Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

MÙA HẠ CHIỀU PHƯƠNG NGỌAI




M ùa hạ chiều phương ngoaị đẹp lắm, đẹp đến nao lòng. Trời xanh mây trắng vẫn bay như ngàn xưa…Mình đến để rồi đi, nhưng đi về đâu? Có bao giờ tự nhủ lòng như thế chăng? Nhà Phật vẫn thường cảnh tỉnh:” Sinh ư hà xứ, tử ư hà quy”. Nếu em còn thao thức ắt phải tìm lời giải của câu hỏi khó mà trả lời này!

Mình đến để rồi đi, người xưa đã qua, người sau đang đến! Mình là vệt nối gìữa trước và sau. Mình là kẻ thừa hưởng quá khứ và truyền laị cho tương lai, bởi thế mới có hai chữ truyền thừa. Đời trước còn có đời trước nữa, đơì sau còn có đời sau nữa, quá khứ vô thuỷ, vị lai vô chung. Cuộc đời này là miên viễn. Cuộc đời này ràng buộc bởi cơm, áo, gạo, tiền…mà nào chỉ có thế, còn vô vàn thứ khác nữa: sắc dục, danh tiếng, ăn chơi, hưởng thụ… Trăm ngàn thứ nó bó buộc con người. Nhà Phật đúc kết laị là “Ngũ cái”. Năm cái dù nó che lấp mất bản tánh thanh tịnh của mình. Ngũ cái là năm món: tài -sắc- danh - thực - thuỳ. Dù là ông vua hay phó thường dân, ai ai cũng bị năm cái dù này che choáng mà không còn thấy được chơn tâm. Năm cái dù này làm cho mình triền miên trong sanh- tử, oằn oaị trong khổ đau, vật vã trong cuộc đời…Mỗi người cónhững nỗi khổ khác nhau, cái khổ nó daỳ vò, giằng xé, bó buộc con người. Thân và tâm ngày đêm như thiêu đốt ( xí thạnh) vì mưu cầu tài – sắc- danh- thực - thuỳ. Bởi thế nhà Phật mới dạy mình con đường giải thoát, giải thoát cái gì? giải thoát những ràng buộc, những khổ đau của cuộc đời. Giải thoát (liberate) là ước mơ, là mục tiêu, là con đường hướng thượng mà những ai thao thức trong đời ắt phải tìm về.

Chuyện kể có gã du tử trẻ trở về nguồn cội để bái kiến sư phụ mong cầu chỉ giáo con đường giải thoát. Sư phụ hỏi:” Ai trói buộc ngươi?”. Gã du tử tỉnh ngộ lập tức và thưa:” Bạch thầy, không có ai trói buộc con cả!” thế đấy, mình tự buộc mình, em tự buộc lấy em! Không có ai trói buộc mình thì làm sao nhờ người ngoài giải thoát cho mình được cơ chứ! Chính cái vọng tâm của mình nó buộc lấy mình, chính “ngũ cái” nó bó buộc mình. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau. Có kẻ nặng về tiền bạc nhưng có người laị sống chết vì sắc dục. Sắc dục là thứ trói buộc bền nhất trên thế gian này, nó là khoá xích chắc nhất, là nhà tù kiên cố nhất. Sắc dục là thứ mà con người từ cổ chí kim, từ cao sang đến bần hèn, từ trí chí ngu đều khổ lụy và sống chết vì nó. Gã du tử trẻ kia cũng là con người thì đâu có lẽ nào nằm ngoài vòng cương toả cuả nó. Gã du tử cũng từng thao thức, khát khao, hy vọng, khổ đau…chỉ vì một nụ cười, một ánh mắt! Gã từng mơ đưa em về vườn địa đàng nào đó nơi không có vết chân người. Gã từng lo lắng thế gian này không có đủ cánh hoa để rải trên đường dưới mỗi bước chân son. Ràng buộc thế đấy! sắc dục như nước muối, càng uống càng khát. Sắc dục như mật ngọt trên lưỡi dao, càng liếm càng thương đau…Nhưng mấy ai hay, mấy ai tỉnh để mà buông!

Có những người vâng lời Như Lai buông xuống cả, cuộc đời chỉ một bát ba y mà thong dong trên bước đường đời. Những người vâng lời Như Lai đã tự giải thoát mình và ngày đêm chỉ dẫn cho người. Những người vâng lời Như Lai cũng chỉ là trợ duyên, là ông thầy chỉ đường chứ không thể giải thoát giúp được! muốn giải thoát thì phải tự mình. Không có ai trói buộc mình thì cũng không có ai giải thoát cho mình!

Hãy dấn bước (let go), hãy buông xuống ( let down) mà thôi! Người ta bảo rằng: có ông chủ dẫn cậu con trai vào hãng chơi. Chú bé thấy những chai lọ thuỷ tinh đầy màu sắc và vô vàn bong bóng nên thích lắm. Chú bé cố ôm lấy cho thật nhiều nhưng càng ôm thêm, thì càng rơi rớt, đổ bể. Đến lúc ra về, chú bé laị cố buộc cho thật nhiều bong bóng nên càng vướng víu chẳng thể nào đi được. Ông chủ nhìn chú bé một cách trìu mến và bảo:” Let down let go”. Chú bé vâng lời cha buông xuống cả, lập tức thấy nhẹ tênh nhảy chân sáo mà miệng hát líu lo… trông rất thoải mái và tự do như chưa từng bị bó buộc bao giờ! Thế đấy, muốn giải thoát, muốn tự do thì phải buông xuống và dấn bước mà thôi!

Thế đấy em ơi! Ngũ dục như bóng bóng, như ve chai tuy đẹp lấp lánh đầy màu sắc và hấp dẫn nhưng càng ôm lấy thì càng ràng buộc và rơi rụng. Mình cũng như chú bé con khờ khạo kia, một mai buông đặng là lập tức tự do; khi ấy ngại gì mà không lên cao sơn hú một tiếng vọng cả đất trời, ngaị gì mà không ra bể cả ca cho dậy sóng nước trùng dương. Tài- sắc-danh-thực- thuỳ có ai hơn được thái tử Tất Đạt Đa nhưng rồi ngài buông bỏ như chiếc dép rách. Kế tiếp tổ sư cũng thế, ngài An Sĩ ( Thế) Cao là vua của nước An Tức ( Iran ngày nay) cũng buông bỏ để làm trưởng tử Như Lai. Ngài Bồ Đề Đạt Ma là thái tử con vua nước Hương Chí ( một nuớc cổ ở Tây Vực, nay thuộc Ấn Độ) cũng rũ bỏ nhẹ như bụi trần. Vua Trần cũng bỏ ngôi mà lên yên Tử hành hạnh đầu đà… Thế đấy! các ngài buông bỏ và dấn bước. Các ngài nêu tấm gương cho mình ngưỡng vọng và noi theo.

Dã sử kể Alexandre Đaị Đế là ông vua vĩ đaị nhất của loài người. Ông ấy từng chinh phục ba phần tư thế giới thời cổ đaị, từng mang quân từ Macedonia vượt qua cả sông Hằng. Âý vậy mà khi chết di chúc rằng: bắt những thầy lang giỏi nhất khiêng quan tài cho ta, quan tài khoét hai lỗ và để hai bàn tay ta ra ngoài, vàng bạc của ta rải hết trên đường di quan…Dã sử không phải là chính sử, có nhiều huyền hoặc, thêm bớt, dã sử là chuyện giai thoaị không có tính chính xác… nhưng cái thông điệp kia mới tuyệt vời làm sao. Thế gian naỳ vốn vô thường, tranh đoạt cho lắm cũng thế thôi. Mình đến thế gian này hai tay trắng thì khi ra đi cũng trắng hai tay, tất cả bỏ laị hết, cái duy nhất mang theo là những nghiệp thiện-ác đã làm trong một đời. Cuộc trăm năm ngắn ngủi lắm em ơi! Nói trăm năm là ước lệ, là văn vẻ thế thôi, thật sự thì một khi hơi thở không vào ra là tất cả chấm dứt, lúc bấy giờ muốn buông thì cũng muộn màng rồi.

Thân này không thật, nó chỉ là giả hợp của những tế bào, nó chỉ là duyên sanh của tứ đaị-ngũ uẩn. thế giới này không thật, nó chỉ là sự kết hợp của những nguyên tố vật chất, nó là tạm kết thành của những yếu tố cần và đủ. Thời gian không thật, quá khứ-hiện taị-vị lai khởi từ một niệm vọng tâm… vậy thì ngũ dục làm sao thật đuợc em ơí! Ngày tháng qua mau, mình đến rồi sẽ đi sớm thôi. Gã du tử tìm về nguồn côị, con đường nhiều chông gai trắc trở, lắm lúc lòng lung lay lắm, con đường miên viễn độc hành đôi khi laị mê bướm đẹp hoa thơm và nghe lời rù quến của ma quân mà xao lãng mục đích ban đầu. Gã du tử cũng là một con người đầy thất tình lục dục kia mà, tuy vậy lòng vẫn hướng về Như Lai, nhớ về chư tổ. Các ngài như ánh trăng trong đêm trường, như hải đăng cho những con tàu tròng trành sóng nước trùng khơi tìm về bến bờ bình an.

Em ở đâu? vẫn mắt biếc trong đời làm cho lòng ta thao thức, dù rằng tập tễnh học hạnh buông nhưng đâu dễ một sớm một chiều! Mắt biếc, má đào, vóc hạc, gót son… chao ôi cả một trời tơ tưởng, mùa hạ chiều phương ngoaị đẹp lắm, lòng nao nao vẫn nhớ về cố quận. Hình bóng cố quận là mái chùa làng cổ sơ, là góc phố nhỏ đêm khuya, là phần mộ tổ tiên, là hồn thiêng sông núi… dẫu cho những thế lực vô minh, hôn ám làm cho ít nhiều hư hao nhưng cố quận vẫn còn đó, hết suy sẽ có ngày hưng thịnh! Tuy nhiên sẽ cần nhiều thời gian, công sức và đôi khi cả máu xương. Cố quận vẫn lung linh lay động trong tâm hồn. Nhà Phật bảo:

“ Thập phương hư không bất ly đương xứ
Cổ kim tam thế bất ly đương niệm”

Thế đấy! sơn hà đaị địa, vũ trụ hư không cũng từ một niệm mà ra; thời gian, không gian cũng một niệm tâm vậy! Vậy thì em mắt biếc cũng không ngoài một niệm tâm! Cũng từ một niệm tâm mà tháng ngày phương ngoại lắm lúc hồn mênh mông, lòng lung linh lạ lùng thay. Gã du tử vẫn thường:

Rót ly vang đỏ tự mừng
Mấy mươi năm lẻ đã từng vậy sao
Ừ thì chẳng đón đưa nhau
Thưa rằng quên đã từ lâu lắm rồi (thơ TLTP)

Thưa rằng quên đã từ lâu, ừ thì em vẫn mắt biếc trong đời, ừ thì mình chẳng đón đưa, có thật quên chăng? Một niệm tâm em ơi! một quãng đường đời như thế, một cung trời ngoại phương như thế!

Em ơi, mình vẫn là kẻ độc sanh, độc tử, độc khứ, độc lai! Ai cũng thế thôi trên con đường sanh-tử này! Cuộc đời dù muôn màu cũng không sao che lấp được sự lung linh lấp lánh của trang Tâm kinh. Dòng đời dù ồn ào, náo nhiệt cũng không sao khoả được lời thì thầm của Tâm Kinh.

“ Yết đế, yết đế, ba la yết đế….” một chiều hè phương ngoaị!

Ất Lăng thành, 6/2013




VVM.04.8.2023.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .