H oa bằng lăng không thơm kín những con đường như hoa sữa. Người ta không dùng hoa bằng lăng ướp trà như hoa ngâu, hoa sói, hoa lài… Hoa bằng lăng cũng không có mật ngọt như hoa vải, hoa nhãn để dâng tặng cho đời những sản phẩm “Mật ong nhãn cao cấp”, “Mật ong vải đặc biệt”, “Mật ong tràm – đặc sản U Minh”… Nhưng sắc tím của hoa bằng lăng làm người ta xao xuyến. Sắc tím thuỷ chung thánh thiện, sắc tím làm cho những người có lòng dạ thích đổi thay nhìn đến phải cúi đầu.
Không biết ông trời sinh ra cây bằng lăng làm gì, gỗ không suông dù có trồng cả chục năm cũng không làm gì ngoài làm… củi, hoa lá càng không ăn đuợc, chỉ có đứng ở bờ ao, ranh đất để mỗi năm trổ một lần hoa cho đến hết cuộc đời. Vậy mà mợ Tám tôi quí cây bằng lăng trước ngõ hơn quí vàng dù nó nếu tính theo tuổi con người đã vào độ “cổ lai hi”. Hai mươi lăm tuổi, cây bằng lăng của mợ Tám đã có nhiều chỗ bị mối ăn, gốc chỉ còn non nửa, nửa kia đã bị mốt đùn thành ụ mô mô như chiếc ghế đai. Thân nó nhiều đoạn mốc trắng và “rách” từng lớp vỏ - đặc điểm của cây bằng lăng già - nhiều đoạn cành khác cũng bị mối bám quanh như cánh tay bị gãy đang bó bột. Vậy mà mợ Tám không chịu đốn bỏ dù đã có tin “phóng đường” (tất nhiên có đền bù), nhỏ Chung con gái mợ cũng nhân cơ hội đó muốn mở quán giải khát để có thêm thu nhập. Nó nài hoài nhưng mợ Tám không chịu, nói cất ở đâu cũng được nhưng nhất định phải chừa cây bằng lăng ra, Chung cãi:
- Cây bằng lăng có gì mà mẹ quí? Phải chi nó có hoa thơm, bóng mát, trái ăn được như nguyệt quế, trứng cá, sơ ri… thì con không tức, đàng này… Mặt tiền nhà mình nhỏ như cái bánh bò bông, còn chỗ khác con không thèm đụng tới cây bằng lăng “vàng ngọc” của mẹ đâu!
- Nhưng nó là kỷ niệm! Mợ Tám dứt khoát.
- Kỷ niệm có nuôi sống con người ta đựơc không mẹ?
- Bốp! Thình lình mợ Tám tát con Chung, ba ngón tay mợ in rành rành lên mặt nó.
- Hu… hu… mẹ đánh con vì cai cây vô dụng mối ăn sắp ngã à? Con không thèm mẹ nữa! Chung chạy vụt đi còn mợ Tám chỉ kịp gọi “Chung… Chung…”. Tiếng gọi vỡ oà trong sương sớm.
Ngoại tôi mất, không ai trong gia đình còn nhớ lý lịch cây bằng lăng ấy nữa, tôi là người duy nhất trong đám “hậu sinh” hôm nay được mợ Tám kể lại. Với mợ nó là một kỷ niệm thiêng liêng gần như bất di bất dịch mà từ lâu rồi mợ không muốn nói với ai, chỉ muốn để kỷ niệm ấy theo mợ về miền vĩnh cữu (Trời, sao mợ khéo lo xa, bây giờ mợ mới năm mươi chứ mấy).
… Chiến tranh biên giới Tây Nam bùng nổ, cậu Tám lúc đó là một thanh niên tuổi hai lăm tràn đầy nhiệt huyết, cậu quyết định lên đường sang đất bạn dù lúc đó cậu mới cưới vợ hơn hai tháng. Trước ngày chia tay, mặc cho ông bà ngoại tôi cùng mợ Tám khóc hết nước mắt và hết lời năn nĩ cậu cũng không lùi buớc. Cậu chỉ âm thầm ra bờ ruộng bứng về hai cây bằng lăng con con như hai chiếc đũa, trên đầu ba bốn cái lá non tơ bảo mợ:
- Mình trồng hai cây bằng lăng này nghe em, vừa có chỗ giăng võng, vừa có hoa đẹp em ngắm!
- Nhưng anh đi xa, cây ra hoa chỉ có mình em thấy.
- Bộ em nói anh đi… mười năm lận à? Bây giờ cây còn nhỏ xíu, anh về nó trổ hoa là vừa thôi. Cười lên đi “bé”, anh đi hai ba tháng anh về mà! Cậu an ủi làm mợ cười mà nước mắt nhạt nhoà. Không có người vợ nào muốn xa chồng, huống chi cậu mợ mới cưới nhau mà cậu lại đi vào nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau bằng một cái vẫy tay.
- Anh hứa nha… đi nhanh về với em để em hái hoa bằng lăng kết thành vòng đeo vào cổ anh…
- Sao không đội đầu mà đeo vào cổ?
- Đeo vào cổ cho dễ giữ không bao giờ để anh xa em nữa.
Mợ Tám dụi đầu vào lồng ngực rắn chắc của chồng như để lưu mãi mùi người đàn ông quen thuộc mà mình yêu quí. Hương tóc dìu dịu mùi lá sả, lá bưởi của mợ phả vào mũi cậu lưu luyến không rời. Đêm ấy trên trời trăng vằng vặc sáng… cậu mợ chỉ còn một khoảng thời gian ngắn bên nhau nhưng cũng đủ cho một sinh linh bé nhỏ ra đời để nối gần hơn những ngày tháng chia xa đầy thương nhớ. Nhưng tiếc thay cậu Tám tôi không bao giờ về nữa! Những lá thư đầu tiên cậu Tám nói đang đóng quân ở Pắc – Tâm – Băng nhưng chính ông bà ngoại tôi và cả mợ tám cũng không biết Pắc- Tâm – Băng là ở phương nào. Dần dần hai cây bằng lăng bé tí đã hồi sinh, vài chiếc mầm xanh xanh đã nhô lên khỏi lớp vỏ màu trắng xám. Một tháng sau chúng đã có thêm bốn chiếc lá xanh non…
Một buổi chiều ông ngoại kéo rơm về cho bò ăn, vô tình chiếc bánh xe bò đã nghiến nát một cây bằng lăng đang sức lớn, những chiếc lá non bị lún xuống đất theo đường đi qua của chiếc vòng sắt bánh xe. Tiếc thật, nếu lúc đó xe bò dùng bánh hơi thì cây bằng lăng sẽ không chết vì sức nghiến của bánh hơi rộng và không “tàn nhẫn” như bánh cây niềng sắt. Mợ Tám vừa vun lại gốc cây nước mắt mợ vừa rơi lã chã. Với mợ, hai cây bằng lăng ấy như hai cậu mợ, linh cảm người vợ có gì đó không lành cho người đi xa khi cây bằng lăng vô tình bị nghiền nát. Mợ lấy trúc làm hàng rào, thêm một cây trúc nữa làm chỗ dựa cho cây bằng lăng bị nạn, ngày ngày mợ tưới nước, chăm bón như chăm sóc con thơ. Loài cây hoang bỏ hoang vẫn sống, vậy mà mợ chăm sóc hết mình nó vẫn nũng nịu ra đi.
Ngày mợ biết chắc mình hoài thai được hai tháng thì cũng là lúc cây bằng lăng không thèm sống nữa. Mợ khóc, từ ngày cậu Tám đi đến giờ mợ mới khóc một trận ra trò. Ông bà ngoại tôi dỗ dành con dâu hơn cả con gái, việc nhà, việc ruộng mợ không làm nổi, món ngon, thịt cá gì ngoại tôi cố chế biến cho thật hấp dẫn để mợ ăn vậy mà đứa bé trong bụng cứ bắt mợ phải nôn ra hết. Ngoại cứ kiên nhẫn làm thức ăn cho con dâu vì với ngoại, đứa con trong bụng mợ Tám không những là cháu nội mà còn là hình dáng của đứa con trai út ít bướng bỉnh của ngoại nữa. Nhưng mợ Tám cứ ốm nghén hoài, người lép kẹp mỏng dính chỉ uống sữa cầm chừng cho đến tháng thứ tư mới ăn uống lại được. Lúc đó mợ chỉ còn 34 kg! Người ta nói, những cái thai hành người mẹ nhiều thường là con trai nên bà ngoại và cả mợ Tám đều chịu khó lắm lắm. Ông ngoại cũng lặng lẽ góp phần cưng cháu (dù còn trong bụng) bằng cách bứng về cây bằng lăng khác “đền” vào chỗ cây bị xe bò nghiến nát. Nhưng hai cây phát triển không đều, cứ như đôi đũa lệch đang cố so cho đều ngày ngày bên nhau lớn lên.
Lúc mợ Tám có thai được bảy tháng rưỡi thì cũng là lúc tin dữ báo về: cậu Tám đã trở thành liệt sĩ! Giấy báo tử thì có nhưng hài cốt thì không. Mợ Tám không khóc, dường như con người ta khi đối diện với tận cùng nỗi đau thì không còn nước mắt để khóc nữa. Mợ nằm yên trên giường và gầy yếu hơn cả lúc thai hành. Tối ngày mợ đắp mền kín cả đầu, thân thể bất động, chỉ có cái bụng tròn tròn nhấp nhô là cử động. Hai mươi mốt tuổi mợ Tám trở thành người goá bụa. Cây bằng lăng vẫn âm thầm lớn lên, cái thai không biết mình mất cha từ trong bụng mẹ vẫn cứ vô tư lớn lên. Chỉ có mợ Tám là thu mình nhỏ lại, mợ không muốn ra đường, không hay đi ruộng, chỉ cơm nước trong nhà…
Biết mình sinh con gái mợ buồn ra mặt vì không còn cơ hội tìm lại hình bóng người chồng yêu quí ngày nào, nhưng ngoại tôi an ủi “Thôi, vậy cũng tốt con à… biết đâu là con trai con lại nhớ thằng Công nhiều hơn…” nhưng ngoại cũng quay đi lau nước mắt. Đứa con gái được đặt tên là Trần Thị Thuỷ Chung, càng lớn bé Chung càng mũn mĩm, lời đầu tiên tập nói vẫn là “ba… ba…” như bao đứa trẻ khác. Nhưng lúc đó nó đâu biết “ba” là gì cho đến khi nói rành rọt nó hỏi mẹ “Ba đâu”, mợ Tám chỉ lên trời và nói “Ba con đi máy bay qua Pắc- Tâm- Băng công tác mai mốt về…”. Vậy mà nó “tin như sấm”, mỗi khi có tiếng ù ù của máy bay là nó chạy ra sân gọi “ Máy bay, máy bay qua Pắc –Tâm- Băng chở ba về cho Chung nhé, Chung thèm ba lắm”. Bé Chung không nói “nhớ” mà nói “thèm” làm mợ Tám khóc sướt mướt, cho đến bảy tuổi nó vẫn nhắn máy bay chở ba về cho nó. Tám tuổi, Chung ý thức được phần nào việc “ba đi công tác” sao mà lâu như vậy, nhất là những ngày 27/7 đến, 30/4 về, 22/12 sang và tết Nguyên Đán các cô chú trên xã, trên huyện cứ tới thăm nhà cho nó cơ man nào là quà và gọi nó là “con liệt sĩ”. Có cô còn xoa đầu bé Chung nói “Con liệt sĩ Công đáng thương quá”, “Con ba Công phải ngoan để không phụ lòng mẹ nghen!”. Từ đó Chung không còn hy vọng máy bay chở ba về cho mình nữa, nhưng ba từ “con liệt sĩ” cũng giúp nó khá nhiều trong việc học. Nhiều khoảng tiền giúp cho học sinh nghèo học giỏi, con Thương binh liệt sĩ vượt khó, cháu ngoan Bác Hồ… đã bớt cho mợ Tám phần nào oằn vai chuyện học hành của Chung.
Khi miếng cơm manh áo không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa thì cũng là lúc mợ Tám vào tuổi “hồi xuân”. Những tâm sự không biết tỏ cùng ai. Những đêm đông đóng chặt cửa cuộn mình trong mấy lớp mền vẫn nghe lạnh cả tim gan, cái lạnh từ trong lòng người phụ nữ tưởng đã phôi pha vì đau khổ nhọc nhằn nhưng bây giờ tự dưng bộc phát. Mợ nghe khó nghĩ, ngôi nhà vẫn còn nhiều việc cần đến đàn ông, cái bàn cái ghế gãy chân, cái tủ gạc – măng - rê sứt cánh cửa, đường điện trong nhà đôi khi không thèm sáng… Mợ cần có người đàn ông để san sẻ để không phải chạy đi làm phiền các em cháu hàng xóm. Rồi…
Người đàn ông tìm đến với mợ là một tay thợ sửa xe Honda nghiệp dư, vợ chết, hai con đi làm xa, đề nghị khi “góp gạo thổi cơm chung” thì mợ phải chặt cây bằng lăng lấy mặt bằng để mở cái tiệm sửa xe. Mợ Tám đồng ý phần bỏ vốn đầu tư nhưng cây bằng lăng thì không có ai được đụng đến, người đàn ông ấy bằng lòng bằng cách “Thôi thì cất sát gốc cũng được” nhưng bất ngờ lần nọ mợ Tám bắt gặp ông ta nhìn Chung hau háu, trong ánh mắt tràn đầy “tà ý” nên… thôi.
Ít lâu lại có người ngỏ ý cùng mợ, ngoại tứ tuần không nghề nghiệp ổn định nhưng có sức khoẻ và rất siêng năng, cưa cây, chẻ củi mướn, đánh gốc cây… ông ta đều làm rất giỏi. Chỉ phiền nỗi là hay uống rượu! Chỉ là uống ghiền chứ không phải hoạnh hoẹ gì, mỗi bữa cơm đều phải uống, rượu với ông ta như là máu, là thịt, là không khí để sống vậy, mợ hỏi sao uống chi hoài thì ông ta nói “Không có vợ buồn nên uống”. “Có vợ không uống nữa à?”. “Có vợ vui thấy mồ, trăm việc phải lo, thời gian đâu mà uống”. “Chứ không phải có vợ, vợ hay cằn nhằn càng uống dữ nữa sao?”. “Có thương mới hay cằn nhằn, hạnh phúc chứ sợ gì, chỉ sợ ai đó có danh có phận không thèm ngó ngàng gì tới mình thôi”. Ông ta cố tình nhấn mạnh từ “Có danh có phận” làm mợ Tám mũi lòng, mợ nói như tâm sự với mình “Danh phận gì cũng là một con người, chỉ mong sống có một gia đình hạnh phúc”. Chuyện chỉ có vậy. Rồi một lần mợ đi công việc tới nhà người bà con, chợt nghe bên quán ăn sát vách nhà người bà con nọ vang lên giọng nói lè nhè:
- Con mẹ ấy “thái trêu” hơn hai chục năm nên giờ gặp tao là mê tít thò lò…
- Sao… sao… kể nghe coi anh Hai?
- Sắp dzô mánh rồi hả anh Hai?
- Dzô mánh hay không thì còn chờ, bây giờ dzô trăm phần trăm đi! Tụi bây biết không, “con mẹ” ấy nói “Chỉ mong có một gia đình hạnh phúc”
- Vậy là anh Hai cho chị ta “hạnh phúc” rồi phải không?
- Ngon nhá, nhà mặt tiền, của dư ăn, chừng nghe êm êm bảo bà chị mình bán đất mua chỗ khác sống, dư tiền tha hồ đi nhà hàng “thử sức”.
- Chừng đó đừng quên tụi này nha! Đàn em tình nguyện dẫn ông anh lên nhà hàng Thiên Thai, bảo đảm gặp mấy em là anh hết về nỗi luôn!
-…
-…
Mợ Tám nóng cả mặt, “cạch” luôn cánh đàn ông từ đó, dù sau này cũng còn vài người đến làm quen nhưng mợ không tin vào cuộc sống rỗ rá cáp lại, nó không còn đơn thuần chỉ là tình yêu đúng nghĩa nữa rồi.
Nhỏ Chung bỏ đi từ sáng giờ về với bó hoa lục bình đầy những hoa trên tay, nó khe khẽ chọn những hoa còn búp cắm vào chiếc bình nhỏ để chút nữa mang lên bàn thờ ba. Rồi lấy cục xà bông Dove đi tắm, nó xát lên mình gần hết nửa cục, như muốn “một phần tư kem dưỡng da trẻ em” trong xà bông át đi mùi bùn, mùi rong bám khắp người nó vậy. Tắm xong, Chung bước vô nhà mợ Tám cũng không hay, mâm cơm đậy lồng bàn nguội ngắt, mợ ngồi hai bàn tay bưng lấy mặt, nét khắc khổ và tủi buồn nằng nặng cả không gian.
- Mẹ… con xin lỗi… chị Loan đã nói cho con nghe hết rồi. Chung đến bên mợ Tám quỳ xuống và gối đầu lên chân mẹ.
- …
- Sao từ trước giờ mẹ không nói cho con biết cây bằng lăng đó là của ba trồng. Thôi mẹ hén, con xin lỗi, con không dám đòi đốn cây bằng lăng nữa đâu. Mình để đó mai mốt ba về giăng võng nằm nghe mẹ!?
Mùa hạ lại về, quê tôi có hai màu hoa tím đua nhau khoe sắc. Lục bình tím ngát trên sông, trên ruộng. Bằng lăng ngoài ngõ, trên đường đang giương hàng trăm nghìn con mắt tím như ngóng đợi người đi xa về lại cho trò câu hẹn ước thưở nào…