Q uê tôi nằm kề bên một nhánh sông Tiền. Người dân quanh năm lam lũ với nghề trồng lúa. Xã hội hiện nay tuy có nhiều đổi mới hơn trước nhưng quê tôi vẫn còn là một vùng quê “nghèo” so với nhiều miền quê khác… Sau nhiều năm định cư cùng gia đình ở Mỹ, hôm nay tôi mới có dịp trở về. Chiếc xe đò từ Sài Gòn về đậu lại trước cầu Trà Thôn. Tôi gọi một bác xe ôm chở tôi vào nhà. Dòng kinh Trà Thôn, ngôi đình làng bên gốc đa già gợi cho tôi những kí ức xưa đẹp đẽ. Tôi nhớ về tuổi thơ tôi bên gia đình và bè bạn, những kỉ niệm thật đẹp biết bao nhiêu…Tôi bắt gặp một đôi học sinh đang đi qua cầu khỉ để đến trường. Bỗng dưng tôi lại nhớ Lệ - người bạn chơi thân với tôi từ nhỏ - người để lại trong tôi những tình yêu thương không bao giờ phai mờ theo năm tháng xa quê…
Cha mẹ Lệ mất sớm, cô về sống với người cậu ở ngọn Trà Thôn. Nhờ ham học hỏi, Lệ học được từ người mợ nghề may. Siêng năng, cần mẫn lại khéo tay nên từ khi bắt đầu vào nghề đến nay Lệ cũng dành dụm được mấy chỉ vàng. Nghĩ ra thì Lệ cũng xinh, giỏi giang bếp núc nhưng ai hỏi cưới Lệ đều từ chối. Chẳng ai biết vì sao? Chỉ có tôi mới hiểu hết về cô ấy mà thôi.
Lệ thương thầm Hai Nhân, anh chàng hàng xóm cũng mồ côi như Lệ. Hai Nhân đang vào tuổi thanh niên nên công việc nặng nhọc cở nào Hai Nhân cũng làm được. Ngặc nỗi Hai Nhân lại có tật hay nhậu nhẹt nên gần nửa đời người mà anh vẫn chưa có dư mớ tiền nào để hộ thân. Chỉ biết làm ngày nào rồi ăn ngày đó. Ngôi nhà sụp xệ kia của Hai Nhân cũng chẳng biết khi nào mới sửa lại nổi để cưới vợ sinh con đẻ cái.
Vậy mà Lệ lại thương Hai Nhân. Mấy lần Hai Nhân nhậu xỉn về nằm chèo queo trong nhà rên la hát hò inh ỏi. Anh ta ói ra đầy nhà. Rượu, chén, dĩa quăng tứ tung. Lệ lại rón rén qua nhà dọn dẹp, nấu cơm nước cho Hai Nhân. Cứ ngỡ Lệ và Hai Nhân sẽ thành đôi thành lứa nhưng ai ngờ Hai Nhân lại từ chối Lệ. Anh tỏ ra bực bội khi ai đó cáp anh với Lệ, kể cả khi Lệ tỏ ra chăm sóc cho anh. Anh hay nói bóng nói gió trước mặt Lệ những câu nói nặng nề. Để rồi khi về nhà, Lệ lại khóc một mình trong đêm vắng…
Cứ thế, bốn năm đã trôi qua, cuộc tình đơn phương của Lệ chẳng đi về đâu cả. Bây giờ, lúa đã chính vàng đồng. Những đoàn ghe tam bản từ miệt dưới lên cắt lúa đã nhiều. Họ dựng trại trên bờ kinh Xáng. Buổi sáng kéo nhau đi cắt lúa. Tối về họ đốt đèn măng sông sáng rực, tụ tập ăn uống nói chuyện về mùa màng đồng án... Những đêm như thế tôi thường thấy Hai Nhân ra đó nhậu với Năm Càn. Năm Càn có đứa con gái tên là Ngọc – cô gái có nước da ngâm với đôi mắt tròn xinh xắn.
Mấy hôm tôi đi ruộng sớm, nghe những người cắt lúa nói Hai Nhân xin hỏi cưới Ngọc. Hình như ông Năm Càn cũng đồng ý nên chẳng ý kiến gì việc Nhân thường hò hẹn với con ông. Chiều hôm qua trên Chợ Mới có đoàn ca nhạc về. Hai Nhân qua nhà tìm tôi:
- Hồi sáng tôi bắt được con rắn nước, tôi gửi biếu cậu mợ Ba với chú ăn lấy thảo.
Tôi biết Nhân qua tìm tôi là có việc nên tôi nói mở lời cho anh:
- Dạ! Tôi cảm ơn anh nhiều nha! Mà chiều nay có đoàn ca nhạc về, anh có đi hông?
- Dạ! Có, tôi định mượn chú…chiếc xe để chở… “ghệ” đi.
Cứ nghĩ là Nhân chở Lệ đi xem ca nhạc, tôi khẻ cười:
- Vậy chiều anh qua tôi đưa xe cho đi.
Nhân mừng rỡ cảm ơn tôi mà mắt vẫn nhìn theo chiếc xe tôi mới rửa còn đậu ngoài trước cửa.
Không hiểu sao cả tuần nay Lệ không ra khỏi nhà. Tôi đi thăm nước ruộng gặp cậu Lệ:
- Bác Ba! Sao mấy hôm nay con không thấy Lệ đi vắt sổ vậy bác. Định kêu Lệ qua nhà lấy mớ lúa cơi về cho bầy vịt mà chờ hoài con không thấy Lệ đi ngang nhà.
- Ừ! Mấy ngày nay nó bệnh con ơi! Cảm sơ sơ vậy mà.
Tôi cảm thấy hơi lo, cũng có thể Lệ nghe tin Hai Nhân đang chuẩn bị cưới con Năm Càn nên buồn rồi sinh bệnh.
Đi ruộng về trễ, tôi qua ngang nhà Lệ. Nhận ra ánh đèn loe loét dưới bến sông. Đoán là Lệ đang giặt đồ nên tôi ghé lại:
- Mai Huy cắt lúa, Lệ coi kêu mấy đứa nhỏ qua nhà Huy gởi mớ lúa cơi về cho bầy vịt. Mà sao mấy hôm nay Huy không gặp Lệ ra khỏi nhà?
Lệ quay lên nhìn tôi cười:
- Để mai Lệ kêu mấy đứa nhỏ qua lấy. Lệ cám ơn Huy nha! Mà mấy bữa nay Lệ hơi mệt nên không ra khỏi nhà.
- Huy nghe nói Lệ bệnh. Để mai thằng Đức về tôi kêu nó qua xem bệnh cho Lệ.
- Thôi! Được rồi Huy. Mai Lệ đi Chợ Mới với mợ, sẵn Lệ ghé bệnh viện khám luôn một thể.
- Ừ, Lệ coi khám bệnh đi, chứ Huy thấy Lệ xanh xao lắm đó. Thôi Huy về.
Tôi cất bước ra về, mắt vẫn nhìn lại chỗ bến sông, nơi ngọn đèn còn loe loét ở đó.
Lần đầu tiên Nhân hẹn Lệ vào ngày cúng đình. Nhân mời Lệ ra đình uống nước. Hơi bất ngờ nhưng Lệ vẫn đồng ý. Đêm cúng đình đó là một đêm rằm tháng ba. Vầng trăng nằm chênh chếch trên ngọn tầm vông. Và Nhân đã nói lên được cái điều mà Lệ mong chờ bấy lâu nay. Lệ cảm thấy vầng trăng đêm nay ánh lên những ánh sáng dịu dàng. Còn Nhân, Nhân đã ánh lên trong Lệ một niềm tin yêu ấm áp lạ thường…Thế là họ quen nhau.
Sau đó vài hôm, Hai Nhân ngỏ lời mượn Lệ một ít tiền mua bầy vịt chạy đồng. Lệ chẳng ngần ngại đưa cho Nhân mớ vàng mà cô đã dàm dụm bấy lâu nay. Lệ giấu tôi nhưng tôi vẫn biết qua niềm vui bất ngờ và cử chỉ của Lệ. Tôi khuyên Lệ:
- Nên giải quyết rõ ràng với Nhân vì Nhân đang chuẩn bị đám cưới với con Năm Càn. Một điều không có thể chấp nhận cho hành động của Nhân và Lệ làm vậy chẳng khác nào “phá gia can người khác”. Như vậy chẳng hạnh phúc gì cho cả ba đâu.
Hình như Lệ hơi buồn khi nghe tôi nói. Rồi Lệ nói chuyện với Nhân. Nhân hứa với Lệ:
- Hãy cho Nhân thời gian. Nhân sẽ giải quyết cuộc tình với con Năm Càn. Nhân sẽ quay về nói với Lệ vì giờ Nhân chỉ thương mình Lệ mà thôi!
Có lẽ lời trấn an của Nhân mạnh hơn lời cảnh báo của tôi nên Lệ chẳng có gì âu lo phiền não. Tôi biết Nhân thương hại Lệ, thương hại cái sinh mạng mỏng manh kia đang mang vào mình căn bệnh tim quái ác. Thương hại cho tình yêu đầu đời trong veo không lời đáp trả…
Quê Năm Càn thì xa nơi này quá, với lại mẹ Ngọc cũng đã mất, bà con cũng không còn ai nên Năm Càn quyết định mượn nhà ông bạn già Sáu Tôm gần đó để tổ chức đám cưới cho con mình.
Một hôm, Hai Nhân qua nhà mượn tôi đôi bò để đi rước dâu. Hai Nhân tắm đôi bò sạch sẽ. Đeo chùm bông, chùm lục lạc cho đôi bò rồi trang trí lại chiếc xe bò chẳng khác nào một chiếc xe ngựa hoàng gia để anh “rước nàng về dinh”. Cái đám cưới cũng thuộc dạng “có một không hai” của chàng trai nghèo có phần đặc biệt làm cho ai ai cũng biết đến anh. Và rồi ngày vui của Nhân nhưng có lẽ là ngày buồn nhất của Lệ đã xảy ra. Đám cưới của Nhân và Ngọc. Ngôi nhà đơn sơ của Nhân ấm cúng lạ thường với đôi uyên ương “Một túp lều tranh hai quả tim vàng”.
Lệ buồn lắm nhưng vẫn nói với tôi là cô rất vui chỉ vì “Người mình yêu hạnh phúc là Lệ đã vui rồi”. Còn gì đau bằng cảnh hằng ngày phải chứng kiến hình ảnh vợ chồng Nhân ở nhà kề bên hạnh phúc. Còn gì buồn bằng tình yêu trong veo tan vỡ của Lệ lúc này… Nửa năm sau ngày đám cưới Nhân, Lệ từ giã tôi để lên Sài Gòn tìm việc làm. Ai đó đã giới thiệu cho cô làm nghề may trong một công ty lớn, nhưng cũng có thể Lệ đi vì cô muốn quên Nhân… Mấy tháng sau ngày Lệ ra đi, tôi cũng sang Mỹ định cư cùng gia đình...
Ba năm trôi qua, ba năm ăn ở với nhau nhưng Nhân và Ngọc chẳng có đứa con nào. Có lẽ vì thế mà Nhân thường hay bực bội. Mấy tháng nay nhà Nhân lúc nào cũng đầy ấp tiếng chửi rủa của Nhân, tiếng đập bàn đập chén, tiếng rên la của vợ Nhân… Không chịu nỗi cách đánh đập hành hạ như thế. Vợ Nhân viết đơn li dị và anh đã nhanh chóng ký tên. Họ ra toà sau đó mấy tuần. Một điều không ngờ đến là vợ Nhân đã có thai trước ngày họ li dị. Anh ta không hề biết điều đó. Sau ngày chia tay, Ngọc tìm lên Sài Gòn sinh sống. Vô tình cô gặp được Lệ. Cô tâm sự về hoàn cảnh của mình cho Lệ nghe. Hình như hai người cùng yêu một người đôi lúc cũng hợp nhau. Lệ lại là người rộng lòng nên đã cho cô tá túc cùng mình trong một căn gác nhỏ. Ngọc được vào làm cùng công ty với Lệ. Trước khi sinh con, Ngọc đã cố hết sức may để dành dụm tiền sinh con. Và ngày Ngọc sinh đã gần đến nhưng sức khỏe cô yếu thấy rõ nét. Lúc nào cô cũng trăng trối với Lệ:
- Chị ơi! Đứa con này em đạt tên Nghĩa... Mà Chị ơi!nếu em có mệnh hệ gì, chị hãy nuôi đứa con này giúp em. Chị đừng cho ai biết đó là con của em và anh Nhân. Anh Nhân không thương xót em thì đứa con này ảnh cũng chẳng xem ra gì đâu. Nếu nó sống với ảnh chắc nó sẽ khổ lắm…
Sau đó mấy hôm, cô ta đã sinh ra đứa con máu mủ của Hai Nhân. Tạo hoá thật trớ trêu khi đứa bé kháu khỉnh dễ thương vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc mẹ nó qua đời sau lần sinh khó đó mà chưa kịp nhìn thấy mặt con…
Lệ và bạn bè trong công ty cùng nhau lo hậu sự cho Ngọc. Mọi người không biết quê quán Ngọc ở đâu nên đã an táng cô trong một nghĩa địa từ thiện ở ngoại ô Sài Gòn.
Vậy là Lệ ẳm đứa bé về nuôi. Lệ chẳng hề nói một lời nào về lý lịch đứa bé. Lệ nuôi đứa bé như nuôi con ruột của mình. Lệ dạy đứa bé gọi mình là mẹ. Còn Hai Nhân, giờ sáng xỉn chiều say buông xuôi đời theo men rượu...
Về đến nhà, ăn buổi cơn trưa với gia đình xong. Tôi đi bộ ra ngọn Trà Thôn. Tôi ghé qua nhà Lệ, vẫn là ngôi nhà sàn lợp ngói năm nào. Chẳng có gì khác xưa cả. Vừa bước lên sàn, một đứa bé ngồi chơi ở đó gọi:
- Mẹ ơi! Có khách.
Lệ bước ra, Lệ nửa cười nửa khóc khi nhận ra người bạn năm nào:
- Huy! Trời ơi! Lâu quá Lệ mới gặp Huy. Lệ cứ tưởng Huy giận Lệ rồi bỏ đi luôn chứ?
Lệ kể tôi nghe về đứa bé ngồi chơi gần đó. Nghe Lệ kể sao tôi thấy thương cho đứa bé mang tên Nghĩa này quá. Vậy là từ hôm đó, ngày nào tôi cũng qua nhà chăm sóc bé Nghĩa. Tôi xem nó như con ruột của mình. Tôi dắt nó đi thả diều, đi chèo xuồng, câu cá…tôi làm tất cả những gì tôi có thể làm, y như những gì cha tôi đã thường làm lúc tôi còn bé. Vậy là người ta đồn ầm lên tôi là cha đứa bé. Lệ và tôi cũng chẳng nói gì, mặc cho lời đồn ác của thiên hạ.
Rồi một lần xỉn mèn ở đâu về, Nhân ghé lại nhà Lệ. Anh bất ngờ khi nhìn thấy đứa bé giống anh như đúc. Đang say nhưng Nhân như tĩnh dậy. Nhân tới hỏi Lệ. Lệ đã kể hết mọi thứ cho anh nghe. Nghe xong Nhân vừa cười vừa khóc. Khóc như một gã điên rồi bỏ đi không nói một lời nào. Nhân lê lết hết chỗ này đến chỗ nọ để nhậu.
Một hôm, tôi dắt Nghĩa đi thả diều về. Đang đi, nó bỗng giật tay tôi:
- Ba ơi! Ai nằm kìa?
Tôi nhìn lại thấy Hai Nhân nằm lăn lóc ngoài vệ đường. Tôi ghé lại kè anh về nhà. Anh vừa nói vừa khóc như một đứa trẻ:
- Chú út ơi! Thằng Nghĩa con của Lệ là con tôi đó chú. Tôi điên quá rồi chú ơi!
Tôi nhẹ nhàng nói với Hai Nhân:
- Anh biết vậy thì anh phải sống tốt để nuôi con chứ sao anh nhậu hoài vậy? Lỡ hôm nay thôi. Ngày mai không được nhậu nữa.
- Dạ! mai tôi bỏ nhậu, mai tôi phải đi làm, đi làm để nuôi con đúng hông chú…
- Anh nói phải đó. Sáng mai anh ra đầu đình đợi tôi. Tôi với anh lên Trạm Khuyến Nông…
Sáng hôm sau, Hai Nhân đón tôi ngoài đầu đình. Tôi đi với anh lên Trạm Khuyến Nông. Tôi mua cho anh một ít cá giống. Anh mang về thả phía sau vườn, rồi trồng thêm một mớ cây ăn quả… Thời gian trôi qua, Hai Nhân không còn nhậu nhẹt bê tha nữa, anh chí thú làm ăn hơn xưa.
Một buổi chiều, anh nói với tôi:
- Chú út ơi! Giờ tôi hối hận lắm rồi, tôi thương Lệ, thương con tôi nhiều lắm, nhưng không biết Lệ có cho tôi thương Lệ và nhận con không nữa. Giờ tôi đau lòng lắm chú ơi!
- Anh nói vậy tôi hiểu rồi. Thôi để tôi nói giúp anh cho. Dù sao bé Nghĩa vẫn là máu mủ của anh mà.
Tôi nói lại với Lệ những gì Hai Nhân nói với tôi. Trong lúc đó Hai Nhân cũng vừa qua tới. Hai Nhân ngồi bên Lệ và cô ấy đã khóc… Hai Nhân nhẹ nhàng nắm lấy tay Lệ đặt vào ngực mình Lệ đã ngã đầu vào vai anh…
Thế là Nhân và Lệ đã thành một đôi. Nghĩa giờ đã có cha, cuộc sống của ba người trong căn nhà kia sẽ hạnh phúc hơn và đó cũng là điều hạnh phúc đến với tôi.
Thời gian về thăm quê cũng đã lâu, đến lúc tôi phải về Mỹ. Sáng sớm, Nhân và Lệ chèo chiếc xuồng đưa tôi ra đầu đường. Chiếc xe đò đang đợi tôi ở đó. Tôi bước lên đường, chợt bé Nghĩa nhảy lên khỏi xuồng chạy lại ôm chầm lấy tôi:
- Ba Huy! Ba đừng đi… Ba ở lại với con đi ba.
Tôi khẽ cười nhưng lúc đó chắc mặt tôi cũng méo xẹo:
- Ba Huy đi rồi Tết ba Huy về, con ở nhà với mẹ Lệ và ba Nhân ngoan nha con…
Bé Nghĩa vẫn khóc mếu máo. Lệ bước lên bờ lại ôm nó vào lòng:
- Để ba Huy đi đi con, Tết ba Huy về mà.
Tôi bước lên xe, mắt vẫn nhìn theo nơi đó – Nơi vợ chồng Lệ đang vẫy tay chào tôi và đứa bé vẫn còn vẫy vùng khóc… ./.