Tên lạ nhỉ. Còn chuyện này nữa. Tôi có thể …

- Dĩ nhiên là ông sẽ gặp lại tôi, Tôi sẽ rẽ ở ngã ba tới ... Mình sẽ gặp lại, tôi cần có người bảo vệ khi chạy qua rừng.

Nói xong, cô ta vẫy tay chào rồi rẽ về phía tay mặt.

Sarah nằm dài dưới thảm, một tay chống cằm, tay kia cầm cuốn sách.

- Môn sử ký chết tiệt này, thật là chán. – Nó ném cuốn sách lên chiếc bàn cà phê kê gần đó. Người đàn ông nhớ tới con sông Clara nơi đó ông đứng hàng giờ với trò chơi ném đá và mảnh sành trên mặt nước, sao cho hòn đá trượt trên mặt nước, từ bờ sông bên này sang được tới bờ sông bên kia.

- Bỏ thái độ đó đi, Sarah. Nếu không phải là môn sử thì là môn địa lý, môn toán. Bộ con không thích môn nào à?

- Con ghét, ghét tất cả. Tại sao lại hành hạ thân xác mình như vậy? Con có thể làm việc tại siêu thị, làm người bán hàng như cô Marsha được mà.

Ông ta rót rượu, nhồi thuốc vào chiếc tẩu, miệng nói:

- Và rồi sẽ ân hận suốt đời. Con sẽ chẳng kiếm được việc gì cho ra hồn nếu không có bằng cấp. Thôi, học bài đi con.

- Này bố. Sao bố không lấy vợ nữa?

- Thì bố đã lấy một lần rồi.

- Sao bây giờ không lấy lần nữa? Có nhiều cô để ý tới bố lắm đấy. Cô Betty, cô Cathy, vô số nữa. Bố có muốn nghe họ nói với con sao không?

Sarah cười khúc khích. Ông nhìn cô con gái cau mày.

- Sarah, bố không nói với con lần nữa. Học bài đi.

- Chán chết. Cho con uống chút được không?

- Không. Bố không muốn con uống rượu.

- Vài đứa bạn con uống bia, cả rượu Vodka và Rum nữa. Vài đứa còn hút nữa.

Câu nói của đứa con làm xương sống ông lạnh toát. Ông đã nhìn được trong vài năm nữa, nó sẽ đi với bạn trai, rồi trở nên không còn linh hoạt như bây giờ, thời gian sẽ tàn phá mọi thứ.

- Sarah, hứa với bố là …

- Biết rồi, bố đừng lo. – Hai tay nó ôm đầu gối. - Bố có nghĩ là bố với mẹ sẽ lại sống với nhau được không?

Vài năm trước, nó thường làm phiền ông với những câu hỏi về mẹ nó. Bà ấy như thế nào, trông giống ai, có thực là đẹp và hiền như trong hình ngày đám cưới không? Bà ấy thường ăn mặc như thế nào, tóc màu gì, có cầu kỳ không, bố mẹ có thương yêu nhau không? Rồi cho đến khi bà ta lộ ra thái độ thô bạo và những lời thô tục với bố con họ. Ông đã nghi ngờ từ lâu, bây giờ mới lộ ra. Ở đây là một thị trấn nhỏ, ông không cần phải giải thích mà để nó tự tìm thấy.

- Bố không nghĩ vậy đâu, Sarah. Thôi, nếu con không học bài lịch sử thì chưa tới lúc con đi ngủ đâu nhé.

- Con muốn nói chuyện, bố đừng nói lảng sang chuyện khác nữa. Con không còn bé như xưa nữa đâu.

Đúng vậy, Sarah, con không còn nhỏ nữa. Tất cả là việc của bố. Bây giờ con đã lớn, bố không biết phải đối xử với con như thế nào nữa. Bố có thể cung cấp thực phẩm, áo quần và săn sóc vết thương cho con. Bố thương con nhưng không hiểu được trong đầu con đang suy nghĩ gì. Có lẽ trong thâm tâm của con, con cần một người mẹ. Đồ khốn nạn, Mona.

- Con nghe nói là mẹ bỏ nhà đi, phải không bố? Sao bố lại nói là hai người đồng ý xa nhau?

- Ừ thì mẹ con bỏ nhà đi.

Nó cong người nằm xấp xuống, tay chống cằm.

- Bố nói dối con, con phải tự tìm hiểu lấy.

- Ừ thì bố nói dối con. Bố phải tìm một câu chuyện thích hợp nhất để nói với đứa con gái 10 tuổi như con.

Nó nhìn chằm chằm vào ông. Trong lòng con bé đang suy nghĩ gì đây? Chỉ trong một khoảnh khắc, tùy vào tâm trạng, nó có thể khóc lóc hay nổi giận mà có những hành động không ngờ trước được. Phải khôn khéo lắm mới tránh được tình trạng này.

- Con có biết người nào tên là Feena không? Bà ta dạy trong trường con đó.

Nó thở mạnh, tiếng thở này giống như làn sóng cuốn trôi đi những uẩn khúc trong lòng.

- Feena? Tên gì mà lạ vậy?

- Chỉ là một cái tên, bộ con chưa nghe thấy bao giờ à?

- Chưa bao giờ con nghe thấy tên này cả.

- Bà ta là giáo viên trong trường con mà.

- Con không biết. Đó không phải là tên thật.

- Gì? Con nói là trong trường bà sơ mọi giáo viên đều dùng tên giả mà con cũng không biết tên thật của họ là gì à?

- Thì sao? Dù sao họ cũng xứng đáng. Đó là lỗi của họ mà.

- Sao? Bố không hiểu.

- Trường có một cái luật, đó là giáo viên không được thân thiện với học trò. Sơ bề trên lúc nào cũng nhắc nhở chúng con vậy. Bố biết tại sao không?

Người đàn ông nhún vai rồi nhìn làn khói thuốc bốc nhẹ lên từ chiếc tẩu.

- Bố không biết.

- Ồ, bố không biết thật sao? Lý do tất cả là vấn đề tình ái. Nếu thân mật với nhau quá thì … bố biết mà.

- Ừ … Ừ … mà con gọi cô giáo con là gì?

- Bánh xèo.

- Bộ cô ta tròn lắm à?

- Không, cô ta xẹp lép.

- Thật kỳ cục.

Sarah nhún vai:

- Con không hiểu được cô ấy. Cái gì cô ta nói ra đều nghiêm trọng, không biết trên thế giới này có gì tốt không. Trái lại với cô Khờ thì lại rất tốt. Sang năm con học cô ấy, con muốn biết tại sao người ta lại gọi cô là cô Khờ.

Ông ta nghĩ tới sơ Francis ở mãi tỉnh Clara xa xăm. Mỗi lần nghĩ tới sơ, những hình ảnh khác lại hiện ra trong đầu. Những dòng suối, những cánh đồng cỏ hoang màu vàng úa, những ngọn đồi trọc … Tất cả là như những đụn cỏ khô tượng trưng cho cuộc sống vô vị của sơ.

Tháng Tám:

Nhìn cô ta chạy làm ông nghĩ tới hình ảnh con ngựa chạy trong cánh đồng cỏ. Hình như cô ta không chạy nữa mà toàn thể cơ thể vận chuyển đều theo một nhịp đồng bộ, đặt trong một vị trí toàn hảo. Ngay cả những trái tùng, lớp rêu bám trên đá hay lớp cỏ dại dưới mặt đất hình như cũng bắn tung lên để chạy theo nhịp chân của cô ta.

- Ông đến trễ. – Cô ta nói. – Tôi có thể bị tấn công đó.

- Tôi không trễ mà tại cô chạy nhanh đó.

- Nghĩa là tôi đã chạy khá hơn?

Lạ thật, cho đến bây giờ ông mới để ý tới cơ thể của cô ta bị rám nắng như thế nào. Trong tận cõi sâu thẳm của tâm hồn, hình ảnh của người cha lại hiện ra. Ông ta đã rất già trước khi ông nhận ra như vậy. Mỗi cuối tuần ông lại tới thăm cha trong căn nhà gần bãi biển, ông không thấy cha mình có gì thay đổi cho tới một hôm, sau 3 tuần lễ vì bận không tới được, qua chiếc bàn ăn, nhìn gương mặt của người cha làm ông giật mình. Sao mà cha ông lại già quá vậy, da mặt nhăn nheo, hai hố mặt sâu hoắm. Ông tưởng tượng là nếu sờ tay vào, lớp da mặt sẽ vỡ và rơi rớt xuống như cát bụi.

- Trông cô tựa như người đi tắm biển vậy.

- Ông nói tới nước da của tôi à? Thực ra ông có nước da tốt hơn tôi.

- Cô biết không, trông cô thật khỏe mạnh và …

- Gợi cảm. Ông muốn nói vậy phải không?

- Vâng, Thật là trái ngược hẳn lại.

- Xin nói rõ hơn.

- Khi tôi thấy cô lần đầu, có lẽ từ lâu trước khi mình nói chuyện với nhau, khi thấy cô băng qua con đường trông cô như thể làm bằng đá cẩm thạch. Có lẽ lần đầu cơ thể cô xuất hiện ra trước ánh sáng. Cô có biết tôi nghĩ như thế nào không?

- Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ là cả cuộc đời cô được quấn trong tấm vải đen, hết lớp này tới lớp kia, như người vợ của vua chúa Ai Cập ngày xưa vậy.

- Tôi không ngờ ông lại có trí tưởng tượng như vậy.

- Có rất nhiều điều về tôi mà cô không biết.

- Chắc là ông ngạc nhiên khi tôi biết vài điều về ông.

- Ví dụ như …

- Như là ông đã bốn mươi hai tuổi, làm việc cho một ngân hàng, sống với đứa con gái và vợ ông, vợ ông đã bỏ ông …

- Tôi không thích câu nói cuối của cô.

- Được, vậy thì vợ ông đã trốn ông, bỏ nhà đi.

- Cô biết nhiều về tôi nhỉ.

- Thị trấn nhỏ xíu mà ông.

- Mà cô vẫn tìm cách che dấu tông tích của mình.

Bây giờ là tháng tám, lá cây trong rừng đã đổi màu. Những tia nắng xuyên qua kẽ lá làm con đường mòn loang lổ. Tháng tám lại mang lại cho ông nỗi buồn, như thể nó đang nhìn nét mặt của ông ngày thêm cằn cỗi. Cô ta nói:

- Tôi thích mùa thu.

- Vậy sao? Nó gợi cho tôi nỗi chết chóc.

- Đừng bi quan như thế. Nhìn những màu sắc trước mắt kìa, sao ông lại có những ý nghĩ như vậy trước vẻ đẹp thiên nhiên của tạo hoá.

Phía xa một toán thợ đang làm việc, tiếng máy ủi đất rầm rì vọng lại cùng làn khói vương đọng trên cành cây. Thân cây được chất thành từng hàng dài hai bên đường, mùi nhựa thông ngào ngạt trong bầu không khí buổi hoàng hôn.

- Feena, mời cô đi ăn tối với tôi. Có nhà hàng mới mở, thức ăn ngon lắm.

- Dennis, tôi đã nói với ông rồi, tôi không đi được.

- Cũng bởi vì tôi là người bị vợ bỏ phải không?

- Bởi vì ông là người đã có vợ tại một thị trấn nhỏ. Bà quản lý của tôi không hiểu gì hơn. Đó là giá trị thiêng liêng mà chúng tôi phải theo.

- Giá trị thiêng liêng cái con khỉ gì. Tôi thích cô, vậy thôi.

- Xin đừng nói như vậy. Tôi không thể.

- Nhảm nhí. Cô nói như giọng của mẹ bề trên. Này cô Feena, không nhất thiết phải ở trong tỉnh lỵ này, mình có thể đi xa tới một nơi khác mà không có ai quen biết cả.

- Không, Dennis. Tôi không thể. Xin làm ơn đừng nhắc lại chuyện đó với tôi lần nữa.

- Feena, chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 chứ không còn ở thời phong kiến lạc hậu nữa. Người ta đã lên mặt trăng và đang tìm cách chinh phục Hoả Tinh. Những người trẻ thoải mái sống với nhau. Chúng ta là người trưởng thành, tự quyết định đời mình.

- Tôi không thể tự quyết định được.

Họ chạy ra khỏi rừng. Ánh nắng chiếu ngược làm người đàn bà phải lấy bàn tay che mắt. Phía dưới, những căn nhà nằm lộn xộn xen lẫn với những chiếc xe bò hư hỏng bỏ rái rác đó đây. Tới chỗ ngã ba, người đàn bà chạy nhanh hơn rồi rẽ trái trong khi ông ta vẫn chạy thẳng. Cô ta la lớn:

- Tôi vẫn cần người bảo vệ.

Ông ta có cảm tưởng căn phòng đợi này có mùi long não hay mùi thuốc sát trùng gì đó. Nó làm ông nhớ lại căn phòng của cha ông tại Clara. Đó là một phương tiện, một nơi cho người lạ nghỉ ngơi trong chốc lát. Phòng đợi tại một trường bà sơ đều như vậy. Đồ đạc thì đơn sơ và lạnh lẽo, những bức tranh treo trên tường có hình người nhìn xuống khách với nét nghiêm khắc và đau đớn.

Một bà sơ bước vào phòng. Bà ta gõ nhẹ tay lên cánh cửa như để giới thiệu mình rồi bước vào ngồi giữa bàn, hai tay để lên cạnh bàn. Sơ Francis lại hiện thân đây rồi. Cũng một thái độ lạnh lẽo, nét xanh xao vì đời sống trong tu viện, những đường gân xanh nổi trên làn da.

- Thưa ông Ward, tôi là sơ Benedict. Tôi là hiệu trưởng của trường. Cám ơn ông đã đến đây theo lời mời của tôi.

Ông ta gật đầu chào:

- Thưa sơ hiệu trưởng, có việc gì mà sơ muốn nói chuyện với tôi?

- Thưa ông, tôi xin nói thẳng vào đề. Tôi quan ngại cho con gái ông, cô Sarah.

- Tại sao phải quan ngại. Nó đã làm điều gì sai?

- Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết. Tôi chỉ ngại về thái độ tổng quát của cô ta mà thôi.

- Sao? Sơ Benedict. Xin sơ nói rõ một chút. Tôi chẳng hiểu gì cả.

- Vậy thì … Tôi xin nói thẳng. Con gái ông hung dữ, vô kỷ luật và xin lỗi tôi phải nói là nó gây ảnh hưởng xấu tới những đứa trẻ khác trong trường.

Ông ta nhẩm đếm từ một tới mười. Tất cả từ ngữ từ đâu chợt cuồn cuộn trôi đến. Thứ vô cảm, đồ lạc hậu, những câu nói thốt ra từ thời đại đồ đá.

- Sơ Benedict ạ. Tôi cũng xin nói thẳng ra. Sơ nói như quân vô lại vậy.

Một tia lửa bừng lên trong đôi mắt màu xanh kia. Hàm răng nghiến chặt rồi từ từ mở ra trông tựa như hai hàm răng con cá mập được kéo tách ra vậy.

- Ông Ward, tôi nghĩ là mình không nên ngồi đây mà sỉ nhục lẫn nhau. Tôi đã nói là con gái ông có vấn đề. Mình có thể bàn vấn đề này một cách hợp lý và nghiêm túc không?

- Vâng, tôi muốn nghe chuyện đó. Nhưng mà việc sỉ nhục tôi thì không phải là việc bàn luận, phải vậy không sơ?

Sơ Benedict trầm ngâm. Có lẽ nhượng bộ một chút để cuộc nói chuyện có kết quả hơn.

- Có lẽ tại tôi nói thẳng quá. Tôi cố gắng thành thật với ông đó.

- Được rồi, bây giờ mình bắt đầu lại từ đầu. Tôi muốn biết việc gì đã xẩy ra, xin sơ đừng nói một cách tổng quát. Như sơ nói “cô Sarah” có hành vi xấu, vô kỷ luật như thế nào?

Sơ cười nửa miệng:

- Ba lần, cô ta đã tỏ ra giận dữ trong lớp vì không đồng ý với chương trình giảng dạy.

- Có phải là môn “kinh tế nội địa” không?

- Ủa, ông cũng đã biết.

- Tôi hiểu tâm trạng của nó. Sarah muốn học tiếng Pháp như phần đông các học sinh trong lớp. Còn việc nó có hành vi xấu là như thế nào?

- Cô ta đã công khai tỏ thái độ nhục mạ cô giáo, sơ Clement.

- Xin sơ giải thích rõ hơn.

- Gọi tên cô giáo. Cô ấy dùng danh từ xấu để gọi cô giáo của mình.

- Ồ, chắc là cô “Bánh Xèo”.

- Ông này … - Người sơ như muốn đứng bật dậy, đôi mắt xanh lóe lên những tia lửa.

- Sơ Benedict, xin sơ bình tĩnh nghe tôi nói. Giờ đây là thế kỷ thứ 21 rồi, những đứa rẻ có cuộc sống mới, khác hẳn với đời sống của thế kỷ trước. Tôi thấy là đó là một điểm tốt cho những đứa trẻ học thêm một ngoại ngữ hơn là học những môn học cổ điển. Tôi cũng thấy là tội nghiệp cho những đứa bé khi rời khỏi nhà trường mà không biết tên thực của cô giáo dạy chúng là gì.

- Vậy là ông có cùng một quan điểm với cô ta?

- Tôi thông cảm với nó.

- Được rồi, ông Ward ạ. Tôi đã cố gắng giải thích cho ông từ nãy tới giờ. Tôi là một nhà sư phạm lâu năm trong nghề, tôi điều khiển trường này rất nhiều năm theo một tiêu chuẩn mẫu mực. Chúng tôi có một chương trình giảng dạy riêng cũng như quyết định về mối liên hệ giữa giáo viên và học sinh theo một phương cách tốt nhất. Giờ đây nếu ông không đồng ý thì … xin lỗi …

- Tôi không đồng ý.

- Tôi khuyên ông là về nói chuyện với con gái ông. Trong trường của tôi, đơn giản là mọi học sinh phải tuân theo nội quy.

- Nếu nó không tuân theo thì sao?

- Bắt buộc chúng tôi phải áp dụng những bước tiếp theo.

- Sơ làm theo những phương pháp của sơ, còn tôi thì nhất định sẽ chống lại bằng mọi cách những bước của sơ.

Tháng Chín.

Làn mưa che khuất hẳn rặng núi phía xa, con dốc hoà lẫn với lớp sương mù dầy đặc. Những nhánh củi cháy lách tách trong lò sưởi toả ra làn ánh sáng mờ ảo nhưng ấm áp. Người đàn bà khẽ rùng mình:

- Tôi vẫn tự hỏi là không biết nơi đây có giống như nơi nào khác trên thế giới này không.

- Cô có quen thuộc chỗ này không?

- Có chứ. Tôi lớn lên tại nơi gần chân núi kia. Bây giờ ông không thể nhìn thấy nó được.

- Vì thế cô chọn nơi này.

- Không hẳn là vậy. Tôi đang nghỉ hè ở đây.

- Người thân của cô vẫn sống ở nơi đó chứ.

- Không, tất cả đã qua đời. Lâu quá rồi, nhưng tôi vẫn còn vài người bạn sống ở đó.

Cô ta nhấp một hớp rượu, xoay vòng chiếc ly rồi để trước trán, mắt nhìn qua ông ta về phía làn mưa bên ngoài, về phía rặng núi xa tắp phía xa. Hố mắt sâu làm cho đôi mắt cô ta như lớn ra. Ngôi mặt trời mùa hè và những làn gió nhẹ như vẫn còn vương vấn trên làn da, trên đôi vai trần.

- Ông biết không, tôi thường tự hỏi nơi chốn này như thế nào. Vào những buổi chiều mùa hè tôi thường chạy ngang qua những cánh đồng ngoài kia, đi qua khách sạn, và đặc biệt là tiệm ăn này. Tôi không dám dừng lại, người ta nghĩ sao nếu mình dừng chân lại rồi ngó vào bên trong quan sát. Tôi chỉ dám đi chậm lại rồi đi thẳng về phía rặng núi, rồi tưởng tượng về một thế giới viển vông thôi.

- Tôi hiểu. - Người đàn ông gật đầu mỉm cười. – Tôi cũng thường tưởng tượng ra một thế giới khác phía bên kia ngọn núi. Nhưng khi đã được nhìn tận mắt thì mình thường thất vọng. Chẳng bao giờ giấc mơ thành sự thật cả.

Cô ta hớp một ngụm nhỏ rồi đặt chiếc ly xuống, lấy ngón tay kéo một đường trên mu bàn tay của ông.

- Nhưng đôi khi giấc mơ cũng trở thành sự thực. Từ lâu lắm, tôi có một giấc mơ nhỏ. Ngồi trong khách sạn nhìn qua những ngọn núi kia, tôi nghĩ có ngày sẽ gặp một người, nhưng không rõ mặt mũi người đó ra sao.

Môi chụm lại, hai mắt nhìn lên trần nhà, ông ta nói:

- Hay thật, gặp một người mà không biết người đó ra sao cả.

Cô ta nói lảng sang chuyện khác.

- Này Dennis, Sarah hồi này ra sao?

- Cũng ngại cho nó lắm, mình nói chuyện về nó sau. Feena, cô muốn tránh nói chuyện giữa tôi và cô sao?

- Ông không thấy ngọn lửa đang bừng bừng trong lò sưởi hay sao? Nó đang bốc cao lên tận trần nhà đó. Tại sao vợ ông lại bỏ nhà đi?

- Việc đó có quan trọng cho chuyện của mình không?

- Có chứ. – Cô ta lại dơ chiếc ly lên cao. Đằng sau chiếc ly, mắt cô ta được khuếch tán qua lớp rượu màu hổ phách.

- Một buổi chiều trở về nhà thì cô ấy đã đi, mang theo Sarah nữa. Tôi chờ suốt hai ngày, nghĩ là cô ta sẽ trở về. Rồi một buổi tối kia chuông điện thoại reo vang. Bà ta là hàng xóm, bạn với Mona. Lúc đó tôi đang ngồi ở góc phòng, nghe bà ta nói mà tôi run rẩy vì bị “shock” nặng, cảm thấy như có ai đấm mạnh vào mạng sườn, sinh lực như cạn kiệt. Không hề nóng giận, không tự thương hại mình, chẳng có gì cả mà toàn thân như bị tê dại. Vợ tôi, Mona, người mà tôi thương yêu đã phản bội tôi, đã có người đàn ông khác, họ dan díu nhau suốt cả năm mà tôi không hay biết.

- Tại sao lại không biết? Ít nhất ông cũng phải nghi ngờ chứ.

- Feena, tôi không bao giờ nghi ngờ cô ấy cả. Vả lại suốt ngày bận bịu với công việc. Trong khi tôi bận rộn thì cô ta ra ngoài với bạn bè, mà tôi lại thấy là không có gì sai trái cả.

- Rồi sao ông đưa Sarah trở về được?

- Tôi tìm ra Mona, cô ta đang sống với một gã tóc dài làm nghề tóc tại một nơi cách đây trên 20 dặm. Tôi vào trong nhà lúc đó vắng mặt cả hai người, bồng Sarah về. Từ đó chẳng bao giờ tôi gặp Mona nữa.

Người đàn bà cúi mặt xuống rồi nốc hết rượu trong ly. Cô ta chăm chú nhìn ông với vẻ tò mò. Vẻ mặt buồn rười rượi, mất mát, cô độc, vô vọng.

- Dennis, tôi hiểu tại sao cô ta lại có hành động như vậy.

- Ồ, cô biết à?

- Phải, Tôi nghĩ là tôi hiểu. Cũng giống như thế giới bên kia rặng núi vậy, chúng tôi là đàn bà, đó là một sinh vật lạ lùng, ông có thể gọi đó là loài tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, loài mơ mộng ngu xuẩn hay thơ mộng. Ví dụ ông đi tới phía bên kia rặng núi, giả sử ông không thấy những điều mong đợi, và giả sử ông biết là chẳng bao giờ tìm thấy …

- Feena, đời là thế. Điều mơ ước chẳng bao giờ tới thì mình hãy tự thích hợp với hoàn cảnh, sẽ làm hết khả năng của mình. Mình không còn bé nữa mà sẽ xây dựng lại. Em sẽ không chạy trốn nữa chứ. Xin lỗi, từ nay xin cho anh gọi em bằng em nhé.

- Em không biết nữa, Có thể đó là việc đúng. Trốn chạy thì phải có can đảm để tránh cho cuộc sống địa ngục khi mà cuộc đời chỉ là những khổ não.

- Anh thấy là yêu em.

- Em biết, em biết. Nhưng mà em sợ. Em hiểu cuộc đời của em hiện giờ và em cũng thỏa mãn với nó. Đừng bắt em phải giảng nghĩa mà chỉ xin chấp nhận nó. Rất đau khổ nếu dự định không thành và cuộc đời em chấm dứt. Em sẽ không còn chỗ nào dung thân. Anh không hiểu đâu.

- Không, cuộc sống sẽ rất đơn giản …

Tay của cô xoa nhẹ lên tay ông

- Em phải suy nghĩ chin chắn hơn. Khi nào em sẵn sàng thì sẽ nói cho anh rõ. Bây giờ anh gọi cho em thêm một ly nữa rồi mình về.

- Nhưng mà trời còn đang mưa.

- Có lúc mưa ngừng một lát. Đừng lo cho em.

- Nhưng ít nhất là anh đưa em về.

- Không, em thích đi bộ một mình. Hãy để em làm theo ý của em nhé.

Thái độ bất thường của Sarah làm ông ngạc nhiên. Nó gục đầu trên bàn, hai tay ôm mặt, hai vai hơi rung.

- Sarah, nhìn bố đây.

Hai mắt nó đỏ và ràn rụa nước mắt. Ông kéo chiếc ghế rồi ngồi bên cạnh:

- Con có muốn uống chút gì không. Một chút rượu vang nhé.

- Bố vẫn cấm con uống mà.

- Một chút cũng không sao. Có chai rượu dở trong tủ lạnh đó.

- Không, con không muốn uống.

- Vậy có gì nói cho bố biết nào. Sao con lại khóc?

Nó nhìn ông một lúc rồi khóc òa:

- Con thua rồi bố à. Con không chống cự lâu hơn được nữa.

- Con nói gì? Mấy đứa hàng xóm nó chọc ghẹo con hả?

- Không phải hàng xóm mà là cả bầy trong trường bà sơ đó.

Những lời nguyền rủa nho nhỏ thoát ra khỏi cuống họng của ông,

- Họ sẽ đuổi con ra khỏi trường. Con không chống lại họ được, bố à.

- Không thể được. Không thể làm thế được. Bố sẽ không cho họ làm như vậy.

- Không được đâu bố ơi. Bố đã đến trường nói chuyện với họ rồi. Không làm gì được đâu.

Hai tay nắm chặt, tiếng gầm gừ thoát ra khỏi cuống họng nghe tựa tiếng gầm của con báo.

- Con không nói với bố … Tại sao không bao giờ nói với bố nghe. Có phải là Mẹ bề trên cố tình gây khó dễ cho con không. Bố sẽ đưa bà ta ra toà.

Cô bé ngửng cao cổ lên, đôi mắt có màu đỏ.

- Không được đâu bố. Bố không làm gì khác được. Không phải hoàn toàn là việc họ đối xử với con. Bố ơi, con không muốn học ở trường này nữa, con muốn tới một trường nào khác

- Phải tranh đấu tới cùng con ạ. Quanh đây lại không có trường nào khác.

- Con có thể đi xa, tới một tỉnh nào khác. Con nghĩ là bất cứ trường nào khác cũng tốt hơn ở đây. - Cô ta nhìn thẳng vào mặt nguời cha. - Nhiều lý do khác nữa bố ạ.

- Đi tới nơi khác thì làm gì để sống? Không dễ dàng kiếm được việc làm đâu con ạ.

Đầu cúi gầm, cô ta trầm ngâm với câu nói của người cha.

- Có lẽ con cần một ly rượu vang. Bố còn nhớ có lần con nói về cô Bánh Xèo không? Cô ấy dạy lớp con và rất tốt. Thế mà … cô ấy bị đuổi rồi, cô ấy bị chuyển đi, sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa.

- Lạ thật. Bố cũng có cảm giác như vậy. Nét mặt lạnh lẽo của bà ấy nói lên điều đó.

- Bố biết gì nữa không, chỉ vài hôm trước con mới biết tên thực của cô Feena. Tên cô ta là Carroll. Sơ Seraphina Carroll.

Tháng Mười Một

Có mùi long não trong phòng đợi. Những dây mưa nghiêng nghiêng đập vào cánh cửa sổ nghe rào rào. Trên lò sưởi, một bình hoa giấy trơ trẽn. Không có dấu vết nào về mùa hè trên mặt cô ta nhưng dưới tấm vải che mặt màu đen và miếng vải trắng che trước trán, đôi mắt hiện ra sâu thẳm và ấm áp. Một ngọn đèn lóe lên trên con đường dài hun hút.

- Tôi muốn nói cho ông biết ngay từ đầu, nhưng ông lại nói ông có ác cảm về các bà sơ. Vậy bây giờ nói cho tôi biết, ông nghĩ sao về các bà sơ?

- Ồ, bỏ cái suy nghĩ của tôi đi. Khi cô thấy những việc xẩy ra cho tôi, cô không thể nói gì với tôi hay sao?

- Tôi muốn nói lắm, nhưng không phải là chỉ có mình ông, nó cũng xẩy tới cho tôi nữa. Tôi rất sợ, Dennis. Sợ là tôi sẽ mất ông vĩnh viễn.

- Seraphiana, tôi …

- Đừng, xin đừng, Dennis, hãy gọi tôi là Feena. Bức tường này có tai …

Dennis dang hai tay ra tỏ vẻ thất vọng:

- Nhưng mình đã mất nhau thật rồi, Feena.

- Xin cho tôi giải thích. Bây giờ ông đã biết tôi là ai rồi. Xưa kia, tôi là một đứa bé con một phụ nữ không có chồng và từ khi có trí khôn tôi không hề biết mẹ và bố là ai. Tôi sống dưới sự che chở của viện mồ côi và được các sơ chăm sóc khi chỉ mới được ba tuần lễ tuổi. Các sơ cho tôi ăn, săn sóc cho tôi và tôi rất yêu mến họ. Tôi vẫn nghĩ là trên đời này chẳng có gì thay thế được tình yêu thương của tôi đối với các sơ cả. Tôi cũng cho là lớn lên tôi cũng trở thành một bà sơ giống như bao nhiêu người đàn bà khác là có chồng có con vậy thôi. Chẳng có gì nghi ngờ về điều này cả, cho tới khi tôi gặp …

Họ chạy bên nhau qua cánh rừng. Những hàng thân cây bị đốn ngã rạp dưới thung lũng dưới kia. Dòng thơ lai láng của Yeats tràn ngập tâm hồn. Có con sơn dương mặc bộ kimono sặc sỡ màu tím. Mùi nhựa thông tràn ngập không gian như một nàng tiên đang rẩy nước hoa xuống trần gian và lớp lá khô dưới chân tựa tấm thảm xa hoa xứ Ả Rập đang nâng nhẹ đôi chân. Như một giấc mơ ...

- Tôi nghĩ là cuộc đời tôi đã được định sẵn cả rồi, cho tới khi gặp ông. Tôi thấy ông là một người đặc biệt, khỏe mạnh, có tấm lòng nhân ái và quảng đại. Tôi sợ hãi và cố xua đuổi ý nghĩ đó đi, nhưng lúc nào nó cũng bám chặt vào từng thớ thịt, len lỏi vào tận những ngõ ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn.

Cô băng qua con đường rồi tới cổng trường. Mớ tóc bồng bềnh trong làn gió nhẹ, hai tay và đôi chân được nắng hè nhuộm màu nâu nhạt. Ông nghe tiếng cười khi chạy ngang với cô, âm thanh lung linh, vang nhẹ vào hồn, điệu nhạc đó tựa như dòng nước mát tràn ngập vào từng nhánh nhỏ nhất của con sông đã bị nứt nẻ khô cằn từ bao năm nay.

- Em nói là em đã yêu tôi?

- Tôi đã nghĩ vậy. – Cô ta dơ tay ra như không muốn ông ngắt lời. – Tôi không phải là người đàn bà bình thường. Một bà sơ đã ba mươi lăm tuổi, biết rất ít về thế giới bên ngoài. Đó là cảm nghĩ của tôi và từ trước tôi chưa hề có một ý nghĩ như vậy. Tôi có thể đi với ông, dù cho sau này tốt hay xấu, giàu hay nghèo, … em rất vui mỗi khi anh dẫn em đi ra ngoài ăn tối.

Ông nhớ lại buổi tối đó cô mặc chiếc áo hở lưng. Sương đêm đã che phủ những ngọn núi phía xa và hạt mưa vỗ nhẹ vào tấm kính cửa sổ. Người thiếu phụ có mái tóc vàng, khuôn mặt thật đẹp và thông minh đang ép ly rượu trước trán. Ngọn lửa trong lò sưởi phát ra những tiếng kêu lách tách, chiếu ra những ánh sáng yếu ớt lên trần nhà và bốn bức tường.

Anh kể cho em nghe về người vợ bỏ nhà đi rồi những nghi ngờ bắt đầu. – Cô ta nói thật nhỏ. - Giả sử những dự định đó không thành, cho … em, cho chúng mình. Em không thể nào sống được với những mơ mộng bị vỡ tan. Có thể là em sẽ phải bỏ xứ mà đi thôi. Nhưng … đi đâu bây giờ … đi đâu … Dennis? Rồi sẽ làm được gì đây? Một bà sơ ra đời làm được cái gì ngoài việc dạy học? Mà ai sẽ mướn em đây? Chắc là anh cũng hiểu cho em.

- Nhưng mà tình yêu của hai đứa mình …

- Em nghĩ thật kỹ trong nhiều tuần lễ. Em nói dối anh khi nói là em đang nghỉ hè với bạn bè. Em suy nghĩ thật nhiều rồi cuối cùng em nghĩ là luôn luôn là một bà sơ thì tốt hơn. Dennis, xin anh đừng khổ khi em nói ra điều này. Em phải có một quyết định cho cuộc đời của em.

- Như vậy mọi việc đều chấm dứt từ đây?

Cô gật đầu rồi quay mặt đi, dòng nước mắt chẩy dài xuống hai gò má. Bên ngoài những giọt nước mưa đập nhẹ vào tấm kính cửa sổ cộng thêm tiếng xào xạc của lá khô cháy trong lò sưởi. Một lúc sau, ông buồn bã nói:

- Anh sẽ không bao giờ gặp lại em nữa.

Bây giờ đôi mắt cô thật hiền, thật ấm áp:

- Không ai trên cõi đời này mà em có cảm tình như đối với anh cả. Thời gian mình gặp nhau sẽ in sâu đậm mãi trong tim em, như thể em trải qua một cuộc du lịch dài, đi qua một hòn đảo thật đẹp, có nhiều hoa thơm cỏ lạ. Em đã có thật nhiều giấc mơ, có những cảm nghĩ thật lạ lùng cũng như những xúc cảm mà trước đó chưa từng có. Nhưng mà em phải trở về với thực tại, trở về với thế giới riêng của em. Dennis, anh hứa là sẽ tới thăm em nhé. Mình sẽ là bạn tri kỷ của nhau. – Tiếng cười nhẹ của cô tựa như tiếng chuông vui làm căn phòng ấm áp hẳn lên. – Ý nghĩ lạ lùng của bà sơ phải không, Dennis?

Bên ngoài một tiếng chuông vang vọng lại.

- Tiếng chuông báo buổi lễ sắp bắt đầu, nhưng đó chỉ là hiệu báo lần thứ nhất, mình còn vài phút nữa. Hồi này Sarah ra sao rồi?

- Thật là phiền. Nó rất ghét trường này.

Cô ta đứng dậy, hai tay dấu trong hai ống tay áo rộng. Nhìn hình ảnh của cô trong dáng điệu một bà sơ như thế này làm ông suy nghĩ vẩn vơ.

- Anh có thể gửi nó tới đó học được mà, Dennis. Đó là một trường tốt, anh cũng quen với cô hiệu trưởng ởữ đó nữa.

Ông ngạc nhiên đứng bật dậy:

- Gì, trường nào? Mà tôi có quen ai đâu.

Cô cười thật hiền, từ tốn nói:

- Họ không chuyển em đi đâu xa khỏi tỉnh lỵ này. Đã có lệnh từ trên, em được làm hiệu trưởng của trường đó rồi. Chắc là Sarah sẽ vui khi theo học ở đây, và tất cả các sơ cũng không cần phải dùng những tên giả nữa. Anh thấy sao?




VVM.08.12.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .