T ờ báo chỉ đọc mới được nửa vời thôi vì toàn là những tin tức rất thường ngày không có gì mới lạ: về thế giới là sự suy thoái kinh tế, thiên tai bão lụt, chiến tranh các nước với nhau, rồi thì nội chiến; phe nọ chống đối phe kia…v…v…còn trong nước cũng đầy dẫy tin lũ lụt; một nửa là do con người phá hoại, nửa kia là do tầng Ôzôn bị thủng bởi cái gọi là bị “hiệu ứng nhà kính”, nhưng cái “hiệu ứng nhà kính” thì cũng do bị sự phá hoại của con người đối với môi trường mà ra, nói chung thì bàn tay con người làm nên sự tàn phá cũng kinh khủng ghê gớm. Xem qua tin trong nước thấy sao mà người ta giàu quá, bị lừa tiền hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng cứ gọi là dễ ợt như con nít xé giấy làm tiền chơi nhà chòi… Chương trình ti vi cũng chán ngắt, thời sự với phóng sự toàn là nói nhiều và nói hay quá trời luôn, còn làm thì cũng như trò chơi con nít. Tìm đài có phim VN để đỡ phải đọc chữ phụ đề chạy nhanh như gió; nhưng mà phim nào cũng thấy nữ diễn viên diễn thì dở mà chỉ ưa khoe ngực khoe đùi, nam diễn viên thì tóc tai lúc nào cũng sùm sụp che hết vầng trán cần phải đưa ra, nhà nào trong phim cũng giàu quá xá giàu…rỗng tuếch, chán ngắt…
Không cái gì cho xong cái gì…nằm trên sô pha nghiên qua ngã lại, nhỏm dậy đi ra ban công đứng nhìn trời, quay vào bàn rót nước uống, hộp bánh Ritz hết sạch…chán quá đi; Toàn rên nho nhỏ cho một mình Toàn nghe. Chuông điện thoại với khúc nhạc sầu vang lên, anh nhanh tay mở máy nghe đầu dây bên kia có tiếng kêu:
- Alo, ông Toàn ơi, rảnh không?
- Ừa, rảnh lắm, có gì không Minh?
- Tôi đang ngồi uống cà phê ờ vĩa hè Hồ Con Rùa, ông ra đây với tôi nhé, nhanh nhanh lên.
- Ừa, chờ nghen.
Sáng nay trời hơi lạnh, mặc áo nào cho hợp với cái lạnh đến bất chợt với thành phố Sài Gòn đầy bụi khói của đủ mọi thứ xe máy, à có đây; cái áo thun tay dài hơi dày một tí của thằng em ở bên Mỷ gởi về cho, lâu rồi mà chưa có dịp nào được diện vào vì Sài Gòn thường nóng như đổ lữa, hôm nay trời hơi lạnh mà mặc nó thì quả là thích hợp…chà, vừa quá, đẹp quá, kéo tay áo cao lên tới cùi chỏ trông mình còn sang hơn cả Việt Kiều và còn trẻ hơn tuổi mình đang có. Già rồi mà chạy xe nhí nhảnh như con trai mới lớn, vèo một cái đã có mặt , dựng xe cũng nhí nhảnh không kém.
- Ông uống gì?
Toàn vuốt vuốt mái tóc hơi có vẻ điệu đàng một chút, đây là trung tâm thành phố mà, phải làm duyên làm dáng một chút dù mình là đàn ông và tuổi cũng đang xế chiều, nhưng nơi đây thiếu gì người đi qua kẻ đi lại kia chứ, khối con mắt nhìn vào.
- Cà phê sữa nóng. Hôm nay trời hơi lạnh…
Minh cầm muỗng quậy đều ly cà phê, than thở:
- Sao hôm nay tôi buồn quá ông à, tôi cần có ai đó rảnh rang ngồi với tôi…ông là thích hợp nhất.
Toàn cười; vẽ mãn nguyện:
- Tôi thì lúc nào cũng rảnh, tự mình cho mình về hưu non mà…có gì cần tâm sự chăng?
Minh nhìn những người đi qua trước mặt mình, sáng nay mọi người đua nhau mặc thêm áo ấm, đủ màu đủ kiểu; đàn ông, đàn bà, con trai, con gái dập dìu khoe sắc. Nếu đi một mình thì hơi co ro một tí cho có vẽ “trời sao mà lạnh quá”. Đi hai mình thì ôm sát nhau hơn để cho ấm. Không gì thích bằng khi trời SG bổng nhiên lạnh, hiếm hoi họa hoằn lắm mới được một ngày như hôm nay, không tận dụng để làm duyên, làm cho mình đẹp hơn những ngày nắng nóng thì thật là phí phạm “món quà” trời ban tặng.
Toàn hỏi lần nữa:
- Nói đi chứ, có gì mà kêu tôi ra đây?
Minh trầm ngâm một chút:
- Hôm nay Sài Gòn hơi lạnh, tôi muốn ngồi ngoài trời để thưỡng thức cái lạnh tự nhiên này, bổng dưng buồn quá, muốn tâm sự với ông.
- Ừ, dễ gì có được một ngày lạnh như thế này, tôi cũng muốn tâm sự với ông đây, ở nhà chán quá trời, định đi ra đường thì ông gọi cho tôi đó chứ, cũng may.
Minh hớp một ngụm cà phê:
- Toàn nè, lúc này… tôi làm sao ấy ông à, cũng đã một tháng nay rồi, lòng tôi nó cứ lửng lơ con cá vàng, buồn vu vơ, xao xuyến ngẩn ngơ…
Toàn cười ra tiếng, nói đùa:
- Ông đang…dậy thì chăng?
Minh cau mày:
- Bậy nào, ông và tôi hai đứa có hai thứ tóc trên đầu rồi, dâu rể đầy đủ dậy thì cái nổi gì chứ. Ông nghe tôi nói thật lòng đây; lúc này tâm hồn tôi sao mà kỳ quá ông à, nhìn người phụ nử nào cũng thấy lòng xao xuyến bâng khuâng…nhất là những người đàn bà phải đưa con đi học, hay xách giỏ đi chợ, thậm chí cầm chổi quét nhà, chỉ cần thấy họ đang làm một công việc gì đó cho chồng, cho con cho gia đình họ là lòng tôi rưng rưng, tâm hồn tôi xao xuyến lắm, rồi đêm về lại nghỉ ngợi lung tung.
Toàn lại cười lớn:
- Bộ vợ ông không làm những công việc nội trợ đó sao?
- Ngày xưa còn trẻ tôi phải chạy theo cơm áo gạo tiền, vợ tôi cũng thế, mấy khi tôi thấy vợ làm những công việc nội trợ, cứ giao hết cho mẹ tôi, ừ nhỉ, tại sao hồi đó lòng tôi không xao xuyến khi thấy mẹ đi chợ nấu ăn, cầm chổi quét nhà, mà tôi cho đó là một điều tất nhiên, bây giờ thì…
- Ông bị căn bịnh xao xuyến này đã một tháng rồi phải không? Có biết nguyên nhân không?
Minh không trả lời Toàn ngay mà trầm ngâm nghỉ ngợi, anh chợt nhớ ra một điều và nói:
- Ông à, lạ một điều là lâu lắm rồi tôi không có sự xao xuyến đối với vợ mặc dù tôi cố tìm đủ mọi cách, nhiều khi tôi nhờ vợ nấu cho tôi gói mỳ tôm, đơm cho tôi hột nút áo…thế nhưng tôi không có cảm giác gì cả, vậy mà chỉ cần nhìn chị láng giềng nhà bên tay phải xách giỏ đi chợ hay bà hàng xóm bên tay trái quét nhà, cô ở nhà đối diện ngồi mua mớ rau…là lòng tôi nôn nao xao xuyến, là tôi bâng khuâng cả buổi. Tôi thích nhìn và tôi lén nhìn họ làm một việc gì đó rồi tôi tưỡng tượng…ông Toàn à…
- Chà…bịnh này căng quá nhỉ. Nhưng vợ ông làm sao mà ông không xao xuyến nổi?
Lại suy nghỉ một lúc rồi mới trả lời:
- Thời gian sau này vợ tôi ưa theo mấy bà bạn đi thẩm mỷ viện sửa sắc đẹp tùm lum, sáng sáng đến trung tâm thể dục thể thao để tập thể hình cho eo thon ngực nở, lại còn chiều chiều tập tểnh đi học đánh Tenis. Cứ thấy đôi lông mày của bả xâm đen thui cong vòng, đôi môi bả bơm phồng đỏ chót, chiều chiều bả mặc quần sọt áo thun sát nách xách vợt đi chơi tenis, cặp đùi của bà ấy nổi gân, nổi gò, còn tay thì có ngấn có bắp mà tôi ớn lạnh. Ngày xưa mình không có thời gian dành cho bà ấy vì phải lo cho cuộc sống của gia đình, bây giờ thì bà ấy lại không có thời gian cho mình vì bà phải dành hết chút thì giờ còn sót lại cho tuổi về chiều của bà ta…tôi buồn quá ông à.
Toàn hớp ngụm cà phê cuối cùng còn trong ly, hôm nay trời đầy mây mù nên không có nắng, nhờ vậy Sg dù là ban trưa nhưng vẩn còn hơi lành lạnh, anh lơ đãng nhìn người đi qua kẻ đi lại, hôm nay nhờ trời lạnh nên người ta không có vẻ gì là bận rộn hối hả, những điều Minh nói làm anh nghỉ đến một nghịch lý đầy mâu thuẩn, anh nói suy nghỉ của mình cho bạn nghe:
- Ông này, tại sao phụ nử họ ưa đi sửa sắc đẹp quá nhỉ? Họ bơm môi cho phồng lên để được có đôi môi mọng đỏ nhưng nhiều khi đôi môi họ cứ thừ lừ trong ghê quá, đôi mắt cắt hai mí cứ bùm bụp như con đỉa nhỏ màu trắng nằm trên mí mắt, rồi đôi lông mày xâm đen thui cong vòng, một mai khi già thật là già, tóc bạc phơ lơ thơ còn vài sợi, lung còng chân run mà đôi chân mày vẩn đen thui, cong vút…trông kỳ cục. Tôi không thích phụ nử sửa sắc đẹp quá nhiều, ông trời đã dành sẳn cho mổi người phụ nử một nét duyên ngầm, một vẻ hài hòa riêng, cứ để tự nhiên mà lại hay…
- Ừ, thì mấy bà cứ đổ thừa là đi sửa sắc đẹp để cho mấy ông nhìn, nhưng từ ngày vợ tôi đi sửa sắc đẹp về, tôi ngại nhìn bà ấy lắm ông à, ngày xưa khi tôi cưới bà ấy vì bà ấy đẹp một cách tự nhiên với những gì trời cho có, bây giờ tôi cảm thấy mất đi hình ảnh của cô vợ thủa nào, buồn lắm ông ơi.
Hai người đàn ông tuổi hơn năm mươi ngồi tâm sự trong một sáng trời hơi lạnh, nhờ trời hơi lạnh mới có hứng thú để ngồi nói chuyện bên ly cà phê nóng vĩa hè, cũng nhờ trời hơi hơi lạnh nên mới bộc bạch cho nhau nghe nổi lòng mình.
Minh rót trà ra ly, kể tiếp:
- Hôm qua tôi thấy bà hàng xóm nhà phía bên tay phải xách giỏ đi chợ, tôi lẻo đẻo theo sau, cũng giã vờ đi chợ, nhìn bà ngồi lựa mấy con cá rồi trả giá, mặt mủi đơn sơ không son phấn dưới chiếc nón lá, lòng tôi nôn nao xao xuyến, tôi cũng ngồi xuống nhờ bà ấy lựa dùm mấy con cá, rồi buổi chiều thấy bà khác ở nhà đối diện đang cầm chổi quét sân, tôi tưởng tượng bên trong nhà ấy là sự ấm cúng ngăn nắp, tôi cũng xao xuyến…ông Toàn này, tôi không có ý đồ gì xấu xa cả, sự xao xuyến của tôi nó hoàn toàn thanh cao, chỉ là tôi mong muốn được như người đàn ông của họ, thế thôi. Ông có thể phân tích, giải thích dùm tôi: tại sao tôi lại bị như vậy không? Và làm sao để tôi không bị như vậy nữa.
- Bị cái sự xao xuyến không đúng chổ ấy à? Bây giờ ông về nhà và cố gắng làm quen với bộ mặt và con người mới của vợ ông, thế nào ông chẳng có được những sự xao xuyến đúng người, đúng chổ.
- Ông không cho là tôi bị biến thái chứ?
- Bậy nà, làm gì có, tôi nghỉ là ông đang muốn tìm lại hình ảnh đơn thuần của vợ ông qua những người đàn bà khác, những người mà chưa một lần sửa sắc đẹp.
- Có lẽ là như thế.
Toàn nói đùa:
- Cũng có thể là ông đang hồi xuân muộn đó nghen.
Minh la lên:
- Trời đất, ông giởn chơi sao.
- Nói cho vui vậy thôi chứ ở tuổi này thì còn hồi xuân cái gì nữa.Từ từ rồi ông cũng sẽ quen mắt với sự tân trang đổi mới của vợ, biết đâu lúc đó ông lại thấy bà ấy đẹp quá chừng và ông tha hồ mà xao xuyến.
Minh thở hắt ra:
- Đành vậy và cũng mong được như vậy. Cảm ơn ông đã ra đây nghe tôi tâm sự, à…mà bà xã ông có thay đổi… nghĩa là có sửa sang tân trang đổi mới gì không?
Toàn cười sãng khoái:
- Cũng may vợ tôi là người rất nhát gan, bà ấy sợ bị đau lắm, đến nổi con kiến cắn mà cũng sợ…nên vợ tôi “vủ như cẩn”.
Minh cảm thán:
- Cũng may cho ông và cho vợ ông nữa. Còn tôi thì…buồn quá.
Hai người chào nhau và ra về hai ngã, trưa lắm rồi, nắng vẩn chưa ló dạng vì mây vẩn còn dày đặc ở trên cao.
Toàn về đến nhà thì đã thấy mâm cơm bày sẵn trên bàn, nhớ đến lời tâm sự của Minh sáng nay, anh cảm thấy lòng hơi nao nao khi nhìn vợ lui cui lau bếp. Người đàn ông bình thường không khao khát điều gì cao xa lắm đâu, chỉ cần đôi bàn tay ân cần chăm sóc của người vợ là đủ cho lòng mình “xao xuyến” rồi.
Toàn nghỉ để hôm nào thuận tiện sẽ rủ Minh đi câu cá với mình, ngồi buông cần đợi cá may ra bớt đi những xao xuyến “ngoài luồng”, rất dể bị con cháu chúng nó hiểu lầm.
Ý định rủ Minh đi câu cá chưa thực hiện được vì đủ thứ lý do không đâu vào đâu, hẹn lần hẹn lữa mải và rồi quên luôn. Cho đến một buổi chiều chuống điện thoại reo lên bằng một khúc nhạc sầu, Toàn bấm máy:
- Alô, tôi…Toàn nghe đây.
Tiếng Minh ở bên kia đầu dây buồn rười rượi như muốn khóc:
- Ông Toàn ơi, vợ tôi nó đòi ly hôn, mình gặp nhau ở quán cà phê vỉa hè Hồ Con Rùa nhé.
Chiều hôm nay trời Sài Gòn nóng nực quá mà…