Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


NỖI BUỒN CAO NGUYÊN



R ừng cao su miền Đông vào mùa thay lá. Mới có vài ngày, từ những chấm đỏ lác đác, rừng cao su đã nhanh chóng chuyển sang màu đỏ ối, màu vàng rực. Những đợt lá thi nhau trút xuống mặt đường nhựa, đường đất đỏ, tựa hàng đàn bướm đỏ - vàng tung cánh lượn lờ khiến bầu trời và mặt đất như chìm trong một khung cảnh thần tiên hiếm có.

Nhưng giữa lúc đó, ít nhất là có một người không cảm nhận được một chút gì vẻ đẹp thi vị của những cánh rừng cao su buổi chuyển mùa độc đáo nhất trong năm.

Anh gò lưng, bặm môi đạp xe đạp lăn bánh ào ạt qua những thảm lá đang mỗi lúc một dày thêm. Khuôn mặt vốn hốc hác qua nhiều ngày tháng lăn lộn với các thửa cao su mới trồng, giờ càng thêm hốc hác khắc khổ bởi một nỗi nghi ngờ, dằn vặt kinh khủng. Cách đây nửa giờ, Thư - vợ của người bạn “nối khố” là Mạnh vừa thông báo với anh một tin "sét đánh": ông Tu ở sóc Bù Na gần nông trường đã nhận lễ ăn hỏi của một tư thương Sài Gòn, đồng ý gả bán cô Hiêng con gái ông, đang là người yêu của anh. Anh cần phải đến ngay ngôi nhà người S' tiêng nghèo nàn đã trở nên quen thuộc với anh gần một năm nay, để hỏi cho ra nhẽ. Anh không tin là bố con họ đã giở trò lật lọng với anh. Không tin là cô gái dân tộc xinh đẹp, nết na ấy đã vội quên bao lời hẹn hò, thề thốt mặn nồng giữa hai người suốt mười tuần trăng qua.

Khi Thanh vừa tới con đường nhỏ dẫn vào ngôi nhà tranh vách nứa thì một chiếc xe Camry màu đen bóng lộn phóng ngược trở ra, tung bụi đỏ quạch vào khắp người anh. Thanh vừa kịp nhận ra người cầm vô-lăng là một đàn ông trung niên có hàng ria con kiến vẻ nghiêm nghị, đeo kính đen. Thanh vứt vội xe đạp, chạy vào trong nhà.

Ông Tu đang dọn dẹp lên cho gọn đống lễ ăn bởi bọc giấy điều, giấy bóng đang bày bừa trên tấm phản mộc. Thanh sững người nhìn:

- Bác Tu! Thế này là thế nào, bác?

Ông Tu cũng sững người một lát rồi lúng túng:

- Ờ, ờ, Thanh à, từ từ để bác nói chuyện... Cách đây mấy tháng, khi cả làng di cư đi hết, bác với con Hiêng cố bám lấy cái đất đỏ này...

Thanh ngắt lời sỗ sàng:

- Chuyện đó cháu biết rồi!

- Hồi đó, tiền bán hạt điều non dùng để thuê máy cày phá rẫy… vào vụ điều thì bị mất gần hết, ta phải mua hạt điều giá thị trường để đền cho người ta...

- Chuyện đó thì Hiêng cũng đã cho cháu biết....

- Thế... thế... Chính cái anh Thực vừa ở đây ra cho bác vay tiền để mua đền hạt điều... Nếu không, họ xiết nợ, họ kiện cáo thì nhục lắm... Người S' tiêng nghèo nhưng trọng danh dự.

- Thì ra, bác nhận lễ ăn hỏi của tay Thực, đem cô Hiêng ra để gán nợ...

- Không phải là thế đâu!...

- Bác nói đến danh dự. Chuyện giữa cháu với Hiêng gần một năm nay, bác cũng được chứng kiến - đó không phải là danh dự sao?

- Cháu ơi! Đừng nói với bác bằng những lời dao đâm như thế. Bác kẹt quá cháu à... Bác khổ lắm...

- Cô Hiêng đi đâu rồi? Cô ấy có đồng ý không?

- Trời ạ, nếu nó vui vẻ đồng ý thì đã đi một nhẽ...

Trong vườn, Hiêng đang đứng gục mặt vào góc cây điều lớn khóc nức nở. Thanh lặng lẽ tới gần. Anh cố nén nỗi hận.

- Thì ra, ba em đã bán em cho tay Thực...

- Không, anh đừng nói thế... tội ba lắm!

Thanh chua chát:

- Anh còn phải dùng lời lẽ nào khác... Cái sự thật này... Thì ra, tay Thực đã có ý đồ chiếm đoạt em từ lâu.

Hiêng chỉ biết khóc thảm thiết

- Hiêng! Hay là... Em ra thành phố với anh. Chúng ta... Anh có người bạn cùng học nông lâm nghiệp, hiện đang làm trợ lý giám đốc cho một công ty lớn ở Thành phố. Anh sẽ nhờ anh ấy giới thiệu việc làm cho hai đứa mình...

Im lặng hồi lâu, chỉ có tiếng khóc nguôi dần

- Em thấy sao?

- Em nỡ lòng nào bỏ mặc ba em, bỏ mặc vườn tược nương rẫy, bỏ mặc đống nợ nần của nhà em. Mọi người trong sóc sẽ nguyền rủa em...

- Như thế, tức là em đã đồng ý nhận lời với tay Thực?

Hiêng khóc nức lên rồi chạy đi, tức tưởi. Ông Tu đến gần Thanh.

- Thanh à, bác đã nghe được chuyện cháu bàn với Hiêng... Bác nói thiệt lòng, cháu đừng giận.... Cháu tốt lắm, bác và em Hiêng rất quý... Nhưng cháu không thể giúp được gì cho cảnh ngộ của hai cha con ta... Nếu có được nhận vào nông trường thì món nợ vẫn còn đó, lãi mẹ đẻ lãi con... Trong khi đó, cái anh Thực cũng yêu cái Hiêng thật lòng. Anh ta làm ăn giỏi giang, tháo vát, lại đàng hoàng đứng đắn... Chớ còn bác, giữa cái đất cao su này chẳng có tiền đồ gì... Hai đứa mà lấy nhau thì dắt díu khổ cả đời... Đó là bác thương xót cho cả hai đứa mày.

Thanh ngửng phắt đầu lên:

- Bác Tu này, tôi là người tích cực ủng hộ người Bù Na xin vào nông trường. Nhưng với ý nghĩ ấy mà bác vào thì chỉ chuốc thêm gánh nặng mà thôi. Được, tôi sẽ làm giàu cho ông biết và sẽ còn giàu hơn cả tay Thực dương dương tự đắc kia để ông và cô Hiêng khỏi khinh rẻ tôi!

Thanh nặng nề dắt xe quay ra. Tới rừng cao su, anh vứt xe giữa đường, lê bước vào con đường ngập lá đỏ ối... Anh gục mặt vào một vết cắt vỏ cao su đang ứa nhựa trắng, khóc lặng không thành tiếng. Hồi lâu, lòng anh thốt lên một tiếng trầm đục khô khan: "Ta... sẽ... làm... giàu!"

Thực ra, ở tại nông trường, có người đang tích cực ủng hộ anh làm giàu và còn tạo điều kiện thuận lợi cho anh nữa- đó chính là vợ chồng bạn thân của anh, Thư và Mạnh. Mạnh là cháu nội bà Dung, một người đi mộ phu ngày trước. Mạnh không được học đại học như Thanh, anh chỉ là một cán bộ trung cấp rất quan tâm đến khoa học kỹ thuật,và đặc biệt khâm phục năng lực của Thanh. Được sự ủng hộ của bà và của vợ, Mạnh đã mạnh dạn đầu tư vào trang trại riêng. Dân quanh vùng gọi anh là “triệu phú đất đỏ”. Mạnh được thừa hưởng ở bà tình yêu lạ lùng đối với cây cao su, cùng những kiến thức, những kinh nghiệm về chăm sóc, thu hoạch cao su. Trái với vợ là một phụ nữ mềm mỏng và cô em gái bị bại liệt hay mơ mộng, Mạnh là người trực tính, bốp chát. Khi đi lấy cây giống trở về nhà, được vợ thông báo chuyện của Thanh, Mạnh đã chửi ầm lên cái tay Thực chuyên bóp hầu bóp họng người khác, và anh vội vã phóng xe đến nhà Thanh để tìm hiểu thực, hư. Mạnh không thể biết rằng, bạn anh đang sống trong nỗi tuyệt vọng đau đớn và đang tìm cách thoát khỏi vùng đất đỏ.

Trong lúc đó, Thanh đang vội vã lục tìm trong va li, tủ sách. Rồi cũng tìm thấy một lá thư. Anh giở ngay ra đọc “…Thanh, đã lâu tao với mày không quan hệ thư từ gì với nhau. Mày biết đó, hồi học ở trường đại học Nông Lâm, tao rất quý trọng mày. Mày có chí tiến thủ, say mê khoa học, chỉ có điều hơi cù lần. Tao biết là mày xin về nông trường làm việc là một sự dũng cảm lớn. Tao hy vọng mày tìm thấy lý do tồn tại lâu dài ở đó. Nhưng tao khuyên mày nên thức thời hơn. Từ ngày tao sang công ty này, tương lai mỗi lúc một rộng mở. Tay giám đốc chịu chơi, ngon lắm, ông ta kéo tao lên làm trợ lý số một. Những kiến thức học về cây cao su và các cây công nghiệp đành vứt xó hết, nhưng tao học được thêm nhiều kiến thức kinh doanh, tiếp thị. Nếu mày thấy chán nông trường thì bỏ quách, ra đây làm với tao. Tao có thêm chỗ dựa đáng tin cậy, còn mày thì có cơ hội mở mày mở mặt với đời..."

Thanh rời lá thư đăm chiêu. Rồi anh hăm hở đứng lên thu xếp đồ đạc quần áo cho vào một chiếc va li cũ. Đúng lúc đó, ông Vương bước vào nhà. Ông ngạc nhiên hết sức.

- Mày đang làm gì thế, Thanh? Sao nhà cửa bề bộn vậy?

Thanh lưỡng lự một lúc:

- Ba? Mời ba ngồi xuống đã, con có chuyện muốn thưa với ba.

- Cái gì mà trịnh trọng vậy, hả? Nào, đồng chí chủ nhiệm vườn ươm, đồng chí muốn huấn thị điều gì? Chắc không phải chuyện người STiêng ở sóc Bù na vào nông trường chớ?

- Ba ạ, con không đùa cợt một chút nào (Rót nước) Ba xơi nước đã.

Ông Vương nhìn ngạc nhiên dò hỏi.

- Mấy năm nay, con không có thời gian để nghỉ ngơi, chứ đừng nói là thời gian và tâm tư để đùa cợt... Con đã gắng sức cho nông trường, cho sự nghiệp làm giám đốc của ba... Cũng như ba, con đã gắn bó với cây cao su, kể từ 20 năm trước, khi ba đưa mẹ con con từ ngoài kia vào với đất này...

- Này, Thanh! Mày học được ở đâu cái lối nói vòng vo thế hở? Tao về nhà là để nghỉ ngơi, cơm nước xong lại ra nông trường bộ họp. Mày có chuyện gì nói nhanh lên!

- Thôi được, con sẽ không dài dòng nữa. Nhưng mà chưa có lần nào cha con mình được trò chuyện cho đến ngọn ngành. Con là cán bộ kỹ thuật, ra trường được 5 năm nhưng dưới mắt ba con vẫn là đứa con nít. Ví dụ như, nhiều lần con muốn tranh luận với ba về phương thức quản lý lao động, nhưng ba đều gạt đi.

- Sao, mày muốn tranh luận gì?

- Con không muốn nói chuyện đó hôm nay, nhưng đã trót nói rồi thì con phải nói cho hết: phương thức quản lý lao động mà ban giám đốc đã chọn áp dụng trong thời gian qua, theo con đã cổ lỗ lắm rồi, là đi lại vết xe trượt của bao cấp hàng chục năm qua.

Ông Vương điềm tĩnh châm thuốc:

- Thế theo mày thì nên thế nào?

- Chúng ta đã học được cách khoán sản theo lô cao su và khoán theo công đoạn, nhưng rồi ba và các chú lại bỏ cách đó, chọn cách đi giật lùi trong quản lý.

- Mày tưởng chúng tao không nát óc ra về chuyện đó hay sao? Cách như mày nói đó có thể phù hợp với một loại hình sản xuất nào đó, nhưng với cây cao su thì đấy là một cách tận thu nó đến cạn kiệt, chỉ nghĩ đến hôm nay mà không nghĩ đến nhiều năm về sau.

-Vâng, cứ cho là như vậy đi. Nhưng ba xem: nếu ngày hôm nay người công nhân cao su không ngẩng mặt lên được, không thể làm giàu từ nhựa cao su và mồ hôi của chính mình, thì nhiều năm sau nữa, liệu có còn ai trụ lại được với đất rừng cao su? Lại nữa, ngày hôm nay, mủ cao su bị mất giá, không đủ chỗ tiêu thụ, không có nhà máy chế biến nguyên liệu cao su, tại sao ban giám đốc chỉ lo quẩn quanh ngồi họp bàn tháo gỡ mà không kêu to lên, đề nghị các cấp ở trên giải quyết triệt để?...

Ông Vương thở dài:

- Thanh ạ, mày có lý hết. Mày chỉ không có lý ở mỗi một điều là sự nóng vội. Con ạ, chính cái sự nóng vội đó, ở thập niên 70, 80 đã sản sinh ra chủ nghĩa duy ý chí nguy hại mà chính ba đã phạm phải đó!

- Ba... Cách đây 5 năm khi học xong, con hồ hởi tình nguyện xin về nông trường... nhưng hôm nay, con mệt mỏi lắm rồi... Con không thể sống được với cây cao su nữa...- Mặt ông Vương nhăn lại - Con muốn ra thành phố tìm một việc làm khác - Thanh đưa một tờ đơn - Lẽ ra con phải đưa lá đơn xin thôi việc này lên văn phòng giám đốc. Nhưng nhân thể, con đưa ba luôn...

Ông Vương phẫn nộ:

- Thế nào, mày định đào ngũ khỏi đây sao?

- Ba ơi, nông trường mình đã làm lễ hạ sao quân đội từ hơn 10 năm nay rồi,, nên cái khái niệm đào ngũ là không hợp đâu!

- Mày muốn nói gì thì nói, thực chất vẫn là đào ngũ, hiểu chưa?

- Đấy là theo quan niệm của riêng ba, còn đứng ở góc độ xã hội thì con không đào ngũ, không phản bội lại ai hết. Con có quyền...

Ông Vương xô bàn đứng dậy:

- Mày không phản bội ai ư? Thế còn mẹ mày, người đã chết vì sốt rét ác tính rừng đất đỏ? Còn tao và các đồng đội, từng đổ mồ hôi xương máu cho đất này từ khi nó còn là rừng hoang dại? Không phải là nhựa cao su đã nuôi mày lớn lên từ khi còn tập nói đến lúc có được tấm bằng kỹ sư? Mày dám nhâng nhâng mở miệng vô tình vô nghĩa... mày... mày!...

- Ba! Tại sao ba cứ hay đao to búa lớn với con như vậy? Con không hề phản bội ai... Nhưng con cần ra đi... Nếu ba không giải quyết, con tự động nghỉ việc... Rồi con sẽ giải thích sau cho ba.

Thanh xách túi lên vai bước ra khỏi nhà. Ông Vương ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu.

Thanh bắt gặp Mạnh đang đứng chờ ở cổng. Mạnh lè lưỡi lắc đầu.

- Thế nào, người hùng! Dám to tiếng tranh luận với giám đốc, một người khét tiếng là nóng nảy và quyết đoán. Nếu không phải là ba cậu, cậu có dám thế không?

Thanh phẩy tay:

- Dù là chủ tịch tỉnh hay chủ tịch Quốc hội, tớ cũng dám tranh luận!

- Sao, cậu định đi khỏi nông trường thật à?

Thanh lặng lẽ gật đầu.

- Một đứa như cậu khi đã quyết định điều gì thì chắc đều có lý do xác đáng. Nhưng cũng có thể sai lầm, phải không?

- Tất nhiên, nhưng mình không ân hận.

- Sẽ phải ân hận đấy, khi cậu bỏ mặc cô Hiêng, và khi cậu bỏ rơi lời hứa sẽ cùng mình xây dựng kinh tế vườn rừng. Này thay đổi quyết định đi. Mình và Thu đã có 200 ha đất vườn, có nhân lực, có vốn, còn cậu có kỹ thuật không thành một công ty con ở ngay giữa đất nông trường này ư? Mười tay Thực kia cũng chấp hết.

- Mình nghĩ kỹ rồi. Mình rất trân trọng đề nghị của vợ chồng cậu, nhưng nếu như vậy mình vẫn chỉ là một thằng làm thuê cho cậu...

- Bậy! Chung lưng đấu cật với nhau, không phải ai làm thuê cho ai.

- Cứ cho là như vậy đi. Nhưng. Muộn rồi. Giá như...Thôi mày đừng cản tao... Cảm ơn lòng tốt của cậu... Mình phải lên nông trường Bộ nộp một lá đơn này đã. Ba mình không nhận, ổng sợ mang tiếng là cảm tình cá nhân mà! - Anh cười chua chát bỏ đi. Mạnh chạy vào trong nhà.

- Bác, sao Thanh lại xin đi khỏi nông trường ạ?

Ông Vương không nhìn lên:

- Mày đi mà hỏi nó ấy, bạn “nối khố” với nhau kia mà.

- Bác có biết chuyện Thanh với cô Hiêng, người Stiêng ở Bù Na?

- Biết qua qua.

- Chắc là nó tuyệt vọng vì gia đình cô Hiêng đã nhận lời với người khác.

Ông Vương chăm chú nghe nhưng vờ nhìn đi nơi khác.

- Thanh với cô Hiêng đã tìm hiểu nhau gần một năm nay, sâu nặng lắm. Nhưng tay Thực nhảy vào là hất được cậu ta ra...

Ông Vương ngắt lời:

- Thực là ai?

- Dạ, một tư thương ở Sài Gòn. Chưa vợ. Có ô tô riêng, chuyên mua nông lâm sản ở các công trường cao su với giá rẻ mạt.

- Chỉ vì thất vọng với một cô gái mà đến nỗi phải bỏ nông trường mà đi là đồ hèn!

- Cháu nghĩ rằng không phải chỉ có thế...

Ông Vương khoát tay:

- Thôi! Tao không nghe nữa. Tao không muốn giữ lại bất cứ kẻ nào không còn gắn bó với cao su - kể cả nó, một thằng con độc nhất nhưng bất hiếu! Kể cả mày nữa, Mạnh ạ, nếu mày muốn bỏ đi!

Mạnh nhìn ông Vương, anh nhẹ thở dài, anh chào rồi nặng nề quay ra.


Thanh khoác túi đi lang thang trên đường phố Sài Gòn, tay cầm tờ giấy ghi địa chỉ, nhìn ngơ ngác. Anh dừng lại trước một ngôi nhà biệt thự. Thanh giơ tay rụt rè bấm chuông. Một bà người ở chạy ra:

- Ông hỏi ai?

- Xin phép hỏi: đây có phải nhà anh Toàn?

- Phải. Ông Toàn đi vắng. Ông là ai?

- Tôi là bạn học cũ của anh Toàn.

- Ông có điện thoại nhắn trước không?

- Không.

- Nếu vậy thì phiền ông đi cho...

Thanh đang chán nản chưa biết tìm cách nào thuyết phục bà người ở thì bà ta bỗng kêu lên:

- Ai như là cậu Thanh kỹ sư phải không?

Thanh ngỡ ngàng:

- Vâng, chính tôi. Bà sao biết tôi?

Bà người ở:

- Tôi vốn là nhân viên văn phòng của nông trường, tôi gặp cậu vài lần rồi mà!

Thanh ngượng nghịu:

- Cháu mới lên nông trường bộ đội ba lần, làm việc với phòng kỹ thuật nên không nhớ bác.

- Thế thì cậu vào đây đã, đợi ông Toàn.

Thanh nhìn ngắm quanh nhà:

- Bà đến ở cho anh Toàn từ bao giờ?

- Hai năm rồi cậu.

- Công việc của anh ấy ra sao?

- Phát đạt lắm. Ông ấy về làm trợ lý giám đốc gì đó cho một công ty nhà nước hẳn hoi nghen. Năng động lắm. Mấy năm nay tiền của tuôn vào như nước vậy đó. Ông ấy mời tôi về làm quản gia. Dù sao thì ông ấy cũng từ ở miền đất đỏ cao su ra. “Mà hễ người cao su là đáng tin cậy lắm". Ông ấy nói vậy á- Bà ta cười hể hả, sung sướng.

Có tiếng điện thoại reo. Bà người ở cầm máy: “Dạ, ông Toàn đi vắng... Bảo là có ông Thực nhắn ạ?Vâng.”- Thanh giật mình nghe cái tên Thực - “Ông gọi cho ông Toàn theo số điện thoại di động mới ạ: 090901680.”

Thanh đứng lên:

- Ông Thực nào vậy, dì?

- À, một ngườn bạn làm ăn của ông Toàn

- Có phải người ấy khoảng 40 tuổi, to cao, để ria mép con kiến?

- Phải, phải, cậu cũng biết ông ta à? Ông ta giàu có lắm, hào hoa nữa. Dân Sài Gòn chính gốc đó.

Có tiếng réo điện thoại. Thực một tay cầm vô lăng, một tay cầm máy nghe di động:“A lô tôi nghe... Vâng, vâng, lô mủ cao su đó để lâu trong kho, xuống cấp lắm rồi, với giá ấy tôi sợ là... Được, được, hạ xuống hai giá là đủ nghe kêu thấy mẹ rồi.... Xong!... Còn số hạt điều đó hả? Người ta đã mua giá ngoài để đền lại cho đủ số theo đúng hợp đồng. Cũng tội cho người ta. Nhưng biết làm thế nào được, thời kinh tế thị trường mà!”

Một lúc sau, lại có tiếng réo điện thoại.

“Alô, ông Toàn hả? Tôi đã làm việc xong về hai chục tấn mủ cao su đó rồi... Sao? Khỏi cần nữa à?... ờ, ờ, giờ ông đã chuyển sang mặt hàng khác rồi à?... Tôi chịu ông, ông có tầm nhìn vĩ mô rồi đó... Nhưng chuyên môn gốc của ông là cao su, làm sang các phi vụ khác, sợ là... Ồ, đúng là tôi đã sợ bò trắng răng... Phải, ông vẫn là người đi trước thời đại mà! À này, cuối tháng tôi mời ông dự đám cưới của tôi nhé... Ờ, một nàng sơn nữ bí ẩn và xinh đẹp, như nữ hoàng Clêôpat vậy. Gút bai!

Cúp máy xong, Thực lẩm bẩm: “Đồ ngu! Tham quá hóa rồ! Chúng mày chết chìm thì chẳng ai thèm cứu đâu!”

Trên xe con về nhà, Toàn nhớ lại cuộc trò chuyện vừa rồi với người mà anh đã lựa chọn làm người "nâng khăn sửa túi"cho mình…Cô thư ký bước vào, đưa tập hồ sơ. “Ông Toàn, giám đốc yêu cầu ông xem xét lại tất cả các hợp đồng kinh tế này, cùng các bản thanh quyết toán kèm theo”. Toàn cầm luôn bàn tay cô gái. “Hồng, ta đi ăn bữa tối đi. Mà khi chỉ có hai ta em đừng gọi anh là ông, nhé!”- “Ông... à anh để khi khác... Hôm nay má em bệnh nặng”. “Sao em cứ tìm cách lảng tránh anh hoài. Anh rất quí em. Hồng biết không?”- “Dạ, em không dám ạ... Em sợ...” “Sợ gì? Sợ lão giám đốc đó à? Anh biết lão đang tìm cách o bế em nhưng em cần biết là hắn ta đang rơi xuống hố thẳm rồi mà không biết lại dương dương tự đắc. Còn chúng ta, mai lựa thời cơ mà rời chuyển, khi thuyền có dấu hiệu bị đắm... Anh đang gấp rút chuẩn bị cho một công ty mới ra đời. Anh sẽ mời em làm trợ lý số một cho anh. Rồi chúng ta sẽ tìm thêm một số người đáng tin cậy nữa để làm nòng cốt”- “Em tò mò chút... Công ty gì hở ông?”- “Lại ông rồi! Anh mới 27 tuổi thôi mà”- “Vâng, anh... anh định lập công ty gì ạ?” - “Một công ty đàng hoàng làm ăn đứng đắn chứ không phiêu lưu ngồi trên lưng hổ như bây giờ.”-“Thôi, em xin phép về trước ạ”

Toàn giơ tay lên môi “Bai bai!” Rồi anh đứng giở nhanh những tờ giấy, cười khẩy:

- Lại những hợp đồng ma. Được thôi, mày càng lao nhanh xuống hố thẳm thôi, con giời ạ.

Vừa mở cửa nhà, nhìn thấy Thanh, Toàn reo lên: “Kìa, Thanh đó à? Lâu quá rồi Cậu ra đây từ lúc nào?”

Thanh vẻ ngượng nghịu:

- Chiều nay. Mình lục mãi mới thấy địa chỉ của cậu.

- Tình hình nông trường và công ty ra sao?

- Đã lâu cậu chưa về vùng cao su?

- Chưa, nhưng hàng ngày mình vẫn tiếp xúc với những con số của hàng hóa mủ cao su.

Thanh nhìn vẻ dò hỏi ngạc nhiên.

- Cậu không hiểu sao? Mình buôn bán mủ cao su cho các công ty trong nước và nước ngoài. Nhưng bây giờ thì chấm dứt rồi. Đúng hơn là: chuyển hạn ngạch xuất khẩu! Mà chúng ta ăn tối cái đã. Cậu thích ra quán hay ngồi nhà?

- Ở nhà thôi.

- Ờ, cậu không phải là khách xa lạ. Này dì ơi, làm cho tôi mấy món đồ nhậu.

Toàn mở tủ lạnh lấy ra mấy lon bia ngoại

- Cậu ra thành phố có việc gì?

- Tìm việc làm.

- Sao? Cậu bỏ nông trường rồi?

- Có gì đáng ngạc nhiên? Như cậu đó, học xong về cây cao su, bằng đỏ hẳn hoi, cậu đã về làm với cây cao su ngày nào đâu.

- Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ: cậu là thằng gắn bó với đất đỏ, với cây cao su, tưởng sống chết với nó, thế mà lại bỏ đi, không thương tiếc!

Thanh ngồi im lặng. Toàn cười đắc ý:

- Cậu đã thấy tớ có lý chưa? Cái thân phận người làm cao su... Từ ngày xưa thịt xương gửi gốc cao su... Còn bây giờ thì, đời người làm cao su vẫn chiều mưa sớm nắng, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời... Cỏ tranh, lồ ô, mối càng, kiến bù nhọt hợp sức nhau làm thịt cây cao su, còn các cơ chế cổ lỗ, cứng nhắc và bè lũ tham nhũng thì đè bẹp người công nhân...

- Cậu quá lời rồi đó! Mấy năm nay tình hình của các nông trường cao su đã khác xưa nhiều!

- Vậy mà chúng vẫn không giữ nổi chân của một kẻ yêu cây cao su đến cuồng nhiệt như cậu?

- Tôi bỏ đi chỉ tạm thời. Và bởi lý do đặc biệt.

- Lý do gì vậy?

Thanh sau một lúc im lặng:

- Cậu xem có công việc gì đang thiếu người ở công ty cậu?

- Thiếu gì việc! Một người thông minh, có kiến thức và trung hậu như cậu...

- Liệu có công việc phù hợp với sở trường của tôi không?

- Cậu nên đổi chữ "sở trường" thành chữ "thức thời", hay "thích nghi" thì cậu sẽ dễ sống hơn. Chỉ sợ cậu không muốn làm việc thôi...

- Có việc thật chứ?

Toàn giơ tay ra qua bàn. Họ bắt tay nhau. Vẻ mặt Thanh tràn đầy hi vọng.


Những vạt rừng cao su mới lớn vùn vụt lướt qua. Rừng miền Đông thâm u trước mặt. Bụi đỏ cuốn tung đằng sau xe. Cặp mắt ông Vương lặng lẽ, suy tư. Mấy ngày nay, ông đã phải suy tính nhức óc về một chuyện mà theo lẽ thông thường, nếu ông không thèm đếm xỉa đến thì cũng chẳng ai trách được ông: hàng trăm con người ở sóc Bù Na sau khi bán gần hết vườn tược, nương rẫy bỏ đi du cư lại đùng đùng quay về, làm đơn tha thiết xin được nhập vào nông trường của ông! Ông đã phải quát lên trong một cuộc họp lãnh đạo khi có người đưa ra bàn việc này: “Nông trường chúng ta đâu phải là cái túi đựng cho sự phiêu lưu du mục của họ!” Chẳng cần ở cương vị đứng mũi chịu sào như ông cũng hiểu rõ tình cảnh hiện tại của nông trường: đang thiếu vốn trầm trọng để thâm canh và mở rộng diện tích cây cao su, phủ xanh nốt đất hoang. Hàng ngàn nhân khẩu đứng trước cảnh mủ cao su xuống giá, thiếu đầu ra, chất hàng đống trong kho và đang xuống cấp. Còn hạt điều, củ mì cũng chẳng ai thèm khai thác vì chẳng có ma nào mua sau những “cơn sốt” giả tạo về giá…Nhưng rồi, cũng chính ông sau lúc nóng nảy cũng phải nghĩ lại. Những người S'tiêng lúc này đang bơ vơ. Những vườn điều, vườn cà phê và rừng cao su cuối cùng của họ đang bị tư thương và dân kinh tế mới ép giá bán lại với giá rẻ mạt. Họ hầu như không còn phương tiện tối thiểu để sống, để sản xuất! Và những lời sẽ sàng của bí thư Đảng uỷ như khía vào lòng ông: “…Những người S'tiêng vốn cần cù lao động, ít nhiều nắm được kỹ thuật canh tác nông lâm nghiệp. Họ lại vừa được nếm đủ hậu quả của việc rời bỏ đất đai, phụ bạc với nó…Và hơn bao giờ hết, họ đang cần sự giúp đỡ của chúng ta, những người làm cao su chuyên nghiệp từng mặc áo lính…” Ông đã trả lời như sau: “Anh đừng nói gì nữa. Anh đã chạm đúng nọc của tôi rồi đây này… Lòng vả cũng như lòng sung mà!” Nhưng rồi, cả cái thằng con “trời đánh” nữa! Nó đã không hề thông cảm với tình thế bế tắc của nông trường, cũng không thèm hiểu tâm tư của ông, lại còn làm ông mất mặt trước nhiều người khi thẳng thừng đòi ông phải chấp nhận ngay cho bà con S'tiêng vào nông trường. Nó làm như ông là kẻ ích kỷ, thiển cận, cố chấp! Ông đã phải đập bàn mắng nó: “Mày đâu phải vì tất cả những người S'tiêng đáng thương ấy, mày chỉ vì cái con bé xinh đẹp nào đó ở sóc Bù Na thôi…!” Còn bây giờ, nó đã bỏ ông, bỏ nông trường, bỏ cái nghiệp cao su mà vì nó ông chịu chấp nhận bao nỗi đắng cay lận đận. Vẫn còn giận con, nhưng trong ông chợt dấy lên một tình thương xót khó tả… Cái thằng! Tốt nghiệp kỹ sư loại ưu, tình nguyện về nông trường trong khi trường muốn giữ lại làm cán bộ giảng dạy. Mấy năm lầm lì làm việc, không hề nhờ vả một chút gì vào quyền thế của ông, không đòi hỏi bất kỳ quyền lợi nào! Bây giờ nó bỏ đi, thực chất là vì nguyên nhân gì đây? Thái độ lúc sáng của Thanh khiến ông càng nghĩ càng thấy khó hiểu, ông buồn bã - cái cảm xúc tưỏng đã lánh xa khỏi con người luôn phải gồng mình lên trong công việc là ông…

Núi Bà Rá đang tiến gần sau tấm kính xe Uoat phủ mờ bụi đỏ. Ông Vương quay sang nói với anh lái xe, một thanh niên trạc 30 tuổi.

- Cậu cố gắng ghi chép tỉ mỉ số hộ gia đình, nhân khẩu, số người đang tuổi lao động. Rồi đo đạc lại sơ bộ các diện tích canh tác còn lại mà họ chưa bán đi...Phải trên cơ sở những con số khá chính xác mới lên quy hoạch được.


Hiêng gạt nước mắt khi Mạnh hỏi dồn một thôi một hồi.

- Em còn biết làm thế nào? Anh ấy đùng đùng bỏ đi, không thèm nghe em giải thích lời nào.

- Nước mắt không giải quyết được chuyện gì đâu! Thế gia đình cô còn nợ tay Thực bao nhiêu?

- Khoảng 15 triệu gì đó. Ba em biết rõ hơn.

Mạnh cau có, anh hỏi sẵng:

- Nhưng điều quan trọng là tình cảm của cô đối với tay Thực đó?

Hiêng vội vã đáp:

- Em không hề yêu ông ta, mặc dù ông ta tha thiết cầu xin em... Cũng phải công bằng là ông ta không tỏ ý đe dọa, ép buộc em, không thúc ép đòi nợ nhà em.

- Thế vì sao...

- Ba em cảm thấy mình phải có trách nhiệm trả món nợ đó... Cái chính là ba em thương em, không muốn em phải khổ...

- Thế tình cảm thật sự của cô đối với Thanh?

Hiêng lại sụt sùi:

- Em... Em thương anh ấy.

- Thương như thế nào? Có lòng thương hại. Có lòng thương do quý trọng. Có lòng thương của tình yêu. Phải là tình yêu mới nên vợ nên chồng, mới hạnh phúc lâu dài...

- Dạ....

- Thế nào?

- Dạ, em muốn nên vợ nên chồng với anh ấy.

- Vậy cô có muốn ra thành phố tìm Thanh không?

- Dạ, có. Nhưng em chưa ra thành phố bao giờ...

- Cô có biết Thanh tới chỗ nào không?

- Dạ, anh ấy bảo sẽ tới một anh bạn, ở một công ty nào đó...

- À, thằng Toàn. Con em cao su, được học về công cao su nhưng bỏ ra thành phố. Biết rồi! Được, tôi sẽ đưa cô đi tìm Thanh...

- Thật ư anh?

- Thật như tôi đang đứng trước mặt cô đây này. Nhưng phải giữ kín, đừng cho ba cô biết vội, nói là đi ra nông trường thôi.

- Dạ...

- Cứ gặp Thanh, kéo anh ta về đây đã. Giờ chỉ có cô mới làm được việc đó. Rồi mọi chuyện tính sau. Sớm mai, cô cứ ra đầu sóc đứng chờ tôi. Còn bây giờ, tôi sẽ đến nhà ông già tay Toàn ở nông trường 5, hỏi địa chỉ của nó ở thành phố.

- Dạ... - Cảm ơn anh.

- Chưa đến lúc phải cảm ơn tôi đâu! À, cô mặc quần áo người Kinh ấy, và mang theo một bộ để thay. Đừng vận đồ dân tộc, người ta lại đi theo tôi như xem gánh xiếc.


Chiếc xe Uoát đã chạy vào đến sân. Ông Vương xuống xe. Mạnh cũng vừa ra khỏi nhà Hiêng và chuẩn bị khởi động chiếc xe máy cub81.

- Kìa, bác Vương, bác đến đây làm gì?

- Tôi phải hỏi cậu câu đó kìa!

- Dạ, cháu... Cháu có việc riêng.

- Đây có phải là nhà ông trưởng sóc?

- Dạ, phải.

- Ông ấy có nhà không?

Hiêng bước tới:

- Dạ, thưa bác, ba cháu sắp về. Mời bác và anh vào trong nhà.

Mạnh giới thiệu:

- Thưa bác, đây là Hiêng, con gái ông Tu.

Ông Vương nhìn ngắm cô gái chăm chú.

- Còn đây là bác Vương, giám đốc nông trường - Mạnh nói nhỏ với Hiêng:

- Dạ, cháu đã được nghe kể nhiều về bác - Nói xong, Hiêng bước vào nhà.

Ông Vương ngẩn ra nhìn rồi ghé sát tai Mạnh:

- Đây có phải là cô Hiêng thằng Thanh đang yêu?

- Dạ phải. Sao bác biết?

- Tao có linh cảm... Con bé đẹp quá... Một bông hoa rừng thật sự... Nó cướp mất hồn thằng Thanh là phải.

- Xin phép bác cháu về trước ạ.

Ông Vương và lái xe vào trong nhà. Ông đưa mắt nhìn cảnh trí trong nhà người Stiêng. Hiêng đứng khép nép, e sợ. Ông Vương hỏi:

- Gia đình cô Hiêng có bán vườn, rẫy như các gia đình khác không?

- Dạ, không ạ.

Ông Vương gật gù:

- Như vậy là sóc này có mấy gia đình không... bỏ đi du cư?

- Có vài ba nhà thôi bác ạ!

Chợt ông Vương hỏi độp:

- Thế cô học lớp mấy?

- Dạ, con gái Stiêng chỉ học hết cấp I, rồi ở nhà làm rẫy...

Ông Vương cắm môi đắn đo nghĩ ngợi một lát rồi quyết định hỏi:

- Này, bác hỏi thật: cháu quen thằng Thanh từ bao giờ, trong trường hợp nào?

Hiêng lúng túng một lát:

- Dạ, năm ngoái, vào ngày hội được mùa rẫy của người Stiêng. Anh ấy và thanh niên nông trường đến sóc xem hội...

- Thế thằng Thanh nó đã mời cháu ra nhà lần nào chưa?

- Dạ, nhiều lần ạ. Nhưng cháu ngại... cháu sợ... cháu cứ khất lần.

- Sợ ai? Sợ bác à? Thử xem, một ông giám đốc nông dân kiêm nông dân như ta thì có gì đáng sợ?

Tất cả cùng cười. Rồi ông Vương thôi cười, ông hạ giọng:

- Thằng Thanh nó bỏ nông trường rồi. Nó có nói gì với cháu?

Im lặng hồi lâu

- Dạ, anh ấy có rủ cháu ra thành phố tìm việc làm, nhưng cháu từ chối...

- Có phải cháu từ chối đi với Thanh và vì đã nhận lời cầu hôn với một tay Thực nào đó?

Hiêng tái mặt, dựa cột:

- Không... không phải thế ạ...

- Ta không trách cháu đâu. Cháu trẻ và xinh đẹp thế kia, một thằng kỹ sư nghèo như con ta làm sao mà tranh nổi được với tay Thực?

- Bác!... Sao bác lại nỡ nói như thế với cháu? - Hiêng vội vã nói rồi cô rưng rưng lệ. Ông Vương cười buồn:

- Không phải bác nói, mà là trái tim của người làm cha nói vậy cháu à... Mà sự thật không phải thế sao?

Hiêng bất lực khổ sở chạy vụt ra ngoài, khóc nức lên. Trong nhà hai người nhìn nhau. Ông Vương nhún vai. Lái xe góp chuyện:

- Thưa thủ trưởng, em cảm thấy trong chuyện này có gì uẩn khúc lắm...

Ông Vương phẩy tay:

- Ôi dào, bọn thanh niên các cậu thì cứ hay lãng mạn hoá, tiểu thuyết hoá. Mọi chuyện thực ra rất đơn giản. Đơn giản đến trần trụi...

Tiếng ông Tu oang oang ở bên ngoài: Khách đến nhà, sao không đón tiếp cho tử tế, lại khóc như đưa ma thế kia hở con bé mất nết? - Ông Tu bước vào nhà.

- Xin lỗi các ông. Tôi để các ông phải đợi. Tôi đang vướng thu hoạch nốt hạt điều... - Chợt ông sững sờ, thốt lên:

- Trời! Thủ trưởng Vương! Có đúng là thủ trưởng Vương đó không?

Ông Vương cũng đứng lên sửng sốt:

- Anh Tu! Anh Tu phải không?

Họ bất giác bước nhanh tới ôm chầm lấy nhau.

- Hoá ra, anh lại là người ở sóc này! - Ông Vương quay lại nói với lái xe - Ông Tu chiến sĩ liên lạc trong tiểu đoàn của tôi, chiến trường Miền Đông.

Ông Tu đứng dập gót, giơ tay chào theo điều lệnh:

- Thưa chính trị viên tiểu đoàn, Tôi, hạ sĩ Khăm Tu - người Stiêng có mặt. - Nghỉ!

Họ cùng cười oà lên vui vẻ. Ông Vương mừng rỡ ra mặt:

- Ôi chao! Đã hai mươi mấy năm rồi nhỉ? Hoá ra, người bám trụ lại đất này, không theo bà con đi du canh du cư lại là một chiến sĩ của tiểu đoàn 208! Xứng đáng đấy chứ!

Lái xe mỉm cười ý nhị:

- Chính trị viên tiểu đoàn mà còn nhớ đến từng chiến sĩ của mình thì quý hoá quá.

- Không những là nhớ, mà còn phải mang ơn ông ta một đời nữa kia! Lúc hầm chỉ huy tiểu đoàn bị sập bởi đạn 135, Ông Tu đây cùng một chiến sĩ đã bới hầm mấy tiếng đồng hồ, cứu được tôi và gần hết ban chỉ huy.

Ông Tu cười lẽn bẽn:

- Ôi, cái chuyện vặt ấy mà, thủ trưởng còn kể làm gì - Ông tíu tít rót nước - Thất thố quá, cái con bé nhà này, chẳng nước nôi mời khách gì cả.

Ông Vương như vẫn đang sống trong quá khứ:

- Mà đạn 135 được mệnh danh là "vua chiến trường" chớ có phải chơi đâu. Thế mà bọn này lại bị tử thần chê, chỉ vì thằng cha mang cái họ chơi Khăm kia kìa! - Ông Vương cười chảy nước mắt, mọi người cũng cười nghiêng ngả.

- Thủ trưởng vẫn còn hay tếu như xưa.

Ông Vương vẫn chưa thôi cười:

- Thời buổi này mà được xả hơi để tếu một chút thì cũng là một hạnh phúc đó, ông bạn già ạ- Ông ngừng cười. - Cháu Hiêng là thứ mấy của anh?

- Cháu thứ hai đó. Đứa đầu bỏ tôi vì rắn độc cắn khi làm rẫy. Đứa thứ ba thì chết trong bụng mẹ... y tế xã không đủ phương tiện, mẹ nó cũng đi luôn.

Mọi người lặng đi. Ông Tu chạy vào buồng trong bưng ra một nồi sắn luộc.

- Nhà vừa luộc xong nồi mì, mời các anh ăn cho vui. Ông Tu bóc củ sắn đưa cho ông Vương. Ông Vương cầm ăn chậm rãi. Những chuyện cũ chợt hiện về mồn một trong tâm trí ông.

… Một chiến sĩ lên cơn sốt rét ác tính, quằn quại rồi tắt thở. Ông Vương chạy tới, ôm lấy anh ta. Bàn tay người chiến sĩ rời ra, củ sắn ăn dở rơi xuống đất đỏ.

… Ông Vương nằm trên võng chăng trên thân cây cao su. Chợt có tiếng nổ "rụp, rụp" rất to. Ông Vương tỉnh dậy. Người chiến sĩ chăng võng bên cạnh bị một thân cao su đổ đè ngang người…

- Anh Tu có nhớ, ở rừng miền đông này, những năm chiến tranh, thỉnh thoảng có những cây cao su vì ứ nhựa lâu ngày đã oằn mình và đổ gẫy không?

Ông Tu nhìn Ông Vương lặng lẽ gật đầu.

- Anh Tu này, tôi về đây gặp anh và đồng bào là để bước đầu bàn bạc về các thủ tục chuyển. Thú thực, chúng tôi cũng đắn đo cân nhắc rất nhiều mới đi tới quyết định này. Bản thân nông trường và cả công ty cũng đang gặp những khó khăn không nhỏ. Việc đưa đồng bào ta trở thành người công nhân chuyên nghiệp, không phải một sớm một chiều mà làm được, vì nó động đến hàng loạt vấn đề phải giải quyết. Đủ thứ lo anh ạ. Thôi thì, lá lành đùm lá rách...

- Chúng tôi đã nguyện xin đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với anh em nông trường.

- Vâng, chúng tôi rất hiểu và trân trọng, ý nguyện đó của đồng bào. Việc cần làm thì cứ làm. Còn lo thì vẫn phải lo thôi. Hễ có đi và mạnh dạn đi thì sẽ có đến. Ông Lỗ Tấn nhà văn của Trung Quốc đã nói rất chí lí: Thế gian vốn làm gì có đường đi - Con người ta cứ đi mãi rồi sẽ thành đường... Bà con Stiêng rồi sẽ đi vào lối làm ăn của nông trường thôi.

- Dạ, thủ trưởng dạy chí phải ạ.

- Bây giờ, anh thay mặt bà con trong sóc đưa chúng tôi đi khảo sát đất rừng còn lại của bà con, được chứ anh?

- Vâng, vâng, tôi đưa thủ trưởng đi ngay.

Anh lái xe lúi húi đo đạc, ghi chép. Ông Vương đứng nhìn bao quát. Đồi núi miền Đông ở nam dãy Trường Sơn trập trùng đất đỏ và cây rừng xanh ngút mắt.

Ông Vương bước tới gần ông Tu. Ông lựa lời:

- Anh Tu, tôi hỏi điều này... mong anh đừng giận.

Ông Tu:

- Gì vậy, thủ trưởng?

Ông Vương:

- Có phải... anh đã nhận lễ ăn hỏi của tay Thực nào đó xin cưới cháu Hiêng?

Ông Tu ngước nhìn hỏi ngạc nhiên:

- Thủ trưởng cũng biết chuyện ấy.

- Không những biết... biết rất rõ... Mà chuyện đó còn liên quan đến gia đình tôi.

Ông Tu ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

- Sao? Có phải chính thủ trưởng là cha đẻ của cậu Thanh? Trời đất! Tôi thực mang lỗi với thủ trưởng quá - ông vò đầu bứt tai.

- Anh không việc gì mà phải tự giày vò mình như thế. Anh chẳng có lỗi gì cả... Có điều... Gia đình anh lại rơi vào tình cảnh quẫn bách đến thế ư?

Ông Tu đứng chết lặng, bần thần nhìn đất.

- Chuyện là chuyện của bọn trẻ. Bản thân tôi không bao giờ can thiệp vào chuyện riêng của chúng nó... Nhưng, tình đồng đội cũ, tôi chỉ muốn hỏi anh một câu - Giọng ông hạ xuống, thì thầm - Không lẽ, tuổi trẻ của anh không từng có tình yêu sao?

Im lặng dài. Ông Tu khổ sở cúi gằm mặt.

- Thằng Thanh bỏ nông trường mà đi, tôi rất giận nó. Nhưng cũng thương nó. Tôi biết nó sẽ quay trở lại, vì nó không thể nào bỏ được sự nghiệp cao su.. Nhưng anh ạ, nó ra đi với một tâm hồn tan nát, uất hận, và khi trở về, trái tim rớm máu sẽ không bao giờ lành lặn được nữa...

Ông Tu chảy nước mắt:

- Anh Vương! Tôi hiểu ra rồi... Tôi đã bị lóa mắt trước sự giàu sang lẫn tử tế bề ngoài của thằng Thực... Tôi đã xúc phạm cháu Thanh... Ôi, cái nghèo khổ khốn nạn đã biến tôi thành một kẻ tồi tệ mất rồi!

Ông Vương ái ngại thông cảm:

- Không, chẳng đến nỗi như anh nói. Biết đâu, tay Thực kia là một kẻ làm giàu chính đáng, và cũng yêu cháu Hiêng thực lòng. Còn cháu Hiêng cũng yêu nó? Việc cháu Hiêng từ chối tình cảm của thằng Thanh để tìm một tình yêu xứng đáng hơn thì chẳng có gì lạ cả, không đáng trách chút nào. Anh phải khách quan và bình tĩnh mới được.

- Không, tôi đã rõ rồi. Con Hiêng chỉ yêu có mỗi mình cháu Thanh. Mấy ngày nay, nó cứ khóc lóc, bỏ ăn bỏ ngủ đi lang thang trong rừng... Các anh ạ, tôi phải về ngay tìm con Hiêng để xin lỗi nó. Nếu cần, tôi cũng tìm gặp cháu Thanh, tôi sẽ xin cháu tha thứ... Tôi sẽ trả hết lễ vật ăn hỏi của cái thằng kia.

Ông Tu hớt hải quay đi, vấp ngã rồi lại chạy. Ông Vương vội gọi theo lạc cả giọng: “Anh Tu! Anh Tu!”

Ông Tu vừa chạy vừa kêu thảng thốt giữa mênh mông núi rừng: "Hiêng ơi!... Hiêng con... Ta... có... lỗi... với... con..."


Những dải rừng cao su hun hút trải rộng ra trước mặt. Mạnh đèo Hiêng phóng nhanh trên xe máy Cub 81 lượn trên đường đất đỏ bụi mù… Hai giờ sau, họ đã vào tới Thành phố Hồ Chí Minh. Hiêng ngồi sau xe máy lay vai Mạnh:

- Lần đầu tiên em được ra thành phố... Anh Mạnh đi từ từ thôi, em sợ!.

- Yên tâm!

- Không hiểu anh ấy còn giận em không? Em chẳng hiểu vì sao hôm đó lại thế... Không nói được câu nào ra hồn.

- Được rồi, khi gặp lại thì tha hồ mà nói.

- Đây là nhà gì, anh Mạnh?

- Nhà thờ Đức Bà - Còn kia là Dinh Thống Nhất.

- Thế nhà thờ là gì?

Mạnh phì cười:

- Để thằng Thanh nó giải thích cho em. Cái gì anh cũng giải thích hết thì thằng Thanh biết nói chuyện gì với em!

Hiêng làm vẻ dỗi:

- Anh cứ trêu em!

- Dám trêu! Thanh nó nện anh bể đầu.

Tại công ty X, Thanh bước vào cầu thang máy, vẻ mặt nặng nề. Những gương mặt xa lạ, hối hả quanh anh. Số nhảy từng tầng. Tầng thứ 9 thì dừng lại. Thanh bước ra, đi trong hành lang dài hun hút mà anh có cảm tưởng nó sẽ dẫn mình đến một thế giới nào đó thật xa lạ…Trong phòng trợ lý, Toàn đang ngồi bên bàn giấy. Thấy Thanh vào,Toàn vui vẻ hẳn lên:

- Kìa, Thanh. Tôi đang đợi cậu - Đưa cho Thanh một cặp giấy - Đây, sáng nay cậu rà xét lại các tờ hợp đồng và các bảng thanh quyết toán, so sánh với nhau xem có chữ nào khập khiễng thì để riêng ra, ta sẽ tìm cách biến báo sau. Mà này, cậu có biết sử dụng máy vi tính không?

Thanh ngượng nghịu lắc đầu:

- Đã học hồi nào đâu mà biết!

- Tiếc quá! Thôi được, tôi sẽ cho người dạy cậu sau - Toàn lục ngăn bàn lấy ra một cuốn sách - Đây là sách học vi tính căn bản, cậu cứ đọc qua cho có khái niệm.

Thanh cầm giở qua.

- À, trưa nay có một cuộc nhậu... Cũng là một cuộc bàn bạc ký kết làm ăn đấy! Cậu phải tham dự cho quen dần.

- Ngại lắm...

Toàn giơ một ngón tay lên:

- Đó là chuyện làm ăn, hiểu chưa, không được lẩn tránh.

Bữa trưa, khi Toàn, Thanh và mấy người đang ăn uống nói cười ầm ĩ thì một người đĩnh đạc bước vào. Thanh giật mình nhìn người mới đến. Toàn đứng dậy đón khách:

- Chúng tôi đang mong ông tới. Những người này ông đã quen cả, xin giới thiệu một nhân vật mới, anh bạn nối khố của tôi: kỹ sư Lê Trọng Thanh.

Thực và Thanh bắt tay nhau lạnh lùng.

Ánh mắt Thanh ẩn giấu nỗi thù hận. Anh thoáng nhớ lại lúc Thực phóng ôtô từ nhà Hiêng đi ra, ném bụi vào người mình. Thực mỉm cười lịch sự, nhã nhặn:

- Hình như, tôi đã hân hạnh được gặp ông một lần rồi thì phải?

- Có lẽ thế.

Thanh nâng lon bia lên nhấp khẽ, rồi kín đáo đưa mắt nhìn khắp lượt đám nhậu. Những gương mặt đỏ phừng phừng. Chân tay hoa múa. Những lời lẽ huyênh hoang.

Thanh hơi nhắm mắt lại, một nỗi ghê sợ khó hiểu chợt dâng lên trong anh. "Chỉ trong vòng hai tuần lễ, ta đã hiểu rõ cung cách làm ăn vòng vo lừa đảo của họ, nhằm chiếm dụng những tài sản lớn đến chóng mặt - cái tài sản mà chỉ cần một phần mười của nó cũng có thể vực dậy cả một nền kinh tế cao su, xây dựng được một nhà máy chế biến mủ cao su hiện đại với công suất mơ ước... Ta càng hiểu vì sao người lao động cứ phải vất vả khổ cực mãi như vậy... Ta đang tiếp tay tiếp sức cho những kẻ sâu mọt nguy hiểm, có phải vậy không?” Thanh bất giác dằn mạnh lon bia xuống bàn, đứng dậy, loạng choạng đi ra ngoài. Mọi người nhìn vẻ ngạc nhiên. Toàn hất tay ra hiệu.

- Không sao! Mới làm quen với cuộc nhậu, ai chẳng thế!

Thanh ra ngoài, đi chếnh choáng. Một anh lái xe ôm lượn sát người Thanh:

- Anh Hai đi đâu?

Thanh móc túi lấy ra chiếc phong bì ghi địa chỉ của Toàn. Anh xe ôm phóng như bay đưa Thanh về nhà Toàn.

Bà người ở chạy ra đón Thanh, vồn vã:

- Có hai người, một nam một nữ đến tìm cậu và ông Toàn đó.

Thanh ngạc nhiên:

- Tìm tôi nữa hả? Nhưng họ là ai vậy.

- Họ chỉ nói họ là người của nông trường cao su số 7.

Thanh vào nhà. Bà người ở thắc mắc:

- Ông Toàn đâu sao không về cùng với cậu?

- Toàn đang bận nhậu ở nhà hàng. Bà cho phép tôi thu dọn tất cả đồ đạc để trở về nông trường ngay bây giờ.

- Sao, thế cậu không đợi ông Toàn về à? Ông Toàn đã biết chưa?

- Rồi cũng sẽ biết... Tôi đi, nhưng nhất định sẽ có lúc tôi quay trở lại đây, để nói với anh ta rằng: Toàn ơi, mày đã sống như một miếng mỡ nổi, một con rối đáng thương, ha ha, vậy mà vẫn ảo tưởng tự cho mình là kẻ thức thời, là kẻ nắm được sợi dây điều khiển toàn bộ cuộc sống này... Và cả dì nữa, rồi sẽ có lúc dì vỡ lẽ ra rằng: dì đã tôn thờ một thần tượng bằng đất sét! Ha ha.

Bà người ở kinh ngạc:

- Trời, cậu say xỉn rồi hả, ăn nói khó nghe quá!

- Không đâu bà ạ, hôm nay tôi mới tỉnh ra sau nhiều ngày say...

Thanh bắt đầu dọn dẹp đồ đạc quần áo của mình. Có tiếng còi xe cảnh sát hú bên ngoài. Rồi tiếng chuông bấm dồn dập. Bà người ở chạy vội ra…


Mạnh và Hiêng dùng xe máy trước cổng Công ty X. Ở đó, mấy xe cảnh sát đang đậu bên ngoài. Hai người dắt xe tới gần một chợ bán nước hoa quả ở hè đường. Một anh xích lô đang uống nước, tay anh còn đang cầm tờ báo.

- Có chuyện gì thế hở anh?- Mạnh hỏi

- Công ty đó đang bị lục sát, bị niêm phong. Ông giám đốc bị bắt rồi... Báo chí phanh phui đã cả mấy tháng nay- Anh xích lô tò mò nhìn người vừa hỏi.

- Nhưng chuyện gì chứ?

- Ủa, các cô chú không đọc báo chí gì hết trơn? Chiếm dụng hàng trăm tỉ của nhà nước, chứ còn chuyện gì?

- Thế còn những người khác?

- Sẽ đúng người đúng tội thôi! Lưới trời lồng lộng, thoát sao được.

Hiêng và Mạnh nhìn nhau kinh ngạc, lo lắng. Họ chợt cảm thấy cô độc giữa Sài Gòn rộng lớn và xa lạ.


Thanh khoác túi lê bước vào nhà Mạnh, người đầy mồ hôi, bụi đỏ. Bà nội Mạnh chạy đến, ngạc nhiên:

- Kìa, Thanh! Cháu có gặp thằng Mạnh và con Hiêng không? Chúng nó lên thành phố tìm cháu đấy!

- Dạ, không? Ủa, mà từ bao giờ vậy bà?

-Từ hôm qua cơ!

- Giời ơi! Bày ra cái trò đi tìm làm gì cơ chứ? Cho khổ thân!

- Khổ! Thằng Mạnh nó nói là con Hiêng nó khóc sưng mắt vì ân hận, vì nhớ cháu.

- Bà ơi! Thằng Mạnh nó tô vẽ thêm đấy.

- Cứ như cháu thì ế vợ suốt đời thôi! Mà này, con bé Kim nhà này nó luôn mồm nhắc tới cháu, lại còn bảo: anh Thanh đã hứa đưa người yêu đến cho nó xem mặt.

Thanh ngán ngẩm thở dài. Bà già nhìn túi xách của Thanh:

- Cháu chưa về nhà sao?

- Chưa ạ. Cháu đang tìm cách để nói chuyện với ba cháu...

- Ba cháu thương cháu lắm!... Có lần ba mẹ thằng Mạnh trên công ty về thăm nhà, gặp ba cháu nói chuyện, bà nghe hết...

- Ba cháu có khoẻ không ạ? Ông nớ thỉnh thoảng bị sốt rét mãn tính hành hạ.

- Mày bỏ đi, thằng Mạnh, con Thư vẫn luôn chạy sang ba cháu, giúp ông ấy giặt giũ cơm nước. Chúng nó bảo: dạo này nông trường đang lo đón nhận hàng trăm đồng bào dân tộc, ba cháu ốm rộc người đi.

- Thật có chuyện đó hở bà?

- Thì bà nghe hóng hớt chuyện như thế! Chúng nó bịa ra à?

Thanh lẩm bẩm: “Cháu biết là ba cháu sẽ làm như vậy mà…”

- Cháu mau lấy vợ đi, để nó lo cửa lo nhà, nó chăm sóc cho. Tuổi cháu mà ở nhà quê thì đã con đàn cháu đống rồi!

- Bà ơi! Bà đọc lại cho cháu nghe cái bài vè mộ phu đi... Tự dưng cháu thèm nghe quá!

- Mọi lần, cứ hễ tao đọc, cả mày lẫn thằng Mạnh con Thư đều nhăn mặt như uống phải thuốc đắng. Chỉ mỗi con Kim là thích, đòi nghe đi nghe lại. Sao mày dở chứng thế?- Bà Dung ngạc nhiên.

- Lần này khác. Cháu muốn được nghe lại, hết cả bài.

- Dài lắm, bà nhớ sao xuể. Thôi, được đoạn nào hay đoạn đó. Hèm...- Bà ngâm nga:

Hải Dương có phố Đồng Vàng
Có nhà chủ mộ ta sang Nam kỳ
Hoạt vào lĩnh giấy công tra
Đưa vào carết bắt tay làm liền
Mỗi tháng là hai kỳ tiền
Mỗi kỳ lĩnh được 5 nguyên tiêu dùng
Còn như công việc chưa từng
Có cai đứng bảo, lại chừng thầy xu
Đi cạo cực lắm ai ơi
Vô xương da cát đòn thời như nêm
Không đi thì không biết cao nguyên
Đi ra đòn đánh như xem cả ngày
Không đẻ bắt gọi bằng thầy
Giời ơi có thấu nỗi này tình chăng...

Bà quên tiệt rồi!

- Bà ơi, cháu nói thiệt nghe: bài vè đó đâu có hay, vần điệu thì lủng củng... Nhưng cháu thích là thích cái giọng ngâm của bà đó. Nó buồn buồn, thảm thảm thế nào...

Bà Dung như đang sống trong hồi ức, không chú ý lời của Thanh: “Hồi đó bà chứng kiến nhiều người chống lại bọn cai, bị nhốt vào lò xông mủ, mắt sưng húp lên như là hai quả ổi chín. Khi cho ra, chúng lại nhấn vào bể nước, dùng roi cặc bò đánh cho toé máu mới thôi... Bà còn nhớ, có một cô gái trẻ lắm, đi làm ngủ gật ngã vào máy cán mủ, nát nhừ người...”

Thanh nhăn mặt lại. Từ buồng trong tiếng Kim vọng ra trong trẻo "Bà ơi! Bà nói chuyện với ai đấy!"

- Con Kim nó dậy rồi đấy! Cháu vào thăm nó đi. Thật tội! Nó chịu hoạ cho cả nhà này... Ác quá... chất độc da cam rơi ở vùng đất đỏ này không làm bà với bố mẹ nó chết, mà để con bé nhiều năm sau phải gánh chịu...- Bà lau nước mắt. Thanh đứng lên, bước vào buồng trong.

Kim cố nhỏm người ngồi dậy, dựa lưng vào vách, như reo lên:

- Anh Thanh! Anh đi đâu mấy tuần nay, em không thấy mặt, thấy tiếng? Em bắt đền anh đấy! Em chờ anh mượn sách truyện mới cho em đọc - chỉ tay vào mấy cuốn sách ở đầu giường - Những cuốn này em đọc đi đọc lại mấy lần rồi.

Thanh tới gần, giơ tay vuốt sợi tóc xoà trên trán Kim.

-Ừ, ừ, anh sẽ mượn truyện cho em ngay... Kim biết không, anh định bỏ nông trường này đi mãi mãi đấy.

Cái nhìn ngạc nhiên dò hỏi của Kim

- Nhưng anh quyết định trở về... Mà anh trở về là vì có em đấy!

- Anh cứ nói đùa

Thanh nhìn ra phía bên ngoài. Rừng cao su đang rụng lá thay mùa.

Giọng anh nghèn nghẹn:

- Anh nói thật đó. Em biết không, hồi em còn bé tí, em còn chạy nhảy được, em hay đòi anh cõng trên vai... Chúng mình đi xem người lớn cạo mủ cao su, nhặt hạt cao su chơi, giúp người lớn nhổ rễ cỏ tranh... Vào mùa lá cao su rụng, chúng mình chơi trò đuổi bắt quanh những góc cao su già. Nhưng em không cho anh dẫm chân lên những là cao su đỏ ối. Em bắt anh nhặt về cả một đống lá đỏ, rồi ép vào vở học cho em những chiếc lá đẹp nhất... Ừ, tuổi thơ chúng mình đã sống bên những gốc cao su...

- Sao hôm nay em thấy anh buồn thế, anh Thanh? Anh gặp chuyện gì buồn à?

Thanh như chợt tỉnh:

- Không, chẳng có gì cả. Thôi, anh phải về đây. Ba anh chắc đang mong lắm- Thanh bước vội ra ngoài.

Kim ngẩng mặt nhìn theo, cô cũng buồn rười rượi. Thanh ra tới cửa, chào bà già thì gặp Mạnh và Hiêng đi xe máy về tới nơi.

- Kìa, Thanh! Cậu được thả ra rồi à? May quá, bọn mình đang định nhờ nông trường và công ty lên can thiệp giúp - Mạnh nói như reo lên.

- Ừ, bị nhốt một đêm, trả lời dăm ba câu hỏi.

Thanh bước đến chỗ Hiêng đang đứng nép, cúi đầu:

- Hiêng! Em cũng đi tìm anh à?

Hiêng dỗi quay mặt đi.

- Thôi, anh chị vào nhà đã, rồi tôi cho mượn xe máy và đèo nhau về Bù Na!

Mạnh nói xong, kéo tay Thanh kín đáo vào buồng trong, dúi vào tay Thanh một gói bọc báo.

- Mình đã thống nhất với Thư... để cho ông Tu giả lại tiền nợ tay Thực. Đây là số tiền 17 triệu, kể cả gốc lẫn lãi.

Thanh rút tay ra như phải bỏng.

- Không, không đời nào mình cầm tiền của cậu.

- Này, tôi không cho không cậu và Hiêng đâu. Tôi chỉ cho hai người vay, hiểu chưa? Chúng ta còn có nhiều công việc phải hợp tác với nhau. Chúng ta cần phải làm giàu, từ chính đất đỏ Bazan này, không thể để người làm cao su cứ phải đeo đẳng mãi cái tiếng nhục là nghèo khổ.

- Cậu nói vậy nghe được đó. Tôi chịu - Thanh miễn cưỡng cầm tiền.

- Thôi, đèo Hiêng về đi, tha hồ thời gian mà làm lành, rồi tìm hiểu nhau lại cho kỹ!- Thư, vợ Mạnh góp chuyện.

Thanh đèo Hiêng đi một đoạn rồi anh dừng xe, vòng quay lại

- Anh đưa em về thăm nhà anh đã. May ra ba có nhà.

Họ đi vào nhà, nhà vắng tanh, không khoá. Thanh đứng nhìn giây lát, rồi anh lấy giấy bút viết vội: “Ba! Con đã về. Con sẽ kể hết mọi chuyện. Mong ba không giận con nữa...” Ông Vương từ ngoài bước vào nhà.

- Mày về lúc nào?

Hiêng rụt rè:

- Cháu chào bác!

Ông Vương gật đầu:

- Ờ, Hiêng đấy à?- Rồi ông đi vào buồng trong.

Thanh ngạc nhiên:

- Ổng biết em à?

- Vâng, hôm ổng vào Bù Na. ổng còn nhận ra ba em là chiến sĩ cũ của tiểu đoàn

Ông Vương bước ra, với chiếc khăn vắt cổ:

- Thanh, tao biết mày sẽ quay về mà. Việc đang chất đống kia kìa! Mày chưa có mặt, nhưng tao đã giao nhiệm vụ cho mày trước ban giám đốc: hướng dẫn cho bà con sóc Bù Na kỹ thuật lắp ghép cây giống và chăm sóc cao su non.

- Con đã biết là ba nhận đồng bào Bù Na vào nông trường.

- Không phải tao nhận, mà là nông trường nhận. Thực ra, việc đó cũng không phải là ý muốn chủ quan của nông trường. Đó là việc hợp quy luật, hợp lẽ phải.

- Hoan hô ba!

Ông Vương cau mặt:

- Mày lại vội lạc quan tếu rồi đấy. Thôi, hãy vào soạn nhanh lên rồi ra nông trường bộ, mọi người đang đợi mày ở ngoài đó.

- Dạ, con xin phép đưa Hiêng về Bù Na đã.

- Cũng được, nhưng mày phải nhanh lên, đừng có chết dí ở trong đó. Yêu đường thì không thiếu gì lúc!

- Dạ! - Thanh kéo tay Hiêng.

- Cháu xin phép bác - Hiêng chào

Ông Vương gật đầu rồi nhìn theo đôi trẻ. Chiếc xe máy phóng vụt đi. Trái tim ông giám đốc tưởng đã chai lỳ chợt mềm ra, ấm áp.


Thực nghệt mặt ra khi nghe ông trưởng sóc Bù Na, người mà anh đã chuẩn bị được gọi là “cha vợ”:

- Tôi đã nói hết với anh. Mong anh hết sức thông cảm cho cha con tôi, và mong anh nhận lại giùm số lễ vật ăn hỏi. Còn số tiền nợ, cả vốn lẫn lãi, tôi hứa là sẽ tìm cách trả lại trong một thời gian ngắn nhất... Danh dự...

Thực giơ hai tay lên, anh có tác phong tựa một tài tử xi-nê thượng thặng. Nhưng đây không phải là đóng phim, và anh đang rất thật trong tình cảnh oái oăm của mình:

- Trời đất! Tôi đã nói với bác không chỉ một lần: việc nợ nần của nhà ta với việc tôi xin cưới cô Hiêng là hai việc hoàn toàn khác nhau, không có liên quan gì hết. Tôi yêu cô Hiêng và tôi đàng hoàng xin cưới cô ấy, bác chấp thuận vui vẻ. Tôi đâu phải là kẻ xiết nợ rồi ép buộc gia đình bác điều chi! Mà số tiền nợ đó đâu có đáng kể gì cơ chứ! Bác từ chối, được, nhưng còn cô Hiêng! Tôi đợi cô ấy trả lời. Đúng là cô ấy chưa thật lòng yêu tôi, tôi biết, nhưng cô ấy đã có lời nào từ chối tôi và đâu có đem cái chuyện nợ nần kia ra mà kể lể!

Ông Tu ngồi nghệt mặt ra, lúng búng định nói mà không thể nói gì được.

- Chuyện cưới xin, tôi đã thông báo cho cả đám bạn bè tôi ở Sài Gòn. Bác nên nhớ, đây là một đám cưới mà thiên hạ nhiều năm còn phải nhắc đến... Tôi chưa hề vướng mắc chuyện vợ con.... Tôi ăn chơi bạt mạng thiệt đó, cái đám đàn bà con gái theo tôi không đếm xuể. Nhưng không hiểu sao, với cô Hiêng thì... tôi yêu cô ấy thiệt tình - Thực vò đầu, bứt tai khổ sở.

Ông Tu lựa lời. Thực tâm ông cũng thấy thương tình cho người đàn ông si tình kia:

- Anh Thực ạ, thiệt tình là tôi rất cảm động trước tình cảm của anh dành cho con gái tôi... Nhưng mà hoàn cảnh của anh với nó khác xa nhau quá. Cuộc sống của anh nó gắn liền với tiện nghi thành phố, tiền bạc như nước, bạn bè sang trọng. Còn con gái của tôi ấy mà, đứa con gái nghèo nàn ở nơi đất đỏ rừng sâu, nó không xứng với anh đâu!

Thực bật tiếng cười đau đớn:

- Lý lẽ bác hay thiệt đó! Thế bác tưởng rằng tôi là kẻ ăn trắng mặc trơn, là công tử Bạc Liêu, hay một kẻ lọc lừa cướp giật tiền bạc của người khác ư? Không đâu! Tôi làm giàu bằng mồ hôi trí óc của tôi. Đồng tiền trong tay tôi cũng đổ mồ hôi, sinh sôi nảy nở một cách chính đáng. Tôi cũng phải lăn lộn từ nông trường này sang lâm trường khác, hứng mưa chịu nắng, hít đầy bụi đỏ bụi đen. Tôi biết quyết đoán trong mọi trường hợp, dám được ăn cả ngã về không. Và tôi đã có lúc trắng tay. Trên thương trường, tôi trọng chữ tín, trong lúc kẻ khác quay quắt lọc lừa, vì vậy mà tôi còn tồn tại đến giờ. Tôi biết tránh xa thứ quyền lợi ngon ăn nhưng không chắc chắn và không thật chính đáng, vì vậy mà tôi không sa vào vòng tù tội. Và tôi cũng phải học ra trò đấy chớ! Học cách quản lý kinh doanh, học cách xem xét hàng thật hàng giả. Nhìn lá cây điều, tôi đoán nó sẽ ra hạt thế nào. Nhìn nhựa cao su lúc khai thác, tôi biết nó sẽ cho chất lượng mủ ra sao... Một kẻ lao đầu vào làm ăn như tôi, lúc tỉnh ngộ ra là cần một người vợ hiền thục, ít tham vọng, tôi đã chọn được cô Hiêng... Chắc chắn là cô ấy đã hiểu: tôi là người có thể đem lại hạnh phúc toàn vẹn lâu dài cho cô ấy. Tôi chờ cô Hiêng trả lời tôi...

Thanh và Hiêng đứng ở ngoài cửa đã nghe được gần hết những lời sau cùng của Thực. Hiêng mạnh dạn bước vào nhà trước, Thanh theo sau. Cô nói:

- Ông Thực, tâm sự của ông khiến tôi rất quý trọng ông... nhưng chắc là ba tôi đã thưa chuyện hết với ông... Tôi đã có người yêu... Tôi yêu anh ấy trước khi ông đến với tôi. Vì thế.... Đây, số tiền mà gia đình tôi còn nợ ông.

Thực lắc đầu, gần như kêu lên cay đắng:

- Trời ạ! Hiêng, em tưởng tôi sẽ đòi lại số tiền này ư? Đối với em và những người công nhân cao su, có khi đó là cả một năm trời mồ hôi nước mắt, nhưng đối với tôi không là gì cả. Không lẽ, em cho rằng tôi coi giá trị con người em, cũng như tình cảm chân thành của tôi chỉ đánh bằng số tiền nhỏ nhặt này ư? Em lầm rồi! Nếu ba em không quá khổ sở mà coi trọng số tiền nợ đến thế, nếu em không vì thương ba em mà thẳng thừng từ chối ngay đề nghị của tôi, chắc là tôi không phải nhục nhã đau đớn như bây giờ!

Thực loạng choạng bước đi như sắp ngã. Hiêng chạy lại, đỡ Thực - Thực gạt tay đi: “Khỏi cần”.

Khi Thực ra đến ô tô, vừa mở cửa xe, Hiêng cầm gói tiền chạy tới.

- Ông Thực ơi, tiền của ông đây nè.

Thực nói mà không dám nhìn thẳng vào người con gái lẽ ra đã là vợ yêu của anh. Anh ngậm ngùi:

- Tôi đã nói đến thế mà em còn chưa hiểu sao? Em và ba em thật là những người đáng thương, trong sạch đến khờ dại... Có lẽ, cũng chính vì vậy mà tôi yêu em hơn ai hết trên đời này... Thôi, số tiền đó coi như tôi góp vào đền bù cho sự rủi ro của gia đình em trong vụ điều vừa qua. Vì sự rủi ro đó mà suýt nữa tôi lấy được em làm vợ - Cười lên như điên dại một hồi - Này cậu Thanh, hôm qua gặp cậu ngồi với các cao thủ võ lâm trong nghề đục khoét của nhà nước, tôi đã chạnh lòng thương hại cho cậu - một con cừu non giữa bầy chó sói. Còn hôm nay, tôi không ngờ rằng, tôi đã phải thua cậu, thua một kẻ tay trắng chỉ ôm một mớ lý thuyết suông...

Thanh bặm môi lại, vẻ tức tối:

- Ông Thực ạ, ông vẫn còn tự đắc quá đấy. Và tôi nghĩ: nếu ông còn tiếp tục nhìn đời bằng con mắt trịnh thượng khinh đời như vậy, sẽ không bao giờ ông tìm được sự thanh thản đâu!

- Hừ, đó là những lí lẽ của một cậu học trò. Nhưng tôi cũng chúc cậu tìm được hạnh phúc và sự thanh thản ngay trong túng thiếu và nghèo khổ - Thực đóng sập cửa xe, phóng vụt đi.

Hiêng chợt nhìn xuống gói tiền, cô vội chạy theo, nhưng Thanh giữ cô lại.

- Để anh nhờ bưu điện trả lại cho ông ta. Em khỏi lo.

Ông Tu chợt giơ hai tay bưng mặt khóc. Hiêng và Thanh quay nhìn ông.

- Các con ơi, suốt một đời lam lũ vất vả, từng ra sống vào chết, đến hôm nay ba mới thực thấm cái nhục của sự nghèo hèn... Số tiền nợ anh Thực, quả là ba đã nghĩ rằng sẽ không bao giờ trả được. Đối với ba, nó là quá lớn, nó đã đè bẹp con người ba... Chao, ba còn mặt mũi nào nhìn các con nữa.

Hiêng bước tới gần ông Tu, an ủi:

- Ba ơi, đó là lỗi tại con... Con cũng bế tắc quá...

Thanh đứng chết lặng, rồi khuôn mặt anh dãn ra. Thanh đến đặt tay lên vai ông Tu.

- Thưa bác, lý ra bác vui mới phải. Hôm nay ba con sẽ đến gặp bác xin phép chính thức cho con được cưới em Hiêng làm vợ...

Ông Tu lau vội nước mắt:

- Được, được, ta đồng ý con ạ! Ta chỉ muốn nói với các con một điều gan ruột: hãy làm sao để con cháu các con sau này khỏi rơi vào nỗi khổ sở nhục nhằn như ta, như các con đã từng trải qua...

Một ông già và mấy cô gái Stiêng bước vào nhà. Ông già gọi to:

- Trưởng bản đâu rồi! Hội mừng cho sóc ta vào nông trường sắp bắt đầu, sao ông không ra đánh tiếng chiêng khai mạc?

Mấy cô gái tíu tít: “Hiêng ơi, chỉ thiếu có Hiêng thôi đấy!”

- Khai mạc ư? Không tôi tự thấy tôi không xứng đáng nữa rồi, để người khác- ông Tu thoái thác. Mấy cô gái xúm vào lôi kéo ông đi xềnh xệch. Ông Tu kêu - Ơ kìa, mấy cái con ranh mất nết này!

Thanh và Hiêng nhìn nhau cười. Hiêng cầm tay Thanh kéo đi

- Chúng ta ra xem hội, anh!


Những chiếc dùi đánh vào mặt trống, mặt chiêng, mặt cồng tạo ra những âm thanh nhiều bè trầm ấm kỳ lạ, vừa vui vừa buồn, vừa ngậm ngừi vừa náo nức. Trong đám hội, có không ít cô gái còn trẻ để lộ bầu vú mơn mởn cho con bú, và họ cũng nhún nhảy theo nhịp cồng chiêng. Thanh và Hiêng dắt tay nhau len lỏi, ngó nhìn say sưa từng cánh tay rắn chắc nâu bóng đập vào cồng, chiêng. Rồi hai người tách ra khỏi đám hội để đi trên con đường vắng tanh.

Họ đi qua những khoảng sáng trong rừng cao su. Những vết cạo mủ trên thân cao su đang ứ nhựa chảy trắng ngần. Hiêng chỉ tay:

- Đây là khoảng rừng cao su ba em trồng khi em lên chín tuổi. Thế là đã ba năm em khai thác nhựa ở đây.

- Bây giờ biến thành rừng cao su của nông trường, em có tiếc không?

- Có chứ!

- Tiếc gì?

- Em tiếc là không được chạy nhảy một mình trong rừng và la hét như một con điên.

Cả hai cùng cười. Có tiếng lách tách phía trên cao. Hiêng ngẩng nhìn lên.

- Em có biết tiếng gì đấy không? - Thanh hỏi:

Hiêng lắc đầu, rồi nhìn Thanh:

- Đó là tiếng hạt cao su tách vỏ đó - Thanh cúi xuống nhặt một chiếc lá cao su xem xét - Có triệu chứng bệnh đốm lá rồi!

Hiêng chăm chú chờ đợi. Thanh giải thích:

- Cây cao su dễ mắc nhiều thứ bệnh lắm mà. Bệnh đốm lá, bệnh thối mốc, bệnh nấm hồng, bệnh rụng lá, vân vân... Muốn cây cao su cho nhiều nhựa và tuổi thọ kéo dài, phải chăm sóc nó y như một sinh mệnh nhạy cảm vậy...

- Anh giỏi quá ha?

- Giỏi giang gì! Nghề chính của anh là cây cao su mà.

- Anh, chúng mình đi ra thác đi! Lâu lắm em không thấy thác- Hiêng nắm tay người yêu, cô thấy mình có quyền được nũng nịu trong lúc này.

Thác Đắc Rin đổ ào ạt, tung bọt trắng xóa. Thanh và Hiêng đi tới. Thanh bất giác thở dài kín đáo. Những ngày vừa qua đối với anh như một giấc mộng kinh hoàng. Vậy mà thiên nhiên thì vô tư, đáng yêu, hùng vĩ thế kia!

Hiêng ngước nhìn sang người yêu, hỏi thảng thốt:

- Anh nghĩ gì thế?

Thanh sau một lúc mới nói khẽ:

- Anh chợt nghĩ đến anh Toàn…

- Sao thế? Anh ta suýt nữa làm anh mang vạ lây.

Thanh mỉm cười buồn:

- Hiêng à, đúng hơn là anh đã nghĩ bâng quơ như thế này: nếu như anh Toàn từng có một lần đến sóc Bù Na, nhìn ngọn thác này trên cao nguyên đất đỏ, chắc là anh ấy sẽ không nỡ để buông mình sa ngã đến vậy... Anh vẫn thấy tiếc cho Toàn. Một kỹ sư tốt nghiệp bằng đỏ hẳn hoi lại về một cái nghề đang rất thiếu cán bộ khoa học kỹ thuật... Anh định vài hôm nữa sẽ ra thành phố tìm anh Toàn. Anh sẽ cố giúp anh ấy nhen lên lòng yêu quý của vùng đất đỏ cao su, lòng tự hào với nghề nghiệp của người làm cao su. Anh tin là trong bản chất của anh ấy, không phải tất cả đều đã hư hỏng, sa đoạ. Nhất là anh ấy đã từng sinh ra và lớn lên trên đất đỏ cao su này…

Hiêng mỉm cười duyên dáng:

- Nghe anh nói, tự dưng em cũng thấy tin như thế...

Những chiếc lá vàng rực, đỏ ối rơi ào ạt trên vai đôi tình nhân.

Bình Phước - Hà Nội, 1997-2006




VVM.20.9.2023-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .