Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


DÌ KHANH



     V ừa thấy tôi bước chân vào cổng rào là dì Khanh đã reo lên, hấp tấp ra đón, mừng rỡ một cách rất hồn nhiên.

Dì ôm chầm lấy tôi như ôm một đứa bé con, tíu tít hỏi:

-Sao Ngọc về mà không báo cho dì? Nếu biết trước, sáng nay dì đã đi chợ mua bún với thịt về nướng rồi. Đi xe mệt lắm không, Ngọc? Cả nhà vẫn khỏe chứ? Ờ, mà hình như Ngọc gầy đi đấy. Chết thật, ăn uống sao mà cứ lêu nghêu như con đà điểu thế này? (Từ lâu, dì Khanh vẫn gọi tôi bằng tên như thế. Dì bảo cho… thân mật!)

Dì hỏi mà chẳng đợi trả lời, như thể hai dì cháu cách biệt nhau bao năm không bằng. Trong khi vài tháng tôi lại thu xếp về chơi với dì mấy ngày. Xa dì lâu, tôi cũng nhớ vậy.

Tôi ôm lưng dì Khanh, đùa lại:

-Còn cháu lại thấy hôm nay dì trẻ hơn gần… hai mươi tuổi đấy.

Tôi vẫn hay ghẹo thế. Và lần nào dì cũng gạt phăng:

-Vớ vẩn! Càng ngày càng phải già đi chứ làm sao trẻ hơn được? Ngọc nghĩ dì là đồng loại của… 7 con yêu nhền nhện chắc?

Hoặc:

-Thế là hai dì cháu mình ngang tuổi nhau à?

Nhưng hôm nay dì Khanh không nói những lời quen thuộc ấy, mà hai má lại đỏ ửng lên, mắt lấp lánh giấu nụ cười chưa tròn, nửa như ngượng ngùng nửa như vui thích. Điều đó làm tôi càng hoang mang xen lẫn nghi ngờ.

Tôi phát hiện dì đang mặc một kiểu áo thời trang trẻ trung màu hồng cánh sen, còn mái tóc dài không búi tròn sau gáy nữa mà được vén cao bằng cái kẹp bạc xinh xắn. Tôi buột miệng kêu lên:

-Dì đẹp quá!

Dì Khanh lại cười. Nụ cười báo cho biết điều tôi đang phỏng định không sai.

Tôi mừng đến xúc động. Ôi, dì Khanh của tôi! Từ lâu rồi, tôi cũng như tất cả mọi người trong gia đình luôn mong ước cho dì điều đó.


Ông bà ngoại tôi có năm người con. Mẹ tôi là chị cả còn dì Khanh là út.

Sinh tôi chưa đầy hai tháng thì mẹ tôi qua đời vì bệnh sản hậu. Đó là tên dân gian quen gọi, thật ra chỉ là bệnh lao, hậu quả của thời kỳ thai nghén và sinh sản đã ăn uống thiếu thốn, kham khổ quá mà ra.

Khi đó, các anh chị của tôi đều nhỏ cả, còn bố tôi ngày đêm lo làm việc nuôi đàn con nheo nhóc, nên giao tôi cho bà ngoại và dì Khanh chăm sóc. Nhưng bà ngoại tôi bệnh tật, từ lâu đi lại khó khăn, chỉ có thể hướng dẫn con gái chăm sóc đứa cháu côi cút bằng kinh nghiệm của bà.

Nhiều năm sau, tôi vẫn nghe bà kể dì Khanh đã rất vất vả với tôi. Đứa trẻ thiếu hơi ấm mẹ, quặt quẹo quanh năm suốt tháng. Dì dậy sớm thức khuya bồng ẵm, pha sữa, khuấy bột, xúc cơm… bận bịu và tận tụy chẳng khác mẹ tôi đã nuôi anh chị tôi ngày trước.

Tôi ở với dì Khanh đến năm tuổi mới rời nhà ngoại về với bố và các anh chị mình, để bắt đầu đi học. Có lẽ vì thế mà dì Khanh yêu quý tôi nhất dòng họ. Tình thương của dì không chỉ phủ lên tôi suốt thời thơ ấu mà kéo dài mãi đến hôm nay.

Tôi nghe dì Khanh kể rằng, vô tình tôi là nguyên cớ cho dì lỡ một nhân duyên. Năm ấy dì hai mươi bốn còn tôi ba tuổi. Dì yêu một người, người ấy cũng đã đưa gia đình đến gặp bà ngoại tôi, bàn chuyện hôn nhân. Mọi sự suôn sẻ, tưởng sẽ mau chóng đi đến đoạn kết có hậu, thì chẳng biết từ miệng lưỡi một kẻ nhiễu sự nào dèm pha rằng tôi là con đẻ của dì.

Thế là người ấy lẳng lặng rút lui. Ít lâu sau, biết ra sự thật, anh ta đã quay lại xin lỗi, đề nghị xúc tiến việc đang bỏ dở dang. Nhưng bây giờ thì dì Khanh nhất quyết từ chối. Dì không muốn lấy người đàn ông tính cách nhu nhược, hồ đồ, chỉ cần một lời vu vơ của thiên hạ đã tin ngay mà vội vã quay lưng với chân tình của dì.

Khi tôi hỏi có hối tiếc không, dì Khanh nhè nhẹ lắc đầu. Nhưng tôi chỉ được nghe dì kể duy nhất một chuyện tình ấy, đến nỗi tôi ngờ rằng trong suốt những năm dài sau đó, dì không còn gặp được cuộc tình nào khác. Ý nghĩ ấy làm tôi ray rứt, thương dì quá.

Năm tháng âm thầm trôi đi. Cơ hội lập một gia đình bình thường đối với dì Khanh càng trở nên xa vời vợi. Khi ba mươi tuổi, dì còn cười tươi, đùa lại khi có ai đó hỏi chuyện chồng con. Vào tuổi ấy, người ta còn lạc quan lắm!

Ba mươi tám tuổi, nụ cười của dì không tươi nữa mà đã gờn gợn lo âu. Rồi khi đã ngoài bốn mươi thì dòng họ tuy không ai dám nói ra nhưng đều hiểu hy vọng của dì… mong manh.

Các bạn học cũ của dì Khanh đã lần lượt có gia đình từ lâu. Mỗi khi có dịp gặp lại nhau, họ thường đem câu “Hồng nhan bạc phận” an ủi dì. Rồi họ còn chép miệng vờ vĩnh ganh tị, bảo “độc thân vui tính” như dì mới thật diễm phúc, chứ số họ truân chuyên quá nên dại dột sớm “đeo gông vào cổ”! Nghe bạn nói, dì Khanh chỉ im lặng mỉm cười. Dì biết họ nói thế mà chẳng nghĩ thế đâu. Họ chỉ đang ái ngại cho dì thôi.

Mà đâu phải dì Khanh của tôi xấu xí gì, trái lại, duyên dáng và hiền hòa nữa. Dì thừa kế tất cả tinh hoa khéo léo của bà ngoại tôi, rất giỏi nữ công gia chánh, có thể nói khéo tay nhất dòng họ. Quần áo trong nhà, tự tay dì thiết kế, cắt may. Dì hay đan cho anh em tôi những mẫu khăn kiểu áo đẹp không thua bán sẵn ngoài cửa hàng. Nhà nào có tiệc cũng nhờ dì làm đầu bếp chính.

Một người đảm đang, giỏi giang như vậy chẳng hiểu sao lại không thể tìm cho mình một tấm chồng?

Tháng năm chầm chậm lướt qua, nhẹ nhàng nhưng không chờ đợi. Người ta hay nghĩ các cô gái lớn tuổi độc thân thường rất khó tính. Nhưng với dì Khanh thì không đúng. Dì vẫn dễ dãi, vẫn nuông chiều tôi y như những ngày tôi còn bé. Chỉ có một thay đổi: dì sống co rút, âm thầm hơn.

Từ ngày bà ngoại tôi mất, dì Khanh một mình sống trong ngôi nhà rộng, có mảnh vườn trồng toàn hoa cúc. Loại cúc nhiều màu: hồng, đỏ, trắng, tím… rực rỡ, đợt này tiếp đợt kia. Cứ cách ba ngày, dì lại cắt hoa đem ra chợ bán, thu về món huê lợi kha khá.


Bây giờ thì tôi đã biết “người yêu” của dì Khanh chính là chú Thạnh. Chú Thạnh khoảng bốn mươi tuổi, đã ly dị vợ ba năm và đang nuôi đứa con gái 8 tuổi.

Ai chứ chú Thạnh thì tôi quen quá rồi. Bà chị ruột của chú có sạp bán gạo ở chợ. Chợ chỉ họp nửa buổi nên mỗi sáng chú Thạnh chở những bao gạo từ nhà ra chợ cho chị, rồi loanh quanh đâu đó chờ tan chợ trưa lại chở số gạo bán chưa hết về nhà. Sạp gạo ấy bên cạnh chỗ dì Khanh bán hoa cúc.

Những khi về chơi, tôi vẫn theo dì Khanh ra chợ nên không xa lạ gì chú Thạnh. Chú hiền, nhìn lầm lỳ mà tốt bụng lắm, chưa bao giờ hai dì cháu tôi nhờ vả việc gì mà chú không sốt sắng giúp ngay.

Dì Khanh và chú Thạnh thường chuyện trò với nhau. Những câu chuyện linh tinh vơ vẩn mà hai người “tâm đầu ý hợp” lắm, bàn tán sôi nổi. Tôi ngồi nghe, buồn cười thầm.

Chú Thạnh biết khá rõ về dì Khanh mà dì cũng tường tận gia cảnh hai cha con chú. Dì rất yêu đứa bé, thường mua một món gì đó gửi chú đem về cho nó. Con bé cũng mến dì và mến cả tôi nữa.

Có lẽ do thường gặp nhau như thế nên tình cảm giữa dì Khanh và chú Thạnh dễ nảy nở. Bà chị của chú nhiều lần vẫn gán ghép khá sống sượng. Nếu có tôi ở đấy, cả hai đều mắc cỡ, bối rối liếc trộm tôi trước khi nhìn lảng chỗ khác. Tôi nhận xét hai người đẹp đôi, nếu thành vợ chồng thì cả dòng họ tôi vui lắm.


Tôi thì thào hỏi dì Khanh:

-Dì và chú Thạnh đã định khi nào chính thức…

Không chờ nghe hết, dì Khanh nảy người lên, gạt đi:

-Ấy chết!... Chưa… chưa đâu!

Tôi ngạc nhiên:

-Chưa là sao? Chú ấy hứa với dì thế nào?

-Đã hứa hẹn gì đâu?

-???

-Làm gì mà Ngọc trố mắt ra thế? Nghĩa là chưa ai nói gì hết.

Tôi lắc đầu:

-Cháu không hiểu gì cả, dì ơi!

Dì Khanh tặc lưỡi:

-Cháu còn ngây thơ nhỉ! Đâu cần phải nói thì mới hiểu lòng nhau?

-???

-Chắc bên chú ấy còn chút khó khăn gì đó… nên ngại ngùng…

Tự nhiên tôi tội nghiệp hai người quá:

-Thế còn dì? Nếu chú ấy ngại ngùng, dì phải hỏi chứ.

-Sao được? Hóa ra “cọc đi tìm trâu” à?... Ngượng với chú ấy lắm!

Tôi suýt phì cười:

-Thời buổi bây giờ mà trâu với nghé gì nữa, hả dì? Kéo dài tình trạng úp mở này không hay đâu.

Thấy dì Khanh vẫn lắc quày quạy, tôi cười:

-Thôi được, nếu dì cũng ngại thì để cháu tìm cách giúp cho.

-Chuyện này Ngọc giúp được à? Định giúp gì nào?

Tôi ngần ngừ:

-Cháu cũng chưa biết… Nhưng cháu nghĩ trước tiên phải tạo cơ hội cho chú Thạnh mạnh dạn ngỏ lời. Danh chính ngôn thuận rồi mới tính tiếp được, dì ạ.

Dì Khanh im lặng, không đồng tình cũng không phản đối. Hẳn dì đang hoang mang: nghe lời “thầy dùi” này là khôn hay dại?

Tôi hỏi:

-Sáng mai dì có ra chợ bán không?

-Có chứ. Mai sát ngày rằm rồi.

-Vậy mai cháu sẽ mời chú Thạnh tới nhà mình ăn cơm chiều.

-Lỡ chú ấy từ chối… Thì sao?

Tôi cười:

-Dì yên trí đi, chú ấy không từ chối đâu. Chẳng ai đang yêu lại từ chối một cơ hội vàng như thế. Ngay bây giờ, dì chỉ cần lên ngay một thực đơn.

Thấy dì Khanh mỉm cười, niềm vui khó giấu lấp lánh trong ánh mắt, tôi hào hứng ba hoa thêm:

-Dì biết không, sách tâm lý dạy: con đường đi đến trái tim đàn ông phải chạy ngang nhà bếp đấy. Để thu phục trái tim chú Thạnh, dì cần thu phục bao tử chú ấy trước.

Đúng như tôi đoán, vừa nghe tôi mời, chú Thạnh sốt sắng nhận lời ngay, không cần hỏi lý do.

Buổi chiều, chú Thạnh đến trước giờ hẹn rất sớm, bất ngờ đến nỗi dì Khanh chưa kịp trang điểm, thay áo. Tôi phải thay dì ra tiếp khách.

Hôm nay chú Thạnh chải chuốt tinh tươm lắm. Áo quần thẳng nếp, tóc rẽ ngôi vuốt keo láng mướt và phảng phất mùi nước hoa thoang thoảng. Tôi ước chừng chú trẻ hơn dì Khanh vài tuổi.

Thấy tôi đưa mắt tò mò ngắm nghía, mặt chú Thạnh đỏ rần rần, hai bàn tay thừa thãi không biết làm gì cứ lớ ngớ hết vuốt tóc lại gãi tai, một cách buồn cười và… tội nghiệp.

Để chú tự nhiên, tôi rót nước mời rồi hỏi lảng đi:

-Sao chú không dắt con gái đến luôn? Con bé ngoan lắm, lại rất thông minh.

Chú Thạnh cười cười, không trả lời. Tôi mào đầu:

-Một mình nuôi con cũng mệt mỏi lắm, chú nhỉ? Lại là con gái mới “khó” chứ? Đàn ông như chú hiếm lắm đấy, vừa là người cha vừa chu toàn nhiệm vụ người mẹ…

Chú Thạnh lại bẻ mấy ngón tay, bối rối. Tôi vờ như không biết:

-Chú nên nhanh chóng tìm người mẹ khác cho con bé đi thôi. Cha con sống cô đơn thế này lâu quá, chẳng tốt chút nào.

Chú Thạnh ngập ngừng:

-Thực sự… từ lâu tôi cũng muốn… Chỉ vì…

Tôi nhanh nhảu đỡ lời:

-Chỉ vì con bé phản đối, không thích người chú chọn, chứ gì? Cũng phải, con gái thường không thích cho cha mẹ tái hôn.

-Con bé mến người ấy nên thích lắm, có phản đối đâu? Là tôi ngại…

Tôi gật gù:

-À, chú ngại mẹ ghẻ con chồng! Giờ chắc chẳng còn Tào Thị - Nghi Xuân nữa đâu, chú ạ!

-Không phải… Là tôi chưa biết ý người ta ra sao… sợ người ta chê…

Nhìn mặt chú Thạnh đỏ như gấc, tôi lại suýt phì cười:

-Khó gì? Chú mạnh dạn hỏi thẳng là biết thôi! Có khi người ta cũng ngại… Phụ nữ mà!... Nên chờ chú mở lời trước.

Mặt chú Thạnh vụt tươi lên:

-Ngọc nghĩ thế à?

Tôi gật rất nhanh:

-Vâng, cháu nghĩ thế đấy.

Thấy bóng dì Khanh thấp thoáng bên trong, tôi gọi to:

-Dì ơi, lên đây nói chuyện đi! Để cháu xuống dọn bàn ăn cho.

Rồi tôi nhanh chân luồn vào bếp.

Dì Khanh đã nấu xong mấy món ăn tươm tất: gà rút xương, cá chiên xù, sườn sốt chua ngọt và lẩu thập cẩm. Tôi lần lượt nếm thử, hít hà hương vị thơm ngon của từng món. Thế này thì chú Thạnh phải mau chóng thu xếp “đưa nàng về dinh” thôi.

Vừa dọn bàn ăn, tôi vừa cười thầm một mình. Hai con người ngoài kia “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Không ngờ chú Thạnh nhút nhát ngại ngùng cứ như… trai mới lớn!

Dọn xong bàn, tôi chưa vội lên mà cố tình nấn ná cho hai người thêm thời gian ngồi riêng với nhau. Chẳng hiểu họ đã trao đổi được những gì?

Không nén nổi hiếu kỳ, tôi rón chân đi lên, núp sau tấm rèm cửa, nhìn trộm. Dì Khanh đang vu vơ miết ngón tay lên mặt bàn còn chú Thạnh bối rối nhìn lơ đãng đâu đó chứ không dám nhìn thẳng… đối tượng.

Im lặng khá lâu, chú Thạnh mới khẽ khàng lên tiếng:

-Tôi đã có con riêng… Nên sợ rằng…

Chú ngừng nửa chừng, như thăm dò phản ứng của dì Khanh. Dì nhẹ nhàng đáp lại:

-Chuyện đứa bé… không quan trọng đâu…

Im lặng thêm vài giây, chú Thạnh tiếp:

-Cô Khanh ạ… tôi thú thật với cô…

Rồi chú Thạnh lại im lặng. Dì Khanh thì cúi thấp đầu, cũng im lặng. Tôi đoán dì đang hồi hộp ngóng chờ. Đứng phía trong, tôi hồi hộp chẳng kém. Bên ngoài yên ắng quá, đến nỗi tôi ngờ rằng hai người có thể nghe được cả tiếng tim đập của nhau.

Bất chợt, chú Thạnh nói nhanh:

-Cô Khanh, tôi biết cô như mẹ ruột Ngọc… Cô cho phép tôi cưới Ngọc…

Chẳng hiểu dì Khanh phản ứng sao chứ vừa nghe lọt câu ấy, tôi rùng mình, bàng hoàng và sợ hãi. Như hóa đá, tai tôi ù đi, trí óc lú lẫn. Tôi đinh ninh vừa nghe sai hoặc chú Thạnh bối rối quá nên nhầm lẫn.

Nhưng không, chú Thạnh đã lặp lại:

-Tôi yêu Ngọc từ lâu… Tuy tôi biết không xứng với cô ấy…

-!!!

-…

-Cút ngay!

Đột ngột, tiếng dì Khanh lanh lảnh.

Đến cả mươi phút sau, tôi mới dần hoàn hồn, thì người đàn ông đã bỏ về từ bao giờ.

Ngồi co rút trong cái ghế rộng, dì Khanh tóc xõa rũ rượi, đầu gục xuống cánh tay, đang thổn thức khóc.

Tôi chầm chậm bước lại gần, lòng xót thương vô hạn.

Ôm chặt đôi vai run rẩy của dì Khanh, tôi nghẹn ngào muốn ôm trọn giùm dì một nỗi niềm dai dẳng… ./.




VVM.09.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .