Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA


NHỮNG NĂM THÁNG LẬN ĐẬN



T uệ Nguyên về với anh vào một ngày lễ lớn - ngày Quốc Tế lao động (ngày 1 tháng 5). Phải chăng, từ đấy hai người phải lao động hết sức, mà cuộc sống vẫn cứ thiếu thốn, hết lên rừng, lại xuống biển, nhọc nhằn vì cơm áo, áo cơm. Dòng sống ghềnh thác trôi lăn anh và nàng đến mệt nhoài, rời rã. Mỗi lần nghe tiếng còi tàu trên sân ga, là nàng lại thắc thỏm, run sợ; bởi nhiều lần bị quản lý thị trường bắt hết hàng, không còn chút vốn liếng. Hết buôn gạo, lại buôn phế liệu, theo những chuyến tàu vào ra ngang qua ga Đông Tác. Mỗi lần tàu vào, cả sân ga nhộn nhịp hẳn lên; kẻ chạy xuôi, người chạy ngược, vác những bao hàng nặng trĩu từ những nhà ven sân ga chạy ào ra, chen lấn nhau đưa lên tàu; trong sự rượt đuổi của đội quản lý thị trường, nháo nhào, hỗn loạn.

Tuy vậy, đôi vợ chồng trẻ luôn có những giờ phút thư giãn, ngồi bên nhau, anh đàn, em hát, trong căn nhà vách đất đầu tiên vừa xây dựng sát sân ga, êm đềm, hạnh phúc. Hạnh phúc nhỏ nhoi trong muôn vàn bận rộn, đã làm tươi mát thêm đời sống gian truân, trong buổi giao thời khó khăn nầy của hai người. Đứa con trai của anh và nàng chào đời vào buổi tối anh đang trên đường vô Nha Trang bán gạo; đến sáng hôm sau, anh mới có thể bồng đứa con bé bỏng mà anh mong đợi trên tay. Lần đầu tiên được ôm con vào lòng, anh lúng túng, sợ cậu bé rơi xuống đất. Nàng nhìn anh âu yếm:

- Em thấy con giống anh nhiều hơn, anh có nghĩ vậy không?

Anh cười rạng rỡ:

- Con giống cả anh và em, em à!

Buôn bán ngày càng khó khăn, trong một lần hàng bị bắt, mất hết vốn, anh chuyển sang chuyên chở lương thực bằng xe ngựa, theo HTX vận tải thô sơ Hòa Nam. Nàng chán ngấy, ngày ngày phải ra đồng cắt cỏ cho ngựa, chán đến nỗi, phải nghĩ rằng, mình đang cắt bỏ nỗi buồn, mới có thể sống và làm việc được. Nỗi khổ dường như không muốn rời khỏi anh và nàng, cứ đeo bám miết, dù cả hai hết sức cố gắng.

Bỏ nghề chạy xe ngựa, Nhơn quay sang buôn bia, thuê xe chở hàng vào Sài Gòn, mua bia chở về, cùng với mọi người trong xóm. Đấy là thời gian khấm khá nhất từ trước đến nay. Anh xây được căn nhà bằng gạch, ở khu đất mới xin của ủy ban cấp cho, theo chính sách chung; và con cái cũng lần lượt ra đời, trong lúc kinh tế ổn định hơn một chút.

Nhơn lại lên rừng đãi vàng, khi bia lên men không còn ưa chuộng. Rừng núi đối với anh như ngôi nhà để anh trở về, hít thở cái thâm u, hoang tịch vào buồng phổi; để giấu mình trong tận cùng nỗi buồn một người thất thế. Mỗi chuyến đi, thường là mười, đến mười lăm ngày, có khi hai mươi ngày; nhưng về đến nhà một vài hôm là anh lại đi tiếp, dù có hay không có, cũng vậy. Những tháng năm ấy, da anh luôn vàng tái, bỡi những cơn sốt rét rừng. Thương anh, nàng cảm thông, và ủng hộ, dẫu vô vàng khó khăn nàng phải gánh chịu. Một lần, anh trở về giữa đêm, khi mới đi được ba ngày, vừa bước vào nhà, anh đã nói nàng nghe, giọng xúc động:

- Anh vừa đưa xác thằng Hải về, em ạ!

Nàng hoảng hốt:

- Sao vậy anh?

- Nó bị sốt ác tính, nhanh quá không kịp đưa tới bệnh xá.

- Vậy, giờ anh ấy đâu?

- Đưa về nhà nó rồi anh mới về đây.

Sau ngày đó, Nhơn giã từ núi rừng, không đi đãi vàng nữa, mà ở nhà phụ nàng nấu rượu nuôi heo. Vất vả đấy, nhưng hai vợ chồng được ở bên nhau, cùng chăm sóc con cái. Như anh đã hứa từ trước, mỗi đêm anh kể nàng nghe một câu chuyện của đời anh, hoặc một truyện ngắn nào đó mà anh đã đọc được; làm nàng hiểu anh hơn, từ suy nghĩ, quan niệm sống, đến ước mơ khắc khoải trong anh. Anh như loài ngựa hoang, luôn muốn dong ruổi tìm chân trời mới, dù nơi ấy có là đồng cỏ tốt tươi, hay chỉ một bãi sa mạc hoang vu, khô cằn, sỏi đá. Trong con người anh, như muốn bức phá, thoát ra khỏi những ràng buộc, để bay nhảy; và anh thuyết phục nàng, vào đèo Cả cùng anh, chỉ để trồng rừng, mà anh ước muốn. Yêu thương anh, không muốn anh một mình giữa đèo heo hút, nàng đành bỏ tất cả để đi cùng anh, đến một nơi, không điện, không nước, sống cuộc đời khổ nhọc giữa ngã ba đèo.

Ở đây, Nhơn trồng hơn tám hecta bạch đàn, mua vườn dưới thung lũng đào ao thả cá, chăn nuôi, nào bò, gà, vịt, thỏ, trăn. Nuôi bò thì bị xe lửa đụng chết, nuôi cá thì mưa lũ bể đìa, trôi hết ra suối. Tuệ Nguyên thấy lòng như muối xát ngao ngán, đắng chát nỗi buồn; dù ngoài mặt luôn tươi tỉnh, an ủi, động viên anh.

Giữa đèo, mùa gió bấc về rét run người, trong cái khí trời âm u, buồn bã, làm Tuệ Nguyên nhớ quê đến da diết. Nàng nhớ ngôi làng quê đầy bóng tre xanh, với tuổi thơ lặng lẽ; nhớ những chiều chạy thả diều trên cánh đồng trơ gốc rạ; nhớ tiếng cười giòn của Vân, mỗi khi hai đúa tranh nhau chạy lượm xoài non; nhớ mảnh trăng xưa thuở nào, hai đứa thơ ngây, giành lấy. Tuệ Nguyên nhớ làm sao ngôi trường đầy nắng gió, đầy yêu thương, mơ mộng của tuổi hồn nhiên. Nàng nhớ quay quắt. Nhiều khi muốn bỏ tất cả trở về, nhưng chỉ là ước muốn, khó mà quay về, bởi nhiều thứ cần phải có mà mình không thể có. Nhiều lần về thăm hai đứa con lớn đang gởi ngoại để học, Tuệ Nguyên lầm lũi trên con đường làng quen thuộc, đầy mặc cảm, ngậm ngùi cho phận mình.

Trong cái khổ tận cùng, nàng thấy mình ló ra được một chút tài năng. Nàng mở quán bán những món ăn đặc sản của đầm Hảo Sơn, như ốc bươu, lươn xào sả ớt, lẫu cá lóc, lẫu lươn…; dù từ trước tới nay, nàng chưa bao giờ nấu những món nầy; vậy mà khách ăn khen ngon, khen nàng mau mắn, sạch sẽ. Nàng khổ nhất là khách khất nợ, khó mà đòi được; nên sau, rút kinh nghiệm, không bán nợ nữa, dù có ế ẩm cũng mặc.

Có lần, khách nợ hai năm rồi mà không trả, trốn biệt. Một hôm, Tuệ Nguyên thấy ông ta xuống xe ở ngã ba đèo, để xuống Vũng Rô. Nàng mời ông ta vào nhà và hỏi số tiền ông ta thiếu. Ông ta hùng hổ, giọng hung dữ, bảo rằng, nàng không biết tôn trọng ông ta, coi chừng ông ta đánh. Nàng kiên nhẫn, giải thích, để ông ta hiểu, và ông ta hẹn chiều lên sẽ trả đủ.

Chiều ông ta lên, cầm trên tay một con rắn nhỏ, đưa ra trước mặt nàng, hét lớn:

- Đây, tao trả nợ cho mầy nè.

Nói xong, ông ta cười hô hố. Nàng sợ nhất là rắn, nhưng gắng làm dạn, bình tĩnh trả lời:

- Tui chỉ nhận tiền ông thiếu, còn cái nầy, ông mang về mà dùng. Tui không nhận thứ nầy.

Ông ta liền quăng con rắn vào người nàng, làm nàng hoảng sợ, bỏ chạy. Ông ta hét theo:

- Mầy dám giỡn mặt với tao hả? Tao ăn rồi không trả đấy, mầy làm gì tao ha ha ha…

Từ đấy, nàng không bán những món ăn như vậy nữa, chỉ dăm ba chai nước giải khát hoặc ly cà phê cho người qua lại trên đường mà thôi.

Tuệ Nguyên hoảng hốt, bơ vơ, khi căn nhà yêu thương của mình bị sập vì cơn bão lớn, phải che tấm bạt, sống lay lắt giữa gió mưa; ngày ngày gỡ từng viên gạch trong đống vữa đổ nát. Nàng khóc. Nước mắt của nàng sao cứ trong trẻo, tinh khiết, không đổi mầu, dù nàng đã nhiều lần khóc hết nước mắt; vậy mà, hết lần nầy, lần khác lại cứ có mà trào ra. Mỗi lần nhớ lại hình ảnh căn nhà nhún lên ba cái, rồi sập đổ, trong tiếng gió rít mạnh, trước mắt nàng, là nàng bàng hoàng, như đang trở về thời khắc ấy.

Ước ao lớn nhất trong nàng lúc bấy giờ là trở về. Và nàng thu xếp trở về trong một buổi sáng, khi các con vừa nghỉ hè. Hành trang gọn nhẹ, chỉ vài bao đồ dùng, mấy cái xách quần áo, và một chiếc giường cũ luôn theo chân nàng bấy lâu nay. Sự trở về nầy, cho nàng hiểu rõ được lòng người đổi thay như thế nào; cho nàng hiểu được thế thái nhân tình là vậy. Mọi niềm tin, hy vọng đều tắt ngấm trong trái tim nhạy cảm của nàng. Tuệ Nguyên tủi thân đến cùng cực, khi tất cả những quen thân, gia đình đều quay lưng, không ai ngó ngàng tới mẹ con nàng; có lẽ họ phiền vì sợ nàng nhờ vả. Cuối cùng mẹ con nàng tá túc ở nhà ngoại, chỉ hơn tuần lễ, nàng mua được căn nhà mà nàng hay đùa rằng, “đêm trăng soi, ngày nắng dọi”; mẹ con nàng dọn về nhà mới trong sự cô đơn, buồn tủi.

Những năm tháng sống ở căn nhà nhỏ đêm trăng soi, ngày nắng dọi nầy; dường như, chỉ có vài người bạn của anh thời đi học, ghé thăm, với ít quà cho các cháu. Tuệ Nguyên rất biết ơn những tấm chân tình ấy, đấy còn là hành trang cho nàng vững bước, trên đường đời đầy chông gai.

Tuệ Nguyên nhận được ba sào ruộng dự phòng của hợp tác xã nông nghiệp cấp cho, nàng thấy như vậy là hạnh phúc lắm. Sáng sớm, bắt nồi rượu lên bếp, nấu nồi cơm ủ, xong xuôi, chở rượu đi bỏ quán. Chiều chiều đạp xe ra đồng, nhìn ngắm những cây lúa xanh mơn mởn xuân thì, rì rào, dập dờn theo sóng lúa; gởi gắm những ước mơ, hy vọng một mùa bội thu. Nhiều lần Tuệ Nguyên nghĩ, những năm tháng sống ở căn nhà nhỏ nầy, là hạnh phúc nhất trong cuộc đời nàng.

Nhơn không chịu sống cam phận như nàng, anh bương bả vào tận hòn Mỏ Quạ ở Lam Sơn, bỏ công sức phát hoang, hơn hai hecta rừng đồi. Anh dọn đá dồn một chỗ, cày xới đất thành thục, trồng đủ thứ, vụ nầy trồng bắp, vụ sau trồng đậu xanh, dưa hột; nhưng dù anh trồng món gì, cuối vụ thu hoạch thì món đó rớt giá, chỉ còn một nửa tiền. Nhiều khi anh than thở, như an ủi nàng vì những thất bại anh gặp phải.

- Chắc anh đang trả nghiệp đấy em à?

Tuệ Nguyên an ủi:

- Không phải đâu anh. Tại mình không may mắn, người ta thường gọi là không có thời đấy anh.

Nhơn phân trần:

- Anh đã cố hết sức, nhưng cái số anh nó vậy; không phải nghiệp, thì là gì?

Nhơn bỏ công sức, dồn hết tiền bạc, trồng hơn hai hecta mía; với niềm hy vọng, đến mùa thu hoạch có ít tiền, tiến thẳng vào Nha Trang, vì các con đã lớn, chuẩn bị vào đại học. Nhưng cái số của anh đã vậy, khó mà cãi lại được. Đến mùa thu hoạch, mía rớt giá, nhà máy không thu mua, anh phải nhờ đứa em gái của nàng, mang che vào tận nơi để đạp mía, lấy đường. Thu hoạch xong, trả tiền công chặt mía, tiền che, còn lại vỏn vẹn hai triệu đồng (chưa kể tiền vốn trồng), anh và nàng đi thẳng vào Nha Trang.


Thành phố biển Nha Trang là niềm ước mơ trong nàng từ lâu lắm rồi; từ lúc rời ngã ba đèo, nàng đã thử, nhưng không đủ điều kiện, nên đành gát lại. Hôm nay, dù không có tiền, nàng cũng muốn thử sức, quyết chí lập nghiệp nơi nầy, bởi các con nàng đã chuẩn bị vào đại học.

Nhiều lúc hai vợ chồng ngồi nhìn nhau, nghĩ đó như một giấc mơ. Một giấc mơ mà là thực, rất thực; phải trải qua bao khó khăn, về chỗ ở, về việc làm, trong những ngày mới đến thành phố nầy. Tuệ Nguyên không thể tưởng tượng nổi, trên bốn mươi tuổi đời, còn lang thang, không nhà cửa, không việc làm; nhiều khi nàng lo sợ, hoảng loạn lắm. Nhưng rồi nàng nghĩ, có lẽ ông Trời không phụ lòng quyết tâm của hai vợ chồng, nên sẽ giúp mình thôi.

Nhơn bán ngôi nhà “đêm trăng soi, ngày nắng dọi”, ba sào ruộng, mượn thêm bạn bè, người quen, mua miếng đất của người bà con bán lại; bên một dòng sông, có hàng liễu rũ, hoa đỏ đung đưa, thật thơ mộng. Anh xây một căn nhà cấp bốn, vách chưa tô xi măng, cho có chỗ che mưa, che nắng; dần dần về sau mới tô vách, xây phòng ốc gọn gàng. Một người bạn nhỏ tuổi - Nhã, (quen khi ở Vũng Rô) vào thăm, nhìn thấy dòng sông bên nhà, liền về mang vào cho một cái rớ, gọi là kiếm cái để mà sống. Nhã vá lại cái rớ mấy ngày, mua tre, dây điện, cắm trước mặt nhà, còn tập cho Nhơn kéo rớ thành thạo, rồi mới về. Vậy là Nhơn trở thành ngư phủ bất đắc dĩ, đêm đêm chong đèn, kéo rớ, lãng đãng thơ thẩn cùng ánh trăng rơi trên sông.

“Ta làm ngư phủ trời sai xuống,
Vớt ánh trăng vàng dưới đáy sông.
Một hôm ra tắm khua làn nước,
Em làm vỡ vụn ánh trăng trong!

Từ đấy thuyền ta không bến đậu
Lưới chài che kín cõi bơ vơ.
Ta làm ngư phủ hồn lay lắt,
Vẫy mái chèo khuya dưới nguyệt mờ”. (*).

Thật vậy, anh lay lắt hằng đêm bên dòng sông Tắc, thả kéo những nhả rớ nuôi các con vào đại học. Đó là niềm vui lớn nhất của hai vợ chồng anh. Ngày qua ngày, Tuệ Nguyên biết vá lưới, biết thêm về cuộc sống của người dân chài. Họ sống về đêm, khi mọi người ngủ, họ bắt đầu cho một ngày làm việc. Cuộc sống trên sông nước không dễ dàng gì, nhất là với những người làm nông như nàng.

Sau khi các con học xong đại học, hai vợ chồng giờ đây, muốn tu học, lo cho phần hồn trước lúc ra đi; cả hai ăn chay, tập ngồi tĩnh tâm, sám hối vì đã giết quá nhiều tôm cá. Tuệ Nguyên cảm thấy lòng nhẹ nhàng, an yên hơn, khi mỗi ngày ngồi tĩnh lặng niệm Phật. Một niềm vui mới, cho một cuộc đời mới - yêu thương và bao dung!

Hạnh phúc như con nước ròng dâng cao trong lòng nàng, mỗi ngày đưa đón các cháu đến trường, giúp các con chăm lo việc nhà, để chúng yên tâm làm việc. Tuệ Nguyên nghĩ, vậy là mình đã đi đến đỉnh dốc cuộc đời; giờ đây ngồi nghỉ chân một lát, rồi sẽ xuống dốc về đích. Hằng ngày, sau khi xong công việc, nàng lên face book gặp gỡ, chia sẻ, học hỏi những điều hay, cùng bạn bè, cùng những thân quen. Trong trái tim nàng, luôn mơ ước được trải lòng trên trang viết; những cảm nhận, cũng như những vết cứa đớn đau trong cuộc đời mà nàng đã trải qua. Vậy là nàng tập viết. Nàng viết những đoản văn, bày tỏ suy nghĩ của mình về một điều gì đó, hay cảm nhận cái đẹp của các mùa trong năm, chỉ vậy thôi. Sau đó, nàng viết những tản văn, ghi lại những kỷ niệm tuổi học trò; được chọn đăng trong tập san “Nhớ Về Một Ngôi Trường” của trường trung học BĐHX, mà nàng đã từng học. Ngôi trường mà nàng đã từng gọi là “Ngôi Trường nắng”; tuy nàng chỉ học ở ngôi trường nầy có năm năm, nhưng đã lưu dấu biết bao kỷ niệm thân thương, không bao giờ phai nhạt.

Một buổi xế chiều, Nhơn ngồi nhìn ánh nắng úa mầu rớt xuống dòng sông trước nhà, anh cảm thấy nỗi buồn mỗi lúc một dâng cao. Tiếng gà gáy bên kia sông văng vẳng đưa sang, lòng anh như chùng xuống; và tiếng gọi của loài ngựa hoang trong ký ức trổi dậy thao thiết, gấp bách; khiến anh bàng hoàng, muốn từ bỏ hết tất cả, đi theo tiếng gọi giục giã trong anh. Và anh đã lên đường, trong một sáng đầu hạ, vượt bao sóng gió muôn trùng, bay về phía chân trời mới. Ở đấy, có khoảng trời xanh mà anh hằng ao ước!

(*) Thơ – NC




VVM.29.8.2023