Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NOTRE DAME DE PARIS -
NƠI DỪNG CHÂN CỦA KÝ ỨC



                         

T ôi có may mắn được đến Paris vài lần, và lần nào cũng vậy Nhà thờ Đức Bà Paris luôn là nơi tôi tìm đến, có thể chỉ là đi ngang qua chốc lát. Như nhiều người cùng thế hệ, tôi biết đến ngôi nhà thờ nổi tiếng này đầu tiên là qua tác phẩm Notre-Dame de Paris của đại văn hào Victor Hugo, sau đó là nhờ xem nhiều bộ phim có cảnh quay tại đây. Từ đó trở thành một ký ức chưa bao giờ rời khỏi tâm tưởng khiến tôi luôn “đi tìm”, mỗi lần nhìn thấy lại như trở về miền ký ức ngọt ngào và bí ẩn.

Tiểu thuyết của Victor Hugo để lại sự ám ảnh nặng nề từ kiến trúc đồ sộ của nhà thờ như một cái bóng khổng lồ đè lên số phận chàng gù Quasimodo nhân hậu và nàng Esmeralda tài hoa xinh đẹp, tiếng chuông đầy đe dọa với đám người bần cùng luôn tụ tập đầy rẫy xung quanh nhà thờ, sự ám ảnh của những cuộc nổi loạn, cướp phá và giết chóc...  tất cả đã dựng lại xã hội nước Pháp đen tối thời trung cổ. Những nhân vật chính của tiểu thuyết trở thành huyền thoại bởi mối tình lãng mạn, quên mình... một kiểu tình yêu “rất Pháp”.

Từ một thiết chế tôn giáo quan trọng trong một giai đoạn lịch sử nhất định, từ một tác phẩm được dựng trên bối cảnh của nó và qua ký ức của nhiều thế hệ độc giả trong và ngoài nước Pháp, Notre-Dame de Paris đã trở thành biểu tượng của Paris về kiến trúc,  về lịch sử và tính cách “Parisiens”. Nhà thờ Đức Bà Paris còn là một trong những biểu tượng được công nhận rộng rãi nhất của cả nước Pháp, là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật nổi tiếng. Mỗi năm có hàng chục triệu du khách khắp thế giới  ghé thăm nơi đây.


Cho đến ngày 15.4.2019 khi cuộc hỏa hoạn xảy ra, Notre-Dame de Paris đã tồn tại khoảng 850 năm. Công trình bắt đầu xây dựng từ thế kỷ 12 và phải qua một thế kỷ sau mới hoàn thành, đồng thời cũng được  trùng tu vài lần do tác động của thời gian, hư hỏng sau cuộc cách mạng Pháp... Ngày nay bất cứ ai đến Paris cũng muốn tìm đến nơi này, ngắm nhìn công trình kiểu Gothic tiêu biểu cho kiến trúc công giáo thời trung cổ. Nhìn chính diện từ quảng trường với hai tòa tháp cao sừng sững và cân đối thì Notre-Dame de Paris như một Đức Ông lạnh lùng đầy quyền uy, nhưng khi nhìn từ phía sông Seine với tháp chuông cao vút, những đường nét trang trí thanh thoát mềm mại thì Notre-Dame de Paris lại giống một mệnh phụ thanh lịch và duyên dáng...

Công trình có được sự trang nghiêm của tôn giáo nhưng gần gũi với dân chúng như vậy là nhờ việc xây dựng nhà thờ đi cùng việc quy hoạch đôi bờ sông Seine. Sự kết hợp giữa công trình đồ sộ ở một hòn đảo nhỏ hài hòa với quảng trường rộng phía trước, những con đường lớn và đường đi bộ, bến du thuyền ven sông. Các dãy phố hai bên bờ sông từ hàng trăm năm nay không xây nhà ở cao tầng mà là phố thương mại dịch vụ gồm quán ăn, quán cà phê, hiệu sách cũ, cửa hàng đồ lưu niệm... Một cây cầu không quá lớn, không trang trí cầu kỳ dẫn vào quảng trường xung quanh có cây xanh, trụ đèn, thảm cỏ bồn hoa như một công viên nhỏ. Điểm KM số 0 của nước Pháp đánh dấu ở sân trước Nhà thờ Đức Bà được ghi dòng chữ KILOMETRE ZERO DE FRANCE.  Tất cả cảnh quan đó đã tạo nên cảm giác thân thiện với cộng đồng và du khách.

Tháp chuông cao vút như một mũi tên của Nhà thờ Đức Bà luôn in trên nền trời, nhìn từ phía nào cũng nổi bật, nhất là đi du thuyền trên sông Seine. Nhà thờ là một trong ba điểm nhấn quan trọng – cột mốc Lịch sử của Paris, cùng với hai điểm nữa là Khải Hoàn Môn – cột mốc thời cận đại và Tháp Eiffel – thời hiện đại. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc đã có nhận xét: về kiến trúc và sự gìn giữ bảo tồn thì Notre-Dame de Paris không quá đặc sắc so với nhiều nhà thờ ở nước Pháp và châu Âu, nhưng khi gắn liền với Paris – một nơi chốn cụ thể với quá trình lịch sử, văn hóa cụ thể thì giá trị to lớn của Notre-Dame de Paris  ở chỗ nó là cột mốc cho lịch sử thời trung cổ của thành phố này.

Một điểm đặc sắc của Notre-Dame de Paris mà không nhiều du khách biết đến, đó là ngay dưới nền của quảng trường nhà thờ đã có một bảo tàng Khảo cổ học. Khi thành phố Paris định xây dựng một bãi đậu xe ngầm tại đây thì phát hiện di tích một làng cổ còn dấu tích nhà cửa, lò bánh mì, những vật dụng sinh hoạt… Chính quyền thành phố đã quyết định khai quật toàn bộ và bảo tồn trở thành bảo tàng tại chỗ, bởi vì đó chính là làng cổ đã nhường chỗ để xây dựng nhà thờ từ thế kỷ 12. Bảo tàng này có thể coi là Bảo tàng về việc hình thành Paris cổ xưa và quá trình xây dựng Notre-Dame de Paris, được minh họa bằng những bộ phim tài liệu khoa học 3D hiện đại bên cạnh những hiện vật khảo cổ học.

Ngoài giá trị về kiến trúc và điêu khắc trang trí như những cửa sổ Hoa Hồng, tranh thánh tích bằng kính màu, tượng điêu khắc linh vật Gargoyle, mười chiếc chuông cổ… nhà thờ Đức Bà Paris còn là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật và báu vật quốc gia mà theo thông tin chính thức, những báu vật này đã được kịp thời cứu thoát khỏi trận hỏa hoạn: " các tác phẩm nghệ thuật lớn và những mẫu vật thiêng liêng, vương miện gai bằng vàng, áo choàng của nhà vua của Saint Louis - vị vua thế kỷ thứ 13 của Pháp, và một mảnh của Thánh giá Đích thực hiện đã về nơi an toàn". Ngoài ra hai tòa tháp chính (cao đến 68m, bao gồm 387 bậc thang mà khi leo hết những bậc thang này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố Paris) cũng đã thoát khỏi ngọn lửa khủng khiếp. Những chứng tích quan trọng này sẽ trở thành điểm tựa cho cuộc hồi sinh của của Notre-Dame de Paris.

Hỏa hoạn ở Notre-Dame de Paris được dập tắt chỉ trong vài giờ nhưng thiệt hại của nó thì chắc chắn phải hàng thập kỷ nữa cũng chưa bù đắp được. Nhưng cũng từ đây, bằng tình yêu lịch sử và sự trân trọng di sản văn hóa đã trở thành truyền thống, chính phủ và người dân Paris, nhân dân Pháp sẽ làm mọi cách để biểu tượng này được “sống lại”. Tôi tin điều đó sẽ trở thành hiện thực trong một mùa Phục sinh không xa!


“Trông người lại ngẫm đến ta”, nhiều di sản văn hóa từ nông thôn đến đô thị nước ta đang bị mai một, bị hủy hoại do tự nhiên và phần lớn là do con người. Ý thức, sự hiểu biết và trân trọng các công trình di sản còn chưa trở thành thói quen, truyền thống… Những mối lợi trước mắt về địa ốc, về lợi nhuận luôn rình rập để có cơ hội là phá bỏ các công trình di sản, việc trùng tu không khoa học và không cẩn trọng luôn ẩn chứa nguy cơ tại họa như mới xảy ra với Nhà thờ Đức Bà Paris… Nguyên nhân sâu xa là từ  việc nhận thức và giáo dục về di sản không được coi trọng, nguyên nhân trực tiếp là việc phá hủy di sản bằng nhiều hình thức mỗi ngày vẫn diễn ra mà không bị ngăn chặn hay chế tài kịp thời.

Trên mạng xã hội đã có một số ý kiến gay gắt chỉ trích các ngôi sao “người của công chúng” khi họ bày tỏ thương xót luyến tiếc Nhà thờ Đức Bà Paris mà chưa bao giờ lên tiếng vì những di sản văn hóa trong nước!  Mong rằng, khi đã biết trân trọng di sản văn hóa nước ngoài thì hãy nhìn về di sản nước nhà để nhận biết giá trị và trân trọng.  Mất mát nào cũng là bài học - miễn là mỗi người chúng ta đều thấy cần phải học! Mất mát nào cũng phải trả giá nhưng di sản mất đi thì không có sự trả giá nào bù đắp được. Hãy gìn giữ để di sản văn hóa Việt Nam trở thành những điểm đến mang giá trị “nơi dừng chân của ký ức” như Notre Dame de Paris và nhiều di sản trên thế giới.

Sài Gòn 16.4.2019




VVM.18.8.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .