Đ ến hẹn lại lên, cứ mỗi mùa thu về thì thành Ất Lăng tưng bừng với bao nhiêu lễ hội, gần như mỗi cuối tuần đều có, thậm chí có cuối tuần cùng lúc mấy lễ hội luôn, nào là: Fair State, Brookheaven Festival, Pumpkin Festival, Octoberfestival, Dahlonega concerts Festival, Georgia Apple Festival, Georgia Mountain Fairgrounds, Georgia Marble Festival, Yellow Daisy Festival… nhiều không thể nào tham dự hết được. Lễ hội bông gòn là một trong số những lễ hội có tuổi đời hơn nửa thế kỷ và là một lễ hội được ba lần lên những bộ phim đình đám của Hollywood
Lễ hội bông gòn (The Cotton Pickin’ Fair) năm nay là lần thứ 51, diễn ra tại thị trấn Gay và nông trại của dòng họ nhà William Gay. Ngược thời gian trở về quá khứ khoảng năm 1882 khi ông William Gay thiết lập trạm bưu điện và tiệm tạp hóa đầu tiên ở vùng này thì cũng là lúc thị trấn Gay được thành lập. Gia đình ông William Gay có nông trại lớn ngay trong thị trấn. Đến 1907 thì nông trại và thị trấn phát triển mạnh về bông gòn, đào, rượu gin, hạt giống bông gòn...Từ 1972 thì nông trại suy tàn, con cháu ông W. Gay có sáng kiến biến vùng đất nông trại thành nơi tổ chức hội chợ bông gòn. Các nông dân, nghệ nhân, thương gia đến hội chợ để trình diễn, đóng rượu gin, buôn bán đồ cổ, đồ thủ công mỹ nghệ, nông sản địa phương, trình diễn nhạc đồng quê… Hội chợ đã thành công, thu hút đông đảo người tham gia và người về phó hội. Từ đó trở đi, hội chợ lễ hội bông gòn được tổ chức thường niên cho đến tận ngày hôm nay. Cứ mỗi cuối tuần đầu tiên của tháng 5 và tháng 10 thì lễ hội lại diễn ra. Thông thường thì các lễ hội chỉ diễn ra một lần trong năm, riêng lễ hội Bông gòn lại diễn ra đến hai lần trong một năm, có lẽ đây cũng là một điểm đặc biệt. Các lễ hội và hội chợ ở Mỹ thường có đủ các yếu tố: hiện thực, lịch sử, giải trí và thương mại. Lễ hội bông gòn cũng thế, đầy đủ cả những yếu tố đó, thậm chí yếu tố lịch sử còn đậm đặc hơn.
Năm 2023, hội chợ quy tụ 300 nghệ nhân (artisan) tham gia triển lãm, mua bán đồ cổ, tranh ảnh, điêu khắc, đồ thủ công mỹ nghệ, nông sản địa phương, ẩm thực, bia địa phương, nhạc đồng quê… Năm 1993 lễ hội bông gòn và thị trấn Gay được Hollywood chọn làm nơi quay bối cảnh cho bộ phim “The War” với sự diễn xuất của diễn viên gạo cội thương thặng là Kevin Costner
Năm 2011 thị trấn Gay lại một lần nữa được đạo diễn John Hillcoat chọn quay bối cảnh cho bộ phim chuyển thể từ tác phẩm “Hạt ẩm ướt nhất thế giới” của tác giả Matt Bondurant. Bộ phim này có nhiều diễn viên nổi tiếng tham gia diễn xuất: Tom Hardy, Guy Pearce, Jason Clarke...
Năm 2014, bộ phim “In Dubious Battle” của James Franco chuyển thể từ tiểu thuyết của tác gia lừng danh John Steinbeck lại một lần nữa quay lấy bối cảnh của thị trấn Gay và lễ hội bông gòn..
Lễ hội bông gòn ở một thị trấn nhỏ đìu hiu miền quê lại lọt vào mắt của các nhà làm phim Hollywood kể cũng kỳ lạ, điều đó chứng tỏ bản thân nó có sức hút và có giá trị. Tôi đi chơi hội và cảm giác như trở về quá khứ. Một thị trấn nhỏ ở đồng quê, một lễ hội có tuổi đời hơn nửa thế kỷ. Ở lễ hội, hình như tất cả mọi người tham gia đều là những chứng nhân lịch sử, họ đang làm sống lại một thời kỳ lịch sử chưa xa lắm, cái thời những nông trại bông gòn vào mùa nở bung trắng cả đất trời. Những người tham gia lễ hội hầu hết là người da trắng nông thôn, họ đến từ các thị trấn và các vùng quê khác. Rất dễ nhận diện qua trang phục ăn mặc và phong cách của họ. Có lẽ tôi là kẻ lạc loài, nhìn quanh quất tìm kiếm nhưng chỉ có mình tôi là gã khách châu Á duy nhất. Tôi đi loanh quanh xem xét, sờ mó nhưng ngôi nhà hạt giống bông gòn, nhà kho nông sản, nhà của chủ trang trại… mà thấy lòng xao xuyến. Lịch sử một thời của nước Mỹ hiển hiện trước mắt, đó là những thực thể kiến trúc còn tồn tại, những hiện vật cổ, nông trại mênh mông, thị trấn nhỏ đìu hiu. Bông gòn một thời là sản phẩm có giá trị, giờ đây đã lùi vào dĩ vãng.
Lễ hội bông gòn đã trở thành di sản tinh thần của người dân ở thị trấn Gay nói riêng, của người Georgia và của nước Mỹ nói chung. Lễ hội bông gòn được chọn là sự kiện hàng đầu của miền đông nam Hoa Kỳ, việc này do hiệp hội du lịch miền đông nam Hoa Kỳ bình chọn ( Southeast Tourism Society).
o0oChẳng phải lần đầu đi chơi lễ hội, nhưng thật tình mà nói thì cứ mỗi lần phó hội là một lần có cảm giác khác lạ, mỗi lễ hội có những nét lôi cuốn khác nhau. Lễ hội bông gòn cũng thế, trong tôi có sự hứng thú rất mạnh, cứ như thể được quay về mái nhà xưa, lạc vào quá khứ và hai ý niệm này cũng là câu slogan của lễ hội bông gòn ở thị trấn Gay.
Nông trại nhà William Gay và thị trấn Gay cũng giống như bao nhiêu thị trấn đồng quê khác của nước Mỹ, đất đai rộng mênh mông chi địa, đồng cỏ bát ngát bao la ngút tầm mắt, thị trấn nho nhỏ xinh xinh êm đềm với những kiến trúc xa xưa còn sót lại… cái cảm giác man mác hoài niệm dĩ vãng dâng lên trong hồn tôi. Về đây như thể đắm chìm trong khung cảnh và hít thở được không khí của những năm đầu 1882 khi thị trấn được thành lập. Nhìn những nhà kho chứa hạt giống bông gòn, nhà kho thức ăn gia súc, những chiếc xe ngựa và những chiếc máy cày hoen rỉ nằm giữa đồng chơ vơ với tháng năm. Giữa vùng đất thuộc nông trại ngày xưa, mộ và bia đá ông William Gay vẫn còn đấy, lòng tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Bà Huyện Thanh Quan
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Ở đây không có lâu đài, không có thành quách, chỉ có những nhà kho cũ, chỉ có đồng cỏ mênh mông nhưng xác chiếc xe ngựa ngày xưa còn đó cũng đủ gợi lên khung cảnh sinh hoạt thời còn hưng thịnh của nông trại. Hiện nay khu đất thuộc nông trại xưa vẫn còn mười một kiến trúc cũ, hầu hết làm bằng gỗ và lợp tôn như: Nhà kho, nhà hạt giống, nhà chứa nông sản, nhà bán hàng… Riêng ngôi nhà của chủ nông trại thì kiến trúc rất đẹp, theo lối của những ngôi nhà thời thuộc địa, bên trong có đến bảy phòng, các phòng lớn đều có lò sưởi riêng, trước hàng hiên thì để mấy chiếc ghế bập bênh ( porch rocking chair)…
Không phải ngẫu nhiên hay tình cờ mà Hollywood chọn thị trấn Gay, nông trại William Gay và lễ hội bông gòn để làm bối cảnh cho những bộ phim: “ The War”, “ Hạt ẩm ướt nhất thế giới”, “In Dubious Battle”...Thị trấn Gay nhỏ bé, quê mùa, nghèo, xa tít tắp ở một vùng quê của Đào Bang (Georgia). Một lễ hội cũng bình thường như vô số lễ hội khác của xứ sở này, thậm chí có nhiều lễ hội còn có tuổi đời lâu hơn, quy mô lớn hơn, tiếng tăm lừng lẫy hơn...Rõ ràng Hollywood chọn thị trấn Gay và lễ hội bông gòn để quay phim là do sức cuốn hút của nó, cái hồn riêng của nó, nét đặc biệt của nó. Các đạo diễn đã cảm nhận được và chắc chắn họ đã nghiên cứu và tìm hiểu kỹ càng chứ không thể nào tùy hứng bốc đồng mà chọn.
Bông gòn và trái đào là hai sản vật nổi tiếng một thời, ở đây và các vùng thôn quê khác của Đào Bang bông gòn được trồng và sản xuất rất nhiều, tất cả tập kết về cảng Savannah để xuất đi khắp nơi. Ngày nay bông gòn không còn được trồng nữa vì người bây giờ dùng sợi tổng hợp, bông gòn cũng như dâu tằm đã lùi vào dĩ vãng, có chăng chỉ là làm chút ít theo kiểu hàng thủ công mỹ nghệ để phục vụ du lịch mà thôi.
Người Mỹ nông thôn khác với người Mỹ ở những thành thị hay vùng đô hội sầm uất, khác về thời trang và phong cách ăn mặc, khác về quan điểm. Họ không chạy theo thời trang hay mốt (mode, modern), không bóng bẩy lộng lẫy. Người Mỹ đồng quê nói chung ở thị trấn Gay nói riêng rất ít khi thậm chí không bao giờ lên downtown, ghét downtown. Họ nói họ không chịu nổi sự ồn ào, kẹt xe, xô bồ hối hả… Tôi từng nghe nhiều người trong số họ nói là cả đời họ chưa từng vô downtown. Người Mỹ đồng quê có lẽ bảo thủ và ít cởi mở hơn người Mỹ ở thành thị và nơi phồn hoa đô hội, có lẽ vì ít tiếp xúc với những sắc dân di cư khác, thiếu hiểu biết về sự khác biệt của các nền văn hóa của các chủng tộc khác. Ở đồng quê Mỹ phải nói hầu hết đều là người da trắng, chỉ có một thiểu số người da đen, còn người Hispanic, người gốc Á… hầu như không có. Người da trắng sống ở nông thôn đã bao đời nay rồi, họ sở hữu đất đai rất nhiều, từ vài mẫu đến hàng ngàn mẫu. Họ sống và truyền đời từ cha ông đến con cháu. Người Mỹ đồng quê với lối sống và với cái môi trường như thế đã lưu giữ cái hồn của nước Mỹ từ thời lập quốc. Nhìn những kiến trúc xa xưa còn sót lại ở những downtown của các thị trấn đồng quê như: tòa thị chính, nóc chuông giáo đường, những tiệm tạp hóa nho nhỏ, những shop bán đồ lưu niệm, những nhà hàng hay quán bar có tuổi đời cùng với tuổi của thị trấn… như đang lưu giữ và biểu diễn lịch sử của một nước Mỹ ngày xưa. Lịch sử như sống với người đồng quê, lịch sử như đang tiếp diễn ngay trong thời hiện đại này.
Lễ hội bông gòn ở một thị trấn heo hút đìu hiu của miền đồng quê dĩ nhiên là toàn người da trắng. Tôi cố quan sát tìm xem thì cũng thấy lác đác một ít du khách da đen phó hội, còn người châu Á thì tuyệt nhiên không thấy một bóng hình. Có lẽ tôi là tay du khách người châu Á duy nhất lạc loài đến đây. Đào bang (Atlanta) là thủ phủ của miền đông nam Hoa Kỳ, là địa điểm quan trọng trong cuộc nội chiến nam bắc Mỹ năm xưa, là nơi khởi đầu của phong trào đấu tranh cho bình đẳng và nhân quyền… Ngày xưa người da đen làm nô lệ ở các nông trại, điền trang. Điều này được mô tả rất rõ ràng và tiểu biểu nhất ở trong tác phẩm: “Cuốn Theo Chiều Gió” của nữ văn sĩ Margaret Mitchell, tác phẩm này cũng đã được giải Pulitzer, tác phẩm này cũng được chuyển thể thành phim và đạt đến tám giải Oscar trên tổng số mười ba đề cử. Một tác phẩm văn học, một bộ phim đã đi vào lịch sử điện ảnh thế giới. Cuốn Theo Chiều Gió là một tác phẩm kinh điển tiêu biểu cho cuộc nội chiến nam bắc Mỹ, tiêu biểu cho những điền trang, nông trại ở Đào bang. Ngày nay luật pháp cấm kỳ thị, mọi người bình đẳng với nhau, ấy là mặt pháp luật, còn trong tâm thức và tình ý của con người thì khác, vẫn có một bộ phận người da trắng rất kỳ thị người da đen, người Hispanic, người châu Á… tiêu biểu nhất là những kẻ phò Trump! Mắc cười nhất là trong số phò Trump lại có rất đông người gốc Mít nhà ta, có lẽ những người này họ nghĩ rằng tụi theo thuyết thượng đẳng da trắng chừa bọn họ ra hay là cho bọn họ nhập vào dòng “chính thống” của thượng đẳng da trắng!!! Thật tình mà nói thì người da đen, người gốc Hispanic, người gốc Á khó sống nổi ở nông thôn, các thành phần cư dân này chỉ sống tập trung ở thành thị hay những vùng nửa thành thị nửa thôn quê (suburban) vì những nơi này dễ kiếm sống, nhiều công việc và cũng được an toàn hơn là sống giữa vùng nông thôn toàn người da trắng vốn bảo thủ và có máu kỳ thị. Điều này dễ hiểu vì sao vùng nông thôn Hoa Kỳ là lãnh địa của người da trắng.
Lễ hội bông gòn vào hai ngày cuối tuần năm nay thu hút hàng mấy ngàn người về tham dự, bãi đất của nông trại xưa mênh mông vừa tổ chức lễ hội vừa dư sức đậu hàng ngàn chiếc xe, có lẽ vì số lượng người phó hội quá đông nên ban tổ chức đã thuê những người lính để giữ gìn an ninh và điều phối giao thông xe ra vào nơi lễ hội. Lễ hội với sự tham gia hơn ba trăm nghệ nhân (artisan) với hàng trăm gian hàng với đủ thứ hàng thủ công mỹ nghệ, đồ cổ, đồ trang trí nhà cửa hay vườn tược, đồ thêu may tay, đặc sản địa phương (pecan, walnut, mật ong, đào, bắp, táo…), dĩ nhiên là không thể thiếu đồ ăn thức uống và sân khấu nhạc đồng quê. Khu vực tổ chức lễ hội là vùng đất bằng phẳng, lối vào là đường đất có khúc được trải đá sỏi (gravel) nên hơi bất tiện cho những người đi xe lăn (handicap). Lễ hội bông gòn và thị trấn Gay có lẽ rất thú vị và thích hợp với những ai có máu hoài cổ. Về đây ngồi ở hàng hiên của một ngôi nhà hay một quán ăn nhỏ, về đây ngồi trên chiếc ghế bập bênh (porch rocking chair) mà nhìn khung cảnh chung quanh, đắm mình trong cái không khí đồng quê đượm mùi lịch sử. Về đây lựa chọn những món đồ thủ công, món đồ cổ tương đối rẻ hợp túi tiền của mình hay món đồ lưu niệm nào đó để thấy được sự khéo tay của các nghệ nhân. Về đây thưởng thức một tách cà phê bằng tách sứ thay vì ly giấy hay ly nhựa để thấy mình được sống với một thời chưa bị những sản phẩm nhựa công nghiệp thống trị, dĩ nhiên là cầm tách cà phê bằng sứ sẽ thú vị hơn như thể mình chạm được vào lịch sử một thời chưa xa lắm. Về đây ăn một lát bánh quy quệt mứt dâu đen để thấy ngừa xưa ăn sáng thanh đạm như thế nào. Về đây cầm một cành bông gòn khô hay sản phẩm bằng bông gòn để thấy hình ảnh những nộng trại bông gòn ngày xưa như thế nào, những cụm bông gòn nở bung ra trắng tinh khôi cứ ngỡ như những cụm mây trời nho nhỏ bày la liệt trên nông trại, vỏ và hạt bông gòn thì đen bóng, khiến ta liên tưởng như người nô lệ da đen hái bông gòn của thời ở các nông trại và điền trang ở Đào bang (Georgia). Về đây thưởng thức ly bia (cool brew) được làm thủ công ở địa phương, điều này không chỉ khác mùi vị, độ đắng của bia mà còn có cái cảm giác khác hẳn với bia đóng lon hoặc chai ở các siêu thị. Về đây ăn đào, mứt đào để cảm nhận cái ngon của sản vật địa phương, đào có rất nhiều loại: đào trắng, đào vàng, đào lông, đào láng… Không phải ngẫu nhiên hay vô tình mà người ta chọn trái đào làm biểu tượng, làm nick name của tiểu bang ( Đào bang - Peach state). Ở đây trái đào và hoa đào nhiều vô kể, dĩ nhiên là không chỉ có đào mà còn có: thuốc lá, bông gòn (hai sản vật này đã mai một theo thời thế, con người và thời đại không còn xài bông gòn và đang bài trừ thuốc lá), đậu phộng, đậu nành, bắp… cựu tổng thống Jimmy Carter cũng đã từng là một nông dân, một ông vua đậu phộng ở Đào bang vậy.
Lễ hội bông gòn là một trong hàng trăm lễ hội diễn ra vào mùa thu đã tạo cơ hội vui chơi cho người dân, là dịp thuận tiện để những nghệ nhân trình diễn tay nghề, mua bán sản phẩm của mình, gợi nhớ lịch sử. Lễ hội cũng là dịp để các thương hiệu quảng bá tên tuổi và sản phẩm của mình thông qua việc tài trợ cho lễ hội. Lễ hội thúc đẩy du lịch, tiêu dùng… Trong tất cả các nền văn hóa trên thế gian này đều có lễ hội và hội chợ, tuy nhiên mỗi một nền văn hóa khác nhau thì tính chất lễ hội cũng khác nhau. Xứ sở Cờ Hoa này thì mỗi lễ hội hay hội chợ đều có những đặc tính: hiện thực (authentic), giải trí (entertaiment) và thương mại (commerce). Những lễ hội có tuổi đời lâu năm thì còn có thêm tính lịch sử ( history) hay tính truyền thống ( traditional).