Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

XÓM KẸO




T hân chính thức gia nhập vào Xóm Kẹo đã hơn ba năm vì một ngẩu nhiên ngoài dự định: Thân phải đến ở trông nhà cho vợ chồng người con trai út đang dạy học xa, nhân lúc anh vừa nghỉ hưu được vài tháng. Tuy là nghỉ hưu mới được vài tháng, nhưng thật ra, Thân đã ở vào tuổi 63 theo “sổ ghi của bà mụ”.     

 Trước ngày đến sống ở đó, anh có nghe tên “Xóm Kẹo”, mơ hồ nghĩ rằng, đó là một khu xóm lao động chuyên làm nghề bánh kẹo đông đúc, sinh hoạt nhộn nhịp, vui vẻ! Sống giữa những ngôi nhà đều làm bánh kẹo thì tha hồ mà ăn đủ loại kẹo bánh còn nóng hổi, ngọt ngào, suốt ngày thơm lừng mùi đường mía, hương liệu…Đời sống có nhiều vị ngọt vậy, có lẽ sẽ đỡ tẻ nhạt và hấp dẫn hơn ở Xóm Chợ ồn ào, nồng mùi rau quả tôm thịt ương mà Thân đang sống, khi tuổi đang xế chiều…    

  Lần đầu tiên bước vào con hẻm nhỏ, Thân nhận ra ngay thực tế không phải vậy: Cái tên “Xóm Kẹo” đã được gọi từ nhiều đời trước, sau này không ai có thể đổi lại tên khác, vì nó thuộc dòng “văn chương truyền khẩu” mất rồi. Từ đầu con hẻm nhỏ rộng chừng hai mét, dài vào khoảng hơn hai trăm mét; bên trái là mười hai nóc nhà, có nhà đơn sơ lợp tôn, mái ngói, có nhà đã xây dựng một hay hai tầng kiên cố nằm kề sát nhau, chờ đợi con hẻm được mở rộng thành đường hai chiều như kế hoạch đã được duyệt theo lời thông báo của vài vị có thẩm quyền ở thị xã. Nhà cuối cùng là láng trại thợ mộc bị chận lại bởi hàng tre, và những đám ruộng thấp một năm hai vụ. Bên kia mấy thửa ruộng là con đường đê bao chạy dọc theo đường xe lửa, lác đác trên mươi ngôi nhà mái tranh được dựng lên trên vùng gò mã cũ.    

  Phía bên phải con đường nhỏ gập ghềnh đó, nhà cửa thưa thớt hơn, trừ nhà đầu tiên của bà Ba – bánh - căn, chỉ thấy mặt sau các nhà bên kia qua bờ rào, giáp với vũng hồ rộng. Tiếp nối vũng hồ chừng hơn hai trăm mét vuông được trồng rau muống, là dãy nhà trệt của ông Bốn Thế, làm nghề mổ heo - vợ bán thịt ở chợ. Kề bên nhà của Bốn Thế là ngôi nhà từ đường của dòng tộc vợ ông; đã xiêu vẹo, chưa dám xây dựng lại vì nằm trong diện quy hoạch, mở đường của thị xã. Từ hai năm nay, hết toán nầy đến đo đạc, cắm mốc; đến toán khác đến ngắm nghía ghi chép, nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Có lẽ chưa có tiền, nên không rục rịch gì được chăng? Việc gì cũng vậy - trong túi không có tiền, thì không thể rục rịch được thôi! Phía trước ngôi nhà cũ tường xiêu mái đổ là nơi thừa tự cha mẹ của bà Ba bánh căn, và bà Tư Thế - là khu đất trống, rộng vài trăm mét, phía tây giáp ruộng, nam giáp dãy nhà đối diện của con hẻm…      

Tổng cộng trong Xóm Kẹo có cả thảy (hai bên) là mười lăm ngôi nhà, nhưng chỉ còn một nhà làm bánh kẹo thủ công theo nếp xưa. Đặc biệt mười lăm ngôi nhà sống quây quần trong con hẻm im vắng nầy, đều là con cháu, anh chị em; bà con gần xa với nhau cả. Khu đất của dòng họ được phân chia dần cho con cháu khi cưới vợ gã chồng, lập gia đình riêng; để được sống gần gũi, sum họp, sớm tối ngó mặt nhau, vui vẻ! Sau nầy, vì hoàn cảnh, đã có ba nhà bán lại cho “người ngoài” để chuyển đi nơi khác, mà ngôi nhà của con trai Thân là một. Hai nhà còn lại là của vợ chồng cậu giáo viên, và nhà của vợ chồng cậu nhà báo trẻ.      

Từ đầu hẻm tính vào - bên trái, nhà của vợ chồng người con trai thứ ông Hai Sơn, vợ bán bún giò, nước mía - chồng làm thợ mộc ở căn láng trại trong cùng, bên bờ tre. Nhà tiếp theo, của vợ chồng người con trai trưởng ông Sơn, cô vợ chung tay bán quán với vợ người em, chồng cùng làm thợ mộc với em trai. Kế nhà nầy, là nhà của vợ chồng cậu con trai út ông Hai Sơn; vợ giáo viên cấp một, chồng là công nhân lái xe cẩu của bến cảng. Nhà kế tiếp của gia đình người em thứ năm ông Hai Sơn - ông Năm Kẹo, là gia đình duy nhất còn sản xuất bán kẹo thủ công các loại, bỏ sỉ cho bạn hàng dưới chợ. Nhà của vợ chồng ông Năm Kẹo có vợ chồng cậu con trai lớn, cùng tham gia sản xuất bánh kẹo, và cô con gái út xinh xắn đang ở vào tuổi kén chồng, là nhân viên cửa hàng bách hóa….    

  Bên cạnh nhà con trai Thân là nhà của cậu nhà báo trẻ, có một vợ hai con nhỏ. Kế tiếp, nhà của đôi vợ chồng đều là giáo viên cũng đã có hai con đang học cấp một. Nhà của gia đình Hai Sơn – trưởng nam của họ Trần, sống chung với bà cụ thân sinh đã già trên tám mươi, và cô con gái giữa với ba con trai nhỏ, đã ly dị chồng từ mấy năm nay về sống chung; làm thợ may ở chiếc quán đầu hẻm bên cạnh hiệu bún giò của chị dâu. Sát nhà Hai Sơn, phía trong - nhà của vợ chồng người cháu gọi Hai Sơn bằng Cậu, chồng làm công nhân xí nghiệp nước đóng chai, vợ buôn bán nhỏ. Cuối cùng là căn láng trại che tạm để hai người con trai ông Hai Sơn làm nghề mộc …Dọc theo hàng tre, gần bờ ruộng là hai chuồng nuôi heo; một của gia đình Hai Sơn, một của Bốn Thế…Hai Sơn gọi bà Ba bánh căn bằng chị, con chú bác họ. Xóm Kẹo vì thế coi như xóm của dòng họ Hai Sơn. Mùa hanh khô, gió Lào tây nam nóng rát, mùi phân heo, mùi bùn non phảng phất nồng nặc cả xóm…     

 Nhưng bù vào, Thân nghĩ - Xóm Kẹo cũng có đầy đủ bà già, đàn ông, đàn bà, con gái và trẻ nhỏ; nên cũng vui. Con xóm vắng, mấy gia đình bà con quây quần ra vô thấy mặt nhau, cười nói tào lao đủ chuyện trên trời dưới đất, cũng cảm thấy ấm lòng. Lúc được rỗi rảnh, Thân thường la cà sang các nhà bên, nói chuyện với bà già, con nít, trong lúc đám người lớn đều đi làm. Thỉnh thoảng, anh nhận được gói kẹo kéo nhưn đậu phụng dòn rụm, hay bì khoai lang chiên vàng phết đường, ngon ngọt để nhâm nhi cùng tách trà, của người con gái ông Năm Kẹo mang sang cho; đổi lại Thân cũng gởi tặng lai vài tờ báo, một cuốn sách… Lúc bận việc, có thể nhờ mấy đứa nhỏ ra đầu hẻm mua giúp gói thuốc, hộp xôi…Nhất là, lúc kẹt tiền, cũng có thể hỏi Hai Sơn, cô con gái thợ may, hay Bốn Thế để vay tạm vài hôm trước khi lãnh được lương…Về ở cùng Xóm Kẹo ba năm, Thân cũng nhiều lần được mời ăn giỗ ở nhà Bốn Thế, nhà Hai Sơn, bà Ba bánh căn. Vui nhất là ngày giỗ ở gia đình Bốn Thế, người chị Cả ở vùng quê lên sớm hai hôm để lo gói bánh ít, bánh tét. Bà Ba bánh căn lui cui kho nấu bên hai bếp lửa nghi ngút khói, còn bà Bốn cùng đứa con trai, con dâu, loay hoay lo chưng bầy bàn ghế ra hiên…Sự rộn ràng cho một ngày giỗ của gia đình phía vợ Bốn Thế khiến Thân nhớ những lần giỗ năm xưa đã được sống ở quê; cảm thấy vui lây với cái ấm cúng, sum vầy của nghĩa tình ruột thịt mà anh rất khao khát…    

  Vợ chồng Hai Sơn làm ruộng, nhưng dường như chỉ có Hai Sơn là lao động chính; cặm cụi với mấy sào ruộng suốt ngày (ông còn nhận “làm rẽ”, hay thuê lại ruộng, để làm thêm mấy sào nữa), còn bà Hai thỉnh thoảng đi làm ở xưởng gỗ, kiếm thêm thu nhập; chiều tối về mới lo cho heo qué. Bà chỉ nghỉ ở nhà phụ chồng khi vào mùa gặt, phơi lúa, thu dọn. Ngoài việc ruộng đồng, ông Hai Sơn còn nuôi một lứa heo nái đẻ, một bầy heo lứa con; mỗi năm heo Nái đẻ được hai lần, mỗi lần trên chục con; mỗi lứa heo con kiếm đến chục triệu.     

 Phía bên kia, ông Bốn Thế chỉ có việc mổ heo vào buổi sáng sớm, và đi dạo mua heo cho những ngày hôm sau. Đứa con trai út của ông hai lần thi đại học hỏng, ở nhà phụ cha việc mổ heo, nên Bốn Thế có vẻ thoải mái hơn nhiều. Ông thức dậy mổ heo từ ba giờ sáng, năm giờ giao thịt cho vợ một phần đem ra chợ, rồi ông vội chở đi giao cho bạn hàng phần còn lại. Sau đó, ông ghé quán café vỉa hè nhà cô đào hát bội đã phai nhạt hương phấn một thời nổi tiếng như cồn ở đầu hẻm bên kia đường, làm một ly đen, tán gẩu với đám bạn mổ heo khác, trước khi chạy về nhà lo quét dọn sân vườn đầy lá cây sanh khô, trái ổi chín rụng đầy sân, rồi cho heo ăn, và lên đường tìm mua heo ở các xã vùng ngoại ô…Ông làm việc như một cái máy, đúng giờ, đều đặn - dù trời mưa hay nắng, không nghe kêu ca gì. Ông có vẻ hài lòng về cái nghề mổ heo không biết đã học được từ lúc nào, đã hành nghề được bao nhiêu năm, vào năm bao nhiêu tuổi? Thân áng chừng, Bốn Thế chắc cũng đã sống với nghề mổ heo nầy trên hai mươi năm, khi đang ở tuổi năm mươi hai…Những lúc vui chuyện, Thân đã đôi lần góp ý với Bốn Thể đừng cho cậu con út nầy theo nghề, bởi nó còn quá trẻ, nhiều nghề dành cho nó có “tương lai” hơn. Thoải mái hơn. Và vợ chồng ông đã bắt đầu cho cậu con trai theo học nghề lái xe, sửa xe, theo sở thích của nó từ tháng trước…     

 Những đêm đầu tiên đến sống ở đây, đang ngủ ngon, bổng nghe tiếng heo kêu rống thãm thiết; Thân không thể nào chợp mắt ngủ lại được. Tiếng heo kêu la, kéo dài – rồi tiếng búa đập bôm bốp vào đầu heo, nghe rất rõ, rất thê thiết trong đêm thanh vắng. Anh nằm yên, tưởng tượng cảnh con heo mới nhởn nhơ kêu la đòi ăn chiều hôm trước, đang được thọc huyết, mổ xẻ - mà không khỏi động lòng, lo sợ! Dần về sau, đôi lần phải dùng một phần tư viên Lexomine để ngủ quên cho qua giờ mổ, Thân có thể nằm yên đến sáng…    

  Khi đã hoàn tất công việc đầu ngày, ông thường nằm toòng teng trên chiếc võng móc giữa hai cây sanh, trông thõa mãn, yên phận; tìm chuyện nói với Thân, trong lúc anh cũng đang ngồi nhâm nhi tách trà và ly café ở hiên nhà, chờ đợi người bạn nhỏ, như mọi ngày.  

- Anh Mười ơi! anh đã sống hơn ba năm ở xóm này, vậy có biết “tiểu sử” của Hai Sơn chưa vậy?  

- Chuyện riêng của ông ấy, ai hỏi làm gì? - Thân cười lớn.  

- Ghê ghớm lắm, dữ tợn lắm - ông ạ!  

- Tuổi trẻ ai mà không…ghê ghớm?  

- Không phải vậy, Hai Sơn nhà mình bây giờ cặm cụi tối ngày ngoài ruộng, tay lấm chân bùn, dầm mưa dãi nắng vậy, chứ thời xưa đã từng là trung sĩ truyền tin, dám bán cả máy móc, súng đạn, cho mấy - ông - bên - kia để lấy tiền đánh bạc, trai gái, nhậu nhẹt đó!  

- Ghê vậy sao?  

- Từng bắn vào bàn chân để được giải ngủ, nhưng bị phát hiện, không xong…  

- Có chuyện đó nữa sao?  

- Trời ơi! Còn nhiều chuyện “động trời” sau năm bảy lăm, bà con cả xóm nầy đều nhớ…  

- Ví dụ như chuyện gì vậy, ông Thế?  

- Sau 75, ông già nghĩ thương trưởng nam nối dõi, đang thất nghiệp, sắm cho chiếc Honda 67 còn mới để chạy xe thồ kiếm ăn, nuôi con; lại quen máu cờ bạc, thua mất…Về nhà kêu xe hư, đang sửa, mượn chiếc xe của ông già để chở lỡ chuyến khách – đem “nướng” luôn. Thua bạc cả thảy trước sau là bốn chiếc xe; hết xe, lai rai xúc lúa nhà đem bán...Bồ lúa gần hết, lấy ghế làm giàn bên trong, ngụy trang rải trên mặt nong một lớp lúa mỏng, cha mẹ, vợ, đi làm xa, lâu lâu giở ra xem chừng, vẫn thấy đầy như cũ…  

- Trời ơi! Không ngờ Hai Sơn nầy lầm lì, lại thông minh đến vậy sao? - Thân cười lớn.  

- Chưa hết đâu…  

- Vậy là đã quá tay rồi, còn gì mà chưa hết, cha? Thân tò mò tìm hiểu thêm, cho vui.  

- Hết lúa, tối đến lùa heo lứa bà Hai đang nuôi xuống sân vận động kêu người bán, bị chòm xóm phát hiện, báo cho bà Hai, bà ấy ba chân bốn cẳng chạy xuống la làng xóm, mới lùa được con heo về…  

- Ông không kể, tôi đâu có ngờ - Thân thật sự ngạc nhiên chia sẻ, cười - Thấy Hai Sơn hiền khô, vui tính, chăm làm, dù mưa hay nắng vẫn trùi trụi phơi mình, đã có lần tôi định phong cho ông ấy là “anh hùng lao động” của Xóm Kẹo nầy rồi đấy chứ!  

- Bà Hai nói bây giờ ổng bị “trời hành” rồi, nghiệp báo phải chịu, chứ có ai làm cho ổng phải khổ đâu? Con người chỉ có một thời, ông Mười ạ! – Bốn Thế buông thỏng câu nói, rời võng chạy ra phía chuồng heo đang có chú heo kêu la inh ỏi đang định nhảy qua cánh cửa ngăn thấp…     

 Từ ngày có toán thực hiện việc đền bù để mở rộng đường của Phường và thị xã đến làm việc cụ thể từng hộ, Xóm Kẹo bổng trở nên sôi động. Bắt đầu từ chuyện bà Ba bánh căn trưng tờ “di chúc” của bà mẹ giao nhà từ đường, giao đất vườn chung quanh, cho riêng bà. Tờ di chúc viết vội, chỉ có dấu điểm chỉ của bà mẹ già nua đang đau bệnh nằm liệt giường, và chữ ký làm chứng của Hai Sơn và cô con dâu; nhưng lại được Ủy ban nhân dân thị trấn xác nhận; đã thực hiện âm thầm cách nay trên năm năm, trước ngày bà mẹ mất! Người chị thứ Hai của bà Ba không hay biết. Ngay người em gái thứ tư là vợ Bốn Thế ở gần, cũng không hay. Đứa con trai nuôi của cha mẹ bà, vợ và hai con cậu ấy, cũng chẳng hề biết gì cho đến phút ấy!     

 Ngày toán đo đạt diện tích đất vườn đến để kiểm tra lần cuối trước ngày gởi giấy mời đến nhận tiền đền bù, mấy bà giành nhau đống cọc từng tấc đất, trong đó bà Ba xăng xái và cương quyết nhất, vì có sẵn tờ “di chúc” trong tay! Đôi ba lần ba chị em gặp nhau trước căn nhà từ đường, trong khoảng đất trống rộng phía trước, mà không cùng nhau giải quyết êm thắm được. Kết cuộc luôn là những bất đồng kéo dài, rồi to tiếng sỉ vả, mắng chưởi nhau, không ai nhịn ai…Đám ruộng kế bên nhà từ đường của cha mẹ, mấy chục năm giao cho bà Bốn Thế canh tác, hưởng lợi, giỗ chạp; bà Bốn đồng ý chia đều cho tất cả bốn chị em với số tiền một trăm mấy sáu mươi tám triệu cho ba sào; nhưng một mình bà Ba bánh căn không chịu ký! Thế là, tiền đền bù chưa lãnh được, mà sự bất hòa càng nghiêm trọng.     

 Ủy ban Phường đã mời mấy chị em bà Ba, và cha con ông Hai Sơn (người ký làm chứng vào tờ di chúc) đến để giải quyết: Nhà từ đường, đất vườn được chia làm 2, riêng mà Ba được một nửa, ba người còn lại mỗi người một phần! Bà Hai, bà Bốn và cô vợ người con trai nuôi đều đồng ý, để cho gia đình êm thắm, cho dầu biết rằng cách “xử” như vậy, là hiếp mình! Bà Ba lại cương quyết không chấp nhận cách “hòa giải” ấy, yêu cầu ngoài một nửa đã nhận – phần còn lại phải chia bốn, bà có thêm một phần nữa! Dĩ nhiên là các bà Hai, Bốn, em dâu… không ưng bụng. Chỉ còn một cách sau cùng là một ngày nào đó, các chị em một nhà đều dẫn nhau ra tòa, nhờ luật sư “cãi” giúp mình, khi tất cả đã khan cả cổ mấy tháng qua…     

 Con đường hẻm nhỏ dẫn vào Xóm Kẹo ngày đêm ra vào thấy nhau, đã trở nên xa lạ và buồn bã từ ngày bắt đầu công trình mở đường!    

  Hai Sơn từ Ủy ban phường về, đã ghé lại phân trần với Thân về chuyện đã ký vào tờ di chúc khi bà già nằm mê man vì, bà Ba bánh căn là chị bà con chú bác họ, là trông thấy có cô nhận viên phòng địa chánh thị trấn cũng có mặt, đã không ngờ “hậu ý” của bà Ba như vậy - nên “ký đại” vào thôi, không có nợ tiền gì của bà Ba như tin đồn. Hai Sơn còn kể thêm vài vụ lôi thôi, tranh giành, về mấy đám ruộng sẽ bị giải tỏa phía trên nhà ông: Người anh Cả nhận ruộng của cha mẹ cho, đã bán ngay sau đó, lấy tiền xây nhà và kinh doanh; trong lúc người em lãnh ruộng để canh tác, lo phụng dưỡng người cha già còn lại, cho đến ngày ông mất; nay trong tay không có chút giấy tờ gì lận lưng để trình báo mà nhận tiền bòi thường, khi người anh Cả cương quyết không ký đồng ý cho người em nhận một mình! Chuyện bà vợ ông Tường thợ may đầu hẻm có chút đất làm quán may vá bị giải tỏa, được nhận tiền đền bù gần hai trăm triệu, dù bỏ nhà đi đã trên năm năm, đã lo dò trở về đòi ông chia phần. Hai bên cãi nhau, dọa một sống hai chết, gây náo loạn con hẻm mấy hôm, phường giải quyết vẫn chưa ổn! Đau khổ nhất là bà Tánh, già trên 70 tuổi, thuộc diện đói nghèo của đường phố, có miếng ruộng canh tác để sống qua ngày, được đền bù hai trăm mốt triệu, sau khi đã ký hết các giấy tờ, ủy quyền cho cậu đến Ủy ban nhận giúp, đâu dè nhận xong nó đem về nhà riêng bỏ vào tủ khóa kỹ. Bà Tánh đã kêu khóc nài nỉ sưng húp đôi mắt, suốt mấy ngày đêm, đến nỗi hễ mở miệng ra là nước mắt chảy ròng ròng, người gầy ốm xanh xao thấy rõ, nhưng nó vẫn làm ngơ, đóng cửa bỏ đi…   

   Con đường mở rộng hơn về bên trái, làm hai ngôi nhà tầng trên đường phố chính cũng phải bị giải tỏa, mấy căn nhà, vườn, tiếp phía sau đó, kể cả dãy nhà ông Bốn Thế và khu vườn sáu cây sanh, cây ổi, trứng cá cũng đều không còn…Ao rau muống gần hai trăm mét vuông bên con hẻm vào xóm của mấy anh chị em, cũng chưa được ngã ngũ sở hữu chính thức, đang thưa qua, kiện lại; xe tải không thể tiến hành đổ đất…    

  Chỉ có một đoạn đường dài không được một ngàn mét, mà bao rắc rối, đổ vỡ, sức mẻ tình ruột thịt đã và đang âm ỉ kéo dài - Thân nghĩ, có lẽ, nó sẽ kéo dài mãi mãi cho đến sau ngày con đường được hoàn tất, cũng không dễ hàn gắn lại được!  

   Thân chợt cười với ý nghĩ thoáng đến: “Từ nay, chắc là mình sẽ không còn được mời dự đám giỗ nhà nào nữa ở trong Xóm Kẹo nầy nữa rồi! Buồn thật!”

Tháng 11 năm 2014




VVM.27.10.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .