B a giờ sáng, mẹ tôi thức tôi dậy chuẩn bị đi củi. Mẹ lui cui, lục đục dưới bếp nấu cơm. Bới nước uống, in vào mo cau, kho cá khô bới theo ăn trưa. Tôi ngủ dậy rề rà hết mươi phút mới đi súc miệng cùng mẹ ăn cơm. Ăn quá sớm, chỉ lấy no bụng để có sức lội bộ từ Thủy Vân lên núi Kim Phụng đẳn củi. Tôi ngồi nhai cơm lạp nhạp với ánh đèn dầu loe loét, cùng bóng đêm mênh mông quanh nhà. Hôm qua mẹ nói nhỏ vào tai tôi : “Mai đi củi với mẹ”. Tôi nghe mẹ cho đi củi, tôi vui lắm vì biết được núi rừng và có thể giúp mẹ được việc gì. Mẹ tôi cũng đi củi lần đầu, nên cũng háo hức như tôi.
Hôm qua, mẹ tôi ngồi cọng tiền chi thu, chợt nghe tiếng chân nguời. Ai đi vào nhà tôi? Khua đám lá mít khô trên lối dẫn vào nhà! Mẹ vẫn cầm cây bút nguyên tử, mắt nhìn ra hàng chè tàu tối om dưới tán hải đường rợp lá, chờ một ngọn đèn dầu vàng nhoe trên tay người hàng xóm. Thường, bà con lối xóm và mấy gia đình dưới đò làm cơm tối, thiếu muối, ớt, miếng đường thắng, cục đường đen, muỗng mỡ kho cá, vị tinh đều bưng đèn lên nhà tôi mua. Cảnh tôi và bà ngoại, cùng mẹ, sống đơn chiếc trong ngôi nhà rộng rinh, không có bàn tay đàn ông giúp đỡ, càng cần nương tựa vào tình chòm xóm, nên dù bà con không mua, bưng đèn đến chơi, chúng tôi vẫn vui! Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy một người lấp thấp đi vào. A o Dưỡng! – chị nuôi mẹ tôi. Mẹ lo lắng:
- Chuyện chi cần kíp, chị về tối vậy?
- Tui đi lộn tới đầu tê luôn. Đi mãi không thấy cây vông đồng, tui lộn lui, may không thôi lạc rồi, trời tối câm à.
Chờ chị ngồi yên trên bộ ngựa. Mẹ lại hỏi:
- Chuyện chi, chị nói mau cho tôi nghe coi!
Bà ngoại tôi đang lui cui nấu ăn dưới bếp, nghe tiếng, đi lên hỏi:
- Về mần chi túi rứa con?
O Dưỡng không trả lời ngoại mà trụt xuống ngựa, ghé vào mẹ tôi, nói, tôi vẫn nghe được:
- Cậu Định kêu o lên rú, cậu gặp.
Mẹ tôi buột miệng :
- Thiệt không ?
- Răng không thiệt, o không tin ra hỏi mụ Hường ơ.
Lúc ấy tôi và ngoại mới thấy một người đàn bà đứng lù lù bên ảng nước tự hồi nào. Ngoại tôi lên tiếng mời o Hường:
- Vô đây đã, làm chi chị núp như kẻ trộm rứa?
O Hường bước vào nhà, một tay cắp nón bên hông, gật đầu với tôi:
- Chuyện nớ ai dám nói chơi, mợ Ngà. Tui cũng thấy cụ Định thiệt mà. Cụ đi xộc xộc trên rú xuống, vai đeo súng, mặc quần soọc hướng đạo, lộ hai bắp vế như hai gào múc nước lận. Cụ định nói chuyện chi với con Duỡng tui không nghe, nhưng tui thấy ràng ràng.
Mụ Hường có bà con với gia đình tôi. Tính mụ thiệt thà, nhân hậu. Mụ đã nói mẹ tin vậy, mẹ tin cha tôi còn sống. Ngoại tôi cẩn thận khép liếp cửa bình khoa rồi cùng vào đứng nghe o Dưỡng và Mụ Hường tranh nhau kể... nghe chưa hết, mẹ tôi đã ôm ngoại khóc!... O Dưỡng mau nước mắt đứng sụt sùi theo. Mụ Hường chẳng hơn gì, mắt lớm dớm, miệng cười như mếu:
- Tụi tui lên cả khuya, còn cụ bị đồ đạt cho mợ nữa, đòn xóc, rựa, cơm bới, để tụi tui lo, mợ lo giả dạng người đi củi cho giống. À quên, đêm ni mợ nhớ tìm một cái nón cời và chiếc áo cũ, đen, nâu chi cũng được, nhưng nhớ vá một miếng vải trắng trên vai trái cho cụ Định dễ nhận. - nói xong, mụ vẫy tay gọi o Dưỡng - thôi lên!
Chúng tôi đi bộ, dọc theo sông Hương, rẻ lên Nam Giao, Cư Chánh đến bến đò, trời đã lạn rạn sáng, dưới bến đò đã lúm nhúm năm, sáu mụ đàn bà ngồi túm tụm bên gốc sung già chờ qua sông. Phía trên bến, trong túp lều con sập sệ lão chèo đò chui ra đứng dạng chân, vươn vai ngáp dài rồi khật khưỡng đi xuống, theo sau lão thêm một tốp phụ nữ ăn mặc nhếch nhác, không biết họ đã ngồi đâu đó dọc hai bên con đường đất lổm ngổm đá, thoáng thấy lão chèo đò ló mặt, họ mới chịu nhổ mông đứng lên và lục tục xuống đò. Lão chèo đò vừa leo lên đò, đã cầm chiếc sào tre dài ngoằng chống xuống nước cái "bụp". Trên con đường đất thêm mấy người đàn bà vừa chạy vừa la: "Ơi đò... đợi với!...". Dưới đò, trên bến người trước gọi người sau, người trên gọi người dưới í, ới... vỡ oà sương sớm, khuấy động cả góc bến hẻo lánh. Một thằng nghĩa quân xách súng láng cháng đi xuống bến. Hắn trương đôi mắt sớn sác lướt nhìn những người đi núi, ý chừng hắn chỉ thấy đám người bần hàn, quê kệch liền đi lên và chui trở vào quán tranh lẹp xẹp ven đường uống ăn, hút hít gì đấy với mấy thằng lính mà cười nói rào rào và phả khói thuốc mù um mái liếp. Tôi, o Dưỡng và mụ Hường và mẹ, ngồi khuất bên rệ đường từ trước, thấy thằng lính chui trở lại vào quán, chúng tôi liền vác đòn xóc, rựa, mo cơm bới đã buộc chặt vào nhau chạy ào xuống bến, lẫn nhanh vào đám người đang leo lên đò. Mụ Hường dụt đòn xóc vào lòng đò nhảy lên truớc, cúi ngưòi kéo tay mẹ tôi, o Dưỡng đỡ hông mẹ; còn tôi tự đu lên mạn đò, lúng túng một lát mới leo lên được đò. Đúng lúc đấy, lão chèo đò ra sức đẩy đò đi. Chiếc đò chở người đi củi, đốt than tròng trành rời bến. Ra giữa sông, tôi mới dám ngước mặt lên, tay phải đặt lên ngực trái thở phào như vừa trút được gánh nặng ngàn cân trì nặng trong lòng xuống dòng sông xanh thẳm...
Đò cập bến, những người đi rú lần lượt nhảy lên bờ, tôi nhờ o Dưỡng vác hộ đòn xóc, vịn vai mụ Hường mới nhảy xuống mép nước. Bọn tôi, người trước kẻ sau kéo thành đoàn đi vào núi Phụng. Hơn mười phút đồng hồ, núi Phụng đã chạng ạng trước mặt, rõ những vạt cây cháy xém, khô trơ cành nhánh do bom đạn dội xuống trước đó. Đến đây đoàn người rã đám, tốp đốt than, hái lá nón vòng lui mái núi sau. Tôi theo tốp người đi củi nhánh lên triền mái núi trước. Cả đời tôi đi củi lần đầu, nội phải lội bộ từ nhà lên núi từ lúc hơn ba giờ sáng đã rệu rã hai chân rồi. Bây chừ o Dưỡng chưa chịu cho ngồi nghỉ tạm một lát mà cứ dẫn chúng tôi men theo lối rừng đầy đá dăm và rễ cây lội sâu vào trong núi nữa! Mẹ tôi nhờ nôn gặp chồng, nên không quỵ giữa đường! Thấy o Dưỡng dẫn mẹ luồn rừng, lội suối, chui bụi đi hoài… tôi đi không mà mệt muốn ná thở. Mẹ sợ bụng o Dưỡng đãng tính nhớ trước lộn sau dẫn mẹ con tôi đi lộn, nên mấy lần hỏi mẹ hỏi o tới chưa, hay lạc rồi? O Dưõng phát bực, càm ràm:
- Hỏi chi hỏi mãi rứa! Tui quớ tui lộn đừng trách nghe !
Mụ Hường đi sau nghe vậy lấn lên trước, nói:
- Để tui dẫn cho chắc. Tới ngã rẻ mi dẫn mợ Ngà đi, còn tau chặt củi cho.
Cuối cùng o Duỡng cũng dẫn được tôi đến trảng cát trống huơ bên dòng suối róc rách. O bảo tôi:
- Ngồi đó, ngồi lên cục đá nớ, chút hồi cậu Định ra nói chuyện, tui đi chặt củi cái đã, không thôi trời trưa trật rồi.
Nói xong O bươn rừng trở lui đường cũ. Mẹ và tôi ngồi ven mái mái rừng già im ắng đến rợn người!...
Thuờng mỗi khi nằm mẹ tôi nằm vắt tay lên trán lo nghĩ chuyện mông lung, nhiều đêm mẹ tủi thân khóc rưng rức... Mẹ mang tiếng lấy chồng cũng xe, cũng pháo, cũng người đưa kẻ rước như ai. Nhưng đến khi sinh ra tôi, tai hoạ đã giáng xuống hạnh phúc gia đinh bé nhỏ của tôi! Nhà nội tôi vào những ngày cuối tháng Chạp, nương rẫy, lễ Tết, đến mấy mẫu đất trồng sắn khoai, hoa màu, toàn những công việc lạ hoắc đối với một với mẹ; mẹ vừa mới đây là cô nữ sinh chỉ biết vùi đầu vào đèn sách, thêu thùa. Mặc dù nhà nội không bắt mẹ làm những việc nặng nhọc, nhưng mẹ là chị, dù gì cũng là cô trợ, cô giáo như ai nên không muốn tụi em chồng coi thường gái thị xã chuyên "ăn trắng mặc trơn", không đảm đang như đàn bà, con gái nương rẫy. Vì thế, mỗi khi đi dạy về mẹ tôi lao đầu vào đống công việc bừa bộn nhà chồng. Ba tôi thương mẹ là gái phố mở quán cho mẹ bán tạp hoa… Đùng một cái, cơ sở hoạt động của của cha tôi bị lộ do một thằng chiêu hồi. Ba tôi lập tức lên căn cứ. Mẹ tôi bị bắt, chúng giam giữ, tra khảo mẹ gần một tháng mới thả ra. Ra tù, mẹ tôi về ởluôn với ngoại và vét vốn liếng mở sạp hàng gia vị bên chợ Đông, tập mua, tập bán không cần chờ chúng cứu xét cho đi dạy lại…
Me tôi chờ... chờ mãi… chẳng thấy cha tôi lộ diện? Nghĩ giận chồng, giận o Dưỡng, giận mình cả tin, chưa chi đã hốp tốp cuốc bộ lên đây, ngồi bên suối cho vắt cắn, muỗi đốt! O Dưỡng ới chúng tôi ra ăn cơm. Giáp mặt chị ở khúc quẹo, mẹ nổi cáu :
- Chị tung tin thất thiệt làm tui bỏ việc lên đây ngồi chờ như con điên !
- Tui, tui...có gặp thiệt mà, rứa mà khi hồi chừ tui tưởng...
- Tuởng cái con khỉ, nói bậy nói bạ liệu hồn tôi đó.
Lúc ấy mụ Hường vác cái mặt tươi hơn hớn đi tới, nghe vậy liền xìu xuống như chiếc bóng xì, nói:
- Chắc cấp côi chưa cho cụ Định xuống, mai mợ ráng đi chuyến nữa, e gặp.
Mẹ tôi bực trong bụng không thèm trả lời. Khi ra ngoài trảng ăn cơm, thấy ba gánh củi và một gánh củi nhánh cùng một bó lá non còn non đã bó gọn gàng, gặm sẵn đòn xóc. Bó củi của mụ Hường to, nặng nhất, bó mẹ tôi toàn củi nhánh khô nhẹ hều, còn tôi một nắm lá nón, tôi cố đem về kỷ niệm chuyến đi củi đầu đời của mình. Nhưng vác bó lá chưa đến bến đò tôi đã thở muốn xịt khói lỗ tai.
Ba giờ hôm sau, tôi lại cùng o Duỡng và mụ Hường đi củi. Tôi và mẹ vẫn hy vọng được găp cha tôi. Chắc cha tôi kẹt gì đó chưa ra gặp. Chúng tôi lên bến chờ đò chỗ cũ. Một lát có hai người đàn bà quen mụ Hường tìm đến ngồi nói chuyện. Một chị tuổi mới ngoài ba mươi mà tóc đã khô chon và nước da bạc bạc, chị thấy cánh tay mẹ tôi vô ý để thòi ra một khúc trắng tươi, chị sổ sàng vén nón mẹ tôi hỏi:
- Nì Hường, o ni cũng đi củi thiệt a?
Mụ Hường ú ớ một lát rồi nói:
- Hết gạo đổ vô "xoong" thì phải đi chơ răng!
Tôi biết những người đi củi toàn nghèo kiết xác, đường cùng mới đi rú hái củi kiếm ăn. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt chớ sung sướng gì. Hôm qua tôi đã biết tường tận kiếp đi củi, đốt than cực như thế nào, chẳng qua họ thấy mẹ tôi lạ mặt, lại trắng trẻo họ hỏi cho biết vậy thôi, chứ chẳng có bụng dạ xấu để tìm hiểu mách lẻo gì đâu. Mẹ tôi rầu rầu:
- Dạ em tập đi củi lần lần cho quen mà làm nuôi con o nợ.
Hai nguời đàn bà nghe đến đó bùi ngùi nín lặng, không dò hỏi chi nữa. Chúng tôi lại lên đò qua sông. Dòng sông sáng nay xanh đến nao lòng. Tôi ngước lên bầu trời cao xanh nguyện thầm, cho con được gặp cha con…