Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
                


NHỮNG CÂY ĐÀN VÀ CHIM HỌA MI



V ài năm sau, khi trở về, Đạo đã đánh mất hình ảnh ngôi nhà cũ. Nó không thể quên. Trí óc trẻ con ghi nhận rất tinh tường, nhưng vì trẻ con có khả năng hòa nhập tức khắc vào hiện tại nên chúng sẵn sàng ném bỏ quá khứ. Ngôi nhà, nó vứt bỏ nhưng gốc cây to trước thềm thì vẫn đấy. Cây vông đồng thân to hai người giang tay không ôm trọn, vào hè cho những nụ hoa đỏ sẩm và một thời gian sau thì đơm quả, quả hơi dẹt, có nhiều múi đến khi khô những múi ấy rời nhau ra rơi xuống mặt đường nhựa, nẻ ra làm đôi, gây một tiếng tách khô khan. Cây vông đồng là chỗ trú ngụ của hàng trăm con chim sẻ, mỗi buổi chiều khi trời đã nhá nhem, chúng ùa về gấu ó cắn mổ nhau rộn ràng. Đại gia đình chim sẻ ấy cuối cùng phải ký hoà uớc cộng sinh với một vài giống chim khác mà thuở thanh bình bố nuôi trong nhà. Cái gì hiếm thì quí: muốn chơi chim bố phải gửi mua tận bên Tàu, tận ngoài bắc, những con họạ mi những con bạc má những con hoàng anh; chẳng những mua chim, bố còn phải mua cả thức ăn và lồng cho chim. Nhà buôn bán nên ở mặt trước chẳng thể bày chim ra đấy, bố mang chúng ra sau nhà ngang, đó là gian nhà cất thêm nối liền với gian phố trước nhưng xoay ngang lại và kéo dài ra để chừa chỗ cho mảnh sân vuông nhỏ. Những lồng chim được treo thành dãy dài bên hiên. Buổi chiều, khi gió nồm từ biển thổi lên, những con chim nhỏ hứng chí hót líu lo. Chúng nhảy nhót, nhìn xuống những chậu cúc hoa tím, thược dược hỏa hoàng hoặc vàng nhạt, tường vi đỏ sẫm màu nhung, và huệ nõn nà trắng mà hàng ngày bố chăm chút, xếp thành dãy dài dọc theo bề dọc của mảnh sân xi-măng. Bọn chim thuộc giòng thượng lưu ấy một buổi, vì thời cuộc phải xuống thế. Đạo không hiểu khi gian nhà bén lửa thì chúng làm thế nào mà thoát ra khỏi lồng; chắc phải có nhiều con chết, chuyện ấy tất nhiên, nhưng số phận những con thoát hiểm mới đáng băn khoăn: giai đoạn tập thích nghi với đời sống bần dân chắc khó khăn vất vả lắm. Khi Đạo tìm thấy chúng trở lại, chúng đã nghiểm nhiên trở thành bần cố nông, hoà hợp "ba cùng" với bọn sẻ, không hề tỏ ra quý phái kênh kiệu gì cả.

Bố còn một thú tiêu khiển khác mà nó tiếc không hề được chứng kiến, chỉ nghe kể lại đồng thời tìm thấy vết tích như những chứng cớ cho một sự thật. Gian nhà trước có tầng gác. Khi Đạo đi đã vững nó thường một mình trèo lên gác tối ấy tò mò nhìn ngắm mọi vật dụng. Không ai ở trên gác cả vì vậy gác tối thui, ít được mở đèn. Chính giữa phòng là bàn thờ, có bức ảnh phủ khăn điều. Đó là bàn thờ bà ngoại, mọi người giải thích. Khi lớn lên, ngẫm chuyện cũ, Đạo tự giải đáp: có lẽ tất cả những người đã nằm xuống phía nội thì được mang về quê gần đấy để thờ chung, chỉ có bà ngoại, kẻ thân yêu độc nhất của mẹ là nằm lại một mình. Trên tường có bức tranh mà nó cũng hãi không kém tấm khăn điều bí ẩn phủ ngoài hình bà, vẽ một ông bụng phệ tay cầm cần câu mặt mày quái gỡ, chân lại chỉ có một chiếc dép, bố bảo đấy là Lý Thiết Quài, một trong tám vị tiên. Trước bàn thờ, dạt về hai bên là hai chiếc xô-pha khung gỗ lát mây, cạnh đó có rất nhiều đàn cổ như đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị... thú tiêu khiển thứ hai của bố đấy. Đạo không hiểu trong các bà chị thì bà nào là chứng nhân cuối cùng của khía cạnh hoàn toàn xa lạ trong đời sống bố mà nó không hề biết: một kẻ yêu đàn và biết đàn tất phải là kẻ ướt át, lãng mạn; còn kẻ chơi kiểng, chơi chim là kẻ hào phóng. Đàng này bố là một người khô khan, mực thước đến chi ly, mọi thứ nơi ông đều có giới hạn cả, từ cái ăn cái nói cái cười cái buồn cái lo. Nó có cảm tưởng người bố của nó bây giờ là một kẻ khác, không dính líu gì với kẻ chơi chim, chơi hoa, đàn địch phong lưu nọ. Dù vậy có những vết tích không thể chối cãi: những con chim trên cây vông đồng, những vật dụng bị bỏ quên trên căn gác tối, những bức ảnh, những bộ quần áo thuộc loại "chic" đủ bộ có áo ngoài, có quần và gilet may bằng hàng len loại sang cùng những đôi bottines láng bóng.

Điều gì đã đẩy bố đến những đổi thay có tính cách triệt để đến vậy? Đạo không bao giờ hiểu rõ dù suốt cuộc sống câu hỏi ấy trở đi trở lại trong trí nó, cùng với sự phát triển của trí tuệ, của tình cảm, của những kinh nghiệm, nó phân tích mổ xẻ lý luận nhưng sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn về đáp số tìm được. Ở miền hàn đới, trên mặt bể người ta trông thấy những tảng băng trôi lềnh bềnh; khó mà ước lượng được dung tích những khối nước đá ấy bởi cái mà mắt ta nhận được chỉ là phần nổi trên mặt nước, còn phần chìm thì ta không trông thấy. Bố đối với nó là tảng băng nọ mà nó chỉ nhận ra được ở phần trên còn phần chìm dưới sâu thì mãi mãi mù mờ; mà ngay cả phần trên dù nhìn thấy cũng chưa chắc đã đúng. Lạ lùng hơn nữa, đó là một kẻ đơn giản gần như mộc mạc, một kẻ tiết kiệm lời nói, tiết kiệm cử chỉ, để, với thời gian, đánh mất thói quen diễn đạt, biểu lộ ý muốn và tình cảm của mình. Do đó có ngộ nhận. Chẳng hạn, mọi người cho rằng bố không biết sợ là gì: khi máy bay đến ném bom, mọi người chui xuống hầm, riêng bố ở trên theo dõi đường bay của chúng; chưa có sự gì xảy ra nhưng ai nấy đã bịt tai nhắm mắt nhất là khi nghe tiếng động cơ ầm ầm trên đầu; trong thời gian đó không ai biết thái độ bố ra sao. Có thể đấy chỉ là một cách thế chọn lựa để đối mặt với nguy hiểm, không chắc nên coi là gan dạ. Một lần giặc đến bất thần, lệnh báo động vừa ban ra thì đã nghe tiếng súng nổ khắp nơi. Riêng gia đình Đạo bồng bế nhau chạy băng qua một cánh đồng (đó cũng là một cách thế trốn tránh đặc biệt theo kiểu của bố vì bố cho rằng tuông chạy theo với đám đông còn nguy hiểm hơn -bố có lý- nhưng tâm lý con người nói chung trong trường hợp này là chia xẻ sự bất hạnh hơn là trốn tránh bất hạnh!) đến chỗ có con sông chắn ngang bố cởi quần (ông chẳng mặc lót) kéo mọi người lội qua. Sang sông xong và khi đã đến chỗ an toàn, mọi người ngồi lại nghỉ ngơi, ăn uống. Bố vẫn cứ tỉnh bơ với phần dưới trống, thung thăng đi bách bộ. Mẹ bèn nhỏ nhẻ: "Cậu mặc lại quần đi!" Nhớ câu chuyện cũ Đạo tự hỏi việc bố quên mặc quần chẳng phải là chứng cớ của một bối rối ư? Kẻ bình tỉnh gan dạ có quên trước quên sau như vậy không?

Lúc Đạo ra đời, mọi sự đều thu hẹp lại, nghiêm trọng và khắc khổ ra, trái với lúc trước, dường như để ăn nhịp với những biến thái của chính đời sống riêng của bố. Vừa biết quan sát quanh mình, nó thấy những ngăn tủ trống hàng hóa, trên các tấm cửa kính người ta dán giấy ngang dọc đề phòng kính vở vì sức ép của tiếng nổ đạn bom, một trong hai gian phố nhà nó cửa đã được khép lại, đồ đạc dọn trống trơn. Chẳng bao lâu, chính quyền ban lệnh tản cư. Cuộc tản cư đầu tiên chỉ có tính cách đề phòng vì nguy cơ chưa ló mặt, tuy vậy, nếu nó xảy ra đúng như dự đoán của chính quyền thì sẽ có một tầm vóc đáng kể. Lực lượng Pháp đã chiếm trọn vùng cao nguyên; từ cao nguyên chúng có thể thọc sâu xuống đồng bằng mà đồng bằng miền trung thì mỏng tanh mỏng lét, lại thêm về phía nam giặc đã lấn ra đến Khánh Hòa; một khi bị ép cả ba mặt một lúc (từ trên xuống, từ trong ra và hải quân từ mặt biển vào) quân kháng chiến khó có hy vọng cầm cự nổi, chi bằng phá sạch để đối phương không còn sử dụng được gì nữa, từ hạ tầng cơ sở cho đến nhân vật lực. Do đó, trong khi dân chúng thu dọn gia sản, các lực lượng quân sự và bán quân sự chuẩn bị lửa củi đốt thành phố. Hãy tưởng tượng rằng dân chúng trong cả một thành phố kéo nhau hướng về các vùng thôn quê phụ cận. Bố đã cố gắng thuê cổ xe ngựa một hôm trước đó để chở số hàng hóa chưa bán xong; số hàng này theo nhu cầu của giai đoạn chỉ gồm hàng mặc (vải dày và bền như kaki, vải nhuộm nâu hoặc đen để tránh phải giặt giũ nhiều) và thuốc men. Hôm sau, cả gia đình chính thức ra đi bỏ lại hầu hết mọi thứ vì không có phương tiện chuyên chở. Họ đi bộ, lớn cõng bé, mạnh dìu yếu; sau lưng họ vùng trời rực lửa, cả thành phố bị thiêu rụi.

Họ trú ngụ trong một ngôi chùa quê, vị hòa thượng trù trì là chỗ quen biết bên phía bố. Về vật chất, cuộc sống thật khó khăn. Người dân thành phố, phần nhiều không có nghề nghiệp đặc biệt hữu ích; họ chỉ biết lợi dụng số đông để trao đổi nhu cầu, việc làm đó họ gọi là buôn bán; khi về vùng hẻo lánh không người không có nhu cầu trao đổi, họ đành khoanh tay chịu chết. Chưa kể là ngay trong lĩnh vực thương mại, bố chẳng phải là tay xuất sắc. Bạn biết rồi, một kẻ buôn bán giỏi phải là kẻ miệng lưỡi, bố Đạo tiết kiêm lời nói câu cười thì làm sao buôn bán được! Học theo cách sống của nhà chùa, họ cuốc đất trồng rau, lội xuống ruộng bắt cá, và lục sạo quanh vườn chùa tìm măng tre nứa tạo thức ăn. Đạo suốt ngày mê mải với cỏ cây sâu bọ chim chóc. Nó chơi quanh quẩn một mình. Một hôm đang bận đuổi theo những con chim con bướm ấy, Đạo nghe tiếng bố gọi. Phải nói rõ là nó rất sợ bố nên tìm cách trốn tránh hơn là đến gần ông, chỉ khi nào có lệnh của bố thì nó mới tìm đến. Bố đánh trần, chỉ mặc độc một chiếc quần xà lỏn, đứng chờ nó ngay trước tam quan nhà chùa. Nó sợ hãi đến gần phập phồng chờ một trách mắng hoặc một mênh lệnh bất ngờ nào đó, nhưng nó thấy ông móc từ trong lưng quần hai quả chuối nhỏ trao cho nó, bảo nó đứng đấy ăn cho xong trước khi quay vào nhà. Nếu tôi không giải thích, có lẽ bạn cho rằng tôi kể một câu chuyện lãng xẹt. Đạo cũng vậy, lúc ấy còn quá bé để hiểu được tầm vóc câu chuyện, nó phải chờ rất lâu; cũng may là trí nhớ trẻ con rất tốt nên sau này Đạo hiểu ra câu chuyện. Như con ngựa ăn cỏ ban chiều, nhai lại vào đêm, Đạo còn có khả năng nhai lại nhiều lần hơn con ngựa và mỗi bận nhai lại như vậy Đạo vẫn thấy bồi hồi như mới cảm thấy lần đầu. Ở một nước Tây phương mới đây, trong loại tin tức vặt hàng ngày, người ta loan tin về một người đàn bà nọ vì thất nghiệp không có tiền nuôi con, trước lễ Giáng sinh đau lòng vì không mua được áo quần đẹp và quà cho con, bà liều lĩnh vào một siêu thị đánh cắp. Bà bị bắt quả tang và bị đưa ra tòa. Cũng may, trong chế độ nhân bản, ông quan tòa đã biết sử dụng tình thay lý mà tha cho bà mẹ nọ. Bạn có cảm động vì câu chuyện đó không? Vậy thì bạn hiểu ra rồi đó: câu chuyện về bố Đạo cũng tương tự. Cứ vào mồng một hoặc ngày rằm thì nhà chùa bày chuối bày xôi lên bàn Phật, nhưng khi lễ xong thì người ta chia cho các Phật tử dự lễ mang về, làm gì có đến tay nhà Đạo. Đạo không yêu bố bằng thứ tình yêu đằm thắm sâu xa mà nó dành cho mẹ, nhưng lòng kính trọng bố thì gần như tuyệt đối. Nó không thể tưởng tượng ra bố trong hành động lén lút đánh cắp (mà đánh cắp vật gì quý giá cho cam!) mấy quả chuối. Hơn nữa, từ trước đến giờ Đạo không hề có chứng cớ về lòng yêu thương của bố đối với nó qua những cử chỉ nhỏ nhặt, những hành động chi ly; bố không biết nghiêng tai lắng nghe những run rẫy tế nhị, những đau đớn âm thầm, làm sao bố biết rằng thân xác nó khao khát quả chuối, trái cam? Hình ảnh người đàn ông gầy gò khắc khổ đứng trước tam quan chùa buổi trưa nắng gắt ấy còn mãi trong trí Đạo. Đã bảo là suốt đời nó vẫn không nhận ra được tầm vóc của tảng băng ấy mà.

Mãi hai năm sau họ mới trở về thành phố, ngôi nhà chỉ còn là một đống gạch vụn. Phần trước hoàn toàn sụp đổ, trên đó cỏ đã mọc xanh; phần sau còn lại mấy bức tường, bố dựa vào những bức tường còn đứng vững ấy gát lên vài tấm tôn và một ít ngói còn lại để làm chỗ che nắng che mưa. Xong việc làm ấy rồi thì bố ngã bệnh. Đạo cũng ngã bệnh. Quái lạ, nơi tản cư chỉ cách thành phố bảy cây số, một vùng quê hiền lành sao lại có thể ban cho bố con Đạo chứng bệnh kinh khủng đó? Mỗi ngày, vào giờ nhất định, đang tỉnh táo yên hàn bạn bổng cảm thấy đầu nặng và ớn lạnh, chưa kịp có một phản ứng đề phòng nào cả bạn đã run lên bần bật, rét như đang nằm lên khối nước đá, trùm năm bảy tấm chăn cũng chẳng ăn thua, bạn ao ước có kẻ mang hộ chiếc cối đá mà đè lên mình cho đỡ. Bạn chịu đựng độ lạnh xứ Sibérie khoảng một tiếng đồng hồ và cũng rất bất thình lình chứ chẳng qua giai đoạn chuyển tiếp, bạn phát nóng. Số chăn mền trên người bây giờ trở nên vô dụng, chẳng những vô dụng mà còn là vướng bận, bạn tốc hết chúng ra. Sốt. Cơn sốt làm hoa mắt, ù tai. Cơn sốt nhiều khi đạt một cao độ đã đưa bạn đến trạng thái của kẻ mất trí. Miệng lưỡi khô khốc, chát ngắt; đầu nặng, mắt mờ; những bức tường chung quanh cao dần lên, nghiêng ngã; mái ngói động đậy chờn vờn tới lui như những con sóng; thân xác bị treo dốc ngược, chân trên cao và đầu dưới thấp; ngay cả chiếc giường nơi bạn nằm cũng nhúc nhích đong đưa như chiếc võng, điều khác biệt là trong chiếc võng thân hình bạn được ôm ấp nhưng trên mặt phẳng chiếc giường thì bạn bị kéo lăn tròn không biết sẽ rơi vào đâu: dưới chân giường là hố sâu vực thẳm, và coi chừng, lúc này trọng lực không còn nữa, bạn có thể rơi... lên! Bệnh ấy có tên là bệnh sốt rét ngã nước. Loại thuốc duy nhất có thể chữa bệnh là thuốc ký-ninh, viên nhỏ, đắng nghét; bởi hầu hết mọi người đều mắc bệnh nên thuốc trở nên khan hiếm trầm trọng. Có hai căn bệnh chính trong thời kỳ này, hoặc sốt rét ngã nước như chúng tôi vừa nói trên hoặc thương hàn. Bệnh sốt rét tuy vậy, còn có thể giằng giai nhưng thương hàn nếu không có những loại sulfamides thì nguy hiểm đến tính mạng như chơi. Một người chị của Đạo đã nằm xuống khi mơn mởn thanh xuân. Mọi người bù lu bù loa, riêng bố yên lặng câm nín. Rất lâu sau, giữa một bửa ăn, bố buông đũa trầm ngâm, rồi bổng òa ra nức nở. Thì ra người đàn ông ấy cũng biết khóc, tuy chỉ một lần duy nhất.

Bố chịu ảnh hưởng của hai nguồn tư tưởng quan trọng: Khổng và Marx. Học thuyết của Khổng phu tử không phải là nguồn tư tưởng mà bố tự ý chọn lựa; chẳng qua là vì có nho học, bố mặc nhiên thu nhận một số giáo điều nhưng có lẻ vì tiếp thu nó khi còn trẻ nên nguồn tư tưởng này thâm nhập khá sâu, có khi chính bố cũng không nhận ra. Nguồn tư tưởng thứ hai, trái lại, do chính bố tự ý tìm đến. Thật ra bố không làm quen nhiều với tư tưởng Marx chính thống mà cái người ta gọi là Mác-xít Lê-ni -nít, chủ-nghĩa-cộng-sản-áp-dụng-vào-thực-tế. Hình ảnh của người quân tử theo Khổng giáo và tác phong và đạo đức cách mạng của người cộng sản có điểm tương đồng(). Cuộc đuổi bắt tình cảm giữa Đạo và bố đã diễn ra trên con đường rẻ nhánh; đến lúc chàng (tôi cố ý dùng chữ chàng thay vì là để hình dung một quá trình dài lâu) mỏi mệt dừng lại, Đạo mới nhận ra rằng càng cố đuổi theo bố, chàng càng vô tình dấn thân theo một lối khác xa dần mục tiêu. Sự tìm kiếm đuổi bắt tình yêu tưởng chỉ xảy ra giữa người con trai và người con gái vì, một cách tiên thiên, họ chưa có cảm tình dành cho nhau, tại sao lại có thể xảy ra trong tình phụ tử mà mối liên hệ hoàn toàn bẩm sinh?

Trong mỗi sự tích của từng mảnh đời Việt-Nam, chiến tranh luôn luôn có một vai trò dành cho nó, có thể nhỏ có thể lớn có thể đậm có thể nhạt, nhừng đừng ai hòng thoát khỏi, tựa cơn mưa rơi xuống mảnh vườn, có kẻ cả người ướt như chuột lột có kẻ chỉ hơi thấm lạnh hai vai có kẻ nhận vài giọt trên đôi mắt kính nhưng ai cũng nhận ra một nổi ướt át một ủ dột không màu một muộn phiền thiếu ánh mặt trời. Đạo nhận cú điện thoại của gia đình báo tin bố mất từ một miền xa, chàng xin được một đoạn đường bay rồi một đoạn xe đò, lúc chàng về đến nơi người ta đã thay rửa bố sạch sẽ, đặt ông nằm ngay ngắn trên giường, gầy khô như vị sư già trăm năm diện bích đàm tâm. Lỡ buổi hẹn cuối, chàng hết hy vọng tìm ra giải đáp của ẩn số. Điều mà chàng chờ đợi là một cái nắm tay, một câu nói không trọn, một tia nhìn dịu dàng và nhờ đó chàng có quyền diễn dịch theo ý chàng, gán cho chúng những ý nghĩa mà có thể chỉ là quan điểm của riêng chàng thôi. Bố chàng không biết nói và để đóng trọn vai trò, ông đã trốn tránh chàng trong phút chót, phút mà ngay cả kẻ câm cũng cố gắng làm một cử chỉ để gửi bức thông điệp cuối cùng. Giá Đạo có thể đánh đổi vai trò: chàng nằm đấy và ông ngồi đây, có lẽ trong hơi thở cuối chàng sẽ nói nhiều lắm; người cha và đứa con, hai giọt nước của thể chất nhưng không là hai giọt nước của tính tình, Đạo cần nói như bố cần câm nín.

Dù sao, Đạo vẫn còn có một chút gì để giữ lại: hình ảnh người đàn ông gầy gò khắc khổ đứng trước cửa tam quan nhà chùa một trưa nắng cháy.




VVM.27.10.2023-NVA241008.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .