Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

NGƯỜI Ở ĐỪNG VỀ!



                     

L ần đầu tiên anh giáo miền xuôi ngồi lên yên ngựa. Ông Chủ tịch cho ngựa đi nước kiệu mà anh giáo vẫn run. Anh run vì chưa quen một phần, một phần vì không hiểu sao mình “bị” đắp váy mà lại là “tốt?” Có phải ông muốn…Hay là cái May…? Mình phải làm gì…?... Nếu…! mà…?        

     Anh chắp nối, xâu chuỗi mọi chuyện từ lúc về Ngàm Đăng Vài đến giờ. Mọi thứ  như mớ bòng bong. Chủ tịch phá vỡ im lặng!   

  -  Phía tay trái, nước phân cho suối Nậm Dịch chảy vào dòng Lô. Phía phải đổ vào suối Ràng chảy sang sông Hồng. Nhà tao treo trên mũi con trâu kia kìa!     

   Trời hết mù. Những sườn núi hướng về phía mặt trời được khoe hết dáng vẻ xanh tươi của cỏ, của cây, của hoa lá trong sắc thu. Nhịp sống cao nguyên sôi động bởi những đàn ong vội vã gom thu phấn hoa, đám kiến tha trứng tất bật dọc hai bên đường.      

  Nhìn những ruộng bậc  thang xếp lớp như thêu, như vẽ, Anh giáo hình dung ra cảnh:    

     Tính tẩu em ngân vang
      Ruộng bậc thang nối mường, về bản
     Sáo anh dìu dặt gọi
      Ruộng bậc thang  trèo lên tận trời mây

    Xưa một vụ nếp nương hạt cơm chát đỏ
     Nay hai mùa lúa nước gạo trắng dẻo ngon.
     Bậc chồng lên bậc tựa hoa văn thổ cẩm
     Bờ xoắn lấy bờ như tiếng vọng núi non

     
 (“Ngõ quê” tr24)   

mà lòng anh giáo vẫn rối như canh hẹ:         

  Ngựa quen lối nên đi thẳng vào nhà. Chủ tịch gọi to:   

  -  Bà Vi ơi ! Ra đón thày giáo này!   

Nhà của Chủ tịch có kè đá bao quanh. Cũng tường trình, mái lá. Vườn đào phía trước vẫn còn xanh lá. Hai trái nhà rau cải và củ kiệu sắp chen vai. Phía sau là những cây hồi, cây quế đã cho nhiều mùa thu hoạch. Vợ Chủ tịch vội vã bước ra, tươi cười để lộ hàm răng đều như hạt bắp. Hai cái lúm đồng tiền làm làn môi tươi tựa hoa đào.    

 -  Chào Thày ạ! Vào nhà đi!   

  -  Bác khỏe không ạ?   

  -  Còn giúp được ông ấy việc nhà!   

  -  Không có anh chị nào ở cùng hai bác?   

  -  Thằng cả Páo đưa hết vợ con lên huyện. Nó bảo cho các cháu đi học ở trên ấy tiện lợi hơn. Mấy tháng mới về bản một lần. Uống hớp rượu rồi lại đi ngay. Làm Chủ tịch huyện bận lắm! Các cháu đến kỳ nghỉ đông, nghỉ hè mới về. Cái May mải làm cô giáo ở dưới trường, nhà có công việc cũng chỉ đảo qua!   

Chủ tịch xã đặt cái đài Oriongton xuống cạnh bếp:   

  -   Thày uống nước đi! Chè Pó Đướt Thống Nguyên đấy! Mày nói chuyện với nó. Tao đi làm cơm đây!    

 -  Ông Zuyếnh nhà tôi thế đấy. Đi thì chớ về nhà là tranh việc của vợ.   

  - Hai bác thật hạnh phúc!   

Có tiếng gà kêu. Anh giáo đứng lên:   

  -  Để cháu xuống giúp Bác trai một tay!    

  - Cơm không phải nấu. Mỗi con gà là xong! Thịt nai còn nhiều! Thày ra vườn nhổ giúp tôi nắm kiệu. Con May có lên không hả ông Zuyếnh?   

  -   Liệu nó có biết đường không?   

May bước nhanh vào, vừa cười vừa khoe:   

  -  Cháu của ông còn mang cả nấm đá (nấm mọc trong khe đá trên núi cao, nhỏ như vẩy ốc, rất ngọt lại thơm còn có tên: nấm Mèo), và phắc thương (một loại lá ngọt như mì chính) cho ông đây!   

  -  Sao mày biết tao nấu canh gà mà đi hái phắc thương?       

 -  Ông chả đã nói lúc anh giáo bị ép đi “thực tế” rằng: “Bụng mày đầy chữ, phải đến bản, bỏ vợi chữ ra, rồi đổ rượu vào thì mới là người của cao nguyên!” là gì?   

  -  Biết tao thịt gà thuốc đâu mà đi tìm nấm?   

  -  Ông khẳng định:“Được đắp váy là tốt” đó thôi?   

  - Mày với bà ngoại mày đều là tảng đá giữa suối! Ông chưa nói xong đã cãi xong!   

Bà Vi nói với anh giáo:   

  -  Tảng đá giữa suối chỉ ngăn thôi, chứ nước vẫn chảy. Chúng tôi “cãi” chứ không có chữ “nhau” đâu! Như người Kinh ta nói:              

      Chồng giận thì vợ bớt nhời
             Cơm sôi bớt lửa, chẳng rơi hạt nào!
     

- Bát đĩa còn có khi xô mà bác?   

-  Người Mèo nó không thế đâu! Anh giáo ở lâu sẽ thấy:Vợ chồng, con cái cả đời không bao giờ to tiếng. Nếu đã cãi nhau thì tìm lá ngón  ăn ngay!       

     Bốn người ngồi quanh cái mâm gỗ, chỉ có bát muối ớt đặt giữa đống thịt nai hun khói. Chảo canh gà vẫn sôi trên bếp. Ông Zuyếnh gắp ra một cái đầu gà đen xì đặt vào bát xoay xoay:    

-  Ta uống rượu đầu gà nhá?    

-  Chỉ hai ông bà uống thì uống theo kiểu “Khát vọng” cho tình cảm! Con xin hầu!   

-  Con này! Mày đã học được cách của thằng Páo bao giờ thế? Rót đi!   

Hai vợ chồng già cùng nâng bát rượu lên, khoặc chéo cánh tay, kéo nhau lại gẩn cùng cạn một hơi hết bát rượu.    

May vỗ tay. Anh giáo vỗ theo!   

-  Vui bà nhỉ?   

Nói rồi ông Zuyếnh vặn cái đầu gà đưa vào bát của bà Vi một nửa - Bà ăn đi!     

May gắp cho anh giáo một cái chân, mình một cái, tươi cười:   

-  Mày ăn đi! “Gà thuốc” quý lắm đấy!      

Thấy Anh giáo chăm chú ngắm hai cái chân gà đen xì, có rất nhiều ngón.(6 móng, ba cựa).  May nhanh nhảu:   

  -  “Gà đen chín móng” chỉ bản Péo tao mới có! Lông đen. Mào đen! Da đen! Thịt cũng đen. Đặc biệt lắm!   

  -  Nghe nói: Ngày xưa Sơn Tinh lên tận đây mới tìm được “Gà chín cựa” về dâng lên Vua Hùng.   

  -  Gìà bản nắm chắc truyền thuyết thế!   

  -  Anh giáo ơi! Tao nghe bà ấy kể đấy!   

      Ông cười nhìn bà Vi. Bà vi nhìn ông âu yếm. Anh giáo nhìn hai ông bà nể trọng. Cô giáo May nhìn ông bà ngoại rồi lại nhìn anh giáo:   

  -  Gìa làng cho mày làm dân bản mới thịt gà quý cho mày ăn đấy! Chưa ai được ăn đâu!   

  -  Mày còn cho nó làm dân bản trước ông kia mà!   

Thấy anh giáo đỏ mặt, bà Vi ôn tồn:   

  -  Ông cháu nó đều kính trọng thày giáo mà! Tập tục của người Mèo khác lắm. Dưới xuôi “Đập váy vào mặt nhau” là xấu quá! Trên này chỉ khi được coi như thần tượng, ngưỡng mộ và thân tình lắm mới cho nhau đắp váy thôi!   

Nét mặt anh giáo giãn ra. Bà Vi tiếp:   

  -  Thế là từ nay anh giáo như thằng Lù, thằng Páo của  vợ chồng tao! Con May coi mày là bác, là bố nó rồi! Bà khe khẽ ca câu Quan họ:         

   

     Người ơi! Người ở đừng về…    

   Anh giáo cười hiền và thấy lòng nhẹ bẫng.   

  Biết anh giáo quê Hưng Yên lại là người làng Mãn, Bà Vi nghẹn ngào nhớ về quá khứ. Bà xúc động kể với anh giáo những chuyện về người chị em sinh đôi của mình. Đã hiểu cái bụng nhau, chuyện cứ nở như gạo vàng! ./.




VVM.29.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .