Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của cố danh họa Tạ Tỵ

HỠI LINH HỒN TÔI



             VI.


Đ ỗ lại quay lại với khúc phim quá khứ ở Đà Lạt của bản thân, câu chuyện thầm kín mà anh giấu hết mọi người, kể cả vợ con anh, bạn bè thân như Trương Đăng Lượng hay bay chung lên Đà Lạt là Voi chẳng hạn. Cũng hề hay biết. Cứ mỗi lần bay chung nhau lên Đà Lạt thì một mình Đỗ lại tìm mọi cách đến đó ngủ qua đêm ở một kiosque M.P.; nằm trên triền đồi con đường đầy hoa anh đào vào mùa xuân, đường đi lên, đi xuống dốc chợ, nơi đó mở đầu cho anh một đêm dài chăn gối đầy nhục cảm. Đỗ bước vào quan như khách bộ hành phiêu lãng, mặc dầu ngoài trời lạnh đậm, anh chỉ mặc một áo jacket không quân vừa ấm lòng, vừa đỡ bị cảnh sát hỏi giấy tờ phiền hà. Chỉ nhìn qua bộ vó mặc dân sự khoác jacket không quân là biết lính thời chiến. Đỗ để ý thấy một cô gái tuổi chừng mười lăm bưng ly cà phê ra cùng với gói thuốc lá Lucky . Ngay hàng chữ Lucky strike thì anh cũng đang đi tìm may mắn đó sao - bởi lẽ đời nhiều bất hạnh và giờ này của ngày này vẫn đi tìm một lucky strike. Mẹ cô bé chủ quán là thiếu phụ tuổi chừng trên dưới bốn mươi, không thể gọi là đẹp; nhưng qua lời ăn tiếng nói mặn mà, dễ bắt mắt khách đa tình. Bà rất tự nhiên ra ngồi cạnh đó ở một bàn bên trao đổi độ ba câu chuyện, nhân lúc chỉ có một mình Đỗ là khách. Nhìn biết quán không thuộc vào loại đông khách. Cứ như tình trạng buôn bán như thế này thì chưa chắc đủ sở hụi, tiền thuê quán, ăn uống sinh hoạt, tiền điện, nước, sinh hoạt buộc phải có tiền chi trả. Ngay câu chuyện bắt đầu đã rất tâm đầu ý hợp. Đỗ cũng không tự khai nhà văn, vì anh biết với người bình thường như bà hẳn không quan tâm. Đỗ bèn phịa ra là chủ một nhà in, Đỗ lấy ngay địa chỉ Nhà in Bùi Trọng Thúc toạ lạc tại 150 đường Võ Tánh, Phú Nhuận. Là nhà in quen, chủ Bùi Trọng Hựu rất có lòng với anh em làm văn chương. Ông từng cho Đỗ in chịu sách, phát hành sách xong mới trả tiền, mà lại trả tiền nhỏ giọt thì ông vẫn chẳng kêu ca gì. Nơi này cũng là nơi Thế Nguyên giới thiệu và chính anh từng in tạp chí: Văn Mới, ban biên tập có thi sĩ Diễm Châu, hoạ sĩ Phạm Kim Khải, đăng thơ Cao Mỵ Nhân... báo thuộc loại giai phẩm không giấy phép, đưa từng số nộp xin số xuất bản ở Nha Thông Tin. Thì ông Hựu chủ nhà in Bùi Trọng Thúc cũng cho in trước, phát hành xong trả tiền sau. Bà chủ quán M.P nghe chuyện Đỗ có nhà in ơ Sài Gòn hiện bị vợ bỏ, không ai chăm nom cơm nước săn sóc, và anh lại còn bận việc quân ngũ; thì bà thương hại ra mặt, muốn đưa bàn tay nội trợ đảm đang của bà vào cuộc sống của Đỗ ngay từ phút này. Bà cũng than van về tình trạng gia đình, bà là vợ nhỏ một ông tướng, nay ông cũng chẳng đoái hoài đến bông hoa đang nở đến cánh cuối cùng rồi. Người ta (Đỗ phải hiểu đó là ông tướng) vợ cái, con cột; chỉ thích thưởng thức đóa hoa mới nở mà thôi. Bây giờ bà lại thấy thương người chồng trước qua đời (chỉ cho khách nhìn thấy trên kia là bàn thờ nho nhỏ, trên bát hương, là tấm ảnh người chồng được lồng trong một khung kính treo trên tường) . Bây giờ, bà đã chuyển vị trí chỗ ngồi, đi sang bàn Đỗ ngồi đối ẩm tâm sự. Qua câu chuyện kể, bà cũng thuộc vào loại sừng sỏ trường đời cũng như trường tình ái. Và bà coi Đỗ như người bạn mới rất đáng tin cậy, có thể là cái phao mới đi vào cuộc đời bà, là nơi nương tựa lẫn nhau trong sóng gió trước mắt. Cảnh buôn bán ế ẩm như thế này thì bà sẽ phải bán miếng đất, theo như bà kể ở Du Sinh, rồi tìm cơ ngơi khác, như về sống ở Sài Gòn chẳng hạn. Nghe đến đây, Đỗ nhìn thấy mồi câu của anh đã được con cá đàn bà chủ quán bắt mồi, nên anh hỏi xưa bà từng là vợ tướng liệu nay có người lính bình thường yêu bà, liệu bà có bị mặc cảm tự ty không? Bà cười rất tình tứ, hở chiếc răng vàng lấp lánh, rồi lắc đầu quầy quậy:

- Chỉ cần một anh lính không quân trong bộ đồ bay chẳng cần mai vàng, mai bạc; thì em cũng thương hết lòng rồi!

Vừa lúc này, một khách mặc áo bay combinaison mầu ô liu, không lon lá bước vào quán. Chàng phi công này có huy hiệu phi đoàn trực thăng lại quen Đỗ, tay bắt mặt mừng thăm hỏi.

- Xin lỗi ông uống chi?

- Cà phê đen giống như chiến hữu tôi đây.

Ngồi xuống ghế, kéo thắt lưng có khẩu P38 lệch sang một bên và trò chuyện với Đỗ. Qua câu chuyện nói với nhau, bà chủ nghe được rằng hoa tiêu hỏi Đỗ có về Nha Trang không? khoảng mười phút nữa, anh lên Cam Ly bay về phi đoàn. Bà chủ nhìn sang phía Đỗ như tỏ lòng khâm phục Đỗ trả lời chiến hữu, hãy hỏi bà chủ quán có cho phép anh cùng bay về Nha Trang không đã. Và chiến hữu hoa tiêu hiểu ngay câu hỏi của bạn tán bà chủ thật tế nhị. Và cũng là nghề tay trái của không quân thường lịch lãm với phái đẹp, sẵn lòng làm đẹp lòng đàn bà. Hoa tiêu quay sang bà chủ quán hỏi:

- Thế chị có cho phép anh không? Chị gật đầu thì tôi mới dám rủ anh cùng bay về Nha Trang.

Bà chủ quán nở nụ cười rất tươi và Đỗ cũng không ngờ rằng bà cũng xử sự thật tế nhị. Bà đáp:

- Mời chàng phi công hào hoa ở lại ăn tối với chúng tôi, sáng mai bay về Nha Trang cũng chưa muộn mà! Chúng tôi đã cho mổ gà thết khách quí, vì anh là bạn của bạn thân tôi mong không chối từ.

Chàng phi công trực thăng chối từ ngay, với lời biện bạch rất bí mật quân sự thời chiến:

- Thưa chị, máy bay không thể để qua đêm ở phi trường Cam Ly, nhất là tình trạng chiến đấu hiện dau sôi lửa bỏng như hiện tại. Xin được gặp lại anh chị vào dịp khác.

Bóng chàng hoa tiêu xa dần quán, bà nhìn theo, nói với Đỗ:

- Không quân các anh như cà cuống chết đến đít còn cay. Anh có nhớ chuyện một phi công F5 ở Biên Hoà có người yêu ở Ấp Ánh Sáng, chỉ cách đây vài trăm thước. Một buổi vào khoảng tám chín giờ sáng, dân chúng Đà Lạt nghe thấy tiếng máy bay phản lực rú rầm trời. Chiếc máy bay phản lực F5 từ hướng Cam Ly bay thấp sát mặt đất, sẹt qua khu Ấp Ánh Sáng ném phong thư xuống. Thư chưa kịp rơi xuống đất, đã nghe một tiếng ầm. Thì ra phi cơ phản lực F5 đã cắt ngang ngọn cây ở bờ hồ Xuân Hương và lao xuống phía gần nhà Thủy Tạ. Dân chúng úa chạy tới túm đông, túm đỏ bàn tán xôn sao; sau được biết rằng chàng phi công tử nạn có người yêu ở khu Ấp Ánh Sáng đã hẹn nàng giờ đưa thư thả xuống tận nhà, Máy bay bay ở cao độ thấp quá thấp, không đủ thời gian và lực đẩy để kéo lên, nên phi công đành lao thẳng xuống hồ. Chắc anh không quên chuyện này chứ ?

Rồi bà gọi con gái đem khăn lông giục Đỗ đi tắm sửa soạn ăn cơm tối. Bà chỉ tay lên gác xép.

- Em ngủ trên này, cháu gái ngủ dưới nhà. Chúng ta có một đêm hàn huyên tâm sự. Vậy thì em cũng có ngưới chồng phi công hành quân lâu ngày, trở về nhà thăm vợ con, làm sao kể xiết bao nhớ nhung thân thiết!

Đỗ thật sự sung sướng, cảm động, tự nhủ lòng trước khi lên gác xép ngủ, anh sẽ xin phép được đốt nén nhang tưởng nhớ chồng cũ của bà. Và để tâm sự với ổng rằng “...Chúng ta là đàn ông dễ thông cảm, hiểu nhau, phải không ông bạn đã rửa chân sạch sẽ lên ngồi trên bàn thờ?”


Chương trình đi Huê Kỳ diễn thuyết văn chương vẫn trục trặc. Qua thư từ trao đổi với Paul Engle , giám đốc chương trình International Writing Program ở Iowa . Bác sĩ kiêm thi sĩ cho biết vé máy bay, tiền đài thọ ăn uống ở Mỹ đều do chương trình hội thảo văn chương quốc tế Iowa đài thọ; và chỉ cần có visa của toà đại sứ Huê Kỳ ở Sài Gòn cấp chiếu khán nhập cảnh là xong. Nhưng Đỗ nhận được thư của cố vấn văn hoá Toà đại sứ, ông Lincoln, đại diện đại sứ Bunker , trả lời cho biết họ không thể cấp chiếu khán nhập cảnh vào Mỹ cho Đỗ, cũng không đưa ra lý do nào cả. Và họ cho biết thêm, nếu Đỗ thấy cần thiết thì xin gặp họ tại sứ quán. Nhưng Đỗ cũng lờ mờ biết là họ vịn vào cớ hội thảo có nhiều nước Cộng sản tham dự, và nhất là trong tập tuyển thơ “We Promise One Another” in ở Mỹ vào năm 1971 do Don Luce, John Schafer, Jacqueline Chagnon sưu soạn gồm đủ ba thành phần chính trị có mặt: Hà Nội, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, Quốc Gia; thì thơ của Đỗ được in trong đó hẳn rằng Huê Kỳ liệt vào “loại văn chương đen” chống chiến tranh. Đỗ cũng biết qua loa về Don Luce, người Mỹ rất giỏi tiếng Việt, từng ký bút hiệu Đoàn Lân đăng bài trên tạp chí Trình Bày của Thế Nguyên. Anh chàng nhà báo tài tử này đã hướng dẫn các thượng nghị sĩ Huê Kỳ sang Sài Gòn thăm tù nhân chính trị bị giam ở chuồng cọp Côn Đảo vào năm 1970, gây dư luận báo chí thật ồn ào về việc Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Trong tuyển tập thơ ấy giới thiệu thơ Nguyễn Du, họ gọi là bậc thầy văn chương cổ điển, nguyên văn lời dẫn “an ancient master” : thơ Phan Chu Trinh, Nguyễn Đình Chiểu, rồi thơ Hà Nội: Xuân Thủy, Lưu Trọng Lư, Tố Hữu, Thu Bồn... thơ và lời nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, thơ Thích Nhất Hạnh, Nhất Chi Mai, đến thơ của Đỗ dài dằng dặc chiếm trên 18 trang tưa đề : 550 ngàn G.I. ở Việt Nam... Cuối hết là thơ Vùng Giải phóng: Giang Nam, Nhuệ Hà, Hồ Bắc... đề cập chiến tranh nội chiến, và thơ sinh viên học sinh tranh đấu ở thành thị miền Nam chống sự chém giết, nồi da nấu thịt cua Hoàng Minh Nhân, Thy Can.... Có cả thơ trong tù của Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh, Thép Xanh, Lê Giang, Thảo Giang, Cửu Long.. chỉ cần có một ít phương danh ấy trong tuyển tập thơ, thì bác sĩ thi nhân nổi danh Huê Kỳ là giám đốc chương trình hội thảo văn chương quốc tế kia viết thư riêng cho Đỗ; trong đó có một câu cuối show it to them... cũng chẳng ích gì? Bài thơ “550 GI ở Việt Nam” của Đỗ trước đã đăng trên tạp chí “Tenggara” của Viện Đại học Malaya được nhóm của Don Luce tự chọn đưa vào chẳng hề xin phép tác giả một lời, lại còn sửa chữ nghĩa. Chữ nghĩa đây, những từ được sửa đổi chính xác hơn, propre hơn, bảo đảm cho nội dung chống chiến tranh sâu sắc hơn. Cái khôi hài là không xin phép Đỗ một trong những tác giả, mà sách thì họ giữ bản quyền lại ghi rõ : “...We Promise One Another (poems from an Asia war), published by “The Indochina Mobile Education Project, Washington D.C. Copyright 1971” .

Đỗ nhơ lại bữa trước đi uống cà phê với Thế Nguyên, cuốn sách được gói kín trao cho Đỗ, với lời nhắn nhủ:

– Sách có in thơ anh, về nhà hãy đọc ...”

Anh cũng rất cảm phục, và cảm thấy thấm thía về thi sĩ Paul Engle có sự kiên trì của người phương Đông, ở chỗ ròng rã mời anh sang Mỹ trong vòng bốn năm mà cho đến nay chưa có kết quả gì. Hàng ngày Đỗ học Anh ngữ ở Staff Development Center trên dưới ba năm, qua lớp sáu cuối cùng; nhưng vẫn chưa đi, anh cứ fail on purpose được học lại, còn hơn phải đi làm hai buổi trong Bộ Tư lệnh Không quân. Bây giờ, anh không còn viết cho báo quân chủng Lý Tưởng nữa, và được chuyển sang làm báo học tập là tờ “Chính Huấn” , được gọi là cơ quan cổ võ sĩ khí chiến sĩ Không quân. Xếp Khải, một người chỉ huy rất khôn ngoan, chỉ nhìn vào một sự chịu đựng nổi nhà văn, nhà báo được đồng hoá vào quân chủng làm dưới lâu bền thế, thì ông đáng được tôn xưng rồi. Rất hách với thuộc cấp, bọn Đỗ thường gọi đùa là đốc phủ sứ , nhưng ông có trách nhiệm với anh em mỗi khi bị cấp trên khiền hoặc vi phạm kỷ luật quân đội, ông đưa vai gồng nhận lãnh. Gặp ông là nhìn thấy hàm răng trắng, đều tăm tắp cười rất tươi, và mỗi lần Đỗ xin phép đi thăm thú các không, sư đoàn không quân, cả lần Đỗ trình thư của bà Baker ở Trung tâm Văn hoá Mỹ giới thiệu đi học Anh văn, ông chấp thuận ngay. Ngoài việc đứng mũi chịu sào, Trưởng phòng còn là chủ nhà xuất bản, cho in cuốn truyện đầu tay Chết Non của tác giả Trần Văn Minh, in tập thơ “Đắc Khanh và Mầu sắc Quê hương” của Phan Lạc Giang Đông. Và xếp Khải lại còn là Tổng thư ký Hội Túc Cầu VN , chức vụ này giúp ông hướng dẫn cầu thủ bóng tròn đi đá giao hữu toàn các nước Đông Nam Á. Có đôi lần ông cử Đỗ ra giao dịch với hội này.

Bạn bè cũ xưa, nay ở trong KQ thường lại tìm Đỗ vào buổi sáng ở sở. Lần này là một đại úy, trưởng đoàn truyền tin gặp Đỗ thường ngoác miệng nói lớn:

- Ê mày Chính “lùn”, giả thử nếu mày qua đời thì con đường mang tên Nguyễn Mai Lâm gần Trường tiểu học Tân Sơn phải được nối dài để mang tên cậu em là Nguyễn Mai Chính.

Anh trai Chính, thiếu úy phi công Nguyễn Mai Lâm cùng khoá lái máy bay với tướng Kỳ, tử nạn trong một phi vụ, sau được đặt tên cho một con đường trong cư xá không quân, dẫy tư thất xếp Bùi Hoàng Khải. Chính là bạn học cũ từ Hà Nội, nên thường xưng hô vơi nhau mày, tao, bất chấp ở đâu; mặc dầu trong quân ngũ Đỗ hạ sĩ quan và Chính đại úy. Chính gọi điện thoại tới sở, nói oang oang:

- Chiều nay 16 giờ, may xin phép được thì đi Đà Nẵng với tao. Có chiếc Caribou bay ra ngoài ấy dự lễ kỷ niệm phi đoàn Phi Hổ 516. Mày có nhớ thằng này cùng học 6A2 ngồi bàn B ấy; Lê Bảo Hùng, anh ruột nữ danh ca Lệ Thanh ngồi đầu bàn. Riêng tao ngồi chót, mày nhớ ra chưa?

Nhớ, mà tao chỉ biết nó ở ngoài ấy thôi chưa gặp lần nào. Và hình như lớp 6A2 của tụi mình, ngồi cuối lớp, kể cả học thì độn sổ, đó là thằng Vượng cũng là KQ cùng Không đoàn giới tuyến, phải không Chính?

- Phải, Vượng là Liên đoàn trưởng Tiếp liệu. Và Nguyễn Tấn Định thì ở Yểm Cứ, và nhất là mày có muốn đi thăm bạn gái xa xưa của mày hiện là Trưởng phòng Xã hội Quân đoàn I. À nhân tiện đến thăm chánh văn phòng Tư lệnh quân đoàn. Mày tha hồ nói chuyện văn chương với cháu ông Nhất Linh, rôm rả vui đáo để. Cứ mạnh bạo xin phép xếp Khải rồi phôn cho tao nhé!

Nguyễn Mai Chính không phải dân làm văn nghệ, nhưng thằng bạn học cũ này rất văn nghệ tính, thích giao du với văn nghệ sĩ, lại biết sở thích riêng bè bạn, đánh trúng tâm lý mỗi khi muốn nói điều gì. Chính lại gọi phôn tiếp, giải thích:

- Sở dĩ thằng An mời tụi mình, bởi nó đã gọi cho xếp phi đoàn Caribou giữ mấy ghế cho tao và mày. Nhưng nó chu đáo quá đấy thôi, chứ lính không quân như tụi mình xin “pắc” đâu có khó khăn gì? Bay theo phi vụ bạn bè, kể cả cần giấy tờ thì đã có thằng Phát. (Chính muốn nhắc tới đại úy Phát, nguyên Trưởng trạm hàng Không quân sự Đà Lạt, nay về làm ở khối Không vận bên Tổng tham mưu) ; chỉ cần báo cho Phát trước một ngày có lệnh di chuyển ngay thôi. Mày đã xin phép xếp Khải chưa?

Về nhà báo cho vợ biết, đem theo handbag gọn gàng, Đỗ sang bên Đoàn truyền tin 295 cạnh ngay bãi. Từ Tân Sơn Nhất bay được gần một tiếng, trời bắt đầu mưa trên phi cơ, nhìn thao tác của xếp lái điều khiển có đôi chút khó khăn; nhưng khách ở trên bầu trời nhìn cảnh mưa bên ngoài không trung thì lòng cũng nao nao Trưởng phi cơ quay lại nói chuyện vói Chính:

- Thằng bạn thân của tôi, hoa tiêu Hùng cũng bay một chiếc Caribou chở tướng tư lệnh cảnh sát Quốc gia đi thị sát, máy bay bị rớt ở ngoài khu vực Nha Trang khi máy bay bay ở cao độ thấp. Tối qua, nó cùng tụi tôi binh xập xám trong phòng hành quân phi đoàn, nó thua sạch láng. Sáng ra thằng bạn mời nó cùng ăn sáng, nó lắc đầu không đói chẳng muốn ăn. Thằng bạn được bạc bảo nó rằng không ăn sáng thì làm sao sáng nay có thể bay được, vertigo đi đứt đó em cưng! Hùng nhoẻn miệng cười đâu nào dể thế em cưng! Khi được lệnh bay cho tướng Phong thị sát miền Trung , bay từ sáng sớm, bụng trống rỗng, nó vẫn “cày” cho đến trưa. Vốn tính khách khí, không được mời thì không ăn trưa, và nếu mời nó ăn lại phải mời nhiều lần năn nỉ nó mới ăn. Chiều lại tiếp tục bay, có thể vì đói lả, yếu sức rồi bị vertigo nên lao máy bay vào núi chăng?

Nghe đến đây, Chính mủi lòng thương cảm chiến hữu ra đi một cách “lảng xẹt” . Còn Đỗ nhớ lại một câu chuyện của một phi công lái chiếc DC3 khác thuộc Không đoàn 33 lái một VIP đi Vũng Tầu. Buổi trưa sĩ quan cận vệ theo VIP quên mời anh lái máy bay ăn trưa, anh cũng khách khí như trung úy hoa tiêu Hùng bị lả đi, nên khi gạt cần để bốc lên phi đạo kềm không nổi, mất thang bằng lao xuống bãi cỏ nằm ngoài phi trường. Cũng may là vậy, nếu máy bay lao vào vòng đai phi trường đầy dẫy mìn claymore; hẳn toi đời chàng lái kể cả VIP rồi. Sau đó chàng hoa tiêu nói đùa tại quên ăn trưa nên mới sinh ra cảnh tức cười này. Sĩ quan cận vệ hốt hoảng thở phào, nói với phi công đây thật là một kinh nghiệm đầy quí báu trong đời làm cận vệ, Từ nay người được mời cơm đầu tiên trước cả VIP phải là phi công lái máy bay. VIP sau khi thoát khỏi tai nạn, nhìn thấy trên vai áo combinaison chỉ thấy có hai hoa mai vàng; thì ông nhắc cận vệ rằng lần này về đến nhà phải nhắc ông báo cho Tư lệnh Không quân và Khối Quân vận Tổng Tham Mưu; từ nay hoa tieu lái máy bay cho VIP phải từ cấp đại úy trở lên mới có đủ kinh nghiệm, lại bớt sốc nổi vặt như hoa tiêu trung úy này khách khí không ăn cơm trưa, suýt gây tai nạn tử vong cho VIP.

Dầu thời tiết xấu, tối hôm ấy Mai Chính và Đỗ đến Đà Nẵng an toàn. Bình An, Đức Tự đưa xe díp đón hai người ngay ở parking . Vẫn chưa ngớt cơn mưa ban chiều, gặp nhau, phi công Tự nói ngay:

- Tụi này đọc bài của ông Đỗ viết về cái chết của phi công Duy Mỹ, mà sao ông không nói rõ hơn Mỹ chết về bệnh tật gì? Hay là không muốn nói đến lý do cái chết thật lảng xẹt phải vậy không? Hoa tiêu không chết vì phi vụ, song kẻ gây sự chết chóc lại là bệnh do phụ nữ gây ra, như vậy chẳng khôi hài lắm sao? Cũng giống chuyện khôi hài kể về phi cơ và phi công ấy mà! Ông nhà báo có nghe chuyện này chưa nhỉ?

-Chưa, xin ông kể cho nghe tiếp.

- Trong vòng mười năm nữa, Không quân chúng ta sẽ đào tạo nữ phi công. Có nghĩa là gặp người nữ đẹp, sẽ phải đặt câu hỏi: Em ơi em có thích “lái phi cơ” không cô em? Nếu cô em trả lời: “... Em chả thèm lái phi cơ.

-Vậy cô em thích lái cái gì bây giờ?

- Em chỉ thích lái phi công thôi.

- Vậy thì được lắm, nhưng em có biết sự khác biệt giữa phi cơ phi công không?

- Anh lại đía nghề rồi.

- Cái đó nghề của chàng mà!

- Thế thì anh giảng cho em hiểu kỹ hơn đi. Em nói thì nói thế thôi, chứ em chẳng biết phi cơ và phi công khác nhau như thế nào đâu?

Giọng hoa tiêu nam hùng hồn giảng:

- Dễ thế mà không chịu hiểu. Có sự khác biệt dễ thấy thôi. Lắng tai nghe này: “Phi công càng lên cao, nó lại càng lớn; trái lại phi cơ càng lên cao lại càng nhỏ xíu đi...”

- Xin lỗi anh cho chửi thề một câu: “... Tổ cha cái nghề của chàng phi công xạo sự”.

Đỗ trả lời Tự:

- Biết rồi! Tôi trả lời câu hỏi đầu tiên mà phi công Tự hỏi về cái chết của Duy Mỹ đã nhé. Hoa tiêu Mỹ chết được vinh thăng thiếu tá vì bệnh của người nữ xin “được học lái phi cơ qua trưởng phi cơ Duy Mỹ chứ gì? ” Có đúng hay là sai hở ông Tự?

- Đúng một trăm phần trăm.

- Vậy thì nhà báo kể nốt phần sau đi.

- Lúc đau hoa tiêu Mỹ lâm bệnh. Bác sĩ thiếu tá Du chữa mãi bệnh không thuyên giảm, sau tìm ra bệnh thì quá muộn nên “phi công Mỹ ra đi trước phi cơ chứ gì?” Tôi có biết đủ sự kiện, sở dĩ chưa viết hết ra sự thật về cái chết này; bởi lẽ cái chết của Duy Mỹ làm run tay cho người thắp nén hương cho “những người chết trẻ”.

- Vì thế nên nhà báo mới viết một bài khác về nhà văn phi công đăng ở báo dân sự, phải vậy không?


...... CÒN TIẾP ....




VVM.08.12.2023-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .