Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ẤU THƠ…



... N hững năm tháng cấp hai của tôi đã trôi qua trong những vui buồn xen lẫn. Vui vì đi học được thầy cô và bạn bè yêu mến, vui vì những buổi trưa hè được nằm dài trên giường đọc sách, và vui vì năm cấp 2, tôi có được một người bạn thân. Thực ra thuở còn mẫu giáo tôi đã bắt đầu có người bạn thân đầu tiên, đó là Na, cô bạn hàng xóm sát vách, coi như là “người bạn nối khố quấn” quýt nhau từ năm 4 tuổi, cho đến khi lên 12 tuổi tôi rời xa khỏi thành phố biển thì chúng tôi sau đó vẫn thư từ liên lạc đều đặn với nhau, coi như những biến động nào lớn trong cuộc đời của nhau, chúng tôi đều rõ cả. Cho đến tận bây giờ, sau khi tôi đã lanh quanh di chuyển một vài nơi và sau khi cả tôi và Na đều đã trở thành những người mẹ, ơn trời chúng tôi vẫn còn giữ được tình bạn, dù thật tiếc là do cuộc sống bộn bề và nơi ở cách xa nhau mà chúng tôi không thể liên lạc thường xuyên cũng như không còn bắt nhịp được những bước đi của nhau như ngày xưa nữa. Hồi bé, nhà Na và nhà tôi sát vách, chỉ khác là ngôi nhà của Na là nhà riêng, thật to với 3 tầng nguy nga, còn nhà tôi chỉ là 1 ngôi nhà tập thể khá cũ kĩ mà ngày xưa ông ngoại tôi đã được nhà nước phân cho, sau này hoá giá ông tôi mới mua được căn hộ đầu tiên của mình, và tất nhiên căn hộ ông chọn nó nằm mãi sâu vào phía trong, phải đi thông qua cái đường luồng, với lí do như mọi lí do của các “ông già Khốt-ta-bit” khác thời ấy: “sống ngoài mặt đường bụi bặm, ồn ào, mình chọn căn trong cùng cho nó yên tĩnh”. Na là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, bố mẹ Na giàu có không biết có phải là nhất vùng hay không nhưng nhất định là nhất xóm. Thuở bé, tôi hay nghe người ta xầm xì rằng gia đình Na giàu có lên là nhờ buôn lậu gỗ và một số hàng quốc cấm, thế nhưng với đầu óc trẻ em chúng tôi, điều đó cũng không có chút ý nghĩa gì, chúng tôi vẫn chơi rất thân với nhau mặc dù 2 đứa khác nhau một trời một vực. Na sạch sẽ, ngoan ngoãn và trắng tinh như một con búp bê, một nàng công chúa; Còn tôi thì lem luốc, đen nhẻm không phải vì bà tôi không chăm sóc, tắm táp cho tôi mà vì tôi hay đi rông, hay trốn nhà đi chơi “giang nắng” theo cách gọi của bà ngày xưa. Và tôi cũng không được thuần tính như Na, trong khi Na từ bé đã là một cô gái “gọi dạ bảo vâng” nhu mì nết na, bố mẹ bảo không được đi chơi là nhất định sẽ chẳng đi chơi, thì tôi, tôi luôn giả vờ lên giường nhắm mắt coi như mình đã ngủ trưa, đợi ông bà say giấc xong, tôi rón rén trốn ra khỏi nhà, và nhất định là lang thang đi hái trứng cá, đi ra bờ biển hoặc đi lên nóc thượng, leo lên một mái ngói phủ toàn thứ rêu mịn màng của toà nhà bên cạnh rồi từ đó nằm dài nhìn trời, nhìn mây, nhìn biển. Từ mái ngói này, tôi có thể trông thấy biển từ phía xa xa, biển lúc đó chỉ còn là một khúc nước xanh xanh nhỏ bé tít chân trời, và tôi tưởng tượng ra ở nơi ấy có bao nhiêu cánh buồm trắng xinh đẹp sẽ đưa con người đến những vùng đất mới xa lạ và thú vị, thậm chí tôi đã mong một ngày, tôi sẽ được đặt chân đến những vùng đất mới kì lạ kia. Rồi tôi suy nghĩ, tưởng tượng miên man hết chuyện này đến chuyện kia theo trí tưởng tượng của một đứa bé ngây thơ, để rồi buổi tối, trước khi đi ngủ, nhất định tôi sẽ chọn cho mình một câu chuyện nào đó hay hay để “nằm mơ” trước khi chìm vào giấc ngủ hoàn toàn… Sau này, tôi rất thích nhạc Dương Thụ vì nó đặc biệt đồng cảm với tôi. Bạn đã nghe chăng bài “Bay vào ngày xanh”: “Đôi chim nghiêng nghiêng trong nắng, vỗ cánh bay vào ngày xanh thắm/ Trưa nay bao nhiêu mây trắng, đã trôi trên bầu trời trong sáng/ Để em về nghe ngày xưa bé bỏng, một ô cửa xanh chập chờn hoa nắng/ Để em về nghe, mùa đông phố cổ, mẹ đang ngồi đan, chập chờn đêm gió/…Cánh phượng rơi, trên mái tường rêu…”.


Tôi và Na rất thân nhau, cô ấy có gương mặt sáng sủa, dịu dàng và tính tình nhân hậu. Các anh chị em nhà Na đều ăn học đến nơi đến chốn, người làm bác sỹ, người là kỹ sư, còn chị Thuỷ, chị áp chót, cưng chiều Na nhất, là một cô giáo tương lai sắp ra trường. Chị Thuỷ là người rất đảm đang và khéo tay, chị ấy lại còn xinh đẹp và rất có duyên, khiến cho ngày xưa từ thời chị đi học, các anh con trai cứ đến chật nhà, chị ngồi tiếp chuyện ở phòng khách mà tôi và Na đang luẩn quẩn chơi, thỉnh thoảng liếc nhìn cười khúc khích… Chị luôn tự tay làm bánh kem, bánh bông lan, rau câu cho cô em mình mỗi dịp sinh nhật. Cả gia đình nhà Na rất thương nhau, hạnh phúc, thuận hoà đến nỗi lối xóm ai cũng khen nức nở. Na là con nhà giàu, ba mẹ lo cho không thiếu bất cứ một thứ gì nhưng lại rất chân thành, hoà đồng và dễ thương như một cây kẹo ngọt, nó nói năng rất nhẹ nhàng, luôn ở bên tôi và hay bị tôi “đầu têu” lôi kéo vào cái thế giới tuổi thơ đầy tinh nghịch. Có lần buổi trưa hè, tôi rủ nó đi khèo trộm những quả nho trên giàn của nhà hàng xóm, thế mà không biết sao lại khèo ra quả…lựu, thế rồi bị trẻ con hàng xóm chạy ra, ném chai lọ, la hét toáng lên khiến chúng tôi hốt hoảng chạy đi, lòng vẫn hoang mang là tại sao đi khèo nho mà lại được quả lựu như thế, giờ nghĩ lại thấy hồi đó thật trẻ con, thật ngốc, có gì đâu, nhà người ta trồng cả nho lẫn lựu lên chung 1 bờ tường ấy mà... Hồi đó mỗi lần trường mẫu giáo diễn văn nghệ, bà tôi lại sang nhà Na để mượn váy cho tôi vì Na có rất nhiều váy áo đẹp, hệt như váy áo của một nàng công chúa, còn tôi, ông bà tôi nghèo quá, làm gì có nhiều tiền để mà mua nhiều váy áo cho tôi, điều ấy sau này khiến tôi hình thành cái thói rất không hay là rất hay “ăn diện” theo kiểu mê nhiều váy áo, tôi nghĩ mình đã tự làm ra tiền được rồi, tôi có thể tự mua sắm váy đầm cho mình. Một phụ nữ mà không có váy đầm thì nó đơn điệu như một ngôi nhà mà không có lấy một bông hoa, dẫu cho “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (cái gì mà có hình tướng thì cũng chỉ là điều không thực – cảm ơn chị Như Thị đã bảo ban cho tôi điều này trong kinh Bát Nhã ). Nghĩ cho cùng ngay cả cái xác thân tôi cũng chỉ là điều không thực, tôi sống đây và đang viết đây, nhưng biết đâu chừng cũng sớm tan biến thôi, mà chắc chắn là sẽ tan biến thôi, rồi cả thế giới này cũng không còn ai còn biết gì hay nhắc gì về một Phương Chi từng sống ở nước Việt Nam những năm đầu thế kỉ 21 nữa, giống như muôn vạn nghìn người trôi nổi qua muôn vạn nghìn lượng kiếp như gió bụi tả tơi, còn có ai biết gì nữa đâu? Cái bản thân mình nó còn chẳng đáng cái gì, thế mà tôi lại đi chấp nê vào cái áo, cái váy. Nhưng biết làm sao được, tôi “muôn thuở đàn bà”, mà tôi cũng chỉ biết rằng mình đang sống giờ này, phút này, giây này ở kiếp này, ở tuổi trẻ của mình thôi, rồi sau này, có ra sao cũng mặc… Sau này ba tôi đi Nga về, ông cũng gửi cho tôi một số váy áo và trâm cài tóc kiểu Nga, tôi rất vui mừng và khoe với Na, dù trông váy áo ấy hơi lạ lùng, nó cứ lùng bùng như váy áo của con búpbê Nga, còn trâm cài thì tóc tôi qúa ít không thể nào cài được…Cứ tối tối sau khi ăn cơm xong, tôi với Na lại rủ nhau cùng ra ngoài đường, có lúc thì chơi những trò chơi cùng bọn trẻ khác quanh nhà, có lúc lại nghĩ ra trò kê hai cái ghế trước sân, ngồi ngắm mọi người đang đi trên đường rồi cùng nhau tưởng tượng những câu chuyện về họ - những con người xa lạ đang đi trên đường ấy… Những ngày tuổi thơ êm đềm khiến hai đứa còn nhớ mãi.


Trong những ngày thơ ấu ấy, tôi còn nhớ hai nhân vật khá đặc biệt trong thành phố biển của mình, đó là bà Mười điên và ông Tám khùng. Bà Mười điên có mái tóc bạc phơ, loe ngoe xoã ra rũ rượi, bẩn thỉu... Bà chống gậy đi khắp ngang cùng ngỏ hẻm, tay xách cái bị như một người ăn mày, hình như bà tứ cố vô thân không có ai chăm sóc. Bà có thói quen hút thuốc, bà đi lượm những mẩu thuốc lá vụn khắp phố phường, rồi ngồi vê lại thành điếu thuốc to đùng, chống gậy phì phèo vung vẩy khắp nơi... Đặc biệt, bà cứ hay đến nhà con Na vào lúc nửa đêm, đập đầu gào khóc. Bà nói rằng trả nhà cho bà, trả chồng, trả con cho bà. Người ta nói rằng, ngày xưa trước giải phóng, bà từng có 1 gia đình êm đềm, và nhà của Na bây giờ chính là nhà của bà ngày xưa. Sau này có một người phụ nữ khác đã bước vào và phá tan gia đình hạnh phúc ấy, bà mất tất cả, bà hoá điên hoá dại và lẩn thẩn như ngày hôm nay. Trong cái trí nhớ nửa tỉnh nửa mê của bà, tiếng gọi của quá khứ hiện về, và khiến bà không thôi gào khóc đòi nhà, đòi chồng, đòi con sao? Lúc đó tôi còn quá bé, tôi chẳng biết gì, tôi chỉ biết sợ hãi chạy trốn mỗi khi thấy dáng bà xuất hiện từ phía xa xa. Những lúc nào trốn không kịp, bị bà bắt được và hù cho một cái, hồn vía tôi lên mây, tôi khóc oà lên và le hét um sùm khiến ông tôi phải chạy ra ôm tôi vào, dỗ dành cho tôi nín. Ấy mà có lần, tôi và Na đang chơi, trông thấy bà lủi thủi từ phía xa xa, nhặt nhạnh mấy mẩu thuốc vụn, chúng tôi đã nén sợ hãi, chạy ra đi lượm thuốc cùng bà, và thấy thật vui khi mình tìm thấy được nhiều đầu thuốc lá vụn, chúng tôi ngồi và xe thuốc cùng bà… Đến tận bây giờ, tôi cũng không rõ vì sao ngày xưa mình làm như vậy. Sau này, nghĩ lại, tôi thấy nhiều người cho rằng đã là một con người thì phải biết vượt qua ngoại cảnh để sống vươn lên, thế nhưng tôi không nghĩ với ai cũng dễ dàng như thế, điều đó còn phụ thuộc vào thần kinh và khí chất của từng người. Với những người với khí chất ưu tư, một cơn gió thổi qua cũng khiến họ lạnh hoặc suy tưởng về những điều bi ai thái quá, thế thì trước những chấn động lớn trong đời, họ có thể hoá điên hoá rồ hoặc leo lên cái chỗ cao nhất mà ngồi, nói cho cùng cũng không lấy gì làm lạ… Đời đâu phải ai cũng cứng rắn như ai! Sau này, có thời gian bà ngoại tôi bị chứng lú lẫn người già, phải vào chữa ở bệnh viện thần kinh, tôi vào chăm sóc một tuần nhưng đã chứng kiến biết bao cảnh đời “địa ngục trần gian”, tột cùng khổ sở. Trừ những người bị bệnh bẩm sinh ra, còn lại, kẻ thất tình, kẻ chồng bỏ, kẻ thi rớt, kẻ tan vỡ gia đình… họ dắt díu nhau vào ngồi kể chuyện đời với những ánh mắt vô hồn, những nụ cười man dại ngay cả sau khi bị đè ra tiêm thuốc. Thuốc thần kinh, thuốc lú? Quên được với họ là tốt, thà sống mà chẳng nhớ gì còn hơn nhớ toàn chuyện luỵ phiền rồi bi phẫn hoá điên ra… Thế nhưng tất nhiên tôi thông cảm là thông cảm thế thôi, chứ cuộc đời, phải cố sống cho ra con người cho đến giây phút cuối cùng, sống khó hơn là chết rất nhiều, nếu ai cũng uỷ mị đớn hèn cả thì thế giới sẽ ra sao? Tôi chỉ cảm thương những con người kia, cảm thương họ đã quá lao theo cảm xúc đau đớn của mình, để rồi khi chạm ngưỡng những buồn đau lớn nhất, họ đã không dừng lại để nói rằng: Dù thế nào, thì nó cũng chỉ nỗi buồn đau nhỏ nhoi trong 1 kiếp người ngắn ngủi, nhỏ nhoi mà thôi, rồi cũng sẽ chìm trôi, rồi tất cả cũng sẽ qua, ta cũng sẽ trôi, ta có sống mãi được đâu mà mãi mất thời gian cho những điều không thể nào cứu vãn, chi bằng đằng nào cũng phải sống, ta hãy tìm niềm vui trong lao động và trong chiêm ngưỡng thiên nhiên cho đến giây phút cuối của đời mình. Thiên nhiên là trong sáng nhất và vĩnh hằng nhất, thiên nhiên không biết nói bao giờ nhưng lặng lẽ vỗ về ta mỗi khi ta mệt mỏi, khi ta thất vọng nhất về con người. Con người có thể làm ta thất vọng, con người có thể phản bội, nhưng thiên nhiên thì không…

Còn ông Tám khùng, ông ấy là nhân vật “khùng mà rất khôn”. Ông Tám luôn luôn ôm trong tay một bó hoa huệ trắng, đợi nhà ai có đám tang hay đám cưới, lập tức ông có mặt và trao cho nhà chủ bó hoa. Ăn uống xong xuôi, ông lại đòi bó hoa về. Cứ như vậy, ông ôm bó hoa đi hết đầu làng cuối xóm, thế nhưng mọi người đều thương ông, hình ảnh của ông to bé, bệ vệ mặc bộ quần áo bà ba nâu ngồi trên chiếc xe xích lô (người ta thường cho ông đi không, không lấy tiền) đã trở thành hình ảnh “truyền thống” một thời của thành phố biển của tôi, nơi tôi sống một thời thơ bé…


Quay trở về với gia đình nhà Na, cái gia đình ấm êm hạnh phúc, đông đúc con cái, tiền bạc, tình cảm song toàn thế kia, ấy vậy mà vật đổi sao dời, năm Na vào cấp 3, đến năm cuối cấp thì mẹ Na mắc bệnh ung thư, cả nhà chạy chữa mãi không được… Sau này gặp lại Na sau bao nhiêu năm xa cách, tôi ngậm ngùi nghe tin ba của Na chỉ sau khi vợ mất một thời gian, bác đã đi lại với một người đàn bà chuyên cờ, đề, bài bạc nức tiếng trong thành phố, gây nợ gây nần và gây điều tiếng không tốt ảnh hưởng đến cả sự nghiệp của con cái. “Sướng út nhờ, khổ út chịu”, Na của tôi rơi vào một cú sốc tâm lý lâu dài. Bấy lâu cô vẫn thần tượng cha của mình, nào ngờ… Ngày đám tang của mẹ, ba cô ấy khóc rất nhiều, người ta nói, đàn ông khóc vợ nhiều thể nào cũng chóng đi bước nữa. Có phải vì họ yếu đuối và cần chỗ dựa tình cảm quá chăng? Cũng may, thời mẹ Na còn sống, gia đình cô có rất nhiều đất đai, nhà cửa tại địa phương cũng như mẹ cô đã mua sẵn nhà cửa trong miền Nam - Sài Gòn cho các con vào ăn học, thế nên Na không phải quá long đong chuyện cơm áo gạo tiền trong suốt thời đi học của mình. Rồi Na yêu, cô ấy phải lòng một cậu bạn trai học cùng trường ngoại thương rất đẹp trai và tính tình vô cùng đáng mến, cậu kia cũng rất yêu Na, thế mà gia đình cậu kia lại quyết liệt phản đối khi nghe tin về chuyện gia đình nhà Na, về cha Na. Họ quan niệm “lấy vợ chọn tông”, cậu kia “vì hiếu thảo” nên lặng lẽ nghe theo lời ba mẹ. Na ôm tôi, hai đứa khóc như mưa vì trắc trở đầu đời của nó… Sao một đứa dễ thương, vô tội như nó lại phải “gánh tội” cho bậc sinh thành? Tôi nói với Na rằng, thôi thì quên cậu ta đi, loại đàn ông như thế trong tình yêu thuộc loại rất hèn, hãy coi như mình may mắn nhìn thấy ngay từ đầu, chứ nếu lỡ có lấy được về, họ không bảo vệ được mình, mình cũng sẽ sống dở chết dở trong cái gia đình đầy định kiến đó…Thế rồi mọi chuyện trôi qua, cô ấy gặp thêm một lần dang dở nữa rồi cũng lập gia đình và mới có con. Trời chẳng phụ lòng người, Na đã gặp được một người hiền lành, tốt bụng và gia đình cũng rất là khá giả. Tôi rất vui mừng khi bạn mình đã trở về đúng với vị trí tiểu thư ngày xưa, Na của tôi xứng đáng với những điều như vậy…


Thời kì tuổi còn mẫu giáo, tôi và Na ngày nào cũng chơi với nhau biết bao nhiêu trò chơi tuổi thơ như “thiên đàng địa ngục”, nu na nu nống, trốn tìm, nhảy dây, cả những trò tập thể như rồng rắn lên mây, chơi keo, “bốn phương tám hướng”…với mấy đứa trẻ hàng xóm khác, trong đó có con Mi, thằng Pha. Sở dĩ chúng nó có cái tên Pha, Mi là vì bố chúng làm nhạc sĩ. Thằng Pha có bệnh hay “chết giả”, đang chơi thì hay lăn đùng ra ngất xỉu, nhưng sau đó lại tỉnh dậy bình thường, còn con Mi, nó luôn điệu đàng với váy áo mà mẹ nó – một phụ nữ xưa làm ở quán rượu tây trước 75 (như cách nói linh tinh của hàng xóm mà thuở bé tôi tình cờ nghe được dẫu lúc đó không hiểu như thế có nghĩa là gì) – sửa soạn cho. Con Mi có một giọng hát rất hay không hổ “truyền thống” gia đình mà lúc đó tất cả chúng tôi rất ngưỡng mộ và rất mê, tôi còn nhớ nó từng đậu giải nhất tiếng hát thiếu nhi, nó hát bài:“mùa xuân nho nhỏ, đỏ đỏ xanh xanh, cho em học hành, cho em ước mơ/ Mùa xuân nho nhỏ, chồi nở trên cây. Đưa chim về bầy, tô xây bầu trời…Hôm nay em hát vang bài ca, tình thương bên cô thầy, mùa xuân nhỏ nhỏ, hay hay…Mai sau, em lớn trong niềm vui, và tin yêu cuộc đời, mùa xuân nhỏ nhỏ, xinh xinh…”,đó là một sáng tác của chú C.Đ.Khánh – cha nó. Tôi còn nhớ chú Khánh đeo đôi kiếng cận, trông rất hiền, chú sáng tác nhạc rất hay, thế nhưng không hiểu sao chú hay bị cô vợ không rõ vì lí do gì mà thường xuyên ồn ào, lớn tiếng chửi bới, có lúc cô ấy còn chửi cả bà mẹ chồng mù loà khiến cả xóm đều nghe được, hình như có lúc cô còn bỏ đói bà cụ. Bà cụ là Phật tử, bà thường sai con cháu dắt đi chùa, con Mi thuộc ca đoàn ở nhà chùa, có mấy lần tôi cũng xin đi theo và học được vài bài hát rằng: “Hôm nay thầy về đây, chúng con kính chào thầy, trong giờ phút giây này, chúng con biết nói gì đây, chúng con nguyện tinh tấn, diệt tan tham sân hận, ánh đạo hằng mong sáng lên dần”…rồi “từ thuở xưa, kinh thành Ca-ti-la-vệ, Tất-đạt-đa, thái tử con vua Tịnh Phạn, thời niên thiếu sống trong nhung lụa êm ấm, thương chúng sanh, khoác mình chiếc áo nâu sồng…”. Thuở ấy tôi còn quá bé, nên không thể hiểu nội tình nhà Pha, Mi, chỉ thấy rằng chú Khánh trông tội tội, bà cụ thì dò dẫm đáng thương. Con Mi về sau có vẻ không thích học hành gì, chỉ lo làm điệu, càng lớn lên càng điệu hơn, và mới năm lớp 6 đã có bạn trai đến đón đi học ở đầu ngõ. Rồi bà cụ qua đời, tôi thấy mẹ Pha, Mi trong đám tang cũng có vẻ sụt sùi… Sau này khi tôi chuyển đi, tôi chẳng còn tin tức gì về gia đình Pha, Mi nữa cả…




VVM.29.8.2023-NVA.301012

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .