Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



PLEIKU, PHỐ NÚI TRỜI GẦN *



C ứ mỗi lần nghe ai đó nhắc " phố núi cao " thì y như rằng trong ký ức tôi, lại hiện ra tuổi thơ mình với những năm tháng đã từng sống lưu lạc trên cao nguyên.Thời gian trôi qua thật nhanh .Đến nổi tôi không thể ngờ được, mới ngày nào mà giờ đây ngoảnh mặt nhìn lại, thấy tóc mình không còn xanh nữa.Hơn năm mươi năm rồi còn gì.Kỷ niệm của một thời thơ ấu đối với cậu học trò mười một tuổi,vừa đậu xong bằng tiểu học,lại phải một thân một mình.Lặn lội từ Sàigòn lên Bam Mê Thuột,ngủ lại đó một đêm, chờ đến sáng hôm sau đi tiếp chuyến xe đò lên phố núi.

Sau một ngày đường ngồi xe mệt nhoài.Chiều tối. Chiếc xe buột phải ghé lại chốt kiểm soát để được kiểm tra .Lợi dụng lúc rảnh tay, người tài xế già ngã người trên ghế thư giản; đồng thời tỏ ra hiểu biết, chỉ vẽ cho tôi thấy: Bên này là quốc lộ 14. Con đường xe từ Sàigòn lên.Bên kia là quôc lộ 19 dẩn tới An Khê-Bình Định. Còn lại, con đường trước mặt sẽ là con đường dẩn tới Pleiku. Mảnh đất của 28 dân tộc sinh sống hoà bình bên cạnh sử thi Đam San oai hùng. May quá,Lần đầu tiên tôi được nghe nói đến ngưởi dân tộc Ba Na, dân tộc Gia Rai . . .

Pleiku ! Tôi dõi theo hướng chỉ tay của người tài xế nhìn lên ngọn đồi cao trên tầm mắt. Pleiku đây ư ? Tôi lẩm nhẩm lập đi lập lại hai từ Plei - Ku như người mộ đạo cầu kinh. Nôn nóng muốn mau chóng nhìn rõ bộ mặt phố núi. Nơi tôi sẽ đặt chân đến trong giây lát .Pleiku , Ôi ! Pleiku.Thành phố mà trước khi đến tôi chỉ nghe nhắc tới sương mù , lạnh giá và đất đỏ. Có thật vậy không hay chỉ là những lời đồn đãi làm nản lòng một cậu học trò tuổi tôi ?Dù gì thì tôi cũng đã đến đây.Pleiku đang sừng sửng trước mặt. Ấn tượng trong tôi lúc này không gì khác hơn là con đường dốc dựng đứng. Mà điểm nhấn là chiêc cầu Hội Phú đang treo lơ lửng phố núi trên cao. Bỗng dưng tôi cảm thấy có chút lo âu trong chuyến đi này.Tôi tự vấn bản thân.Giả dụ,nếu tôi không thi rớt lớp đệ thất trường công lập dưới Sàigòn thì, hẳn nhiên tôi đâu phải làm chuyến đi xa .Người ta nói đúng hay sai khi cho rằng :" mỗi con người đều có duyên số trước mỗi nơi đến " ?

Có thật vậy không ? Chuyện tôi từ Sàigỏn lên Pleiku trọ học ở nhà người chú họ là có duyên số ? Thực sự tôi không tin vào điều đó lắm, nhưng sự hiện diện của tôi nơi phố núi này là có thật.Và, đúng như việc tính toán giữa những người lớn với nhau.Tôi không thấy có khó khăn gì khi được nhận vào học tại trường trung học công lập.Một ngôi trường độc nhất chỉ với hai lớp đệ thất. Kịch bản này xảy ra do ông chú họ chìu theo ý nguyện của gia đình tôi, khi không muốn tôi theo học ở trường tư thục, dù ở Sàigòn không thiếu các trường có tiếng tăm.Tại sao ư ? Mãi sau này, khi lớn khôn tôi mới phát hiện ra gia đình tôi ai cũng mang nặng đầu óc thủ cựu,nhất là ông bố,coi việc học của con ở trường công lập, mới làm cho ông nở mặt nở mày khi ăn nói trước người đối diện.Riêng tôi,việc đường hoàng vào học ngay lớp đệ thất A,dù đã chật cứng học sinh người Kinh, thế mà chẳng ai tị hiềm gì .Trong khi lớp đệ thất B với hai phần ba học sinh là con em người dân tộc,một phần ba còn lại là hoc trò người Kinh, nhưng còn thừa vài chỗ trống, tại sao tôi lại được ưu tiên ngồi vào lớp A ? Sở dĩ mọi việc xảy ra êm đẹp là nhờ có thầy hiệu trưởng đích thân đánh xe công vụ đưa tôi tới tận lớp. Giao thẳng cho thầy phụ trách nên thay vì bị tiếng bấc tiếng chì, tôi lại được nhiều người vị nể.Có điều, sau này khi phát hiện ra hai cô chị em ruột người Ba Na xinh đẹp, ngồi ở lớp B khiến tôi cứ phải tiếc hùi hụi vì đã chọn nhầm lớp.Về sau, bạn bè thấy tôi quan tâm nhiều tới hai cô con gái kia, bèn kể rõ lai lịch về họ. À ! Thì ra hai cô gái xinh đẹp không thua gì minh tinh màn bạc kia lại là con gái của ông Phó Giám Đốc Ty Tiểu Học.Ông này ngưởi dân tộc.Tướng cao to và bảnh trai.Mẹ là người nước Pháp.Nghe đâu đã mất trong một cơn bạo bệnh.Nhờ mang dòng máu lai nên hai cô có khuôn mặt xinh đẹp không khác chi người nước ngoài.Từ mái tóc uốn quăn đến quần áo trang phục, cách đi đứng giao tiếp đều thể hiện lối sống hiện đại .Đến ngay các cô gái người Kinh có nhan sắc, nếu muốn so sánh cùng họ e chưa bì kịp. Vậy mà tôi đã có dịp làm quen với cả hai cô gái cùng lúc, trong buổi chiếu phim hàng tháng, dành cho những gia đình khá giả hoặc chí ít cũng có thân thế tại một câu lạc bộ. Không ngờ, qua sự tình cờ quen biết này đã mau chóng thúc đẩy quan hệ bạn bè giữa chúng tôi, ngày thêm khắn khít. Nếu như vào một kỳ nghỉ hè, tôi không bị gia đình đột ngột gọi trở về nhà rồi ở luôn dưới đó.Có lẽ cho đến bây giờ tôi không dễ dàng quên đi hình ảnh hai cô bạn gái xinh đẹp núi rừng Tây nguyên này.

Nhưng cuộc đời dẩu có ra sao .Pleiku trong tuổi thơ tôi vẫn là PHỐ NÚI TRỜI GẦN.Là sớm mai mù sương co ro áo ấm .Là gió núi đại ngàn hát ru theo nhịp điệu cồng chiên bên ánh lửa bập bùng.Là con đường rợp bóng thông xanh, đi về hai buổi đến trường .Là bạn bè Kinh - Thượng chuyền tay nhau quyển lưu bút với giòng chữ nắn nót ghi đậm tình người.Có lẽ nhờ vào thứ tình cảm thiêng liêng đó nên tôi luôn hướng tới phố núi. Hoài niệm về ngôi nhà thờ xưa rất xưa nằm trên khu đất cao. Về ngôi trường trung học công lập đặc biệt chỉ với hai lớp đệ thất A,B . Về rạp chiếu bóng lấm lem đất đỏ. Về một cái hồ được gọi là biển nằm ở ngoại vi thành phố ,Về sự tỉnh lặng qua một vài con đường thân quen để khi bước ra ngoài thế nào cũng bắt gặp nhau trên phố.

Và Sau hơn năm mươi năm trôi qua . Chiến tranh chấm dứt. Hoà bình được lập lại. Tôi luôn tự hỏi Pleiku bây giờ có còn mướt xanh bên những đồi thông ?Có còn mù sương sớm mai chùn xuống phố núi trời gần ? Có còn những cô em nhan sắc mặn mà đi tung tẩy trong mùa lễ hội ?Thực ra hỏi chỉ hỏi vậy thôi. Hiện tại tôi còn nhiều việc phải làm, bởi qủy thời gian dành cho đời người còn rất ít. Biết vậy, song trong tôi cứ luôn ôm ấp một nỗi buồn. Mong muốn có được ngày trở về bên phố núi. Đi thăm lại căn nhà cũ,mái trường xưa, cùng bao bạn bè thân quen nay còn hay mất ?

Cuối cùng .Phải đấu tranh lắm tôi mới chiến thắng được bản thân để có được ngày trở về bên phố núi. Pleiku ! Pleiku đây ư ? Pleiku đang ở ngay trước mắt tôi với dáng đứng mạnh mẽ từ một phố núi trẻ trung đến không ngờ. Sự thay da đổi thịt được nhìn thấy rõ nét qua từng khu phố bán buôn nhộn nhịp,sầm uất. Qua từng con đường mở rộng thệnh thang với đôi hàng cây thẳng tắp, nối tiếp công viên xanh lá thân thiện môi trường. Điều gì đã làm cho bộ mặt phố núi thay đổi nhanh chóng một cách thần kỳ, đến nổi tôi không tài nào nhận ra một Pleiku ngày xưa trong chốc lát ?

Thật vậy ! Về lại Pleiku sau hơn năm mươi năm để thấy mình giống " anh khách lạ đi lên đi xuống " của nhà thơ VHĐ ngày nào, quả thật không ngoa.Bởi qua từng ấy thời gian kể ra cũng đủ dài nếu so sánh với bao sự đổi thay đời người. Chỉ tiếc một điều, căn nhà và ngôi trường đầy kỷ niệm một thời trong tôi,tìm kiếm mãi hoài vẫn không thấy.Hỏi thăm, ai cũng lắc đầu nói " mình là cư dân mới đến sống ở thành phố này chừng mươi năm " .Buồn.Tôi đi loanh quanh qua các con phố cho tới lúc chân cẳng mỏi nhừ. Đành phải chịu thua để kịp ghé lại quán nước thưa người.Tôi nhớ ai đó nói " đến Pleiku không thưởng thức chút cà phê phố núi, đâu gọi là đã tới ". Tôi gọi cho mình ly cà phê đen nóng hổi. Ra sức tận hưởng thứ hương vị thơm tho qua đầu lưỡi. Nhớ lại bát phở vĩa hè, ăn bên cái lạnh cuối ngày ngon ơi là ngon, trên con đường đi học về. Bất chợt, tôi nhận ra con đường trước mặt có chút gì quen biết. Tôi quay sang hỏi thăm nơi người đàn ông lớn tuổi đang ngồi trầm tư bên tách trà uống dỡ. Về ngôi giáo đường rêu phong trên đồi thông thơ mộng. Về cái thư viện nho nhỏ đứng lẽ loi giữa hai con đường giao nhau tạo nên một mũi tàu. Về cái sân vận động bốn bề trống hoát, nơi mỗi buổi chiều về, tôi và đám bạn bè cùng nhau ghé lại đá bóng cho đến tối mịt. Về ngôi trường trung học chỉ với hai lớp đệ thất, nằm dọc theo con đường quốc lộ hướng lên thảo nguyên Kontum. Nghe qua, người đàn ông gục gặc chiếc đầu trắng tóc, tỏ ra dễ dãi, nói cho tôi biết cái thư viện kia đã bị dẹp bỏ từ lâu để mở rộng thành con đường giao thông.Còn ngôi giáo đường đẹp đẽ đến vậy, không hiểu tại sao người ta cho đập bỏ đi, để xây dựng thành khu nhà thờ mới, với những mái vòm bằng tộn màu xanh nõn trông đến loè loẹt. Riêng cái sân vận động vẫn nằm trên nền cũ, nhưng đã được vây kín bởi mấy dãy khán đài cùng với tường rào cao vượt tầm mắt. Cuối cùng, ngôi trường trung học nằm giữa khu đồi dã quỳ vàng rực,nay cũng đã được dời ra xa thành phố, thay vào đó là khu dân cư mới.

Ôi ! Pleiku . Ôi ! Phố núi trời gần . Mọi sự thay đổi trong hiện tại đã giúp tôi hiểu ra một Pleiku xưa . Nay chỉ còn là hình ảnh thuộc về quá khứ để mà hoài niệm. Dù biết vậy, nhưng sao trong tôi vẫn luôn thấy thân thiện, gần gũi hơn đối với một phố núi hoang sơ hơn là hiện đại.

Điều này nói ra có thể sẽ có ai đó cho rằng tôi cực đoan. Nhưng không sao.Vì mỗi con người đều có quyền yêu Pleiku,yêu phố núi theo cách riêng của mình.

(* ) Thơ VHĐ




VVM.01.8.2023-NVA.41110.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .