L àm gì thì làm, bà cũng đã có được cái bằng Master ở Mỹ từ trước năm 1975 về Ngôn ngữ học và bà đã lăn lộn vào nghề dạy học từ hồi đó đến giờ. Tính theo tuổi tác thì giờ này bà ở vào tuổi hưu lâu rồi nhưng do yêu nghề và uy tín về chất lượng giảng dạy của bà và quan trọng hơn hết là bà vẫn còn sức khỏe tốt, cho nên bà vẫn tiếp tục được thỉnh giảng.
Ai cũng nói bà dạy rất hay, học viên, sinh viên đều công nhận khi học với bà, họ tiếp thu rất tốt, thực hành trong giao tiếp bằng ngoại ngữ rất nhanh chóng và hiệu quả. Bà cũng thấy một bộ phận rất lớn những thầy cô giáo trẻ còn yếu tay nghề cho dù họ cũng tốt nghiệp trường lớp đàng hoàng. Qua tiếp xúc với những sinh viên, học viên người lớn, bà phát hiện ở những lớp dưới, đa phần họ đã được truyền đạt không đúng chuẩn mực.
Thật ra trong ngành nào cũng vậy, sau thời gian đào tạo nhiều năm những người tốt nghiệp cũng không khỏi ở trong ba nhóm giỏi, khá và vừa đủ điểm thấp nhất yêu cầu. Trong thời gian giảng dạy bà có tìm hiểu và theo dõi đồng thời phát hiện những sinh viên giỏi trong lớp rất chuyên cần, không bao giờ bỏ lớp, hoặc trốn thực hành. Về nhà tiếp tục tự học hỏi, tra cứu chuyên sâu, tự lên mạng tìm học thêm những chứng chỉ chuyên môn của nước ngoài. Những người này đã giỏi lại càng giỏi thêm. Trong khi đó một bộ phận sinh viên yếu kém thường bỏ lớp bỏ giờ, ngoài giờ học họ thường đi uống cà phê nghe nhạc, chơi game, không hề đọc sách báo để tạo những kiến thức cơ bản cho cuộc sống tương lai. Có lần bà hỏi thử một sinh viên: “Từ Saigon ra Hà Nội đi đường bộ phải lần lượt qua những tỉnh nào?” Thế là em sinh viên này kể một lèo những tỉnh thành từ nam ra bắc không theo một thứ tự nào cả lại còn sót vài tỉnh. Có em còn không biết được từ Saigon đến Thủ Đức khoảng chừng bao nhiêu cây số. Như vậy những em này khi tốt nghiệp chắc chắn sẽ bỏ rơi lại rất nhiều tri thức thầy cô đã truyền cho trong thời gian đào tạo, vì các em đã học bằng cách đối phó. Bà xem nhiều cuộc thi sát hạch về tri thức của các em học sinh, sinh viên trên truyền hình, bà thấy có quá nhiều em xuất sắc, và nhận ra rằng trong cùng một lớp học đã có một khoảng cách rất lớn giữa những em giỏi và những em yếu kém. Có thể nói trong một lớp ở đại học các em giỏi có thể đứng ra giảng lại những bài đã học cho các em yếu kém. Như vậy so với các em yếu kém đó các em giỏi đó có thể được gọi là “thầy” hoặc “cô” cũng không phải là quá đáng.
Có em từ dưới quê lên Saigon học, thỉnh thoảng bà thấy em vắng mặt một hai buổi học. Sau đó em trở vào lớp bà hỏi em lý do vì sao nghỉ học, em trả lời thoải mái:
- Về quê ăn đám giỗ ông ngoại.
- Em thấy có cần thiết phải về không?
- Dạ, mỗi lần có giỗ chạp, ba má thường kêu con cái về họp mặt đông đủ.
- Họp mặt như vậy để làm gì?
- Dạ để chứng tỏ gia đình đoàn tụ trong ngày giỗ.
Bà thấy cái quan niệm sống của người dân ở những vùng xa xôi hình như đã ăn sâu trong đầu, trong máu của họ. Mỗi khi trong gia đình có chuyện quan hôn tang tế như giỗ quảy, thân nhân qua đời ngay cả khi có người mới phát bệnh được đưa vào bệnh viện thì bà con thân tộc ở khắp nơi phải lo quay về tụ họp. Như trường hợp em sinh viên đó, việc học hành đối với em không quan trọng bằng cái đám giỗ của ông nội, hay ông ngoại của em. Mỗi khi có ai đó dưới quê gọi lên cho biết có người bệnh hoặc chết… và bảo về gấp, em tức tốc lên đường cho kịp, không khác gì em được giải thoát được một khổ nạn, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Bà nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, bà rất sợ phải nghỉ học. Chỉ khi nào bà bị bệnh và không đi nổi bà mới nghỉ một hoặc hai ngày, nhưng chỉ xảy ra một hoặc vài lần trong suốt thời gian đi học cho tới khi bà đạt được cái học vị như ngày nay. Bà không khỏi có một cái nhận định những sinh viên như em này khó mà trở thành những người tài giỏi trong xã hội và họ cũng không nhận được những phần thưởng xứng đáng xã hội dành cho.
Mới đây, tình cờ gặp một người bạn học cũ, chị bạn này vừa theo chồng công du sang Mỹ làm việc trong gần sáu tháng mới trở về cách đây vài hôm. Chị bạn, tuổi cũng suýt soát với bà, đã sôi nổi kể: “Trời ơi qua bên đó tôi thèm đi học lại quá chừng”.
Bà hỏi:
- Rồi chị làm gì?
- Tui đăng ký đi học về “Kỹ năng giao tiếp”
- Mấy thứ này hồi xưa mình học rồi.
- Đúng rồi, tui học để giết thời gian.
- Không đi du lịch sao?
- Tui không thích đi lòng vòng một mình trong khi ổng bận công tác.
Phải công nhận bà cũng có tâm trạng giống như chị bạn học cũ này. Ước gì trở lại được thời trẻ trung bà được đi học trở lại, thật vô cùng hạnh phúc. Bà thấy yêu cái băng, cái ghế ở nhà trường, không khí lớp học trong đó bà là một học viên sao mà dễ thương quá!
Bà cũng có một anh bạn dạy chung có đứa con trai học hành lôi thôi. Anh thú nhận trong đời anh cái thất bại to lớn của anh là không rèn luyện cho đứa con trai lấy được một cái bằng đại học. Khi nó lấy được cái bằng trung cấp kỹ thuật, anh bảo nó ráng tìm cách học liên thông để vào bách khoa với kỳ vọng ra trường được mảnh bằng kỹ sư. Nhưng anh con trai này không muốn học hành gì nữa, quay sang tập võ nghệ để rồi sau đó đi làm bảo vệ. Sau này, anh con trai đó mới thấy rằng lương bảo vệ không đủ sống, may nhờ có cô vợ có được việc làm tốt, bù đắp mới chống chọi được với cảnh thiếu thốn. Có lần qua con dâu, ông cha biết được con trai mình đã dính vào một vụ chứng khoán bị đứt hết mấy chục triệu đồng. “Tiền đâu ổng có”. Cô dâu cho biết ổng vay mượn trong đám bạn bè, và bây giờ ổng ôm cái đống chứng khoán như đống giấy vụn. Cô dâu còn nói lúc mới mua chứng khoán ổng về khoe với vợ: “Để tui làm ăn hổng lẽ chịu nghèo hoài sao?”. Cô vợ không dám nói gì chỉ biết im lặng. Sau đó ổng cũng im re luôn. Thời gian trôi qua tháng này hết tháng khác, cô vợ không thấy ông nói gì về vụ chứng khoán nữa. Từ đó tiền lương của ông không thấy mang về cho vợ. Khi ông già biết được, có đôi lời trách cứ tại sao nghe lời bạn bè nhảy vô cái vụ chứng khoán trong khi không biết một chút gì về hoạt động tài chánh này. Ông con sừng sộ, đập bàn nói với ông già: “Chuyện của tui, tui lo không cần ông giúp đỡ. Tôi sẽ đi ở chỗ khác, khi có chuyện gì đừng kêu tôi về đốt cho cây nhang”.
Cái may mắn của anh bạn già này là còn đứa con gái tự lo liệu để du học ở nước ngoài rồi lấy chồng sinh con sống ổn định. Niềm vui của hai ông bà già này là mỗi tối mở webcam xem con gái và cháu ngoại đùa giỡn. Khi hai ông bà tắt máy đi ngủ cũng vào lúc nửa khuya. Từ khi con gái lên đường du học đến nay cũng đã sáu bẩy năm rồi không có dịp về thăm cha mẹ. Hai ông bà cũng không đi thăm được con gái vì bà vợ cũng còn đang dạy học, phương tiện duy nhất để nuôi sống hai vợ chồng già. Có lần ông quyết định đi thăm con gái nhưng khi đi xin visa thì ông bị từ chối vì “không thấy có ý định quay trở về”. Thời điểm này đúng vào lúc có anh chàng người Mỹ ở tổng lãnh sự ăn hối lộ những người muốn nhập cảnh Hoa Kỳ. Sau này bào chí đăng rùm beng ông bạn già này mới biết được.
Nhìn hoàn cảnh anh bạn già, bà chạnh nghĩ đến cuộc sống của bà hiện tại. Chính vì chỗ yêu nghề cho nên bà phải để ông ở lại Vũng Tàu một mình, còn bà lặn lội lên Saigon giảng dạy tại một trường đại học. Sáng Chủ nhật bà về lại Vũng Tàu thăm ông đến sáng Thứ Hai trở lên Saigon. Cứ như vậy năm này sang năm khác. Ở Saigon, bà ở chung với người con gái thứ ba có nhà ở tận quận 7. Muốn tới trường dạy học bà phải nhảy lên hai chiếc xe buýt và mất hơn một tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tối về cũng với lộ trình như vậy cộng thêm một quãng đi nhờ xe máy của học viên để đến bến xe buýt gần trường. Bà không quản ngại nỗi nhọc nhằn trong việc mưu sinh nhưng nếu ai biết được bà đang ở tuổi U70 chắc phải le lưỡi thán phục trước sự chịu đựng to lớn của bà.
Ông nhà bà cũng từng là một ông giáo có tiếng tăm ở một trường trung học, bây giờ đã về nghỉ tại gia với hơn bẩy bó tuổi đời. Ông kiêm nhiệm công tác quản gia của một căn nhà ba gian xây dựng từ mấy đời trước giữa một vuông đất tạo thành một hình vành khăn vuông để trồng các loại hoa cảnh. Một mình thui thủi từ sáng đến tối, âm thầm lặng lẽ như một chiếc bóng. Niềm vui tràn ngập đến với ông vào mỗi sáng Chủ nhật khi ông đến bến xe đón bà trở về. Rồi ông chở bà ra chợ mua vài thứ cần thiết mang về nhà chế biến vài món thịnh soạn để hai ông bà cùng thưởng thức. Bữa cơm cũng là dịp để hai ông bà “giao ban” và báo cáo “công tác tuần qua”. Trong khi báo cáo của ông gọn nhẹ “tuần qua y chang tuần trước” được bà “duyệt” nhanh chóng, báo cáo của bà có nhiều chuyện để nói nào là chuyện xe cán chó, chó cán xe, như chuyện cái ông ca sĩ bị ông nhạc sĩ cao tuổi chê là “ca sĩ đám cưới”, ca sĩ này cảm thấy bị “quê xệ” đăng báo chửi lại, gọi ông nhạc sĩ là “ngụy quân tử”, sau đó nghe nói ca sĩ này mang hoa đến xin lỗi ông nhạc sĩ cao tuổi nọ. Chưa hết, một nữ ca sĩ lão thành tặng anh ca sĩ trẻ này một bài viết trên mạng theo kiểu “huấn tử cách ngôn” và cũng phong tước hiệu “ca sĩ đám cưới” cho chàng ca sĩ trẻ này. Nghe bà kể xong ông nhà cười kha kha một cách sảng khoái.
Được một cái là ông vẫn còn khỏe mạnh. Mỗi buổi chiều ông xách vợt ra sân chơi tennis với các bạn từng là đồng nghiệp với ông. Lúc rảnh rang ông ra chăm sóc các loại cây cảnh.
…
Con gái lớn của bà vừa xây nhà xong, muốn bà về ở chung. Bà có phần đắn đo. Cô gái lớn này hồi xưa khi sống chung với cha mẹ cô không có cử chỉ thương yêu mật thiết với bậc sinh thành mà có phần khép kín hơn cô thứ ba. Cô tốt nghiệp trường Luật, làm việc ở một công ty kinh doanh uy tín, phụ trách bộ phận pháp lý. Cuộc sống thoải mái sau khi lấy chồng, có con, mua nhà rồi xây lại đẹp đẽ khang trang, nuôi chó cảnh cho tăng phần sang trọng.
Bây giờ cô muốn bà về ở chung. Đối với bà quả là có phần thuận lợi, nhà ở gần bến xe buýt để bà đến trường tương đối thoải mái hơn. Thế là bà về ở với cô con gái lớn cho vui cửa vui nhà. Việc ăn uống, vợ chồng cô con gái tự lo, bà làm công việc bếp núc cho riêng mình. Có khi bà đến tiệm cơm trưa văn phòng giải quyết việc “tiếp nhiên liệu” một cách êm thắm.
Một buổi sáng, bà vừa bước ra ngồi ở phòng khách, con gái bà cũng đang bước ra cửa đi làm, ông chồng đang ngồi trên xe máy SH chờ đợi trên đường. Tình cờ bà phát hiện một vũng nước tiểu của con chó trên sàn nhà ngay dưới bước chân cô con gái sắp đặt lên. Bà vội bảo con gái cảnh giác:
- Coi chừng nước tiểu của con chó ở dưới chân.
Cô con gái vội nhìn xuống và bước tránh đi vừa nói lớn một cách tức giận:
- Có chút chuyện này mà không làm được. Ở nhà tôi mà sao không làm gì hết trơn vậy?
Nói rồi cô bước ra khỏi nhà. Bà thẫn thờ ngồi lặng người trên ghế sa-long. Bà sực nghĩ đến ông bạn già có đứa con trai chơi chứng khoán, mất tiền còn chửi lại ổng. Bà thấy cha mẹ thương yêu con cái, nuôi nấng cho nên người chỉ là chuyện thường tình. Còn đi tìm một đứa con hiếu thảo nuôi nấng, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già coi bộ khó quá. Người ta nói nước mắt chảy xuống và chỉ chảy xuống mà thôi.
Một lát sau, bà lặng lẽ vào sắp xếp hành trang rồi cũng bước ra khỏi nhà, trở về với cô gái thứ ba tá túc.
Buổi chiều hôm đó, bà đang cùng cô con gái thứ ba chuẩn bị bữa ăn tối, điện thoại reo vang. Cô con gái bốc lên lắng nghe. Âm thanh từ trong máy đện thoại văng vẳng lọt ra ngoài đủ cho bà già nghe được. Tiếng của cô con gái lớn:
- Nè, bà già đi đâu rồi nghe. Bả có ghé bên đó, biểu bả đừng về nhà tôi nữa!
Bà già đỡ lấy điện thoại của con gái đặt xuống bàn:
- Má nghe rồi.