Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
     


CHUYỆN TÌNH CỦA AN




M ột hôm, An đang ngồi trong tòa soạn một Nhật báo, thì nhận được một lá thư, anh mở ra xem thì đó là một bài thơ, viết tay. Nội dung nói đến một người con gái buồn về chuyện tình duyên của mình, nên đã “vào tu viện” ở Bảo Lộc. Ký tên dưới bài thơ là tên một cung bậc trong ngũ cung (Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ). An chưa đọc bài thơ nào ký bút hiệu này. Tuy nhiên, bài thơ lại tặng cho một trong mấy bút hiệu mà An thường ký dưới những bài thơ đã in trên trang Văn Nghệ của tờ Nhật Báo anh đang cộng tác.Nếu không có mấy chữ này thì An không bận tâm từ đó đến nay.

“Từ đó” là một thời gian đã rất lâu, An không nhớ rõ năm nào, nhưng chắc chắn là trên dưới năm mươi năm, lúc đó An vừa đi làm vừa học để chuẩn bị cho kỳ thi Tú Tài, nếu đậu, An sẽ học Đại học Văn Khoa, đó là mộng ước của An. Học xong, An sẽ đi dạy, rồi cùng với dăm ba người bạn thân, An sẽ ra một tờ tạp chí Văn Học Thời Đàm.

Thế rồi, chính trường miền Nam liên tiếp xảy ra những biến động, xáo trộn và bất ổn. Đó là những năm 1963-1965. An cũng bị lôi cuốn vào cơn lốc thời thế này. Có lúc An tưởng bị “tiêu đời”, có lúc An ở vào vị trí khá cao trong làng báo của SàiGòn, (Tổng thư ký Tuần báo Diễn đàn Chính đảng (1971), thuộc Ủy ban Phối hợp Hành động Các Chính đảng). Ủy ban này được thành lập để chuẩn bị cho một thế chính trị, lúc đó đang được đặt trên bàn tại cuộc Hội nghị ở Paris (Pháp) giữa các bên trong cuộc chiến (1955-1975); có lúc anh là phụ tá đài phát thanh Sài Gòn (trong cuộc đảo chính Tướng Nguyễn Khánh, Thủ tướng chính phủ miền Nam lúc bấy giờ,diễn ra trưa ngày 19-2-1965) rồi nắm chức trưởng từ tối ngày này cho đến sáng hôm sau (20-2-1965), sau khi người trưởng của anh được triệu tập trở về Bộ chỉ huy của cuộc đảo chính, để tham dự một cuộc họp có tính quyết định về số phận của tướng Khánh. Ông phải ra đi. Đó là mục đích chính trị của Lực lượng Bảo vệ Quốc gia, phía tham gia cuộc đảo chính.Tinh thần của cuộc đảo chính đã đạt, cho nên người đứng đầu lực lượng này là Nguyễn Bảo Kiếm chấp nhận rút, để tránh xáo trộn và bất ổn thêm cho miền Nam. Sau khi tướng Thiệu nắm quyền, ông cho mở một phiên tòa xử tử hình khiếm diện Nguyễn Bảo Kiếm. Hình của ông được dán đầy khắp nơi ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Trong cuộc đảo chính này, tướng Lâm Văn Phát được lệnh mang một cánh quân lên chiếm phi trường Biên Hòa, dọc đường ông kéo quân trở lại Sài Gòn (Theo lời kể của người phụ trách Đài phát thanh đảo chính, có mặt trong cuộc họp đêm 20-2-1965 tại Bộ chỉ huy đảo chính).Về phần An, anh vẫn tiếp tục cho phát đi những bài có tính chiến lược của cuộc đảo chính suốt đêm hôm ấy, cho mãi đến sáng ngày 20-2, tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh quân Nhảy Dù, tiến vào đài phát thanh, hỏi nhân viên kỹ thuật đài: “Ai chỉ huy ở đây ?” Nhân viên này chỉ vào An nói : “Ông này”. An bàn giao lại cho tướng Đống, bảo nhân viên kỹ thuật đài ngừng phát đi chương trình của cuộc đảo chính.

Cũng từ năm đó, chiến tranh lan rộng, lính Mỹ và đồng minh dồn dập đổ vào miền Nam, thanh niên miền Nam được gọi quân dịch, An ở tuổi phải đầu quân. An quên bài thơ, quên người viết bài thơ mà có lúc anh tưởng là cô học trò của anh, qua nét bút.

Một lần, An đến thăm Thanh, người bạn đồng nghiệp với anh tại một tờ nhật báo nọ trước kia, tình cờ An nghe chị Thanh nói về cô học trò của anh, sau này cũng là học trò của chồng chị tại Trường Trung Học LBT. trên đường Trương Minh Giảng. Cô này buồn chuyện tình với một thanh niên nào đó (chị không nói tên) đã bỏ đi tu, vào một dòng tu ở Bảo Lộc, nơi người chị ruột của Thanh làm Bề trên.

Nghe xong chuyện, An không thấy có điều gì trắc ẩn, vì anh đã lâu không dạy học cô nữa. Nhưng An thắc mắc là tại sao chị Thanh lại đem câu chuyện của Xuân, tên cô học trò của anh đi tu, nói với anh, chẳng lẽ chị biết tình cảm giữa An và Xuân. Nhưng ai đã nói với chị chuyện này, nếu không phải Xuân, vì Xuân biết An và Thanh, thầy dạy học của cô lúc bấy giờ, là hai người cùng làm tại một nhật báo. Do đó mà Xuân(?) viết một bài thơ nói về nỗi lòng mình. Bài thơ có ý trách An khơi lại chuyện tình cũ của hai người làm chi, qua một bài thơ, mà chính An cũng không nhớ.

Tuy nhiên, An không biết chắc bài thơ gửi cho anh là của Xuân, vì cho đến bây giờ An cũng không biết tác giả của nó là ai. Qua bản viết tay, An chỉ thấy nó giống như nét bút của cô học trò cũ thôi. Ở đời có trường hợp nào hai chữ viết của hai người giống nhau không ? Khổ cho An một điều là, bài thơ này lại có hàng chữ :”Để trả lời…”, một bút hiệu cũ của anh.

Chẳng lẽ có một người nào đó yêu An mà dấu mặt, qua những bài thơ tôn giáo của anh thời anh mới viết ? Hoặc giả, người này, biết đâu chẳng phải là một gã đàn ông thông minh, đa cảm đa sầu, một kẻ thích đùa, giả danh một cô nữ sinh, buồn tình “đi tu” để trêu trọc An ?

Bài thơ có những câu rất buồn , đúng là tâm sự của một cô gái thất vọng về mối tình đầu chớm nở mà lại vội vã chia ly.Hơn nữa, nó ăn khớp với lời kể của chị Thanh.

Ôi ! những chiều Blao
Hoàng hôn ngả bóng
Ôi ! những chiều Blao
Sương phủ mịt mùng

Tôi đọc thơ anh;
Nỗi buồn cô đơn,
Niềm đau trẻ dại
Ngủ im trong quá khứ
Bừng dậy buổi hôm nay.

Nỗi buồn này
Ủ trong cuộc đời
Người đã vào tu viện
Anh ơi ! Anh, anh ơi !

Bước lên đồi cao
Nghe niềm đơn lẻ
Bước lên thềm đá
Thềm mòn phủ rêu
Nỗi khổ đau này
Do anh, do anh.

Riêng có bốn câu tiếp sau đó đã làm cho An ray rứt, cảm động mỗi khi anh đọc lại và nhớ về cái thời anh nhập vai đấu tranh, cho đất nước và tôn giáo. An không ngờ, một cô học trò nhỏ có một tâm cảm, một nhận thức tinh tế, mà theo anh, cái tâm cảm và nhận thức này đã đặt An vào một xã hội đang xảy ra những bất ổn, trong đó những kẻ nội thù, những nhà đấu tranh cực đoan tôn giáo, đang dùng những thủ đoạn tàn độc, những thế trận như “hàm mô công” của Tây độc Âu Dương Phong, phá nát sự yên lành trong dân gian, vốn vẫn là những con người khổ đau vì chiến tranh, nghèo đói, nô lệ, lao nhọc.

Khi viết 4 câu thơ này, tác giả của nó chắc đã thao thức, trăn trở nhiều về hình ảnh một gã thanh niên lẻ loi, cô đơn đang lao mình vào vận mệnh của một đất nước chông chênh, mà theo cô, gã đâu phải là con người của một đấu trường, những toan tính, những thủ đoạn khôn lường. Không, An chỉ là hình ảnh của một kẻ “Ôm mặt khóc”, khóc cuộc đời và khóc đời mình bằng thi ca (theo Thế Phong).

Gã người cô yêu sẽ trôi dạt về đâu trong trận chiến đang diễn ra trong tay những kẻ xuẩn động.

Đời sống nổi loạn
Anh trôi theo giòng ?
Đời sống lường đao
Anh ngược giòng không ?

Đấy là hình ảnh người nữ tu thứ hai xuất hiện trong cuộc đời An từ mấy năm đầu của thập niên 60, thế kỷ 20. Còn người nữ tu thứ nhất, chỉ là một ý tưởng đột khởi trong tâm tư của anh qua một trong hai câu thơ chót của bài Người ôm mặt khóc. Câu tiếp theo sau đó, anh mô tả chính mình :

Trên kia tiếng hát nữ tu đơn điệu
Dưới này một người ôm mặt khóc.

Thơ của An trong cả hai tập (Người ôm mặt khóc và Tiếng hát khuẩn trùng) ra mắt trong một số bạn đọc được chọn lọc ở hai năm liên tiếp, 1963, 1964 (đều do Thế Phong ấn hành), là thế, phần nhiều trong các bài, anh đều buông một hai câu cuối thật buồn. Có lúc An nghĩ, viết như thế, nó có vận vào cuộc đời về chiều của mình không ? An không chọn lựa cách kết thúc một bài thơ như thế bao giờ. Anh bỏ câu kết tự nhiên.

Hai câu thơ trên đây, nói lên sự cách biệt. Một người ở trên kia, một người ở dưới này. Một người hát đơn điệu, một người ôm mặt khóc ! Không biết có phải là một điềm báo, một linh ứng, về cuộc đời hoặc là cuộc tình đích thực sau này của An ?

Nhưng đã ứng nghiệm vào An, sau 49 năm (Kể từ năm viết bài thơ, 1963, cho đến năm viết truyện này, 2012)

Còn người nữ tu thứ ba ? (Cách xa hai hình ảnh trên đúng 40 năm, từ năm viết bài thơ đến năm nhận được thư báo, 2003), An đã bàng hoàng khi nhận được lá thư từ xa báo cho anh: “Chị… đã vào dòng tu”. Từ giây phút đó, An mới nhớ lại câu thơ anh đã viết và bài thơ của cô học trò. Anh giật mình thốt lên : Sao thế này !?...Anh băn khoăn và lo lắng ngay từ giây phút đó. Phải chăng hai hình ảnh nữ tu kia đã nhập vào người thân của mình, để trêu ngươi và thử thách anh ! Bây giờ, hình ảnh nữ tu không còn phải là một ý tưởng chợt đến hay một ai đó có tính thích đùa, làm cả một bài thơ gửi cho anh, trách anh vô tình với một người con gái… mà cả hai người ấy, đã hoá thân thành một thân thể trinh nguyên, ngồi bên cạnh An, lặng lẽ khóc. Người nữ tu thứ ba này (xin gọi bằng tên thánh của nàng: Agnes, + 304) cũng chọn linh đạo của cùng một Hội dòng như trong bài thơ của cô học trò vào dòng tu ở Bảo Lộc.

Rồi có một ngày, An không nhớ, hình như là vào lễ Giáng Sinh, anh trở về thăm nhà, vì nhớ ngày còn nhỏ, anh đi bên cạnh mẹ và các chị, run rẩy trong chiếc áo len, đi lễ nửa đêm. An không sao quên được cái không gian lặng lẽ, êm đềm và thiêng liêng của một đêm thánh, đêm mầu nhiệm này… Khi lễ xong, mọi người ra về, An còn ở lại một lát với mẹ. Cho đến khi tắt đèn chầu, mẹ anh mới cầm tay anh đứng dậy ra về. Hai mẹ con An ra về trễ hơn mọi người. Vô tình điều này làm cho An thích thú trước sự vắng vẻ của đêm Giáng Sinh và khí lạnh của mùa Đông, trời mưa phùn, hay sương muối.Có lẽ từ những dịp như thế này, cũng như trong các giờ kinh ban chiều tại quê nhà, sau hồi chuông tắt lửa, nó như có một sức hút lạ lùng, một sự hấp dẫn khó mà nhạt phai đối với An. Chính vì thế mà An đã trở về thăm nhà thường là vào các dịp Giáng Sinh, Tết Nguyên đán hoặc vào mùa thu.

Một trong các dịp này, An đã gặp Agnes sau giờ kinh sáng.

Lại nhớ về những năm trước khi An rời xa quê nhà, cũng có đến gần bảy chục năm rồi. Lúc đó An được Cha xứ gọi vào Nhà chung ở với ngài, có thầy Kẻ giảng dạy tiếng La tinh, dạy giúp lễ, dạy hát bằng tiếng La tinh. Sau đó vài năm, ông thoát ly, dấn thân vào con đường chính trị, đầy phiêu lưu và hiểm nguy. Thời thế buộc ông phải lựa chọn con đường này, hy sinh con đường của bậc “Kẻ giảng” trong Giáo hội.Con đường ông vừa bước vào đang đặt ra trước lương tâm của mỗi Kitô hữu, là họ phải đối diện với một thế lực rất mạnh và tàn độc. Một khi thế lực này có quyền bính trong tay, họ sẽ có những biện pháp và hành động chống lại Giáo hội, mà ông thầy của chúng tôi vừa thoát ly nhà xứ, là những đối tượng phải khử trước tiên. Cho nên, những thành phần trong Giáo hội Việt Nam ngày đó phải chọn con đường bảo vệ Giáo hội, bảo vệ cả chính bản thân họ. Theo An, đó là một quyết định đương nhiên. Chỉ có điều, quyết định của ông đã ảnh hưởng đến giáo xứ, nhất là chúng tôi, các đứa em linh tông của ông. Sau ông thầy này, cha xứ cũng lần lượt gửi mấy anh em chúng tôi đi học ở Trường Hoàng Nguyên, nơi đào tạo các Linh mục. Tôi thuộc lớp cuối cùng, với giáo xứ cũng như với Hoàng Nguyên. Trước khi đi học, tôi được cha xứ giao cho các công việc trên nhà thờ, trong đó có một việc là trước khi thánh lễ buổi sáng sớm kết thúc, tôi phải ra phía đầu nhà thờ, bước lên bậc thềm trên cùng, đứng nhìn về phía mặt trời mọc.Vừa thấy vầng hồng rực rỡ nhô lên ở phía chân trời là trở vào ngay trong nhà thờ, nhìn lên đồng hồ quả lắc treo trên tường, xem lúc mặt trời mọc là mấy giờ, mấy phút, rồi trình lại cha xứ. Ngài căn cứ vào đó điều chỉnh giờ..

Sau này, lần nào trở về thăm nhà, An cũng vào nhà thờ dự buổi kinh sáng. Sau đó, đi ra phía đầu nhà thờ, viếng mộ một Linh mục, người khởi xướng công việc xây dựng ngôi thánh đường lớn hiện nay ở làng. Những cây hoa đại ở đây trút hoa và lá xuống đầy sân. An thấy nao nao trong lòng, nhớ dĩ vãng, nhìn trời ở quê, nghe tiếng chim quí hót trong rặng nhãn ngoài vườn, phía ngoài là ao cá, mặt nước lặng im, thỉnh thoảng mới có tiếng cá đớp bóng. Một không gian êm đềm, thanh tịnh. An làm sao quên được ! Nhất là, trong bối cảnh tuyệt vời này, An và Agnes thường gặp nhau ở đây, mỗi buổi sáng mai sau giờ kinh. Họ đi bên nhau, vai sát vai, tay trong tay, đôi khi ngả đầu vào nhau. Lặng lẽ. Có lúc An thấy Agnes mắt đẫm lệ, An không hỏi, tôn trọng trước một cõi lòng có lẽ nhiều u uẩn. An dẫn Agnes ra đứng ở bên hàng rào, ngăn cách sân nhà thờ, vườn nhãn và ao cá. Phía ngoài xa, có một vài bóng người đang ở trên ruộng trong làn sương mù. An lại dẫn Agnes bước lên bậc thềm, nơi ngày xưa An vẫn ra đây làm công việc xem mặt trời mọc.Họ ngồi bên nhau, đầu Agnes gục vào vai anh. Thấy nàng khóc, An lấy chiếc khăn len đang quàng cổ mình thấm nước mắt cho nàng. Chiếc khăn này là tặng vật mà chính tay Agnes đan tặng An mấy năm trước đó.

Một buổi sáng, ngày Agnes hết mấy ngày phép về thăm nhà, mỗi lần như thế, nàng đều xuống nghĩa trang viếng mộ những người thân. An ngỏ ý muốn đi, vì anh cũng có những người thân đang an nghỉ tại đó, nàng bằng lòng ngay. Khi đi, Agnes cầm theo cái ô, phòng mưa.Tới nơi, họ đốt nhang cắm lên phần mộ ông bà hay cha mẹ và những mộ bên cạnh. Họ cầm tay nhau, đi len lỏi trong các lối đi chật hẹp. Họ dừng lại trước một dẫy mộ của người trong gia đình, đọc kinh cầu cho các linh hồn này và tất cả các linh hồn nằm tại đây, có người trên cả trăm năm. Một làn gió lạnh thổi tới. Agnes vội mở chiếc ô, che đầu An. Anh bảo Agnes đưa ô cho mình cầm. Chiếc ô nhỏ, không đủ cho hai người. An nói : “Đứng sát vào đây, kẻo ướt”. Agnes khẽ xích lại gần anh. Một tay An cầm ô, một tay nắm chặt tay Agnes. Anh cảm thấy hơi ấm trong người Agnes truyền qua người anh. Để tránh cơn mưa, An kéo Agnes vào một ngôi mộ có mái che. Họ đứng lặng lẽ, hình như ai cũng muốn để người bên cạnh nói trước. An không dám nói, vì anh biết vị trí của mình, còn Agnes là một tu sĩ. Nàng còn có một cộng đoàn tu trì, một “gia đình” thiêng liêng.

Ngay từ lúc đầu gặp Agnes, An đã biết anh đang “tự vác thập giá của thân thể mình đi lầm lũi trên quê hương đau nhức”,(Cao Thế Dung). Anh chấp nhận khổ đau. Cho nên, lúc hai người đi bên nhau ở nghĩa trang như thế này, An nghĩ là đã đủ đối với anh và cả với Agnes nữa. Một lúc sau, Agnes dịu dàng nói : “Lẽ ra, theo dự tính, thì chiều nay, trước khi đi, cháu sẽ vào trong nhà chào chú. Nhưng gặp chú ở đây rồi, cháu rất vui và sau khi ở đây về, cháu sẽ trở về nhà dòng luôn. Chú đừng đưa tiễn cháu. Vì lần trước chú đưa cháu lên tận cửa nhà dòng, cháu vừa bước vào trong sân là cháu chỉ muốn khóc, mà không dám khóc, chỉ nuốt nước mắt vào trong. Nhưng khi vào tới phòng ngủ, cháu đã bật khóc.Có chị trông thấy, trêu trọc cháu, bảo “nhớ nhà hay nhớ ai thế ?” Cháu xin chào chú. Tạm biệt chú. Mai chú cũng đi rồi ! (Agnes ngập ngừng như nghẹn ngào một lát, rồi nói tiếp).Cháu rất tiếc là không được tiễn chú ra sân bay, nhưng cháu sẽ luôn ở bên chú qua lời kinh, nguyện cầu.Cháu rất hạnh phúc và hãnh diện khi có một người chú như chú. Chú không phải lo lắng quá cho cháu đâu. Cháu biết mình sẽ phải làm gì và tránh điều gì,…Cháu sẽ cố gắng sống thánh thiện, tốt lành, để không phụ lòng thương yêu của chú và mọi người. Chú à, cháu biết phía trước của cháu sẽ còn nhiều khó khăn, với sức tự nhiên, khó có thể vượt qua được, nhưng cháu tin Chúa sẽ luôn nâng đỡ, chở che, giúp sức cho cháu vượt qua, vì tất cả cháu xin phó thác nơi Chúa, cậy dựa vào Ngài. Vì thế cháu tin Chúa sẽ luôn ban ơn cho cháu vượt qua mọi trở ngại đó, chú cầu nguyện thêm cho cháu, đó là điều cháu cần nhất. Có một điều cháu nói vói chú là, chú giữ sức khỏe để ngày cháu vĩnh khấn, chú về tham dự. Nếu vì một lý do nào đó ngày lễ của cháu mà chú lại vắng mặt thì cháu không biết sẽ ra sao.” Agnes nói một thôi, như thể nói ra những gì mà An trăn trở và muốn nói, từ khi hai người gặp gỡ nhau một cách tự nhiên, ngồi bên nhau cả những lúc ở trong gia đình, trước sự chứng kiến của mọi người trong nhà.An khẽ kéo nàng vào sát mình một chút. Anh nhìn lên mặt nàng, những giọt lệ của nàng vẫn đọng trên mi. Nhưng mặt nàng thanh khiết lạ thường. An ngỡ nàng như một thiên thần Sau khi lấy khăn thấm những giọt lệ, đôi mắt Agnes trở nên tinh khôi, tha thiết nhìn anh. Đây là lần thứ hai, Agnes nhìn anh như thế. Lần thứ nhất, cách nay mấy năm, An trở về thăm nhà vào dịp Tết, đến ngày trở lại Sài Gòn, An lên Hà Nội, ghé vào một phòng trọ thăm đứa cháu, em của nàng đang học ở đây, Agnes cũng được về nhà nghỉ Tết mấy ngày, nên đã đi theo mấy người trong nhà lên Hà Nội tiễn anh.Tại đây, em trai nàng đã đãi An một bữa bánh cuốn Thanh Trì. Bất chợt, An nhìn thấy Agnes đang nhìn mình rất tha thiết, một dấu hiệu của tình yêu thời con gái. Mắt của hai người chạm nhau ! Cùng lúc, họ kín đáo cúi đấu im lặng, như ngầm nói với nhau rất nhiều. Đến giờ chia tay, thay vì như những người khác, từ nhà trọ này, mọi người sẽ đưa An tới một địa điểm trên đường Đào Tấn (vì An đi máy bay của hãng Pacific Airline), rồi từ đây, An sẽ lên xe bus của hãng máy bay này, một mình lên Nội Bài thôi, còn những người khác thì trở lại nhà. Nhưng Agnes lại cùng với cậu em trai và cô em gái họ (tên thánh là Rose Lima, 1586-1617) cùng tu một dòng, lên xe bus khác, tiễn An lên tận sân bay. Ba chị em họ đứng nhìn An làm thủ tục cuối cùng về an ninh, sau khi xong, An quay ra phía ba chị em đứng, vẫy tay chào. Ba chị em lặng lẽ và từ từ vẫy tay chào lại An cho tới lúc anh đi khuất vào phía trong, ngồi xuống ghế tại phòng chờ đợi. An nhớ từng khuôn mặt, dáng đi và giọng nói cười của ba chị em vừa rời xa anh, chắc lúc này đang còn trên đường ra xe bus để trở về Hà Nội. Lòng An không yên, và có lẽ Agnes cũng thế, với biết bao nhiêu trăn trở, phiền muộn còn đọng lại sau những ngày ở quê.

Mấy năm sau, trong một thánh lễ long trọng được cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Hà Nội, Agnes dâng lời khấn trọn đời cùng với một số chị trong Hội dòng. An được mời về dự lễ. Khác với ngày Agnes khấn lần đầu trước đó 6,7 năm, lần này An lưỡng lự, nửa muốn về, nửa không. Sau cùng thì An cũng về. Tâm tư anh bối rối. An nghĩ nhiều đến sự trưởng thành của Agnes, rất vững trong các việc tông đồ. Nàng đi phục vụ ở đâu cũng được giáo dân thương mến, các chị trong cộng đoàn tín nhiệm. Một phần do bản tính tự nhiên, Agnes thông minh, lanh lẹ, ăn nói lưu loát kèm theo nụ cười rất có duyên; phần khác, Agnes đã trải qua những trạng huống thử thách, các bề trên hiểu lầm, những khó khăn, trở ngại trong học tập, nhất là sau khi thân phụ của Agnes qua đời ở tuổi 41, khiến nàng có lúc đã toan buông xuôi, về nhà hoặc chuyển dòng, có lúc không biết mình đang làm gì nữa ! Agnes đau đớn, lẻ loi, chán nản, thất vọng mà không thể tâm sự với ai. Agnes viết thư cho An, xin lời khuyên.

An đã viết thư cho Agnes với những lời khuyên từ trong chính cuộc đời của anh, của các sách tu đức và Kinh thánh. An viết đơn sơ và chân thật, hiểu rõ tâm tư của nàng. Nhận được những lá thư như thế, Agnes viết thư hồi âm. Nàng nói : “…Thưa chú, khi nhận được thư chú gửi về cho cháu, đọc đến đâu, cháu khóc đến đấy Những trang .thư của chú chứa đầy nước mắt của cháu. Chiều hôm ấy, vào nhà thờ, cháu còn khóc nhiều hơn nữa, khóc suốt giờ kinh. Khóc với Chúa, cảm tạ Chúa đã gửi đến cho cháu những lời khuyên bảo qua một người chú ở phương xa, gửi đến cho cháu một người chú mà cháu kính yêu. Cháu cảm thấy hạnh phúc và sung sướng, vì biết mình được chú quan tâm, giữa lúc cháu như đang rơi vào trạng thái chân không của tâm hồn. Cháu đã mất một người cha, một người cha luôn thương yêu cháu, chấp nhận cho cháu dâng mình trong nhà Chúa. Người không còn sống để ủi an đứa con gái của người khi nó gặp buồn phiền, không một người thân nào ở bên cạnh thấu hiểu tâm tư của cháu. Chú thì ở xa !… Cho nên, cháu hoàn toàn trống trải. Khi chú gọi điện thoại về chia buồn với gia đình cháu, chắc chú còn nhớ, cháu đã không thể nói thành lời, giọng cháu lạc hẳn đi vì khóc than bố, khóc cho cả chính mình.Cháu còn nhớ rất rõ, khi bố còn sống, có dịp cháu được về quê, bố đã đưa cho cháu tất cả những lá thư mà chú gửi về cho gia đình. Cháu rất mừng và sung sướng khi cầm trong tay những thư ấy. Cháu đọc mà không sao cầm được nước mắt, như lá thư mới nhất của chú vừa rồi. Tất cả những lá thư ấy, cháu coi như một động lực giúp cháu vượt qua những lúc thử thách rất lớn. Có một lá thư chú gửi về mấy năm trước, chú đã nói đến những thử thách nơi chính bản thân mỗi người. Cộng đoàn tu trì, dù nam hay nữ, cũng đều thế thôi, và ở đâu cũng vậy, người tốt người xấu, lúa tốt hay cỏ lùng, ánh sáng và bóng tối. Chú đã kể câu chuyện về một vị Đan viện trưởng nọ, trả lời câu hỏi : Thánh giá của ngài hiện nay ở đâu ? Đan viện trưởng không chút do dự nói : “Thánh giá của tôi hiện nay là cộng đoàn.” Một lá thư khác, chú mượn lời sách Gương Chúa Giêsu, chú bảo : kẻ thù ở ngoài không đáng sợ. Kẻ thù đáng sợ nhất chính là bản thân mình. Đừng tâm sự nỗi lòng mình với bất cứ ai, vì con người thường thay đổi và phản bội. Chỉ có Chúa Giêsu Thánh Thể là người bạn tuyệt đối nhất, trung tín nhất và luôn gần gũi với mình. Cháu không quên được những lời trong các thư ấy của chú. Nhờ ơn Chúa, các thư ấy giúp cháu có thêm nghị lực để vượt qua những thử thách trong đời tu. Cho nên, chú biết không, cháu đã thưa chuyện với Chúa thật sốt sắng mà có lúc cháu cảm thấy chính Chúa đang nói chuyện với cháu, chứ không phải là cháu nói với Chúa nữa. Cháu không biết những giây phút như thế này có ở lại mãi trong cháu không, hay những lo lắng trong công việc phục vụ, những sinh hoạt và những đố kị trong cộng đoàn, sẽ làm cho lòng sốt sắng như lúc này trước Chúa Giêsu Thánh Thể, phai nhạt hay nguội đi. Chính đây cũng là một thử thách rất lớn của cháu. Làm sao để ngọn lửa yêu mến luôn cháy lên trong lòng mình ! .

Nhắc lại nội dung một số thư An gửi về cho Agnes mà chính nàng đã nhắc lại trong một vài lá thư khác nhau gửi cho An, anh do dự mãi, nên viết hay không nên viết ra đây? Cuối cùng thì An đã viết theo nội dung một số thư ấy. Vì chính đây là căn nguyên hay một giải mã của những tình cảm, giữa anh và Agnes, nhưng cũng có thể gây ngộ nhận . Thế nhưng đối với An thì đây là lời đáp của hai câu thơ cuối trong bài Người ôm mặt khóc. Anh đã sống trọn vẹn với những tư tưởng mà anh coi như một điềm báo, một linh ứng về số phận, hay về tình yêu của mình liên quan đến nữ tu. Đấng Tạo Hóa đã nắn An nên hình hài như thế nào thì anh đã nên như thế. An sống trung thực với những cảm nghĩ của mình.

Trong lần ấn hành tập thơ thứ hai của An, Tiếng hát khuẩn trùng (1964), nhà văn Thế Phong, Chủ nhiệm Nhà xuất bản Đại Nam Văn Hiến, đã viết ở trang bìa sau tập thơ này:

“Nơi yên nghỉ làm cho thi nhân tin tưởng là thi ca, là những phút lắng chìm yên tĩnh ở dưới chân Chúa. Cũng may là còn hai thứ đó. Tình yêu của anh đã hoàn toàn bị đặt ra ngoài vui thú của tuổi trẻ rồi. Tôi nghĩ đến đôi mắt anh đang nhìn vào hư vô thật huyền hoặc, xa xôi, mà sức hút xoáy hy vọng đáp lại, hoàn toàn không còn nữa. Không bao giờ còn nữa. Mà anh chẳng than vãn bao giờ nữa. Song sắt, bức tường tù ngục nào đã làm thi nhân bình thản trong đau đớn hành hạ, cả tâm tình và thể xác.”

Nhà văn Thế Phong, trong đoạn văn này, đã nói tiên tri về tình yêu của An. Sau đó ông viết tiếp :

“Tôi cũng đã trải qua những chiều buồn đau đớn, thả hồn mình trong tỏa rộng theo tiếng chuông nhà thờ, mà vẫn muốn như chống đỡ nó. Khác anh là vậy. Nhưng còn giống anh, gần anh, ở những thơ anh, thơ tôi, phản ảnh trung thực cảm nghĩ của một kẻ, dầu làm người bình thường, cũng không bao giờ nói dối, tự lừa mình và kẻ khác bằng giọng chữ tuyệt đẹp phản bội. Anh Khải Triều ơi ! Tuy rằng anh khóc cuộc đời bằng hình ảnh ôm mặt; khóc đời mình bằng “Tiếng hát khuẩn trùng”, mà điều trên không cần ôm mặt và điều hai đang nhờ thuốc trị liệu tiếng hát khuẩn trùng…” (Viết ngày 14-1-64)

Trong lần về dự lễ khấn trọn đời của Agnes, An rất mừng vì thấy nàng đã vượt qua những khó khăn trước đó.Agnes vững vàng, tự tin, khôn ngoan và quyết tâm chọn con đường tận hiến. Sau lễ, Agnes được về nhà hai ngày. Buổi chiều ngày Agnes trở về dòng, An tiễn nàng lên tới đầu làng. Hai người đi sát bên nhau trên con đường quê. Cậu em trai của Agnes sẽ chở chị lên thẳng Hà Nội. Khi xe nổ máy chạy đi, Agnes quay đầu lại nhìn An cười, giơ tay vẫy chào anh mấy lần. Còn An thì đứng nhìn theo lặng lẽ, mãi khi bóng Agnes khuất xa dần, xa dần. Anh hiểu là từ đây, Agnes sẽ xa cách anh mãi. Nàng có phải là người nữ tu ở trên kia với tiếng hát đơn điệu. Còn An, anh vẫn mãi là người ôm mặt khóc, như trong bài thơ của anh cách nay đã 49 năm ? Anh đã mất Agnes, người nữ tu đích thật chỉ thoáng đến trong đời anh, một linh hồn chở nặng đau thương.

Buổi chiều ngày hôm sau đó, từ mái nhà xưa yêu dấu của An, anh cũng từ giã nó và mọi người thân yêu để trở về Sài Gòn, miền đất lắm bon chen, ăn nhậu, lạc thú và sa đọa.

Lần ra đi này, An không có Agnes tiễn chân !

(Ngày 13-9-2012)




VVM.07.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .