Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



N ó hồ hởi đạp xe lạng qua lạng lại trên đoạn đường vắng, mặc cái nắng bỏng rát giữa trưa bao trùm khiến mồ hôi túa ra nhễ nhại ướt đẫm áo. Nó vừa được nhận vào làm phục vụ ở một quán cafe sân vườn. Sáu trăm ngàn, nó nhẩm tính trong đầu, trừ đi một ít tiền nhà và tiền điện nước, chắt chiu cũng đủ tiền ăn. Bố mẹ nó sẽ không phải vất vả tích góp gửi tiền cho nó mỗi tháng.
     Thi rớt đại học, nó quyết định khăn gói vào thành phố ôn thi. Trước khi đi, mẹ nó nhét vào túi nó bốn trăm ngàn, nói “Cả nhà còn ngần đó. Trong nhà không còn gì để mà cầm cố”. Nó quay lưng leo nhanh lên xe khách, đưa tay quệt vội giọt nước mắt đang ứa ra, cay xè.
     Đặt chân đến thành phố buổi sáng, buổi chiều nó đã sục sạo ở các trung tâm giới thiệu việc làm. Cầm mảnh giấy giới thiệu màu xanh nhạt, sau khi đã đóng lệ phí xin việc, nó tới đúng địa chỉ quán bar ghi trên giấy xin làm phục vụ. Tới nơi, nó suýt té ngửa khi biết ở đó họ không hề nhờ trung tâm giới thiệu việc làm đó đăng tin tuyển nhân viên mà là ở một trung tâm khác. Và thông tin này cũng đã đăng cách đây mấy tháng. Mang nỗi bực tức quay lại trung tâm, nhưng phải đến tận mấy hôm sau nó mới được giới thiệu đến một địa chỉ mới. Đó là một quán cafe sân vườn. Thêm một lần nữa, ở đây họ cũng khẳng định không hề nhờ đến trung tâm tuyển dụng. Nhưng cũng may, quán vừa có người nghỉ việc nên nó được nhận. Nó thở phào nhẹ nhõm.
     Nó làm ca tối, từ 6h chiều đến 11h đêm. Cả quán có ba nhân viên. Công việc được phân chia rõ ràng. Thằng Phúc có nhiệm vụ mời khách kiêm trông xe. Chị Hồng pha chế, rửa ly và quét dọn. Nó dẫn khách và bưng bê.
     Quán cafe có một khoảng sân rộng trồng vài cây liễu và sứ. Bao xung quanh là bốn cái chòi lớn. Trong mỗi chòi đặt mười cái bàn nhỏ, thấp. Mỗi bàn kê một ghế nệm đôi màu xám, có lưng tựa cao và cố tình xếp quay lưng ra ngoài. Nếu đứng từ phía sau sẽ không thấy được đầu người ngồi trong. Các bàn xếp sát nhau, chắn ngang giữa là những chậu cây kiểng um tùm lá, cao ngang ngực. Quán có mấy bóng đèn tuýp, nhưng chỉ mở khi cần thiết, tức là khi quét dọn và khi có công an kiểm tra. Bởi thế ngay cả ban ngày, ánh sáng cũng chỉ mờ mờ, ban đêm thì tối om.
     Nó đi ra cổng sau khi đã xịt một lượt nước hoa ở các chòi cho át đi mùi ẩm mốc, hôi hám bốc lên từ nền đất và cái ao tù nhỏ sau lưng quán. Nó kéo ghế lại ngồi gần thằng Phúc, hỏi:
     _Làm ở đây lâu chưa Phúc?
     _Gần một năm rồi – Thằng Phúc trả lời trong khi tay vẫn không ngừng vẫy vẫy một xe tay ga đang chạy tới gần:
     _Cafe sân vườn đi anh chị ơi! – Giọng mời của thằng Phúc kéo dài, ngọt xớt. Nó nghe xởn cả gai ốc.
     Cặp tình nhân rẽ vào quán. Nó bật đèn Pin. Tay chặn ngay ngọn, chỉ chừa cho vài tia sáng yếu ớt lọt qua kẽ tay đủ để cho khách thấy đường mờ mờ lần mò vào chỗ ngồi. Nó rất cẩn thận trong việc kiềm chế ánh sáng không cho tỏa rộng ra làm ảnh hưởng tới những bàn khác. Thế nhưng khách mỗi lúc một đông, việc nhớ bàn nào có khách bàn nào chưa bắt đầu làm nó rối loạn. Một vài lần nó nhớ nhầm, soi đèn Pin vào bàn có khách. Nhìn cặp tình nhân như hai con rắn đang quấn chặt lấy nhau, nó giật nẩy mình lia vội ánh đèn ra hướng khác. Tuy chỉ thoáng qua rất nhanh nhưng cũng khiến nó lúng túng, lí nhí xin lỗi, toàn thân nóng bừng.


Không có tiền đóng học phí, nó đi học “chui” ở trung tâm luyện thi đại học. Thường là vào giờ nghỉ giải lao giữa hai tiết, có người vào kiểm tra thẻ học viên. Nó như thằng ăn trộm, lấm lét lủi ra về. Sau này lì hơn, bị đuổi, nó chỉ bỏ ra hành lang đứng, hay lang thang ra đường. Họ kiểm tra thẻ xong nó lại chui vào học tiếp. Mấy đứa ôn thi chung thì tỏ ra thông cảm, chẳng đứa nào nói gì. Thậm chí tụi nó còn bao che cho nó mỗi khi có người đi kiểm tra nữa.
     Nó mang theo cả sách vở đi làm, lựa những khi vắng khách tranh thủ lôi ra học. Thằng Phúc cũng vậy, đang học bổ túc lớp 12 vào buổi sáng, chiều và tối về làm và ngủ lại quán. Thằng này cũng quyết tâm thi vào đại học như nó. Theo thằng Phúc, đó là con đường tiến thân duy nhất.
     _Cafe sân vườn đi anh chị ơi! – Mỗi khi có một cặp nào đó đi qua thằng Phúc liền cất giọng mời mọc. Nó ngồi cạnh thi thoảng cũng ngứa miệng học theo thằng Phúc mời. Nhưng gượng gạo, âm thanh phát ra chỉ tới cổ họng là tắc tịt. Một vài lần thu hết can đảm, nó cũng mời được một câu rõ ràng, song không ngọt bằng thằng Phúc.
     Rồi dần dà, việc bưng bê và dẫn khách cũng trở nên dễ dàng. Bàn nào có khách, bàn nào chưa nó nhớ rất chính xác, không còn bị lẫn lộn. Khách quen ngày nào tới, thích ngồi bàn nào nó cũng nhớ luôn. Vì thế khách khá hài lòng, “bo” thường xuyên. Tiền “bo” nó không giữ một mình mà chia làm ba, một cho nó, một cho thằng Phúc và một cho chị Hồng. Thằng Phúc tinh quái, bảo:
     _Anh đừng chờ khách “bo”. Phải chủ động. Khi khách trả tiền nước, nếu dư không nhiều, anh cứ nói rằng “Tiền thừa em giữ lại nhé!” thì mấy thằng “sĩ gái” đó không đòi mấy đồng bạc lẻ đâu!
     _...!
     Khách vào quán đa phần là khách quen và có đủ mọi thành phần. Các cặp đã đi làm có. Học sinh có. Sinh viên có. Và cả gái điếm cũng có. Họ đều những có những lý do chính đáng để vào quán. “Thành phố đất chật người đông, kiếm một chỗ tâm tình cũng khó, đứng ngoài đường thì mọi người dị nghị, thế nên mới kéo nhau vào đây”. Học sinh nhiều hôm còn mặc nguyên cả đồng phục. Tầm 9h tối về, bẽn lẽn phân bua “Em lỡ nói với mẹ là đi học thêm!” làm nó với thằng Phúc suýt chút nữa đã phá ra cười; Vài gái làm tiền đều đặn ghé vào quán một tối mấy lần. Lần nào cũng chỉ chừng mươi phút là ra, và luôn một kiểu vội vội vàng vàng. Có lần nó bưng nước lại đã thấy ả gái điếm trơ trẽn lột quần ngồi thu lu trên ghế. Trên bàn vứt mấy cái bao cao su. Lần khác nó ngang phòng vệ sinh, ả gái điếm đi tiểu chẳng thèm đóng cửa, ngồi chồm hổm, thấy nó liền nhe răng cười. Nó nhổ phì một bãi nước miếng, ghê tởm; Thằng Phúc lại tỏ ra tội nghiệp, bảo đó là những gái hết thời dạt về xó xỉnh này kiếm sống, cũng chỉ bởi cơm áo gạo tiền.
     Vào một buổi tối, nó đang mời khách như thường lệ thì các quán bên cạnh đồng loạt la lên báo hiệu:
     _Công an... công an kìa!
     Trong khi nó đang luống cuống không biết phải làm sao thì thằng Phúc chạy ra, thò tay vào hốc tường bật công tắc. Đèn trong các chòi sáng bừng đúng lúc một chiếc xe jeep lao tới. Công an với dân phòng ập vào, lùa hết khách ra đứng nhốn nháo ngoài sân. Nhiều người quần áo vẫn còn xộc xệch. Có gã chưa kịp mặc lại áo, chẳng thèm kiêng nể, chửi tục tĩu “ Đ.m, đang hứng thì phá đám” khiến những người có mặt, dù đang lo sợ cũng không nín được cười.
     Thấy nó lo lắng, thằng Phúc trấn an:
     _Chuyện thường tình ấy mà!
     Đúng như lời thằng Phúc, một biên bản được lập ra rất nhanh, phạt tội quán không đủ ánh sáng theo qui định. Đoàn “công tác kiểm tra ánh sáng” bỏ đi sau khi chủ quán đã làm tròn “nghĩa vụ”. Khách chán nản bỏ về gần hết, chỉ còn lại một vài cặp. Chủ quán ra đứng ngoài cổng, bảo thằng Phúc hướng dẫn cho nó cách xử lý khi gặp lại tình huống đó lần sau, xong chép miệng:
     _Tháng nào chả một đôi lần thế!


Một hôm thằng Phúc lại nhặt được một cái bóp của khách (việc này xảy ra thường xuyên). Trong bóp có nhiều loại giấy tờ và vài cái thẻ. Tiền mặt cũng hơn hai triệu. Khách quay lại tìm. Thằng Phúc đem trả lại. Khách rút hai trăm ngàn đưa cho thằng Phúc. Thằng này ma lanh: “Tụi em có ba người”. Khách rút thêm một trăm nữa. Thằng Phúc cười hì hì.
     Hôm sau, thằng Phúc đưa cho nó một trăm, rủ:
     _Tối nay đi không?
     _Đi đâu?
     _Trời, anh hai lúa thiệt hay xạo vậy?
     _Mày đi một mình đi – nó hiểu ra ý thằng Phúc muốn nói – Tao không thích.
     _Có thằng nào mà không thích? Trừ phi anh gay. Mà gay lại có kiểu thích của gay.
     Thằng Phúc kém nó một tuổi nhưng lại ranh mãnh, sành sỏi hơn. Có lẽ cuộc sống nơi đây đã biến nó thành như thế.
     Bữa đó ít khách, quán nghỉ sớm, nó không về vội như mọi khi mà xách chổi và thùng rác đi quét dọn giúp chị Hồng. Dù sao là con trai, cũng nên phụ giúp chị ấy một chút. Mấy cái bao cao su vứt bữa dưới đất và trên bàn khiến nó thấy lợm giọng.
     _Ê Phúc, không biết khách bị thương hay sao ấy mà có máu này! – Nó gọi thằng Phúc đang dọn ly gần đó lại, chỉ vào cái khăn lạnh dính máu vứt dưới đất và mấy giọt máu vương trên ghế.
     _Đó!
     Thằng Phúc chạy lại, nhìn thoáng qua rồi lăn ra cười sặc sụa. Vẫn không ngưng cười, thằng Phúc đưa tay quệt nước mắt, chế giễu:
     _Ha ha! Ặc ặc... Hai lúa, trời ơi... ha ha....
     Thái độ của thằng Phúc cùng với vệt máu trên ghế khiến nó vỡ lẽ. Cái bàn này nó nhớ rõ có một cặp học sinh vào ngồi suốt buổi tối. Nó đứng chết lặng. Nỗi buồn xộc thẳng vào lòng. Một lúc sau, không nói gì, nó vứt chổi và thùng rác lại cho thằng Phúc, lẳng lặng dắt xe về. Sau lưng thằng Phúc nói với theo:
     _Chuyện thường tình ấy mà!
     Những ngày sau, nỗi buồn vẫn còn bám chặt lấy nó, không dời. Nó không còn giúp chị Hồng quét dọn. Nó không muốn bước chân vào nơi đó nữa. Nó thấy kinh ghét mỗi khi nghĩ đến. Nó đổi chỗ cho thằng Phúc, ra cổng mời khách và trông xe. Thằng Phúc hiểu tâm trạng của nó nên cứ một lúc lại an ủi “Chuyện thường tình ấy mà!”. Nhưng nó không như thằng Phúc. Thằng Phúc làm ở đây lâu, chứng kiến nhiều nên trở lên dửng dưng, trơ lì.
     Thật ra, ngay từ hôm đầu tiên làm ở quán, trong lòng nó đã âm ỉ một điều gì đó mơ hồ. Có đôi lúc cảm thấy rất rõ nhưng lại khó có thể diễn đạt thành lời. Tuy nhiên, nó tảng lờ tất cả. Chuyện ai người ấy làm. Nó cần tiền để sống, để bám trụ lại thành phố này. Vậy mà hình ảnh hôm đó lại không chịu để cho nó yên, cứ lởn vởn dai dẳng trong đầu, như mũi kim nhọn chọc thủng cái bọc ức chế mỏng manh nó cố giữ chặt bấy lâu nay. Trong phút chốc, lòng tin về sự trong sáng bị dòng nước đục xô nhau xoáy sâu vào, phá sập để lộ ra một sự thật trần trụi, nhơ nhớp. Nó không thể nào ngờ được rằng cái trinh tiết của người con gái lại dễ dàng vứt bỏ ở một nơi xó xỉnh hôi hám không một chút vương vấn như thế. Tình yêu thơ mộng phải chăng đã bị đánh đồng với ham muốn nhục dục.
     Nó nhìn tất cả tụi con gái với ánh mắt nửa thương hại, nửa khinh thường lẫn cả xót xa. Nó trở lên lầm lỳ. Nó cáu gắt vô lý với bất cứ đứa con gái nào tới gần. Ngay cả nhỏ Hoa ở phòng trọ bên cạnh qua chơi, nó trừng trừng mắt nhìn, gằn giọng cục cằn “Biến đi!”...
     Tường, cô bạn thân gắn bó với nó từ hồi còn học cấp một, tới phòng trọ tìm. Nó lảng tránh, không gặp. Cái khăn lạnh với vệt máu hồng như keo dán sắt dính chặt vào tâm trí nó không cách nào gỡ ra nổi. Nó cảm thấy bất lực, suy sụp. Vì thế nó không muốn Tường phải chịu sự hằn học của nó lúc này. Nó sợ không kiềm chế nổi sẽ lộ ra những cái nhìn nhiếc móc, coi thường. Với nó, Tường mãi là bông hoa tinh khiết.


Ở phía đối diện với quán cafe, hơi xéo một chút bên tay phải là trại cai nghiện ma túy nữ. Nó để ý thấy đó là một nơi khá im lìm. Chỉ khi nào xảy ra chuyện gì đó mới ồn ào một chút. Như chiều nay, nó vừa dừng xe trước cổng quán cafe thì nghe “huỵch” một tiếng, liền đó một con bé gần như là trần truồng chạy vụt qua. Tiếp theo sau là hai người đàn ông. Con bé chạy ra đến sông, vừa định lao xuống thì bị hai người đàn ông tóm được, khiêng về. Con bé giãy giụa la hét như heo bị chọc tiết. Tóc tai rối bù, mắt ngây dại, trắng dã. Sùi cả bọt mép. Con bé đang lên cơn nghiện. Hai người đàn ông là bảo vệ của trại. Tường trại cai nghiện khá cao, thế mà không hiểu sao con bé đó leo lên được. Lúc nó nhảy xuống, áo ngủ bị vướng lại, rách toạc nên mới trần truồng mà chạy như thế. Đám đông chứng kiến cảnh rượt đuổi, có nhiều người cười hô hố. Có gì đè nghẹn nơi ngực, nó thở hắt ra khó khăn, quay lưng bước nhanh vào trong quán. Thằng Phúc đi theo sau, vô tâm cất giọng điệu quen thuộc:
     _Chuyện thường tình ấy mà!
     Tối đó, thằng Phúc đau chân không thể đi lại nhiều. Không còn cách nào khác, nó buộc phải dẫn khách và bưng bê.
     _Cafe sân vườn đi anh chị ơi! – thằng Phúc vẫn cất lên cái giọng mời kéo dài, ngọt xớt đó. Nhưng nó nghe không còn xởn gai ốc như lúc đầu nữa. Có lẽ nó đã quen.
     Một gã chạy Nouvo, chở theo một con bé rẽ vào quán. Gã đàn ông luống tuổi, bóng bẩy, cáo già. Trong khi con bé thì ngược lại, gương mặt chưa lột hết lớp vỏ trẻ con, rụt rè, lóng ngóng. Con bé cảnh giác:
     _Ở đây tối quá! Anh chở em về đi! Em không vào đâu!
     Gã đàn ông trấn an, nằn nì, ngon ngọt. Gã cầm tay con bé kéo vào. Con bé chống cự yếu ớt. Nó đi trước, hừ một tiếng nhỏ, chửi thầm: “ Mẹ kiếp! Bày đặt đạo đức giả!”. Từ lâu, nó kinh bỉ tất cả những đứa con gái bước chân vào quán. Thậm chí đi ngang qua khu vực này, nó cũng qui chung vào có tội.
     Nó đặt hai ly nước, đĩa hạt dưa với hai cái khăn lạnh lên bàn. Nhét mẩu nhang muỗi đang cháy xuống gầm bàn, liếc nhìn con bé đang run run, nó nhếch mép cười, quay ra.
     Nó mới bước được vài bước đã nghe tiếng con bé van nài gã đàn ông:
     _Đừng mà anh...Em không...Xin anh...
     Những khách xung quanh nghe thấy, cười híc híc có vẻ thích thú. Nó nóng mặt, bước nhanh ra ngoài cổng.
     Ra đến cổng, không hiểu sao nó lại quay lại. Tiếng con bé không còn van nài nữa mà hét lên, gấp gáp:
_Cứu tôi với! Cứu tôi với.... Ư..ư...
     Những tiếng cười híc híc xung quanh lớn dần, phá lên thành hô hố. Nó đứng sựng lại. Tay nắm chặt. Toàn thân run bần bật. Nó lao vào quán. Rọi thẳng đèn Pin. Con bé bị gã đàn ông to lớn đè nghiến trên ghế. Bị lột trần. Bị trói. Bị cái áo lèn chặt miệng, con bé không kêu được nữa. Con bé giãy giụa. Gã cáo ham muốn. Nó lao vào, dùng tất cả sức lực của nỗi uất ức bị kìm nén bấy lâu nay trút lên người gã bỉ ổi. Đèn tuýp bật lên. Nó hiện ra như một con thú hoang. Vẫn không chịu buông tha cho con mồi đã nằm bẹp dưới đất, nó đấm đá tới tấp, điên dại. Hai người lao vào ôm chặt lấy nó, kéo ra. Mắt nó đỏ vằn, nhìn trừng trừng tất cả, chửi:
     _Chúng mày là lũ khốn kiếp!
     Những người ở đó phân bua. Họ nghĩ cặp này đùa giỡn cho vui. Đã vào đây rồi thì đâu còn từ chối chuyện gì nữa...


Nó đạp xe lao nhanh trên đường, gió đêm phả vào mặt, mát dịu. Toàn thân ê ẩm, nhưng nhẹ nhõm. Gánh nặng trong lòng được trút bỏ sau cơn giận dữ. Nó nghỉ việc. Sáng mai nó sẽ đi tìm việc làm mới, thoải mái hơn. Bây giờ, nó phải tìm gặp Tường. Mấy tháng nay nó tránh mặt làm cô bé rất lo lắng. Nó tự nhủ, sau này dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, nó sẽ luôn dang tay bảo vệ cho cô bé – bông hoa tinh khiết của nó.




VVM.18.8.2023.NVA021006;

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .