Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MÙA LỄ CUỐI NĂM




N hững ngày cuối năm lạnh lắm, ai cũng khoác áo lạnh dày sụ, nhiều người còn quấn khăn cổ, găng tay, mũ len… trùm kín mít. Năm nay mùa dịch vẫn còn, trên mặt bịt thêm cái khẩu trang, thành ra nhìn nhiều người giống tín đồ Hồi giáo trùm burkha kín từ đầu tới chân. Mùa lễ cuối năm, đèn màu và những biểu tượng của giáng sinh, năm mới giăng mắc khắp nơi. Ánh sáng nhấp nháy từ các loại đèn làm cho không khí trở nên ấm cúng hơn và khiến lòng người nao nao. Hãng MITF cũng không ngoại lệ, một cây thông bằng nhựa làm bên Tàu được dựng lên giữa sảnh tiếp tân. Nhân viên văn phòng treo máng lên đủ thứ linh tinh những món đồ biểu tượng cho vui vẻ, may mắn và hạnh phúc. Vừa bước vào sảnh, bà Ronhda đã đon đả chào hỏi:

- Hi, Steven, hôm nay khỏe không?

- Cảm ơn bà Rhonda, tôi khỏe, bà cũng khỏe chứ? Bà trang trí cây thông đẹp quá!

- Cảm ơn Steven, mùa lễ mà.

Steven nhanh chóng bắt tay vào việc của mình, công việc cũng đơn giản và dễ dàng. Steven chuẩn bị supplies và accessories để công nhân lắp ráp máy tính. Nếu những hãng khác vào thời gian cuối năm rất bận rộn, họ phải làm nhiều hơn, nhanh hơn để kịp hàng hóa phục vụ những ngày lễ. Hãng MITF thì lại khác, thời gian cuối năm là lúc rảnh rỗi nhất, nhàn hạ nhất, lúc này lấy ngày nghỉ rất dễ, thậm chí hãng còn khuyến khích nghỉ vì lúc này những đơn hàng ít nhất. Thời gian cuối năm cũng lá thời gian lễ, tết, sum họp gia đình bởi vậy rất thích hợp để người ta nghỉ phép. Thằng Mauricio nghỉ hai tuần để bay về Chicago với gia đình. Bà Bambi lấy ba tuần bay về Canada vì thân thuộc bà còn bên ấy. Bà Deborah cũng quất ba tuần luôn, con gái bà vốn là dân lesbian, hai mẹ con ít khi gặp nhau, năm nào bà cũng lấy phép cuối năm để đi tàu cruise với con gái và bạn gái của cô ấy. Thằng Bernard vỗ vai Steven:

- Mầy có lấy phép không? Ngày lễ mầy làm gì?

- Không, tao cũng chẳng biết nữa, gia đình tao còn ở Việt Nam. Tao muốn về thăm nhưng vé máy bay mắc quá, hơn nữa dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành nên chưa thể đi được.

- Mầy sống với ai ở Mỹ?

- Tao sống với vợ con, thế còn mầy thì sao?

- Tao không lấy ngày nghỉ, năm nay gia đình tao không đi đâu cả, chỉ sum họp lại ăn uống thế thôi! Mầy sẽ tặng vợ quà gì?

- Tao chẳng mua quà chi cả

- Tại sao?

- Tao đưa hết lương cho vợ rồi, cô ấy muốn mua gì thì mua

- Trời! Không thể như thế được, mầy phải giữ tiền của mầy, mầy phải độc lập chuyện tiền bạc

- Truyền thống người Việt tao thường thế, tiền bạc để chung, phần nhiều thì các bà vợ quản lý để chi tiêu

- Ở đây là xứ Mỹ.

- Tao biết, nhưng không có vấn đề chi cả, chí ít là với trường hợp tao.

- Khi còn yêu nhau thì không sao, nhưng khi hết yêu hoặc ly thân, ly dị thì lại là vấn đề lớn

- Mầy nói đúng, nhưng tao không lo chuyện ấy, tao tin ở vợ tao! Thế còn mầy mua quà gì cho vợ?

- Tao sẽ đưa cô ấy vào Lenox Mall để mua cái áo khoác hiệu LV, thằng Boyce thì đôi giày Sneaker. Con Laura tùy ý chọn gì mà con bé thích.

Gia đình thằng Bernard khá đẹp và đầm ấm, ngoài hai đứa con có sẵn, vợ nó đang mang bầu đứa thứ ba, vậy mà nó còn nói sẽ có đủ năm đứa con. Steven lắc đầu:

- Mầy thật can đảm, làm sao chăm lo tốt cho năm đứa con? Không chỉ tiền bạc mà còn là sức lực và nhiều vấn đề khác nữa.

- Thằng Bernard cười rất thoải mái, chứng tỏ trong tâm nó không hề có một tí lo toan hay suy nghĩ chi cả:

- Lương hai vợ chồng tao đủ mà, vả lại tao cũng xin được tiền sanh nở và trợ cấp nhiều khoản của chính phủ.

- Mầy lanh lợi quá, tao có một đứa con gái thôi, nhiều lúc cũng muốn có thêm con nhưng ngại không đủ sức lo.

- Mầy cứ lo xa! Mầy có thể xin sự trợ giúp của chính phủ. Nếu mầy không đủ tiền thì bệnh viện cũng chẳng dám từ chối vợ mầy sanh nở và cũng chẳng ai dám để con mầy đói đâu!

- Tao biết nhưng tao không thích vậy!

Ngày thứ sáu cuối tuần, hãng tổ chức ăn uống và quay số may mắn trúng thưởng, không khí rộn ràng thật vui. Hãng đặt đồ ăn của nhà hàng “This is it” và cả nhân viên của họ đến phục vụ. Chú Sanh, một trong vài người Việt hiếm hoi trong hãng nói nhỏ với Steven:

- Đồ ăn không ngon, rẻ tiền, tụi nó cheap quá!

- Kệ đi chú, ăn cho vui với mọi người.

- Steven làm gì với tiền thưởng cuối năm? Hay là giao hết cho vợ rồi?

- Dạ, cái khoản này thì gởi về Việt Nam giúp thân nhân và cũng làm từ thiện chút chút

Chú Sanh và gia đình được người em trai bảo lãnh, tính ra cũng sống ở Mỹ gần mười năm rồi, tiếng Anh không có bao nhiêu, kỹ năng cũng không, tuổi lại lớn cũng may quen biết anh Tuấn, một kỹ sư của hãng nên xin cho chú vào làm. Bộ phận lắp ráp giản đơn cũng không cần chi nhiều tiếng Anh hay kỹ năng. Tuy sống ở Mỹ đã mười năm nhưng xem ra những đặc tính Việt ở chú Sanh vẫn rất đậm đặc, không một tí gì thay đổi. Những hành vi, tính cách và cả lối suy nghĩ hay nói của chú nhiều lúc làm Steven sốc dễ sợ. Cái tính cách vừa pha tự ti là di dân, da vàng từ một xứ nhược tiểu lại pha tự tôn một cách vô lối theo kiểu Tàu, cứ cho mình là văn minh còn những người khác mình là man di mọi rợ. Bởi vậy chú Sanh cũng như nhiều đồng hương của mình cứ thấy Mỹ trắng là bắt quàng làm họ, còn thấy Mỹ đen hay mễ thì khinh khi ra mặt, toàn nói những lời không hay.

Chú Sanh cũng như nhiều đồng hương luôn miệng miệt thị cựu tổng thống Barack Obama, thậm chí còn gọi bằng thằng đen. Steven bất mãn lắm nhưng né tránh chứ không tranh luận. Steven biết không thể tranh luận với chú Sanh hay những người giống như chú, nếu mà tranh luận chỉ tổ bị chụp mũ mà thôi. Chú Sanh không thể thay đổi cái nghĩ, cái nhìn của mình, Steven đã gặp nhiều trường hợp tranh luận với những người như chú Sanh bị chụp mũ là “ Thân cộng”, “ nằm vùng”. Chú Sanh là người cuồng Trump, chú đã từng đi biểu tình ủng hộ Trump, chú theo bà chủ tịch cộng đồng người Việt ở thành Ất Lăng tổ chức đón tiếp phái đoàn người Việt cuồng Trump từ Cali qua. Chú sanh và những người như chú phát tán mạnh những thuyết âm mưu như: Bầu cử bị đánh cắp, người chết bỏ phiếu, phiếu ma, máy kiểm phiếu gian lận…Cả một nhóm người ấy tin chỉ có Trump mới cứu được nước Mỹ và hồ đồ kết tội tổng thống Biden là thân cộng, biến Mỹ thành nước XHCN… Bọn họ miệt thị bà phó tổng thống Harris, bà chủ tịch hạ viện Peplosi với tất cả ngôn từ thô thiển nhất.

Trong bữa ăn cuối năm do hãng chiêu đãi, chú Sanh không nói được lời cảm ơn mà tòan chê bai nào là: đồ ăn dở, đồ rẻ tiền, bọn chủ cheap… Steven vốn né rồi, ngồi ở bàn khác nhưng chú không nhận ra nên cứ sáp đến ngồi chung nên đành chịu trận. Chú cứ lải nhải:

- Bọn nó ( ám chỉ người da đen và người Mễ) làm biếng và ngu thấy mồ! Chỉ giỏi ăn vạ, ăn trợ cấp, xin food stamp, xin đủ thứ…

- Sao chú biết?

- Thì tụi nó đem thẻ food stamp ra cây xăng đổi tiền mặt, đi chợ mua toàn tôm hùm, hải sản. Mình đi làm đóng thuế chết mẹ để nuôi tụi làm biếng ăn sang.

- Mình đóngh thuế có bao nhiêu mà nuôi họ hả chú?

- Thì tất cả những người đóng thuế nuôi tụi nó.

- Chú đừng khi dễ người da đen, họ cũng đã làm đến tổng thống Mỹ rồi đấy!

Chú Sanh xì một tiếng dài:

- Xí, thằng mọi đen đó làm được gì, chẳng qua may mắn hay mả tổ phát!

- Trời! Ông ấy là tổng thống một siêu cường đâu phải chuyện giỡn chơi. Ông ấy thành công nhiều lắm, luật bảo hiểm sức khỏe toàn dân bảy đời tổng thống trước không xong. Tổng thống Obama làm được, hàng triệu người Việt làm nail nhờ thế mà có bảo hiểm sức khỏe đấy. Ông ấy ký kết được thỏa thuận vũ khí hạt nhân với Iran, thỏa ước về biến đổi khí hậu ở hội nghị Paris… bộ chú hổng thấy sao?

Đang nói chuyện bình thường, bỗng dưng chú Sanh nổi nóng:

- Mầy nói y hệt giọng điệu tụi nằm vùng phản chiến, tụi Dân Chủ thân Tàu.

Lời chụp mũ của chú Sanh làm Steven giật mình, lẽ ra không nên tranh luận như bao lâu nay, đã nhủ lòng không tranh luận ấy vậy mà trong phút chốc ngứa ý đã tranh luận. Cũng nhờ lời chụp mũ hồ đồ vô căn cứ này làm Steven kịp thời ngưng lại, không nói thêm lời nào nữa, nếu mà còn tiếp tục e cãi vã hay sanh ra khó chịu khi đụng mặt nhau.

Ở trong hãng thì chỉ có chú Sanh vì hãng này số người Việt đếm không đủ năm đầu ngón tay, riêng ngoài quán cà phê, nơi mà Steven thường ghé chơi mỗi cuối tuần thì rất nhiều, trên mạng Fb cũng nhiều lắm. Những kẻ cuồng Trump bất chấp sự thật cứ rêu rao những điều phi lý, gian trá, cái kiểu cứ tuyên truyền sự dối trá cho đến khi người nghe ngỡ là thật y hệt chủ trương của Phát xít và cộng sản. Cũng vì bênh sự thật mà Steven bị nhiều người hủy kết bạn trên mạng, không nhìn mặt trong đời và chính Steven cũng chủ động hủy kết bạn với những kẻ cuồng Trump quá khích. Bọn cường Trump cho đến giờ này vẫn còn nuôi ảo vọng sẽ giành lại ghế tổng thống cho Trump.

Khi bệnh dịch tràn lan, hãng yêu cầu mọi người chích vaccine, có nhiều người không chịu chích, Nếu người ủng hộ hay cuồng Trump vì tin thuyết âm mưu do Trump và phe đảng Trump tung ra như: Chích vaccine sẽ bị vô sanh, biến đổi gene, giảm tuổi thọ, nguy hiểm, bị cấy phương tiện theo dõi… thì cũng còn có thể hiểu. Còn những người không ủng hộ Trump, thậm chí chống Trump cũng không chịu chích thì thật là khó hiểu, sự việc cứ nhì nhằng không đi tới đấu, cho đến khi hãng thông báo;” Ai chích đủ hai mũi vaccine sẽ được thưởng một tuần lương” thế là mọi người tấp nập xếp hàng chờ chích. Những kẻ cuồng Trump, tin vào thuyết âm mưu cũng giơ vai ra chích vaccine, trong những kẻ cuồng Trump nhưng chịu chích vaccine ấy có chú Sanh. Steven cười thầm, tính cà khịa cho vui:” Sao chú không tin lời ông Trump mà lại đi chích vaccine?” nghĩ thế thôi chứ không nói ra. Ở đời là thế, khi đụng việc mới biết thật hư thế nào, cuồng Trump đến thế nhưng chỉ với một tuần lương thì cũng sẵn sàng vất lời Trump vào sọt rác.

Sự đời cũng lạ, Trump và những nhóm tự xưng thượng đẳng da trắng chúng kỳ thị, mạ lỵ, hành hung người châu Á, người da màu, dân nhập cư… Ấy vậy mà mấy anh chị gốc Mít nhà ta lại ủng hộ bọn chúng, cuồng mê Trump. Có lẽ những anh chị gốc Mít da vàng này nghĩ là bọn kỳ thị ấy chừa họ ra? Hay là mấy anh chị ấy nghĩ mình cùng đẳng cấp với đám tự xưng da trắng thượng đẳng chăng? Có một điều chắc chắn là mấy anh chị gốc Mít da vàng này tự cho mình cao giá hơn người da đen và Mễ. Cái tính tự ti và tự tôn ăn sâu vào máu những tay gốc Mít da vàng này. Tính tự ti và tự tôn này là sự tồn dư còn lại của hệ ý thức phong kiến nho giáo. Cái tư tưởng này nó thâm căn cố đế từ xa xưa, luôn tự cho mình là văn minh còn những người khác mình, không giống mình là man di mọi rợ. Cái tính tự ti, lạc hậu, nhược tiểu khi đối mặt với năng lực vượt trội của khoa học kỹ thuật phương tây, sức mạnh của văn minh cơ khí phương tây. Theo thống kê điều tra chính thức công bố trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng thì tỉ lệ ủng hộ và cuồng Trump của người Việt cao nhất so với các sắc dân khác. Thật trớ trêu thay, người Việt cuồng Trump nhưng chính Trump và chính phủ Trump ra lệnh trục xuất người Việt nhiều nhất! Lệnh trục xuất bất chấp những thỏa thuận đã ký kết là không trục xuất người đến Mỹ trước 1995. Với Trump thì những thỏa thuận ấy chỉ là những tờ giấy lộn chẳng có giá trị gì, thực tế thì ngay đến cả luật pháp, pháo chế, hiến pháp Trump đều sổ toẹt và ngồi xổm lên. Trump sẵn sàng chà đạp tất cả để thỏa mãn tham vọng của mình. Ngày chủ nhật, Steven và vợ con vào Lenox Mall dạo chơi, ngày thường thì Mall vốn đã lộng lẫy sang trọng, ngày lễ thì lại càng đẹp hơn, đèn hoa giăng khắp nơi, những biểu tượng giáng sinh, chuông, nai, tuần lộc, hoa tuyết, cây thông, nến… trang hoàng thật đẹp và sống động. Không biết sao chủ nhật này có nhiều cảnh sát trang bị vũ khí đứng rải rác nhiều chỗ, thì ra đêm qua có một nhóm người đập cửa kiếng tiệm Macy để ăn cướp đồ hiệu. Cảnh sát ra thông báo ai có tin tức gì thì báo cho họ. Camera an ninh ghi hình lại một nhóm thanh niên bịt mặt nhưng cũng nhận diện được nhân dạng là mấy thanh niên gốc châu Phi. Người Việt ở đây thường nói:” Sao trộm cướp phần nhiều đều thấy là người da đen?” có lẽ đây cũng là một lý do để khiến người Việt thêm bắt quàng làm họ với người da trắng và không ưa người da đen. Thật tế thì đúng như vậy nhưng cũng dễ hiểu, tỉ lệ dân nào nhiều thì những thành phần bất hảo cũng sẽ nhiều hơn so với những nhóm dân tỉ lệ ít hơn.

Vợ Steven mê mẩn xem xét và rờ rẫm những cái túi hiệu LV, Prada, Hermes… mà hình như với những anh chị làm nails ai cũng mê hàng hiệu cả. Mấy chị thì sở hữu một hoặc hai cái túi hiệu, mấy anh chị làm nails người nào cũng quần ông địa, nịt LV, giày Gucci, áo GG Armani… cứ như thể không có những món hàng hiệu ấy thì giá trị bản thân thấp nên mất tự tin chăng? Những món hàng hiệu giá toàn trên mây từ vài trăm đô đến vài ngàn thậm chí vài chục ngàn đô.

Steven thấy vô lý, thậm vô lý! Ráng ky cóp từng đồng để rồi đem cống cho những tiệm đồ hiệu này, thật đúng với cái câu:” Bòn đứa dại đãi đứa khôn”. Cái lý đôi khi lại rất vô chừng, vô lý với người này nhưng lại có lý với người kia, vô lý với Steven nhưng hợp lý với những tín đồ hàng hiệu. Khi họ sắm được môt món đồ hàng hiệu thì họ vui sướng, mặc dù cái món đồ ấy phải chi hết tháng lương hoặc hơn nữa, thôi thì coi như họ hưởng thụ cái kết quả của những ngày miêt mài cày cục. Nói một cách đại ngôn thì họ kích thích kinh tế tăng trưởng. Chính phủ và các các nhà sản xuất kinh doanh vẫn luôn luôn kêu gọi dân chúng tiêu xài, có vô số chương trình khuyến khích người dân tiêu xài,xài trước trả sau, vừa xài vừa trả góp… Người Mỹ thích tiêu xài, khoái tiêu xài, tiêu xài quá tay luôn nên có nhiều người bị phá sản, mất nhà, mất xe khi mất việc. Theo thống kê chính thức được công bố thì cứ mỗi mùa lễ cuối năm, người Mỹ chi tiêu từ 670 tỉ – 700 tỉ đô la ( những năm trước dịch), một con số khổng lồ khó mà tưởng tượng nổi, một con số mà tất cả các nền kinh tế của thế giới đều mơ ước. Cũng từ những con số này mà Steven cũng nhiều lần thầm mong ước và nghĩ:” Gái mà nhín bớt vài phần trăm của con số này để làm từ thiện thì thế giới này sẽ bớt đi những em bé hay những cụ gìa phải đi bán vé số, móc bọc, lượm lon; hoặc là sẽ có thêm những trường học hay bệnh viện cho người nghèo. Chỉ cần vài phần trăm của con số tiền tiêu xài cho mùa lễ cuối năm cũng đủ giúp thế giới này tốt đẹp hơn, dễ chịu hơn, nhân bản hơn.”

Nước Mỹ giàu có và hùng mạnh vào bậc nhất thế giới. Thiên hạ ai cũng mong được đến Mỹ để thực hiện giấc mơ Mỹ. Hàng hóa các nước mong được vào Mỹ. Những công ty nước ngoài mà được lên sàn chứng khoán Mỹ không phải là chuyện dễ, một khi được lên kể như cũng có tên tuổi, có số má! Việc được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ cũng nói lên được mức độ khả tín cũng như năng lực và giá trị của công ty ấy. Mặc khác lên được sàn chứng khoán mỹ cũng là cơ hội lớn để kêu gọi vốn, cơ hội phát triển mạnh hơn nữa.

Nước Mỹ giờ vẫn là nước giàu mạnh nhất thế giới. Tàu lăm le vượt qua nhưng xem ra chưa đủ lực. Kinh tế Tàu chủ yếu dựa vào xuất khẩu, quân đội Tàu tuy đông nhưng không tinh nhuệ và thiện chiến như quân đội Mỹ, trình độ kỹ thuật dân sự lẫn quân sự không có thực lực, phần lớn là sao chép, ăn cắp, nhái, giả… Tàu tung tiền ra khắp thế giới nhưng đó là cái bẫy sập để chiếm đất và cướp tài nguyên. Tàu với ngoại giao chiến lang quá hung hăng, hồ đồ và thô lỗ. Tàu với chiêu bài “ Nhất đới nhất lộ” nhằm buộc các nước khác vào tròng của mình để xưng bá xưng hùng… Thế giới giờ cũng đã có nhiều nước thức tỉnh thấy được sự nguy hiểm và gian trá của Tàu, đã có nhiều nước hủy hoặc đình chỉ những dự án làm ăn với Tàu. Tóm lại thìTàu chưa có cửa để tranh ngôi bá chủ với Mỹ! Nước Mỹ hôm nay tuy không bằng nước Mỹ của những thập niên năm mươi, sáu mươi, bảy mươi… của thế kỷ trước. Lúc ấy Mỹ một mình một chợ trong khi Tàu còn đói nghèo và lạc hậu và cũng trong thời gian ấy chưa xuất hiện những con rồng, con hổ châu Á. Nước Mỹ của những thập niên ấy là thiên đường là “Giấc mơ Mỹ” của cả thế gian này.

Mùa lễ cuối năm thật rộn ràng và nhộn nhịp, bất chấp đại dịch vẫn còn hoành hành, các trung tâm thương mại, shoppings, malls… đầy nhóc người mua sắm, ăn uống, vui chơi. Mặc dù số người mua sắm trên mạng cũng rất lớn, đã làm giảm bớt phần nào khách hàng đi mua sắm trong thực tế. Mùa lễ cuối năm lần thứ của cơn dịch Corona vẫn đầy màu sắc và âm thanh. Dịch vẫn còn nguy hiểm, những biến chủng mới lây nhanh và không biết sẽ còn có những biến chủng nào khác nữa. Dân Mỹ không còn e dè và sợ sệt như lúc trước, một phần chích ngừa cũng đã đại trà và thuốc điều trị cũng đã có. Làm người dân sống trên một đất nước tự do, dân chủ, gìau mạnh này kể cũng là cái phước của mọi người. Cái nền dân chủ, tự do suýt chút nữa là bị phá vỡ vì tham vọng của một ông tổng thống bất chấp đạo lý và công lý.

Ất Lăng thành, 12/21




VVM.05.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .