Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

KẺ ĐI SAU



C uộc đời thật lạ! Khi cần giúp đỡ thì gọi “ông ông cháu cháu”, khi xong việc thấy không còn cần gì nữa thì” tớ tớ mày mày”…

Vũ to tiếng, nhíu mày, dụi mạnh điếu thuốc cháy dở trên tay vào chiếc gạt tàn.

Tôi mỉm cười nhìn hắn, giễu cợt:

- Giờ mới biết! Hai thứ tóc trên đầu mà còn dại…

- Đừng chọc tao – Hắn lườm mắt – có ngày mày cũng bị như vậy rồi coi!

Ly cà phê đã cạn. Gói thuốc hắn mua giờ vỏn vẹn còn một vài điếu, hắn hút liên tục như tàu nhả khói. Quán đã thưa khách dần. Một giọng cười khúch khích của người đàn bà ngồi bàn bên cạnh ẩn sau chậu cây cảnh vang lên như trêu ghẹo.

- Gì nữa đây? Hắn buột miệng, trừng mắt về nơi ra tiếng cười rồi đứng dậy. Hắn bước về phía ấy.

Tôi nghe loáng thoáng giọng hắn ngạc nhiên: Thảo?

Thảo không đẹp lắm. Người thon nhỏ. Độ tuổi trên bốn muơi. Gương mặt hơi tròn, vẻ chửng chạc nhưng kèm theo đôi mắt to đen lại quá buồn. Thảo ngồi cùng với người đàn ông trạc tuồi Vũ. Cả hai ngồi cùng bên cạnh bàn với khoảng cách trông như mới quen nhau; thật ra là vợ chồng theo lời giới thiệu của Vũ. Thảo tỏ ý mời Vũ và tôi ngồi cùng bàn. Chồng cô ấy nhíu mày tỏ ý không bằng lòng lắm. Vũ kéo tay tôi đến xem như không có chuyện gì xảy ra. Tôi miễn cưỡngđồng ý.

- Về hồi nào? Mới nghĩ tới là xuất hiện liền, thiêng dễ sợ! Vũ nhìn chồng Thảo rồi hỏi trổng.

- Vợ chồng em mới về hôm qua. Giỗ ba… Thảo đỡ lời chồng. Trán cô nhíu lại trông chút đăm chiêu cùng hiện chút mừng rỡ.

Thảo nói tiếp, vồn vã:

- Mẹ đã về ở với em. Nhà ở đây đã bán rồi. Bây giờ anh sống ra sao? Vợ con anh vẫn khỏe?

Vũ lườm mắt như dấu giếm một điều gì đó, giọng tự trách :

- Vậy mà anh không hay biết gì cả từ khi em rời khỏi nơi này. Anh thì vẫn vậy, hôm qua thì ngày hai buổi đến trường “ gõ đầu trẻ”,hôm nay thì … thất nghiệp!

- Sao kỳ vậy? Thảo xoay xoay chiếc muổng trong tay, hỏi.

- Không có bằng sư phạm theo chuẩn…Họ đâu có cần gìmình, “ Không mợ thì chợ vẫn đông” mà !

- Họ không xét trường hợp anh là giáo viên dạy giỏi muời mấy năm liền!?

- Gỉỏi với ai chớ với qui định chung thì đâu có giỏi! Vũ cười khì, đay nghiến.

- Anh không hỏi anh Kiên nghiên cứu lại vấn đề này, xem ổng giải quyết ra sao?

Vũ chán chường:

- Nó chỉ biết “úm” chiếc ghế chiếc ghế trưởng phòng của nó. Hơi sức đâu mà lo chuyện của thằng bạn “ lính lác” như anh! Nghe Vũ nói, Thảo lắc đầu cười buồn. Cô ấy vẫn dẫu biết Vũ quay lại nghể giáo cũng từ đề nghị của Kiên.

Chồng Thảo bỗng lên tiếng chen ngang:

- Chế độ nghỉ việc của ông giải quyết thế nào?

Vũ làu bàu, nửa đuà nửa thật:

- Đủ mua một cái máy vi tính, về đánh máy muớn. Rãnh… làm thơ chơi!

Cảm thấy như một cuộc khẩu chiến sắp xảy ra, Thảo chạm khẻ vào tay chồng ra hiệu rồi buột miệng:

- Thôi mà. Anh cứ đùa. Em hỏi thiệt đó!

- Ai đùa? Trên năm mươi tuồi như anh đây còn đùa được nổi gì!

Ừ, cái tuổi “gần hết dầu” này như Vũ và tôi khó mà bương chải cuộc sống hiện nay. Làm gì cũng khó. Thậm chí xin đi làm bảo vệ cũng không xong. Thân hình Vũ ốm nhách vì bụi phấn, bàn tay mềm xèo như cọng bún chỉ vì quen lật từng trang sách vở…với cái đầu chứa đầy ngôn ngữ mô phạm và mục rỗng với những từ ngữ thuộc phạm trù kinh tế chứ đừng nói chuyện “vi mô-vĩ mô”. Nhất là cái bản lĩnh chịu đựng của hắn khá mong manh, dễ chạnh lòng tự ái, hay nghĩ đến những điều mà người có máu đi buôn không bao giờ dám nghĩ đến! Hắn vốn đã là người hay sợ sệt mỗi khi nhờ vả người khác kể cả khi đi làm chứng minh nhân dân cho mình. Tôi thấy tội nghiệp cho Vũ. Hắn không quen biết nhiều dù hắn có tấm lòng luôn rộng mở và biết giúp đỡ người quen biết những gì mà hắn có thể. Đời có phải đã phụ hắn không như hắn đã từng tâm sự tự ủi an mình với tôi “người ta sống có số”…? Nhìn vào hiện tại, tôi đồng tình chấp nhận cái mệnh đề ấy, cái mệnh đề mà hắn xem như là một định lý bất di bất dịch trong cuộc đời mỗi con người lỡ vận chưa gặp thời.

- Đã vậy mà đã hơn hai muơi năm! Hai người được mấy đứa rồi? Làm ăn khá giả ?

Vũ đốt điếu thuốc, tiếng nói phát ra từ đám khói mờ che khuất đôi mắt như muốn khóc của Vũ.

- Cũng thường thôi – Chồng Thảo trả lời pha lẫn chút tự hào – Lương công chức mà! Tụi mình được hai đứa, đã vào đại học cả, cũng sắp ra trường.

Vũ ngữa hai bàn tay ngang ngực rồi nhún vai, tự dưng hóm hỉnh:

- Vậy là sướng rồi! Mình thì… “trớt quớt”! Hai thằng “đực rựa” còn đang đi học cấp ba! Lo cho chúng đến “quải đạn”!

Cái học bây giờ sao khó quá! Kiến thức trước đây sẽ không là gì so với nhu cầu học tập của lứa trẻ hiện nay, thậm chí đến cả cách đọc cách viết như cái chữ “vê kép” trong mẫu tự Việt Nam không có mà nói đến là viết được! Với cái thời “ lủng lẳng” của chúng tôi, quan niệm “nhất nghệ tinh- nhất thân vinh” đã quá lỗi thời. Giờ phải biết nhiều, học nhiều, làm nhiều, va chạm nhiều như dao động của conlắc đồng hồ mới sống nổi. Đi dạy kiểu như Vũ phải tìm cách dạy thêm ngoài giờ, có chút khéo tay thì nhận kẻ vẽ khẩu hiệu báo tường, hay làm đồ dùng dạy học cho mấy cô giáo bận nhiều việc khác để kiếm thêm một ít trang trải cà phê thuốc lá, để thức đêm soạn bài hay cho đứa con tiền ăn sáng, trả bớt gánh nặng tiền chợ búa cho vợ khi tiền luơng nhân viên hành chánh ba cộc ba đồng. Tôi bất giác nhận ra Vũ khác hơn mọi lần trước đây (có phải vì gặp hằng ngày nên khó lòng phát hiện điều đang dần khác biệt?). Mái tóc màu trắng chiếm hơn một nửa đã gần chấm vai để lộ khuôn mặt ốm dài với hai gò má nhô ra. Râu mép đã vá víu chia mảnh trắng đen như đám ruộng bị đốt sau lần gặt. Tôi biết hắn bây giờ rất buồn và cay đắng. Nhớ ngày còn là học trò cấp ba cùng tôi, hắn vui tươi nghệ sĩ, có bài thơ được đăng trong nhật báo thì cầm tờ báo biếu rêu rao khoe với bạn bè, viết được bản nhạc liền ngô nghê với cây đàn tựa như con ve sầu râm ran trên cây mùa hạ. Nhìn lại, thời gian như một gã khổng lồ nuốt chửng tất cả những điều mà con người không muốn quên hay không bao giờ thích nhớ; hay chỉ trong khoảnh khắc nào gã ngủ quên để vô thức tuôn ra ngoài đánh động lấy ý thức con người. Chúng tôi đã thật sự già cỗi, có nghĩa đã quên quá nhiều mà cũng nhớ khá nhiều những sự cố biến động trong cuộc sống.

Cái quán rộng mênh mông giờ chỉ còn không tới chục khách. Âm thanh nhạc Trịnh văng vẳng thoát ra từ chiếc loa nhỏ xíu gắn ở góc tường “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”... Ánh sáng đỏ mù loang lổ nham nhở còn cố bám víu lên cánh cửa kính sau cơn mưa còn đọng lại. Không gian bỗng dưng lành lạnh. Hình như Thảo khóc thì phải. Cô ấy vờ vuốt lấy cụm tóc dài đưa ngang mặt để che đi dòng nuớc mắt sắp trào. Người đàn ông bên cạnh – chồng Thảo- như không hay biết gì. Hắn dững dưng châm trà vào từng chiếc tách trên bàn với bàn tay to tròn đầy thịt trắng nõn, nhoẽn miệng cười khách sáo mời mọc rồi ngữa ngực tựa lưng vào ghế ra vẻ mãn nguyện. Hắn nhìn Vũ, hỏi:

- Bây giờ ông định làm gì?

- Chưa biết! Vũ trả lời gọn lỏn.

- Hay là ông vào Sài Gòn? Tụi này sẽ kiếm việc làm cho ông. Tháng vài triệu đỡ vất vả!

Nghe câu nói như ban ơn, Vũ trợn mắt cuời khảy:

- Vừa thôi! Chưa tệ đến nỗi nào !

- Hay là ông nhắm ở đây làm được gì, tụi này hỗ trợ?

- Mở “rì-sọt” được không? Vũ bông đùa, thoái thác.

- …

Cuộc đối thọai bị tắt nghẽn. Chồng Thảo lắc đầu nhếch miệng cười. Hắn không lấy làm lạ vì đã quá biết tính tình của Vũ. Hắn kết thúc câu chuyện khô khan, giọng líu ríu:

- Tùy ông…

Thảo vẫn không lên tiếng. Cô ngồi thu mình lại như con mèo gặp lạnh. Mắt Thảo vẫn không rời quan sát Vũ như thể đang tìm kiếm so sánh lại hình ảnh trước đây của Vũ trong trí nhớ. Phải chi lúc này chỉ có Vũ và Thảo. Có lẽ hai người sẽ có nhiều chuyện để nói hơn. Ở đó, Vũ có thể trút đi những sợi dây nợ nần tình cảm ràng buộc đang còn đeo bám dai dẳng bấy lâu mà Vũ chưa hề kể cho ai nghe.

Mưa trở lại. Lần này nặng hạt hơn. Tiếng lộp độp nghe rõ mồng một. Chồng Thảo nhìn ra cửa, choàng tay qua vai Thảo:

- Về thôi em?

- Mưa..! Thảo nhỏ nhẹ trả lời. Mắt vẫn không rời Vũ.

- Anh có đem theo dù và áo khoát. Mai còn phải đi sớm…

- Chút nữa tạnh mưa rồi về chẳng sao!

Chồng Thảo nhíu mày lộ vẻ khó chịu. Hắn cố giữ giọng bình thường nhưng hàm thúc giục:

- Anh còn nhiều việc phải làm…

Thảo miễn cưởng. Cô nghiêng người lấy chiếc túi xách bên cạnh rồi uể oải đứng dậy. Vũ nhanh miệng nói:

- Để đó, tui tính cho.

Chồng Thảo chìa bắt tay Vũ và tôi. Bàn tay hắn mềm nhũn nhưng tôi thấy lạnh.

Thảo mỉm cuời và khẻ gật chào chúng tôi. Có một chút khó khăn trong nụ cuời ấy.

Cô chầm chậm bước theo sau người đàn ông đi cùng cô có dáng vẻ vội vàng như lẩn tránh.

Ngoài trời vẫn mưa. Tiếng xe nổ chìm xa dần.

Vũ tiếp tục đốt thuốc vì chưa muốn về ngay. Tôi chẳng tò mò bắt chuyện xưa của Vũ, sợ hắn giận. Vũ tự dưng mở giọng buồn buồn, xa xăm:

- Truớc đây nhà tao cũng tương đối khá giả. Nó cần gì tao cũng gởi, kể cả soong cá nục mẹ tao kho cũng lén đem lên tuột Đà Lạt cho nó. Không có tiền xe về quê ăn Tết, tao cũng lấy tiền trọ đưa… Mỗi lần lên thăm Thảo, tao đều chuẩn bị một phần riêng cho nó; coi nó như thằng bạn chí cốt, dễ mến, đáng tin cậy. Bây giờ nó làm lớn lắm. Mày không biết đâu! Tao biết nó có về đây nhiều lần lo chuyện hợp tác đầu tư làm ăn mở khách sạn gì đó nhưng chưa hề đến thămtao… Chả lẻ tao đến thăm nó?

Vũ không kể tôi về lý do Thảo đi lấy chồng. Tôi biết, thỉnh thoảng Vũ và Thảo vẫn điện thoại cho nhau hay được tin thăm hỏi từ những người bạn xưa cùng lớp. Có thể đối với chồng của Thảo, sự lẩn tránh là một biện pháp an toàn để giữ gìn hạnh phúc riêng tư củamình nhưng đâu đến nỗi phải hửng hờ như thế.

Bây giờ, Vũ đã ở xa lắm. Cái nơi mà tôi chưa hề mường tượng để đến. Hắn bỏ đi thật đột ngột cách một tuần sau đêm cà phê gặp Thảo. Công tác về, tôi đến tìm hắn nhiều lần nhưng không gặp. Căn nhà cấp bốn trong hẻm sâu có vách quét vôi màu nâu của hắn luôn đóng cửa. Tôi vẫn đợi tin nhắn của hắn. Ngồi một mình trong quán cà phê, nơi chỗ ngồi quen thuộc, câu nhạc Trịnh “ mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi…” bỗng dưng làm tôi buồn và nhớ hắn vô cùng. Ước gì có Vũ bên cạnh để tôi nghe những gì ê hề trong cuộc mưu sinh này. Đôi khi giọt nước mắt cũng có lợi cho sự trút bỏ nỗi buồn hay chứa nhiều muối xát đi những bụi bậm ô nhiễm bám vào con mắt đời thường…




VVM.09.9.2023-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .