T ừ ngày bà nội đi lạc, đêm nào Thy cũng khóc.
Thy nhớ bà quay quắt, thương bà đến xót xa. Bà nội đã già yếu lắm rồi, mắt mờ, tai nghễnh ngãng, đi đứng khó khăn mà giờ còn bị lạc, biết bà xoay sở ra sao?
Nhiều ngày liền, ba mẹ Thy đã phải bỏ công ăn việc làm, tất tả đôn đáo tìm kiếm khắp đường này phố nọ, có thể nói không bỏ sót một hẻm hóc xó xỉnh nào, lại huy động gần như toàn bộ họ hàng và bạn bè tiếp tay giúp đỡ.
-Dù tốn kém bao nhiêu miễn tìm ra bà nội là mãn nguyện rồi... Người ta vẫn bảo: “còn người là còn của” đấy thôi!
Thy nghe ba mẹ quả quyết thế.
Vậy mà đã mấy tháng trời đằng đẵng hoài công, chẳng có chút tăm hơi nào, như thể bà nội đã hóa bướm hóa chim mà bay lên tận trời mất rồi!
Từ ngày bà nội về ở nhà ba mẹ Thy, chưa khi nào Thy phải xa bà lâu thế. Đi học về là nó quấn quýt bên bà, hai bà cháu thủ thỉ chuyện trò không ngớt. Chính xác hơn là chỉ có Thy huyên thiên chuyện nọ chuyện kia thôi, từ chuyện về trường lớp, thầy cô, bạn bè cho đến những sự việc vụn vặt bắt gặp trên đường phố. Bà nội im lặng chăm chú lắng nghe, tai đã lãng lõm bõm tiếng được tiếng mất nhưng bà vẫn hiểu hết tình cảm của cháu.
Kể hết chuyện là lúc Thy buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài. Nó lim dim mắt, tựa vào lòng bà, nũng nịu đòi bà hát ru.
Rất nhiều lần nó ngủ quên trong phòng bà nội như thế, để rồi sau đó bị mẹ bắt gặp, vừa giận dữ lôi con xềnh xệch ra ngoài vừa mắng té tát.
Trong nhà, bà nội được dành cho căn buồng riêng, sát gian bếp và cạnh buồng dì Chín, người giúp việc.
Ngày ngày dì Chín lo cơm nước, chăm sóc bà nội chu đáo. Món ngon vật lạ thừa mứa, áo gấm quần lụa treo chật tủ, bà nội có thể yên tâm vui vẻ dưỡng già cho con cháu báo hiếu. Ấy vậy mà không hiểu sao, bà nội vẫn buồn bã thế nào, như thiếu thốn một thứ gì đó khó gọi tên. Dường như bà chỉ vui khi có Thy bên cạnh.
Ngày mới về đây, có một lần, bà nội mon men lò dò lên nhà trên thì ngay lập tức, mẹ Thy đã nhanh chóng vừa hộ tống bà quay vào vừa lễ phép và ngọt ngào rót vào tai bà mấy câu dọa dẫm.
Từ đấy, bà nội chỉ lẩn quẩn xê dịch trong gian buồng nhỏ bé của mình, cô đơn và lặng lẽ.
Từ ngày bà nội đi lạc, trong nhà buồn thảm quá, như thể có... đám ma! Mẹ Thy rấm rứt sụt sùi còn ba Thy cứng cỏi hơn, không khóc, chỉ sườn sượt thở dài mỗi khi có ai vô tình nhắc đến chủ nhật tai ương ấy.
Ngày chủ nhật ấy, theo thông lệ trước giờ dành cho những người làm công, anh Tư tài xế và chú Bảy phụ trách chăm sóc vườn cây được nghỉ. Trong nhà chỉ còn dì Chín, nhưng từ sáng sớm dì Chín cũng đã dẫn Thy đi sở thú rồi. Nếu đúng lịch trình đã định thì lẽ ra Thy phải đi với mẹ đấy, chỉ vì mẹ Thy bất ngờ nhận điện thoại một cuộc hẹn quan trọng ngay sáng đó. Để không lỗi hẹn với con, mẹ Thy đành miễn cưỡng nhờ dì Chín thay thế.
Sau bữa cơm trưa -là sau này Thy nghe mẹ kể- ba mẹ Thy vào phòng nghỉ như thường lệ. Đến đầu giờ chiều mới phát giác ra cánh cổng sau vườn mở toang hoác còn bà nội đã bốc hơi biến mất.
Ba Thy lý giải: có lẽ bà nội buồn, định ra ngoài loanh quanh đâu đó một tí thôi cho khuây khỏa, nhưng vì đãng trí nên... lạc mất lối về!
Thy khóc như mưa làm ba mẹ nó đang lúc tan nát cõi lòng, càng thêm... rối. Mẹ Thy dỗ dành không ngớt, còn ba nó hứa chắc nịch rằng, sẽ thuê cả thám tử tư lùng sục tìm cho được bà nội trở về.
Dựa theo tin tức vừa đọc trên các báo, ba Thy trấn an con gái đừng lo lắng quá, vì chuyện người già đi lạc là chuyện rất thường xảy ra ở... nước ngoài! Riêng cảnh sát Nhật đã cho biết có hơn chục ngàn người già đi lạc một năm kia kìa! Nghĩa là -chỉ ở nước Nhật thôi, chưa tính các nước khác- mỗi năm có hàng chục ngàn đứa cháu nội cháu ngoại rơi vào tâm trạng giống Thy hiện giờ. Thy đâu phải là trường hợp duy nhất?
Từ ngày bà nội đi lạc, Thy thường xuyên gặp ác mộng. Lúc Thy mơ thấy bà nội đang một mình ngồi khóc ở một bãi rác có rất nhiều ruồi nhặng với đàn chuột cống béo núc ních và đen thui thui. Lũ chuột chí chóe đuổi nhau, leo cả lên đùi bà nội.
Bà nội hoảng sợ, run bần bật và ú ớ kêu thất thanh:
-Thy... ơi!...
Lần khác, Thy mơ thấy bà nội lò dò băng qua một ngã sáu có rất nhiều xe đang phóng bạt mạng. Một chiếc chạy nhanh quá, đâm sầm vào bà, nghiến đứt phăng mất của bà một ống chân. Với cái chân còn lại, bà vừa lóc cóc nhảy lò cò vừa khóc và gọi:
-Thy... ơi!...
Nhưng cũng có một đêm kia, bà nội từ đâu trở về nhà, tươi cười hớn hở. Bà mặc chiếc áo choàng màu vàng có nhiều bông hoa xanh đỏ thêu kim tuyến lóng lánh rất đẹp, nhìn giống y bà Hoàng Thái Hậu trong phim truyền hình.
Bà nội cho Thy một cái hộp đựng đầy nhẫn vàng và chuỗi ngọc màu cẩm thạch. Thy mừng quá, nhảy cẩng lên, ôm chầm lấy cổ bà làm cái hộp tuột tay rơi xuống đất đổ tung tóe. Đám nhẫn vàng hóa ra đàn cóc xù xì hôi hám còn chuỗi ngọc biến thành lũ rắn ngo ngoe. Một con rắn xanh lè leo lên quấn quanh cổ bà nội làm bà nghẹt thở, vùng vẫy quẫy đạp và lại gọi:
-Thy... ơi!
Những giấc mơ ấy luôn khiến Thy hoảng loạn, hét lên bừng tỉnh, mồ hôi tuôn ướt áo, để rồi sau đó nằm thút thít khóc đến sáng.
Nhiều lần Thy thầm tiếc: giá bà nội vẫn cứ ở ngoài quê thì tốt hơn biết bao, ít ra là bà không bị... đi lạc. Nhưng muốn thế thì chú Bầu phải còn sống để tiếp tục nuôi bà như những năm trước kia.
Nhớ đến chú Bầu là Thy mủi lòng chảy nước mắt. Chỉ được ba dẫn về quê gặp chú có một lần thôi mà Thy thương chú lắm. Chú Bầu rất hiếu thảo, chăm sóc bà nội chu đáo. Hơn 40 tuổi, chú vẫn không chịu cưới vợ. Rủi thay, năm ngoái chú đã chết vì tai nạn sông nước. Từ biến cố ấy mà bà nội mới vào thành phố ở với nhà Thy.
Đột ngột chẳng kém lúc biến mất, bà nội được tìm thấy.
Thì ra mấy tháng nay bà nội sống trong ngôi chùa sư nữ ở một vùng ven hẻo lánh. Chùa nhỏ, cũng là nơi nhận nuôi dưỡng nhiều trẻ em mồ côi và các cụ già không thân thích. Anh Tư tài xế có người chị họ vẫn ngày ngày đến chùa làm công quả, phụ trách việc giặt giũ, vệ sinh cho các cụ. Hôm qua, vì có việc quan trọng cần đến chùa tìm người chị ấy mà anh Tư tình cờ nhìn thấy bà nội.
Người trong chùa thay nhau kể với anh Tư rằng, mấy tháng trước có một nhà từ tâm kia trên đường đi, bắt gặp bà nội lang thang thơ thẩn ở một bãi rác vắng vẻ. Ông ấy thương quá, đã đưa giúp bà vào đây. Lúc mới vào chùa, thần trí bà nội lơ mơ, lạ lắm, lại thêm mắt lòa tai lãng, hỏi một đàng trả lời một nẻo, chẳng khác người ngớ ngẩn.
Nhà từ tâm kia bèn lấy điện thoại chụp hình bà nội, bảo để đưa lên mạng xã hội và cả các báo nữa, hy vọng sẽ sớm tìm ra thân quyến cho bà. Trước khi ra về, ông ấy không quên “cúng dường” một số tiền lớn mà có người cẩn thận quá đã nhẩm tính ra rằng, sẽ giúp chùa chi dụng được cả năm!
Nhà từ tâm kia nhất quyết xin ẩn danh, không chịu cho sư cô ghi tên vào sổ vàng công đức, khiến mọi người càng thêm ngưỡng mộ. Chuyện ấy gây xôn xao bàn tán nhiều ngày. Nghe đâu vì ca ngợi ông ấy nhiều quá mà có một bà kia... trẹo gân lưỡi, phải châm cứu mãi mới khỏi!
Ôi chao, kể sao hết nỗi vui mừng của cả nhà trước tin mừng trọng đại anh Tư đưa về? Ngay chiều đó, hai mẹ con Thy lập tức giục anh Tư chở đi đón bà nội ngay.
Bà cháu gặp nhau, khóc cười lẫn lộn. Cả ngày, Thy lẩn quẩn cạnh bà để xúc cơm, bóp chân, đấm lưng và kể thật nhiều chuyện cho bà nghe. Tiếc là mẹ Thy không cho phép nghỉ học để nó được ở nhà chơi với bà suốt ngày, bù lại thời gian xa cách.
Ai hỏi lý do đi lạc, bà nội chẳng còn nhớ gì, ngoài chi tiết đơn giản: sau bữa cơm trưa hiếm hoi được ngồi ăn cùng bàn với ba mẹ Thy, bà nội vào buồng nằm rồi chập chờn thiếp ngủ, đầu óc lãng đãng mơ hồ. Lúc thấy tự nhiên mọc cánh như chuồn chuồn bay cao bay thấp, lúc lại như bước hụt chân, rớt xuống một cái hố sâu hoăm hoắm...
Chẳng hiểu ảo giác ấy kéo dài bao lâu, chỉ biết khi bà nội hoàn toàn tỉnh táo mới biết đang ở trong ngôi chùa xa lạ với những người hoàn toàn xa lạ. Ngôi nhà quen thuộc của con cháu chìm khuất mất tăm trong vũng nhớ rất mù mờ.
Ba Thy không khó tìm ra lý giải: bà nội bị mộng du. Giấc mộng du giữa ban ngày!
Bây giờ cả nhà mới bàng hoàng ngã ngửa khi khám phá ra thêm một chi tiết vô cùng quan trọng: bà nội không biết tên thật của ba mẹ Thy là gì!
Trong ký ức lãng đãng phủ mờ sương khói thời gian, bà chỉ ghi nhớ hai cái tên vẫn gọi các con từ ngày chúng thơ bé: Tý Bẻo và Tý Bầu! Tý Bầu là đứa con yêu thương bà nhất thì đã bỏ bà bay về một nơi xa xăm nào đó mất rồi!
Để ăn mừng sự kiện tìm được bà nội, ba Thy tổ chức ngay bữa tiệc tại một nhà hàng lớn. Khách mời rất đông. Thực đơn rất sang. Quà tặng rất nhiều.
Những người làm như dì Chín, chú Bảy và anh Tư cũng được tham dự. Chỉ vắng bà nội và Thy. Bà nội già yếu không thể đi nên Thy cũng nằng nằng đòi ở nhà với bà.
Trong gian buồng nhỏ, hai bà cháu nằm ôm nhau. Thy úp mặt vào ngực bà, mắt lim dim, chờ bà cất lên lời ru quen thuộc:
-Ba quan... một khúc... cá tươi
Cũng mua cho được... mà nuôi mẹ già
Đói lòng... ăn đọt chà là
Nhịn cơm nuôi mẹ...
Mẹ già... yếu... răng...
Cũng như mọi lần, Thy ngủ say sưa trong vòng tay ấm áp của bà.
Bốn giờ sáng, Thy giật mình thức dậy, thấy bà nội còn đang thiếp ngủ.
Thy nhón chân rời khỏi buồng bà, nhẹ bước lên cầu thang, định trở về phòng mình. Nó hồi hộp chỉ sợ nếu mẹ biết nó ở chỗ bà nội cả đêm qua, thế nào nó cũng lại bị mắng té tát.
Phòng ba mẹ Thy đang mở đèn sáng choang. Hôm nay hai người dậy sớm nhỉ? Hay do quá vui mừng vì tìm được bà nội mà ba mẹ nó bị mất ngủ chăng?
Lúc rón chân đi ngang qua, Thy nghe từ trong phòng vọng ra tiếng mẹ gay gắt:
-Sao ông cam đoan bỏ vào chùa đó thì bảo đảm không ai tìm được? Mấy tháng nay tưởng đã yên thân, ai ngờ...
Và giọng ba Thy đầy hậm hực:
-Thì tôi cũng có ngờ đâu? Đầu đuôi chỉ tại thằng Tư mà ra cả. Ngày mai tôi đuổi cổ nó! Đúng là nuôi ong tay áo! Chó má thật!