C hiều tối ngày 18 tháng 8 năm 2023, tôi nhận được một cuộc gọi qua điện thoại: “Bác ơi, bố Thế của cháu mất rồi”. Đó là tiếng của con gái anh Nguyễn Cái Thế. Tôi bàng hoàng khi nghe tin buồn này, chưa kịp hỏi một lời nào thì máy đã ngắt. Một lúc sau, tôi tỉnh táo hơn mới gọi lại. Lần này là tiếng con trai của anh Thế. Cháu nói bố Thế mất ngày 17/8/2023 (Nhằm ngày 02/7/ Quý Mão). Đã nhập quan ngày 18/8/2023. Lễ động quan ngày 20/8/2023 (Nhằm ngày 05/7 năm Quý Mão).
Cách đây hơn một tháng, tôi nhờ tài xế xe ôm chở tôi đến nhà thăm anh chị Thế, trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận. Tôi mang theo một cuốn sách để tặng vợ chồng anh. Trong sách, có một đoạn về những chiến sĩ trẻ VNQDĐ trong trận đánh với VM tại Vĩnh Yên năm 1946, đồng thời tôi cũng viết mấy hàng về Hệ phái Trẻ Yên Bái VNQDĐ, trong đó có Nguyễn Cái Thế, Nguyễn Tường Uyên và một số thân hữu của tôi. Họ đều là những chiến sĩ chủ lực của hệ phái Yên Bái, hoạt động tích cực.
Lúc này tôi mơi biết vợ anh Thế là chị Nguyễn Tường Uyển đã mất hơn một năm trước. Chị là con gái của Cụ Toan Ánh, nhà văn, một trong mấy đại biểu xuất sắc nhất về “Nếp cũ”, văn mình đồng quê “Trong họ ngoài làng” .…của Việt Nam trước đây, cũng chưa xa. Còn anh Nguyễn Cái Thế là con của Cụ Nguyễn Văn Lực, một nhân sĩ trong nhóm Tự do Tiến bộ, có 18 vị, thường được biết đến là Nhóm Caravelle, do Nhóm này lần đầu tiên vào năm 1960 đã ra Tuyên ngôn tại khách sạn Caravelle, khuyến cáo chế độ Ngô Đình Diệm nhiều điểm trước cái họa Cộng Sản.
Lúc con gái anh Thế dẫn tôi vào nhà, đến bên giường anh đang nằm, anh bắt tay tôi rất chặt, biểu hiện một sức khỏe và một tinh thần tỉnh táo. Tôi nói vài câu với anh, là rất mừng đến thăm anh và có cuốn sách tặng anh. Tôi nói với con gái anh là đọc cho bố cháu nghe đoạn bác viết về bố mẹ cháu và một số các bạn của bố mẹ cháu đang ở nước ngoài, như bác Duyệt, bác Hưng v.v…Anh nói với tôi:
-“Tôi sẽ đến thăm anh”.
Đây là mấy lời Nguyễn Cái Thế nói với tôi, trước mặt con gái anh, nhưng anh đa “ra đi”… Mặc dù ngay từ lúc bước tới bên giường anh nằm và hai chúng tôi nắm chặt tay nhau, thấy sắc mặt sáng sủa và không một chút gì nói lền sự mệt mỏi, tôi vẫn như yếu đức tin về lời nói của anh, rằng “Tôi sẽ đến thăm anh”. Cho nên, khi nghe con gái anh nói trong điện thoại: “Bố Thế của cháu mất rồi”, tôi có một thoáng bàng hoàng và một thoáng bâng khuâng. Mấy hình ảnh không quên từ quá khứ của chúng tôi trở về.
Tối ngày 19.8, nhà thơ Nguyễn Văn Thức gửi cho tôi một tin nhắn, cho biết anh đã đến thắp nhang viếng anh Thế, vĩnh biệt anh, một “người bạn hiền, nhỏ nhẹ, khiêm tốn”. Nguyễn Văn Thức nhắc đến thân phụ của anh Thế là cụ Nguyễn Văn Lực, “một nhà cách mạng, chủ tịch Hội đồng Nhân sĩ của miền Nam. Có khuynh hướng đối lập Tổng thống Ngô Đình Diệm.” Anh Thức cũng nói qua về chị Tường Uyển, con gái của Cụ Toan Ánh. Chị mất hơn một năm trước. Anh cũng đã đến viếng chị. Bây giờ lại đến Nguyễn Cái Thế. Hai người xứng đôi.
Tôi cũng trả lời anh Nguyễn Văn Thức qua tin nhắn, rằng chiều ngày 19.8 tôi cũng đã đến viếng anh Nguyễn Cái Thế rồi, và sau khi nhận tin nhắn của anh, tôi nẩy sinh ý định viết một bài văn ngắn về anh Thế. Anh Thức trả lời tôi ngay, rằng: “nên”. Chúng tôi là thân hữu của nhau, cùng một thế hệ. Anh Thế sinh năm 1939, còn tôi là năm 1936. Chúng tôi cũng có chung những người bạn thân, tuy rằng tôi không có cùng một khuynh hướng chính trị với những người bạn này. Đối với tôi, điều nên viết khi anh Nguyễn Cái Thế từ giã cuộc đời, chắc chắn là do mối quan hệ giữa hai chúng tôi tốt đẹp, tôn trọng nhau, quý mến nhau. Trước năm 1954, anh Thế và tôi cùng học ở Trường Dũng Lạc, cạnh nhà thờ lớn Hà Nội. Điều này trở nên cụ thể khi tôi ghi tên anh, chị Uyển (vợ anh) và một số chiến hữu của hai anh chị trong một quyển sách dày 520 trang, đề cập đến những bối cảnh lịch sử của dân tộc liên quan đến Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, suốt 75 năm vừa qua, từ năm 1945-2020. Nội dung sách là thế, song ở Phần thứ nhất của sách, tôi dành để nói đến thời kỳ đầu của cuộc “Cách mạng tháng Tám” và việc VMCS cướp chính quyền Quốc gia. Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt đồng thời nẩy sinh hai thế lực cực quyền là tư bản và cộng sản. Nhưng tại Việt Nam, các đảng phái quốc gia suy yếu dần, cụ thể qua cuộc chiến giữa các chiến sĩ trẻ VNQDĐ, hệ phái Đỗ Đình Đạo trong trận Vĩnh Yên. Trận chiến kết thúc bi thảm, các chiến sĩ trẻ VNQDĐ, nhảy xuống sông Bạch Hạc tự vận vì thế cùng lực kiệt!
Khi viết đến việc này, tôi nhớ đến các bạn tôi cũng là những chiến sĩ trẻ VNQDĐ, hệ phái Yên Bái. Trong số này có Đỗ Đình Duyệt (hiện sống tại Hoa Kỳ), là em của Đỗ Đình Đạo. Khi trận Vĩnh Yên xảy ra, các bạn trong hệ phái Yên Bái còn rất trẻ, chẳng dính líu gì đến trận chiến ấy.
Trận Vĩnh Yên kết thúc, nhưng tinh thần của Vĩnh Yên thì vẫn còn, biểu hiện nơi các bạn tôi.
Ngày 25.8.2023