Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGƯỜI ĐÁNH CHUÔNG
TRÊN ĐỀN THƯỢNG



                         

A nh gầm gừ trong cổ họng.

-Nhất định tao phải lên đền Thượng đánh chuông báo động! Loạn hết cả rồi.

Chị liêu xiêu chiếc xe đạp buộc thúng xôi đằng sau, lách qua chiếc cổng hẹp.

-Rồ vừa vừa thôi! Trông nhà cẩn thận cho tôi còn đi bán hàng. Lôi thôi là vào tâm thần đấy!

Chị nhón lên xe, lẩm bẩm. “Hoà bình ba vạn chín nghìn ngày rồi mà lúc nào cũng báo động với bắn súng. Khổ!”. Chẳng biết lời than khổ cho ai? Cho chị, hay ông chồng thương bệnh binh là nhân viên bảo vệ vừa nghỉ mất sức.

Anh quay vào nhà, mở chiếc đài bán dẫn ở đầu giường. Giọng con bé phát thanh viên léo nhéo đến ghét. Hát to lên cho chúng nó chạy trốn hết đi. Con mẹ ấy nó không nói đùa đâu. Bây giờ mà bị đưa vào bệnh viện tâm thần thì sợ lắm. Mớ âm thanh hỗn loạn làm anh dịu bớt nỗi bứt rứt.

-Tôi tuổi con ngựa, ưa đi chỗ này chỗ kia!

Ai tới nhà chơi hỏi thăm tuổi anh thường nói thế. Ngày xưa anh là học sinh giỏi nhất trường. Tốt nghiệp cấp ba xong, một lúc nhận hai giấy gửi về xã. Một giấy gọi đi du học ở Tiệp, một giấy gọi nhập ngũ. Anh chọn đi lính. Xong chiến tranh đi học cũng được chứ sao. Lý tưởng thanh niên thời đại là được cầm súng chiến đấu. Mấy cô bạn gái tiễn anh ra điểm tập trung nhận quân như tiễn một người hùng, mắt cô nào cũng đỏ hoe. Lính pháo binh vào được đến chiến trường Tây Nguyên đã là chiến công lớn. Vậy mà toàn núp kín một chỗ, mãi năm “bảy tư” mới ì đùng được ba trận ở Kon Tum thì anh bị thương. Nhưng mà nhất định sẽ chiến thắng. Buổi chiều ấy nằm dầm mình dưới sông Sa Thầy, anh nhìn lên trời thấy một màu đỏ rực, màu chiến thắng. Đồng đội thầy anh gào thét vùng vẫy dưới sông thì chạy xuống kéo lên. “Chiến thắng rồi! Chiến thắng rồi các đồng chí ơi!”

Trưởng phòng bảo vệ nhà máy giấy ngán nhất là khi cậu nhân viên nửa tỉnh nửa điên của mình vào phòng. Chẳng bao giờ nó nói được chuyện gì tử tế. Cũng chẳng bao giờ nó “nộp sưu” cho trưởng phòng hàng tháng, vì thằng này không biết kiếm chác, cơ hội, cứ thẳng băng mực tàu mà làm việc. Thậm chí nó còn lên văn phòng, đập bàn ầm ầm. “Cuộn dây đồng 30 cân tôi nộp để đây, giờ đâu rồi? Kẻ trộm bỏ chạy mất, thì phải lập biên bản chứ. Giờ biên bản các anh không lập. Tang vật thì biến mất. Thế ra thêm một kiểu ăn cắp à?”. Phải vừa nịnh vừa giải thích mãi nó mới chịu về. Rổi Công ty giải quyết cho thằng bảo vệ ấy về nghỉ mất sức. May quá là may.

Hình như ngồi mãi một chỗ thần kinh con người ta nát nhừ, huống hồ anh bị ảnh hưởng vết thương sọ não. Về nghỉ được ba tháng thì anh phát bệnh, vợ con hốt lên xe cứu thương cho vào bệnh viện tâm thần. Khỏi bệnh, anh về quê ven bờ sông Lô, chuyển hết đồ đạc trong ngôi nhà của cha mẹ để lại, mang lên thị trấn. Bàn thờ, hoành phi, câu đối, bộ phản kinh, chiếc điếu bát cổ của ông nội…Bà vợ chỉ biết lắc đầu. Chị làm cấp dưỡng cho nhà máy giấy. Hàng ngày không mất tiền ăn, còn mang đủ thứ thừa thãi đem về nuôi chồng và nuôi lợn. Hôm ấy, vợ vừa ra khỏi nhà, anh ra ngõ gọi người đến bán tống đôi lợn thuôi thuổi. Xong rồi, ra chợ thị trấn, gặp ngay con mẹ đi xe đạp chở hai sọt đồ gốm.

-Bác mua lọ hoa, chó sứ hay mua gì? Bát hương này đẹp, lại rẻ, bác mới lập bàn thờ?

- Mua tất! Mua tất! Chở cả xe này về nhà cho tôi.

Con mẹ kia ngạc nhiên, sợ bị lừa. Lỡ thằng cha đưa mình về nhà rồi cưỡng hiếp thì sao? Nhưng rồi con mẹ đỏ mặt xấu hổ. Mình lôi thôi, lếch thếch như con rồ hoa mướp thế này, ai nó thèm. Anh quát to.

- Cô sợ tôi không trả tiền à? Nào! Hết bao nhiêu tôi trả luôn, nhanh lên cho tôi còn sắp xếp!

Nhìn nắm tiền anh dí vào mặt, con mẹ kia lúng túng. Thôi thì vào nhà bác đã, em mới tính giá từng loại được.

Anh bày các loại bình, lọ, chó, sư tử ra giữa nhà. Gần hai chục cái bát nhang được xếp theo từng bậc thang từ tầng hai xuống đất. Khói hương nghi ngút. Anh cởi trần, mặc độc quần đùi ngồi ở bậc thang cuối, cười thoả mãn. Rồi bất chợt, anh tiện tay đập hết bình này, lọ kia, vớ được mảnh vỡ nào là cào cứa lên người. Nghe tiếng la hét của anh, hàng xóm điện cho chị vợ về gấp. Anh lại bị tống vào bệnh viện tâm thần.

Mỗi ngày anh phải uống 24 thuốc ngủ. Lượng thuốc đủ tiêu một mạng người bình thường, nhưng anh chỉ chợp mắt được vài tiếng đồng hồ. Người anh khô quắt, mắt lồi ra, uống nước như cọn. Chạy sang nhà chị gái, thấy hai đứa cháu đang học, anh sà vào.

- Đâu? Mang vở ra tao xem nào! Mày học Trung văn hay Nga văn?

- Cháu học Anh ngữ cậu ạ!

- Anh ngữ thì bố tao cũng chịu. Phương trình này giải sai rồi con ơi. Này! Mày có nhớ định lý Pitago không hả? Bình phương cạnh huyền bằng tổng bình phương hai cạnh cơ mà. Dốt! Dốt! Học hành thế này phí tiền phí của con ơi.

Cô cháu gái phục sát đất “ông rồ” vẫn nhớ vanh vanh các định lý, quy tắc đại số, hình học, vật lý, sau đó thì khóc tướng lên vì bị chửi.

- A! Mày khóc là bảo tao rồ chứ gì? Còn lâu cậu mới rồ con nhé. Mày chê tao rồ thì tao về.

Anh hầm hầm quay ra.

Hôm nay anh lại thấy bứt rứt trong người. Khốn nạn! Hai thằng con cùng lúc đòi mẹ chuẩn bị tiền cho chúng nó đi thực tập. Thực tập gì mỗi thằng xin ba triệu đồng? Bố chúng mày mỗi tháng được có bốn trăm bảy tiền trợ cấp thôi. Khốn nạn! Hình như bà vợ chỉn chu của anh có bồ. Đi đâu chả nghe người ta rì rầm nhức óc. Bà ấy đang kỳ hồi xuân. Anh thì nằm mình, tu gần chục năm rồi. Chiều qua thấy bà ấy son phấn, diện quần áo đẹp đi mãi đến tối mới về. Tham lam! Ông thầy chủ nhiệm cũ của anh ngày xưa giờ đã 70 tuổi mà còn tham lam. Về hưu thì ở nhà mà trông cháu. Cậy con gái làm giám đốc công ty thuỷ lợi lắm tiền, loe xoe đứng ra mở trường tư thục. Dạy đâu chưa biết, dân kêu ca còn quá chửi quân buôn gian bán lận. Học hành gì mà mỗi năm thu hàng tấn thóc của con nhà nông dân. Lại còn nghe ông thầy mèo mỡ với con bé văn thư bằng tuổi cháu ngoại. Băng hoại hết. Giả dối hết. Lại thấy dưới quê, Chủ tịch, hai phó chủ tịch, cán bộ địa chính…thằng vào tù, thằng bị cách chức, kỷ luật, còn trơ lại mỗi Bí thư đảng uỷ. Thế thì làm cái đếch gì được nữa. Tham gì mấy đồng tiền chính sách của dân cơ chứ. Nhức đầu quá! Phải như còn khẩu pháo 105 ly, anh kê vào đầu bắn cho mỗi thằng một phát. Lại còn mấy đứa học sinh thi nhau nhảy xuống sông tự tử nữa. Sướng quá hoá cuồng. Đồ cướp công cha mẹ. Chúng mày bức xúc điều gì? Oan ức điều gì? Tao đây ba mươi năm công tác giờ mỗi tháng chỉ có mấy đồng phụ cấp, có thèm kêu ca đâu.

Phải báo động thôi. Báo động số một. Anh em đâu hết cả rồi? Mới túm tụm chơi tiến lên, giờ trốn đi đằng nào? Phải gọi tất cả chúng nó về, cả thằng sống lẫn thằng chết. Anh đạp tung cánh cổng sắt, chạy băng qua sân vận động của công ty đầy cỏ và rác. Nhảy qua một con mương, tiếp tục vượt qua đồi bạch đàn. Đỉnh núi xanh thẫm ngay trước mặt, nhanh nhanh lên còn kịp. Anh thở khò khè, hen tắc cổ họng. Anh cố lết đến cổng đền Thượng, nằm vật ra thềm đá, ngáp ngáp cái miệng cá ngão ra thở. Anh chồm dậy, lao về phía ban thờ lộ thiên, trên đó có mấy quả táo và chai nước lọc. Nhanh lên! Sức mạnh thần bí trong người vực anh dậy. Chiếc chuông đồng nặng nề buông dưới mái ngói cong. Anh lấy hết sức vung cái chày gỗ.

- Boong! Boong… Boong!

- Boong! Boong…Boong!

Âm đồng trầm vang, dội vào cây lá. Chốc lát, cả khu rừng náo loạn vì tiếng chuông ba nhịp. Tất cả chim chóc, con người xung quanh núi chững lại, ngơ ngác, rồi hoảng hốt như nghe lại tiếng chuông báo động thời mấy chục năm trước, mỗi khi có máy bay địch tới ném bom. Ông thủ từ khăn áo tả tơi, trong hậu cung lao ra. Lạy trời. Lạy phật. Có hoạ rồi. Sao lại có người đến đánh chuông lúc đang trưa thế này. Nhà anh kia! Sao lại đánh chuông? Sức vóc ông già không giằng được cái chày ra khỏi tay kẻ hoang tưởng. Ông buông ra! Phải báo cho mọi người biết. Sắp loạn rồi! Sắp loạn rồi! Ông già chỉ còn cách chạy ra mép sân, đứng gọi điện cho công an. Một lúc sau, tổ anh ninh từ dưới chân núi xuất hiện, vừa chạy vừa thở lên bốn trăm bậc thang đá, ông tổ trưởng còn không kịp mặc áo, đsnh mỗi chiếc áo ba lỗ và quần công an. Ông sững người khi nhận ra anh.

- Ôi giời ơi! Ông bảo vệ! Sao lại lên đây đánh chuông?

Anh cũng nhận ra viên thiếu tá cảnh sát bảo vệ hay vào tăng cường trong nhà máy.

-Tôi được nghỉ mất sức rồi. Thích đi đâu thì đi!

-Thôi đánh chuông thế được rồi, xuống chỗ tôi uống nước. Từ ngày ông nghỉ, chẳng lúc nào mà ngồi với nhau.

Anh buông chày gỗ, nghiêm khắc chỉ vào người viên thiếu tá.

- Muốn làm việc với tôi, phải đúng điều lệnh đội ngũ. Ăn mặc thế này à. Quân hàm, quân hiệu đâu?

Viên thiếu tá hơi bực mình. Hai cậu lính trẻ sáp tới:

-Lão này đây hả thủ trưởng?

Anh lập tức bị bẻ quặt tay ra phía sau, lôi xềnh xệch xuống đền. Ôi! Loạn rồi! Đánh chuông báo động đi. Con mẹ chúng mày. Đau tay tao quá.

Từ dưới chân đền ngược lên, một vị sư già thong thả bước. Chiếc áo dài, khăn đội đầu và cả chiếc túi khoác trên vai cùng một màu đà nhẫn dịu. Màu đà thấp thoáng, lẫn vào không gian núi rừng. Vòng tràng hạt nhỏ trên bàn tay trắng bệch từng nấc, từng nấc. Xoay. Bậc đá cao, sắc mặt vị sư già tịnh không chút mỏi mệt. Tràng hạt vừa xoay xong một nấc, sư già đụng cảnh giằng co, la hét. Thấy anh nhăn mặt đau đớn, sư già chắp tay đứng lại, chắn ngang bậc đá đi xuống.

- A di đà phật! Xin hỏi các vị bắt người này vì tội gì ạ?

Cậu lính trẻ cau có.

-Tội phá rồi trật tự trị an, lên đền Thượng đánh chuông loạn cả lên!

-Thưa…đánh chuông trên đền sao lại có tội! Mà người này sắc diện không bình thường, đang bị bệnh rối loạn nội tâm. Xin phép cho nhà chùa được bảo lãnh.

Anh đứng im không vùng vằng nữa, dịu đôi mắt đục ngầu.

-Bạch sư thầy vẫn khoẻ chứ ạ? Ba năm nay, con chưa về quê nên không vào chùa thăm sư thầy được!

Hai người lính phải chờ sự can thiệp của viên thiếu tá. Ông ta bước tới, trên người bây giờ đã gọn gàng áo xống, quân hàm vàng chói.

-Sư thầy mới lên đền ạ!

Thiếu tá cất tiếng chào.

- A di đà phật! Nhà chùa mới tới đây. Xin quý vị cho nhận lại người này được không ạ?

-Vâng! Sư nhận thì tôi yên tâm. Thả ông ấy ra!

Hai bóng người quay trở lên đền. Bóng anh liêu xiêu, tấp tểnh bên cạnh bóng vị sư già tự tại ung dung. Buổi trò chuyện với vị sư già trên đền Thượng kéo dài hết buổi chiều. Anh xuống núi, được sư già thuê xe ôm đưa về nhà. Vợ anh khóa cổng ngoài. Hàng xóm nói chị khóc cả ngày, nháo nhác vì không tìm thấy anh. Hình như chị đi trình báo công an rồi.

Anh không mở loa đài ầm ĩ nữa, cũng không nổi cơn đập phá. Nhưng mỗi ngày vẫn phải uống 24 viên thuốc ngủ. Bà vợ vẫn đi bán xôi buổi sáng, lo việc nhà buổi chiều. Anh nhắn thằng cháu trên Hà Giang gửi về cho mấy cân chè tuyết. Buổi sáng, trời tháng ba se lạnh. Anh ngồi khoác chiếc áo bông lính cũ, vừa uống trà, vừa lẩm nhẩm đọc sách. “ Thừa Phật từ lực, chúng tội tiêu diệt, thiện căn tăng trưởng, nhược lâm mạng chung, tự tri thời chí, thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo…”. Anh bảo đó là bài kệ Sám Nhất tâm. Ngày nào cũng lầm rầm đọc, chẳng biết có ngộ ra điều gì không!?




VVM.10.10.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .