Ô ng bác -anh ruột mẹ tôi là một y sĩ nổi tiếng ở Hà Nội. Ông cũng là một người sành ăn. Vì làm nghề y, chăm lo sức khỏe cho nhiều gia đình danh tiếng cũng như bình dân ở Hà Nội. Gặp gỡ và được mời ăn nhiều nên ông biết thưởng thức và chế biến nhiều món ăn đặc sắc của Hà Nội. Thời còn nhỏ, mỗi lần giỗ bà ngoại tôi, bác tôi, mẹ tôi cùng các cậu, các dì lại xúm vào lo bữa cỗ giỗ. Bác tôi tính cầu kì, ông bỏ cả ngày hôm trước để lo thực phẩm thật chu đáo, thật sạch sẽ vì làm ngành y nên ông rất am tường cách chọn và bảo quản đồ ăn, thức uống. Ông chế biến nhiều món cầu kì lắm. Thủa nhỏ, được về ăn cỗ giỗ bà ngoại tôi nhớ nhất mấy món lạ như súp vây cá mập, nấm hộp hầm cua bể, bê thui chấm tương gừng, món chè sen nhãn lồng tráng miệng…Những thứ mà chỉ ăn có vài lần trong đời nhưng nhớ mãi không bao giờ quên.
Bác tôi đã mất trên 20 năm nay, theo thường lệ cứ đến ngày giỗ, gia đình, anh em chúng tôi lại tập trung về nhà anh trưởng nơi đặt bàn thờ bác để thắp hương và cả nhà lại đầu tắt mặt tối làm một bữa cỗ thịnh soạn mời họ hàng. Nhà chật, trời mùa hè nóng. Đến ngày giỗ là phải trải chiếu phủ giấy báo xuống đất ngồi kín cả gian nhà. Người nọ ngồi sát người kia, ăn xong bữa cỗ thì mồ hôi vã ra như tắm và chân mỏi nhừ vì phải ngồi bó giò cả buổi. Đồ ăn, thức uống thì ê hề và tuyệt ngon vì các bà chị tôi vẫn giữ được các kĩ thuật mà ông bác tôi truyền lại, chỉ có cái khổ là nhà quá chật lại nằm trong ngõ giữa khu phố xưa của Hà Nội, có muốn dựng rạp cũng chẳng biết dựng vào đâu. Tuy chật, tuy nóng nhưng mỗi lần về dự đám giỗ bác tôi là các anh chị em chúng tôi đều cảm thấy đầm ấm, quây quần bên nhau. Bác gái tôi tuy đã trên 90 tuổi, chỉ ngồi một góc giường nhưng khi con cháu, họ hàng về dự giỗ trên nét mặt cụ vẫn rạng lên nét vui mừng vì được gặp lại họ hàng con cháu thân thương. Chúng tôi ngồi ăn uống cụng ly dưới sàn gạch hoa trải giấy báo và nhìn lên bàn thờ nghi ngút khói hương cùng bức ảnh ông bác hiền từ treo trang trọng trên bàn thờ. Ai cũng cảm thấy trong giờ phút thiêng liêng ấy cụ đang về với con, với cháu và gia đình. Mọi câu chuyện kỉ niệm vui buồn với ông lại tuôn ra như suối. Lũ trẻ con có đứa chưa hề biết ông là ai thì cứ nghệt mặt vểnh tai ngồi nghe và tự hào vì cụ mình là một thầy thuốc tài giỏi và thương người. Khi tôi kể những món ăn mà sinh thời cụ nấu nhân giỗ bà, nhiều người trong đám giỗ chẳng bao giờ được nếm. Thời kinh tế bao cấp, lương thực, thực phẩm khó khăn, các đám giỗ bà tôi hồi ấy rất bình dị. Chẳng ai truyền lại cho con cháu cách nấu nướng của bác tôi, mẹ tôi thủa ấy. Mà có muốn truyền thì lấy đâu ra vây, ra bóng, cua bể, tôm he để nấu. Nay kinh tế khấm khá hơn, có tiền vào siêu thị mua gì chẳng có nhưng chẳng được ăn, chẳng được học nấu thì làm sao mà nấu được?
Chiều qua, tôi mang đồ lễ đến dự đám giỗ bác như thường lệ mọi năm. Lạ thay, vào đến cuối ngõ mà chẳng thấy tiếng cười nói ồn ào. Chẳng thấy xe pháo của mọi người đâu cả. Bước chân vào nhà, bà bác gái tôi vẫn thui thủi ngồi một mình trên góc giường. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, một mâm quả lớn và hơn chục bát chè sen lồng nhãn cùng dăm chai rượu ngoại. Bà chị tôi từ dưới bếp chạy lên nói nhỏ: “Cậu thắp hương đi rồi sang nhà hàng cạnh chùa Quán Sứ, mọi người đang chờ bên ấy. Chị chia chút lộc hoa quả rồi sang sau”.
Tôi bắc ghế trèo lên thắp hương khấn bác, chào bác gái đang ngồi bất động trên giường, rồi theo chỉ dẫn lên tầng 3 của một nhà hàng sang trọng vách tường lát toàn kính trong suốt.
Qua hai tầng cà phê giải khát máy lạnh mát rượi, tôi lên tầng 3. Bàn ghế đã sắp đầy đủ, khăn bàn trắng tinh, các món đã dọn lên. Trên tường một TV màn hình phẳng khổ lớn đang sôi nổi truyền trận đấu bóng chiều nay. Bố tôi, cậu tôi và các dì, các cháu đã khá đông đủ. Người thì trò chuyện, người thì dán mắt lên màn hình. Ông anh trưởng đã có mặt từ trước nhưng mọi người muốn chờ cho đông đủ cả nhà rồi mới bắt đầu.
Nửa tiếng sau bà chị tôi và các dì mới đến đủ. Cả nhà nâng cốc và các nhân viên nhà hàng ăn mặc đồng phục áo in hoa trên nền vàng như ở xứ Hawai Hoa Kì bê đồ ăn được trang trí cầu kì như trong các tiệc cưới hay các bữa ăn sang trọng. Đèn màu lắp trên những chùm lá thông giả cùng những quả chuông nhỏ bằng nhựa treo trên trần nhấp nháy tỏa sáng. Bóng điện xoay loang loáng gợi cho ta không khí của một vũ hội.
Mọi người nâng cốc và trò chuyện
Phòng mát lạnh
Tiếng thuyết minh và hình ảnh cuộc đua thuyền trên sông ồn ào
Tôi ngồi thẩn ra và nhớ bác tôi. Hình ảnh ông như hiện về đâu đây.
Ước gì trên màn hình lúc này có một đoạn phim dù chỉ một phút ghi cảnh nào đó về sinh thời của ông: Đạp chiếc xe cà tàng với tiếng chuông reng reng đến từng nhà trẻ, mẫu giáo và ngõ hẻm để tiêm chủng, để khám chữa cho trẻ con nhà nghèo…
Bác ơi!
Đám giỗ bác hôm nay sang thật nhưng hơi “lạnh” Bác ạ.