Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      
Ga Thường Tín Ngày Xưa

PHỐ GA



G ió lạnh thổi hun hút trên đường số 1, vun những là bàng rơi thành nhóm tấp vào hè đường. Chiếc lá bàng đã khô giòn, màu tím đỏ khi va vào nhau thành những tiếng kêu khô khốc. Nền trời xám ngoét. Dãy bàng mọc sát hè phố, thân gốc sù sì già cỗi, cành trơ trẽn nền trời thành nét vẽ.

Đã tàn buổi chợ Vồi. Mấy bà già khoác áo tơi lá, nón che cum cúp đi túm vào nhau tránh rét. Vài cô hàng xáo, gánh nặng cong hai đầu đòn gánh, bước rảo theo nhau. Mỗi người như có một tâm sự riêng nên chẳng thấy ai chuyện trò gì. Họ cứ đi, im lặng và xa dần khung cửa nhà tôi.

Vâng. Nhà tôi hồi ấy ở tại phố Ga. Gọi là phố vì đó là một dãy nhà tranh mái lá, thỉnh thoảng có nhà mái ngói chen vào giữa. Kéo dài từ ngã ba đường là dãy rào chắn của ga Thường Tín. Cái ga nhỏ ấy luôn luôn có một đoàn tàu nằm đợi tránh nhau. Từ bé, tôi đã quen ngắm cảnh đầu tàu hỏa đen chũi như một con bọ hung chạy hồng hộc ở nơi xa tới đây rồi tiếng bánh xe phanh ken két nghiến trên đường ray. Con tàu mệt nhọc, nằm thở phì phò cho đỡ mệt, khi đã nhả ra từ bụng nó bao nhiêu là người. Tiếng gọi như từ bên trong ga, thế mà vọng tới các nhà ngoài phố, nghe cứ ầm ầm. Chợt từ cái đầu máy đen xì ấy, phun ra một luồng khói trắng, tiếng huýt còi… “hoong” mạnh mẽ, kéo dài báo hiệu, thế nào cũng có một đoàn tàu ngược đường đang đến. Thì ra tàu hỏa cũng biết chào nhau để tiễn biệt đi xa.

Dãy phố nhỏ lại trở về cảnh bình lặng hàng ngày. Người trong phố đều từ mọi nơi đến kiếm sống, thôi thì thời buổi khó khăn, “tứ hải giai huynh đệ”, nào ai có cấm đoán ai, chỉ miễn là biết trọng điều nhân ái thủy chung. Nhà của gia đình tôi thuở ấy là một căn nhà gạch, hiệu thuốc Mai Nguyên Đường, mới ở ga từ khoảng đầu năm 1920. Khi tôi lên 5 tuổi, phố Ga đã đông người hơn. Quanh nhà tôi đã có nhiều cửa hiệu. Tôi nhớ hồi ấy có thuốc cam “ Con hươu vàng” của hiệu Ích Phương, có ông Kế làm nghề sửa xe, quần áo suốt ngày lắm lem dầu mỡ, khuôn mặt gầy, đầu nhỏ, khi ngẩng lên, yết hầu ở cố lộ thành cục, giật giật. Xa hơn phía chợ Vồi là nhà bán giò. Bác Quý hay mặc áo cánh vải phin mỡ gà, tay béo, bóng nhẫy vì mỡ, luôn ngồi cạnh tủ hàng. Bác trai ít khi thấy mặt, nhưng cứ tang tảng sáng, tiếng giã giò có nhịp từ nhà bác vang lên. Người trong phố bảo nhau: “Nhà Quý đã dậy rồi đấy” để mà đánh thức nhau trở dậy. Nhà bác Quý có thể coi như cái đồng hồ báo thức cho cả cái phố Ga này.

Giữa phố ga mà có một hiệu thuốc bắc, treo biển hiệu đàng hoàng, hẳn là mọi người sẽ hỏi: Hiệu thuốc này từ đâu tới nhỉ. Sau này lớn lên, tìm về quê nội hỏi chuyện, mới được các vị cao tuổi kể rằng:

… Làng Yên Thái tổng Trung huyện Vĩnh Thuận xưa có nghề làm giấy bản gia truyền. Từ 500 năm trước, giấy của các làng vùng Bưởi đã cung cấp cho biết bao nhiêu sĩ tử mài mực đề thơ, làm văn đi thi. Đến năm thành Hà Nội bị Pháp chiếm lần 2, tổng đốc Hoàng Diệu tuần tiết, đã có nhiều người bỏ nghề giấy theo nghĩa quân đánh giặc. Mưu sự không thành, những người lính già trở về làng cũ, đau xót nhìn cảnh làng xưa: Dọc sông Tô Lịch, những vạc nấu dó nằm im không nhả khói mà bãi tha ma bên chân thành Đại La mả mới đã nhiều hơn. Không thể sống bằng nghề giấy, ông nội tôi đã đưa một người con nhỏ tuổi, cùng sách thuốc, sách học viễn du về phương Nam. Tôi cứ tưởng tượng một chiều mưa gió, có chiếc xe ngựa đỗ lại một quán chợ Bình Vọng, hai ông- con bước xuống xe tìm nơi ở. “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách” (*) hồi nữa, khiến ông già đượm buồn, ngâm lại một câu thơ cổ.

Vài ba ngày sau, người lính già và con trai được các vị Nho học trong làng trọng vì tài, mến vì đức ái quốc đã mời ở lại. Từ đấy đến khi tôi lớn, ông tôi đã lao động miệt mài, truyền nghề thuốc bắc cho cha tôi và tích cóp xây được cửa hiệu. Để nhớ về quê cũ, tên hiệu lấy chữ Mai làm đầu, ai đi qua đều có thể biết đó chính là dòng thuốc gia truyền nhà họ Vũ ở Bưởi.

Bố tôi lớn lên và lập nghiệp ở Thường Tín. Mẹ tôi cũng là con nhà gia thế. Ông ngoại là một Nho sinh đã thi đến Tam trường thì bị trượt vì bài thi phạm húy. Người bạn đồng hương là ông Từ Diễn Đồng thi đỗ, vinh quy bái tổ làm cho nỗi buồn thêm nặng. Từ đó, cụ không đi thi nữa mà mở trường dạy học, trở thành vị tổng sư danh tiếng trong vùng.

Khi tôi đã lớn, thì ông ngoại quy tiên, chỉ còn nét chữ của ông trên những bức hoành phi, câu đối mà cụ đã viết lại tại đình Phú Cốc.

Chiều chiều, từ sau nhà, mẹ tôi hay đứng ngắm nhìn về làng. Chỉ có một cánh đồng mà sao xa ngái. Mẹ tôi chỉ cho tôi biết: Nơi cái cổng làng lấp ló sau bụi tre là cổng Hà Hồi, nơi ngọn tháp nhọn nhô cao sau cổng là lăng ông Thánh “Tử vì đạo” của làng bên giáo. Thực ra, quê mẹ tôi ở sau dãy tre làng Hà Hồi, đó là làng Phú Cốc, nhỏ nhoi kẹp giữa hai làng Hà Hồi và Khê Hồi.

Người già kể lại rằng: Làng Phú Cốc ngày xưa giàu có, to lắm mỗi năm đến mùa gặt, thóc đóng cót hàng dẫy, cây rơm đại xếp cao đến nỗi đi ngoài đường xa còn nhìn rõ. Một hôm có đức hoàng thượng tuần du, thấy cây rơm ngài hỏi quần thần: “Cây chi mà cao thế?”.

Quan hộ giá vội thưa “Muôn tâu, đó là cây rơm làng Phú Cốc!”. Nhà vua chỉ tay khen làng có tên Phú Cốc là phải! ( Phú Cốc= giàu thóc). Ai ngờ thiên tử có uy lực “chỉ sông sông cạn, chỉ núi núi tan” đã làm cho cây rơm nghiêng ngả như gặp bão lớn rồi bỗng nhiên bốc cháy đổ ập xuống. Từ đó, làng Phú Cốc nghèo dần, con cháu có học có thi nhưng không ai đỗ đạt nữa.

Bên kia vực Hà Hồi, nằm nép cạnh con đường nhỏ có một quán gạch cũ. Cây đa trước quán xòe tán che cả mái, rễ đa từng búi thả đong đưa trong gió. Mẹ tôi bảo đó là quán Âm hồn, cũng là nơi trú chân của thợ cày thợ cấy khi mưa gió. Chiều chiều, nắng quái rải ánh vàng trên nóc, nhuộm sáng cả đám lá đa trong chốc lát rồi tất cả chìm dần vào bong tối. Phía đông, ngôi sao hôm đã mọc, le lói sáng trên trời.

Những hình ảnh ngày xưa đã luôn đan xen nhau, trở về với tôi, hơn 50 năm đã trôi qua. Phố ga Thường Tín giờ đây đã biến thánh thị trấn với nhiều nhà cao tầng, buôn bán sầm uất. Người xưa bây giờ đã về đâu, bức tranh xưa dù cố hình dung cũng chỉ lờ mờ nét vẽ.

#( Mưa không là then khóa mà có thể giữ khách lại.)




VVM.29.9.2023- NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .