Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHIM SÁO SỔ LỒNG



                         

T rống trường vừa dứt một hồi dài. Tiếng ve trên tán phượng đỏ cũng im bặt chờ cho xong nhịp trống cuối cùng rồi mới òa lên, râm ran. Chỉ hai mươi phút sau, các lớp tiểu học đã ra cổng hết. Bọn trẻ líu lo chào chau, vẫy tay, rồi ngồi lên xe của người nhà. Có đứa khá hơn thì đã sẵn tắc xi quen chờ rước. Cuối cùng, chỉ còn lại một đứa trò gái lớp Tư, vai mang ba lô, cổ quàng khăn đỏ, đứng lấp ló bên bốt gác của chú bảo vệ.

-Đứng lui vô trong nầy cháu! Coi chừng xe máy trèo lên hè đường nghen!

Chú bảo vệ dặn dò con nhỏ. Nó dạ khẽ, nhưng vẫn đứng bên ngoài, ngóng cổ nhìn về phía trái đường phố, nơi mẹ nó sẽ xuất hiện. Miệng nó chúm chím cười một mình. Hôm nay vui, vì cô giáo khen nó điểm tổng kết cuối năm học xếp loại giỏ. Nó bỗng nổi hứng, hai tay kéo xòe mép váy đồng phục, chân nhún nhảy, người lắc lư theo nhịp hát:

Ai xui/ mà con sáo/ cái mà sang sông/cái mà sang sông…
Để cho cái mà con sáo. Sổ lồng cái mà bay xa…
Túm tóc cột đuôi gà đằng sau cũng nhảy nhót thiệt đẹp mắt.

Mỹ Nhung dừng xe máy, ngỡ ngàng nhìn con gái đang múa hát. Nó lớn thiệt rồi, có cái vẻ thiếu nữ dù mới 10 tuổi. Trời ơi! Cặp chân mày rậm, cái cằm chẻ giống y chang ba nó. Chị chùi nước mắt. Thương đứa con gái chưa một lần gặp mặt ba đẻ. Từ năm lên ba, con gái đã hỏi mẹ. “Ba đâu?”. Chị chỉ biết trả lời, rằng ba đi làm xa.

-Mỹ Hạnh! Về thôi con!

Con bé hớn hở:

-Mẹ tới rồi hả! Con xếp loại giỏi học tập nhen! Bữa nào tổng kết được giấy khen đó mẹ!

Nó nhảy chân sáo tới bên mẹ, nhanh nhẹn trèo lên xe. Mỹ Nhung cũng cười vui, quên cả cái nóng bức dọc đường mà mồ hôi rịn ướt sao lưng áo.

-Con gái mẹ giỏi quá! Hôm nay mẹ thưởng ăn cơm tiệm. Con muốn ăn gì?

-Ô ze! Thịt ba rọi nướng, cơm chiên đi mẹ!

Trời ơi! Lại món thịt ba rọi nướng. Chị chưa bao giờ nói cho con gái hay, rằng trong người nó đang mang hai dòng máu Hàn-Việt. Rằng ba nó họ Pắc, người Hàn quốc. Nhưng từ ý thích ẩm thực rất nhỏ đó, hình như nó cũng mang gien bên nội. Chị cay đắng nhớ lại những vui buồn từ món ăn này. Cũng vì nó mà chị và ba Mỹ Hạnh đã chia tay nhau trong xót xa.

Cách nay mười năm, Công ty N.M.G của Hàn Quốc mới tới Việt Nam, Pắc Chung Hel sang làm cố vấn xây dựng. Sau này quen và yêu mẹ Mỹ Hạnh mới đổi tên là Pắc Hùng. Ừa! Pắc Hùng, cái tên lai ghép giữa Hàn-Việt. Nghe cũng gần gũi. Pắc Hùng từng yêu mê mẩn những làn điệu Lý dân ca, nhất là được hát ra từ cặp môi hồng của cô gái miệt vườn mười chín tuổi. Ông Giám đốc điều hành chọn Mỹ Nhung làm công việc tạp vụ, không biết do cố tình hay hữu ý. Chứ khách tới liên hệ mua hàng linh kiện điện tử, hầu hết là đối tác nước ngoài, vừa tới văn phòng đã gặp một cô gái miền Tây da trắng, tóc dài, cao một mét sáu lăm, đẹp tới từng centimet, thì không khỏi ngưỡng mộ, có cảm tình. Mỹ Nhung nói với Pắc, quê cô ở Tiền Giang, nơi có những điệu Lý dân ca rất dễ thương. Pắc lúc bấy giờ muốn học dân ca Nam Bộ mà vốn từ vựng tiếng Việt còn ít quá.

-Xa mô nim! Tôi muốn hát!

Pắc Chung Henl lúng túng chọn giữa cách xưng hô với Mỹ Nhung, không biết gọi cô là A ca xi (cô) hay Xa mô nim (qúy bà). Cuối cùng thì anh chọn “quý bà” cho lịch sự. Dù sao mình cũng muốn cô ấy dạy hát. Nhìn cô gái nhình hơn mình một cái chỏm tóc, Pắc hơi ngại, nhưng nụ cười cởi mở của cô đã giúp anh tiến tới. Họ đã hẹn nhau một bữa cơm theo kiểu Hàn, do Pác mời. Thịt heo ba rọi nướng và kim chi đỏ những ớt.

-Anh muốn học hát hay tiếng Việt?

-Vâng! Pắc giơ cả hai ngón tay.

-Trong nầy người ta dạ chứ không vâng!

-Vâng….Dạ!

Mỹ Nhung cười giòn tan. Cảm thấy thích khuôn mặt vuông và cặp mắt ngơ ngác sau cặp kính cận của Pắc.

-Anh có bà xã chưa?

Pắc lắc đầu, không hiểu.

-A ne ấy! Vợ!

-À à! Vợ…Ly hôn rồi!

-Có con chưa?

-A tưn! Con trai! Nhưng theo mẹ!

Họ thỏa thuận với nhau, rằng Mỹ Nhung sẽ dạy Pắc mấy điệu Lý Nam Bộ, kèm thêm tiếng Việt, đồng thời cô sẽ học lại tiếng Hàn. Tính tuổi, thì Pắc lớn hơn Mỹ Nhung 16 tuổi, có thể gọi là cha-kưn-a-bơ-chi (chú), nhưng thôi gọi là hơng chê (anh em) cho tình cảm.

Cuối ngày, khi tới dọn dẹp văn phòng, Mỹ Nhung ngạc nhiên thấy Pắc đang ngồi gác chân lên bàn làm việc, chụp tai nghe và mê mải hát theo:

Ở ơ ở! Ai xui mà con sáo, cái nó sang sông, cái nó sang sông.
ở ơ! Cho nên cái mà con sáo. Ở ớ ở ớ sổ lồng cái kìa bay xa, cái kìa bay xa.
Cái lý sông mã, cái lý xàng xê…Đôi ta về…

Tiếng cười của cô tuy giòn nhưng nhẹ.

-Ô Pa! Khá rồi! Khi nào rảnh dạy lại em một bài dân ca Hàn nha!

Ngón tay cái giơ lên cùng một nụ cười chân chất.

Mấy đứa bạn ở cùng phòng trọ, ngạc nhiên thấy Mỹ Nhung hay hát líu lo trong khi tắm và ủi đồ.

“A riang! Gô ge rô no/ mơ gan đa. Na rưl bo. Ri gô ka/ Sơ nưn ni mưn…”

-Mầy hát tiếng Miên hả Năm Nhung?

-Hông! Tiếng Hàn!

-Hi hi! Bộ sắp lấy chồng Hàn! Đổi đời à nha!

Ừa! Mình lấy chồng Hàn hổng chừng. Anh Pắc hiền và rất chăm chỉ. Lại hông biết thuốc lá và cà phê. Không thể đem so sánh với mấy anh hai lúa quê mình tối ngày nhậu mát trời ông địa.Khi Mỹ Nhung đem bài dân ca A riang nhờ phiên âm qua tiếng Việt cho dễ nhớ, thì tình yêu cũng nảy nở giữa hai người. Một chiều mưa chủ nhật, ấm cũng trong một nhà hàng kiểu Hàn, họ cùng ăn jap chae, một món miến trộn. Mỹ Nhung ngồi đối diện Pắc, cầm tay nhau và hát A riang bằng tiếng Việt.

Mỹ Nhung đồng ý làm đám cưới. Cô xin chồng được mở tiệc cưới tại quê nhà. Mướn dịch vụ dựng rạp, nấu cỗ đãi họ và dân làng chứ không thuê nhà hàng trên thị xã. Sau một ngày đãi đằng khách khứa, Pắc thuê xe đưa vợ trở lại ngay thành phố. Chú rể không chịu nổi khí hậu mùa khô hanh, nóng nực, mà nhà má vợ đâu có máy lạnh. Tiền mừng đám cưới, sau khi chi trả các khoản, còn dư được mười triệu, Mỹ Nhung đưa hết cho má, rồi theo chồng đi liền.

Năm sau, hết hạn hợp đồng lao động, Pắc Hùng đưa vợ về xứ. Quê anh thuộc một tỉnh phía Bắc Hàn Quốc, một vùng đồi núi trập trùng, giá lạnh và xa lạ. Mãi sau này cô mới biết được đây là “do” Jeolla, một tỉnh thuần nông nghiệp. Pắc dẫn vợ về nhà bằng chiếc xe hơi cũ thuê từ tỉnh lỵ, không có ai ra đón tiếp nồng hậu như ở miệt vườn miền Tây. Cô cúi gập người chào bà mẹ của Pắc Hùng:

-Umma!

“Chỉ có vậy thôi sao?”, bà già gầy quắt có ánh mắt xoi mói, lạnh nhạt như thầm hỏi về cô con dâu khác xứ, rồi gật đầu, chỉ cho cô căn phòng cũ nhưng khá ngăn nắp. Hóa ra Pắc Hùng là một người rất sợ mẹ. Anh đã từng kể về người cha bạc bội đã bỏ hai mẹ con mà đi, khi Pắc mới bốn tuổi, nhưng chưa nói về ảnh hưởng của người mẹ đối với cuộc đời mình thế nào. Có lẽ sự hi sinh tất cả cho con, đã khiến mẹ anh trở thành một quyền vương đối với con trai mình, dù Pắc đã gần bốn mươi tuổi. Anh nhất nhất nghe lời mẹ, không bao giờ cãi lại. Vì vậy sau một tuần có nhau, vợ chồng Mỹ Nhung đã bị “chia cắt” vì sự tính toán của bà mẹ. Theo đó, Pắc Hùng sẽ lên quận Umisi làm kỹ thuật cho một Công ty trồng nhân sâm. Còn Mỹ Nhung sẽ ở nhà, phụ trách khu trại trồng ớt của gia đình. Trước kia bà già vẫn phải thuê người làm, nay có con dâu Việt là người nhà quê nên có người làm. Việc nhà nông Mỹ Nhung không ngán, chỉ ngán cảnh từ sáng đến tối chúi đầu lẳng lặng làm việc theo chỉ dẫn của mẹ chồng. Ớt ở đây trồng trong nhà kính, tránh tuyệt đối sự ô nhiễm không khí và không dùng thuốc bảo vệ thực vật phun bừa bãi như bên Việt Nam. Công việc cũng nhẹ, chỉ xới xáo, bón phân, xử lý hệ thống tưới tự động, vậy mà cuối ngày hai chân cô mỏi nhừ, vì lán trại rộng mênh mông. Một lần lỡ tay làm gãy một cây ớt non, bà già giận dữ nhìn như muốn xé thịt cô ra.

-Oe yo? (Tại sao?)

Mỹ Nhung hoảng hốt, cuống quýt không biết nói sao. Thực lòng cô cũng không hiểu tại sao cây ớt bị gãy và gãy lúc nào? Nó nằm gục, nhựa trắng ứa ra nơi khúc thân bị gãy gần gốc. Có một cây ớt thôi mà, bà làm gì như muốn giết người vậy? Tuy bực bội trong lòng, Mỹ Nhung vẫn cúi đầu xin lỗi:

-Mi an ham ni ta! (con xin lỗi)

Những bữa ăn mới thật chán nản. Bà già không muốn cô mó tay vào nấu nướng món gì, mà chỉ sai lặt rau, rửa thịt cho sạch sẽ. Ngồi vào bàn ăn, bà ta xới cho mình một chén cơm, cầm đũa ăn và giục:

-Mukja! (ăn thôi)!

Cuối tuần, thấy chồng về cô rất mừng, ít ra còn có cơ hội để nói vài câu, cười một tiếng. Mặc dù Pắc Hùng thương vợ, nhưng khi cô đề nghị cho đi theo làm việc trên quận, anh lắc đầu. Bà già không đồng ý! Vậy thôi! Cuối năm đó, vừa mang bầu lặc lè, vừa dọn dẹp ngoài khu trại, lưng cô mỏi nhừ, đau nhức. Vẫn phải làm lụng, vẫn phải tự mình lo ăn uống chăm sóc bản thân, cho cái thai mạnh khỏe. Cô năn nỉ chồng cho một ít tiền, phòng khi sinh nở còn có mà bồi dưỡng. Tiền lương hàng tháng Pắc Hùng đều đưa cả cho mẹ. Một lần về nhà, anh lén lút đưa cho vợ năm trăm ngàn wow, nói là tiền thưởng.

-Em giấu kỹ đi! Coi chừng Umma biết!

Buổi sáng đó, chồng đi làm rồi, bà mẹ ra chợ mua đồ ăn, cô bắt đầu loay hoay tìm chỗ giấu tiền. Số tiền này, tương đương hơn mười triệu đồng Việt Nam. Cô sẽ cất kỹ, phòng khi có việc gấp. Khi xếp tiền vào chiếc hộp bánh cũ, cô bắc ghế trèo lên định để phía trên tủ quần áo. Bàn tay đụng phải chiếc hộp gỗ bụi bặm. Tò mò lôi xuống mở ra, cô mừng hét lên khi thấy hộ chiếu và giấy kết hôn của hai người được để bên trong. Cô thở hí hóp, lôi xấp tiền giấu cả vào trong chiếc hộp gỗ, để lại chỗ cũ. Đây chắc là chỗ Pắc Hùng cất giấy tờ, đề phòng lúc nào muốn sang thăm Việt Nam sẽ không phải xin phép bà già khó tính.

Bà già vứt miếng thịt ba rọi trước mặt con dâu, hét lên:

-Tơ rớp tà! (đồ bẩn thỉu)

Trời ơi! Mình đã rửa đi rửa lại hai lần, sao bà già còn chửi là “bẩn thỉu”? Cái thai đạp nhói một phát bên sườn, đau tức. Cô cũng giận dữ nói lớn:

-Tui rửa hai lần rồi! Bà muốn sạch sẽ thì đi mà rửa lại!

Bà già chỉ hiểu được mấy câu tiếng Hàn “xít tà, ce kưt ha tà”, thì hiểu con dâu nói muốn sạch sẽ đi mà rửa lại. Một cái tát rát bỏng lên má cô. Bà già đã ra đòn vì thấy con dâu bữa nay bỗng dưng hỗn láo. Mỹ Nhung hét lên:

-Đồ phù thủy già! Sao uýnh tui?

Cuối tuần, thấy con trai về, bà mẹ không chờ Pắc thay quần áo xong, đã đừng chửi bới một hồi. Mỹ Nhung biết bà ta đang mét lại với con trai về hành vi hôm trước của mình. Cứ nhìn đôi mắt đỏ vằn, nảy lửa của chồng là cô hiểu. Pắc Hùng bỗng quay lại, túm tóc vợ và giáng một cái tát nảy lửa. Mỹ Nhung chỉ kịp ôm lấy cái bụng bầu, ngã dúi xuống sàn nhà.

Hên quá, vé máy bay về Sài Gòn chỉ hết ba trăm rưởi ngàn won. Mỹ Nhung về tới quê trong túi vẫn còn gần một triệu đồng tiền Việt. Má khóc ngất một hồi rồi vuốt ve cái bụng bầu sắp tới ngày sinh của con gái, quả quyết:

-Má sẽ nuôi được tụi bây! Yên tâm đi! Tổ cha cái thằng Pắc cà chớn!

Bé gái sinh ra được ba ký hai. Mặt giống mẹ, nhưng đôi mắt của Mỹ Hạnh giống ba, ngơ ngơ vẻ hiền lành.

Tháng tư mà Đà Lạt sương mù, lành lạnh ngay giấc trưa. Con đường Mi Mô Za quanh co mấy đoạn dốc, lối lên chùa Tàu lưa thưa bóng người. Một chú ngựa nâu đứng cúi đầu dưới gốc thông, buồn bã.

Đây là lần thứ ba ông Pắc Hùng lên Đà Lạt. Lần đầu tiên đi với nhóm đồng nghiệp ở Công ty N.M.G, lần hai đi cùng người yêu là Mỹ Nhung. Lần này, sau tám năm quay lại Việt Nam, ông đi một mình. Con đường cũ không có nhiều thay đổi. Vẫn mây trôi hững hờ, thông reo xạc xào. Chỉ bước chân người là đơn độc, bồi hồi nỗi nhớ. Bước chân của người đàn ông năm mươi tuổi không còn hăm hở, vững chãi như bước chân của tuổi ba mươi bảy, nó mòn mỏi, vấp váp dù những viên đá ven đường nhỏ xíu. Ông chợt lẩm nhẩm hát một điệu dân ca Nam Bộ, ngày trước Mỹ Nhung từng dạy và ông rất thích. Tên điệu hát đó là Lý con sáo.

Một tấm pa nô treo bên đường, thông báo về một cuộc thi dân ca Bắc- Trung- Nam ở Nhà văn hóa thành phố, làm ông chú ý. Thời gian đã vào chung kết, lúc hai mươi giờ tối nay. Tình yêu dân ca Nam Bộ lại trỗi dậy trong con tim người đàn ông Hàn.

Ông Pắc Hùng ngồi riêng một góc trên dãy ghế cuối, trong nhà văn hóa, trên tay là một bó hoa nhỏ mới mua ngoài đường. Ông tính sẽ tặng hoa cho thí sinh nào đó, nếu họ hát hay và làm ông cảm động. Đã có vài tiết mục được vỗ tay động viên nhiều, mà ông chưa cảm nhận hết. Ví như một bài Quan họ miền Bắc, bài Mời trầu thì phải, nhưng lời bài hát thì ông chỉ biết lõm bõm. “Ước gì ta được là con một nhà…”, câu này ông thích. Ông đã từng có một mơ ước và đã làm được với cô gái Việt Nam, tiếc rằng thời gian ngắn quá.

Cô bé mang số báo danh 14 bước ra sân khấu với bộ bà ba thuần khiết màu thanh thiên và chiếc khăn rằn làm Pắc Hùng náo nức. Cô cúi chào, rồi ánh nhìn xa xăm, chờ cho hết khúc nhạc dạo đầu, mới cất giọng ngọt ngào:

Ở ơ, ở ơ!
Ai xui mà con sáo. Cái mà sang sông, cái mà sang sông.
ở ơ, để cho cái mà con sáo, sổ lồng bay xa.
Caislys sông mã, cái lý xàng xê
Đôi ta về…

Ồ! Điệu Lý con sáo ông từng học thuộc!? Trong đầu Pắc Hùng, một giai điệu mượt mà vừa chợt thức dậy. .

Nước mắt ứa ra, ướt nhòe cắp kính cận. Ông thấy cô bé kia có nét giống vợ mình, cô Mỹ Nhung. Cả cái kiểu nghiêng đầu vuốt tóc về đằng sau cũng y chang luôn.Tiếng vỗ tay râm ran, kéo dài, làm Pắc Hùng quên cả bó hoa. Đến lúc thí sinh cúi chào khán giả và ban giám khảo thì một ông già lật đật bước vội lên sân khấu, chạy theo tấm lưng thiếu nữ mà kêu lên:

-Na tư ri tà! Tư ri tà…(tôi muốn tặng hoa)

Người dẫn chương trình lịch sự ngăn ông lại, xoay người Pắc Hùng về phía khán giả, rồi tươi cười nói:

-Có lẽ ngài đây là người nước ngoài! Xin hỏi ông có biết tiếng Việt Nam không?

-Vâng…à dạ! Biết chút chút! Tôi tên Pắc Hùng! Rể Việt Nam!

Những tràng pháo tay kéo dài làm ông cảm động.

-Tui muốn tặng bông…hoa, cho cô gái vừa rồi!

-Vâng! Ngài Pắc Hùng muốn tặng hoa cho em Huỳnh Thị Mỹ Hạnh, thí sinh số 14! Xin mới thí sinh Mỹ Hạnh quay lại sân khấu!

Một không khí trầm lặng, hồi hộp trùm lên khắp khán phòng. Nam MC chờ lâu quá, vội chạy quay vào cánh gà tìm, rồi lại quay đứng bên cạnh Pắc Hùng:

-Vâng! Thí sinh Mỹ Hạnh vừa theo mẹ ra ngoài một lát, sẽ quay trở lại ngay để cảm ơn tấm lòng của ngài Pắc Hùng! Chúng tôi xin thay mặt thí sinh nhận bó hoa này ạ! Cám ơn ngài!

Ông Pắc cũng chắp thẳng cánh tay hai bên sườn, cúi chào khán giả:

-Xin cam on!

Ông tỏ ý muốn biết địa chỉ của thí sinh Huỳnh Mỹ Hạnh và được ban tổ chức hẹn tới cuối buổi biểu diễn. Con tim ông đập nhoi nhói, hồi hộp. Bảy năm trước, ông có sang Việt Nam, tìm về tận nhà má vợ, nhưng hàng xóm nói Mỹ Nhung đưa mẹ và con gái đi nơi khác sinh sống rồi.

Ngoài quán trà sữa Trân châu, hai mẹ con Mỹ Hạnh ríu rít cười.

-Con gái mẹ hát hay quá! Chờ chút coi người ta xếp con giải gì! Giải A nhen!

Mỹ Hạnh mải mê với ly trà sữa.

-Giải gì cũng được! Con đi thi cho vui thôi mà. Ui cha! Có ai muốn tặng hoa kìa mẹ! Con nghe thông báo trên loa.

Mỹ Nhung lật đật cầm tay con quay lại nhà văn hóa. Chị linh tính có điều gì đó hệ trọng sắp xảy ra.




VVM.08.9.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .