Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của Lê Thị Kim

TÌNH KHÚC



     C ô vặn vẹo các đầu ngón tay và tự nghĩ mình hơi ác. Nhưng chẳng lẽ vì thế mà anh không nói chuyện với cô? Cái kiểu gật đầu lãnh đạm của anh khiến cô điên tiết. Anh đã nấn ná lâu ở quầy báo chí. Lâu hơn mức cần thiết để rồi sau đó nhặt lên vài tờ Nhân dân, Tuần Tin tức, Thể thao… Đại loại là những tờ báo mà cô thậm ghét.

Đến tận lúc cô đã kéo ghế ngồi yên vị trên một ghế trống bên cạnh, anh mới quyết định quay ra nhưng đi về một ghế trống khác ở gần cửa ra vào. ở vị trí ấy họ sẽ quan sát nhau khó khăn hơn. Tại sao khồng phải là chiếc ghế bên cạnh cô như những lần trước?

Cô đứng dậy, cầm cuốn sách đi đổi. Tiếng gót giày xiết xuống nền đá hoa nghe đến khó chịu. Vài ba cặp kính ngẩng lên, dè dặt nhìn cô. Có anh không nhỉ? Cố gắng giữ người cho thẳng và đặt giày xuống nhẹ nhàng. Cạch! Cạch… Cô thở dài khe khẽ, nghiêng mặt ra  phía cửa sổ. Có tiếng thì thào của mấy cô bé ở cuối phòng. Hình như chúng để ý đến hia người ngay từ lúc mới vào. Đúng là trò trẻ con! Cô khó chịu, ngúc ngắc cái cổ trong đống khăn áo bùng nhùng. Trời cứ hơi lạnh là cô bị viêm họng. Như một thứ đỏng đảnh mất thời gian. Lại còn phải ngậm thuốc đắng đến cháy cổ. Nói chuyện lào phào như người hết hơi.

Ngày trước bà nội cô mất sớm vì bệnh hen suyễn quá nặng. Bố cô vì thế rất lo cho cô. Có hôm chẳng biết linh tính thế nào, người bỏ cả việc đến trường xem cô có biến chứng gì lạ không. Rồi đứa trẻ ấy cũng lớn khôn, khoẻ mạnh và xinh đẹp như bất kỳ những đứa trẻ khác.

Cô thủ thư trẻ măng ngừng giũa móng tay, ngẩng lên, chăm chú nhìn cô. Cái vành môi tô đậm kéo ra hơi rộng và có vẻ gì như nũng nịu. Nhưng đôi mắt thì tuyệt vời. Cô gắng nhìn sâu và trách mình quên mang theo kính. Kẻ cận lòi ra thì ghét đeo kính. Người chẳng làm sao tự nhiên chuốc hai cái “đít chai” cồng kềnh lên mặt. Kỳ cục thật!

- Bạn… bạn có phải là…

Cô nhướng mắt ngạc nhiên. Dù biết rằng mình chỉ giả dối và kiểu cách đấy  thôi.

- Chị cũng…

Hỉ hả gật đầu. Một cuốn sổ xinh xắn đăt ngay trước mặt cô. Rất nhiều chữ ký các loại. Cô rút bút, làm cái thao tác như cái máy đã được cài đặt chương trình từ trước. Cô tình cờ lật tiếp. Chữ ký của anh với các nét gạch đậm đầy cá tính.

- Thật tốt quá!

- Anh ấy kia kìa. Một con người nhiệt tình và tốt bụng hiếm có!

Người thủ thư trẻ tuổi xoay xoay các con chữ trước mặt cô. Cô cảm thấy mệt mỏi. Cố cười một chút. Cổ họng khô khan như một con chim khát nước.

Lúc ôm sách về bàn, cô chợt thấy tức giận với tiếng gót giày của mình và ngay cả bản thân mình. Vài ba cặp mắt lại nhấp nhỏm sau những trang sách. Họ thừa biết là đôi giày sẽ kêu mà. Cô tức tối. Muốn chạy vù về chỗ. Cạch! Cạch! Cạch! Nhìn gì chứ. Cô thấy người mình nóng bừng lên. Các cô bé hiếu kỳ ở bàn cuối tiếp tục quan sát cô. Thì thào! Thì thào!

Anh là người duy nhất không nhìn cô. Đôi mắt như dán chặt vào trang báo trước mặt. Anh cũng là kẻ giả dối! Cô bẻ các ngón tay đến đau nhừ: “Anh cũng ác lắm! Anh có biết không?”.

Có ai đó hắt xì hơi. Tiếng ai đó cười rúc rích. Rồi lại im lặng. Cô khe khẽ thở dài và e sợ nó lộ liễu quá.Nhưng có lẽ không ai để ý.

 

 

Những giờ lý luận dài lê thê trên lớp khiến cô ngáp đến sái quai hàm. Thằng quỷ bàn sau túm lấy bím tóc của cô:

- Chết nhé! Đi chơi khuya nhé! Với ai?

Cô lừ mắt:

- Đi chơi với ma. Có bỏ tay ra không thì bảo?

Thầy giáo gõ  lọc cọc vào bảng, thổ lộ:

- Tôi thấy các bạn nữ lớp mình rất đẹp!

Tại sao tự nhiên thầy lại nói thế? Cô thấy hơi khó chịu. Cô vốn không ưa cái kiểu thầy giáo trẻ đôi lúc đỏ mặt và nói ấp úng. Bữa trước cô nhìn thấy thầy đèo bạn gái đi lên phía phủ Tây Hồ. Đời thường hơn và dễ chịu hơn. Họ sẽ mua hoa hồng để thắp hương. Cầu nguyện những gì tốt đẹp nhất. Không phải là mớ lý thuyết bùng nhùng mà trên lớp thầy vẫn cố gắng nhồi nhét vào đầu những đứa trò ham chơi và ngỗ nghịch.

Cô ngọ ngoạy trong chiếc áo bành tô rộng thùng thình, nhìn mặt thầy tự nhiên đỏ lựng lên. Cô cười tinh quái và nháy mắt với đứa bạn ngồi cạnh:

- Cao nữa, phải không thầy?

Cô nhớ lúc thầy vào lớp, dù đã đứng vững chãi trên đôi giày năm phân thầy cũng chỉ cao đến tai Vinh mập.

Con Hà chép miệng: “Mày ác khẩu quá! Vậy mà tụi con trai…”.

Cô thở dài: “Mày tưởng tao thích thế à?”.

Đứa bạn thân búng ngón tay tanh tách: “Cũng phải. Nhiều lúc tao muốn được như mày. Nhiều lúc nghĩ hoá ra mình may mắn. Buồn cười thế không biết. Con gái ấy à, chỉ nên sống yên ổn thôi…”.

Cô không phải là con tàu có cánh buồm đỏ thắm. Nhưng anh cũng đâu có phải là thủy thủ của con tàu ấy? Cứ kiếm tìm, kiếm tìm đến vô vọng. Song có nhất thiết tránh mặt nhau mãi như thế? Hôm trước cô đang đọc sách thì có điện thoại. Nhấc  lên, chỉ nghe thấy bài hát “Hello” của Lionel Richie. Đến câu cuối cùng “But let me start by saying: i love you” thì đầu dây bên kia gác máy. Cô không yên ổn với chính tâm tư của mình. Chỉ muốn chập tối lên giường, đặt lưng là ngủ ngay. Nhưng đêm nào cũng chong mắt đến 2 – 3 giờ sáng. Đến lớp thì ngáp ngủ. Họp hành nhặng xị cả lên mà cô cố tìm đủ mọi cách để trốn…

Có nhất thiết phải tránh mặt nhau như thế? Lẽ nào anh sợ cô lại một lần nữa phủ nhận? Và anh sẽ bị thương tổn rất lâu…

Lớp rì rầm như một chuyến tàu tốc hành đường dài. Thầy chép miệng “Tệ quá! Tệ quá! Chưa học đã đòi nghỉ. Rồi nói chuyện, ăn quà”.

Cười râm ran như chẳng có chuyện gì. Thầy đành phải cho ra sớm mười lăm phút…

Cô kéo áo đứa bạn: Đi ăn bún ốc đi. Tao đói quá. Sáng nay ngủ dậy muộn”.

Đứa bạn cười toe toét: “Được đấy. Mày vẫn dẫn chương trình cho bọn thời trang đấy à? Mà dầu gội đầu gì đấy? Thơm thật. Bọn bạn tao bên Ngoại thương bị trượt môn bơi lia lịa. Tóc thì rụng vì nước nhiều thuốc sát trùng quá. Gội đầu mấy cũng không lại”.

Chút nữa cả hai đứa đụng phải thầy.

Quả nhiên thầy thấp thật. Cô bắt chuyện.

“Người Việt Nam mình vốn khiêm tốn phải không thầy?”.

Chỉ thấy mặt thầy lại đỏ lựng lên: “Học trò ơi là học trò”.

 

 

Quái quỷ thế nào mà đứa nhỏ cô nhận dạy kèm ở ngay gần nhà anh. Cũng may nhà anh khoá cửa. Cô có thể  đạo mạo dắt thẳng xe vào nhà học trò. Sau đó với vẻ đầy nghiêm nghị, cô lấy sách vở ra, bắt đầu:

- Chúng ta làm quen nhau nhé…

Đứa trẻ lúng búng nhè cái kẹo trong mồm ra:

- Cô ơi, sao áo cô lắm  tua rua thế? Làm thế nào mà chui vào được hả cô?

Cô hơi luống cuống, chỉ lên hàng cúc ở trên vai và tự hứa lần sau sẽ cẩn thận hơn. Sau đó, cô hắng giọng:

- Để giải một bài toán đố…

Đứa trẻ giãy giụa nhiều hơn:

- Cô ơi, muỗi!

Cô hốt hoảng lục tìm lọ nước hoa bôi vào những vết muỗi cắn. Lại còn phải giải thích rất lâu về những con muỗi và an ủi rằng không nên sợ chúng. Nhưng hình như không hiệu quả vì đứa trẻ tiếp tục khóc ầm lên khi thấy những con muỗi bay vo ve trước mặt. Một cuộc săn bắn muỗi diễn ra ngay sau đó. Cô cảm thấy mệt phờ còn đứa trẻ cười thoả thuê.

Quay đi quay lại đã hết giờ. Cô thu dọn sách vở và dặn dò:

- Lần sau học em phải tập trung hơn nhé.

Nhưng đứa trẻ còn mải để ý những xác muỗi trên sàn. Nó lúng búng dặn với theo:

- Cô nhớ đến chơi với em nữa, cô nhé!

Thật là hết biết mà! Lếch thếch dắt ra ngõ thì gặp anh đi làm về. Phân bua:

- Dạo này anh bận tối mắt tối mũi. Học thêm tiếng Pháp vào tối thứ 2 – 5. Dạy thêm vào thứ 3 – 7, chủ nhật. Còn thứ 4…

Cô thấy tai ù đi. Anh học được cái kiểu khách sáo này từ bao giờ vậy? Để giải thích cho cái việc họ không còn gặp nhau thường xuyên nữa? Và anh không thể cứ suốt ngày  chầu chực đợi cô ở sau các sân khấu, khi cô đã quá mệt mỏi với việc nhai đi nhai lại những câu giới thiệu, quảng cáo loè loẹt. Thậm chí còn phải giả bộ làm ngơ trước thế giới bạn bè vồ vập của cô.

Cô xót xa gật đầu:

- Thế cũng tốt mà.

- Còn em, liệu mà giữ gìn sức khoẻ. Trời lạnh đấy, nhớ mặc ấm vào…

Có phải một điều gì đó đã trở lại trong anh? Cô cố đọc nó trong đôi mắt nah. Nhưng chẳng có gì cả. Anh tốt bụng như một người bạn gái ấy. Và cũng chỉ có thế thôi.

 

 

Cô thấy mọi chuyện như thế có lẽ tốt hơn. Không phải chia sẻ lòng mình ra quá nhiều cho những chuyện viển vông. Mẹ sẽ không trách mắng cô về sự buồn vui thất thường. Bố sẽ yên tâm hơn khi thấy cô ít lông bông trên phố, không đi tất, không đeo khăn quàng. Anh Bí thư Đoàn trường không còn phải hớt hải chạy nhặng lên tìm cô khắp các hội trường của nhà 6 tầng.

Thế nào nữa nhỉ? Cô sẽ là một đứa trò ngoan, không ngọ nguậy, phá đám bài giảng của thầy, không khắc những câu thơ tình nham nhở trên mặt bàn. Sẽ không trừng mắt khi nhìn tụi con trai và lăm lăm cái kéo để cắt tóc tụi con gái.

Như thế có lẽ tốt hơn. Coi như anh chưa từng một lần  in dấu trong trái tim dễ tổn thương của cô.

Mà dẫu điều ấy có xảy ra thì đâu có gì phải né tránh? Chẳng lẽ con người không được phép sống thật với trái tim mình ư?

Nhưng tất cả đã xa quá  rồi. Có lẽ như thế sẽ tốt hơn. Và cô sẽ tự an ủi: cuộc sống bận rộn quá. Người ta cần bao nhiêu thứ để nhập cuộc. Để có thể trụ lại mà không bị đánh bật ra. Và đôi lúc cũng cần phải bỏ qua một điều gì đó…

 

 

Cô không đi giày cao gót đến thư viện. Không khí ở đó hầu như chẳng có gì thay đổi. Yên lặng. Tiếng giở sách sột soạt. Tiếng bút chạy trên giấy rào rào. Hắt xì hơi. Ho. Cô thủ thư tỉ mẩn giũa từng đầu móng tay đã được sơn nhũ rất đẹp.

Bước vào phòng, tự nhiên cô cũng thấy mọi cử động của mình gượng nhẹ hơn.

- Lâu lắm không thấy em đến. Vẫn là sách nghiên cứu à?

Cô thủ thư vồn vã cầm tấm phiếu độc giả từ tay cô.

- Sao em không ghi tên sách? Hay quyển bữa nọ em đang đọc dở Chị vẫn cất ở trong ngăn kéo đây này.

- Em biết không, người bạn trai của chị cũng biết em. Anh ấy không tin là chị đã được gặp em đâu nhé. Thực ra, từ trước chị cũng chẳng thể hình dung được đâu. Thú vị thật.

Cô nhìn vào bàn tay cô ấy đang mở rộng trên bàn. Một bàn tay dễ chịu với những đường  nét đơn giản và rõ ràng. Các ngón tay thuôn dài, không chai sần, không cứng cáp quá. Cô ấy vui vẻ:

- Em biết xem chỉ tay ư? Xem cho chị đi.

Cô cũng xoè bàn tay mình ra:

-Chị biết không, cái mà em không thuộc nhất là là lòng bàn tay mình.

Bàn tay dịu dàng của cô ấy áp nhẹ vào lòng bàn tay cô.

- Em tuyệt vời lắm, cô bé ạ.

Cô bỗng thấy như mình bé nhỏ lại, mong muốn một ai đó che chở, vỗ về…

Anh không đến. Vắng cả mấy cô bé nghịch ngợm thích quan sát chuyện của người lớn.

Cô tìm một cuốn sách nghiên cứu về âm nhạc. Nhưng chẳng đọc được chữ gì. Yên lặng quá.

 

 

Đứa trẻ bắt đầu cảm thấy thích thú với những buổi lên lớp của cô. Và cô cũng bắt đầu thấy ngồ ngộ với việc đề ra những bài toán về con muỗi. Đại loại như: “Có năm con muỗi ở trong phòng khách. Sau đó một con bay vào phòng ngủ và lại có ba con muỗi khác từ nhà bếp bay vào phòng khách. Hỏi trong phòng khách có bao nhiêu con muỗi?”.

Có hôm bố mẹ đứa trẻ đi vắng, nhờ cô trông coi nó cả ngày. Chưa bao giờ cô cảm thấy bận rộn như thế. Dẫn nó lòng vòng ra công viên đến mỏi dừ cả chân mà nó vẫn nhất định đòi đi nữa. Rồi ăn kem, ăn ngô luộc, ăn bánh xèo… Tất cả những gì mà nó thấy “hay hay mắt”. Để đến quá trưa thì bụng sôi òng ọc, nước mắt nước mũi dầm dề.

- Cô ơi, em đau bụng quá! Bụng em sắp “chín” rồi cô ạ.

Nửa khóc, nửa cười. Đành phải quành xe về nhà. Tìm  mọi cách dỗ cho nó ngủ. Cô buồn ngủ díp cả mắt mà đứa nhỏ vẫn mở mắt thao láo:

- Cô ơi, con muỗi đậu trên bóng đèn kìa. Cô đập đi cô.

Nhưng nói chung những lần ấy không nhiều và đều suôn sẻ cả. Đứa trẻ học khá lên trông thấy: “Cô biết không, cô ở lớp không biết ra bài về muỗi đâu” – “Cô ơi, hôm nay lớp mất điện. Có con muỗi cắn em đau ơi là đau…”.

Cô ít để ý đến nhà anh hơn. Bởi cô biết hầu như lúc nào nó cũng đóng cửa. Chỉ đến tầm chiều mới thấy bố anh đang tưới cho mấy cây cảnh ngoài ban công. Nhưng có một lần, dắt xe ra ngõ, đột nhiên cô nghe thấy những lời ca quen thuộc của Lionel Richie trong bài “Hello”.

“I have been alone with you inside my mind. And in my dreams I have kissed you’re a thousand times…”.

Ở nơi ấy, trên khung cửa nhỏ, anh đang lặng nhìn cô. Có phải mùa xuân đang đến gần đó không?…




VVM.09.9.2023-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com