Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của cố danh họa Tạ Tỵ

HỠI LINH HỒN TÔI



             V.


N hớ lại buổi sáng uống cà phê, Ẩn kể chuyện trung tá Sơn, chỉ huy trưởng Liên đoàn Yểm cứ báo cáo Tư lệnh sư đoàn 5 KQ, đã bắt được thủ phạm ăn cắp trang bị nội thất, giường sắt, nệm, bàn sắt, ghế quay.. ở những barrack của Mỹ bên hông sân trực thăng là trung sĩ Tường, báo Lý Tưởng, nhà số 5 dãy 3989 khu gia binh Phi Long. Chánh văn phòng, thiếu tá Chấn cười ồ bảo Sơn tin này hoàn toàn phịa, tướng Tiên đọc báo cáo xong, phê:

“... Dẹp, ông ấy trèo tường sang mở “robinet” lấy nước mà thôi, còn đồ dùng thất thoát trong khu “barrack” Mỹ thì các ông lấy rồi đổ tội cho nhà báo sao? Dẹp”. Lại còn hý hửng kể thêm chuyện mới vừa biết đươc:

- Này mày có biết lái xe không?

Lái xe gì mới được chứ?

- Lái xe díp chứ xe gì mậy?

- Rất tiếc tao cóc biết lái; ngoại trừ xe gắn máy.

- Biết, tại sao không? Bởi lẽ tướng muốn can thiệp đưa nữ đại úy bạn cũ của mày ở Quân khu I về BTL làm trưởng phòng xã hội thay đại úy Tâm.

Phải rồi, Đỗ nhớ ra cô Tâm là bạn của Mỵ từ ngày còn học nữ trợ tá xã hội ở Tú Xương. Khi ấy cô Tâm có một anh bồ (nay là chồng), chẳng có công ăn việc làm chắc chắn, nay đóng vai ông nội trợ cho nữ đại úy coi sóc nhà cửa, con cái cho cô chủ đi làm. Nữ đại úy Tâm ở cùng khu gia binh không quân, đôi khi Đỗ gặp anh ta lái xe díp cho phu nhân dạo chơi. Mỗi lần Tâm gặp Đỗ, chỉ mỉm cười, để nhớ lại một thời xa xưa. Chẳng hạn Tâm đã lập gia đình với người mình yêu; còn Mỵ thì ngược lại. Nên Tâm đùa cợt khi gặp trung sĩ Tường thùng thình trong bộ quân phục treilli bốn túi không sửa, lon lá chỉnh tề “... chúng em mời anh sang nhà chơi vào thứ bẩy này, Mỵ nó sắp từ Đà Nẵng vào đó”. Đỗ không hỏi lý do nào nữ đại úy Tâm xin thuyên chuyển đến đơn vị khác, trưởng phòng xã hội có nhà quân đội cấp, công việc làm thoải mái trong đơn vị nổi tiếng hào hoa, bay bướm.

- Mày có cảm thấy vui không? Ẩn hỏi. Đỗ điểm nụ cười hài hước.

- Vui quá đi chứ!

Vì khi nữ thiếu tá Mỵ Nhân về đây thì hồn thơ và người thơ thường gặp nhau hàng ngày- Ẩn tiếp theo nụ cười hài hước lần hai, rồi kể tiếp với giọng nói oang oang:

- Sáng nay ổng ới tao đi ăn sáng, Tư lệnh hỏi tao có phải Mỵ Nhân là người được nhà văn chúng ta viết trong tự sự kể không?

Đỗ không hiểu là Ẩn có rành sáu câu về Mỵ Nhân không, nhưng theo anh kể lại cho Tướng nghe tuy hai là một đó. Và tướng bảo một khi tân trưởng phòng về đây, sẽ đưa Đỗ về lái xe díp cho Mỵ Nhân, hy vọng có xếp mới này, thì Đỗ sẽ bớt ngang bướng hơn chăng? Khi Đỗ nghe xong, hiểu ngay rằng xếp lớn Không quân đã nhieu lần bình phẩm về một lính kiểng, giữ đúng tác phong: quân phong, quân kỷ; lại không giống binh lính khác. Ngay tư lệnh không quân cũng chẳng giống tướng nào khác. Rất nhiều văn nghệ tính; ngay chính với Đỗ đôi khi cũng bị hẫng trước việc xử sự hàng ngày. Có một lần Ẩn xuống chỗ làm việc của Đỗ rất sớm, chuyển lời tướng gọi Đỗ lên văn phòng tư lệnh. Quân cảnh gác trước phòng chẳng hỏi han khi anh vào phòng, họ biết Đỗ đến đây là được tướng mời, chỉ vào báo trước không sợ la rầy. Buổi ấy tướng mời Đỗ sang Câu lạc bộ Mây Bốn Phương Trời ăn sáng. Câu lạc bộ nằm trong khuôn viên Không đoàn 33, trước đây Lưu Kim Cương tư lệnh không đoàn mới tử trận qua chiến dịch Mậu Thân đợt hai, vào giữa năm 1968 ở Nghĩa trang Pháp. Khi tử trận, Cương mang cấp bậc đại tá, lúc chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vinh thăng chuẩn tướng. Buổi tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng rất đông văn nghệ sĩ từng giao du yêu mến luyến tiếc, như nhạc sĩ sáng tác bài Anh nằm xuống, tác giả Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Nhưng điều lạ nhất, tác giả ca khúc ấy hôm nay không có mặt. Buổi sinh thời, Trịnh Công Sơn giao du thân mật với Cương, được yêu mến giúp đỡ, nên có lần đã đề nghị với tư lệnh đưa Sơn vào lính Không quân tránh đi quân dịch, ẩn náu cơn phong ba binh đao. Nhưng tư lệnh trả lời Trịnh Công Sơn không thích hợp với quân chủng này. Và nếu nhận Sơn làm lính KQ giống nhiều ca nhạc sĩ khác như Duy Quang, Nguyễn Trung Cang, Trí khùng... thì chưa chắc Sơn làm được hoàn hảo. Buổi ấy có một nhà văn đùa cợt kể lại với bạn bè về cuộc đời hàn vi tướng Cương thuở thiếu thời. Ngày xưa, còn là học sinh ở Hà Nội trước năm 1954, chàng phi công đã từng làm lơ xe. Có một buổi, lái xe chính đậu xe chở hàng ở Bần Yên Nhân ăn cơm trưa, sau đó lái tiếp về Hải Phòng. Lái xe châm điếu thuốc lá phì phèo trên môi hút rồi chợp mắt ngủ lúc nào không hay, chỉ chờ cơ hội này, anh phụ lái Cương mới có cơ hội leo lên buồng lái cầm vô lăng luyện nghề; chẳng may xe đụng phải một người đi đường. Rồi bước vào vòng từ tội, diện bích trong bốn bức tường lao lý. Và Cương đã học chữ ở đấy cho đến khi ra tù, anh chạy được cấp một chứng chỉ trung học đệ nhất cấp đủ nộp vào hồ sơ tuyển phi công Việt Nam sang Marrakeck của Quân đội viễn chinh Pháp. Sau khi tốt nghiệp trở về nước mang lon phi công trung sĩ, dần dần leo lên chức chỉ huy trưởng Liên đoàn Thần Phong, bên cạnh bạn thân có sước danh Khoa Đen, trưởng phòng hành quân đem máy bay AD5 ra Vĩnh Linh dội bom. Cánh diều danh vọng của Cương càng ngày càng lên cao. Cương bay bổng rất nghề, nên có một lần tư lệnh Không đoàn 33 gặp một nhà văn mới được đồng hoá vào Không quân, thì Cương hỏi ngay bạn kia đã có lần nào nghe đến tên phi công tài danh số một Cương chưa nhỉ?” Nhà văn này, bạn học Khoa Đen và buổi ấy Khoa Đen được chứng kiến bạn cũ thưa lại như thế này. Đại để: “... Thưa tư lệnh Không đoàn, tôi cũng là dân học sinh Hà Nội, thật mà nói, quen với Ngài thì chưa, nghe đồn về danh Ngài từ thuở xa xưa thì có chút ít”. Tư lệnh không đoàn chưng mắt nhìn, hỏi tiếp: “Rồi sao nữa, hỡi nhà văn trung sĩ không quân, xin cứ cho được nghe tiếp”, Đỗ thủng thỉnh đáp: “...Chẳng hạn Ngài lái máy bay giỏi trên không trung, cũng như xưa kia lái xe ô tô trên đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng và ngược lại. Ngài thuộc “virages” như nắm trong bàn tay, kể cả ổ gà, ổ trâu, cả khúc gập ghềnh, đoạn nào lồi, đoạn nào lõm; Ngài đều sử dụng tuyệt chiêu như hiệp sĩ thượng thừa. Về sau này Ngài lại nổi tiếng là tay “lady-killer” hoặc trả “cachet” hậu hĩnh đối với nghệ sĩ đàn ca được mời. Ngài mời ca sĩ thượng tầng như Thái Thanh, Lệ Thu... vào câu lạc bộ “Mây Bốn Phương Trời” đàn ca, thù lao được gửi lại trong phong thư. Chỉ một bài thôi, còn nhiều hơn lương lính không quân một vợ bốn con như tôi đây chẳng hạn. Ngài rất say đắm âm nhạc, dùng cả mot phi cơ “Cargo 123” bay sang Tokyo chỉ để mua ván ép chở về để đóng trần câu lạc bộ cho âm thanh vang dội ép phê hơn. Ngài rất kỷ luật trong việc cấm trại, cấm quân. Kể cả lính đến quan phi công, ai mắc phạm quân kỷ, Ngài đều xử công bằng...”

Khoa Đen cười vang nắc nẻ, khích thêm “vậy đâu là bằng cớ cơ chứ nhà văn?” Nhà văn trung sĩ tiếp tục: “... Như người ta kể lại cứ mỗi lần cấm trại, Ngài cùng bộ sậu tham mưu ra ngay cổng Phi Long chặn quân nhân xuất trại; đến nỗi ngay cả đại tá Lành, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Không quân lái chiếc Lambrettis “trâu già” cà tàng ra gần đến cổng Phi Long và nhìn thấy cảnh Ngài xua đuổi quân nhân vô lại trại, đại tá đành lái xe hai bánh về lại và lái xe díp ra – mà lòng vẫn chột dạ chưa chắc ăn, nhưng chắc là xuất trại được chứ mặt mũi nào đuổi ổng vào! Người kể lại câu chuyện này chính là trung tá bạn thân của ổng, trung tá Tiệp co bộ râu quai nón, thời đệ nhất cộng hoà từng đặc trách an ninh KQ. Có lần Ngài đem xe díp ra phố Lê Lợi, Tự Do... chặn bắt bất cứ quân nhân nào ở ngoài phố và hình như Ngài đã buộc một phi công cấp tá ở Biên Hoà lên ngồi sau xe Dodge 4 cùng với chiếc xe gắn máy Suzuki 12 về Tân sơn nhất chỉ vì không giấy xuất trại ...”.

Khoa Đen tiếp tục khích, cười vang lấy làm thích thú rồi kể lại rằng:

- “... Thằng này từng là bạn thân của tôi, cả anh ruột tôi, khi tôi ở Hà Nội đang theo học Albert Sarraut. Chính ông trung sĩ này đi xe “cuốc” hiệu Follis nhìn thấy đoạn đường đào ngang mắc ống nước lại không thèm giắt qua, mà lấy trớn từ xa nhẩy qua cùng xe và qua ngon lanh. Tôi bảo nó rồi ra trên đường đời mày sẽ còn giữ được chất gan lì ấy ...”.

Cương cũng cười vang theo Khoa Đen rồi quay sang nhà văn trung sĩ:

- “... thế ra ông biết về tôi cũng đáng nể lắm!” Sau này Cương qua đời, như lời nhạc tha thiết của Sơn là “bỏ bạn bè ở lại bỏ cuộc rong chơi đường đời nửa gánh”. Cương còn hỏi nhà văn trung sĩ có biết nhà báo Phan Nghị, và có đọc cuốn sách viết về Cương khi làm tư lệnh ở Vương quốc Cần Thơ không? Nhà báo Phan Nghị đề cao tài năng phi công tài danh Cương còn là một người yêu văn nghệ đầy mình, và chỉ có thể so sánh với một ông tướng quân khu tư hồi nào. Nhà văn này cười rồi đáp “... thì nhà báo kia đã được đền đap bằng những ngàn cuốn sách được Ngài đặt mua; ấy là chưa kể đến hậu đãi đền bù tiền tài như một Mạnh Thường Quân coi đồng tiền không lớn hơn Trung Hoa lục địa”.

Bỗng tư lệnh Không quân quay sang bảo trung sĩ Tường:

- Chung ta đi ăn sáng chứ ông!

Đỗ bận bộ quân phục treillis bốn túi, lon lá đàng hoàng, cái mũ calot xanh giắt ở lưng quần đi theo sau Tướng xuống bậc tam cấp Bộ tư lệnh. Chiếc xe díp của tư lệnh mang số ... 13 cuối cùng, bên canh có cái xẻng, phía hàng ghế dàn hàng ngang; là đại tá phi công Chung, Tham mưu phó CTCT, xếp của Đỗ đang chờ. Đỗ giơ tay chào ông, và ông giơ tay chào lại, cả ba đi lại phía xe díp, Tư lệnh lên ngồi ghế lái chỉ tay sang ghe bên cạnh :

- Ông ngồi đó đi.

Trước cảnh khó xử này, xếp của anh ngồi băng ngang phía sau, với tư thế ngồi quay lưng lại; đây là cách bố trí ghế đặc biệt dành cho cận vệ hoặc quân cảnh ngồi cầm súng hộ tống tướng mỗi khi di chuyển, để canh chừng từ phía sau. Đỗ thưa với tướng:

- Thưa tướng, lẽ đời như là quan trên trông xuống và người ta trông vào, tôi xin phép được ngồi băng ngang phía sau.

Tướng cười đến nỗi đôi ria mép rung lên, giọng nói ồ ồ ra lệnh:

- Ông cứ ngồi, mặc nó.

Và chiếc xe díp bon bon chạy hướng về Câu lạc bộ vừa kể trên kia có trần đóng bằng ván ép ngoại nhập do đưa máy bay sang tận Nhật chở về buổi nào. Đỗ còn như nhớ rõ là khi tướng nói vậy, đại tá Chung nói với anh “xin ông cứ ngồi băng trên như tư lệnh chỉ thị”. Qua năm phút đến Câu lạc bộ, không ai nói với ai lời nào thêm, và Đỗ nghĩ đến chuyện, trung sĩ Đỗ không biết lái xe cho xếp mới, nếu là nữ thiếu tá Mỵ Nhân được chuyển về Bộ tư lệnh KQ. Giờ này đây người lái xe díp, tướng ba sao đang chở một trung sĩ nhất ngồi cạnh, và một đại tá phi công ngồi băng sau xe díp nhìn đường chạy lui.

Cuốn hồi ký chiến tranh của Phan Nhật giới thiệu trong bài viết: “... nhà văn đại úy pháo binh Dù Nguyên Vũ là “cố vấn văn chương”; rồi nêu tên Đỗ, nhà văn trung sĩ hiện đang phục vụ trong quân chủng Không quân chỉ để kiếm sống độ nhật- mà trước đó nhắc đến đời sống khổ cực kiếp làm văn như: Lê Văn Trương, nhà thơ Quách Thoại... Thời gian ấy, Đỗ thường gặp Nguyên Vũ, Phan Nhật Nam, hoạ sĩ Phan Ngọc Diên, và Điền Bích sửa bài morasse ở nhà in 55 Cao Thắng Sai Gòn 3. Bởi lẽ Nguyên Vũ chủ trương NXB Đại Ngã và in sách tại đây, cũng còn là nơi hò hẹn anh em văn chương nhậu nhẹt, tán dóc. Có khi Nguyên Vũ mời đi ăn uống ở quán đặc sản Quê Hương, sát nách nhà in mấy căn xúc tiến tái bản Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời của Đỗ, và in thơ xuôi Những bài thơ xuôi Mai Trung Tĩnh. Không hiểu giữa đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc có chuyện gì xích mích với Văn Quang, nhà văn trung tá mới về thay Phạm Hậu, quản đốc đài Tiếng nói Quân đội . Văn Quang còn có nhiều tiểu thuyết được đưa lên phim như Chân trời tím chẳng hạn. Trong nhạc phim có một ca khúc rất hay của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được nhiều người biết tới. Và Nguyên Vũ thì đứng về phía Hoàng Vĩnh Lộc tấn công Văn Quang ngay cả trong một quảng cáo đăng trên tạp chí Thời Nay về cuốn Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời sắp ra mắt bạn đọc. Có câu hạ thủ Văn Quang với lời châm chọc độc địa như “... Hay đọc “Nhà văn, Tác phẩm, Cuộc đời, để biết “người dạy Văn Quang viết văn” ra sao?” Tất nhiên trong cuốn sách ấy, Đỗ có viết về buổi mới vào nghề của nhà văn tập sự này. Khi cho đăng quảng cáo nhiều kỳ, chiếm cả nửa trang tạp chí, Nguyên Vũ không hề hỏi ý kiến Đỗ trước. Lẽ đương nhiên Văn Quang phải hiểu rằng đây là trò chơi châm chọc có Đỗ đóng góp ý kiến. Chẳng biết Văn Quang giận hờn Đỗ đến mức Đỗ không lui tới Đài Tiếng noi Quân đội, mặc dầu Đỗ còn một chương trình văn nghệ Tác giả, Tác phẩm mà trước kia Phạm Hậu dành cho Đỗ, Mai Trung Tĩnh và Mai Hồng Khương phụ trách. Và nay chỉ còn Mai Trung Tĩnh đứng mũi chịu sào. Đỗ đọc quảng cáo xong, đại để bảo Nguyên Vũ rằng không nên đăng như vậy. Bởi lẽ, Đỗ chưa từng tự nhận rằng ai riêng là một thầy văn chương của anh, và nếu có thì không chỉ một người nào đó và chẳng hề tự xưng làm thầy văn chương để dạy dỗ ai. Nên đôi lần gặp lại Văn Quang ở Đài Tiếng nói Quân đội , Đỗ chỉ nháy mắt chào và Đỗ cũng chẳng giải thích, bởi lẽ có cũng bằng thừa. Nhưng Đỗ vẫn nhớ tới thằng bạn lúc còn đeo lon trung úy, cà tịch cà tang trên xe Vespa cũ thuộc loại xe thổ tả; thì khi ấy nó nuôi cơm anh một thời gian dài. Đỗ thì viết bộ sách phê bình văn học Lược sử văn nghệ Việt Nam, nó thì xúc tiến cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Thùy Dương Trang” . Thời ấy nay đã lùi vào dĩ vãng. Bây giờ nổi tiếng rồi, thằng tác giả thật xấu trai kia có dáng người nhỏ thó, mắt lươn; lại có rất nhiều đào, lắm vợ. Nó đã từng cuỗm được em gái của Khánh Ly, rồi chung sống với Ngọc Anh già nhân ngãi non vợ chồng. Thằng này thiên phú bẩm sinh có tài cai trị phụ nữ đẹp, giá nó viết một cuốn sách chỉ nói về cách xử sự với đàn bà như thế nào, chắc là thành công hơn, sách bán chạy hơn so với tác phẩm văn chương. Nó có dáng vẻ oai nghi lẫm liệt, càng có giá hơn khi mặc quân phục, nào là lon lá xum xuê, tên tuổi hàng chữ lớn trên nắp túi trái, lại phì phèo thuốc lá ra cái vẻ, càng hơn khi ngậm ống píp phì phà mùi thơm thuốc 79 phả ra. Như Mai Trung Tĩnh nhận xét về nó: “Văn Quang quản đốc xử sự với thuộc cấp rất biết điều hay hơn Phạm Hậu” .

Đỗ nhớ có lần đang lội bộ trên đường Lê Thánh Tôn, đi tìm thằng bạn ở Hải quân, nghĩ rằng gặp nó chắc sẽ được đãi bữa cơm trưa ngon lành. Từ tối qua chưa có hạt cơm bỏ bụng, đi bộ rạc cẳng mệt đừ. Bỗng có tiếng nói nghe từ phía sau ra lệnh:

- Lên xe.

Hú vía, bởi thời kỳ đệ nhất Cộng hòa, anh đang bị lên án là nhà van in sách rô nê ô không xin cấp phép, và Hội nghị nhà văn Á Phi năm 1960; Cù Huy Cận, Thứ trưởng Văn hóa VNDCCH đọc bài diễn văn nhắc kịch sĩ Năm Châu và nhà văn Thế Phong bị đưa đi tẩy não ở Trung tâm cải huấn Vĩnh Long. Báo chí, đài phát thanh của Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà phải cải chính rùm beng, bây giờ nghe lên xe, thì chỉ có mật vụ ra lệnh kiểu này. Thì hoá ra có một thằng to con, mắt đeo kính râm, đi Vespa; nhìn kỹ ra là Phạm Hậu.

- Mày không nhận ra tao sao? Ừ mà lâu quá rồi, từ khi tao là thiếu úy đến nay đã đại úy rồi. Đi ăn cơm trưa với tao nhé!

Đỗ gật đầu leo lên xe scooter , Phạm Hậu chở đến một quán ăn gần khu Hải quân. Phạm Hậu thết bữa cơm thật ngon lành, một phần vì Đỗ đói nữa. Nó thả anh xuống quán cà phê Kim Sơn đường Lê Lợi, rồi giúi ít tiền vào túi quần Đỗ. Đoán mẩm thế nào quận trưởng chẳng cho món tiền kha khá, bởi nó là bạn với Đỗ từ Hà Nội, thời kỳ tập viết văn, làm thơ đăng trên tuần báo Quê Hương , 53 Hàng Bông Thợ Ruộm xa xưa.


Đỗ lại không quên một buổi sáng khác đang ngồi trong Câu lạc bộ Không quân tán chuyện gẫu, dùng cả buổi sáng để ăn sáng- thì một phi công vận bộ combinaison đen, súng ngang hông lừng lững bước vào. Đó là hoa tiêu rủ nếu rảnh rang thì cùng bay lên Đà Lạt. Máy bay Cessna ở ngoài bãi đậu, sáng ăn sáng ở Tân Sơn Nhất, trưa ăn ở Đà Lạt và cơm tối Nha Trang. Và nếu cần ngày mai lại có mặt ở Sài Gòn. Nhẩm tính bỏ một buổi sáng thứ bẩy nghe Lab Staff Development Center (học Anh ngữ) Đỗ lên xin phép xếp Khải; hẳn cuộc rong chơi mang lại nhiều thi vị chứ không chơi. Đỗ nhớ từng có lần, anh và Voi bay trên chiếc Cessna từ Nha Trang lên Pleiku, về Đà Lạt và trở về Nha Trang vào chiều tối. Thấy Đỗ còn do dự, Voi bồi thêm:

- Đi đi ông, đi với tôi để có rung cảm mới làm thơ. À mà quan trọng hơn hết đến Nha Trang thăm Tần Vy luôn thể.

Cất cánh từ phi trường Nha Trang, Voi lái; còn Đỗ ngồi bên phải. Lượn một vòng lấy độ cao, bay trên tượng đá Mẹ Bồng Con , trực chỉ hướng bắc Pleiku, nơi Đỗ tưởng chừng phải đến như ở trên đã nói, chót dại ngông nghênh khai rằng chỉ muốn đeo lon trung sĩ muôn đời; nên bị đại tá Võ Dinh phát sự vụ văn thư lưu đày tới miền chướng khí. Voi vừa lái vừa kể chuyện:

- Hễ ông nhìn thấy núi Hàm Rồng là chúng ta đến phi trường Holloway . Và trưa nay ra phố tìm chàng làm thơ kiêm chủ hiệu bán thuốc Tây, còn là vị Hoàng đế có thể nối ngôi triều Nguyễn. Ông biết là ai không? Là Vĩnh Khuê, rất gần Vĩnh Thụy, tục danh Hoàng đế Bảo Đại ấy mà!

Đỗ cũng chỉ ầm ừ cho qua chuyện, rồi Voi lại nhắc đến một kỷ niệm khác trong chuyến bay chung Nha Trang - Đà Lạt - Nha Trang . Tối hôm ấy chàng phi công tán gẫu:

- Sáng mai tôi mời ông lên Đà Lạt ăn sáng ở Nhà hàng Mékong ?

- Có nghĩa là sáng mai ông bay lên đó một mình rồi rủ tôi đi cùng chăng?

- Rất chính xác.

- Đồng ý thôi.

-Nhưng với một điều kiện là ông mặc quần áo vào rồi cùng tôi lên tư thất xếp Vĩnh.

Cũng la Vĩnh, cùng nhánh Vĩnh Thụy, vua Bảo Đại sau này - cũng có thể là vua chờ ngôi không chừng, đang là xếp của ba phi đoàn hành quân. Voi cho rằng, có nhà báo quân đội Bộ Tư lệnh hẳn xếp sẽ dễ dàng cho việc bay lên Đà Lạt; vì ở trên xứ hoa đào anh còn một người vợ nữa nuôi con chờ chồng. Voi vào trước, Đỗ đứng ngoài nghe xếp nói với thuộc cấp:

- Đ.M, tao cho chú mày đi, đừng nhân danh có nhà báo đi cùng làm đếch gì? Nhà báo Bộ Tư lệnh la cái con xê gì, với tao đếch có gì quan trọng!

Đỗ nghe đến đây cũng nực, Đỗ đi thẳng vào tự giới thiệu, rồi thưa với xếp:

- Thưa xếp, con c... của xếp đem ví với nhà báo của Bộ Tư lệnh là tôi đây, thực ra là đại úy đã rất ưu ái. Thế này nhé, trong cuộc chơi của đàn ông, nghề chơi cũng lắm công phu, Nguyễn Du từng chỉ ra cho con cháu biết, lâm trận mạc thì thằng cu con dễ bệnh lắm. Thế là đại úy phải lo ưu tiên chạy thuốc, có khi còn ưu tiên hơn cả bố thằng cu con đau ốm, có phải vậy không thưa xếp?

Nghe đến đây, xếp đang giương giương tự đắc về quyền uy của mình cũng phải bật cười, rồi nói với thuộc cấp:

- Chỉ một mình mày lái cho ông nhà báo này bay cùng thôi nhé. Không thêm một ai khác, nghe rõ?

- Năm trên năm.

Ông gí vào tay thuộc cấp tờ giấy bạc hai trăm đồng, vẽ hình vua Quang Trung có giá trị mua được một cái chổi lúa quét nhà; nhưng dặn mua đủ thứ, nào là poireau, xà lách, cải cresson , xu hào, khoai tây... toàn thứ rau đặc sản. Nhìn sang người bạn cầm tiền, cúi đầu vâng lệnh xếp ngoan ngoãn, lại rất vui khi được xếp cho phép như là ban ưu ái. Còn Đỗ, ngoài mặt không tỏ lộ; trong lòng đang chuẩn bị cho một ván xì phé, như chờ lật tẩy vị đại úy trong một bút ký viết về đại úy chỉ huy trưởng Liên đoàn tác chiến 62. Nhưng bề ngoài vẫn thơn thớt nói cười, quả lòng Đỗ khi ấy xấu xa hơn muôn vật, lời Kinh thánh chỉ ra ý nghĩ đối với xếp Vĩnh khi ấy.

Khi máy bay Cessna đáp xuống phi trường quân sự Cam Ly, xe díp của Trạm đưa họ về nhà hàng Mékong ăn sáng. Sau đó, chàng phi công về thăm vợ. Vào cà phê Tùng nghe nhạc, cuối cùng ra phi trường bay trực chỉ Nha Trang. Nhớ lại hai lính Không quân vào Chợ Mới Đà Lạt mua rau, hoa quả xong; thì Voi đưa ngón tay đếm những thứ rau mà xếp chỉ thị mua cho đủ. Voi bèn lè lưỡi, than: “...Chết cha rồi còn thiếu “poireau.” Đỗ biết giá cả loại rau này khá đắt và chàng phi công hỏi anh sao tiếng Việt lại không có tên để chỉ ra mà phải mượn tiếng Tây? Đỗ trả lời bạn, chẳng hạn cà phê là tiếng Pháp, vì Pháp đến đây đem cà phê sang theo, hoặc xà bông mình không có, họ mang theo savon , và ta gọi là xà bông hay xà phòng , còn rau poireau ta cũng không có nên mượn luôn. Đỗ bảo bạn:

- Này ông Voi ơi, một mình ông đi mua poireau thôi và đừng để tôi ở đây faire la poireau đấy nhé!

- Ông nói lảm nhảm cái gì tôi không hiểu?

- À không, tôi đùa kiểu chơi chữ một tí cho vui thôi, ông đi mua poireau còn tôi phải đợi, vì nghĩa bóng faire la poireau là đợi ấy mà!

- Sao ông sính chơi chữ thế, điều quan trọng là còn tiền không, cho đây mượn đỡ hai trăm nữa để mua cái thứ rau quỉ quái poireau quá mắc! Đại úy sai mà không làm tròn, không những bị nạo đã đành; mà lần sau xin đi bay cũng khó khăn lắm!

Đỗ đưa tiền cho bạn, và nói đùa là khỏi phải trả; bởi lẽ số tiền này sẽ được nhà báo báo Tiền Tuyến đăng bài trả nhuận bút gấp mười lần hơn là ít. Bạn anh cũng chưa thể đoán biết tậm địa xấu xa hơn muôn vật của anh định lam gì nữa. Về đến Sài Gòn chỉ hai hôm sau, trên nhật báo quân đội Tiền Tuyến có bài bút ký kéo dài tám cột trang hai: Nha Trang dưới mắt tôi... ký tên Đường Bá Bổn, có một đoạn nói về hoa tiêu xếp Vĩnh sai phái một phi công lái Cessna bay lên Đà Lạt chỉ để mua rau mà chi tiền ít hơn các thứ rau phải mua cho xếp. Chỉ là một đoạn nhỏ trong bài bút ký, nhưng tâm địa đểu cáng xỏ lá của phóng viên, ở chỗ không nói ra việc Voi xin bay; mà nhấn mạnh về lệnh xếp buộc một phi công với một Cessna bay lên Đà Lạt chỉ để mua rau tươi cho phu nhân đại úy xếp. Thêm vào đó, trung tá chủ bút báo quân đội không những không gạch một chữ, lại làm “tít” tám cột đập vào mắt độc giả. Hạ sĩ quan báo chí Thanh Chương dùng trọn buổi sáng đọc các báo, gạch xanh, gạch đỏ, cắt dán cho vào hồ sơ trình Tư lệnh Không quân. Bài báo troang tập được trả về, có bút phê:

- Cái gì đây? Tham mưu trưởng trình.

Như vậy có nghĩa là đại tá Lành phải tái trình sự việc này cho rõ.

Sau này Đào Vũ Anh Hùng cho biết, đáng lý hoa tiêu xếp Vĩnh sửa soạn lên đường du học Mỹ lại bị hoãn; rồi Liên đoàn trưởng tác chiến bị thuyên chuyển lên Pleiku nhận chức chỉ huy trưởng một phi đoàn trực thăng - cũng chỉ vì trước đó coi thằng nhà báo kia như thằng cu con của ổng. Tâm địa đểu giả ngòi bút Đỗ giết người thượng sách bằng chữ viết, như Tử Lộ đệ tử chất vấn Khổng Tử khi xưa. Với Đỗ thì đó là cách trả thù dung tục, vô tình làm hại sự nghiệp võ biền xếp Liên đoàn trưởng tác chiến. Về sau này, Đỗ ân hận mãi khi gặp lại nhau, lúc này hoa tiêu xếp Vĩnh đã là chỉ huy trưởng Không đoàn tác chiến Pleiku. Và chính xếp Vĩnh lại lái trực thăng đưa Đỗ từ Nha Trang về Sài Gòn. Và Đỗ vơ vẩn nghĩ, khi máy bay bay qua khu rừng rậm rạp, thì: “... hãy đẩy thằng nhà báo tồi tệ kia xuống đất, thì cũng là đáng đời nó...”

Hoa tiêu Voi quay sang nói với Đỗ:

- Ông lại nghĩ đến chuyện xưa phải không? Chuyện về xếp Vĩnh ấy mà!

- Sao ông đoán như thần vậy!

Trời bắt đầu mưa, đang bay trên vùng trời thấp trần đầy mây, máy bay không đèn đóm. Voi bảo Đỗ giở bản đồ ra xem liệu có bay chệch hướng lạc sang ranh giới Campuchia chưa? Chỉ cần bay chệch sang địa phận nước bạn, máy bay sẽ bị bắn hạ. Đó là thời vua Shianouk trị vì, Ngài rất ghét Việt Nam. Hoa tiêu chỉ cho Đỗ biết hàng dọc mầu đỏ ngoằn ngoèo là ranh giới hai nước, phải bay sát về bên trái ranh giới là đất nhà. Hai lính không quân đáp xuống phi trường Cam Ly an toàn, Voi về thăm ca sĩ vợ; còn Đỗ về thăm gia đình bên ngoại. Họ hẹn nhau đúng 15 giờ gặp nhau tại nhà hàng Mékong và sau đó bay về lại Nha Trang.

Ở Nha Trang hồi ấy thì tối tối hẹn gặp nhau ở quán Cà phê Trang . Nơi đây cô chủ tươi tắn, ăn nói có duyên như mật ngọt. Và nơi đây cũng có nhiều sĩ quan đủ loại quân binh chủng đến uống cà phê là phụ và chính là tán tỉnh cô chủ. Bước vào cửa gặp ngay chàng phi công Thần Hổ còn sót lại trong số 13 chàng cùng khoá đã gãy cánh đại bàng. Người phi công hiển hách đầu tiên của 13 chàng Thần Hổ là phi công Huỳnh Hữu Bạc gập cánh sắt đầu tiên, nên Câu lạc bộ sĩ quan Không quân được mang tên CLB Huỳnh Hữu Bạc ngay ở cổng Phi Hùng. Kẻ sống sót cuối cùng của khóa, nay chỉ còn độc nhất Trương Đăng Lượng khiêm nhường đeo lon hoa tiêu đại úy. Còn đàn em của hoa tiêu Lượng có đứa nay mang lon đại tá lại là tư lệnh Không đoàn. Tính ngang ngược của Lượng thuộc vào loại thượng thừa. Gặp Đỗ, Lượng oang oang kể:

- Mày biết sao không? Chiều nay tao đang ngồi trên terrasse cư xá sĩ quan, ngay lối vào cổng phi trường Nha Trang, mày có nhớ là lòng đường thấp hơn dãy cư xá. Xe díp thằng Tư lệnh không đoàn do chính thằng lùn lái lấy, nghếch mắt nhìn lên terrasse thấy tao, nó nói vọng lên nhắn tối nay có mặt tại nhà ổng xoa mạt chược vì tướng Râu Kẽm mới ra. Tao đang nằm trên ghế xích đu đọc báo, hai tay ôm tờ báo không thể rời bỏ. Mày biết sao không? Tao lấy chân ngoắc ngoắc có ý trả lời ổng rằng tao và thằng Cử sẽ đến đúng hẹn. Khi tao thấy xếp lái xe đi rồi, dáng dấp như không hài lòng, thì tao chợt nhớ ra “thôi chết rồi, ổng giận thì bỏ mẹ...” Tao hối hận là sao không bỏ tờ báo ra mà lại lấy chân ngoắc ngoắc thay cho tay vẫy ra hiệu đồng ý. Quay sang Đỗ, Lượng hỏi:

- Theo mày, có sao không?

Đỗ bèn hù:

- Thế là mày đi vào cửa tử, bởi vì mày khinh xếp thì xếp nào có để cho mày yên? Trên đời này tao chưa thấy ai lấy chân “dua” xếp bao giờ. Theo tao, mày cứ lên xin lỗi ổng trước đi là hay nhất. Khi xin lỗi thì không được tỏ ra có thái độ xấc sược, ngạo mạn - như hồi mày kể cho tao nghe, rằng xếp gọi lên thăm dò thâm niên quân vụ ra sao? Thì mày chả thưa với tư lệnh Khong quân rằng, đại để thưa tướng không bao giờ xoá nổi trong trí nhớ hình ảnh thằng đại úy, bây giờ là đại tá xếp lớn; còn người nho thó, lùn, bị mụ vợ cầm chổi chà rượt đuổi xung quanh nhà vui đáo để!. Cái nhà mà Cương ở đó. Ổng nghe tới đây bèn xài xể như sao dám gọi xếp Không đoàn là thằng ? Thì mày lại bô bô nó có là đại tướng, thì nó vẫn la đàn em khoá sau tôi và chỉ giỏi nước chạy đua thoát khỏi vợ cầm chổi chà đuổi mà thôi. Mày còn nhớ không Lượng?

- Nhớ, Lượng gật đầu trả lời. Lần này thì tao không dám làm vậy nữa đâu? Tao chắc xếp hận tao dữ lắm!

Đỗ bèn bồi thêm:

- Có câu ngạn ngữ này mày cần nhớ: thương nhau như thể tay chân. Mày phải nhấn mạnh rằng tay cũng như chân như tình anh em ruột thịt. Thiên hạ chào nhau bằng tay là thói quen thường thấy, nhưng chân thì cũng như tay mà thôi, song chưa thường gặp mà thôi. Khi hai tay bận cầm tờ báo, lại ở trong tư thế ngồi trên terrasse nên đành phải dùng chân thay tay mà thôi. Tuyệt nhiên không có một ẩn ý gì ngoài sự biểu hiện tình quý mến thượng cấp có hơi chút khác thường mà thôi.

Thật tình Đỗ chỉ nghĩ nói đùa cho vui, không ngờ khi Lượng lên gặp xếp tư lệnh Không đoàn 62 lại nói đúng như vậy thật. Lượng kể lại sau lần gặp lại Đỗ là sau lần ấy Trương Đăng Lượng và Nguyễn Văn Cử đều bị thuyên chuyển lên Căn cứ 92 tận chân trời xa lắc Pleiku. Có lần Toà đại sứ Pháp ở đây điều đình với Không quân cho Trương Đăng Lượng sang Do Thái làm huấn luyện viên máy bay Mirage; nhưng anh không đi. Ở lại với quê hương, vợ con, bầu bạn, chiến hữu không đoàn. Nhưng thật là trớ trêu sau anh lại bị thuyên chuyển ra Không đoàn 41 ở Đà Nẵng và lại càng không được yên thân, phải nhậm đơn vị mới trên đỉnh núi Sơn Trà. Anh đem theo cả gia đình vợ con ra ngoài ấy. Rồi trong một chuyến bay của hãng Air Vietnam từ Đà Nẵng về Sài Gòn, vợ con anh đã giã từ chồng lần cuối, máy bay lâm nạn rớt dọc đường. Lần Đỗ gặp bạn đạp xe đạp trên đường Hai Bà Trưng, người đờ đẫn, mắt lờ đờ, nhìn vào xa xăm- khiến Đỗ nhớ lại hình ảnh đêm nào ở quán cà phê Trang sống động trong trí nhớ, với cả câu nói đùa của cô chủ quán hỏi Lượng: “... Nào anh quà tặng của em đâu ?” Thì câu trả lời thay Lượng của Đỗ: “... Quà tặng ấy à? Của anh, em giấu mất rồi..” Thế mà giờ này đây phi công tài hoa lại bạc mệnh kia nay lại đầy bất hạnh biết yêu đời mình, gia đình, không gian huy hiệu quân chủng từng được diễn nôm Tổ-Quốc-Không-Gì-Ăn đang chao đảo giữa giòng đời nhộn nhạo. Đỗ lên tiếng gọi, anh cứ đạp xe đi không muốn quay lại nhìn xem ai gọi mình.

...... CÒN TIẾP ....




VVM.01.12.2023-NVATP.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .