Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         

tranh của họa sĩ Nguyễn Hải Thăng


HOA SEN NGÀY ẤY




N hững ngày đẹp trời như thế nầy, tôi thường bị ... coi chừng nhà.

Ba tôi đi làm không nói gì. Còn cô tôi, cứ thời tiết mát mẻ, dễ chịu là cô thích đến chùa lễ Phật, như thể lúc khí hậu ôn hòa thì lời cầu nguyện được lưu ý hơn.

Sáng nay cũng vậy, cô dịu dàng bảo tôi:

- Thức, coi chừng nhà cho cô đi chùa!

Tôi phàn nàn:

- Thức chẳng khác nào con chó trung thành của cô.

Cô bật cười, an ủi:

- Thức giỏi hơn chó nhiều! Chó đâu biết vừa học bài, vừa nấu cơm.

Không để cho tôi cằn nhằn thêm nữa, cô đi ra cửa, sau khi ném lại một câu quen thuộc:

- Chút nữa, cô mua bánh bao cho.

Tôi hậm hực nói với theo:

- Con không ăn đâu!

Cô vẫn thản nhiên băng qua đường. Tôi đành phải ... giữ nhà. Để chắc ăn, tôi khóa cửa sau rồi ra ngồi trên cái xích đu đặt bên cửa sổ nhà trước.

Bây giờ, kẻ trộm dù có ba đầu, sáu tay cũng chẳng vào được. Ai như cô tôi, nấu ăn sau bếp, cửa trước bỏ ngõ, kẻ gian lẽn vào lấy mất cái đồng hồ để bàn và “thỉnh” luôn chuông đồng trên bàn thờ Phật.

Ba tôi vẫn thường bảo cô không nên đánh bóng cái chuông. Màu vàng sáng loáng của nó chỉ quyến rũ kẻ cắp chớ chẳng ích lợi gì. Dùng chuông cần âm thanh chứ đâu cần màu sắc. Cô không đồng ý. Cô tuyên bố với ba và tôi là: “Chuông, mõ ai dám lấy trộm? Tội chết! Đồ vật thờ cúng phải sạch sẽ, đẹp đẽ chứ”. Kết quả, cái chuông không cánh vẫn bay đi chỗ khác, để lại cho cô một nỗi buồn man mác mỗi lúc tụng niệm. Cô phải gõ vào cái mõ bự chảng và đánh vào cái chuông mới mua nhỏ xíu xìu xiu.

Tôi nhìn đăm đăm ra đường. Người và xe qua lại tất bật. Chẳng ai dòm ngó, để ý đến tôi và căn nhà không lấy gì làm sang trọng này. Tôi cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ một chút. Nằm dài xuống ghế, tôi gát chân lên chỗ tay vịn và lim dim cặp mắt.

- Chú, chú ... cho hỏi thăm!

Tôi hết hồn hết vía khi vừa mở bừng mắt đã thấy một người lạ đứng trước mặt mình.

Ngồi bật dậy, tôi nhìn cô gái với ánh mắt nghi ngờ rồi lên giọng:

- Cô ... vô đây làm gì?

Giật mình lùi lại, cô bé đan hai tay vào nhau, mắt chơm chớp ấp úng:

- Dạ, em ... tìm nhà người quen.

Cô bé xinh đáo để, mắt nai vàng ngơ ngác. Không thể có một tên trộm đẹp như vậy. Nhưng, thấy vẻ sợ sệt của cô bé, tôi liền ra oai:

- Tìm người quen? Quen ai?

- Dạ, quen ... quen anh Thức.

Như từ trên trời rơi xuống, tôi choáng váng cả người:

- Quen tôi? Kỳ vậy cà!

Cô gái đưa ngón tay xinh xắn lên môi:

- Anh là ... Thức hả?

- Ừ, Thức, Trí Thức. Chớ hổng lẽ là ... ngủ.

Cô bé cười khúc khích:

- Ủa, sao lạ quá vậy? Em nhìn không ra.

Tôi moi “bộ nhớ” xem cô bé nầy được quen tôi hồi nào nhưng nghĩ mãi ... cũng quên, tôi mát mẻ:

- Quen hồi nào mà nhìn ra.

- Ủa, vậy anh không phải con của dì Thu sao?

Tôi ngơ ngác:

- Vậy là ... quen rồi, còn ...

- Em là Hoa Sen, con bác Hai Lan.

Tôi vỗ tay đánh bốp một cái, reo lên:

- Hoa Sen ... ! Lớn đại rồi chớ bộ!

Cô gái mỉm cười:

- Anh lạ hoắc hà! Em nhớ hồi đó đầu anh trọc lóc.

Vò cái đầu chơm bởm của mình, tôi thầm cám ơn những sợi tóc đứng dầy đặc trên đó.

Ngày còn bé, có một lúc đầu tôi bị chốc dữ dội. Để dễ bôi thuốc, ba đã cạo trọc đầu tôi. Đi đâu, tôi cũng trưng bày cái gáo đầy sẹo, đỏ quạch màu thuốc. Bạn bè chung lớp không ai chịu ngồi gần, sợ bị lây ghẻ. Một mình tôi chiếm một cái bàn rộng. Tôi buồn đứt ruột. Nhưng, chẳng bao lâu, tình trạng ấy kết thúc.

Hôm đó, giờ vào học, thầy dắt từ văn phòng xuống một đứa con gái trạc tuổi tôi. Thầy vui vẻ bảo:

- Đây là Hoa Sen. Từ nay, Hoa Sen sẽ cùng học với các em.

Nhìn một vòng quanh lớp. Chẳng còn chỗ nào trống ngoài cái bàn tôi đang ngồi. Thầy bảo con bé vào ngồi chỗ đầu bàn bên trái.

Vừa nhìn thấy cái mỏ ác của tôi, con bé liền chun mũi. Tần ngần một chút nó mới chịu vâng lời thầy. Đã vậy, lâu lâu con nhỏ lấy dầu ra ngửi làm như từ trong mình tôi bốc mùi hôi hám. Tôi ức lắm.

Lâu dần, hai đứa cũng làm quen. Bệnh chốc của tôi đã dứt nhưng vì tóc chưa kịp mọc lên nên đầu tôi láng o, tròn trĩnh như trái mù u. Mỗi khi thầy gọi tôi trả bài, Hoa Sen đều lén nhắc giùm. Ngược lại, thỉnh thoảng Hoa Sen “cóp” bài giải toán tôi làm. Do vậy, tình bạn của hai đứa tôi ngày càng thân thiết.

Ngoài việc giỏi toán, tôi còn giỏi đá bóng và đá dế. Trái banh nào vào chân tôi là phải lăn lông lốc thôi. Và, tôi thường tự hào “bách chiến bách thắng” trong những bàn đá dế. Con vật đem vinh quanh đến cho tôi là một chú dế than. Nó đen thủi đen thui như ... lọ nồi. Hai cái râu dài oai vệ rất nhạy bén. Cặp cánh của nó đẹp lắm. Những đường vân trên đó ngoằn ngoèo, lạ mắt như hoa văn được khắc họa công phu. Khi nó gáy, cặp cánh phồng lên cùng với tiếng te te hùng dũng. Đám bạn của tôi đòi mua nhưng tôi không bán. Tôi quí nó như vàng, đi đâu cũng đem theo.

Một hôm, tôi mang dế vào lớp. Giờ học, tôi đặt cái hộp dế vào hộc bàn. Cả lớp đang chăm chú nghe thầy giảng bài, bỗng dưng con dế trở chứng gáy inh ỏi. Thầy giận dữ hỏi:

- Ai đem dế vào lớp?

Không có tiếng trả lời, thầy lại quát:

- Ai?

Chẳng ai dám nhận, kể cả tôi. Nghĩ đến cây thước to bảng kia quất vào mông thì có nước ... đau thấu trời. Lén thò tay vào hộc bàn, tôi đẩy cái hộp qua bên hôc bàn của Hoa Sen. Con bé liếc thấy, trừng mắt với tôi. Nó giả bộ một tay chống cằm, tay kia lòn vào chỗ cái hộp mở nắp, trút con dế ra. Tôi đau thắt cả ruột khi thấy đôi cánh nhỏ giăng ra rồi bay vụt đi. Thầy không hay gì hết, ông lại tiếp tục giảng bài. Dù thoát khỏi cây thước của thầy nhưng tôi vẫn thù nhỏ bạn. Ai bảo nó thả con dế cưng của tôi? Đưa nắm đấm về phía Hoa Sen, tôi ngầm đe dọa: “Rồi sẽ biết tay ta!”.

Tan học, tôi chạy thật lẹ đến ngã ba đường đất, đứng chống nạnh chờ Hoa Sen về ngang. Tôi sẽ nện cho nó vài cái bỏ ghét. Nhưng con bé tinh khôn đã băng ruộng, đi đường tắt về nhà. Chờ hoài không được, tôi càng giận.

Hôm sau, trên đường đến trường, ngang qua cái đầm sen, thấy có đóa hoa màu hồng nhô lên mặt nước, tôi chợt nghĩ ra một cách trả thù độc đáo. Tôi vào lớp với đóa hoa ấy.

Thấy điệu bộ lạ lùng của tôi, cả lớp nhao nhao:

- Đem hoa tặng ai vậy?

Tôi vênh mặt:

- Tụi mày muốn xem tao trổ tài ảo thuật không?

- Xem, xem ... !

Trước những cặp mắt ngơ ngác, tôi đưa cành hoa sen lên:

- Đây, quí vị xem đây! Hoa chưa nở.

Với động tác nhịp nhàng, khéo léo, tôi lật từng cánh hoa ra xung quanh cái nhụy vàng. Tôi nói:

- Đây, hoa nở xòe!

Bấy giờ cái hoa to hơn, cánh phập phồng theo cử động đưa cao, hạ thấp của tôi. Trong lúc các bạn cười vang, tôi bắt đầu ngắt từng cánh ném xuống đất, chúng bay tan tác theo chiều gió. Tôi bẻ ngang cuống rồi nói:

- Đây, quí vị xem! Hoa tàn.

Có tiếng nấc từ phía sau lưng tôi. Ai cũng ngỡ ngàng khi biết đó là Hoa Sen, cô bạn nhỏ hiền hậu. Cô bé không thèm nhìn tôi, hét thật lớn:

- Đồ ... ác độc!

Hoa Sen chạy vào lớp. Tôi hối hận vô cùng. Các bạn cũng nói:

- Mày ác thiệt!

Tôi muốn xin lỗi Hoa Sen nhưng cô bé không thèm nhìn mặt tôi, vào lớp ngồi nép sát một bên, giờ về chạy trước cùng với mấy đứa bạn gái. Tôi buồn ghê lắm nhưng tôi chẳng có thời gian và điều kiện để làm lành với Hoa Sen nữa. Có một nỗi khổ khác bao trùm lấy tôi: Mẹ tôi mất! Không ốm, không đau, bỗng dưng mẹ ngất đi rồi chẳng bao giờ tỉnh lại. Tôi không rời quan tài của mẹ một bước. Tôi nhảy theo mẹ xuống huyệt rồi ngất đi. Không như mẹ, tôi tỉnh lại giữa những tiếng khóc thảm thiết của nhóm bạn cùng lớp, có cả Hoa Sen. Người ta đưa tôi về nhà. Từ đó, tôi không gặp bạn bè nữa vì phải theo ba về quê nội.

Ở đây, tôi sống và lớn lên bên cạnh ba và cô Út, cô em gái duy nhất của ba. Cô Út góa chồng từ năm hai mươi lăm tuổi. Cô yêu dượng Út lắm nên chọn cách chăm sóc anh ruột và cháu làm nguồn an ủi chứ không bước đi bước nữa. Cuộc đời cô như một cái vòng tròn buồn bã, đơn điệu. Cô đi từ nhà ra chợ, từ chợ trở về nhà. Hoặc, từ nhà đến chùa rồi từ chỗ trú tinh thần kia cô trở lại đời thường bằng lối vào căn nhà nhỏ bé. Tôi và ba rất yêu quí cô. Vì thế, không ai bỏ đi đâu xa cô nữa, kể cả việc về lại quê xưa.

Hôm nay, Hoa Sen tìm đến đây, làm sống lại quảng đời hồn nhiên ngày nào. Thời tuổi nhỏ có mẹ và kỉ niệm buồn vui lẫn lộn trong mái trường làng. Tôi nhìn cô bạn xinh đẹp, ngậm ngùi:

- Lâu quá rồi mới gặp lại nhau.

- Sao anh không về quê chơi?

- Anh phải đi học.

- Anh học đến đâu rồi?

- Vừa đậu tốt nghiệp Trung học phổ thông. Mới có giấy báo mời đến trường Cao đẳng, còn Hoa Sen?

- Em cũng vừa đậu vào Cao đẳng Sư phạm nè!

Tôi reo lên sung sướng:

- Vậy là hai đứa mình lại học chung một trường.

Hoa Sen đưa bức thư cho tôi:

- Bác Hai Xuân dặn em tìm tới đây đưa cho anh bức thư. Nhờ vậy mới biết địa chỉ.

Bác Hai Xuân là bà con bên ngoại của tôi. Ngày xưa, ông thương tôi lắm. Vì thế, ông luôn nghĩ tốt cho tôi. Ông bảo thế nào lớn lên tôi cũng làm bác sĩ hoặc ông ... Nghè, ông Cống. Còn tệ lắm thì cũng làm ruộng. Rốt cuộc, chẳng có nghề nào ông chọn mà tôi được dính vào. Hay tin tôi thi đỗ, sắp học nghề gõ đầu trẻ, bác tôi liền thích ngay cái chức giáo viên của tôi. Ông bảo với dì Hai Lan là thế nào tôi cũng sẽ thành giáo viên dạy giỏi và viết thư bảo tôi phải giúp đỡ, chỉ dẫn cho Hoa Sen thành giáo viên dạy giỏi luôn. Bác thật là người giàu tưởng tượng. Tuy nhiên, tôi cũng hết sức vui mừng khi được giao nhiệm vụ kèm cặp cô bạn ngày xưa.

- Hoa Sen ở đâu?

- Em ở ký túc xá. Khi nào rảnh, anh tới chơi.

Tôi đáp ngay, không cần chờ:

- Tôi ít có việc gì phải làm. Chắc sẽ tới thăm bạn luôn.

Nhìn hai gò má thẹn thùng ửng đỏ của Hoa Sen, tôi nghĩ đến mấy câu ca dao trữ tình:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu ...

Thấy tôi cứ nhìn chằm chằm rồi cười tủm tỉm, Hoa Sen hỏi:

- Anh nghĩ gì vậy?

Không dám nói thật, tôi tán dóc:

- Anh nhớ đến những câu ca dao nói về hoa sen:

     Trong đầm gì đẹp bằng sen
     Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
     Nhụy vàng bông trắng lá xanh
     Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Hoa Sen nhìn tôi, ánh mắt long lanh. Bỗng dưng, tôi hồi hộp, lòng vui như hội. Tôi muốn mình biến thành cái đầm rộng mênh mông. Và, có một đóa sen hồng đứng ngẩn ngơ trong đó.




VVM.04.8.2023.NVA.05516

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .