C uối tháng Bảy.
Trải dài những con đường tôi đi qua nước Pháp là cánh đồng mênh mông lúa mì đang vào mùa thu hoạch. Một màu vàng nâu ấm áp của ruộng lúa chín, của rơm được bó ép thành những cuộn tròn khối vuông rải rác trên đồng vắng lặng. Thi thoảng nhìn thấy một hai chiếc máy gặt liên hợp thong thả làm việc, vậy thôi, không thấy bóng dáng người nông dân nào dù những ngôi làng nhỏ liền kề cánh đồng vẫn đông người qua lại… Mùa này cũng là mùa hướng dương nở rộ. Vẫn những cánh đồng vàng rực rỡ sáng chiều ngả theo ánh mặt trời. Vẫn thi thoảng có vài chiếc máy chạy giữa cánh đồng hoa bạt ngàn, và không thấy ai ngoại trừ người lái máy.
Cánh đồng khô ráo với những sắc vàng in trên nền trời xanh đắm đuối của mùa hè nước Pháp, khắp nơi là màu xanh của lá và sắc màu rực rỡ của hoa,
từ thành phố đến nông thôn, từ dọc đường quốc lộ đến đường làng, từ ban công vỉa hè phố cổ đến khung cửa sổ ngôi nhà làng quê bình yên.
Thiên nhiên khắp nơi, con người như lọt thỏm vào màu sắc và không khí trong lành tự nhiên, mặc dù đây đó vẫn những khối
bê tông kính ốp cao lớn đồ sộ.
Có thể dễ dàng nhận ra một làng quê nước Pháp như ốc đảo xanh giữa cánh đồng vàng. Ở đó từ xa đã thấy nhô lên cao vút tháp chuông nhà thờ cổ, xây bằng đá xám xù xì hay bằng loại gạch đỏ son đều nhuộm màu thời gian trầm lắng, ở đó có tháp nước cao vượt trên những nóc nhà. Bây giờ nhiều nơi còn có vài chiếc quạt điện gió cao ngất ngưởng thong thả quay từng vòng… Nông thôn có lẽ chỉ khác thành phố là nhà trải dọc đường làng như xương cá, những ngôi nhà gạch nhà gỗ, rèm trắng nhẹ nhàng lay trên khóm hoa nhiều màu sắc. Tầng áp mái như những con mắt dõi theo khách qua đường. Đi qua những làng quê như vậy tôi nghĩ, chẳng cần gì hơn, kể cả internet, để có được một khoảng không gian yên ả tránh xa những bề bộn nơi thị thành.
Mùa hè, khách du lịch đông như kiến, ở Paris, ở Toulouse, ở bất cứ làng cổ hay lâu đài nào tôi đến. Không chỉ là khách du lịch nước ngoài, người Pháp cũng đi thăm quan chính nước mình, và cả nông dân cũng nghỉ hè đúng vào mùa thu hoạch lúa. Tại sao không, khi mà chỉ cần một chiếc máy đã thay thế cho hàng chục hàng trăm người nông dân?
Không chỉ nước Pháp, nhiều quốc gia khác đã công nghiệp hóa nông nghiệp từ lâu rồi, máy móc thay thế sức lao động của người, của trâu ngựa từ hàng chục năm nay. Nông dân, kể cả trồng lúa, trồng cây công nghiệp hay chăn nuôi, cũng từ lâu rồi làm việc như những người công nhân điều khiển máy móc chứ không còn phải “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”. Con đường hiện đại hóa ở nhiều nước có thể khác nhau ở ngành mũi nhọn, nhưng không nước nào không công nghiệp hóa từ nông nghiệp, bởi vì, có khi nào có nơi nào trên thế giới này loài người không cần lương thực và những nông sản khác?
Xe cứ chạy vút qua những cánh đồng nước Pháp vắng bóng nông dân. Nhớ thương quá chừng những cánh đồng mênh mông miền Tây Nam bộ cũng thưa thớt bóng nông dân… Thanh niên đổ lên thành phố và các khu công nghiệp-khu chế xuất hay đi làm thuê ở nước ngoài. Lúa cứ chín rục nhưng còn ai về gặt? Hạt lúa nuôi dân ta hơn bốn ngàn năm vẫn oằn lưng gánh bao trách nhiệm: xuất khẩu, xóa đói giảm nghèo, dự trữ lương thực… nhưng được trồng trên nhiều cánh đồng vẫn “con trâu đi trước cái cày đi sau”… Khu công nghiệp càng nhiều thì càng vắng bóng nông dân nhưng người đổ đến làm ở đó thì chưa hẳn là công nhân bởi rời đất ra họ đã có nghề nghiệp gì đâu.
Tỉnh nào cũng hiện đại hóa bằng khu công nghiệp nhiều ngành nghề dịch vụ nhưng hầu như bỏ ngỏ lĩnh vực chế tạo sản xuất máy móc nông nghiệp. Chế tạo ra máy này máy kia là do những người nông dân ít học tự mày mò vì công việc làm ăn của chính họ thôi thúc, sản xuất thành công rồi đăng ký bản quyền sáng chế cũng còn lắm thủ tục nhiêu khê…
Thời kỳ văn minh Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng, nông nghiệp trồng lúa nước với kỹ thuật dùng cày và sức kéo của trâu, bò là kỹ thuật tiên tiến. Hơn bốn ngàn năm đã qua, hiện nay và nhiều thế kỷ nữa nước ta vẫn là một quốc gia Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn, đó là một “hằng số” kinh tế và văn hóa. Nếu không lấy NÔNG làm đầu và làm trọng tâm thì nền nông nghiệp lạc hậu sẽ không bao giờ đủ sức làm “đòn bẩy” cho sự phát triển của đất nước.
Mỗi chúng ta ai không có một nhà quê, ai không có gốc gác nông dân, ai không ước mơ một ngày nào đó trên những cánh đồng lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng cũng sẽ vắng bóng nông dân, nhưng làng quê lúc đó sẽ trù phú khang trang hơn gấp nhiều lần, thế hệ nông dân mới sẽ có học thức không thua kém ai, và có thể họ cũng sẽ “rời xa mảnh đất của mình” nhưng không phải vì không còn đất mà vì họ đã có nghề nghiệp đủ sống đàng hoàng, nếu ở lại quê hương chí ít cũng trở thành công nhân nông nghiệp làm việc trên những chiếc máy cày máy cấy máy gặt liên hợp.
Hơn ai hết, người nông dân Việt Nam xứng đáng và cần phải được như thế!./.