Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

QUYNH SAY



                     

Q uynh là tên cúng cơm của y. Không biết ai đó thêm chữ say vào thành tên ghép Quynh say Cũng do y uống rượu bét nhè tối ngày, ít khi tỉnh.

Từ khi bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy được chiếu rộng rãi trên Ti Vi, đến bà bán rau ngoài chợ cũng biết Chí Phèo, Thị Nở, y có thêm tên nữa là Chí Phèo.

Ai gọi, y không giận mà lại có vẻ khoái, y “phong” luôn cho vợ là Thị Nở.

Y sinh ra trong một gia đình có năm người con, bốn trai rồi đến con gái út, y là lớn nhất.

Cha mẹ y đặt tên cho anh em y lần lượt là : Quynh, Quăng, Quâng, Quênh, Quyên. Đọc xong tên anh em nhà y mỏi hết cả cơ hàm, lại nghe như tiếng uôm oam của ễnh ương, ếch nhái…

Bố y còm nhom, đen đúa, mồm méo xệch, người vừa lòng khòng lại vừa vẹo về một bên, tưởng như gió thổi bay, thế mà còn đạp xích lô đến năm ngoài bẩy mươi tuổi. Bố y có tên là Huynh vẹo, mọi người thường gọi là Lão vẹo.

Mẹ y, một người đàn bà nhỏ thó, hiền lành, tốt bụng. Suốt ngày quần quật, hết lòng tận tuỵ với chồng, con.

Bà này làm phu hồ, nhưng do người ta thấy phải tôn vinh tầng lớp cần lao, nên bà được gọi là “Công nhân xây dựng” vì bà có trong biên chế một đơn vị xây dựng của nhà nước.

Anh em nhà y cứ sàn sàn như trứng gà, trứng vịt. Khi đã đến độ choai choai, Lão vẹo bỗng thấy mình nuôi con thế là quá đủ. Giời sinh Voi, giời sinh cỏ, Voi phải tự kiếm lấy cỏ mà ăn, chứ hơi đâu cứ phải hầu mãi! Thế là Lão gần như buông lũ con, phó mặc cho người vợ.

Lão làm việc như một cán bộ nhà nước. Cứ bẩy giờ sáng Lão dắt chiếc Xích lô ra đi. Đúng mười một giờ rưỡi ( ít khi sai ), Lão về cho chiếc xích lô lên hiên nhà cọ rửa, lau chùi bóng loáng ( tính Lão vốn sạch sẽ ). Sau đó Lão tắm rửa, thay quần ỏo rồi bắt đầu xào nấu thức ăn. Khi thì sách xào hành, khi thì lòng già om dưa, Khi thì phổi, gan bò xào cà chua…Đặc biệt không thể thiếu món vó bò chấm tương gừng.. Cứ thế Lão khật khưỡng với chai rượu, nhâm nhi đến hai tiếng đồng hồ. Lúc uống rượu, Lão bật chiếc Cát sét cũ, hồi mới giải phúng miền Nam, Lão vào Sài Gòn được cô em lưu lạc mấy chục năm cho Lão. Chiếc Cát Sét phát ra một mớ âm thanh eo éo, hỗn tạp, nghe không biết là thể loại nhạc gì, tiếng nước nào. Xong cuộc rượu là Lão lăn ra ngủ đến tối…

Vợ Lão được chồng trút cho gánh nặng, ngoài tám giờ vàng ngọc ra, bà ta lăn như bống, làm thêm đủ mọi thứ việc từ gánh nước thuê, rửa bát thuê, bốc vác thuê…cốt kiếm tàm tạm để tống vào năm cái tàu há mồm lúc nào cũng muốn nuốt.

Anh em y cứ đứa lớn trông đứa bé. Cơm ăn còn chẳng đủ nói gì đến chuyện học hành. Thế là đứa cao nhất chỉ được học hết cấp I (bây giờ người ta gọi là tiểu học ).

Được bố thả cho tự do đi kiếm…cỏ, mẹ thì tối tăm mặt mũi suốt ngày, y phải tự lo lấy thân.. Năm mười ba tuổi y đã biết làm xiếc rất nghệ với những chiếc ví, Đối với đàn ông, dù chiếc ví đặt ở đâu: túi quần trước, túi quần sau, túi áo ngực; Đối với đàn bà, dù chiếc ví ở trong loại túi xách nào, thậm chí dắt ở cạp quần ( tất nhiên áo phủ ra ngoài ); Y cũng nháy mắt chuyển sang túi y; Và cũng nháy mắt tiền được moi ra hết, còn chiếc ví không hoặc có nhiều loại giấy tờ, được vứt sau y vài bước chân, hay đống rác nào gần đó…

Nhưng đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Y bị Công An bắt rồi lại thả ra không biết bao nhiêu lần, Khu Phố cũng đưa ra để bà con giáo dục.Nhưng rồi tiết mục xiếc vẫn được y biểu diễn không ngừng.

Đến năm y tròn mười lăm tuổi, y bị bắt đi tù, hay nói cho đúng thuật ngữ của Luật pháp thì y được đi tập trung cải tạo…đến ngót nghét mười năm.

Khi đi, y là một thằng nhóc bé quắt queo, lúc về y đã là một thanh niên rắn rỏi, chắc nịch, xăm trổ đầy mình. Theo lời mẹ y khoe với hàng xóm thì trong tù y đã học được hai thứ: đó là nghề thợ xây và…uống rượu. Riêng khoản uống rượu, mẹ y nói thêm là y tiêm nhiễm thói xấu của bố y ( bây giờ người ta gọi là mang gien ).

Thời gian vài ba năm đầu, y có vẻ tu chí làm ăn, chịu khó lao động, và cũng nhận được nhiều việc làm.. Y có tay nghề khá cao, xây, trát nhanh và đẹp. Đặc biệt là khâu hoàn thiện, những phào, gờ chỉ y trát thẳng băng như kẻ chỉ; Các chi tiết hoa văn y làm rất điêu luyện.

Kiếm dược tiền, y đỡ đần mẹ nuôi các em, mua được manh quần, tấm áo biếu mẹ và đứng ra lo ma chay cho bố y- Lão vẹo chết đột tử trong đêm sau khi nốc rượu bí tỷ, năm ấy Lão bẩy hai, bẩy ba gì đó.

Thế rồi rượu y uống ngày càng nhiều. Buổi sáng trước khi đi làm, y phải “xúc miệng” vài chén. Buổi trưa nghỉ ăn trưa ở chỗ làm y cũng tợp dăm chén, buổi tối thì…khỏi phải nói.

Rốt cuộc không Chủ thầu nào dám thuê ông thợ luôn sặc sụa mùi rượu mà lại đứng làm việc trên giàn giáo chênh vênh, lỡ ra một cái thì đền ốm, có khi phải bán cả nhà…

Y đi làm cứ thưa dần, buổi đực, buổi cái rồi nghỉ hẳn.

Thất nghiệp ở nhà nằm buồn, y cứ nghêu ngao hát đi hát lại một câu:

- Anh đây quân tử không vòm, ngày mai kện rập, biết mòm vào đâu?…

Chắc câu này y học được ở trong tù, chẳng ai hiểu gì cả. Chỉ có ông chồng bà Thập- một trí thức ở trong xóm biết, nếu có ai hỏi nghĩa là gì thì ông bảo đấy là câu hát tiếng lóng của Năm Sài Gòn, một nhân vật trong tác phẩm Bỉ Vỏ của nhà văn Nguyên Hồng, có nghĩa là quân tử không có nhà, lâm vào cảnh thất cơ, lỡ vận biết ăn ở đâu, trông vào đâu?

Tất nhiên mẹ y phải nai lưng ra cụng phụng cơm rượu cho y.

Đột nhiên cuộc đời y chuyển sang một bước ngoặt thực sự nhờ việc phố nhà Y ở- một con phố nhỏ, yên tĩnh, ít xe cộ qua lại, dài khoảng gần hai trăm mét, được biến thành chợ tạm, do chợ chính ở gần đó Uỷ Ban người ta lấy để xây dựng công trình gì đó. Thế là suốt ngày y lê la ngoài chợ, làm bất cứ việc gì người ta sai bảo. Buổi tối, y ngủ ở chợ để trông hàng cho mấy bà nhà ở xa, hàng không mang đi mang lại được; Nhất là mấy bà bán cá, toàn những chậu tôn to đoàng đầy nước và phải chạy sục cả đêm để cá khỏi chết.

Chợ bỗng xuất hiện một tốp phụ nữ -ở một miền quê nghèo khó, nhưng lại nổi tiếng khắp cả nước về một loại rau, bây giờ trở thành đặc sản, đó là rau má- đến ngủ qua đêm trong một chiếc lều ở chợ. Sáng ra, toả đi các nơi làm thuê. Trong số đó, có một ả nghe đâu bị chồng bỏ do thói vô duyên, đã hơi đơ đơ lại còn ngang bướng, là ở lại làm các việc vặt cho mọi người.

Vài tháng trôi qua , kể từ ngày tốp phụ nữ này đến, trong một đêm đầu Thu tối trời, chỉ một mình ả ở lại, còn những người kia theo định kỳ mang tiền về quê cho chồng con.

Ả nọ, ban ngày làm quần quật nên đêm ngủ như chết. Ả nằm ngửa tênh hênh, dang hai chân hai tay trong chiếc màn màu cỏ úa rộng thùng thình mắc ở trong lều. Bỗng Ả cảm thấy buồn buồn, đê mê…Hình như có một bàn tay lần sờ từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, nhắc đi nhắc lại ở những chỗ nhạy cảm nhất. Ả cầm nhẹ lấy bàn tay ấy hỏi khẽ:

- Ai đấy?

- Anh…anh đây…! Tiếng đàn ông lào khào

- Khỉ gió cái nhà anh này!…Thị thì thào như chợt nhận ra y.

Thị vừa buông tay, Y đổ ập luôn xuống…

Thị ưỡn cong người như tấm ván, vòng hai tay ra sau lưng y giúi mạnh…

Chúng lục đục, rúc rích như chuột hồi lâu…

Xong xuôi, Thị vơ chiếc vỏ chăn mỏng đắp vội…

Và rồi chúng ôm chặt nhau ngủ, có lẽ là giấc ngủ ngon lành nhất của chúng từ trước tới nay.

Đến sáng, chúng vùng dậy, lùng tùng mặc quần áo rồi tung màn bước ra.

Trời hãy còn tối, vắng lặng không một bóng người, vì chẳng ai dại gì mới tinh mơ, trời chưa sáng hẳn lại đi qua chỗ đầy bất trắc rình rập này.

Đến chiều tối, khi mẹ y đi làm về, người lấm lem toàn vôi vữa, đã thấy y cùng với một phụ nữ ngồi trong nhà. Thấy mẹ về, y đứng dậy đon đả:

- Mẹ đã về đấy à? Rồi y quay sang thị giới thiệu:

- Đây là mẹ anh…

Thị nghẹo đầu, toét miệng ra cười thay cho câu chào.

- Còn con cũng nói với mẹ là, từ hôm nay cô này là vợ con!

Mẹ y không nói gì, đi thay quần áo rồi bảo thị:

- Hôm nay ở đây ăn cơm.

Ngày hôm sau, mẹ y xin nghỉ, làm mâm cơm thịnh soạn cúng, để bố y về chứng giám, và cho các em y biết gia đình sẽ thêm một người mà chúng phải gọi là chị dâu.

Cứ thế, vợ chồng y ban ngày làm các việc, ban tối ngủ trong lều ở chợ, nấu nướng ăn riêng.

Đến khi vợ y bụng chửa vượt mặt, y chiếm luôn một góc sân của xóm chừng khoảng hơn bẩy mét vuông, dựng một căn nhà, hay nói đúng hơn là một cái chòi hai tầng khá vững chãi, có tường xung quanh, có cửa đi, cửa sổ hẳn hoi.

Bà con hàng xóm cũng khó chịu, bị vướng víu một chút, nhưng thấy cảnh ngộ y thế nên cũng làm ngơ.

Vợ y đẻ được một đứa con trai kháu khỉnh. Tính ra là ba năm đôi, vợ y đẻ tiếp một đứa con gái khá xinh xắn. Hai đứa con y càng lớn càng đẹp và thông minh, học các lớp toàn đứng nhất, nhì . Ai cũng bảo số y phát về hậu và mừng cho y

Nhưng sự đời lại không đơn giản như thế…

Công việc ngoài chợ đã mang lại cho vợ chồng y khá nhiều tiền. Có đồng ra đồng vào, y mua sắm đủ thứ Ti vi, Tủ lạnh, cát sét, đầu đĩa, quạt các loại để cùng chen chúc với người. Y cũng uống nhiều rượu hơn đến mức thay nước, nhất là khi mẹ y chết vì trượt ngã, đập đầu xuống đất.

Uống rươu cũng có hai loại người.

Loại thứ nhất, vừa rời mâm, hoặc có khi không kịp rời mâm là gục xuống luôn. Người ta chỉ biết là còn sống qua tiếng ngáy như kéo bễ, đúng là say tít cung thang, không biết trời đất là gì, như chết!

Loại thứ hai, rượu đã vào lời phải ra nhường chỗ cho rượu. Thôi thì thiên hô bát xát, chẳng ra đâu vào đâu, có khi lại kèm theo các động tác chân tay, hung hãn như con thú, lúc ấy thực sự là một con thú.

Khốn nạn cho vợ con y, y lại thuộc loại thứ hai!

Bình thường, trước khi uống say, y cũng ngọt ngào với vợ y lắm, cũng anh anh, em em. Nhưng khi đã say rồi, y chửi đời, hình như y có gì u uất lắm muốn nhờ rượu làm hả. Chửi đời chán rồi y chửi vợ. Màn một được diễn tả bằng lời; Màn hai tiếp theo là các động tác chân tay. Hàng xóm chỉ nghe thấy các tiếng phát ra từ nhà y:

- Xoảng…xoảng, chát…chát…tiếng bát đĩa, xoong nồi bị đập vỡ

- Hự…hự…ối giời ơi!… ới giời ơi!… tiếng vợ y

- Bố! bố! con xin bố! đừng đánh mẹ bố ơi!

Nhưng cũng một phần tại vợ y, cứ đơ đơ thế nào ấy, chồng đã thế không biết lựa, lại còn ngang bướng gân cổ cãi lấy được. Kết quả là phải trả giá bằng những vết bầm tím, những chỗ sưng húp trên mặt, trên khắp người thị.

Đầu tiên còn có người khuyên can, nhưng lâu dần như cơm bữa, cũng thành quen, nghe như tiếng lũ mèo ban đêm gào rú đuổi nhau…

Lại một bước ngoặt nữa đến với cuộc đời y, đó là cái chợ tạm đã nuôi sống gia đình y và những ai đó nữa bị giải tán sau gần hai mươi năm tồn tại do quá nhếch nhác, lại gây ô nhiễm nặng giữa Thành phố.

Ai cũng tưởng y làm lụng từng ấy năm chắc phải để ra được nhiều tiền lắm, nào ngờ chợ không còn, túi y cũng chẳng còn lấy một xu!

Cũng không khó hiểu lắm, vì có bao nhiờu Y đã cho chui hết…qua cổ chai!

Vợ y phải quày quả gánh bún đậu đi bán kiếm hai bữa hàng ngày.

Hai con y không có tiền đóng tiền học và bao nhiêu thứ tiền khác ở trường nên phải lần lươt nghỉ học. Chẳng ai nỡ đuổi hai học sinh giỏi cả, nhưng vì nợ quá nhiều, mặc cảm với bạn bè nên chúng tự nghỉ.

Thằng anh phụ giúp mẹ dọn hàng và làm việc vặt cho người ta, còn con em làm thuê cho một nhà hàng…

Một hôm, y không thể dậy được, người sưng phù lên, các khớp đều đau nhức, rượu lại không có giọt nào để làm dịu đi, y nằm rên hừ hừ…

Bà Thập hàng xóm nhân hậu và tốt bụng thấy thế bảo vợ y:

- Sao mày không đưa chồng mày đi Viện?

- Cháu chẳng có đồng nào cô ạ!

- Chết thật! đây! mày cầm lấy mấy trăm đưa chồng mày đi khám xem sao! -bà Thập bảo vợ y.

Vợ y đưa y vào bệnh viện, người ta giữ lại luôn!

Sau một tuần nằm Viện, chiếu, chụp, xét nghiệm…đủ thứ, các bác sỹ thấy không thể làm gì hơn, bảo vợ y:

- Gan, thận, tim, dạ dày…của anh ấy hỏng hết do rượu tàn phá, rất tiếc…

Vợ y đưa y về lại cái chòi, y nằm bẹp một chỗ. Ba mẹ con quần quật suốt ngày, chỉ ngó ngàng đến y chốc lát sáng sớm, buổi trưa…

Y nằm một mình không thuốc men, không rượu…

Một hôm, vợ y hết hàng sớm, quá nửa buổi đã về, thấy y đã chết từ lúc nào! mắt vẫn mở trừng trừng như tìm một cái gì, níu kéo một cái gì đó…

Ba mẹ con không biết làm gì, chỉ ôm nhau khóc bên cái xác lạnh ngắt…

Lại bà Thập tốt bụng có mặt đầu tiên. Vợ y ôm lấy chân bà vừa khóc vừa kể lể:

- Những lời cô bảo ban, nhà cháu nghe theo rồi lại cứ đâu vào đấy, như nước đổ đầu vịt mới nên nông nỗi này…hu…hu…

- Thôi! chuyện qua rồi! có lấy lại không dược, bây giờ phải lo ma chay cho nó! – bà Thập bảo.

Rồi bà đứng ra quyên góp hàng xóm, vận động hội phụ nữ Phường giúp đỡ.

Một chiếc lều bạt được dựng trên vỉa hè, mới đây còn là chợ, đặt quan tài y cho mọi người phúng viếng.

Tang lễ y cũng được mọi người lo cho chu đáo.

Chôn cất y xong, ba mẹ con ngồi quanh mâm cơm, nhưng không ai buồn cầm đũa. Ba người nhìn đăm đăm vào ba bức tường xung quanh như suy nghĩ về thân phận và tương lai của mình…./.




VVM.29.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .