Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


KHI KHÔNG CÒN AI



Q ua cái giếng bỏ không từ nhiều năm, miệng giếng đầy rêu xanh, tay quay sét rỉ, ngõ hẻm càng vào sâu càng hẹp lại. Ở phía bên trái dẫn vào mặt tiền căn nhà mái ngói âm dương rêu mốc đêm đêm gào thét tiếng mèo, bây giờ không còn che bằng những tấm phên rách nát, phô ra một nền nhà phía trong đầy giấy rác. Nhiều người ở các căn nhà chung quanh thấy vậy, gọi căn nhà này là " căn nhà ma ". Họ gọi thế cũng có thể xem như gần chính xác với tình trạng của căn nhà đó. Nhưng nghe đâu người mua nhà, một Việt kiều nào đó, chỉ cần lấy mặt bằng để dựng một ngôi nhà nhiều tầng. Nằm dọc theo vách "căn nhà ma ", và có thể sắp sửa thành một ngôi nhà nhiều tầng, là một khoảng hẻm nhỏ chỉ đủ cho hai người đi bộ tránh nhau. Cuối khoảng hẻm này, mở rộng ra hơn. Ngay chỗ mở rộng là mặt tiền căn nhà có mấy người nữ tu đang ở, rồi đến căn nhà Lễ mới dọn sang, sau khi đổi căn nhà ở phía trước cho cô Hạ. Lễ phải đổi nhà vì căn nhà cũ mối mọt lả tả, cứ mỗi khi trời mưa là khắp cả, không có chỗ nào không bị dột. Căn nhà như thế mà chỉ đành chịu trận. Không có cách nào để tu sửa, và vì thế phải đổi lấy căn nhà mới này. Nhà mới hẹp hơn nhà cũ, nhưng chưa cần sửa chữa, còn có thể ở được. Dọn nhà sang đây, chiếc giường và cái bàn viết của Lễ được kê ở phòng ngoài, sát với cửa sổ đối diện với căn nhà bên kia. Giường và bàn chiếm gần nửa bề dài căn phòng, khoảng trống bên kia được dùng làm chỗ để vẽ bảng quảng cáo, chân dung cho Thân, một người bạn của Lễ. Từ ngày dọn sang đây, ít khi Lễ ra khỏi nhà, và những nỗi niềm khát đói, đơn lẻ của anh vẫn vây bọc anh như hồi còn ở căn nhà cũ.

Như hồi ấy, Lễ vẫn ở trong tâm trạng tăm tối. Những va chạm, bất đồng với nhiều người đã xô đẩy Lễ vào cảnh cô lập. Gặp gỡ với bất cứ ai làm gì nữa. Họ là họ, ta là ta, ta không thể thay đổi được. Bạn của Lễ bây giờ, trừ Thân, chỉ còn hai đứa cháu mồ côi, một lọ cá lia thia xanh biếc và một con chó có đôi mắt rất buồn. Không, không phải chỉ có như vậy, còn có mấy chậu xương rồng hoa đỏ, một hòn đá biển, một bức tranh họa và những cuốn sách. Những gì vừa kể thật sự là bạn của Lễ, bạn không phản nghịch của Lễ. ngoài ra nữa, còn những ly rượu Lễ liên tiếp uống một mình, uống để bôi xóa những buồn bã chôn giấu ở bên trong.
Tình đến hôm nay, đã hơn một tháng từ sau ngày dọn nhà, Lễ còn bàng hoàng, nhiều lúc Lễ không biết mình là ai giữa căn nhà lạ. Ta là ai mà những kẻ quen thuộc cũ xem ta là lạ mặt, và ta tự xô ta tới đây. Phải rồi, họ giao tiếp làm chi với một tên thất bại, dù do đâu cũng đã là thất bại. Nó tin vào những điều nó tin mà không qui phục những điều nó không tin thì nó phải chết. Nó chết tự nhiên đã là lẽ thường, có thể nó cón phải chết vì tự dùng độc dược hay vì dây thòng lọng. Mà không phải những thứ ấy thì rượu cũng đang đốt cháy nó.Xa lánh nó, hãy xa lánh nó, kẻ không còn mang lại lợi ích cho mình và nhất là khó bề chia sẻ được với những ý nghĩ ngang ngạnh của nó. Hãy nhìn xem, sau những căng thẳng buốt óc, thần kinh suy nhược, nó thường lẩm bẩm một mình. Và ở bên ly rượu, đã thấy chưa, nó đau đớn đến chừng nào. Phản ứng điên dại của nó là do đâu ? Phải chăng nó không thể thoát được những ảo tưởng khôn lường của nó.

Trước tấm bảng nền xanh dài ba thước rưỡi, ngang một thước hai, Thân đang ngồi bệt trên nền nhà, tô lại nước sơn thứ hai ở hàng chữ sau chót. Vậy là sau hai ngày, hôm nay tấm bảng hiệu sắp xong. Cũng như rất nhiều bảng hiệu nhà may phụ nữ, hai chữ thời trang được Thân cố lên gân với kiểu chữ mới cho nổi bật lên. Ngồi trước cái máy chữ cũ, chợt Lễ ngừng tay, mắt dõi theo nét cọ của Thân. Sau bao nhiêu đổi thay nối tiếp, bây giờ đã đến thời của tin học tràn tới. Cùng những phát triển cũ người mới ta, thành phố lúc này còn có những ngôi nhà nhiều kiểi đang được xây cất lên. Trước những nảy sinh, nhiều lúc Lễ có một niềm vui vì mình còn sống, còn được thấy những thay đổi. Qủa là cuộc sống đa biến. Hai chữ thời trang kia đã có hình thức khác lạ với chữ thời trang của ngày tháng cũ. Cũng chính trong cái diễn biến tất nhiên và khi nhận ra tuyệt vọng là phải khác đi, Lễ lại lao vào với công việc chính của mình. Công việc này, viết, chăm chỉ viết đang giúp Lễ ra khỏi tuyệt vọng.

Chợt Lễ nghe có tiếng chân người. Tiếng chân ngập ngừng và người bước vào nhà là một thiếu nữ. Vừa thấy thiếu nữ, đột nhiên Lễ nhớ đến Hương. Đã hai mươi năm mà lập tức Hương trở về. Cũng đôi mắt sáng, nụ cười tươi, và trong cái chemise màu hồng rất rộng, quần jean đen bó ống, thiếu nữ làm Lễ lặng đi. Đã hai mươi năm rồi mà hình ảnh Hương thưở đó vẫn còn rạng rỡ, tựa như thiếu nữ vừa đến. Thời gian vẫn trôi, nhiều sự đã qua, vậy mà Lễ vẫn không quên những đám mây trắng ở phương xa ấy, không quên vì thiếu nữ vừa bướcvào nhà rất giống với Hương. Nhưng thưở đó đâu còn nữa với Lễ. Lễ bây giờ đã khác đi, đã trơ trọi và tàn tạ. Tàn tạ bên ngoài, nhưng bên trong, với riêng Lễ, Lễ tưởng mình vẫn đằm thắm như xưa.

Thiếu nữ chào Lễ với cái nhìn nheo cười, rồi bước sang nói chuyện với Thân. Qua câu chuyện của họ, Lễ được biết thiếu nữ là người đạt vẽ tấm bảng, là chủ của tiệm may bảng sắp vẽ xong, sẽ khai trương trong tuần tới. Qua địa chỉ trên tấm bảng, Lễ chợt nhớ đến Phúc, Phúc cũng đang buồn rầu như Lễ. Ngày ngày cũng như ở đây, ngày ngày từ sáng sớm ở đó, cả xóm đã đầy những âm-thanh-cuồng-nộ. Mở đầu như thế và kéo dài đến đêm khuya cũng như thế. Phúc điên cuồng nhưng không có cách nào bỏ đi. Ở đây, Lễ cũng thế. Đầu óc Lễ thường xuyên buốt nhức vì những lời lẽ tàn bạo, tục tĩu vây quanh. Những lời lẽ ấy như tra tấn Lễ, khiến Lễ rất thèm một nơi yên tĩnh, nhưng hai bàn chân anh bây giờ gần như bại liệt, chỉ còn có thể quanh quẩn trong nhà.

Ngừng tay vẽ, Thân gọi bé Dung, đứa cháu của Lễ và bảo nó đi mua nước đá để làm nước mời khách. Từ lúc thiếu nữ vào nhà, cô rất tự nhiên. Hai mươi hai tuổi mà đã có sáu năm tay nghề. hai mươi hai tuổi mà tuần tới đã là chủ của một tiệm may lớn. Khánh, tên người thiếu nữ, mà tên trên bảng hiệu cũng như thế đấy. Nhưng với Lễ, đó chỉ là những gì ở ngoài, còn trong thầm kín, Lễ đang nhìn Khánh như ngày xưa Lễ từng nhìn Hương. Đã nhiều ngày tháng rồi Lễ không còn có một người phụ nữ nào ở bên cạnh. Càng lâu trong tình cảnh ấy, Lễ càng mất thăng bằng. Trước kia cái nhìn của Lễ với phụ nữ, rất bình thường; giờ đây cái nhìn của Lễ là cái nhìn của kẻ thiếu thốn. Thiếu thốn đến độ thấy bất cứ người đàn bà nào cũng có thể là một thân xác muốn kề cận, chiếm được, và lúc này đây, ở trong cái nhìn mà Lễ nhìn Khánh, cái nhìn tự nó có phần lén lút. Thật thảm hại, vì thiếu thốn, rõ ràng vì thiếu và thốn, đã làm Lễ mất đi sự ngay thẳng, dù chỉ ở trong cái nhìn.

Trước tấm bảng còn hăng mùi sơn ướt, Khánh ngồi bên Thân, tiếp tục câu chuyện, hỏi về giờ vẽ xong và cách chuyên chở.

Thấy bé Dung đem nước đá về, rất tự nhiên, thay vì là khách, Khánh bảo bé Dung lấy dao để Khánh chặt đá nhỏ ra. Trước mắt Lễ, Khánh bây giờ dịu dàng, trùng khít với Hương ngày xưa. Ngày xưa, nghĩa là đã xa rồi, Hương không còn nữa nhưng Khánh còn kia. Từ lúc Khánh đến, tiếng máy chữ của Lễ bặt im. Làm nước xong, đưa cho Lễ một ly, Khánh hỏi Lễ về Phúc, người chú của Khánh, bạn của Lễ, người đã cho địa chỉ để Khánh đến đây đặt bảng vẽ. Lễ chỉ cười, không có lời đáp lại, vì không rõ lúc này Phúc ra sao, từ lâu Lễ đã chỉ còn ở cái xó góc này. Nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, đã đến giờ phải nấu ăn, Lễ im lặng khuất vào nhà trong. Lấy vỏ bào bỏ vào lò, chất củi lên trên, Lễ nhóm bếp. Lửa mồi bén vào vỏ bào rất nhanh. Bao giờ nhìn lửa cháy, Lễ cũng thường ngây người vì màu lửa rất đẹp. Những ngày ở Ban Mê Thuột, những ngày ở thị trấn ấy, có rất nhiều buổi tối Lễ và Hương ngồi bên nhau trước lửa. Trong cái không khí lạnh giá và gió như chở bão ở bên ngoài, lửa của củi thông cháy bùng bùng. Nhưng bây giờ còn đâu nữa. Trong khi chờ cho ấm nước sôi, Lễ chuẩn bị, sắp xếp các việc sắp phải làm. Chuẩn bị xong, Lễ lại ngồi trên cái ghế đẩu và nhìn lửa cháy.

Ở nhà ngoài lúc này thật im lặng, không có một tiếng động nào. Sự im lặng có khi cũng lôi cuốn người ta và Lễ bỏ chỗ ngồi, bước ra xem sao.

Vừa bước ra, Lễ tột cùng ngạc nhiên thấy Khánh nằm trên mặt giuờng của Lễ. Gương mặt Khánh thật thanh thản. Lễ cố không gây tiếng động và lặng ngắm. Không, không phải Hương ngày xưa đâu, đó chỉ là một người vừa bất chợt xuất hiện. Hôm qua người ấy ở đâu, Lễ không hề biết. Và Lễ cũng không biết chiều nay cô ta sẽ ở đâu nữa. Đúng trên chỗ nằm của Lễ, tự nhiên và thanh thản, thiếu nữ đang nằm đó. Thân quay qua và cười với Lễ : Rất tự nhiên, Thân nói. Lễ cười : thật là tự nhiên. Và sợ Khánh có thể bất thần thức dậy, Lễ trở vào nhà trong trông lửa. Lạ thật, Khánh quá tự nhiên, một chuyện như chuyện Liêu Trai có thể xảy ra giữa ban ngày, Liêu Trai ban ngày được sao ? Nhưng rõ ràng Khánh đang nằm ngoài kia. Nhiều năm rồi, cái giường của Lễ hoàn toàn là cái giường của kẻ độc thân. Vậy mà hôm nay có một người nữ nằm ở đó. Khánh nằm ở đó, nhưng Khánh không phải là Khánh của Lễ. Rõ ràng, sống là ở trong diễn biến nối tiếp. Tiếp nối lúc này là Khánh ngẫu nhiên từ đâu đến và đang nằm trên giường của Lễ. Khánh nằm ngoài đó, bằng xương bằng thịt, không phải là hình bóng, là hư không đâu. Không đừng được, Lễ lại trở ra, anh đứng ở phía trong cái màn sáo để có thể ngắm Khánh mà Thân không thấy. Chợt Khánh tỉnh dậy và vì trời vừa đổ mưa ở bên ngoài, Khánh lấy cái mền màu đỏ của Lễ đắp lên ngang bụng. Thực hay là mộng, quá khứ hay hiện tại đây ? Không, Khánh nằm đó, cô không biết Lễ đang nhìn cô với cái nhìn của kẻ đang rừng rực thèm khát. Ta đã thiếu thốn đến tận cùng, sinh thèm khát tận cùng rồi, Lễ thầm nghĩ. Lễ vuốt mặt để xoá đi cái hình ảnh Khánh đang nằm trước mắt. Rồi hết sức cố gắng, Lễ lại quay vào trong bếp. Ấm nước đã sôi, nước sôi đang đấy cái vung lên, Lễ nhắc ấm xuống, đặt lên bếp cái chảo. Ở ngoài nhà, thằng Cảnh đã đi học về, nó đang hỏi Thân về bé Dung, chị nó, và con chó Thân mang về cho nó từ tuần trước. Nói chuyện xong với Thân, từ nhà ngoài bước vào, cặp còn đeo trên vai, thằng Cảnh khoanh tay chào Lễ :

- Thưa bác Lễ, con đi học mới về.

- Ừ, giỏi, cất cặp đi, lát nữa ăn cơm.

- Cô nào ở ngoài đó vậy bác ?

- Cô Khánh.

- Bạn của bác hả ?

- Không, cô ấy đến lấy bảng, tấm bảng bác Thân đang vẽ đó.

- Vậy là khách à ?

Khách. Đúng là khách. Người khách này xuất hiện rồi sẽ biến mất. Vả ở trong căn nhà này, rồi đâu lại hoàn đó.

Từ ngoài nhà bước vaò, Khánh vừa vuốt mái tóc ngắn, vừa cười cười, vừa nói với Lễ :

- Đêm qua Khánh thức khuya quá, Khánh ngủ có lâu không chú ? Kỳ quá nhỉ ?

- Không lâu đâu - Lễ đáp.

- Rửa mặt ở đâu, chú ?

Lễ chỉ vào phòng tắm. Thoáng ngần ngại, rồi Khánh khuất sau cánh cửa phòng tắm sát bên. Trong một lúc tràn ngập bởi hình dung và tưởng tượng. Lễ mong như anh là nước đang xuôi chảy trên thân hình Khánh và dù không hỏi Khánh, Lễ lấy thêm gạo, bảo thằng Cảnh đi mua thêm trứng. Đang bỏ rau vào chảo, Lễ quay sang vì Khánh mở cửa phòng tắm bước ra. Nước đã làm gương mặt Khánh tươi tỉnh. Khánh định phụ Lễ xào rau, nhưng Lễ vẫn giữ phần việc của mình. Trong một lúc, với một va chạm nhẹ, Lễ thấy mặt Khánh đỏ bừng và đôi tay cầm đữa của anh thoáng run lên. Đúng lúc này, Lễ mời Khánh ở lại ăn cơm. Thoáng có vẻ ngần ngừ, nhưng rồi Khánh nhận lời ở lại, cốt ý tiếp tục để chờ tấm bảng. Gian bếp chật, vì khói, Lễ bảo Khánh nên ra nhà ngoài.
Thằng Cảnh đi mua trứng về, Lễ cũng bảo nó ra nhà ngoài, chơi với con chó Ki.

Ở nhà ngoài, Thân đã có thể buông cọ. Tấm bảng đã xong, chảo rau cũng vừa tàn lửa. Lễ gọi hai đứa cháu mồ côi vào dọn bát đũa. thằng Cảnh làm thân với Khánh rất nhanh. Nó vừa cùng chị nó, cùng Khánh dọn bàn, vừa nói với Khánh đủ thứ chuyện. Trong bữa ăn, nó không để Lễ lấy cơm cho nó, nó nhờ cô Khánh của nó. Nhìn hai bàn tay Khánh lấy cơm cho thằng Cảnh, Lễ lại tưởng nhớ đến Hương của thưở nào, Lễ lại thấy như Hương hiện về đây.

Lễ đậy nắp máy chữ rồi cất vào trong ngăn kèo bàn viết. Vậy là một bản thảo nữa đã được đánh xong. Lúc này đêm đã rất khuya. Đêm đã rất khuya và giữa vắng lặng, Lễ nao nức vì mùi hương " tóc Khánh " còn đọng lại trên mặt gối. Ôi mùi hương tóc của Khánh, và cái mền trên người Lễ buổi trưa Khánh đã đắp, Khánh đã về mà như Khánh vẫn còn ở đây. Đêm rất khuya, tưởng tượng mãi về Khánh rồi Lễ chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị.

Khánh ngập ngừng, cúi mặt nhìn xuống ngực, rồi Khánh cởi áo ra. Như một người đàn bà đã đẹp thì đẹp từ bên ngoài vào trong, Khánh đẹp ở mọi chỗ. Y như có thật, kẻ cô đơn được bù đắp trong mộng mị. Nó có ngang ngạnh rồi cũng sụp xuống trước chuyển động. Ngàn trùng mà như có trong tay. Cứ thế, Lễ sôi nổi, chìm xuống, sôi nổi và vút lên, tan nhòa với nước mắt gập gỡ. Ngay khi bay vút lên, tan nhòa, Lễ bàng hoàng tỉnh giấc. Lễ vừa tưởng có thật, nhưng bên cạnh nào có thấy Khánh đâu. Không phải Khánh mà sao lại có Khánh bù đắp cho bao nhiêu ngày trơ trọi của Lễ. Dù không có thật, Lễ đã thấy như có thật. Và cái kỷ niệm rợn người chỉ với hình bóng của Khánh, dạt dào đến rồi mất hút vắng lặng, cũng đã tương tự một đám lửa cháy sự trơ trọi của Lễ trong căn nhà không có một người đàn bà .




VVM.29.8.2023-NVA.301012

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .