Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



tranh Đặng Can

DƯỢNG




N gày dì lấy dượng bên nhà ngoại không một ai chấp nhận, thậm chí tôi còn nhớ như in ngày họp mặt đại gia đình để thưa chuyện cưới xin, ngoại còn tuyên bố một câu:

- Nếu mày lấy nó, tao từ mặt mày.

Vì không được phía ngoại chấp nhận nên đám cưới chỉ được tổ chức ở nhà trai, ngoại cấm bên phía nhà không được ai tới giúp hay tới dự, má tôi có thương dì cách mấy cũng chỉ lén dấm dúi cho dì ít tiền coi như mừng chứ không dám cãi ngoại. Dù thế, mỗi năm khi đến Tết, dì vẫn luôn cố gắng về để thăm ngoại dù lần nào cũng bị đuổi ra khỏi nhà. Gia đình tôi cũng vì công việc mưu sinh của ba nên cũng ra khỏi thành phố cũng chỉ dịp Tết đến mới về quê tụ họp cùng gia đình ngoại. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên gặp dượng cũng là năm tôi lên tám, khi ấy cả nhà tôi chỉ vừa chân ướt chân ráo bước vào nhà thì đã thấy ông ngoại cầm chổi đuổi dì dượng ra khỏi nhà. Thân hình đồ sộ của dượng bao bọc thân hình nhỏ bé của dì và câu nói có phần trầm khiến dượng trông có vẻ đáng sợ hơn:

- Ba đuổi tui thì tui đi chứ sao lại vác chổi đánh con gái ba vậy?

Tự nhiên tôi thấy trong lòng có phần ấm áp lạ. Đúng là bề ngoài của dượng nhìn có vẻ khiến người khác khó có được cảm tình: dượng cao dễ hơn mét tám, làn da đen nhẻm, nhìn khá to con lại để thêm quả tóc dài có khi bung xõa, có khi được cột lại nhưng nhìn vẫn không gọn gàng lắm. Tôi nghe các dì nói với nhau dượng còn là giang hồ gì đó nên ai cũng sợ nhưng không hiểu sao năm đó khi nhìn thấy bộ dạng nhìn có vẻ lúng túng sợ dì đau và bảo vệ lấy dì tôi lại có cái nhìn khác về dượng. Có cảm giác người đàn ông trước mắt tôi rất thương vợ, vụng về trong cách thể hiện sự yêu thương.

Tôi nghe mẹ kể năm nào dượng cũng chở dì về thăm ngoại dù lần nào cũng bị đuổi ra khỏi nhà, vào chiều Hăm Chín Tết. Nhưng chưa năm nào dì dượng không về, mẹ nói với tôi dì hay gọi tâm sự với mẹ là có lúc dì sợ dượng buồn nên có bảo dượng không về nữa cũng được thì dượng gạt phắt:

- Sao được, tui phải chở mình về để mình thăm nhà, con gái lấy chồng nhớ nhà sao chịu được. Tui đàn ông mà, mấy cái chổi của ba yếu xìu làm gì tui được.

Dượng vốn làm nghề trồng quất, cái nghề làm cả một năm chỉ chờ Tết hưởng, nhà tôi sống ở thành phố lân cận có năm không về quê được do ba bận việc. Tới gần Tết thường là dượng sẽ cùng mấy người làm cùng theo xe chở quất chia nhau đi khắp các nơi bán, vì ở quê ngoại quất vốn ít được giá nên thường sẽ đi sang các tỉnh lân cận để bán. Dượng luôn dành thời gian ghé qua nhà tôi, biếu nhà tôi một chậu quất chơi Tết trước khi lên đường đi tiếp.

- Năm nào dượng cũng biếu vậy, để chị gửi lại ít tiền chứ bán buôn mà cứ cho vậy chỉ có lỗ.

- Gì mà em không biếu nổi gia đình một chậu cây vậy chị - Dượng cười hiền - Coi như em lì xì cho sắp nhỏ cũng được. Với những gì chị giúp cho đám cưới vợ chồng em, em không quên được.

Dù không có thời gian nhưng năm nào dượng cũng lại nhà biếu một chậu cảnh cho nhà tôi rồi mới đi làm tiếp. Tôi cảm nhận được ở dượng là một người đàn ông rất trọng nghĩa tình nhưng do bề ngoài cục mịch nên khiến nhiều người hiểu lầm. Và đàn ông cũng rất ít khi giải quyết những tin đồn về họ.

Những năm Tết về, thường người ta sẽ chúc xuân bằng những câu hỏi có điều gì mới nhưng dì dượng đã lấy nhau hơn năm năm mà vẫn chưa sinh em. Lúc này trong xóm nhỏ cũng bắt đầu có nhiều điều tiếng, thậm chí có nhiều người hơi ác miệng còn nói với ngoại về việc sợ dì bị “trả về” vì không sinh được con. Ngoại cũng lo dù vẫn cứng miệng nói đó là lựa chọn của dì rồi. Tôi còn nhớ năm ấy khi tôi về thăm ngoại, vừa hay dì cũng ở đó, đứa cháu bước vào tuổi dậy thì cũng bắt đầu có những câu hỏi về tình yêu, đột nhiên tôi hỏi dì về chuyện tình của hai người. Dì kể rất nhiều rồi nhìn về phía người đàn ông đang leo lên mái nhà ngoại sửa cái mái cho ngoại đặng đón Tết nói: “ Ổng cục mịch nhưng hiền khô, thương dì lắm nhưng ít nói.” Tôi chợt hiểu đến điều mẹ vẫn hay nói với tôi về dượng, câu nào cũng là tốt vì mẹ cảm nhận được. Năm đó, khi ngoại nói nếu trả dì về ngoại sẽ nuôi thì dượng đã gạt phắt:

- Vợ tui tui nuôi, sao lại trả về cho ba?

Cứ có cảm giác dượng biết hết những điều tiếng ngoài kia nhưng dượng thương dì hơn tất thảy, chỉ là dượng không đủ dịu dàng để nói ra.

Vài năm sau ngoại bị ốm nặng, bao nhiêu tiền thuốc thang gửi vào bệnh viện tất. Các cậu dì tôi vốn nghèo nên dù có góp lại cũng không đủ tiền để trả đợt trị liệu cuối cho ngoại. Lúc đó, mồng Ba Tết khi cả nhà đã tụ họp tất quanh giường bệnh, dượng cũng tới và dượng nói:

- Tui trả tiền viện phí rồi, cầm cái nhà. Thế là vợ chồng tui không nhà, ba phải cho vợ chồng tui về ở cùng.

Cách dượng nói ra nhẹ nhàng cùng với nụ cười như đùa nhưng ai ở đó lúc đó cũng cảm thấy rơi nước mắt. Đến độ dượng phải lúng túng nói:

- Chỉ cầm thôi chứ có bán đâu, vợ chồng tui trẻ khỏe kiếm lại mấy hồi, nhưng giờ là phải ở nhờ nhà ba rồi đó, ba có ưng không nói, hai tui còn về dọn đồ qua ăn Tết.

Sau nước mắt là nụ cười khiến ai cũng thấy xuân như đang về bên gia đình nhỏ. Ít năm sau, tôi lại về quê thăm Tết, công việc ba bận hơn nên nhà tôi ít về và cả tôi cũng bắt đầu bước vào đại học nên ít có thời gian hơn. Đón tôi tại cổng là dượng và bế trên tay một đứa bé, đứng cạnh là ngoại đang gọi với: “ Mày coi đặng vào trong nhà giúp vợ mày đi, để cháu tao bế cho...”




VVM.06.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .