Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


KẺ NGỤ CƯ



                         

B a ngày nữa thì đến rằm tháng giêng. Trời vẫn rét buốt. Gió bấc như lưỡi dao cạo lạnh giá cứa vào da thịt. Trên cây sào gác góc chái nhà, chiếc giò sỏ còn một nửa, cứng ngắc, hai chiếc bánh chưng tày vắt ngang như hai chày giã cua.

Lão Tẻ bước ra sân, mong manh tấm áo cũ. Lão gồng mình, lên gân. Xương cốt kêu răng rắc. Cúi xuống chum nước, mấy cánh đào phai rụng rơi đầy. Những vảy hồng lấp lánh màu má sơn nữ, làm lão nhớ những ngày gian lao nhưng vui vầy ở sơn trại. Rét thế này thấm gì rét rừng Yên Thế.

Chiếc gáo dừa múc lên làn nước lạnh băng, lẫn mấy cánh đào hồng nhạt. Nước chảy tràn bàn tay vuông vức, to bè, vỗ lên khuôn mặt rậm rì râu quai nón. Lão ngẩng đầu, nhìn về phía sông Lô xa xa. Bên kia bờ là núi Sáng xanh ngắt, trải dài tựa lưỡi hái nằm ngược. Lão mở miệng ngâm nga, làn hơi trắng mỏng bay ra từ cổ họng.

Sáng ra trông núi Sáng hờ ơ hờ.
Nhìn hoa vàng lại nhớ Hoàng Hoa ư ư ư ừ.

Bọn tuần đinh đi qua thường nghe lão hát câu này.

Ông trương tuần Bích có nghe lão hát câu này.

Lý trưởng chưa nghe thấy lần nào, nhưng được nghe hạ bộ báo lại cả trăm lần, nên cũng thuộc câu hát này. Họ cho rằng lão Tẻ là tàn quân của Đề Thám, mới bị vỡ trận bên núi Sáng hồi ba năm trước.

Dân làng Đá Rống năm ấy thấy một gã trung niên ngoại tứ tuần, người cao lớn vạm vỡ, lưng quảy tay nải đến xin tá túc trong quán nước đầu làng. Ông ta nói gia đình tan đàn, sẻ nghé, đi tìm việc làm thuê. Đang mùa trồng sắn, mấy nhà phú hộ cần người cuốc đất, thế là gã kiếm được cơm ăn. Kẻ ngụ cư không xưng tên, cũng chả ai hỏi han điều đó. Làm khỏe, ăn khỏe, nhưng ưa của nếp. Cơm nếp càng quý, còn xôi sắn pha chút gạo nếp thì càng thích. Đi làm thuê, lúc nào gã cũng xách theo mo xôi sắn trộn nếp bằng bắp đùi. Mọi người gọi lão là ông Giảm Tẻ, sau gọi tắt cho gọn là lão Tẻ, bác Tẻ, anh Tẻ…tùy theo trang lứa. Lão Tẻ ngày đi cuốc đất thuê, đêm về dạy võ cho mấy chú trai làng. Hồi ấy trộm cướp như trấu, đội dân vệ của làng nhờ võ của lão Tẻ mà đuổi được mấy toán cướp. Bởi vậy Lý trưởng cũng nể, không báo lên quan Pháp mấy câu hát của kẻ nghịch đảng. Chuyện đến tai Chánh tổng Lai, cụ cũng khuyên Lý trưởng: “Thôi! Nó đã hoàn lương. Cứ để ngụ trong làng phòng khi hữu sự”. Thực tình thì các cụ cũng đề phòng “chó cùng cắn giậu”. Họ ngại sức vóc và thập bát môn võ nghệ của lão Tẻ. Con trâu đực điên bên làng Chò húc ngã mấy người, trai tráng vứt bỏ nùi lửa, thang tre chạy tán loạn. Một mình lão Tẻ dám đón đầu, cầm hai sừng trâu quật đánh oạch một cái. Con trâu chết ngắc. Vậy thì đám trương tuần lẻo khoẻo vì thuốc phiện là gì với nó. Đi cuốc đất thuê, lão Tẻ cũng thửa lưỡi cuốc riêng. Cuốc của lão rộng hai tấc, dài ba tấc rưỡi. Mỗi vầng đất cuốc lên to bằng chiếc nón. Chủ nhà nào tử tế, lão cuốc đến đâu đập đất đến đó. Nhà nào tệ, đất nằm lổm nhổm như trâu con, mấy hôm là cứng như đá. Lại phải lần nữa thuê lão đập ra.

Chị thẽm Hợi (*), mới sáng ra đã mang đến cho lão Tẻ đĩa bánh chưng rán. Những khoanh bánh tròn bằng miệng bát, vỏ ngoài cháy vàng, thơm khét, làm lão Tẻ nuốt nước bọt. Chị thẽm Hợi bả lả.“Nhà bác xơi cho nóng. Cày xong nương đất bốn sào khéo quá trưa. Hôm nay em nấu thêm nồi bánh chưng sắn, lúc nào cày xong mời bác một bữa”. Trong làng, qua Tết người ta thường gói thêm nồi bánh chưng sắn. Chọn loại sắn bở, bóc vỏ ngâm nước cho hết nhựa, rồi băm nhỏ từng miếng như quân cờ, trộn thêm bát gạo nếp, gói bánh chưng. Bánh này để ra giêng ăn sáng, lấy sức cuốc đất.

Lão Tẻ cặp mắt sáng rỡ. Gì chứ bánh chưng sắn là món khoái khẩu của lão. Chị thẽm Hợi cười, hàm răng hạt na đen nhức. “Nương sắn nhà em, góc trong có mấy cục đá ngầm, bác lựa bò đi cẩn thận kẻo gãy cày như chơi. Cày tới càng hay, không thì để lại sau này cuốc góc”. Lão Tẻ cười hiền lành. “Tôi cày hai bò. Chắc đi hết góc”. “Rét mướt thế này. Nằm mình lạnh chết. Sao bác không đón một đám về ở chung?”. Lão Tẻ cầm ngang đôi đũa, chùi mép. “Một thân một mình. Nay đây mai đó. Ở với ai cho khổ người ta thêm hả chị”. “Nhiều người muốn khổ với nhà bác mà không được đấy”. “Ai mà rồ dại thế?”. Chị thẽm Hợi bước ra cổng, chép miệng. “Rồ dại thế nên mới khổ bác ạ!”. Lão Tẻ nhìn theo đuôi chiếc khăn mỏ quạ ngúng nguẩy, cặp mông căng tròn trong cạp váy đen, thở dài. “Gái một con trông mòn con mắt”. Chồng làm nghề sơn tràng, ngã nước chết hai năm nay. Mấy đám đánh tiếng rồi sao nhà ấy không đi lấy chồng cho đỡ khổ.

Lão Tẻ vác cày ra đồng. Chiếc cày này lão cũng tự làm lấy, to gấp rưỡi cày thường để mắc được hai bò một lúc. Cày một bò, chậm quá cuồng chân lão không chịu được.

Ngoài đình thùng thùng trống ngũ liên. Ba ngày nay làng mở hội vật, lão biết phận mình là dân ngụ cư, không bén mảng. Làng Đá Rống có tục mở hội vật mùng 10 tháng giêng. Lý trưởng sức giấy mời các đô vật khắp nơi về giật giải. Năm nay nghe đâu giải to, hẳn một con bò mộng. Từ ngày lão Tẻ về ngụ cư ở làng, chưa năm nào được mời dự giải. Cũng có người nhắc đến lão, Lý trưởng gạt đi. “Nó là dân ngụ cư. Không được!”.

Lão Tẻ mắc bò, gióng cho thẳng hai sợi thừng từ mũi bò ra sau đuôi cày. Lão cất giọng. Vắt rừ..ừ…ừ. Rồi thong thả bước theo luống đất ẩm ướt lưỡi cày vừa lật lên thẳng tắp. Đôi bò nhẹ vai lội ào ào, lão Tẻ nhảo theo oàm oạp. Tới đầu luống, lão vắt rừ nhẹ, một tay nhấc bổng vai cày ném theo đít bò.

Tiếng trống hội vật tắt ngủm. Chắc hội xong rồi. Ba ngày nay bên Đông, bên Đoài về sới khá đông. Không biết đô vật nào giật giải. Thây kệ bố hội vật. Lòng lão không một li, một lai tơ tưởng.

Sáng ra trông núi Sáng…ờ hờ
Nhìn hoa vàng lại nhớ…

Lão lại hát, không ngước mắt lên nhìn về núi Sáng, mặt đang cắm theo rõng cày. “Bác Tẻ! Ới bác Tẻ!”. Tiếng người gọi gấp gáp. Nhìn lên bờ thấy mấy chú tuần đinh tay thước, tay gậy đứng lố nhố. Lão Tẻ chột dạ. Có vạ gì đây? Họ! Lão dừng bò. “Việc chi đó mấy bác?”. Trương tuần Bích khăn quấn đầu xổ tung, vội chạy theo luống cày. “ Ới bác Tẻ! Lý trưởng và các cụ trong làng bảo tôi ra kêu bác về ngay”. Lão Tẻ vẫn chôn chân sau đít bò, giương mắt lên vẻ dò hỏi. Trương tuần Bịch thở hào hển. “Làng mất giải tới nơi rồi”. “Đâu phải tại nhà cháu!”. Lão Tẻ tỏ vẻ bực bội. Lão liền quay lại cầm cày. Trương tuần Bích cuống lên, chạy theo, vấp phải bụi cỏ, ngã chổng kềnh. Phủi đít đứng được lên, tay trương tuần lu loa. “Bác đừng có bỉ mặt các cụ trong làng nhá. Các cụ mời bác về giữ giải cho làng, chứ ai bắt vạ nhà bác”. Lão Tẻ hiểu ra. Dừng đôi bò, lão bước lên bờ. “Năm nay làng thua à! Sới nào mà tợn thế?”. Bọn trương tuần nhao nhao tranh kể. Rằng thì là, mọi năm làng đều giữ được giải, đô Trượng và đô Lâu cho lấm lưng, trắng bụng hết sới này đến sới khác. Năm nay không ngờ có đô vật bên sới Đoài một mình chèo thuyền qua sông Hồng sang hôm qua. Thấy mọi người gọi nó là ông Trâu con. Nó khỏe lắm bác ạ. Đô Trượng làng ta sức mạnh là thế, vừa mới bắt tay tư xong, nó đã cho ngã kềnh. Giời ạ! Kể lể nhiều lắm mấy. Bác Tẻ về ngay đi. May ra chỉ có bác trị được thằng Trâu con thôi. Lão Tẻ gãi đầu. “Nhà cháu võ vẽ dăm ba miếng phòng thân. Có biết vật vã thế nào. Thôi để nhà cháu cày cho xong, kẻo chị Thẽm Hợi trừ công thì chết”. “Không! Nhất định bác phải về. Chúng tôi van bác đấy. Bác không thích vật, nhưng cũng nên nể làng ta ba năm nay đùm bọc bác chứ”. Đến nước này thì khó từ chối. “Nhanh lên bác ơi! Sắp hết giờ Tị rồi. Thằng Trâu con ngồi khoanh chân giữa sới. Chỉ chờ sang Ngọ là nó dắt bò xuống thuyền”.

Lão Tẻ tháo bò, dắt lên bờ. Cởi đôi chạc cày, lão túm bốn chân bò lại, buộc chéo. Hai con bò giãy giụa, kêu ò ò như sắp bị giết thịt. Đám trương tuần tròn xoe mắt hốt hoảng. Lão Tẻ xỏ cái bắp cày làm đòn, gánh hai con bò chạy băng băng về làng, đằng sau lốc nhốc đám người chạy theo. Chỉ kịp rửa chân tay qua loa, lão Tẻ lục tay nải tìm chiếc khố. Vắt chiếc áo trên vai, lão xách theo hai đòn bánh chưng to, vừa đi vừa bóc. Đến đình làng, cũng vừa lúc lão ăn hết hai đòn bánh.

Bãi cỏ trước sân đình đông nghịt người. Cây đa cổ thụ ba thân chống xuống đất, cành lá xum xuê che kín một góc bãi. Người ta dùng cây tre đóng cọc cao ba thước, buộc gióng ngang xung quanh thành cái sới vật rộng chừng mười thước vuông. Giữa sới, lù lù một thân người to lớn ngồi chỗm chệ. Đô vật Trâu con từ hôm qua tới giờ không có đối thủ, nên khoanh chân ngồi xếp bằng giữa chiếu, chờ lĩnh giải. Đám đông ngoài kia, những ánh mắt thán phục pha lẫn uất ức chiếu vào kẻ ngạo mạn. Trong đình, các cụ già vây quanh Lý trưởng, thở dài thườn thượt.

Nghe tin lão Tẻ ra đình, hàng trăm tiếng reo òa lên. Lý trưởng lật đật chống gậy bước ra. “Này anh Tẻ! Nếu nhà anh giật lại giải vật cho làng, nhất định làng cưới vợ cho. Nhẩy?”. Lão Tẻ không nói năng gì, lấy khố ra đóng. Lão thuận tay vít cành đa thấp to bằng bắp chân, định vắt chiếc áo lên. Cành đa gãy răng rắc. Mọi người trợn mắt nhìn. Trong sới, đô Trâu con cười mỉm. Lão Tẻ vừa khoanh tay cung kính vái dân làng, đô Trâu con cũng uể oải đứng dậy. Anh ta thò tay nắm lấy một cây tre to buộc làm gióng ngang, lên gân bóp vỡ rôm rốp, đoạn dùng ngón tay tước lấy một mảnh nhỏ, bẻ làm tăm xỉa răng. Dân làng lắc đầu, le lưỡi.

Trống ngũ liên lại thúc lên từng hồi. Thùng thùng, thùng thùng thùng. Sới đã có người đến thách vật. Giải thưởng chưa biết về tay ai. Con bò mộng vàng vẫn đủng đỉnh gặm cỏ ngoài bãi. Dân làng lại bu đen bu đỏ quanh sới vật. Lũ trẻ con cãi nhau chí chóe, cố len vào đứng sát hàng rào tre. Lâu nay dân làng biết một lão Tẻ cày thuê cuốc mướn, chưa ai được nhìn thấy thân thể của lão. Tấm thân trung niên vạm vỡ, múi thịt cuồn cuộn làm đô Trâu con phải giật mình cảnh giác. Trống giục hai đô vật se đài. Đô Trâu con xuống tấn, khuỳnh chân, múa tay đi một lượt se đài đẹp mắt. Lão Tẻ khoanh tay trước ngực, đứng nhìn. Lý trưởng đứng trên sân đình, chọc chọc cây ba toong lo lắng. Thằng bỏ làng kia. Nó không biết se đài. Thế thì vật nỗi gì. Ôi thôi! Năm nay làng mất mặt rồi.

Trong sới, hai đô vật đang bắt tay tư. Lão Tẻ nắm bắp tay đối thủ, thấy gân cốt khá chắc. Lão hít một hơi, vận sức, rồi khẽ đẩy Trâu con về phía sau. Trâu con lùi lại một bước. Lão Tẻ lại lôi đối thủ về phía mình, thấy Trâu con bước theo hai bước. Lão mỉm cười, ghé tai Trâu con hỏi nhỏ.“Nhà anh muốn ngã nặng hay ngã nhẹ đây?”. Trâu con mím môi, mắt long sòng sọc. “Tùy sức nhà anh!”. Lão Tẻ gật đầu, chuyển thế. Đô Trâu con nhanh như cắt, bước sang phải, dùng chân trái tạt khoeo lão Tẻ. Lão xoay người tránh được. Trâu con buông hai tay khỏi vai lão, luồn nhanh xuống ôm chặt thắt lưng đối thủ. Đầu Trâu con cúi thấp, chỏi vào vồng ngực lão Tẻ, hai tay xiết mạnh. Với miếng này, nếu đối thủ trụ không chắc sẽ bị quật ngửa, trắng bụng. Nhưng lão Tẻ xuống tấn rồi. Gót chân phải của lão đạp lên một chiếc rễ đa trồi lên mặt đất. Chiếc rễ gãy tan, lún xuống cả tấc. Trâu con lại thốc cánh tay phải qua đùi lão Tẻ, định bốc lên. Lão tẻ nghiến răng, nắm chặt eo Trâu con nhấc cao ngang đầu. Vèo một cái, lão ném Trâu con về phía sau. Đô Trâu con bay qua hàng rào, rơi xuống đất, lộn đi mấy vòng mới ngồi dậy được.

Tiếng hò hét, tiếng vỗ tay dậy lên như sấm. Lý trưởng quên cả thể diện, nhảy choi choi giữa sân đình, đôi guốc mộc văng mỗi chiếc mỗi nơi. Sau hội vật đó, lão Tẻ được làng công nhận là dân Đá Rống chính thức. Lý trưởng giữ lời hứa, đi hỏi vợ cho lão. Chẳng phải ai xa lạ, chính là chị thẽm Hợi.

Năm Ất Dậu. Đói khủng khiếp. Thây người nằm rải rác theo đường số 2. Làng Đá Rống không có người chết đói vì còn hai cánh rừng. Măng tre, măng nứa, củ chuối rừng, củ mài…đã cứu dân làng qua đận ấy. Mẹ con chị cu Hợi nhờ có ông chồng hộ pháp mà ăn uống cũng khá hơn. Bây giờ người ta gọi chị là chị cu, vì đã sinh thêm thằng con trai với lão Tẻ. Lão Tẻ lặn lội vào rừng sâu, đào những củ mài dài hàng thước. Củ mài so với măng tre rõ ràng là sơn hào.

Buổi chiều hôm ấy, mấy bà trong làng bỗng tru tréo méo giật lên. “Bớ làng nước ơi! Vỡ kho thóc Nhật dưới ga Tiên Kiên rồi. Bớ làng nước ơi!”. Cả làng sôi sùng sục như sắp có đám cướp. Những dáng người lảo đảo, chạy ngược xuôi, tán loạn như ong vỡ tổ. Tiếng đàn ông, đàn bà giục giã. Tiếng trẻ con kêu khóc. Não ruột. Những người còn chút sức lực bắt đầu tập trung kéo về Tiên Kiên. Quãng đường chỉ tám cây số mà xa như sang sứ Tàu. Người mang quang gánh, kẻ thúng mủng, có bọn mang bao tải. Nhà nào rách quá thì mấy chiếc rá hay nón lá cũ. Họ nhập vào đoàn người đi cướp kho thóc.

Lão Tẻ chẳng mang thứ gì. Bảo vợ ninh cho một nồi củ chuối, lão chấm với muối ăn tròn bụng, rồi nhảo một mạch xuống ga. Người ở đó đông như kiến cỏ, bụi bốc mù trời. Từng hàng bao thóc xếp cao ngất tận mái kho. Mấy gã đàn ông trèo tót lên cao, lăn từng bao thóc xuống. Mấy mụ đàn bà lúi húi hốt thóc đổ bên dưới. Quang cảnh thật là hỗn độn. Chân đống bao thóc bị moi thành hàm ếch, phía trên bất ngờ ụp xuống. Tiếng người la hét lẫn trong bụi mù ngạt thở. Có tiếng đàn bà nheo nhéo kêu cứu trong đống bao thóc, nhưng chẳng ai để ý. Lão Tẻ xông vào, ghé vai nhấc cả bao thóc một tạ lên, loạng choạng bước ra. Đến gần sáng thì lão về đến nhà, ném bịch bao thóc xuống đất, ngồi lên trên thở dốc. Sáu con mắt sáng rực của vợ con nhìn vào lão, đầy sự biết ơn.

Sáng hôm sau, lão Tẻ đang trần lực giã cối gạo đầu tiên thì nhà có khách. “Thưa thầy. Thầy có khỏe thường không ạ?”. Lão quệt mồ hôi, ngước lên nhìn. Hai người đàn ông đội mũ nan, đeo túi dết, quần áo nâu buộc túm cổ chân, đứng trước cổng. Lão Tẻ nhận ra hai học trò mình từng dạy võ.“Ồ! Anh Tâm. Anh Quyết. Lâu nay bỏ đi đâu tôi không gặp?”. “Chúng con theo Việt Minh kháng chiến thầy ạ”. Sẵn có gạo, chị cu Hợi nấu cơm đãi khách. Cơm trắng ăn với muối ớt mà thấy ngon hơn cả yến tiệc vua ban ngày xưa. Hai người học trò nói chuyện về đường lối đoàn kết nhân dân chống Pháp của Việt Minh. Họ nói với lão Tẻ . “Nếu có thầy hướng dẫn. Chắc lực lượng Việt Minh nhiều người được học võ. Có nghĩa là thêm nhiều sức mạnh để đánh Pháp”. Không biết Việt Minh, Việt Quốc là thế nào. Nhưng nói đến đánh Pháp là lão Tẻ ưng ngay. Chẳng phải một thời lão theo cụ Đề làm việc đó hay sao. Lão dặn vợ ở nhà tần tảo nuôi hai đứa con, đừng để chúng đói khổ. “Tôi theo Việt Minh, khi nào có điều kiện thì ghé thăm nhà”. Chị cu Hợi, nước mắt lã chã, lẳng lặng chuẩn bị cho chồng một ruột tượng đầy gạo. Hôm sau, lão Tẻ theo hai người kia ra đi. Vẫn chiếc tay nải khoác vai như ngày lão mới đến làng Đá Rống.

Mấy năm sau, nghe tin quân Pháp đã thua. Có những người làng theo kháng chiến lác đác trở về. Nhưng hai anh Tâm, Quyết và lão Tẻ thì mất dạng. Hỏi thăm tin tức về họ, những người mới về bảo không biết. Chị cu Hợi dắt hai đứa con ra đầu làng ngóng chồng. Suốt ba năm trời, không thấy bóng dáng lão Tẻ trở lại. Người nhà bảo chị, khéo lão chết rồi. Thôi thì lấy ngày lão đi theo Việt Minh mà làm ngày giỗ cho lão. Chị nhất định không chịu. Khi làm khai sinh cho con trai, chị cu Hợi chợt nhớ chưa bao giờ hỏi họ tên thật của chồng. Quen miệng theo dân làng, chị cứ gọi chồng là ông Tẻ. Nhớ lại câu chồng hay hát.

Sáng ra trông núi Sáng.
Nhìn hoa vàng lại nhớ Hoàng Hoa.

Chị cu Hợi lấy họ Hoàng cho chồng, đặt tên con là Hoàng Văn Nếp, cũng là để nhớ cái tính thích ăn cơm nếp của cha nó.

Cây đa trước sân đình mọc thêm một cái rễ mới, cắm thẳng xuống đất. Từ nơi cành đa bị lão Tẻ bẻ gãy, năm có hội vật tháng Giêng.  

Chú thích (*): Người Phong Châu gọi những cặp vợ chồng có con trai đầu lòng là Anh cu, chị cu. Có con gái đầu lòng thì gọi là Anh thẽm, chị thẽm.




VVM.09.9.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .