Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ƠN NGƯỜI ƠN ĐỜI




M ột chữ ơn tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé, ấy vậy mà cả đời không đáp được, có chăng cũng chỉ hời hợt chút chút gọi là. Chữ ơn hàm ý cao cả và thâm sâu, dù nói thế nào cũng không tả hết. Con người ở đời tương tác với nhau, ơn nghĩa với nhau là lẽ đương nhiên, tuy nhiên với những cái ơn hoàn toàn chỉ có thi ơn mà không hề mong báo đáp bao giờ, chẳng hạn như: Ơn Phật, ơn ông bà cha mẹ. Phật và ông bà cha mẹ có bao giờ đòi hỏi chúng ta phải báo đáp, phải nhớ ơn mình? nhớ hay không là tự thân mỗi người chúng ta, điều này cũng thể hiện được nhân cách, văn hóa và giáo dục mà chúng ta có.

Con người cũng như vạn vật trong trời đất tương tác qua lại lẫn nhau. “Cái này có thì cái kia có, cái này diệt thì cái kia diệt”, không hề có một cái gì là thực thể độc lập, tồn tại một mình. Con người cũng thế, không thể tồn tại độc lập mà không cần có môi trường sống chung quanh, không có nguồn cội… Tất cả do nhiều cái duyên hợp lại mà thành, mà đã do duyên hợp thì cũng ắt do duyên mà tan. Ơn người cũng thế, cũng không thể ngoài nhân duyên. Cũng do duyên mà có cái ơn trở nên cao quý được ghi nhớ, được xưng tán; cũng có mối ơn do duyên mà trở nên quên lãng, mai một thậm chí bị bội ơn.

Nói về ơn thì trước hết phải nhớ ơn Phật. Ngài đã đến thế gian này, khai mở con đường sáng cho mọi người, chỉ ra những nỗi khổ, nguyên nhân khổ, cách thoát khổ… Phật dạy tu phước, tu huệ, sống an hòa từ ái, tăng trưởng từ bi, tôn trọng sự sống muôn loài. Phật dạy con đường giác ngộ, dạy cách ra khỏi biển khổ sinh tử luân hồi. Không có Phật thì loài người sẽ mãi mờ mịt trong màn đêm vô minh, mặc tình tạo tác ác nghiệp. Phật đại từ đại bi chỉ dạy vô điều kiện, yêu thương không cần báo đáp, chỉ có thể nói là “Vô duyên đại từ”. Ngài đem lòng từ và trí huệ ra tận lực chỉ giáo con người mà không cần một điều kiện gì cả. Mình nhớ ơn Phật thì làm theo những gì Phật dạy, tùy phận, tùy sức, tùy thời, tùy duyên; làm với sự cố gắng cao nhất mà mình có thể, ấy cũng tạm gọi là báo ân Phật. Báo ơn Phật không phải dâng một ít trái cây và hoa rồi dập đầu lễ bái, báo ân Phật thì phải:

Chư ác mạc tác
Chúng thiện phụng hành
Tự tịnh kỳ ý
Thị chư Phật giáo

( kinh Pháp Cú)

Ơn cha mẹ ai cũng biết, cũng hiểu nhưng vẫn cần phải nói, điều đáng nói ở đây là từ hiểu biết đến thực hành có một khoảng cách khá xa. Không có cha mẹ thì không có mình. Mẹ sanh cha dưỡng, cả đời chăm sóc nuôi nấng lo toan… Một khúc ruột của mẹ cắt ra để tượng thành hình người, từ khúc ruột ấy cha bỏ công sức cần lao nuôi nấng,dạy dỗ để rồi có ta hôm nay. Bởi thế mà thiên hạ vẫn ví cha mẹ như hai vị Phật đầu tiên trong đời của mỗi con người. Thiền tông Nhật Bản có câu chuyện anh thanh niên bôn ba khắp xứ để tìm Phật, tìm hoài không thấy, mãi cho đến khi có một vị thiền sư bảo: ”Anh hãy quay về nhà, người đầu tiên ra mở cửa cho anh đó chính là vị Phật”. Anh ta nghe lời, quay về nhà. Người mẹ già lập cập run run ra mở cửa. Anh ta chợt ngộ: ”Đây chính là một vị Phật”. Con người hiếu thảo, đền đáp công ơn cha mẹ là lẽ tự nhiên, là đạo lý và cũng là nhân cách của mỗi người.

Trong nhà thì cha mẹ, anh em, vợ chồng, họ hàng tương tác qua lại với nhau. Ra ngoài thì ơn người, ơn đời đôi khi cũng rất diệu kỳ; đôi khi xa lạ nhau nhưng chỉ một lời nói, một cái nhìn, một hành động cũng có thể trở thành cái ơn nhớ mãi trong đời. Đừng nói là chỉ con người, con vật cũng biết ơn, có rất nhiều những câu chuyện thực tế cho thấy loài vật cũng biết ơn và nhớ ơn. Có những con chó nhớ ơn chủ cứ nằm bên mộ chủ nhân hoặc lẩn quẩn quanh nơi cũ của chủ mà chẳng chịu đi đâu. Có những con vật được cứu khỏi dòng nước hoặc đám cháy, nó cứ bám riết lấy người cứu nó. Mới đây nhất truyền thông và mạng xã hội đưa tin hình ảnh một con gấu Kaola ở xứ Úc cứ bám riết lấy người lính cứu hỏa vì anh ta đã cứu nó ra khỏi trận cháy rừng kinh hoàng. Trong sử sách thì có “Quỵ nhũ chi ân”kể chuyện con dê con cứ quỳ trước mẹ nó khi nó bú sữa, hoặc tích chim anh vũ ngày ngày đi tha thóc về nuôi cha mẹ bị mù lòa… Có rất nhiều chuyện vật thọ ơn và báo ơn, dẫu có viết bao nhiêu cũng không thể kể hết. Ơn người kỳ diệu lắm, chữ ơn ảo diệu vô cùng, dù là vô tình hay hữu ý, chỉ một lời nói, một hành động nhỏ tạo ơn đã khiến cho người thọ ơn nhớ hoài, thậm chí dùng cả thân mạng để đền ơn. Trong sử cũ có vô số những câu chuyện thọ ơn và đền ơn như thế. Có rất nhiều những tấm gương anh hùng, nho sĩ, kỹ nữ… Chỉ vì một chút ơn mà sẵn sàng hy sinh thân mình để báo đáp ơn xưa, tỷ như: “kết cỏ ngậm vành”, “Bát cơn phiếu mẫu”…

Người Việt chắc ai cũng ít nhiều biết truyện Tàu, sử Tàu, (những thế hệ 8x, 9x hoặc trẻ hơn nữa sanh ra và lớn lên ở hải ngoại chắc không biết). Hàn Tín thuở hàn vi vì quá đói khát mà xin bát cơm của người đàn bà giặt vải bên sông. Sau này khi công thành danh toại ông trở về bến sông xưa với cả ngàn vàng để báo ơn bà lão ấy. Bà lão giặt vải ấy cho Hàn Tín ăn vì thấy thương kẻ đói khát chứ bà nào có tâm tưởng được báo ơn, người ra ơn không mong cầu nhưng người thọ ơn thì nhớ mãi không quên. Có một câu chuyện ơn đời ơn người còn đẹp hơn nữa, hay hơn, ảo diệu hơn: Khi xưa Từ Hải đến lầu xanh chơi, gặp nàng Kiều. Nàng Kiều nhìn cốt cách Từ Hải rồi bảo:

“Tấn Dương được thấy mây rồng có phen”

Kiều không xem Từ Hải là lục lâm thảo khấu, không phải phường làm lọan như triều đình kết tội. Nàng xem Từ Hải ngang hàng với Lý Thế Dân, đến Tấn Dương gặp được rồng và mây ngũ sắc che đầu, điều này theo quan niệm xưa là điềm của anh hùng cái thế, là quân vương… Nàng đã xem trọng và đề cao Từ Hải như thế, cũng vì vậy mà gởi gắm tâm tình:

“Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau”

Nghe thế có lẽ Từ Hải sướng rêm cả người, sướng mê tơi. Cả triều đình xem mình là giặc ấy vậy mà ở chốn lầu xanh có gái má hồng xem mình ngang hàng với Đường Cao tổ, anh hùng khai nghiệp Đường triều thì còn gì hơn nữa. Từ Hải xúc động mãnh liệt, những lời của Kiều khắc sâu vào tâm khảm của chàng. Chỉ một lời, một cử chỉ của Kiều đã khiến Từ Hải hứa

“ Một lời đã biết đến ta
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau”

Không chỉ hứa suông, Từ Hải đã làm như thế và còn hơn thế. Sau khi công thành danh toại “rạch đôi sơn hà”. Từ Hải lập tức rước nàng về dinh, đưa nàng từ phận gái lầu xanh lên làm đệ nhất phu nhân

“Hai bên mười vị tướng quân
Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu
Cung nga thể nữ nối sau
Rằng vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy
Sẵn sàng phượng liễn loan nghi
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng”

Cái vinh hiển, cái danh dự của Kiều cao ngất trời, thiên hạ được mấy người? Một lời nói ngày xưa ở chốn lầu xanh mà giờ thành phu nhân, lại được trọn quyền báo ân báo oán. Công hiệu của chữ ơn thật khó mà nghĩ tưởng nổi. Ngày ấy nàng nhìn Từ Hải khác với khách làng chơi, nói với Từ Hải những lời khác với khách làng chơi, để rồi ngày sau vinh hiển tột bậc. Ơn người ơn đời kỳ diệu làm sao, đẹp làm sao! Đọc xong những vần thơ của truyện Kiều, nhất là những lúc Kiều và Từ Hải gặp gỡ nhau, đối đáp nhau… Khiến không ít gã du tử mơ màng: ”Giá mình cũng có tài làm nên động địa kinh thiên, rạch đôi sơn hà, triều đình riêng một góc trời... như Từ Hải để mà có dịp tạ ơn người ơn đời”. Khổ một nỗi ở đời, gà vịt thì vô số chứ chim bằng, phượng hoàng có bao nhiêu. Cá chốt, lòng tong đầy đặc chứ cá côn , cá kình được mấy mống. Bởi thế những gã du tử vẫn ngẩn ngơ đời, ôm phận mơ chứ đâu đáp được ơn người ơn đời.

Đời thường, trong sử sách, trong văn chương có biết bao nhiêu tích, chuyện ơn đời ơn người. Đôi khi chỉ một lời nói, một hành động chìa tay ra… mà khiến cho người ta nhớ suốt đời. Đời thường, có những trường hợp con người ta vì một vấn đề gì đó mà tuyệt vọng nhưng vô tình gặp được sự khích lệ hay một bàn tay ai đó xìa ra… và họ đã đứng dậy, để rồi sau đó thành công và họ nhớ mãi cái ơn khích lệ, cái bàn tay xìa ra lúc tuyệt vọng ấy. Mặc dù người nói lời khích lệ hay xìa bàn tay ra chẳng nghĩ mình đã làm ơn và cũng chẳng nhớ gì cái việc mình đã nói hay đã làm nhưng người thọ ơn thì không thể nào quên. Cái đẹp là ở chỗ này, tính nhân văn là đây, sự ảo diệu của chữ ơn là vậy!

Ơn người lớn lắm, đôi khi một bữa ăn cũng có thể làm ta nhớ hoài, một lần được nhìn nhận cũng khiến người nhớ không quên. Cải lương Việt Nam có tuồng: ”Dự Nhượng đả long bào”. Dự Nhượng là nhân vật thời Xuân Thu Chiến Quốc bên Tàu, vì thọ ơn chủ cũ mà hoại hình, hủy thân, nuốt than hồng… để tìm cách tiếp cận kẻ giết chủ mình. Mấy bận hành thích mà không xong, vua mới tuy tha nhưng sự việc quá tam ba bận nên mới giết, trước khi bị giết. Dự Nhượng xin một ân huệ cuối cùng là được đánh long bào vài roi để trả thù và cũng là báo ơn chủ cũ. Câu chuyện thật tuyệt vời về lòng trung, về sự hàm ơn và báo ơn… Ơn đời ơn người đôi khi chúng ta không thấy, nó ẩn trong sự tương tác cộng sinh. Ví như có người bảo:” Tôi ăn, tôi mặc nhưng chẳng thọ ơn ai, vì tôi bỏ tiền ra mua” nói thế là không phải, sai rồi! Để có được món ăn ấy phải có bao nhiêu người cộng tác làm ra, từ nuôi, trồng, sản xuất, chế biến, mang đi trao đổi, mua bán...và cái mặc cũng thế, bao nhiều người tương tác cùng nuôi tằm, dệt vải, cắt may, tẩy nhuộm. mua bán, vận chuyển. Mỗi miếng ăn món mặc đều có công sức tương tác của nhiều người. Bởi thế mà ca dao Việt Nam mới có câu:

“ Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”

Ơn người với người tương tác cộng sinh, ơn người với vật tương tác sinh tồn, ơn cỏ cây cho dưỡng khí, ơn trời đất cho ánh nắng và sự sống, ơn quốc gia bảo bọc, ơn dòng tộc duy trì… Thiền sư nhất hạnh viết:

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương

Sống không chỉ nhận mà phải biết cho đi, cái cho mới trân quý và cao đẹp biết bao. Đôi khi chỉ cho nhau một nụ cười, một cái ôm cũng đủ để thấy đời đẹp, đời đáng sống và đủ để ơn nhau.

Những năm cuối thập niên bảy mươi đến thập niên tám mươi của thế kỷ trước, khi mà người Việt vượt biên lên đến đỉnh điểm. Hàng vạn người chết vì chìm tàu, đói khát, bão tố, hải tặc…Có một vị phóng viên người Đức là Rupert Neudeck đã vận động quyên góp và dùng con tàu Cap Anamur cứu vớt thuyền nhân trên biển đông. Họ đã cứu được 11.300 thuyền nhân. Ông Rupert Neudeck quả là có tấm lòng đại bi của bậc bồ tát, với năng lực của một phóng viên, trái tim nhân ái, một tinh thần qủa cảm của một chiến binh. Ông và con tàu ra khơi cứu hàng vạn người đang chơi vơi giữa biển. Ông không nao núng và không bỏ cuộc khi đối mặt với sự bài ngoại của xã hội lúc đó và sự đe dọa truy tố của chính quyền. Ông đã vượt qua tất cả, hàng chục ngàn thuyền nhân đã được cứu sống, đã đến được bến bờ tự do. Rupert Neudeck và đồng đội đã cứu thuyền nhân với tấm lòng nhân ái vô vị lợi và dĩ nhiên chẳng cần ai báo đáp, không mong gì báo đáp. Những người Việt ở hải ngoại hôm nay, nhất là những người và con cháu những người được cứu sống bởi con tàu Cap Anamur (hay những con tàu tương tự như thế) không biết bây giờ có còn ai biết ơn đời ơn người?

Ất Lăng thành, 11/23




VVM.23.11.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .