Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NẮNG CUỐI NGÀY



G iữa mùa hè, chị Tuyền về, nhà vui hẳn lên. Mẹ lụi cụi nấu những món ăn ngon mà chị Tuyền vẫn thích để đãi đứa con đi học xa về. Lam chọc quê chị: “ Nhà mình đang hưởng xái chị Tuyền”, chị cốc vào đầu Lam: “ Đến lượt mi đi học xa rồi sẽ biết ”.

Câu đầu tiên chị Tuyền hỏi khi vừa về đến nhà: “ Hoa quỳnh nhà mình dạo nầy còn nở không ?”. Ba cười: “ Chưa có hoa nào nở, chắc nó đợi con về “. Chị Tuyền rất thích hoa quỳnh, loài hoa nầy hay nở vào mùa hè. Mùa hoa quỳnh nào chị cũng thức rất khuya, đợi hoa tàn rồi mới ngủ. Ba rất thích trồng hoa quỳnh, trong vườn hoa khá rộng của gia đình, hoa quỳnh chiếm đa số. Đêm nào có chậu quỳnh nở, ba mẹ hay pha trà uống thưởng hoa. Đó là khi những chậu quỳnh đầu tiên nở, về sau hoa nở nhiểu quá, ba cũng chỉ thức đến khi hoa vừa bung cánh, mẹ thì kêu mỏi lưng, đi ngủ sớm. Còn lại hai chị em Tuyền và Lam, không nỡ bỏ hoa không người thưởng ngoạn, đành thức đến khuya – mặc dù có khi Lam cũng mắt nhắm, mắt mở, vừa thưởng hoa, vừa ngáp buồn ngủ.

Nghĩ cũng lạ, loài hoa đẹp đến nao long, mùi hương quý phái và quyến rũ như vậy, nhưng chỉ nở về khuya, âm thầm và lặng lẽ giữa khi con người đang say giấc như một lời nguyền của tạo hóa. Sáng ra khi con người mở mắt thì hoa đã héo rũ mất rồi. Tạo hóa thật bất công!

Lam cũng thích hoa quỳnh, nhưng chắc không nhiệt tình bằng bằng chị Tuyền. Những khi chị đi học xa nhà, một chậu quỳnh bỗng nở cùng một đêm đến bốn bông hoa. Đêm đó Lam bận học bài rồi ngủ quên mất. Sáng ra chạy xuống vườn thấy bốn bông hoa quỳnh héo rũ xuống, những cánh hoa trắng khép hửng hờ thuôn thuôn như một bàn tay búp măng của một tiểu thư khuê các, tự nhiên Lam thấy ngỡ ngàng tiếc nuối, và thấy như mình có lỗi.

Bác Tư nói nhà có con gái không nên trồng hoa quỳnh, huống chi trồng cả vườn như ba Lam. Lam hỏi tại sao, bác lắc đầu không nói. Thái độ bí mật của bác càng thôi thúc trí tò mò của Lam. Về sau Lam gạn hỏi mãi ba mới nói người ta cho rằng nhà có con gái mà trồng hoa quỳnh thì con gái sẽ ế chồng. Vì hoa quỳnh chỉ nở muộn màng về đêm, nở trong tăm tối quạnh hiu giữa lúc muôn loài đang ngủ. Không biết ba mẹ Lam có tin vào điều đó không, chỉ thấy hằng ngày ba vẫn chăm bón cho hoa, hoàn toàn không hề có ý định phá bỏ nó đi.

Rồi chị Tuyền tốt nghiệp ra trường, thay vì ở lại Sài Gòn làm việc như phần lớn bạn bè, chị về Đà nẵng làm việc, chị nói ngoài lý do muốn về gần gia đình, còn một lý do nữa là vì muốn về lại vườn quỳnh xưa. Chị nói đã chán cái không khí xô bồ bụi bặm của Sài gòn. Ở trong ấy dễ gì có được một mảnh vườn như mảnh vườn của gia đình. Ba mẹ nói chị Tuyền quyết định như thế là đúng. Lam không biết thế nào là đúng chỉ thấy vui hơn khi có chị Tuyền ở nhà, mà không phải dài cổ chờ đợi dịp tết hay dịp hè nữa. Những năm tháng đó, Du đến với gia đình Lam khi Lam đang còn học năm cuối của bậc trung học. Du làm cùng công ty với chị Tuyền, có khi hai người cùng làm chung một dự án nên họ thường xuyên gặp nhau ở nhà Lam. Đó là một chàng trai Hà nội có giọng nói ngọt ngào mặc dù di cư vào Nam đã lâu, mặt mũi thư sinh, mỗi lần vào nhà chơi với chị Tuyền hay cười với Lam bằng mắt. Lam vẫn nghĩ đơn giản hai người hay gặp nhau đến thế chắc họ đang yêu nhau. Nhưng Lam cũng nghe phong thanh hình như chị Tuyền đang có người yêu ở Sài gòn. Một lần chị Tuyền đi công tác, Du đến chơi nhà, Lam nói: “ Anh Du đến chơi mà chị Tuyền không có nhà. Anh không biết chị Tuyền đi công tác sao? ” Du cười: “ Anh biết chị Tuyền đi công tác chứ, làm cùng công ty mà. Không có chị Tuyền anh đến chơi với Lam không được sao? ”. Lần đầu tiên Lam thấy bối rối trước cái nhìn từ đôi mắt sâu đen của Du. Lam còn thấy ánh mắt của Du nhìn mình có gì là lạ, không lẽ… Có lần Lam hỏi chị Tuyền: “ Chị với anh Du là một cặp phải không?” Chị Tuyền trả lời : “ Một cặpvới Lam là thế nào?” . “ Là yêu nhau ấy ”. Chị Tuyền cốc vào đầu Lam một cái rõ đau – chị vẫn thường ỷ lớn cốc đầu Lam như thế - : “ Rõ vớ vẩn, chỉ là đồng nghiệp thôi. Người yêu của chị đang học cao học ở Sài gòn. Tết nầy anh ấy sẽ về đây ra mắt ba mẹ ”. Chị Tuyền là thế , rất kín đáo nhưng trong một lúc nào đó bỗng tiết lộ bí mật vào lúc bất ngờ nhất.

Những tháng ngày Lam mười tám ấy, Du đã đến với cô như một cơn lốc, cuốn Lam thật xa ra khỏi khu vườn tuồi nhỏ, đưa Lam đến với tình yêu bằng đôi hia bảy dặm. Chị Tuyền “ hăm dọa ” Du: “ Cậu yêu Lam thật không? Nó là em gái cưng của tớ đấy. Cậu mà làm nó khổ thì cậu không sống nổi với tớ đâu”. Du làm bộ sợ hãi: “ Tớ long trọng xin thề. Ai chả biết cậu là một tay karate có hạng!”

Những đêm hoa quỳnh nở trong vườn, Du hay nói với Lam về những dự định của mình. Nhưng anh nghĩ anh không thể thực hiện được những dự định ấy, vì cuộc chiến mỗi ngày một khốc liệt, Du nói anh có thể bị động viên bất kỳ lúc nào. Và đúng như vậy, mấy tháng sau, Du nhận được giấy gọi nhập ngũ, buổi chiều cuối cùng hai người ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá trong vườn quỳnh, Lam thấy rõ là Du buồn. Anh nói: “ Anh không tiếc vì những dự định không thành, cũng không tiếc nếu phải hy sinh nếu anh có một lý tưởng. Nhưng đằng nầy …” Anh nhún vai bỏ lỡ câu nói. Trầm ngâm một chút rồi anh tiếp: “ Biết nói thế nào với Lam nhỉ, Lam còn nhỏ quá để hiểu những điều trăn trở của anh. Anh đi, Lam cứ ở nhà học cho thật giỏi, và nhớ viết thư cho anh. Thế là đủ rồi.” Hồi đó Lam mơ hồ không hiểu lắm những lời úp mở của Du. Sau khi Du đi rồi Chị Tuyền nói: “ Du nó phản chiến ấy mà. Nó là một đứa có nhiều hoài bão mà chưa thực hiện được, chị hiểu nó mà, nó buồn lắm đấy. Làm thân con trai thời chiến đúng là khó khăn thật ”. Rồi Du đi, những ngày vắng Du, Lam hay tự hỏi lòng mình không biết mình có thật sự yêu Du không, hay chỉ thấy thích khi có người con trai chìu chuộng mình. Tuy nhiên có điều Lam vẫn biết chắc là nỗi nhớ vẫn âm ỉ cháy trong hồn Lam những ngày mưa lang thang qua các ngã đường, một chút gì như tiếc nuối vẫn làm hồn Lam chùng héo. Những bức thư của Du vẫn cứ bay về từ những đơn vị xa xôi, hay giữa những chặng đường hành quân nào đó. Thỉnh thoảng nghe tin chiến trận phát đi từ chiếc radio, hay từ những trang báo, Lam lại thấy lòng cháy bỏng vì lo lắng. Ba mẹ thường nói: “ Đúng là trong thời chiến đẻ con gái như nhà mình lại hóa hay, có con ngoài mặt trận như bác Tư đúng là nóng ruột thật ”. Không biết ba có còn ân hận vì chỉ sinh có hai đứa con gái nữa không. Những đêm ngồi với chị Tuyền trong vườn chờ hoa quỳnh nở, chị Tuyền thường hỏi Lam: “ Du vẫn thường viết thư cho em đấy chứ? Lính tráng ít thời gian lắm, nếu có lúc nào đó cậu ấy chậm hồi âm, em cũng đừng có buồn ”.

Mỗi tuổi lớn lên của người con gái là có thêm một tính toán nghi ngờ. Càng lớn lên Lam thấy mình càng đi dần từng bước xa Du. Lam ngoảnh lại nhìn Lam những năm mười tám như nhìn một nhân vật nào đó trong tiểu thuyết. Lam cũng ngạc nhiên về những đổi thay của chính mình. Những giờ triết đầy suy tư của những năm đại học đưa Lam về với những bến bờ xa lạ. Sân trường Văn khoa mênh mông nắng vàng, mưa nắng Sài gòn cũng tấp nập hối hả như cuộc sống ở đây. Thành phố chợt nắng, chợt mưa như một cô gái đẹp đỏng đảnh thất thường. Những ngày mưa nhìn tàng lá me xanh mơn run rẩy bên kia trường đại học Dược khoa (*), Lam nghĩ mông mênh về đời mình: những ngày bé dại, những ngày mới lớn, và những ngày yêu Du … Và Du – người con trai Hà nội đến với Lam đầu đời như để bổ túc thêm những gì cô nghĩ về Hà nội, những ám ảnh của cô về một kinh thành cũ bên kia – những ám ảnh tạo nên từ những trang sách Tự lực văn đoàn mà Lam đọc từ khi mới lớn, với những góc phố Hà nội mùa thu đỏ rực lá bàng. Ngày di cư vào nam, Du chỉ là một cậu bé mười tuổi, nhưng lòng ngưỡng vọng về Hà nội bắt Lam nghĩ anh đã trưởng thành ở đó, đã mang trọn vẹn “ chất Hà nội” trong huyết quản. Trong khi Hà nội đối với anh nhạt nhòa như một bức hình thật cũ. Ký ức về Hà nội còn giữ lại trong anh không ngoài những buổi trưa trốn ngủ cùng bạn bè trèo cây hái sấu ngoài đường, và ăn lạc rang của ông Tàu già bên góc hồ Hoàn kiếm.

Lớn lên Lam nhận thấy hình như Du có nhiều thiếu sót mà lúc nhỏ cô không hề nhận thấy. Chị Tuyền thường bảo Lam hay đòi hỏi nhiều và có vẻ lý tưởng. “ Chả ai hoàn hảo đâu bé ơi, ở đời nhân vô thập toàn, phải biết chấp nhận cái tương đối thôi. Lam lúc nào cũng như sống trên mây ấy, chả thực tế tí nào! ”. Đúng là Lam hay đòi hỏi những điều tuyệt đối, cách nhìn của Lam về nhân vật văn học cũng khác hơn. Hồi học phổ thông Lam và bọn con gái trong lớp đều thích Kim Trọng vì cái “ Phong tư tài mạo tót vời , Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa ”, nhưng bây giờ Lam lại thấy anh chàng Kim Trọng có cái gì đó không tích cực. Khi biết Kiều đã bán mình thì chỉ còn biết khóc lóc vật vã, khi tỉnh, khi mê. Rồi sau đó chấp nhận lấy Thúy Vân, sống một cuộc sống vô vị với vợ đẹp con khôn, sách vở học hành , rồi thành đạt vinh hiển. Mãi đến mười lăm năm sau mới đi tìm Kiều. Tại sao không tìm sớm hơn, khi mà cuộc đời chưa vùi đập nàng đến mức phải liều thân? Cái gì cũng có thể làm được một điều gì đó, ngoại trừ cái chết! Trong khi đó Từ Hải đã bao dung và cứu vớt cuộc đời Kiều biết bao . Từ Hải mới đúng là người yêu lý tưởng và lãng mạn của đời Kiều.

Những đêm xa nhà, thao thức trong phòng phòng trọ, nhìn ra khung cửa sổ mở rộng, Lam như thấy rõ đôi mắt Du nhìn cô mê đắm một mùa hè nào đã xa khi cô vừa mười tám. Mùa hè và những cơn gió nồm thổi đi từ đại dương, cát vàng nắng cháy. Những cơn mưa lũ dầm dầm phía chân trời, mưa sẽ nhạt nhòa từng dấu chân trên cát – dấu ấn của một mùa hè. Có một bóng dừa nào đó Du đã dành cho Lam, một bóng dừa không đủ che mưa. Hạnh phúc chỉ dừng lại ở đó một vài giây ngắn ngủi rồi chắp cánh bay xa. Bãi cát phẳng nằm im đến cuối chân trời, không còn một dấu vết.

Những tháng ngày sau mưa lũ không về nữa, trời đã sang thu. Mùa thu gọi Lam về lại với trường, với áo trắng xôn xao ngày đầu tiên đến lớp. Du đã đi rồi, cuộc đời lính chiến đưa anh trôi nổi khắp mọi miền đất nước. Những năm dài sau đó Lam chưa từng gặp Du một lần. Có một dạo vào cuối năm, Du đến Văn khoa Sài gòn tìm Lam mà không gặp. Rồi Du lại phải đi ngay. Sau đó Lam chỉ nghe một người bạn nói lại. Cảm giác tiếc nuối mong manh không rõ rệt. Tình yêu đã chìm sâu như những nhánh rong xanh một mùa nước lớn. Nếu không có những bức thư Du gởi về, chắc Lam sẽ quên mất anh giữa dòng đời rộng lớn mêng mông.

Rồi những năm tháng sinh viên ấy cũng qua đi . Lam thật sự bước vào cuộc đời rộng lớn mênh mông ấy để làm một cô giáo. Những năm tháng ấy chiến cuộc ngày càng khốc liệt, đêm đêm đại bác vọng về làm rung rinh cửa kính. Lam mất liên lạc với Du một thời gian dài, lắm lúc không biết anh còn sống hay đã chết. Lam theo dòng cuốn của cuộc đời tấp vào một bến đỗ bình yên: lấy chồng sinh con. Những ngày giữa tháng 4-1975, với dòng người hối hả từ Huế, Quảng Trị, từ các tỉnh miền trung chạy vào, Sài gòn như một nơi ẩn náu cuối cùng đông đến nghẹt thở. Du đến cổng trường nơi Lam dạy, đợi Lam giữa dòng người nhốn nháo như đang sống trong giờ thứ 25. Sau nhiều năm không gặp, trông Du thật khác, vẻ thư sinh ngày xưa không còn nữa, trông Du phong trần dày dạn hơn, anh vẫn còn độc thân. Nhưng anh bây giờ chỉ là một người lính thất trận phờ phạc, mệt nhoài, chán nản. Du thuyết phục Lam cùng di tản với anh. Anh nói chiến hạm một người anh ruột của anh đang đậu sẵn ở bến cảng Sài gòn, mọi phương tiện đã sẵn sang, chỉ cần Lam mạnh dạn ra đi. Lam hỏi: “ Thế còn con trai của em, anh nghĩ em có thể bỏ con để ra đi ?” Du hơi ngỡ ngàng, nhưng rồi anh lấy lại vẻ bình thản: “ Thì em cứ mang con theo, anh sẽ giúp em ”. Lam hỏi đùa: “ Còn chồng em nữa, anh không mời chồng em cùng đi sao ?”. Mắt Du thoáng buồn : “ Đừng chạm vào nỗi đau của anh, đó là một sự thật mà anh muốn quên. Lam không thấy là đã quá tàn nhẫn với anh sao?”.

Hai người ngồi trầm ngâm trong quán cà phê trước cổng trường. Ngôi trường bây giờ đã vắng tanh. Những ngày giữa tháng 4-1975, học sinh đến lớp rời rạc, con số vắng mặt đã hơn nửa lớp. Các thầy cô giáo cũng không còn tinh thần đâu để giảng dạy. Lam nghe họ bàn nhau tìm phương tiện di tản sang Mỹ. Lam và chồng cô vẫn bình thàn ở lại, cả hai đều muốn đợi những người thân từ phía bên kia trở về sau hai mươi mốt năm cách biệt. Điều Lam quan tâm nhất bấy giờ là chạy đôn chạy đáo đi tìm mua sữa dự trữ cho con. Ý tưởng ra đi với Du làm Lam rùng mình. Chắc Lam chưa có đủ dũng cảm và lãng mạn để có một quyết định táo bạo như vậy. Rồi Du đi, Lam vẫn nhớ ánh mắt buồn thăm thẳm của anh khi chia tay. Anh nói một câu cuối cùng: “ Anh xin lỗi, anh không trách gì em cả. Chúc em hạnh phúc”. Không hiểu sao lúc nầy Lam chợt thấy lòng nhói đau. Nhưng lý trí như một bàn tay vô hình đã kịp giữ cô lại. Lam quay về, nghe tiếng lá khô ven đường xào xạc dưới chân trong buổi chiều tắt nắng, và biết mình đang nhích dần từng bước xa Du vĩnh viễn.


Chị thức dậy lúc sáu giờ sang. Theo thói quen thường mở đầu một ngày mới bằng nhạc mở nguồn của chiếc điện thoại di động. Khi đẩy nắp điện thoại chị chợt nhớ mình đang ở trên đất Mỹ, quê nhà bây giờ xa ngút ngàn, và chiếc điện thoại đã ở rất xa ngoài vùng phủ sóng. Chị đi xuống tầng trệt, mở mã số alarm (*) rồi mở cửa buớc ra vườn. Ban mai yên tĩnh lạ thường, khu vườn cỏ xanh mướt được cắt tĩa cẩn thận còn đượm những giọt sương đêm. Mấy chú thỏ hoang còn đang gặm cỏ đưa cặp mắt hiền lành nhìn Lam, không hề có chút sợ hãi. Ở đây con người và thiên nhiên hòa hợp lạ thường. Mỗi khi Lam ra vườn, từng bầy chim – phần lớn là chim sáo đen - sà xuống trên cỏ, quấn quít bên chân, đợi Lam vãi cơm cho ăn. Chắc muông thú cũng biết đây là chốn bình yên, và con người là bầu bạn, là thân thiện.

Mọi sinh hoạt của người Mỹ thường diễn ra khá muộn nên giờ nầy ngoài đường vẫn còn vắng ngắt. Trong khi ở bên nhà giờ nầy ngoài đường đã tấp nập xe cộ. Đang là mùa hè nhưng vào sáng sớm không khí vẫn se lạnh . Nhưng khoảng mười giờ trở đi thì nắng bắt đầu gay gắt cho đến khi đêm xuống. Tám giờ tối mặt trời vẫn còn rực rỡ, hoàng hôn diễn ra vào lúc chín giờ đêm. Khi chưa đến Mỹ chị cứ ngỡ đây là miền ôn đới chắc mùa hè cũng mát mẻ chứ không nóng nực như bên nhà. Nhưng khi đặt chân xuống phi trường Los, chị ngạc nhiên thấy một luồng không khí nóng kinh dị phả vảo mặt, như đang ở trong một cái lò bánh mì. Mặc dù Kim – con gái chị - đã nói trước: “ Bên nầy đang rất nóng, me đừng mang theo áo lạnh làm gì cho nặng.” Nhưng quả thật cái nóng ở đây đã khác xa với tưởng tượng của chị.

Chị đẩy va ly đi theo chị Trâm – một nguời Việt nam mà Lam mới làm quen khi cả hai cùng quá cảnh ở phi trường Taipei ( Đài bắc ). Chị Trâm trông giống người Trung quốc, khi làm quen, Lam hỏi chị bằng tiếng Anh, và ngạc nhiên khi thấy Trâm trả lời bằng tiếng Việt: “ Mình là người Việt đây mà .” Lam buồn cười khi nhớ lại lúc xuống phi trường Taipei, chị đã hỏi đường một thanh niên ( trông giống hệt người Việt), anh ta lại trả lời bắng tiếng Anh. Thì ra anh ta là người Đài Loan. Có lẽ người Việt và người Hoa là hai dân tộc có ngoại hình giống nhau nhất trong các dân tộc Châu Á. Có khi không thể phân biệt được.

Chị Trâm đã làm xong thủ tục hải quan, đang đứng đợi chị. Phi trường Los rộng mênh mông, nhưng nghe đâu vẫn còn nhỏ hơn phi trường Denver nhiều – nơi chị sẽ đến nhà con gái. Chị theo chị Trâm đến quầy nhận hành lý . Chị Trâm nói: “ Lần đầu tiên đến Mỹ mình cũng quýnh quáng không biết nhận hành lý ở quầy nào, nhiều bagage claime (*) quá. May sao mình gặp một nhân viên người Việt, mình mừng quýnh. Những lúc như thế gặp đồng bào thật không gì hơn. Bác ấy tận tình hướng dẫn cho mình đến đúng nơi nhận hành lý.” Giữa một đất nước xa lạ, giữa những con người xa lạ, được gặp một đồng hương như gặp một người thân. Nó len vào hồn ta cảm giác ấm áp và gần gủi.

Chia tay với chị Trâm, đứa cháu gọi Lam bằng dì ruột đón chị về nhà nó. Chị sẽ ở lại đây thăm thú Cali một thời gian ngắn trước khi bay qua Denver để về nhà con gái. Đứa cháu vừa lái xe vừa nói chuyện: “ Hè năm nay Cali nóng lắm dì Lam ơi. Đã có người chết vì nóng rồi – nhất là những người già. Có hôm nhiệt độ ban ngày lên đến 42 độ C. Dì đi du lịch Mỹ vào mùa nầy là bị thiệt thòi rồi.”

Bữa ăn tối diễn ra vào lúc chín giờ đêm, mâm cơm có nhiều thịt gà và chim cút quay vàng. Thức ăn hoàn toàn không phù hợp với thói quen thích ăn cá và rau của chị. Ăn xong đứa cháu trai dọn dẹp rửa ráy chén bát soong nồi, còn đứa cháu dâu dẫn chị ra vườn ngồi hóng mát. Vườn có nhiều hoa hồng đủ màu sắc và một số cây ăn quả như cây trái ở Việt nam. Lúc ngồi trên xe về nhà chị đã đi qua rất nhiều nhà có trồng hoa trước sân, nhiều nhất là hoa hồng, nở rất to, gần bằng cái tô. Chị chưa bao giờ thấy hoa hồng nở to đến thế. Nhưng ở đây điều đó là bình thường. Nhớ lại vườn quỳnh của mình ở Việt nam, Lam hỏi cháu sao không trồng hoa quỳnh. Hân – đứa cháu dâu trả lời: “ Hoa quỳnh nở khuya thế, cuộc sống ở đây lại tất bật, thời gian đâu mà thưởng hoa như ở Việt nam, dì ơi.” Lam hỏi Hân: “ Sao Hân không phụ rửa chén bát với Điền? ”. Hân cười: “ Dì hơi bị lạc hậu rồi đấy. Ở đất Mỹ nầy đàn ông cáng đáng đến 70% việc nhà. Đàn bà đi làm về nghỉ ngơi là chính. Không phải cứ quần quật như đàn bà bên nước mình đâu dì ơi ! Bởi thế có dạo bọn cháu định về Việt nam đầu tư làm ăn, ông ấy ủng hộ quyết định ấy hết mình. Dì biết sao không? Ổng nói không gì sướng bằng làm đàn ông ở Việt nam, đi làm về là nhậu với bạn bè, mọi việc nhà đàn bà phải làm tất ”. Lam phì cười: “ Nghe thế Hân sợ quá không về nữa ?”. Hân nói: “ Không hẳn thế. Sau đó bọn cháu đổi ý định. Cái chính là chuyện học hành của bọn nhỏ. Về Việt Nam chúng sẽ làm sao hòa nhập với cuộc sống bên ấy với vốn tiếng Việt bập bẹ như dì thấy đấy.”

Hân nói đúng, Lam đã thấy bọn trẻ nói với mẹ bằng kiểu nói nửa Việt nửa Mỹ: “ Mom, help me rửa tóc.” Điền thì bảo con: “ You ăn đi, rồi you dọn bàn help me, ok ?”. Lam bảo Điền: “ Cháu cứ nói nửa Việt nửa Mỹ như vậy chẳng trách gì bọn trẻ gọi gội đầu là rửa tóc”. Điền cười hì hì: “ Quen cái miệng rồi dì ơi!”.

Những ngày ở Cali, sau giờ làm việc, đứa cháu lại chở Lam đi thăm thú nhiều nơi. Chị háo hức đến khu Little Sài gòn trước tiên. Một đường phố chạy dài với những bảng hiệu bằng tiếng Việt,, một siêu thị mang tên Bến Thành super market, một khu thương xá của người Việt và các món ăn Việt nam thì hầu như không thiếu một thứ gì. Chung quanh Lam toàn là người Việt. Thỉnh thoảng thấy một vài người Mỹ, nhưng phần lớn họ đi với vợ Việt. Lam có cảm giác như mình đang ở giữa quê nhà. Trước khi đi Mỹ có ai đó nói với Lam rằng đến khu Little Sàigòn sẽ dễ gặp người quen. Lam chợt nghĩ không biết bây giờ Du đang ở đâu trên đất Mỹ nầy? Đã hơn ba mươi năm rồi từ ngày Du ra đi. Trái đất tròn, biết đâu Lam sẽ gặp lại Du khi hai mái đầu đã bạc. Cuộc đời qua rất nhanh, thoáng cái đã đến tuổi già. Một lần đi du lịch Sa pa, Lam nhớ có lần chị đã đọc ở đâu đó về một phiên chợ của người dân tộc Tây bắc. Phiên chợ có tên là Khau Vai – một phiên chợ đặc biệt không buôn bán gì, mà chỉ để cho những người tình cũ gặp lại nhau một cách danh chính ngôn thuận. Đến ngày đó người vợ và người chồng vẫn có thể đi gặp lại người tình cũ của mình để tâm sự nỗi niềm nhung nhớ. Lúc xe sắp vào thị xã Sa pa, người hướng dẫn viên du lịch cũng đã kể cho cả đoàn nghe về phiên chợ lãng mạn nầy, ai cũng ồ lên ngạc nhiên, thú vị. Có người còn bảo giá như người Kinh mình cũng tổ chức được một phiên chợ đặc biệt như vậy thì thú vị lắm nhỉ? Biết được chuyện tình của Lam, cô bạn thân ngồi bên cạnh trêu Lam: “ Ai chứ Lam thì mong có cái phiên chợ Khau Vai ấy lắm đấy.” Lam nghĩ giá như mình là người dân tộc Tây bắc thì hay quá, họ có những phong tục tập quán thật lãng mạn, thật hồn nhiên, phóng khoáng, và tôn trọng tự do cá nhân gần như tuyệt đối. Giá như trên đất Mỹ cũng có một phiên chợ Khau Vai để Lam được gặp Du. Ít nhất cũng là để biết Du đã sống như thế nào trong ba mươi năm qua – một thời gian dài biệt vô âm tín. Lam kiểm nghiệm lại lòng mình và nhận thấy rõ rằng mình chỉ mong gặp lại Du như gặp một người bạn, một người quen cũ . Cũng có những người bạn rất lâu không gặp, nhưng chưa có ai như Du – đến hơn ba mươi năm. Những ngày ở Denver, nhân đọc một tờ báo của người Việt trên đất Mỹ có mục nhắn tìm người quen, Lam chợt nảy ý định tìm Du qua cách nầy. Tin nhắn được đăng trên báo một tuần vẫn không có hồi âm. Lam nghĩ có hai khả năng: một là Du không phải là độc giả của tờ báo nầy, hai là có thể anh không còn trên đời nầy nữa. Một đêm, Lam chuẩn bị đi ngủ thì có tiếng chuông điện thoại reo, Lam cầm máy và nghe một giọng nữ rất lạ: “ Thưa, có phải cô là cô Thục Lam ?”. Lam ngạc nhiên và hồi hộp: “ Vâng, tôi là Thục Lam. Xin lỗi cô là ai?”. Giọng nữ còn rất trẻ, pha lẫn giữa hai cách phát âm Bắc và Nam: “ Cháu là con của ba Du. Cháu tình cờ đọc thấy dòng nhắn tin của cô trên báo, cháu phôn cho cô ngay, nhưng hôm đó cô không có nhà. Hôm nay cháu gọi hơi khuya cho chắc. Xin lỗi đã làm mất giấc ngủ cùa cô.” Giọng nói dè dặt và rào đón. Lam nói: “ Không sao, cô chưa ngủ. Ba Du của cháu có khỏe không?”. Một giây im lặng ở đầu bên kia rồi giọng nói trầm hẳn xuống như cố gắng nhận chìm càm xúc: “ Ba cháu mất rồi, mất trước khi cô nhắn tin ba ngày. Nếu cô nhắn sớm hơn một tí thì có lẽ …” Câu nói bị đứt quảng nửa chừng, có vẻ như cô gái đang khóc. Lam bồi hồi xúc động, bàn tay cầm điện thoại bổng run lên, mặc dù điều đó đã nằm trong tiên đoán, nhưng chị vẫn bị sốc. Năm nay Du mới ngoài sáu mươi. Lam cố trấn tỉnh nói tiếp:“ Cô xin chia buồn cùng cháu và gia đình. Nếu có thể cho cô được đến nhà để thắp cho ba cháu nén hương.”

Một tuần sau, Becky đem xe đến đưa Lam về thăm nhà. Thêm một điều ngạc nhiên đối với Lam là con gái của Du lại trùng tên với chị: Becky Lam Nguyễn. Không biết Becky có hiểu điều tế nhị ấy không, nhưng Lam thì hiểu rõ. Lam ngại điều ấy có thể làm vợ Du không vui, nhưng rất may là vợ Du vắng nhà. Sau hai giờ chạy xe trên đường cao tốc, Lam có vẻ mệt, nhưng Becky thì vẫn bình thường. Ngôi nhà hai tầng nằm trên một mảnh vườn rộng đầy cỏ xanh như phần lớn nhà ở Mỹ, vườn trồng nhiều loại cây nhưng không thấy cây nào có quả. Becky nói xứ nầy lạnh nên không trồng được cây ăn quả như Cali. Lam trầm ngâm trước di ảnh Du trong khi Becky tế nhị lảng ra ngoài hành lang. Kể từ ngày cuối tháng 4-1975, hai người đã trải qua một thời gian dài cách biệt. Lam nhẩm lại và chợt nhận ra họ quen biết nhau đến gần bốn mươi năm, nhưng số ngày gần nhau thì quá ít. Cuộc đời Du là một chuỗi dài phiêu bạt và tiếp đến là những năm tháng tha hương trên đất Mỹ, và bây giờ chỉ còn một bức di ảnh với những làn khói hương. Được biết Du không đau ốm gì, chỉ mất đột ngột trong một tai nạn xe hơi. Lam tiếc là mình không nhắn tin cho Du sớm hơn, nếu thế có thể chị đã được gặp lại Du một lần cuối đời. Lam nói thầm trước di ảnh Du: “ Em xin lỗi vì đã quá chậm chân. Có lẽ chúng mình không có duyên gặp lại nhau.”

Becky đưa Lam đi dạo trong khu vườn cỏ non xanh mượt. Những đàn chim sáo đen dạn dĩ bay xuống đậu bên chân người. Becky cho biết cô đang học dược, em trai đang học lớp mười hai, mẹ thì vẫn còn đi làm cho một ngân hàng cách nhà một giờ lái xe. Lam nghĩ là Du đã có một cuộc sống hạnh phúc trong những năm tháng trên đất Mỹ. Còn lý do lấy tên Lam đặt cho con gái có lẽ muốn giữ lại một chút kỷ niệm chăng? Hay do một sự tình cờ ngẫu nhiên nào đó? Becky nói rằng mẹ cô không biết những dòng nhắn tin của Lam. Becky cũng không cho mẹ biết rằng có một người bạn gái của ba nhắn tìm khi ba đã qua đời. Có lẽ cô bé nầy cũng khá nhạy bén khi nhận định mối quan hệ nầy, hay chỉ muốn thay mặt ba để gặp lại một người quen cũ, mà biết đâu khi còn sống ba đã tha thiết muốn gặp. Becky cho biết một ngày nào đó cô sẽ trở về Việt nam, nơi mà từ khi sinh ra, cô chưa bao giờ đến, vì tất cả bà con nội ngoại hiện đang sống trên đất Mỹ. Lam ngậm ngùi nhìn vào bức ảnh gia đình Du, thấy rõ trên khuôn mặt con trai Du là những nét của Du thời trai trẻ - những nét rất đặc trưng của một người con trai đất Bắc vẫn còn trong ký ức Lam một mùa hè nào đã xa khi Lam vừa mười tám. Becky đưa Lam trở về, những giọt nắng cuối ngày loang lổ dưới chân, đàn sáo đen hối hả bay về phía chân trời.

(*) Trước 1975 , đại học Dược dối diện đại học Văn khoa Sài gòn.
(*) Alarm : Thiết bị báo động.
(*) Bagage claim : Quầy nhận hành lý .




VVM.1.8.2023-NVA.22313.