Viết tặng hai em Đặng Thị Diễm và Đinh Hương.
T ại vùng Aube, nơi tôi đang cư ngụ, hằng năm vào cuối hạ , lá những cây khoai tây , cây hành tây đổi ngả sang màu vàng uá báo hiệu cho mùa thu hoạch cuả các nhà nông ... sau khi qua hệ thống máy chọn, những củ khoai tây hoặc hành tây nhỏ dưới tiêu chuẩn bị vứt bỏ... Ông Ý, gọi tắt như thế vì ông là người Ý đại lợi , nhà nằm ngay cạnh nhà tôi , sau khi đi nhặt hành tây hoặc khoai tây ở đâu đó về , mang sang cho tôi hai , ba túi khá nặng khoảng chừng dăm bảy ký lô .
Nhận qùa cuả một ông già 76 tuổi đi lượm từng củ một lại về cho tôi thật vô cùng áy náy . Tôi dò hỏi ông lượm ở đâu thì ông lắc đầu trả lời rằng phải có người dẫn đường vì nơi đó nằm khuất sau một cánh rừng sồi mà đường đi lại rắc rối nên khó có người biết được. Trả lời tôi xong, ông cười cười hẹn tôi năm tới ... nhưng đã mấy mùa thu trôi qua, tôi vẫn chưa được "tham dự cuộc hành quân" truy tầm khoai và hành, ... Tôi ấm ức nghĩ nếu tôi đừng đem cho chiếc xe Renault 5 cà-rịch cà-tang của tôi thì tôi sẽ chạy "thám thính" vài vòng, nhất trí thế nào cũng tìm ra địa điểm.
Năm Đó :
Chuông cổng reo .
Tôi vén màn cửa sổ phòng ăn nhìn ra cổng ra vào ngoài sân thì vừa đúng lúc, trên lối ra vào, ông Ý đang quay lưng đi ra. Cùng lúc, tôi nhận ra hai bao nylon đầy ắp hành tây và khoai còn dính đất mà ông để tựa vào một bên cột cổng .
Tôi ngẫm nghĩ giây lát rồi mở cửa đi ra, mang hai bao ny-lông khoai hành sang nhà ông trong lúc đó ông hàng xóm già của tôi đang lom khom trải những củ hành trên một tờ báo . Ngước nhìn tôi ông có vẻ ngạc nhiên , nói :
- Phần cuả cô đó !
Tôi để hai bao nylon bên cạnh mớ củ hành mà ông đang sửa soạn , mĩm cười đáp :
- Năm nay tôi không nhận đâu. Ông hứa mấy năm rồi mà ông lại vẫn quên tôi !
Ông cười hề hề :
- Sáng nay có hai người bạn đi cùng nên tôi không gọi cô , thôi đem về trải ra phơi đi !
Tôi gặng hỏi:
- Ông có đi lượm nữa không ?
Ông gật đầu :
- Sáng chúa nhật đi lễ nhà thờ về ... chừng 11 giờ . Tôi gọi cô nhen ! đem về đi !
Đặt túi khoai tây xuống đất, tôi định trút túi hành cầm trên tay lên tờ báo thì ông đưa tay chận lại :
- Cô làm gì vậy ?
- Chúa nhật tôi đi với ông mà ! chào ông nhen !
Ông lắc đầu, cười nhìn tôi :
- Hẹn cô chuá nhật , chào cô !
Và thế là tôi lại phải xách hai túi hành, khoai về nhà.
Mảnh đất trước sân nhà ông chỉ nhỏ chưa bằng một phần tư sân vườn nhà tôi, một bên ông tráng ciment cho xe ra vào garage bên phía nhà tôi ngoài 3 cây hồng cuả bà vợ ông thì phần còn lại là vườn rau. Khu vườn nhà tôi, ngược lại, là một sân cỏ xanh viền quanh bởi những cụm hoa đủ loại cho bốn mùa "trăm hoa đua nở". Rau Việt nam thì được trồng cẩn thận trong mấy chậu lớn vì khi trời vừa trở lạnh là tôi mang vào nhà , chỉ có cây bầu hoặc cây su-su được dành ưu tiên ở sân sau cho bò tự do lên ... mái nhà .
Nhiều lần ông Ý bảo tôi :
- Cô xới đất phiá bên trái cho thật nhuyễn, thêm vào mấy bao phân ngựa, tôi sang trồng cho cô mấy cây cà - chua ...
Tôi mỉm cười trả lời ông :
- Cám ơn ông ... hạ giọng thấp vưà đủ nghe .... ông chồng tôi rất yêu "hoa"..... nhất là "hoa biết nói", tôi mà nhổ hoa đi thì có chuyện lớn đấy !
Hiểu ý tôi ông cười lớn :
- Cô vui thật !.
Cứ vào cuối mùa Thu là ông xới đất trồng rau lên mềm nhuyễn như bột, không một cọng cỏ dại để đầu mùa xuân ông gieo một loại rau nhỏ như cải xanh, bà vợ ông bảo tôi là giống rau cuả xứ bà, rồi tuần tự sau đó là salade, ớt tây, đậu "cu-ve" , cà chua. Ông trồng thật thứ tự ngay hàng như những đường kẻ thẳng trên tờ giấy , mỗi cây cà chua có một chiếc cọc để nâng những cành triũ nặng trái , đợi màu cà đỏ thẫm ông mới hái giao cho bà vợ để xay nhuyển làm sốt (sauce) theo cách thức của người Ý sau đó cho vào lọ tích trữ ăn quanh năm . Bà vợ ông Ý kể thêm: từ ngày về hưu ông ấy thuê một mảnh đất hơn 500 mét vuông rồi trồng đủ loại : tỏi, hành củ, mướp, cà chua, đậu trắng để già tách lấy hạt ...
Khi nghe tôi hỏi ông nhà có hai vợ chồng già mà ông trồng nhiều như vậy ăn sao hết thì ông trả lời là để cho con, cháu. Nhưng thực tế, thì ông chỉ có duy nhất một người con trai và hai đưá cháu không ở chung nhà. Ông cười cười nói tiếp: cho bà con, bạn bè ở chung cư không có đất trồng trọt vả lại cày cuốc vận động như làm thể thao, tốt cho sức khẻo !
Thật như vậy, vào mùa có quả, mỗi sáng ông lái xe đi chăm sóc vườn rau về là gọi tôi để đưa mấy trái cà chua hay vài quả mướp to như những quả bí xanh. Đôi khi vừa thấy tôi ra cổng, ông nhổ cây salade còn ướt đất bên vườn ông rồi bảo tôi cầm lấy và nhắc tôi khi nào muốn ăn rau gì thì cứ nói với ông, ông sẽ hái mang về ...
Phần chúng tôi thì cũng chỉ giúp ông vài việc nặng mà ông không làm được một mình như khiêng chiếc truyền hình từ trên lầu xuống phòng khách hoặc đỡ chiếc máy giặt cũ của ông lên xe cho ông mang đi liệng ...
Có lẽ vì cùng hoàn cảnh phải sống xa quê hương, thiếu tình bà con họ hàng, thiếu ngôn ngữ dân tộc... nên gia đình tôi và ông bà Ý gần gũi nhau ...
Đúng như lời ông đã hứa, sáng chuá nhật sau khi đi nhà thờ về ông thay bộ veste bằng bộ áo quần làm vườn , sang gọi tôi , ông chồng tôi ở nhà vì có người bạn làm việc chung cuả ổng vưà phôn báo muốn gặp , tôi bực tức nói :
- Sao anh không từ chối ? hẹn buổi chiều không được sao ?.
Ông chồng tôi nhẹ nhàng đáp :
- Anh có nói anh đi lượm củ hàng , nhưng anh ta bảo cần gặp anh gấp chừng mười phút rồi đi Paris !
Vừa lúc đó một chiếc Opel ngừng trước cổng, đúng lúc ông Ý lớn tiếng gọi :
- Bà Vu xong chưa ?
Tôi đi nhanh ra cưả đáp lại :
- Vâng tôi tới ngay !
Ông bạn mở cửa cổng chào tôi :
- Chào chị , chị khoẻ không? tôi gặp anh Vũ môt tí rồi đi ngay !
Tôi cố giữ giọng bình thường :
- Chào anh Duy, mời anh vào nhà, anh Vũ đang đợi anh đấy , tôi phải đi ngay vì ông hàng xóm đang chờ , chào anh nhé !
- Vâng chào chị !
Ông Ý lái xe chạy trên những con đường làng nhựa đen bằng phẳng , hai bên những ruộng bắp thân và trái màu vàng khô như cây chết chờ ngày hái đem vào kho nuôi gia súc , thỉnh thoảng chen vào những cánh đồng hoa hướng dương với gương mặt tròn đầy hạt đen bóng đang cúi mặt nhìn đất tưởng nhớ thời thanh xuân đã qua vớí những đóa hoa vàng rực chạy đuổi ánh mặt trời !.
Được chừng gần nửa giờ đồng hồ ông Ý lên tiếng :
- Sắp tới nơi rồi, qua khỏi ngọn đồi nhỏ này, quẹo trái ...
Tôi tưởng tượng những củ khoai , củ hảnh nằm rải rác trên mặt đất vừa được gặt xong , tôi phải khom lưng nhặt ... tối nay lưng tôi tha hồ mà rên rỉ !.
Đúng như lời ông Ý, nếu ông không đưa tôi đi thì khó mà biết điạ điểm nầy , xe quẹo trái vào một con đường đất nhỏ không bảng tên, tôi hiểu nơi nầy của tư nhân , chạy một đoạn lại quẹo mặt vào con đường mòn dẫn đến một khu rừng ngập bóng mát , qua ngang khu rừng : hiện ra một cánh đồng mênh mông , vài chiếc máy cày đang chạy tới chạy lui kêu "ành ạch" như sắp hết hơi .
Không như tôi nghĩ . Những củ hành, củ khoai như những đống rác , nếu nói văn chương một tí thì như những "ngọn đồi thấp... ở Đà lạt cạnh Hồ Xuân Hương .
Một số xe hơi đủ loại đang đậu, tôi nói với ông Ý:
- Xe Mercedes , BMW, Audi mà cũng đi lượm củ hành kìa ông !
Ông nhún vai :
- Thời buổi khó khăn mà !
Ông cho xe chạy gần lại đậu nối đuôi sau những chiếc xe kia rồi tắt máy . Tôi xuống xe phụ ông lấy "đồ nghề", nhưng ông chỉ cầm duy nhất cái sô bằng nhựa , còn bao bị ông để yên trong xe , tôi thắc mắc hỏi :
-Ông không mang bị à ?
- Lượm đầy sô rồi đổ vào bao nầy ! vưà nói ông vưà mở rộng miệng một chiếc bao ra ..
- À , đúng là mình không có kinh nghiệm ! Tôi tự nhủ.
Vài người đàn ông đa phần lớn tuổi , duy nhất có tôi là đàn bà , với ánh mắt tò mò họ cất lời chào, theo tập tục Tây phương , gặp nhau là "bonjour" không cần quen biết . Ông Ý và tôi đáp lại và quan sát thấy rằng mỗi người cầm một cái cây như cây gậy nhưng đầu cây có 3 cọng sắt cong quập, họ bươi bươi như chân một con gà mẹ quẹt qua quẹt lại tìm thức ăn cho gà con, vì họ tìm những củ lớn , tôi lại học được thêm một điều nữa đúng như câu : đi một bước đàng học một sàng khôn .
Để đánh tan sự thắc mắc trong đầu những ông Tây , khi thấy môt ông già đi với một bà người Á châu , tôi cầm bị nylon, nói thật lớn cố cho những người đàn ông kia nghe :
- Tôi lượm khoai trước nhen ông Marino ! (tên họ cuả ông Ý)
Một ông khá lớn tuổi đưa cây cào lên chỉ tôi :
- Bà đến đống trong cùng, họ mới vưà đổ khi nẫy , tôi lượm xong vài củ hành nữa tôi sẽ tới đó đấy !
Tôi nghe rõ giọng hỏi ông Ý:
- Bà ta ...
Ông Ý tiếp :
- Người hàng xóm !
Tôi ngồi xuống đống khoai quay lưng về phiá họ .
Họ hỏi ông Ý đã đến đây lần nào chưa ? Rồi cùng kể tên những điạ điễm mà năm vừa qua họ đã đến nhưng năm nay dựng bảng cấm vào, rồi bắt sang chuyện làm vườn, thời tiết xấu mấy trái cà chua bị hư thúi, sang tiếp hoàn cảnh kinh tế vật giá leo thang .....
Tiếng bước chân người cùng câu hỏi :
- Có nhiều củ to không bà ?
Tôi vưà nhặt vưà đáp :
- Không nhiều lắm
Ông tiếp lời :
- Mọi năm bà nhặt ở đâu ?
- Lần đầu tôi đi nhặt !
- Nhà bà ở đâu ?
- Trong thành phố Troyes !
Ông nói tiếp không đợi tôi hỏi :
- Tôi ở Estissac ! cách đây hơn hai chục cây số !
Ngẩng lên nhìn, gương mặt chất phác cuả một ông Tây, tôi yên tâm , tiếp chuyện:
- Ông đến lúc nào vậy ?
- Tôi tới từ 9 giờ sáng, nên mới thấy họ đổ khoai ở đây !
Ông bươi bươi tìm khoai lớn , cào nhửng củ nhỏ sang bên . Phần tôi chẳng cần lớn nhỏ miễn là khoai là được rồi , cứ thế lấy cho vào túi , củ nhỏ rửa sạch nấu chín lột vỏ chấm muối và (bơ) beure ăn ngon hơn củ lớn nhiều bột ... Ông Tây lại lên tiếng :
- Bà người nước nào ?
- Tôi người Việt Nam !
- Bà sang Tây bao lâu rồi ?
- Hơn hai mươi năm !
- Bà có mấy đưá con?
Tôi cố gắng thản nhiên:
- 6 đưá .
- Bà có cháu chưa ?
Tôi hơi khó chiu vì sự tò mò của ông ta , nhưng cố giử lịch sự :
- 6 cháu , hai nội , 4 ngoại ! thế còn ông ?
Ông tự kể :
- Tôi có 3 cô con gái , 6 đưá cháu ngoại , môt cháu cố lên 8 ! một đưá ở Lyon , một đưá ở Bretagne ngày lễ hoặc nghỉ học mới có dịp về ! Chỉ có con bé út ở Paris về nhà thường xuyên !
Với giọng vui vẻ cuả ông , tôi không nỡ im lặng :
- Ông bao nhiêu tuổi mà đã làm chức ông cố rồi!
Ông cười hề hề :
- 78 tuổi , ở nhà quê mà . 60 năm về trước, đi làm lúc 16 tuổi , 19 lập gia đình .... Ông nhìn tôi hỏi :
- Bà làm việc ở đâu ?
- Tôi và chồng tôi về hưu được mấy năm rồi!
- Bà còn trẻ mà về hưu rồi à !
Tôi vưà cười với giọng chua chát :
- 65 tuổi rồi , trẻ hơn bà già 80 tuổi !
Ông nghiêm mặt:
- Tôi nói thật đấy , tôi tưởng bà khoảng chừng 55 thôi !
Tôi hạ giọng nhẹ :
- Cám ơn ông ! thế bà vợ ông bao nhiêu tuổi ?
Cây cào đứng một chỗ im lặng . Tôi ngước mặt , gương mặt ông thẫn thờ nhìn những củ khoai , ông thả cây cào nằm tưạ trên bụng , bàn tay phải giở cao chiếc nón , đưa tay trái lên vuốt vuốt những sợi tóc trắng lưa thưa trên chiếc đầu hói . Tôn trọng sự im lặng , tôi lượm tiếp khoai ...Và như một lời thở than, đủ cho tôi nghe :
- Bà ấy bằng tuổi tôi...bả vào nhà dưởng lão gần một năm ...
Tôi ngừng tay , nhìn ông thắc mắc :
- Sao bà ấy phải vào viện dưỡng lão vậy ?
Ông thở dài :
- Bà ấy mất trí nhớ !
Tôi hỏi cho thật rõ :
- Alzheimer?
Ông gật nhẹ đầu , tim tôi như tóp nhỏ lại :
- Viện đó ở đâu vậy ông ?
- Romilly.
- Cách nơi ông ở hơn 30 cây số ? Ông thăm viếng thế nào ?
Ông chậm rãi kể :
- Tôi đến thăm 2 lần một tuần ... mỗi lần gặp tôi bả cười hỏi trống : khẻo không ? Tôi hỏi lại bà , bà không đáp lại mà hỏi tôi có gì cho bà ăn không rồi không cần tôi trả lời, bà nhìn trời nhìn mây với đôi mắt vô định , tôi đưa bánh bà ăn ngon như một đưá con nít ... được vài ba cái ...bả bảo no rồi gói lại cần thận để dành cho 3 đứa con gái : Juillie , Marie và Nicole .. sắp về tới . Giọng ông Tây nghẹn đứt .... Dưới mắt tôi những củ khoai như đang biến thành màu vàng uá ...
- Bà biết không 1500 euros hằng tháng, xã hôi trợ cấp 600 còn lại 900 tôi phải trả !
Với một chút âm thanh bực bội , ông nói tiếp:
- Tháng 7 vưà qua tôi nhận đuợc giấy báo tăng lên thêm 300 nữa , tổng cộng là 1800 . Tiền hưu hai vợ chồng vưà đủ trả tiền bệnh viện .... mấy tháng nay tôi làm đơn xin trợ cấp xã hội thêm mà chưa thấy trả lời ... tôi đang xài dần tiền dành dụm để làm mai táng cho chúng tôi khi chúng tôi chết ...
Nhìn ông với ánh mắt dịu dàng tôi nói :
- Xin lỗi ông tôi vô tình nhắc đến chuyện buồn cuả ông .
Ông lắc đầu :
- Không có gì đâu bà, kể cho bà nghe , tôi cảm thấy hơi nhẹ người ! Suốt ngày một mình trong căn nhà chẳng có ai để nói, gặp bạn bè toàn đám già hỏi thăm vài câu ... rồi ai về nhà nấy ...
Tôi an ủi :
- Nếu ông thăm viếng và nói chuyện nhiều với bà, rất có thể giúp bà từ từ nhớ lại được!
Ông thắc mắc hỏi :
- Bà tin bệnh Alzheimer khỏi được à ?
Tôi lúng túng nhưng cố giử giọng bình thuờng :
- Khoa học tiến bộ lắm, ông cố giử niềm tin ... biết đâu chừng!.
Ông Ý gọi tôi :
- Bà Vu, xong chưa ? tới đây lấy củ hành !
Tôi lựa nhanh những củ khoai to trong bị để vào chiếc sô nhựa cuả ông Tây "đồng nghiệp tình cờ" nhưng ông đưa cây cào gạt ngang, tôi nói thật lòng :
- Tôi không thích củ to vì nhiều bột , thôi chào ông, tôi sang lấy củ hành nhanh nhanh còn về lo cơm trưa cho ông chồng tôi ... xin chúc sức khoẻ ông , và giữ vững niềm hy vọng nhen ông !
Ông buồn buồn đáp :
- Vâng cám ơn bà, chào bà .
Trên đường về ông Ý thấy tôi im lặng , lên tiếng hỏi :
- Bà mệt hả ?
- Không ông ạ.
- 1 giờ trưa rồi chắc bà đói hả ?
Ông lại hỏi tiếp :
-Bà định làm món gì ăn trưa nay ?
- Tôi nấu nước luộc (nui) nouilles cùng lúc hâm nóng lại món lưỡi bò hầm sốt cà chua mà tôi đã chuẩn bị từ hôm qua !
Nhìn những củ hành trong bị, tôi có ý định: làm hành phi cho các con và ông chồng mỗi người một hũ...... nghĩ đến lúc bào hành đôi mắt cay xé rồi nuớc mắt rơi lả lướt , mũi cứ hắt xì hơi liên tục tôi cũng hơi ngại ... nhưng đền bù lại là những ánh mắt rực rở niềm vui, những vòng tay xiết chặt làm tôi muốn nghẹt thở, những nụ hôn dịu dàng trên gò má cùng lời nói nũng niụ đầy ắp tình thương :
- Cám ơn mẹ ....
....................................