Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


VỀ QUÊ



V ừa đặt chân xuống bến xe Quảng Ngãi, tôi ngỡ ngàng ngơ ngác nhìn xung quanh. Lạ mắt quá, tôi bước lửng thửng vừa đi vừa ngắm phố quê mình mặc mấy anh xe ôm gọi mời đon đả. Đi trên con đường dài rộng thênh thang, thẳng tắp chưa có hàng cây xanh tỏa bóng, gió lồng lộng giữa nắng trưa của một ngày đã sang thu hất tung ngược mái tóc lòa xòa của tôi, bồng bềnh êm ái nhịp nhàng theo nhịp thở của quê.

Chân vừa hơi mỏi, chợt tôi nghe có tiếng xe máy rà tới: “Anh ơi! Về đâu em chở cho, giá hữu nghị thôi”. Tôi quay lại nhìn và: “Ủa, đứa nào đây quen quen”. Chú xe ôm nhìn tôi cười thân thiện: “Có phải anh Toàn con bác Mười đây không? Lâu quá không gặp”. Tôi gật đầu xác nhận, cố moi trí nhớ và hỏi: “Còn em là đứa nào? Xin lỗi anh chẳng nhớ ra?”. Chú xe ôm nhanh nhảu trả lời: “Em là thằng Nghĩa con ông ba Huẩn ở xã trên anh đó mà, đã mấy lần anh đến chơi đàn hát suốt đêm bộ không nhớ hả”. Chừng đó tôi mới nhớ: “Hèn chi quen quá. Mà sao chú mày già dữ vậy? Giờ có còn là danh ca tửu trong đoàn Sống Giang không?”. Nó cười cười: “Cũng lai rai, ở quê mình chạy kiếm cơm khổ lắm anh, em không già sao được, có đâu như anh. Thời gian dường làm ngơ với anh thì phải, chỉ mái tóc bạc hơn thôi chứ vẫn đẹp như ngày nào. Thôi tranh thủ lên xe em chở về anh”.

Xe tiến dần về hướng biển, hai bên đường cây cối xanh tươi, thỉnh thoảng đôi chiếc lá vàng trên cao rơi chậm chạp như những chiếc thuyền con lơ lửng giữa không trung, chao lượn tới lui rồi mới chịu cập bến dưới lòng đường giữa trời trưa lộng gió. Đây đó mọc lên những nhà cao cổng kín, có đoạn xưa lèo bèo giờ thành những dãy phố khang trang, bán buôn tấp nập làm tôi có cảm giác về với quê như mới đến lần đầu.

Đến nhà, tôi nhét vào túi Nghĩa tiền xe hơi hậu hĩnh một chút, nó cám ơn rối rít rồi vội vã quay xe nổ máy phóng vèo vèo. Bước đến trước ngõ nhìn lên, thấy Má tôi tay chống gậy đang ngồi ngoài hiên nắng, người chẳng biết đứa con trai cưng yêu đang đến trước mặt mình.

Ôi! Má tôi! Một người mẹ chịu khó chịu thương suốt đời lam lũ, chăm chút cho bầy con nên vóc nên người. Giờ còn chi trong tấm thân già nua, gầy gò yếu ớt, chân tay khẵng khiu gối mỏi lưng còng. Còn gì đây trong buổi chiều tà của dòng đời lặng lẽ, dần trôi đến lời phán xét cuối cùng nghiệt ngã của thời gian. Còn gì đây khi một bầy con gái con trai, lớn lên mỗi người bươn mỗi ngã, riêng tôi phiêu bạt phương trời lâu lắm mới về thăm?

Người ngồi đó! Rõ mồn một giữa trưa thu mà tôi ngỡ như khói chiều sương sớm, chẳng biết sẽ tan biến vào hư vô trong một phút giây nào. Bước đến bên Người, đặt tay lên đôi bờ vai xương xẩu, tôi gọi “Má!” nghẹn ngào trong tiếng nấc, mặc cho những giọt nước mắt mừng vui thương cảm nhỏ xuống lăn dài. Má ngước nhìn lên, qua phút chốc dường cảm nhận được tình mẫu tử, Người mới gọi tên tôi nghe ngọt ngào mà xa vắng như tận cõi chiêm bao: “Toàn đó hả con!”. Rồi đưa tay quờ quạng, run rẩy tìm tay tôi kéo xuống, sờ mái đầu xanh giờ đã bạc trắng như sương vẫn để dài vuốt ngược của con trai mình: “Ồ! Nó đây mà! Tổ cha mày! Sao lâu quá mới về thăm Ba Má vậy con. Ông ơi! Thằng Toàn nó về đây này!”. Ba tôi đang làm gì không biết, đưa hai tay lau lau vào vạt áo: “Ủa con! Mày về sao không báo trước cho em nó đi đón! Cái thằng thiệt là… Đã bao năm rồi, muốn dành sự bất ngờ cho Ba Má hở con!”. Buông tay Má, tôi bước đến ôm Ba cười trong nước mắt và dạ một tiếng, rồi Ba xách hành lý vô, tôi dìu Má vào nhà.

Thằng Út đã xây nhà mới, trông khá bề thế khang trang. Để Ba Má ngồi uống nước ăn trái cây, tôi đứng lên đi tới đi lui ngắm nhìn đủ thứ, rồi bước ra ngoài như tìm lại chút gì xưa cũ ở nơi đây, trên khuôn viên mà ngày nao tôi đã cùng Ba Má tạo dựng và nghe lòng dâng lên những nỗi buồn vui lẫn lộn.

Trở lại bàn nước, tôi hỏi Ba Má sao trưa rồi mà chẳng thấy đứa nào về hết vậy. Ba bảo rằng thằng út Tịnh đi ăn giỗ ở xóm dưới, còn vợ con nó thì dẫn về ngoại ăn tiệc cuối tuần. Thế là tôi xắn tay áo, vào bếp hâm lại thức ăn thím nó đã chuẩn bị sẵn cho Ba Má. Dọn lên ngồi vào bàn ăn một bữa cùng Cha Mẹ sau bao năm xa cách mà thấy lòng lâng lâng ấm cúng lạ thường. Dọn rửa xong tôi vào phòng Ba Má thấy đồ dơ chưa giặt, tôi tìm thêm cả những khăn lau, trùm đầu, quấn cổ bỏ hết vô thau đem vào nhà tắm giặt hì hục hơn một tiếng đồng hồ, rồi tắm rửa, xong bê ra ngoài vừa hát vừa phơi, vui vẻ như cái thời thơ trẻ mà áo quần chỉ có Má giặt cho thôi. Thấy trời còn nắng ấm, nhìn người Má không được sạch, tôi liền đun nước mang vào nhà tắm hòa vừa ấm ấm rồi tắm cho Người. Những giọt nước mắt xót xa thương cảm lại một lần nữa trào ra rơi xuống tấm thân gầy còm của Mẹ già giờ chỉ còn da bọc lấy xương. Thấy Má ngồi yên lặng mãi, mắt hướng về phía trước nhưng chẳng nhìn một cái chi chi, tôi cúi xuống lau mặt cho Người và hỏi: “Má ơi! Má có nhìn thấy con trai của Má không?”. Má nở nụ cười héo hắt: “Ờ, thấy chớ! Má có thấy”. Ba tôi nãy giờ đứng bên yên lặng phụ tôi kì cọ cho Má giờ mới lên tiếng: “Đã mấy năm rồi con à! Mắt Má mày giờ lòa nặng lắm. Bả nói vậy chứ chẳng thấy gì đâu, thức ăn trước mặt còn chẳng biết là món gì nữa là…”. Tự dưng tôi thấy mình tệ quá, Cha già mẹ yếu còn sống được bao lâu mà mình thì vẫn mãi bước ly hương.

Đang ngồi bấm móng chân cho Má trong phòng, bỗng bên ngoài có tiếng cười nói ồn ào, lắng tai tôi nghe thằng út Tịnh cám ơn ai đó ngoài cửa rồi bước vào nhà giọng lè nhè: “Ba đâu rồi! Vậy mà mấy thằng chả nói anh Toàn về, làm mất cả hứng”. Bỗng nghe giọng ba tôi quát: “Người nồng nặc à, vô tắm rửa đi cho tỉnh táo, anh mày nó về từ trưa, giặt giũ tắm rửa cho Má mày, giờ còn đang chăm sóc bả đâu trong phòng hế”. Nghe vậy nó ớ ớ: “Ảnh tắm rửa giặt giũ cho Má ư? Sao không ở nhà mà chăm sóc Mẹ Cha cho tỏ ra hiếu thảo, chứ như tui cái thân còn chưa sạch, thời gian đâu mà chăm sóc cho Cha Mẹ bây giờ”. Có vẻ khó chịu ông già quát: “Cái thằng này!”. Nó đốp lại: “Cái thằng này sao! Cái thằng này thì cái gì cũng sai, với anh Toàn thì cái gì cũng đúng!”. Ông già lại quát: “Cái thằng kia! Mày có im đi không!”. Nó lại nói: “Chớ không đúng sao? Lâu lâu ảnh gửi về dăm ba triệu thì bảo ảnh biết lo, còn tui quần quật như trâu hết ngày này sang ngày nọ thì không ai biết đến. Làm được mùa thì tiêu thụ khó khăn, dân buôn ép giá, thu lợi chẳng bao nhiêu, mất mùa thì lỗ vốn lỗ công, có khi buồn thúi ruột mà ai thấy cho nào”. Ông già hạ giọng: “Sao lại không ai thấy, con cái đứa nào ra sao tao biết hết. Chớ có nhiều lời, say rồi nói nhảm không, đi tắm đi”. Nó lằm bằm câu gì nghe không rõ, tự nhiên chẳng hiểu vì đâu, tôi thét lên một tiếng “Út” thật lớn rồi bước ra ngoài. Nhìn cái bộ dạng to lớn như hộ pháp của nó, luýnh quýnh “Dạ có em” một tiếng rõ to, rồi ngơ ngác ngớ ngẩn nhìn xung quanh như mới từ trên trời rơi xuống mà khó nén được cười. Tôi bước tới ngồi xuống ghế salon, châm điếu thuốc rồi nhả khói phì phèo mặc cho nó đứng im thin thít. Hồi lâu nó mới mở miệng: “Anh về thật sao chẳng báo với em”. Tôi mở mắt nghiêm khắc nhìn nó: “Báo với em làm sao mày nhậu, ăn giỗ chạp chi mà giờ này mới về”. Nó lí nhí như ngậm mỡ trong miệng: “Dạ, tại tụi nó ép em”. Tôi quát: “Đứa nào ép! Nếu quyết tâm về thì chẳng thằng nào ép được. Khi tiệc tàn, thấy khách đứng dậy thì mình cũng lo mà đứng dậy, cứ ngồi trùm mễ xể đai rồi bảo người ta ép. Thôi! Vào cởi đồ ra anh tắm cho, hôi quá đi mất”.

Nghe tới đó nó mừng quýnh: “Dạ, tự em tắm được, em tỉnh rồi, xin lỗi anh em đi tắm đây”. Tôi theo vào nhà tắm xem nó tỉnh thật hay không rồi mới bước ra ngoài thì cũng vừa lúc mấy chị em gái ở các xã lân cận kéo về thăm tôi. Ba tôi kể chuyện thằng út Tịnh cho chị em nghe, rồi nói với tôi: “Chỉ bị một trận đòn của mày thôi, mà mấy mươi năm rồi nó vẫn còn sợ khiếp vía khi nghe thét gọi tên Út kể cũng hiếm có chớ hể”. Tôi cười im lặng. Không bao lâu sau thì vợ con nó về, thế là Ba Má, anh chị em chúng tôi cùng các cháu quây quần bên mâm cơm chan chứa tình yêu thương dưới mái ấm gia đình, vừa ăn vừa ôn lại chuyện xưa.

Mãi gần khuya khi tôi bước ra ngoài ban công hóng gió nhìn trời, thằng út mới khép nép đến bên tôi. Không quay đầu lại, mắt vẫn nhìn về vùng ánh sáng hừng hừng xa xa ngoài cửa Đại, tôi hỏi cộc lốc: “Có gì không”. Nó ấp úng: “Dạ thưa anh, hồi chiều do quá chén em đã lỡ lời khi nói về anh, cho em xin lỗi”. Im lặng một lúc tôi mới nói: “Lỗi gì? Em có lỗi đâu mà xin. Em nói đúng, anh là đứa con không tròn đạo hiếu. Việc chăm sóc mẹ già của anh không sai với lẽ thường nhưng có lỗi với em. Anh mới là người xin lỗi út à. Anh biết, em đã khổ nhiều với gia đình và bây giờ cả anh cả em đều rất khác xưa”.

Chẳng hiểu vì còn rượu trong người hay vì xúc động, nó òa khóc vô tư như một đứa trẻ làm vợ nó lo lắng chạy lên xem thử sự tình. Tôi quay người lại, tựa vào ban công dang tay ôm nó. Nó quỳ xuống dúi đầu vào ngực tôi thút thít cả một hồi lâu. Đưa tay xoa đầu em, tôi thấy mình thương nó quá. Nó không còn phục phịch phúng phính như xưa với hàng ria mỏng mảnh như trai tơ mới lớn, da dẻ hồng tươi như con gái đang thì. Thời gian và lao khổ nhọc nhằn của người dân cày cuốc, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở xứ sở đầy bão lũ thiên tai đã cướp đi những gì của nó. Để giờ đây! Trước mặt tôi là thằng út Tịnh với làn da rám nắng, tay chân sần sùi chai sạn nổi đầy gân, cùng hai hố mắt hơi trũng sâu như chứa nhiều tâm sự, với vành môi khô khốc sẫm màu cong xuống nỗi lo âu. Đang thút thít chợt nó ngước lên nhìn tôi: “Anh đã từng nói với em là tri túc tiện túc và khen em là người biết đủ. Vậy mà bây giờ… huhu!” Tôi vuốt ve dỗ dành rồi ôm ghì lấy nó và nói: “Thôi nín đi! Anh hiểu Út của anh mà. Xuống nghỉ đi mai còn cùng anh thăm nội ngoại nữa”. Nó dạ một tiếng, đứng lên ôm lấy tôi siết mạnh, lắc lắc mấy cái, bảo tôi cũng nghỉ đi, rồi lửng thửng về phòng…

Ngoại và nội của tôi ở cách nhau trên vài chục cây số, mà đến viếng mộ thắp hương ở nghĩa trang nào tôi cũng thấy ngỡ ngàng nặng trĩu những suy tư. Những phần mộ ông bà gia tộc tôi ngày xưa đâu đến nỗi, mà bây giờ chìm nghỉm bên những ngôi mộ đây đó như đua nhau mọc lên, nguy nga lộng lẫy như những lâu đài nho nhỏ, rực rỡ phô trương bên những cánh đồng. Ôi! Sao chẳng bao năm mà quê hương có quá nhiều thay đổi…

Đi suốt một ngày trường, mệt bở hơi tai vẫn chưa thăm hết bà con nội ngoại. Tối vừa về đến nhà, thấy nào bà con lối xóm, nào anh chị em trong gia tộc, nào bạn bè thân thiết, chật trong chật ngoài chào mừng thăm hỏi làm tôi bối rối chẳng biết làm sao. Thấy thằng Út rửa mặt mũi xong bước lên, tôi gọi lại bảo nhỏ: “Đi lấy cho anh ít bia bọt và mồi mỡ, ở nhà anh sẽ nhờ mấy đứa dàn mâm, lẹ lên nghen!”. Nó dạ rồi đi ngay. Ở nhà chuẩn bị xong thì nó cũng vừa về nói là anh Thái không chịu lấy tiền bê thui, bảo là năm giờ chiều mai em chở anh lên trả nợ. Tôi cười và rất lấy làm cảm kích khi lâu ngày về quê, bà con láng giềng bằng hữu gần xa còn lắm kẻ nghĩ tới mình. Bữa tiệc rôm rả sam tụ ngoài dự kiến, nồng ấm tình thân, tình máu mủ ruột rà. Dẫu thấm mệt tôi vẫn ngồi gắng gượng, nhận lấy tất cả những gì mọi người gửi gấm ở nơi đây. Đúng là tình làng nghĩa xóm ngàn đời vẫn vậy, chẳng biết tương lai sau bao năm thuộc thành phố, khu phố lũy tre làng có còn giữ được những gì đáng quý như hôm nay…

Sáng hôm sau, đang ngồi vẻ cá mút xương cho Má ăn sáng, ngoài trời lác đác mưa thu thì mấy ông bạn nối khố rủ đi tắm biển, đồ ăn thức uống mấy ông thần chuẩn bị cả rồi dù dưới ấy nào nhà hàng, nào bán dạo có bao la. Vừa mới qua đầu cầu Trà Khúc thân thương, nhìn núi Ấn ảo mờ trong mưa bụi, tôi bảo hãy lên đồi thăm chơi rồi đi tắm biển sau. Thế là cả đoàn xe máy ngoằn nghèo tiến dần lên đỉnh núi. Vào chùa thắp hương lạy Phật xong, cả bọn kéo ra mộ cụ Huỳnh Thúc Kháng đã được trùng tu. Tôi bước đến thắp nén hương cho cụ và cuộc rượu cũng được bày ra trên thảm cỏ xanh vàng. Ngồi uống rượu nghe gió hát trên cành dương, giữa đỉnh đồi quê hương, lòng không khỏi chợt nhớ tới một bóng hình đầy kỷ niệm của ba mươi mấy năm về trước giờ đã quá xa xôi.

Dường hơi buồn, tôi đứng lên ngắm nhìn cả thành phố Quảng Ngãi từ trên xuống dưới như nhòa trong sương sớm bên dòng sông Trà thơ mộng êm trôi, đưa cả mắt tôi xuôi dần về phía biển. Ở trên cao, thấy biển thật gần và đẹp hơn nhiều khi tôi đã đến nơi.

Bao năm rồi được về tắm nô đùa trên biển quê hương, lòng tràn ngập một niềm vui trẻ dại, khiến tôi ngụp lặn, vẫy vùng bơi đủ kiểu rồi nằm ngửa trên mặt nước nhìn trời xanh phớt nhẹ mảng mây đen, không có lấy một cánh hải âu điểm dáng bức tranh chiều…

Về đến nhà tắm rửa xong thì thằng út cũng đi làm về. Hai anh em cùng tranh thủ lên nhà Thái vì đã trễ hẹn. Đến nơi thấy Thái đã bày biện chén ly bia bọt, bên bàn đã có bảy tám người ngồi chờ đợi sẵn. Hai đứa ôm nhau mừng hội ngộ, trao chút quà thành phố cho vợ Thái xong, tôi ngồi vào bàn trả nợ cho Thái đến gần khuya trong tình thân thắm thiết, mặn nồng mãi chẳng muốn chia tay.

Hôm sau, đang lau chùi lư hương bàn thờ, ảnh của cụ cố, cụ nội đang dang dở thì thi sĩ Viễn Chinh, phó thủ lĩnh trường phái yên lặng của chúng tôi đến thăm. Qua đôi lời thăm hỏi, anh ấy nói rằng sẽ tổ chức một buổi họp mặt vào chiều thứ bảy tới để mừng đón tôi trở về. Vừa lúc đó vợ tôi gọi điện bảo rằng một mình em xoay không nổi, tôi phải vô gấp. Tôi bảo rằng hãy cho anh thêm một ngày thứ bảy nữa, vợ tôi chẳng nói gì, chỉ biết dạ một tiếng nhỏ mà thôi.

Chiều thứ bảy đã đến, sau lời giới thiệu của thi sĩ Viễn Chinh, tôi lần lượt bắt tay từng người. Những người có mặt hôm đó thể hiện rất sôi nổi nhiệt tình, kẻ hát người ngâm, người đọc thơ tặng tôi liên tục. Tôi chân thành đón nhận tất cả mà sao vẫn thấy thiếu. Nó thiếu cái nhuệ khí một thời, cái không gian huyền diệu, cái rạo rực thi ca, cái háo hức trình làng của trường phái im lặng mà giờ đây không còn im lặng nữa. Mà thôi! Giờ tìm đâu ra bầu không khí của buổi ấy xa xưa, dù các thành viên đều có mặt nơi này và điều kiện vật chất đủ đầy hơn gấp bội. Tiệc tàn, tôi ra về dưới bóng trăng lạnh lẽo của đêm thu, giữa xóm làng im vắng, nghe trong lòng chan chứa những yêu thương, những cảm giác ngọt ngào ấm áp khi được sống giữa quê hương sau bao ngày xa cách, dù khu phố lũy tre làng đã đổi sắc thay da, không còn tre trúc nữa, những kỷ niệm xưa chỉ còn trong ký ức mà thôi…

Sáng ra tôi dậy thật sớm, vệ sinh xong tranh thủ giặt đồ lần nữa cho Ba Má và cả mình cho kịp trưa khô. Trưa anh chị em cùng các cháu về đông đủ để tiễn đưa tôi. Dùng bữa cơm gia đình trong không khí ấm cúng, tôi thấy lòng lưu luyến bùi ngùi như chẳng muốn ra đi. Thằng Út đã đặt vé trước chuyến xe ba giờ chiều, sợ trễ giờ nên hối thúc tôi tranh thủ. Tôi ôm Má, bịn rịn hôn lên trán Người và đứng dậy ôm Ba rồi chào tạm biệt tất cả mọi người.

Đến nơi thằng Út cầm tay tôi nói: “Cho em gửi lời thăm chị và các cháu. Anh nhớ giữ gìn sức khỏe, lâu lâu hãy về thăm Ba Má và thăm em nghen!”. Tôi ôm vai em và nói rằng anh sẽ cố gắng và mong nó hãy bằng lòng với cuộc sống hôm nay. Nó rơm rớm nước mắt nói rằng em không còn như xưa được nữa nhưng em biết chấp nhận những gì đến với mình. Chỉ tội cho Ba Má, gần đất xa trời cứ mãi nhắc đến anh.

Xe đã khởi hành ra khỏi bến, nó còn trông theo đứng vẫy vẫy tay làm tôi cay cay trên khóe mắt nhưng không thêm một lần chào tạm biệt em trai. Xe đi từ thành phố Quảng Ngãi đến Sa Huỳnh, tôi mãi nhìn hai bên đường như muốn ghi nhận tất cả hình bóng của quê hương trước khi trở về với cuộc sống bon chen, cơm áo gạo tiền nơi phồn hoa đô hội.

Về khuya, khi hành khách đã ngủ yên, tôi chợt nhớ lại hình ảnh của thằng Út lúc chia tay cùng những lời của nó khi say rượu mà nghe lòng xang xốn những suy tư.

Rồi đây! Mãi sống kiếp tha hương, liệu mình có tròn câu đạo hiếu và định cư ở thành phố có phải là một sai lầm khi mình luôn nghĩ đến quê hương.

Nghĩ tới nghĩ lui, điều làm tôi ray rức nhất là những gì mình làm được cho Ba Má còn quá ít và cảm thấy mình như có lỗi với số phận của em trai.

Sài Gòn cuối thu 2014.

 
 

VVM.31.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .