Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



DÀN MỒNG TƠI VÀ TRỜI BÌNH MINH



                    Kính hương hồn nhà văn Sơn Khanh

1.

Nắng trưa trong veo ngoài sân trùm phủ khắp chòm cây khóm lá. Khung cảnh êm ả hoàn toàn, chỉ có tiếng ve kêu, không một tiếng chiêm chiếp nào của chim chóc. Ngồi trong nhà, trên cái ghế đẩu độc nhứt nó sung sướng đong đưa hai chưn, lâu lâu thòng xuống đất giữ ghế khỏi xụt xịt sợ ba nó thức dậy. Dòm nắng chán chê nó ngó lên cuốn tập đương mở để trên bàn kế bên giường ngủ. Ba nó hồi nảy xét tập rồi sung sướng khen nó viết chữ đẹp, bài vở làm trúng, có nhiều chữ bon, chữ très bien, chữ parfait đỏ hồng của thầy giáo, điểm xuyết lại có nhiều chữ được gạch đít hai ba cái. Ba nó đã khen, lời khen hiếm hoi ít khi nghe được từ bao lâu nay khiến nó như mở cờ trong bụng. Nó biết chắc rằng như vậy thì ít ra vài ba ngày tới ba nó sẽ bớt đánh đòn vì những chuyện lặt vặt như rửa ly không sạch, còm hờm trong miệng lý.. chén còn nhớt ở dưới khu, như mang guốc lết lạch chạch quá phá giấc ngủ của ông, như ngưng quạt mát khi ông ngủ để chạy ra ngoài chơi tạt bao thuốc, chơi đá lon, chơi u mọi… khiến ông phải kêu tới bốn năm tiếng mới có mặt. Cây roi mây nằm dọc theo mình ông là thứ nó gờm nhứt. Nó sợ lấm lét mấy tháng nay từ khi cây thước bản bị mất do bà ngoại giấu đi và cây roi mây xuất hiện.

Trước khi đưa cho ba nó, nó dấu nghiến đi cái miếng giấy viết câu nhận xét của nó đưa cho thầy giáo nói là đề bài toán vô lý với câu hỏi 1000 thợ thì xây cất trong bao lâu xong căn nhà. Lời phê bình của thầy giáo nhẹ nhàng, em nói đúng nhưng mình đương làm toán, không phải làm chuyện phê bình đầu đề bài toán. Bây giờ ngồi nhớ lại chuyện cũ nó phì cười ngang. Một ngàn thợ thì cất cả năm cũng chưa xong căn nhà vì chỗ đâu mà đứng làm việc?

Cuốn tập viết bằng mực tím Ara Con Két nó phải để dành tiền cả tuần lễ mới mua được một ống về pha thay thế cho mực do nặn trái mồng tơi với lại một chút mực nầy nọ xin xớt từ bạn bè trong lớp.

Có tiếng ba nó kêu sau cái trở mình:

‘Long, con móc túi áo bành tô trong tủ lấy một đồng đi mua cà phê sửa cho ba. Coi chừng làm rớt cây viết stylo của ba nha!’

Dữ ác không, hèn lâu ớn mới được ba nói với mình bằng giọng ngọt ngào đó. Thường là mầy tao bằng cái giọng thiệt là nghiêm khắc. Hình như ổng phải ra oai mới chịu được mặc dầu căn nhà lúc nào cũng có hai cha con. Má nó sáng sớm đã đội thúng hột vịt lộn ra đi tới tối xẩm mới về. Bà Ngoại nhà kế bên nhưng cũng ít khi qua lại.

Nó đứng dậy. Mặt ghế đẩu tròn quay nửa vòng vì nảy giờ nó ngồi hơi lâu, dính đít. Cẩn thận lật bên trong cái áo bành tô, nó thấy cây viết stylo, nhưng không đụng tới, cây viết tháng trước ba nó sai đi tiệm cầm đồ cầm tạm hai chục đồng nhưng họ chỉ đồng ý cầm mười đồng bắt nó phải đem về, ba nó biểu gắn lại chỗ cũ, chừng nào hết bịnh đi làm lại thì ba rất cần đó. Cây viết nằm im thiên niên trong túi.

Ba nó nói sau một cơn ho dài xé phổi:

‘Con chịu khó đi xa chút, xuống cái tiệm nhỏ ở đường hẽm kế bên chùa Hưng Long để có cà phê ngon. Cà phê tiệm Triều Phát Ký ở Ngã Ba Vườn Lài khét nghẹt như là đậu rang, uống không mùi vị, chẳng ra đám ôn gì hết.’

Nó mừng rơn trong bụng. Đi xa thì tùng dịp la cà chút đỉnh ba nó sẽ không biết vì về tới thì chắc chắn ổng đã ngũ khò rồi. Nó bỏ tiền vô túi quần xà lỏn đập đập ba bốn cái cho chắc ăn rồi đi ra sau bếp lấy cái ngọn tre thân quí cầm theo. Thói quen của nó là cầm ngọn tre nầy, vừa đi vừa ấn một đầu xuống đất, tới đâu thì có lằn vẽ tới đó, để coi lằn vẽ dài bao nhiêu và có nhiều chỗ bị cách khoản hay không. Nó sẽ mừng rơn khi gặp hai đường vẽ đi kế nhau cả tuần mà chưa bị xóa.

Ra khỏi khúc quẹo gần băng qua đường lớn, hai bên hàng rào bông bụp bị ngọn roi tre của nó quứt rụng tơi tả. Nó thấy vui vui trong bụng. Quứt chán chê nó cặp ngọn tre vô nách đủng đỉnh đi như ông tướng trong tuồng hát bội.

Thằng Dần bỗng đâu ở sau một sào phơi quần áo chun lòn ra, đưa ngón tay lên miệng ra dấu im, rù rì rủ:

‘Tao với mầy lấy mấy trái mồng tơi xịt lên quần áo của họ phá chơi.’

‘Kỳ lắm! Họ biết thì ba tao đập cho không còn cái răng ăn cứt! Thôi!’

‘Ai thấy đâu mà sợ. Mấy thỏ đế quá lớn lên chắc thấy gái là chạy cong đuôi. Có gì mầy đổ thừa tao, tao chịu hết cho. Dân mới đẻ đã ngủ trong xe thùng mà, còn sợ trời đất gì nữa.’

Phải, thằng nầy mà còn biết sợ gì nữa, chun qua sào quần đàn bà một cách tỉnh bơ như chun qua sào phơi mùn mền vải vóc, chẳng sợ ngu si gì hết. Hết ý với nó!

Ngần ngừ một lát, thằng Long nói nhẹ hìu: ‘Tao biết ba tao mà, đổ thừa ổng cũng đánh như thường, về tội tụ tập theo tụi xấu phá làng phá xóm.’ Rồi như sợ bạn giận nó chuyển qua ý khác: ‘Tao không muốn bị đòn. Đau đít chết cha!’

Thằng Dần không rủ rê nữa, tự tay nó bứt từ nắm hột mồng tơi rồi bắn từ hột từ hột vô mấy cái quần kaki giắt trên sào:

‘Nè coi tao bắn nè. Vẽ bông nở khỏi cần cọ sơn.’

Rồi có chỉ qua hai cái quần dài trắng, lên tiếng, ‘Trắng nầy có tím vô thì đẹp hết xẩy, mầy thấy đúng không? Họ nói trắng là sạch sẽ để tao cho họ hết sạch sẽ.’ Rồi nó xịt liên tu bất tận bằng hết hai tay, nhứt là vô chỗ lằn nối hai ống quần. Bạn nó nhắm mắt lại, không dám ngó. Nó vừa bắn vừa cười, cái cười không ra tiếng nhưng có vẽ gì đó như nghiến răng. Được một hồi, coi bộ chừng như mõi tay nó ngừng lại nói với thằng Long đương lỏ mắt ngó công trình phá hoại của bạn mình.

‘Tao ghét người lớn.’ Nó nói nhưng không hở răng. ‘Tao bị họ ăn hiếp thiếu điều tróc da đầu. Bà con trong gia đình! Lối xóm! Ông già ghẻ của tao! Thầy cô giáo! Đủ hết! Bởi vậy đi học về là tao liệng cặp cái xạch đâu đó rồi lội ra nắng, đưa đầu trần tối ngày để khỏi ở nhà nhiều khi ổng về sớm thấy mặt mất công.’ Nó nuốt nước miếng nói tiếp, ‘Với lại để luyện cho da thịt cứng cáp.’ Nó khuỳnh hai tay ra gồng đưa bắp thịt khoe, theo bộ lực sĩ đẹp hình quảng cáo rượu thuốc đăng trên báo.

Thằng Long không nói gì, nó thấy mình thua xa thằng bạn giang hồ.

Thằng Dần thụt lui ra cách cái xào quần áo đâu chừng hai thước, ngắm nghía công trình của mình rồi chép miệng: ‘Nhà chật chội bữa kia giữa khuya thức dậy do tiếng động tao thấy ổng với má tao làm bậy, sợ quá tao cố nằm im vậy mà hình như tao nín thở lâu quá khi thở ra được thì hơi mạnh, ông biết, vậy là mấy bữa sau ổng kiếm chuyện đánh tao hoài. Má tao lại tránh mặt để khỏi binh, khỏi can sợ ổng giận. Hỏi mầy chớ không thù ghét người lớn sao được chớ?’

Nín thinh lâu lắm thằng Long mới bạo miệng hỏi:

‘Làm bậy?’

‘Mầy chậm lớn nên bù trất chuyện đó. Mầy có thấy chó mắc lẹo chưa, tụi nhỏ thường lấy cây, xỏ ngang hai con chó mắc lẹo rồi khiêng cho tới khi xút ra để cười đó.’

‘Bà ngoại với má tao không cho coi, nói là coi thì bị mọc mục lẹo ở mắt, đau lắm.’

‘Nữa, người lớn xạo nữa! Xí gạt con nít không! Tao coi hoài có mọc mục lẹo cái nào đâu! Mà thôi, mầy dế óc tiêu quá đừng nói về chuyện nầy nữa. Đại khái là ông già ghẻ của tao ăn hiếp tao hoài có bữa tao bỏ nhà ra đi, lên Chợ Mới Bến Thành khiêng đồ lặt vặt cho bạn hàng bông, hàng cá cũng sống được vậy…’

Thằng Long làm thinh như bình kín để trong góc nhà lâu năm. Lâu hèn mới nói chậm thiệt chậm: ‘Chắc ổng đánh để khỏa lấp cái mắc cở, chứ ăn hiếp mầy mập béo gì ổng! Tao mà lỡ bị bắt gặp thấy chuyện đó ba tao ổng đập cho không còn một miếng da mẹ đẻ chứ đánh một hai bạt tai mà nhằm nhò gì.’

Hai đứa dắc nhau đi khỏi hiện trường. Xa xa ngược chiều, tốp học trò gái lớp buổi sáng trường Hãng Đinh tan học, đi tới. Nắng trưa rọi hồng thân thể mấy đứa đương chuyển sang giai đoạn trổ mã. Thằng Dần sửa lại bộ điệu nghiêm trang khi đi ngang qua nhóm nầy. Có tiếng cười ríu rít như chế ngạo từ mấy cô gái hơi dạng dĩ.

Nó thúc vai bạn hỏi trong tiếng cười:

‘Mầy biết con gì mà đi nhai đứng ngậm ngồi cười không? Con nầy nhiều người thích lắm đó. Mà thôi hỏi mầy để tao hỏi cục đất còn sướng hơn. Mầy chậm lớn quá. Chậm lớn tới thành ngu như cái lu, không bao giờ nói được tiếng gì cho ra hồn chỉ ooang ooang thôi chẳng ta tiếng gì hết.’

‘Tao nhỏ hơn mầy có hai tuổi chớ mấy! Mau lớn như mầy để thành con nít quỷ. Bà ngoại tao nói hoài câu đó khi thấy mầy hút gió trước ngõ rủ tao lén trốn đi chơi.’

‘Vậy sao?’

Nó hỏi cho có, chớ cũng không cần để ý tới câu trả lời, mắc quay đầu ngó mấy đứa con gái vừa đi qua rồi lầm bầm tao chấm con nhỏ bận áo tay dài bông tím đó, để tao tìm cách ve thẹo nó…

2.

Cũng như bao lần trước, tôi lấy trong túi ra một cọc bao thuốc đã xếp làm tư cẩn thận mà tôi và tụi bạn trong xóm xài làm tiền ăn thua bằng cách đánh tù tỳ, đổ xí ngầu hay tạt qua mức. Lần nầy cũng vậy, cẩn thận lựa một cái có mệnh giá thấp nhứt, thuốc MIC, kẹp miếng thiếc nắp lon sửa để cho khỏi nóng tay rồi cẩn thận đi về. Bận đi xài thời gian coi bộ hơi nhiều nên bận về sẽ không tẻ ngang tẻ dọc nữa. Đi ngang chỗ sào phơi đồ hồi nảy tôi bỗng nhiên giựt mình khi thấy hết thảy quần áo trên sào đều đã được lấy vô hết. Linh tính báo điều gì không yên xảy ra. Trưa một giờ trời nắng đổ lửa mà tôi run en ngang, cảm giác đi ngang nhà nào người trong nhà cũng dòm ra và con nít chỉ chỏ khiến ớn lạnh xương sống. Tiếng ve kêu trưa như tiếng than khóc. Giọng rao kéo dài ê a của bà Tư bán chè đậu đen bữa nào cũng vậy nhưng mà bây giờ nghe như tiếng mèo kêu trong đêm mưa rả rít. Tôi chần chờ một hồi lâu mới lấy hết can đãm quẹo cái quẹo chót để vô xóm nhà mình. Trước ngạch cửa, thằng Dần đương đứng ngoan ngoản cúi đầu ngó xuống, gần đó con nhỏ bận áo bông tím đứng ngó mong ra sân, thấy tôi về tới thì lỏ mắt đen láy tròn vo ngó lom lom. Bà ngoại lấp ló trước nhà bên kia, ba thì đã đứng xuống giường, tay cầm cây roi mây nhịp nhịp vô chưn mình trong khi nói chuyện với một người đàn bà trước mặt, coi bộ khá sang trọng.

Khỏi cần ai nói tôi cũng biết chuyện gì đã xảy ra. Con nhỏ chỉ đích danh thủ phạm là thằng Dần rồi thằng nầy đổ thừa đổ thiếu cho tôi nên bị dẫn tới nhà tôi. Chủ mấy cái quần áo bị xịt mồng tơi kia chắc mẫm là cái bà nầy. Con nhỏ áo bông tím chắc là con cháu gì đó…

Tôi xanh mặt bước vô nhà, chào khách rồi đặt lon cà phê sửa lên bàn. Ba tôi liếc theo từng cử chỉ của con bằng bộ mặt của biện Chà rượt không được người bán hàng rong, đương trút cơn giận lên bàn lên ghế.

Người đàn bà lên tiếng:

‘Thôi anh! Xin anh vị tình tôi tha cho cháu, để mừng ngày mình gặp lại nhau.’

Ba tôi không trả lời, xốc tới, nắm tay tôi kéo quật quay mặt lại ông, quất cho ba roi liên tu vô đít đau điếng rồi đẩy tôi ra xa, thẩy hất cây roi vô chỗ thường ngày. Tôi đau một, nghĩ tới chuyện oan ức thì đau mười. Ngó liếc qua cặp mắt hột nhãn của con nhỏ thì mặt tôi ráo hoảnh như chưa từng bị đòn. Ngó ra ngoài thì thằng Dần đã bỏ chạy đi mất từ hồi tám hoánh nào lận, chắc là chưa kịp thấy tôi bị đòn vì tại nó rắn mắc…

Bà Ngoại tôi bước qua, đưa tôi cái khăn rằn của bà, tay kia xô thúc tôi ra ngoài…

Tôi ngồi chồm hổm rửa mặt bên hè, cái hè dùng làm sàn nước, cố lóng tai nghe coi ba tôi có nói gì thêm về mình không. Chẳng hạn như coi bộ ham chơi, ưa theo bè bạn lêu lỏng chút đỉnh nhưng học giỏi… để tôi đở mắc cở với con nhỏ đó. Ngước mặt lên tôi thấy nó đã đứng bên góc hiên đương theo dõi từng cử chỉ của tôi. Tôi cúi gầm mặt. Gặp nhau lần đầu mà ê mặt quá thì làm sao dám gặp thêm những lần khác. Ba tôi cạn nghĩ thiệt tình, bộ quứt mấy roi đó thì tôi nên người mà không quứt thì tôi thành đứa hư thân mất nết chắc?

Trong nhà hình như hai người lớn đã nhìn nhau là quen biết đâu chừng bao nhiêu năm trước hồi ở tỉnh nào đó.

Tiếng người đàn bà:

‘Anh bỏ đi rồi tôi nghĩ rằng đi như vậy là phải, chỗ đó không thể là chỗ của anh ở lâu…’

Tiếng ba tôi:

‘Ngột ngạt quá, mà cũng sợ hải quá cho sanh mạng mình kể từ khi tôi bắt buộc phải nói tiếng Tây với thằng Trung Úy mặt gạch kia kêu nó dẫn lính đi hướng khác với hướng anh em đương núp trốn để cứu anh em vì lực lượng bên nó mạnh quá mà mình thì le que vài ba mạng với tầm vông vạt nhọn. Họ không thưởng thì thôi lại nói nầy nói kia, coi bộ sát khí đằng đằng.’ Ba tôi nói thêm sau tiếng cười vui, điều nầy ít khi thấy: ‘Thằng Trung Úy người Madagasca kia tin tôi liền vì nghe tôi nói mình từng là học sinh trường Jean Jacques Rousseau- mà trước đây ở quê nhà nó cũng học trường có tên đó - và hiện giờ tôi là thầy giáo dạy tiếng Pháp.’

Người đàn bà chêm vô:

“Họ thì vậy không, nghi kỵ mọi thứ. Khi vợ chồng tôi bị Tây bắt, sau điều tra và ở tù mấy năm được thả ra, họ cho liên lạc kêu về hoạt động lại, tụi tôi đâu dám. Nên trốn biệt. Về tiếp tục làm việc, dầu nhiệt tình bao nhiêu cũng bị ngờ. Ảnh xin làm cho hãng Charner, cho tới khi bị tai nạn mất ba năm trước.’

Ba tôi nói:

‘Tội nghiệp chưa, đâu biết chuyện khổ đó của chị đâu. Mà chị ở xóm nầy bao lâu mà chúng tôi không biết?

‘Đâu chừng tám tháng thôi, ở đây cho nhẹ tiền nhà. Nhà cũ, cao giá quá, lương công nhơn hãng BGI như tôi khó khăn lắm. Hồi ảnh còn sống thì cũng khá. Ổng mất mẹ con tôi như cua gảy càng, sống tạm bợ từ đó tới nay. Hủ hỉ cùng nhau!’

Tôi đứng đây đi vô nhà, làm bộ ra sau kiếm khăn lau mặt, nghe thêm. Ba nói:

‘Mình cũng đều là nạn nhơn của thời cuộc, của hoàn cảnh. Tôi làm ở chỗ chế tạo vũ khí như chị biết. Thuốc súng tối ngày. Di chứng tai hại là nay bị bịnh hậu, luôn luôn khó thở, phổi dính lại còn có phân nửa, không làm gì được ra tiền. Nhờ bà vợ tảo tần mới lê lết được. Nói ra càng thêm tủi.’

Nghe tới đây tôi nghĩ tới con nhỏ mắt bự hột nhãn của bà kia. Họ sang quá mà mình thì nhà nghèo. Khoái thì khoái chứ chắc đứng xa mà ngó như hồi xưa Phạm Công ngó Cúc Hoa thôi.

Tiếng bà kia: ‘Anh cố gắng dành dụm mua cao hỗ cốt uống may ra! Thứ đó tốt lắm cho sức khỏe!’

Lâu lắm tôi không nghe tiếng ba tôi lên tiếng, hình như ông đương tìm ý gì để trả lời ý nhị. Mấy cái chén tô hơi mẻ miệng mẻ khu lâu nay lần nào rửa chén tôi cũng hơi bực mình nảy giờ chường mặt chình ình ra trước mắt con nhỏ đó, dầu tôi đã nhúng chúng xuống nước, phủ bọt xà bông lên che khuất chút nào hay chút nấy như đã che bớt nỗi bực mình của tôi. Tiếng ba nói hơi lớn:

‘Tôi không tin cao hổ cốt, không tin yến huyết, không tin vi cá, không tin sừng trâu nước, chưn gấu… là bổ nầy bổ nọ, là trị được bịnh cho người già. Xạo không. Ba Tàu chuyên xạo để làm tiền khiến bao nhiêu thú quí chết oan. Chị coi xứ người ta những thú đó có nhiều, xứ mình những thú đó như là tuyệt chủng. Cũng tại người Việt mình ngu và tham lam nên nỗi! Tôi hả! Cầu cho có chút tiền mua chai rượu bổ hiệu Con Mèo Dubonnet uống cả tuần lễ là quý rồi.’

Rồi ông chuyển đề tài: ‘Chị biết không, lúc đó từ trong chỗ mình ở ra đây ba người tụi tôi đi vòng vo, xe máy, xe đò, tàu lớn, tàu nhỏ, tránh né cũng hơn hai tháng mới tới được Sàigòn. Chị coi, ra chợ Cần Thơ rồi đâu dám đáp xe đi thẳng Sàigòn, tụi nó cho người dòm hành dữ quá nên phải đi từ chặn từ chặn tới đâu ở tạm đó, ăn bờ ngủ bụi. Cần Thơ - Vĩnh Long. Vĩnh Long - Mỹ Thuận. Mỹ Thuận - Cái Tàu Hạ. Cái Tàu Hạ- Nha Mân. Nha Mân - Sa Đéc. Ối thôi hơi sức nào nhớ…

Có tiếng hai người cười.

Tôi xuống bếp lục nồi vo gạo nấu cơm chiều như hồi nào tới giờ… Canh lửa nồi cơm tôi ngủ gục lúc nào không hay. Trong mơ màng nghe bà ngoại nói tôi cứng cổ, ham chơi nên bị đòn là đáng kiếp… Nghe mà buồn nghiến, nếu chừng một hai năm trước thì tôi đã bệu bạo khóc rồi.

3.

Thằng Long lại cầm tiền đi mua cà phê sửa buổi trưa nữa. Đi ngang dàn mồng tơi nó cảm giác rùng mình lạnh từng lổ chưn lông khi nghe bước chưn của thằng Dần lót tót theo sau. Làm bộ không biết, nó đi thẳng không ngoái lại dầu cho thằng Dần làm trò khỉ hú hét gần khan cổ.

Cuối cùng thì không chịu được, thằng cứng đầu nầy chạy mau tới cặp cổ bạn mình:

‘Gì đây mà làm lơ với tôi vậy ông Thần? Bỏ qua chuyện cũ nha! Giận dai như con gái đâu đáng mặt tu mi!’ Tiếng tu mi nó xài khiến thằng Long bắt cười.

Thằng Dần đưa ngón tay ra điểm mặt bạn:

‘Cười rồi hén, hết giận rồi hén. Mấy hỗm rày tao chờ mầy ở đây tới bữa nay mới gặp, mừng hết lớn!’

Rồi nó liếng thoắng kể lung tung chuyện của nó khiến thằng Long lạt lòng cười nói trả lời lại coi như mọi chuyện xưa đều được gôm bỏ.

‘…. Lóng nầy thằng cha già ghẻ tao đánh má tao hoài có ngày tức quá tao bửa dầu ổng rồi tới đâu tới chớ để thấy cảnh nầy hoài tức quá làm sao sống.’

Thằng Long nghe mà ớn xương sống, tên nầy dữ quá chừng. Tiếng bửa đầu của nó nghe như là chuyện giết người, chuyện ăn cướp, chuyện đánh giặc.

Hai đứa đi song song mỗi đứa theo đuổi ý nghĩ của riêng mình.

Bỗng nhiên thằng Dần quay mình, phóng như bay về phía đám con gái đương đi học về, sau khi buông ra câu nói mau:

‘Để tao bóp vú con nhỏ Tuyến, làm xấu nó cho bỏ cái tật thèo lẽo.’

Thấy có người chạy a tới xâm xâm vô bọn mình, mấy đứa học trò gái kêu ú ớ, chùm nhum với nhau lại. Nhỏ Tuyến đứng thẳng người trước mặt kẻ tấn công lớn tiếng:

‘Dần, bộ mầy tính ăn hiếp con gái hả, lần nầy thì không cần mét ba má mầy nữa, có cò bót xử.’

‘Nè có bót!’ Một bạt tai như trời giáng vô mặt con nhỏ, nhỏ Tuyến lảo đảo. Thằng Long ở sau lao tới ôm chặt ngang eo ếch thằng bạn lớn con hơn nó quật xuống, hai đứa ngã lăn trên mặt đất. Đứa nào có tay thong thả thì thụi vô mặt đứa kia liên tu bất tận. Không bao lâu thì hai đứa đều máu mủi chảy ra tùm lum. Thằng Dần nói nho nhỏ vừa đủ cho đối- thủ-bạn- thân của nó nghe: ‘Thằng quỷ! Tao có dao con chó trong mình nghe! Buông tao ra. Nó nói hai ba lần mà chưn thằng Long cứ quặp chặc chưn nó còn tay thì đấm túi bụi vô mặt bạn.

Bỗng nhiên con Tuyến la lớn:

‘Mấy người có buông nhau ra không? Mấy người là súc vật hay là người! Buông nhau ra!’

Hai thằng - bạn - kẻ - thù buông nhau ra và tiu ngỉu đứng lên, ngỡ ngàng ngó nhau. Có mấy tiếng vổ tay lẹt đẹt rồi thì tiếng vổ mạnh hơn từ tứ phía.

‘Còn đứng đó nghinh nhau hả? Không bắt tay nhau huề đi! Anh em bè bạn chí thiết rồi đánh lộn vì gái mà không biết xấu hổ! Lêu lêu!’

Trận chiến kết thúc ngoài sự đoán định của bất kỳ ai. Thằng Dần đưa tay ra cho đối thủ bắt rồi cười cười lửng thửng quay về con đường cũ sau khi đập đập vô quần sọt chứng tỏ mình có đồ chơi mà không thèm sử dụng. Thằng Long lau máu mũi từ cái khăn mu-soa trắng của nhỏ Tuyến đưa ra rồi tiếp tục đi mua cà phê sửa cho ba nó.

Tụi học trò gái bàn tán như ong bể ổ, nào là ghê quá, thằng đó có dao mà chưa rút ra, nào là bà Tuyến hét như nữ tướng khiến hai đứa sợ uy nên thôi đánh nhau… Chỉ có bà mới trị hai thần ôn đó được.

4.

Tôi thấy một cuốn thơ cũ ‘Tiếng Lòng’ trong xấp báo bỏ lang thang lâu nay trong tủ quần áo ít oi của gia đình lẫn lộn với mấy cuốn tiểu thuyết mỏng của Việt Đông, của Dương Minh Tự, của Nam Hồng…

Tôi đọc và ăn cắp mấy câu, nắn nót chép gởi cho Tuyến bằng cách buổi tối đem giắt vô dàn mồng tơi kế bên hai chậu cẩm hồng lúc nào cũng nở bông đỏ mịn màng, tôi đưa tay nưng một bông lên ngắm nghía vẽ đẹp của nó rồi mới cố gắng ra dấu khi thoáng thấy cô nàng lui cui làm công chuyện gì đó trong nhà:

Cha anh có biết đâu rằng
Đứa con dại ấy lòng giăng lưới tình,
Đã từng mê mải người xinh,
Đã từng gối lệ một mình trong đêm.


(Sơn Khanh_ Tình Cha, Tiếng Lòng)

Tôi thích quá hai chữ gối lệ vì giống với chuyện mình từng úp mặt vô gối khóc kêu mấy tiếng Tuyến ơi, Tuyến ơi trước khi ngủ những đêm buồn nhớ. Tuổi mới lớn mộng mơ mà, ai lại chẳng vậy!

Được trả lời bằng hai chữ thơ hay, tôi xung độ viết thơ tình thổ lộ rằng mình thích đôi mắt hột nhãn và muốn được làm quen bằng thơ từ trao đổi. Thơ đi tin lại cả năm, thường cô nàng viết rất ít, đại khái như là Long viết thơ hay, chân tình, nhưng chúng mình còn nhỏ quá nên cố gắng học hành. Tối tôi gắn thơ mình và sung sướng nhận hồi âm sáng sớm hôm sau khi một chút vừng hồng phương Đông ló dạng, khi chim chóc thức giấc ríu rít chuyền cành hay hưởng những giọt sương đêm còn đọng lại trên đầu lá. Thời gian đó tôi vui nhứt, đi ngang bóc nhẹ lá thơ được xếp nhỏ gắn vô một chỗ kín đáo nhứt định mà người thường nếu không để ý rất khó thấy. Buổi sáng nào tôi cũng như được thực phẩm thần tiên, thấy mình hạnh phúc và mạnh mẽ biết là bao nhiêu.

Rồi tôi ăn cắp thêm những hàng sau đây, mặc dầu cũng thấy hơi gượng ép vì đất Sàigòn làm gì có mùa đông, và ngay bản thân tôi cũng chưa từng biết mùa đông lạnh như thế nào:

Rét mướt hôm nay lén đến phòng,
Một vài chiếc lá rụng bên song,
Bạn ơi! Tôi sợ mùa đông đến,
Trong lúc tôi chưa sửa soạn lòng.

Trời hỡi! Lòng tôi vạn khổ đau.
Phân vân chưa biết dấu nơi nào.
Hãy còn bừa bãi nghiêng ngang lắm,
E lạnh mùa đông sẽ tạt vào;

Ai bảo nơi nầy chẳng có đông,
Vì đông đã sẵn ở muôn lòng.
Chỉ cần một bóng người yêu mất,
Là lạnh muôn đời, hết ước mong.


(Sơn Khanh_ Đông ở trong lòng_ Tiếng Lòng)

Sau thơ đó tôi không thấy thơ trả lời của Tuyến gắn trên nhóm mồng tơi mỗi buổi sáng sớm nữa. Chắc là cô nàng biết tôi ăn cắp thơ của ai chớ thằng nhỏ 14 tuổi mới học Năm Thứ Hai thì làm sao làm thơ mướt như vậy được.

Vậy là bước đầu trong chuyện tiến tới Tuyến tôi đã vấp một cái nặng quá mạng. Khổ là tôi không được đính chánh hay giải bày gì về chuyện làm của mình. Tánh tôi không phải như thằng Dần nên không dám xáp lại gần khi thấy Tuyến đi học với nhóm bạn.

Hình ảnh đẹp trước đây dưới mắt Tuyến đã bị bay mất khi tôi vụng về ăn cắp thơ mà không thành thật nói rằng mình mượn để giải tỏa nỗi niềm…

Rồi ngày tháng trôi qua, tôi cố gắng tìm quên hai người đặc biệt đánh dấu đậm vô lòng tôi khi vừa mới lớn. Thằng Dần đã bỏ xóm đi luôn sau khi nó đập lổ đầu ông già ghẻ lúc ổng đè bóp cổ má nó. Tuyến thì bặt thơ luôn dầu chúng tôi thường thấy mặt nhau lúc học trò đi học về mà cả hai đều bợ ngợ như chửa hề quen.

Cuối năm học đó, tôi mất dấu Tuyến luôn, nghe nói nhà Tuyến dọn qua đâu đó ở chỗ Đất Hộ xa mịt mùng đối với đôi chân của một đứa con nhà nghèo chưa bước vô đời như tôi. Thôi thì tình yêu là sự lấn chiếm từ từ của cảm tình, cảm tình bị chận đứng thì đành chịu phép vậy, đứng ngó tình yêu trôi theo nước ra biển cả hư vô.

Lớn lên, cái tật ăn cắp thơ trang sức cho mình cũng như ăn cắp bất cứ thứ gì khác tôi đã bỏ được để trở thành người lương thiện. Nhưng cái tật ghét dàn mồng tơi và ghét những buổi sáng hừng đông khi mặt trời mới hé lên trên lằn chưn trời tôi không thể bỏ được tuy rằng biết mình thậm vô lý. Dàn mồng tơi tím đã cho tôi thân thiết với đôi mắt hột nhãn lay láy, đã biếu dâng tôi những hàng chữ ngăn ngắn lót lòng mỗi sáng trong một khoảng thời gian tôi bắt đầu biết mộng mơ. Nay dàn mồng tơi còn đó trêu ngươi mà đôi mắt hột nhãn kia đã không còn quanh quất. Vừng đông ngày xưa đem tới tôi hạnh phút biết bao nhiêu nay lạnh lùng nhìn cảnh tôi ngơ ngác, thẩn thờ.

Hỏi sao không ghét hai thứ đó được chớ?

Và càng lớn lên tôi càng quên đi hình ảnh của thằng Dần mà càng nhớ quay quắt đôi mắt hột nhãn của Tuyến. Chưa phải là tình yêu, chưa phải là tình đầu, vậy tôi có thể nào kêu đó là Tình Nhớ của một chàng trai mới lớn?

(Dàn truyện, San Antonio. TX 1981, viết và sửa chi tiết Victorville, CA, August, 2021)




VVM.01.12.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .