V ài dải mây thưa bềnh bồng, sóng soải trên đỉnh núi phía Tây che khuất ánh mặt trời đỏ ối đang ngả về chiều, cái nóng oi bức của tháng Năm cũng không còn nghiệt ngã bởi những cơn mưa đầu mùa đã về. Giọng ve sầu cũng chùng xuống, kéo dãn ra rồi đứt quãng do không còn điểm tựa và vì những khóm tre cuối làng cũng đã ngả sang màu đêm. Hoa phượng ban ngày đỏ như không thể nào đỏ hơn giờ cũng thành tím tái, đong đưa trước mắt chiều. Tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi nhau ơi ới trải dài ra khắp mặt sông làm cho bầy chim ri sợ sệt bay vút lên nóc nhà dáo dác nhìn đất nhìn trời.
Hoàng hôn dần buông.
Hoàng hôn chẳng có gì quyến rũ để người dân quê chân lấm tay bùn nơi đây hân hoan chào đón nó, có chăng là ngày nông đang khép lại, những nhọc nhằn đang được các chàng trai, cô gái trút bỏ xuống dòng sông mát mẻ hiền hòa. Những vốc nước được họ tung vào nhau bung vỡ thành những hạt nhỏ li ti phản chiếu ánh hoàng hôn đẹp lung linh như những bó lúa vàng trĩu hạt. Đó là bức tranh quê đẹp nhất mà Phượng đang chiêm ngưỡng. Bất giác cô rùng mình nhớ về thời niên thiếu của mình. Chao ơi là dễ thương…
Ngày đó đã xa lắm, đã thành rêu trong ký ức, nhưng chẳng thể nào phai dù Phượng không có nhiều thời gian để nhớ về. Ngày đó, Phượng cùng Trung học chung lớp. Chung đường đi về nhưng không cùng mơ ước. “Nhất gái lớn hai, nhì trai lớn một” là câu nói vui hay câu minh triết Phượng cũng không biết nữa. Phượng mơ hồ là cùng tuổi thì con gái khôn lõi trước con trai thế thôi.
Thấy Trung hiền, lũ con gái hùa nhau bắt nạt anh, nhưng anh chẳng hề than vãn hay oán trách lời nào. Hiền quá hóa khờ không biết có đúng, song với Phượng đã thành ám ảnh. Oái ăm thay, từ ám ảnh đến nhớ chỉ là tấc gang. Càng nhớ hơn khi học hết cấp I thì Trung giã từ sách vở ở nhà phụ giúp mẹ già. Nhà Trung nghèo, Phượng biết thế nhưng cô vẫn nhớ, nhớ thôi chứ đâu có gì. Vậy mà lũ bạn của Phượng cũng chẳng buông tha: - “Chắc là học hổng vô rồi, sang nhà bên mần ruộng với người ta luôn đi”. - “Lạy mấy bà, để tui yên, Phượng tức tối. - “Yên à, yên… khoai lang chiên”. Không chịu nổi những tiếng xầm xì quái ác của lũ bạn, Phượng thành người xa lạ nhất trường. Con đường cũng không còn đáng yêu nữa cho dù đang là mùa hoa. Trải bước theo năm tháng vui buồn đan xen, người ta có thêm nhiều nghị lực để dấn thân vào đời. Phượng không còn là cô bé nhút nhát của ngày xưa nữa, không phải “tim run run, trăm tình cảm rụt rè” như tuổi 13. Phượng đã vào đại học, đã thành người của trăm nhớ ngàn thương. Đó cũng là khoảng thời gian mà Trung thường lui tới thăm gia đình cô nhất, vậy mà mấy khi gặp được người xưa.
Phượng giờ là người của thành phố nơi cô trọ học, chất quê cũng đã bay đi ít nhiều, còn chăng chỉ là những hình bóng cũ trong ký ức của Trung mà thôi. Thuyền không còn neo bến đợi, gió đã qua ngàn, cánh chim biển đã bay về phía biển… Trung biết mình chơi vơi nhưng không nỡ dễ dàng chấp nhận dẫu rằng cả năm họ chưa chắc đã gặp nhau lần nào. Ôi tình yêu sao mà rắc rối thế, cố quên thì không thể quên, cố gặp thì không thể gặp, còn cố tránh thì không thể tránh.
Dặn lòng là không thay đổi, nhưng chẳng thể nào, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén, Phượng thầm yêu anh chàng học cùng khoa đã “dạn dày trận mạc”. Tình yêu trong Phượng quá đắm đuối nên nhiều thăng trầm. - “Ngày cuối tuần anh có đi đâu chơi không?”. - “Có chứ em, đi quanh bờ hồ…”, anh dí dỏm treo câu trả lời ở lưng chừng trời. - “Bờ hồ thì có gì vui đâu”. - “Nhiều chứ… gió mát này, cảnh đẹp này, cỏ êm như nhung này…”. - “Xí… Anh nằm ngủ luôn đó đi…”, Phượng trách móc. - “Còn phải nhắc, lót lòng ổ bánh mì, hớp vài ngụm nước lã rồi nằm lăn ra cỏ ôm thiên nhiên ngủ một giấc đã đời…”. - “Chỉ có vậy thôi á?”. - “Thế thôi chứ có gì”. - “Tưởng vi vu với bồ?”. - “Nghèo rách dép mà ai mà thèm xách”. - “Hổng văn chương với anh nữa, lần này cho em đi với anh được không?”. - “Bịnh gì cữ”.
Vậy là Phượng đã dấn thân vào cuộc tình mới, còn anh ta thì hóa dại khờ. Dại nên khi người ta đưa vai thì tựa, đưa má thì hôn… chứ đâu biết làm sao. Có trời mới hiểu anh ta và Phượng đang nghĩ gì, mơ ước gì, chỉ thấy họ là đôi tình nhân thật đẹp và hạnh phúc. Người ta bảo “lấy người yêu mình, chứ đừng lấy người mình yêu”, ứng vào anh thì hay quá, còn với Phượng như là điều chẳng đặng đừng. Có hâm mới “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”, Phượng biết phải đặt mình ở đâu.
Ngày ra trường, anh chọn nơi công tác là vùng sâu còn Phượng thì còn mẹ già ở quê, nên cô không muốn đi đâu khác. Rồi thư đi tin lại, hy vọng nối hy vọng nên cũng chỉ là hy vọng. Người góc bể, kẻ chân trời có gửi cho nhau hàng ngàn nụ hôn thì cũng là những nụ hôn gió. Thời gian chôn vùi mọi thứ. Họ lặng lẽ chia tay nhau mà không phải thốt ra lời nào.
Từ khi Phượng về quê cũng là lúc Trung không thường xuyên sang thăm nhà cô nữa, anh có lòng tự trọng của anh. Anh nghĩ Phượng thuộc tầng lớp trí thức, có bằng cấp, địa vị, còn anh chỉ là một nông dân bình thường. Trung nép mình vào công việc đồng áng mặc cho thời gian khẽ khàng trôi. Trung đâu biết là càng trốn thì tình yêu càng kiếm tìm.
Mười năm không ngắn, nhưng cũng không dài quá, đó là khoảng thời gian vừa đủ để người ta có thể thay đổi mọi thứ, nhưng hoa phượng thì không, nó vẫn chờ mùa hè đến để trao hương trao sắc. Phượng đâu phải là gỗ đá để không thấy đó là tình yêu, cây cỏ còn thế sao lòng người không thể thế.
Phượng nghe lời mẹ hay nghe lời trái tim mà cô đồng ý lấy Trung bởi tuổi đời của cô đâu còn trẻ và có ai chung tình hơn anh. Tình yêu của Phượng được an bài, được hạnh phúc, vậy mà sao mỗi lần hè sang điệp nở thì lòng cô lại man mác buồn, lại nhớ, lại thương. Phải chăng người ta không bao giờ bằng lòng với hiện tại cho dù đó là tình yêu.
Con đường ngày xưa không còn nhiều loài hoa xinh xắn nữa, thay vào đó là sự vĩnh cửu của bê-tông, đá hộc… là những thứ mà Phượng chẳng yêu thích tí nào, nhưng đó là thực tiễn, là lẽ sống. Chậm khăn không cho nước mắt rơi xuống mùa hè, nuốt vào lòng ngày xưa thân ái, để sống thật cho người đã vất vả, gian lao vì mình. Phượng đã thoát ra khỏi cái tôi của cô một cách tài hoa.