Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


MẠC ĐĂNG DUNG

     GIỚI THIỆU TÁC GIẢ

     Nhà văn Lưu Văn Khuê - hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng - đã có hơn 40 năm cầm bút sáng tác văn học, chủ yếu viết truyện cho thiếu nhi, với những cuốn truyện vừa Hành tinh màu da cam (NXB Kim Đồng - 1991) - tác phẩm đoạt Giải thưởng của Trung ương Đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, Có một mùa bóng đá (NXB Kim Đồng - 1990) mới đây được Hãng phim Giải Phóng dựng thành phim U14 đội bóng trong mơ . Đầu mùa thu năm nay, Lưu Văn Khuê có liền 2 tiểu thuyết mới được NXB Hải Phòng cho ra mắt bạn đọc. Tiểu thuyết Một thời vệ quốc viết về những năm tháng của đất nước trong thời kì "ngàn cân treo sợi tóc", từ sau Cách mạng tháng Tám đến ngày nổ ra “Sự kiện Hải Phòng”, ngày đánh dầu cho thành phố Cảng mở đầu ở Miền Bắc bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp.
     Tiểu thuyết lịch sử Mạc Đăng Dung viết về thân thế và sự nghiệp một danh tướng đã lập lên vương triều Mạc cùng những thăng trần của đất nước ta trong thế kỉ XVI. Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết về đời Mạc.

     Phong Diệp


  PHẦN THỨ NHẤT

Thời Thế Tạo Anh Hùng


1


Nhà Lê, từ khi Thái Tổ Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn đánh đuổi được giặc Minh, lên ngôi Hoàng đế ngày rằm tháng Tư năm Mậu Tuất (1428), trải qua các đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông, Hiến Tông (*), đến triều vua kế vị (1504), đã được 76 năm.


Vua Hiến Tông mất không quá đột ngột:


Đêm ấy, như lệ thường, Phụng nghi Thái giám Nguyễn Khắc Hài đưa Bạch Yến vào hầu vua. Vừa thấy người cung nữ, nhà vua đã ưng ý. Nàng không những đẹp mà còn khoẻ mạnh. Nhà vua vốn không câu nệ sang hèn cho lắm, cốt sao cung tần mỹ nữ phải đẹp và khoẻ mạnh, nhất là biết cách làm cho vua vui thú. Đã liễu yếu đào tơ mà lại e thẹn, nhà vua không thích. Chỉ Khắc Hài mới đáp ứng được sở thích của vua, tìm được cho vua những người vừa ý, mỗi đêm một người, nên từ một quan hoạn hạ đẳng y đã nhanh chóng trở thành Nội thị thứ đẳng rất được tin cậy. Nhà vua vừa đi Lam Kinh dâng hương các tiên đế ở Thái Miếu về, phải trai giới mấy chục ngày nay nên trong người vô cùng bứt rứt, lúc này chén “xuân dược tửu” nhà vua uống trong lúc chờ Khắc Hài và Bạch Yến lại đã ngấm nên không đợi viên hoạn quan đi khỏi, nhà vua đã ôm ngay lấy người đẹp dẫn vào long sàng.

Nguyễn Khắc Hài ra ngoài sảnh chờ, bao giờ cũng vậy, để gà gáy thì đón cung nữ về, phần nữa để phòng xa ngộ hai bà phi được vua rất yêu là Mai Quý phi và Bùi Quý phi đến thì tìm cách ngăn cản. Cuối canh tư bỗng thấy Bạch Yến kêu thất thanh, Khắc Hài vội đẩy cửa chạy vào thì thấy nàng đang ôm chặt nhà vua trên người. Bạch Yến mặt mày nhớn nhác, hoảng sợ; nhà vua thì bất động, mồ hôi vã ra như tắm, da bợt như sáp, mồm há mà không thể nói được vì lưỡi rụt lại! Khắc Hài vừa hô hoán gọi người vừa bảo cung nữ vẫn cứ phải ôm chặt lấy nhà vua. Bạch Yến thừa biết, không cầm viên hoạn quan phải dặn, nhà vua chỉ cần rời khỏi người nàng là không còn cách nào cứu nổi. Tận lúc mọi người vào, xúm đông xúm đỏ bên long sàng, nàng và nhà vua vẫn cứ phải trong tư thế ấy, mãi khi Ngự y Nguyễn Đại Khải tới xoa thuốc, bấm huyệt, châm cứu và gỡ nhà vua ra, cả hai mới thoát khỏi cảnh bất tiện. Cho đến lúc này Bạch Yến mới cảm thấy xấu hổ, toàn thân đỏ nhừ, lúng túng mãi mới mặc xong áo xống. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi vẫn cứ lớn hơn sự xấu hổ. Nàng khóc lóc, thanh minh rằng thấy nhà vua ham quá, sợ hại đến long thể, lần nào nàng cũng can ngăn nhưng chẳng lần nào nhà vua chịu nghe nên mới đến nông nỗi.

Nghe tin, một số phi tần kéo đến.

Mai Quý phi chỉ mặt Bạch Yến, nghiến răng nghiến lợi: “Con tiện nhân này, Thánh thượng có làm sao thì cả nhà mày không thoát khỏi hoạ tru di!”. Bùi Quý phi cũng mắng Bạch Yến xối xả. Bạch Yến sợ quá sụp lạy nhưng chưa kịp nói gì thì hai bà phi đã quay ngoắt, bực tức bước khỏi cung.

May sao Hiến Tông qua khỏi. Đó cũng là nhờ tài châm cứu của Nguyễn Đại Khải, tiếp thu từ cha mình là danh y Nguyễn Đại Năng đời nhà Hồ. Không dám tâu với nhà vua, Đại Khải chỉ dám nói với Hoàng thái hậu và các hoạn quan rằng nhà vua phải xa lánh đàn bà sáu tháng mới hòng khỏi hẳn. Kiêng được hơn tháng, thấy mình đã khoẻ nhà vua lại gọi Bạch Yến vào hầu. Tính nhà vua cả thèm chóng chán nên Bạch Yến thành ra một ngoại lệ. Nhà vua gắn bó với nàng gần hai tháng nữa, rồi từ đó lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, dẫu Bạch Yến yêu chiều hết mức hết cách, cũng chỉ biết gối đầu lên đùi nàng ngủ, không thiết tha gì chuyện nọ kia. Một hôm, không thấy Bạch Yến vào hầu, hỏi thì Khắc Hài loanh quanh, mãi sau mới nói thật rằng nàng đã trốn khỏi cung, có lẽ sợ nhà vua có mệnh hệ nào lại liên luỵ! Nghe xong, nhà vua rên một tiếng và thấy lạnh toát người. Ngự y Nguyễn Đại Khải bắt mạch và lắc đầu. Biết mình không qua khỏi, nhà vua truyền gọi mọi người để ban di chiếu rồi cầm tay Hoàng thái hậu và hai Quý phi, nước mắt ứa ra, cứ thế không nói nên lời, gần sáng thì băng hà, ở ngôi được 7 năm, thọ 44 tuổi.


Tự vương Lê Thuần (Túc Tông) lên ngôi, tôn vua cha là Hiến Tông, bà là Trường Lạc làm Thái hoàng thái hậu, mẹ là Nguyễn Quý phi mất từ lâu, được truy tôn là Trang Thuận Hoàng thái hậu, các bà Mai Quý phi, Bùi Quý phi đều được tôn làm Thái phi.

Theo lệ, quần thần nghị bàn, luận công lao Hiến Tông rằng tiên đế trí tuệ hơn người, tính tình nhân từ, ôn hoà, chăm chỉ luyện rèn nên cho dựng các điện Thượng Dung, Giám Trị, Đỗ Trị, Trường Sinh làm chỗ nghỉ ngơi, đọc sách và ăn chay; khi bàn đến chính sự, dù nghe điều hay điều dở lời nói lúc nào cũng dịu dàng, nét mặt vui tươi, không làm nghiêm trọng sự việc, quần thần có ai lầm lỗi cũng chỉ răn quở qua loa, không bao giờ dùng roi vọt hạ nhục.

Thái sử Quốc sử quán là Lê Hy tán thành như vậy và tâu cần phải ghi thêm vào quốc sử rằng Hiến Tông còn ra sức chăm lo cho dân nên đê điều vững chắc, ruộng vườn tươi tốt, nhà nhà thóc lúa đủ đầy, nhờ đó kho tàng lúc nào cũng sung túc, quân đội hùng mạnh, chỉ tiếc là nhà vua do ham mê nữ sắc quá độ nên sớm bạo bệnh và qua đời.

Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu, Mai Thái phi, Bùi Thái phi và một số đại thần có ý không bằng lòng về việc nói Hiến Tông ham mê nữ sắc nhưng cũng không thể phản bác vì đó sự thật mười mươi, chỉ yêu cầu sử quan viết cho đẹp rằng nhà vua do làm việc quá sức nên suy kiệt. Lê Hy vẫn khăng khăng rằng ông không thể viết như vậy vào sử sách được, ông chỉ biết viết đúng sự thật! Bùi Thái phi nổi giận đùng đùng, vụt đứng dậy bỏ về cung, nhưng giữa chừng bỗng quay lại, bực tức nói đến lạc giọng:

- Nội thị đâu, đem con Bạch Yến đến đây cho ta!

- Tâu Thái phi... – Nguyễn Khắc Hài ấp úng.

- Hừ, ta quên, con tiện nhân ấy trốn mất rồi! Đồ yêu ma yêu nữ, không thể nào thoát khỏi tay ta đâu.

Lê Hy thưa:

- Tâu Thái phi, Bạch Yến không có tội. Tiên đế rất yêu quí Bạch Yến, thần chỉ e nếu làm điều gì không phải sẽ động đến oai linh tiên đế.

Không ai bàn luận gì thêm. Bùi Thái phi giận run người, tức tối về cung. Bùi Thái phi vốn được Hiến Tông rất yêu. Yêu đến mức lấy vàng dát ở chiếc cột nơi bà đứng hầu để phân biệt bà với các cung tần khác. Bà sinh cho nhà vua Thông vương Dung.

Tan chầu, thấy Thái sử Lê Hy đi cùng và trò chuyện với Tu soạn Quốc sử quán Vũ Quỳnh, Thái giám Nguyễn Khắc Hài há mồm, chỉ vào và hỏi: “Răng với lưỡi cái nào chết trước?”. Tưởng Lê Hy và Vũ Quỳnh sẽ nói răng dù cứng nhưng sớm rụng nên chết trước, lưỡi tuy mềm nhưng chỉ chết khi toàn thân đã chết. Không ngờ Lê Hy lại đáp: “Cái đó cũng tùy, răng tuy sớm rụng song không làm người ta chết ngay, lưỡi tuy mềm nhưng khi cứng lại không nói được là người sắp lìa đời cho dù răng chưa rụng chiếc nào!”. Vũ Quỳnh tiếp lời: “Quan hoạn cũng là người nên chắc cũng thế thôi!”. Khắc Hài đỏ mặt không nói lại được câu nào.


Cái chết của vua Túc Tông mới thật đột ngột:

Vua Hiến Tông có sáu hoàng tử: An vương Tuân, con Mai Quý phi, là con trưởng, học rộng, khí lực hơn người nhưng tính khí nóng nảy và có phần khác người; hồi nhỏ An vương thích mặc áo con gái, có lần bị mẹ cấm đoán nên trái ý và đã dùng thuốc độc định giết mẹ vì vậy bị Hiến Tông ghét và phế bỏ thứ bậc. Uy vương Tuấn, con Nguyễn Chiêu phi, là thứ hai, thông minh sắc sảo nhưng lại là con người tì thiếp nên trước khi mất Hiến Tông ban chiếu truyền ngôi cho con thứ ba là Tự vương Thuần, con Nguyễn Quý phi.

Mặc dù vậy, Cao Thái phi, vợ vua Thánh Tông, vẫn muốn lập An vương Tuân. Lý bà này đưa ra là lâu nay Đông cung không hoàng tử nào được tới ở, chứng tỏ Hiến Tông còn chưa dứt khoát việc chọn Thái tử, chuyện ban chiếu trong lúc sức khoẻ nhà vua đã suy kiệt không thể coi là minh mẫn. Thực ra, ngoài cái lý đó, Cao Thái phi còn có những điều không thể nói trắng ra được. Ngày trước, Mai Quý phi vốn là người hầu của Cao Thái phi, được bà yêu quý như con rồi cho vào hầu Đông cung Thái tử, tức là vua Hiến Tông sau này, rồi sinh ra An vương Tuân. Nhưng cái sâu sắc của đàn bà không thể qua được các vị đại thần, họ lấy gậy ông đập lưng ông, viện chính việc trước đây không lập Đông cung Thái tử, chứng tỏ Hiến Tông không muốn An vương kế vị, để sau này lập Tự vương. Cao Thái phi đành chịu.

Tự vương Thuần ngay từ nhỏ đã ham đọc sách, nhiều khi hỏi vua cha những điều nhà vua rất tâm đắc, đã vậy tính tình lại khoan hoà, tác phong thư thái, ai cũng mến.

Sau lễ đăng quang, Túc Tông nói với hai anh và các em:

- Mong hai anh hiểu cho, em đâu muốn thế này nhưng vua cha đã truyền chỉ, em không dám trái lời. Âu cũng vì non sông xã tắc mà thôi. Em còn ít tuổi, học hành chưa nhiều, nay lại lên ngôi vội vã, có gì mong hai anh chỉ bảo và các em hết lòng giúp đỡ.

An vương Tuân khẽ nhếch mép cười. Uy vương Tuấn lạnh lùng gật đầu. Ninh vương Trị, Ân vương Mỹ, Thông vương Dung thản nhiên như những người ngoài cuộc. Túc Tông thong thả bước tới ngai vàng và ban lệnh thiết triều, đặt niên hiệu là Thái Trinh.

Ngay sau buổi thiết triều, quan Thái sử Lê Hy tới phủ An vương. Xét về gia tộc Lê Hy còn là bậc cha chú của anh em An vương, lại trực tính nên ông không cần loanh quanh, bảo thẳng: “Ngôi vua đáng lẽ thuộc về ngài nhưng chính ngài đã để mất bởi lúc bé bất hiếu, tính tình lại nóng nảy! Lúc vua Thái Trinh đăng quang, tôi thấy ngài lộ rõ vẻ bất bình. Bất bình thì ngài làm được gì? Điều đó và cái tính nóng nảy chỉ có hại cho ngài nên ngài cần phải thay đổi nếu như muốn được yên ổn”. An vương ngẫm nghĩ thấy có lý, từ đó hết lòng chăm sóc mẹ để chuộc lỗi, tính nết cũng dần dần thay đổi, đặc biệt, nghĩ mình là con trưởng dễ bị hiềm nghi nên tìm mọi cách giấu mình, thường lấy câu cá, đánh cờ làm vui.


Mấy tháng sau, việc cúng giỗ đã ổn, vua sai Nguyễn Bảo Khuê làm chánh sứ mang biểu cầu phong sang nhà Minh, đem theo vật phẩm gồm 800 tấm đoạn vân rồng do nữ tì trong cung dệt, 70 bộ bát đĩa Bát Tràng, 1000 cân các đồ kim khí, 5000 chiếc quạt lụa làng Trúc, trân châu: 50 hạt lớn bằng hạt táo, 25 hạt lớn bằng hạt mận, 10 hạt lớn bằng hạt mít, 5 hạt lớn bằng quả cà. Đã vào mùa đông nhưng trời chỉ dịu mát chứ chưa chưa lạnh vì vậy người ngựa sung sức, đi không biết mệt, chẳng mấy chốc đã tới vùng biên ải. Lúc này trời chưa tối nên vẫn có thể đi tiếp nhưng để sang nước người cho thật chững chạc, đàng hoàng, đoàn sứ thần quyết định lưu lại đình trạm nghỉ ngơi lấy sức.

Hôm sau Bảo Khuê khăn áo chỉnh tề giục mọi người lên đường từ rất sớm, đi được chừng nửa dặm thì nghe thấy phía sau có tiếng vó ngựa dồn dập và tiếng người kỵ sĩ: “Sứ thần hãy dừng lại!”. Bảo Khuê quay nhìn, chẳng rõ người mà cũng chẳng rõ ngựa, chỉ thấy trên đường bụi mù một đám và ngọn cờ lông công oằn oại bay trên đám bụi. Bảo Khuê và đoàn đi sứ dừng lại.

Người nọ đến nơi. Hoá ra Đô lực sĩ Lê Kỳ. Hai bên chưa kịp chào hỏi thì con ngựa của Lê Kỳ bỗng khuỵu hai chân trước kéo theo người lăn xuống đất. Con ngựa dãy dãy vài cái rồi bất động, mép sùi bọt trắng, đứt ruột chết. Bảo Khuê bỗng nổi gai khắp người, Lê Kỳ là Đô lực sĩ hầu cận của nhà vua, đi gấp như thế này chắc triều đình có chuyện chẳng lành! Lê Kỳ bị ngựa đè lên chân, mọi người phải xúm vào, mãi mới gỡ ra nổi. Y tay chỉ ra sau lưng mình, nơi có cuộn vải lụa màu vàng, vừa thở vừa nói:

- Nhà vua mất rồi!

- Sao? - Bảo Khuê lạc cả giọng - Hoàng thượng băng rồi sao?

Nguyễn Bảo Khuê và đoàn tháp tùng gỡ cuộn vải trên lưng viên Đô lực sĩ. Trong cuộn vải có hai tờ biểu, biểu thứ nhất báo tang với nhà Minh về việc Đại Việt trong vòng sáu tháng, mất liền hai vua; biểu thứ hai xin nhà Minh phong cho vua kế vị là Uy vương Lê Tuấn.

Bảo Khuê thở dài nói với Lê Kỳ:

- Việc đã thế này, cũng không có gì phải vội. Ông cũng đã mệt, ta vào căn nhà dưới chân núi kia nghỉ, ăn miếng trầu uống bát nước. Tôi muốn nghe đầu đuôi sự việc.

- Tôi cũng gần kiệt sức rồi! Việc này phải người khác có khi đã không xong. Ông xem, con ngựa mệt đến đứt hơi mà chết! Cờ quạt cũng tơi tả cả ra! Suốt đêm qua tôi đã vượt không biết bao nhiêu cung đường để cố đuổi kịp ông!

- May mà chiều qua tôi chưa qua ải ngay. Không hiểu linh tính thế nào tự nhiên bụng lại bảo dạ nên nghỉ ngơi để lúc qua ải thần sắc được sáng sủa mà giữ lấy thể diện quốc gia.

- Ông nhớ cho, mai này về kinh tâu với nhà vua, phải lưu ý đến công sức tôi đấy.

- Nghĩ thương cho tiên đế lên ngôi mới được nửa năm, lại không có con kế vị nên phải truyền ngôi lại cho anh mình. Nhưng mà...

- Sao?

- ... à không, không có gì! – Bảo Khuê kịp nhớ ra Lê Kỳ vốn là gia nhân phủ Uy vương Tuấn.

Họ vào ngôi nhà dưới chân núi. Ngôi nhà lúp xúp, tối tăm nên lúc mới vào không nhìn rõ vật gì ra vật gì. Một con vật không hiểu từ đâu bỗng vụt qua mặt đám khách rồi tót lên xà nhà khèng khẹc kêu làm ai cũng giật mình. Mãi mới nhìn ra là con khỉ. Lê Kỳ văng một câu chửi tục. Chủ nhà thấy người của triều đình thì cuống cả lên. Nhà lại chặt chội, có mỗi cái chõng tre dành cho khách nên Bảo Khuê và Lê Kỳ ngồi chõng còn những người khác, vạ vật ngoài hiên, đầu hồi, bậu cửa. Viên sứ thần hỏi nước chè tươi, gã Đô lực sĩ đòi rượu. Y bảo nơi đây có thứ rượu cất từ nước lấy trên Mẫu Sơn ngon tuyệt. Chủ nhà nói lúc này không thể có nổi thứ rượu ấy, ngay thứ khác cũng khó kiếm vì vùng này nhà cửa thưa thớt, hiện trong nhà chỉ sẵn có rượu hoẵng. Lê Kỳ bĩu môi chê rượu hoẵng đã đục lại nhạt và chua, nhưng méo mó có hơn không, chẳng có rượu nào khác, đành rượu ấy vậy.


Con khỉ nhìn Lê Kỳ ngửa cổ dốc bát rượu vào họng, rít lên kheng khéc rồi gãi tay gãi chân rối rít.
Bảo Khuê băn khoăn nghĩ, tiên đế mới 17 tuổi, chưa có con để truyền ngôi đã đành nhưng sao lại chỉ định Uy vương? Nếu muốn Uy vương trị vì thì ngày trước Hiến Tông đã chọn Uy vương rồi.

Sau tợp rượu, Lê Kỳ khà khà khoái trá, bảo:

- Ông biết không? Đoán chuyện kế vị sẽ rắc rối nên khi chỉ định Uy vương, tiên đế phải nói: “Con trưởng của Hiến Tông là An vương lâu nay tuy đã thay đổi tính nết nhưng có ý xa lánh triều chính, vì thế không nên kế lập. Các con khác là Trị, Mỹ, Dung đều tuổi còn trẻ khó cáng đáng nổi việc nước. Chỉ có con thứ hai của Hiến Tông là Uy vương Tuấn, tức Huyên năm nay 17 tuổi, là người hiền minh nhân hiếu, có thể nối ngôi đại thống. Nếu thân vương nào tiếm ngôi trời thì người trong nước giết đi!”.

Bảo Khuê chợt lạnh toát người. May mà lúc nãy ông kịp bỏ dở câu nói, nếu không có khi đã nguy. Ông thấy lo khi ngôi báu vào tay Uy vương. Bảo Uy vương hiền minh nhân hiếu chỉ là nói cho đẹp. Bảo Khuê nhớ có một lần cùng đi săn với Uy vương, chỉ vì con chó để sổng mất con thỏ mà Uy vương tức khí đánh con chó đến chết! Bảo Khuê nhớ mãi khi bắt gặp cái nhìn của con chó lúc ấy, nó như van nài, như ân hận với chủ rằng đã để con thỏ chạy thoát. Bảo Khuê quay mặt đi không dám nhìn con chó trong khi Uy vương vừa dánh vừa chửi vừa trừng mắt khiến con chó chịu chết mà không dám kêu lấy một tiếng!


Vua Thánh Tông có 14 hoàng tử và 20 công chúa. Huy Gia hoàng hậu Nguyễn Thị Hằng sinh ra Hiến Tông. Sau khi Thánh Tông mất, bà tới điện Trường Lạc để ở nên gọi là Trường Lạc Hoàng thái hậu. Hiến Tông mất, Túc Tông tôn bà làm Thái hoàng thái hậu. Túc Tông mất, Nguyễn Kính phi và nội thần là Nguyễn Như Vĩ muốn theo chiếu chỉ lập Uy vương Tuấn lên ngôi. Trường Lạc Thái hoàng thái hậu và các đại thần là Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật mấy chục người lại muốn lập Lã Côi vương vì cho rằng mẹ đẻ của Uy vương vốn con nhà hèn hạ.

Chuyện Chiêu phi, mẹ của Uy vương Tuấn triều đình ai cũng biết. Hồi năm Hồng Đức đời vua Thánh Tông, ở làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc có thiếu nữ tên là Nguyễn Thị Cận, mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo nên phải tự bán mình cho một người ở phủ Phụng Thiên chốn kinh thành. Sau vì nhà người ấy có tội bị xử chết nên Nguyễn Thị Cận bị sung làm nô tì nhà nước, do đó được đưa vào hầu Quản Ninh hoàng hậu. Khi ấy Hiến Tông còn làm Thái tử, thấy nàng có sắc đẹp bèn lấy làm phi, sau này lên ngôi phong là Chiêu Nhân nên thường gọi là Chiêu phi. Sau Chiêu phi sinh ra Lê Tuấn. Hồi ấy Hiến Tông đang sức thanh niên nên rất khoẻ và hay đòi hỏi. Quan nội thị Nguyễn Khắc Hài vốn là người bà con với Bảo Khuê có lần xa xôi nói với Bảo Khuê rằng cung nữ vào hầu Hiến Tông sáng ra ai cũng rũ như tàu lá héo, có người Khắc Hài phải đỡ mới đi nổi! Cho nên chẳng lấy làm lạ khi Chiêu phi vừa mới hồi sức sau khi sinh nở Hiến Tông đã đòi vào hầu nên đến nỗi lâm bệnh rồi mất. Lê Tuấn được giao cho Kính phi nuôi. Tính khí Uy vương Tuấn thất thường một phần cũng vì vậy. Tình cảnh Uy vương kể cũng đáng thương nhưng để làm vua thì sao Trường Lạc Thái hoàng Thái hậu không khỏi băn khoăn. Khi sắp mất Hiến Tông nắm tay mẹ, khóc mà không nói, chắc đã linh cảm điều gì đó và muốn gửi gắm niềm tin vào bà.

- Ông biết không? - Lê Kỳ chợt đấm đánh rình xuống chõng làm mấy bát rượu nghiêng đổ cả, con khỉ đang trên xà nhà giật mình tí rơi xuống đất, nó vừa bám lấy xà nhà, đu đưa vừa rít lên khèng khẹc vẻ tức tối. Sau một tợp rượu, Lê Kỳ nói tiếp: - Trên đời này cứ phải mưu mẹo! Ông biết đấy, hồi Trường Lạc còn gọi là Huy Gia, mặc dù là người vợ được Thánh Tông yêu quý nhất, nhưng mấy lần nhà vua định phong làm Hoàng hậu mà không dám vì họ Nguyễn ở Tống Sơn của bà ấy thế lực rất mạnh, sợ các tần thiếp vì thế mà ngại bà ta, không ai dám gần vua; lại sợ họ hàng bà ấy cậy quyền thế mà lộng hành nên lại thôi. Chính vì vậy, khi thấy Trường Lạc muốn lập Lã Côi vương, Kính phi và nội thần Nguyễn Nhữ Vi phải vờ theo lệnh, nói dối để lừa cho bà ta ra đón Lã Côi vương. Bà ta đi rồi, Nhữ Vi mới đóng cửa thành lại, mời các công khanh đại thần tới, giơ di chúc của Túc Tông ra cho tất cả xem và lập Uy vương lên ngôi. Trường Lạc về thấy chuyện đã rồi bực lắm nhưng không làm sai được! Cho nên lên ngôi rồi, nhà vua giết hết đám Đàm Văn Lễ, Nguyễn Quang Bật mấy chục tên cho hả giận và ngăn ngừa hậu hoạ. Lã Côi vương với cả bà Trường Lạc cũng không giữ nổi mạng! Có khó gì đâu, bảo kẻ hầu người hạ bằng cách nào cho bà ta ngủ một giấc không bao giờ dậy là xong. Đáng đời mưu đàn bà, đã chẳng được lại chuốc vạ vào thân!


Nguyễn Bảo Khuê không còn tin vào tai mình nên hỏi lại. Lê Kỳ nói lớn:

- Nhà vua giết cả Thái hoàng Thái hậu, ông nghe rõ chưa?

- Giết cả bà nội mình! - Bảo Khuê nhắc lại như trong mê sảng. Ngay cả đám hạ dân tầm thường cũng không kẻ nào làm thế nữa là một đấng quân vương! Hoạ chăng chỉ loài cầm thú. Bảo Khuê nghĩ vậy.

Lê Kỳ rũ áo vươn vai, vặn mình đứng dậy, xương cốt kêu lục cục:

- Rượu quả là thuốc thánh, có mấy bát thôi mà hết cả mệt... Cái bà Trường Lạc cũng có tốt đẹp gì đâu! Ông Vũ Quỳnh, Tu soạn ở Quốc sử viện có lần phàn nàn với tôi: Vua Thánh Tông vì nhiều phi tần quá nên mắc bệnh nặng. Huy Gia hoàng hậu ngày trước được vua yêu chiều nhưng về sau không được nhòm ngó đến nên sinh ra oán giận. Tới khi Thánh Tông ốm nặng mới được đến hầu bệnh, không hiểu bà ta có bôi độc dược gì vào tay không mà sờ vào chỗ lở trên người vua lại làm cho lở loét thêm vì vậy bệnh càng trầm trọng. Ông Quỳnh hỏi tôi có nên viết chuyện ấy vào sử hay không. Thái sử Lê Hy nói có thế nào viết thế ấy, đấy là việc của người chép sử. Tôi bảo cứ viết cho thiên hạ biết bà Trường Lạc là người như thế nào! Vua Thánh Tông là vị thánh sống, chuyện lắm cung tần cũng không thể làm đời sau nhìn nhà vua khác đi, vả lại đấy cũng là chuyện để răn đời nói chung... Thôi, hết rượu, tôi với ông chia tay, tôi còn phải đến đình trạm kiếm ngựa cưỡi về đây!

Rượu hết, chè cũng đã nhạt, chuyện càng không thể tiếp tục nên mỗi người một ngả. Trong lúc Bảo Khuê đầy vẻ đăm chiêu thì Lê Kỳ vui vẻ, hào hứng ra mặt. Con khỉ từ trong nhà bỗng lao theo Lê Kỳ, nhảy chồm chồm trên mặt đất, rít lên: “Giết cả bà nội! Giết cả bà nội!”. Tất cả đều nghe thấy và cùng kinh ngạc. Chủ nhà sụp xuống chân Bảo Khuê vái như vái giời:

- Xin đại quan tha tội chết! Con khỉ nhà con chưa bao giờ thế! Sao nó lại nói được tiếng người, con cũng không hiểu!

Chủ nhà chưa dứt câu đã thấy con khỉ thoăn thoắt trèo lên cây cao, kêu đúng năm tiếng lảnh lót như vượn hót rồi lao đầu xuống đám đá tai mèo dưới đất, chết phọt óc. Chủ nhà kinh hãi đến nỗi cứ há hốc mồm mà nhìn, chẳng nói được câu nào. Viên sứ thần và đoàn tháp tùng cũng sững như trời trồng một lúc lâu. Nguyễn Bảo Khuê bỗng sực nhớ ra điều gì, nói với viên phó sứ:

- Tôi nhớ nhà vua hình như tuổi thân.

- Ông hỏi vua mới hay vua cũ? Nếu vua mới thì đúng thế. Sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân, tôi biết rõ vì... Chuyện dài lắm, lúc nào tôi sẽ kể.

Bảo Khuê không để ý lắm đến câu của viên phó sứ, ông đang mải nghĩ. Nhà vua sinh ngày 5 tháng 5, tuổi thân, con khỉ lại kêu 5 tiếng rồi tự hành mình mà chết. Điềm gì đây?

Lúc con khỉ ở Lạng Nguyên gieo mình xuống đất cũng là lúc ở kinh đô vua Uy Mục đang ngủ bỗng hét lên một tiếng và bừng tỉnh. Cung nữ nằm bên bị tiếng hét làm giật mình choàng mở mắt, ngơ ngác:

- Bệ hạ làm sao vậy?

- Ta vừa mơ... Ta mơ thấy ta bị giết! Ngươi định giết ta có phải không?

- Bệ hạ chỉ đùa thiếp, làm thiếp sợ! Hôm qua bệ hạ đã nói một câu làm thiếp hết hồn!

- Ta nói gì? à, ta kể cho ngươi nghe chuyện Hiếu Vũ đế đời Tấn bên Bắc quốc chỉ vì một câu nói đùa mà chết, phải không?


Nhà vua kể: Tối ấy Tấn Hiếu Vũ đế uống quá nhiều rượu, vì say nên nhà vua nói đùa Trương Quý nhân rằng: “ Khanh thế mà cũng đã gần 30 tuổi rồi. Cung phi ở tuổi khanh đáng lẽ đã bị phế bỏ! Ta có hàng nghìn phi tần, thiếu gì người trẻ đẹp, ta sẽ đi tìm người khác.”. Nói xong nhà vua lăn ra ngủ. Trương Quý nhân nghe, thấy mủi lòng và lo sợ, càng nghĩ càng bực và giận Hiếu Vũ đế, trong chốc lát bỗng trở nên độc ác bèn vẫy mấy cung nữ đến, bọn này vốn tức vì Hiếu Vũ không ngó ngàng gì đến chúng, bèn dùng chăn gối cùng nhau đè Hiếu Vũ đế đến ngạt thở mà chết.

Uy Mục bảo:

- Ta mơ đúng như chuyện của Hiếu Vũ đế và người giết ta là nàng. May mà ta tỉnh ngủ không có thì thật chả biết chừng!

Người cung nữ run lên vì sợ. Cùng lúc đó, mấy hoạn quan vào cung, Phụng Nghi Thái giám Nguyễn Khắc Hài thưa:

- Tâu Hoàng thượng, đã tới giờ thiết triều, các quan đại thần đã đến đủ, đang chờ ở điện Thị Triều.

- Ra nói với họ hôm nay ta mệt nên cho bãi triều... Nghe ta dặn này: Ta không như cha ta, từ rày trở đi đưa cung nữ đến đây ngươi không được để ai mặc xống áo, họ có rét thì cuốn họ trong chăn đem đến. Bên Bắc quốc bao đời nay đều làm thế, đề phòng cung nữ thủ vũ khí mà hại nhà vua. Tất nhiên đàn bà bên ấy có khác bên ta, ai cũng có thể trở thành Lã hậu, Võ hậu với Trương Quý nhân. Nhưng cứ phải đề phòng, nghe chưa? Ta biết có nhiều kẻ mưu hại ta! Chính con yêu nữ này, lúc nãy ta mơ thấy nó giết ta! Tại sao ta mơ lại không mơ gì khác, không mơ ai? Chẳng phải vô cớ đâu. Đây là trời báo mộng cho ta phòng trước. Có khi nó là người của bà Trường Lạc chả biết chừng. Vì vậy hãy cho nó theo hầu bà ta để tránh hậu hoạ!

Đám hoạn quan lôi cung nữ khỏi giường, ngấu nghiến mặc váy áo cho rồi lôi ra ngoài trong tiếng kêu khóc thảm thiết, chưa đầy nửa giờ sau Khắc Hài đã dâng Uy Mục chiếc mâm trên đó là đầu người cung nữ!


2


Biển sầm tối. Gió chuyển mạnh, sóng hết đợt này đến đợt khác tới tấp đánh vào mạn thuyền, chiếc thuyền chẳng khác gì cái vỏ trấu trong bão táp. Ba anh em Mạc Đăng Dung phải bám chặt vào những vật cố định trên thuyền để khỏi bị sóng cuốn xuống biển; bám vào bất cứ thứ gì có thể được ngay bên cạnh mình, với sự gắng sức hết mức vì sóng gió quăng quật đã không cho phép họ lựa chọn. Đăng Dung bám vào trụ cần lái, Mạc Đốc, Mạc Quyết bám vào cọc chèo hai bên mạn. Họ đưa thuyền vào bờ bằng tất cả sức lực, kinh nghiệm và linh cảm chứ không còn biết đâu là phía biển, đâu là phía đất liền nữa. Lúc đầu còn nhận ra mấy chiếc thuyền đằng trước, bên cạnh, đằng sau, rồi tất cả bị xoá sạch, không hiểu chúng bị trộn lẫn với sóng gió và mưa mù trời hay đã chìm. Nước mưa nước biển quất vào mặt rát rạt. Xót không thể mở được mắt. Gào lên, thét lên cũng không còn nghe rõ tiếng của chính mình. Đăng Dung ghì cần lái bằng hai tay, bằng cả bụng, đôi chân bấm chặt xuống sàn, vậy mà mấy lần còn bị sóng hất nghiêng ngả, nếu không bám vào trụ có khi đã bị cuốn xuống biển. Đăng Dung không lo cho mình, chỉ lo cho hai em, chúng đã không dạn dày với biển mà còn yếu hơn chàng. Đăng Dung cố hét thật to vừa để nhắc hai em vừa để các em biết mình vẫn vững tay lái. Đáp lại chỉ tiếng gió gào và tiếng sóng gầm! Mặc dù không nhìn thấy gì cả, không nghe thấy gì cả, Đăng Dung vẫn tin rằng thuyền đang hướng về phía đất liền nên sống chết cũng giữ lái như hướng đã định, nếu không, thuyền sẽ lạc vào vùng tâm bão, gió sẽ giật cực mạnh, sẽ xoay con thuyền như quay một cái chong chóng và cuốn cả thuyền lẫn người xuống biển sâu hun hút; không thế thì thuyền cũng bị một con sóng lừng bất thần nào đó tung lên rồi bẻ gãy làm đôi dễ như người ta bẻ bánh đa. Phía trước, Mạc Đốc, Mạc Quyết cũng cố vững chèo dù hai cánh tay chỉ muốn rã ra. May sao bão đang theo hướng Tây, thẳng vào đất liền, chỉ có điều gió không đẩy thuyền về phía trước mà như muốn cuốn lấy thuyền, bốc nó lên, xoay tít và quăng đi. Thuyền đang như lên cơn co giật bỗng nhiên khựng lại, đột ngột đến mức cả ba anh em Mạc Đăng Dung đều chúi về phía trước, tưởng muốn văng ra khỏi thuyền. Cùng lúc đó một con sóng lớn chồm lên trùm lấy thuyền. Người nào người nấy tối tăm mặt mũi. Nhưng Đăng Dung hiểu rằng sóng đã đưa thuyền lên bãi cát, anh em họ đã được chính ngọn sóng dữ cứu thoát. Việc tiếp theo là đưa thuyền sâu vào trong bãi, nếu không nước lên và trời chuyển gió sẽ cuốn con thuyền trở lại biển. Đăng Dung nắm lấy dây chão lôi thuyền còn hai em đẩy sau. Xong xuôi, họ cột thuyền vào một gốc cây đã bị bão quật đổ nằm ngay bên cạnh thuyền. Bây giờ mới dám ngồi nghỉ.

Mưa vẫn vuốt mặt không kịp, ngoài khơi mù mịt, chỉ có sóng và gió.

- Bão khiếp thật! - Đăng Dung nói - Hai em có ai việc gì không? Anh bị cần lái đập vào vai nhưng may không sao cả.

- Em tưởng anh em mình phen này chầu hà bá! - Mạc Quyết bảo - Anh Dung giữa tay lái giỏi thật đấy. Sao anh biết hướng nào là bờ? Em thấy trời đất quay cuồng, đâu cũng chỉ biển và gió, chẳng biết đằng nào mà lần!

Đăng Dung đứng dậy bảo:

- Thôi, ba anh em mình thu cá rồi về kẻo ở nhà mong.

Họ thu lưới. Cá bị cuốn xuống biển mất khá nhiều, số còn lại bị sóng đánh vung vãi khắp nơi nên việc nhặt nhạnh gom vào thúng mất khá nhiều thời gian. Mưa vẫn không ngớt, gió rít như điên như cuồng, sóng chồm chồm tung bọt trắng ào lên bãi biển. Dọc đường về, anh em Mạc Đăng Dung gặp không biết bao nhiêu người trong làng đội gió đội mưa chạy ra phía biển trong tâm trạng vô cùng hoảng hốt, họ là những người có người thân đi biển chưa thấy trở về. Các cụ già trong vùng bảo từ bé đến giờ mới thấy trận bão mạnh đến vậy. Bằng chứng là tảng đá to như cót thóc ở bến Mục còn bị sóng đưa khỏi chỗ cũ, những hòn đá nhỏ hơn từ chỗ này bị đem đi chỗ khác thì không biết bao nhiêu mà kể. Đâu đâu cũng thấy nói đến thuyền đắm, dân chài bị sóng cuốn, nhà cửa bị đổ, người chết.

Thấy anh em Mạc Đăng Dung về thoát, cả nhà ai cũng mừng.

Trong lúc Mạc Đốc, Mạc Quyết mệt quá, sau khi cơm nước xong, ngủ ngay từ chập tối thì Mạc Đăng Dung đốt đuốc đi thăm hỏi các nhà có người thân đi biển. Gió lặng, bão yếu dần, đây đó chỉ còn tiếng khóc. Trời cũng dần trong trở lại, những vì sao hiện lên, lấp lánh trong đêm thẳm như trước đấy đất trời yên ả không bằng! Cái đẹp này tàn nhẫn làm sao! - Đăng Dung nghĩ trên dọc đường tới các nhà. Vùng này rộng, dân cư thưa thớt, các nhà cách nhau khá xa nên phải đến sáng Đăng Dung mới đi hết các nhà, cứ nhà nào còn thức và có tiếng khóc thì vào.

Dọc đường về, Đăng Dung tạt ra bãi biển xem chiếc thuyền của mình bị bão gió thế nào vì hôm qua còn chưa kịp xem xét kỹ. Đang lúc ấy có một cô gái từ mạn Tây đi tới, thấy Đăng Dung, cô ngượng ngập kéo hai bên khăn mỏ quạ che đôi má đang đỏ rậng lên, đồng thời ấp chiếc nón khoác ở tay vào ngực, đầu cúi nhưng mắt lại bẽn lẽn ngước nhìn Đăng Dung:

- Em chào anh! - Cô gái nhỏ nhẻ.

- Ô cô Toản! Cô đi đâu sớm thế?

- Hôm qua em thăm dì em bị ốm, bão gió không về được, thành thử... Anh cũng đi đâu sớm vậy?

- Hôm qua anh em tôi ở biển về, đưa tạm thuyền lên bãi, bây giờ ra xem thế nào.

- Thế có sao không anh?

- Cám ơn cô, may là không sao cả. Lâu nay tôi thất lễ không sang hầu chuyện thầy, thế thầy, cô và các em có khoẻ không?

- Thầy mẹ em vẫn khoẻ. Bao giờ anh sang Trà Phương qua nhà em chơi. Thầy mẹ em vẫn nhắc đến anh đấy.

- Được, nhất định sẽ tôi sang. Cho tôi gửi lời hỏi thăm thầy, cô!

Toản đi rồi, Đăng Dung bâng khuâng nhìn theo.

Họ biết nhau từ một hội hát đêm trung thu và cũng nhờ viên quan phủ mê hát. Quan vốn người bên Sơn Nam mới về đây nhậm chức, là cháu gọi Trạng nguyên Lương Thế Vinh bằng bác. Cũng như quan Trạng, ông họ Lương này mê hát chèo như điếu đổ, đi làm quan nơi đâu cũng không quên mang theo cuốn sách Hý phường phả lục của ông bác. Nhậm chức ở phủ này, thấy cảnh đẹp ông liền cho mở hội, chỉ sau có hai hội đến hội thứ ba chẳng phải mời phải gọi, còn chưa tối thuyền nọ thuyền kia đã nối đuôi nhau từ các nơi nườm nượp tới đầm cửa phủ. Từ Văn Lan, Lan Liễu xuôi sông Cửu Biều (sông Đa Độ), từ mạn Đông ngược sông He, sông Họng. Đầm vốn là khúc sông cũ của sông Đa Độ. Sông đổi dòng để lại đầm nước lớn, dân chúng lại khơi con kênh nhỏ cho thông với sông thành thử thuyền từ sông vào đầm và từ đầm ra sông đều dễ dàng. Đầm rộng mênh mông, từ bờ này nhìn sang bờ kia hút cả tầm mắt nên hôm hội thuyền nọ thuyền kia có nhiều mấy cũng không lo không có chỗ. Chỗ này đám thuyền làng Du Lễ, chỗ kia đám Tú Đôi, chỗ nọ thì Phương Đôi, Trà Phương... Thực ra người xem thì nhiều chứ người hát không mấy, vì mỗi làng chỉ được phép có một thuyền, mỗi thuyền năm người, năm nay năm người nữ thì năm sau năm người nam. Khác hẳn hằng ngày lam lũ, trai giờ đây áo the khăn xếp, gái áo mớ bảy mớ ba. Khi tiếng loa vang lên: “Loa! Loa! Loa!/ Đến giờ vào hội/ Làng trên xóm dưới/ Xin mời hát ca/ Loa! Loa! Loa!” thì các thuyền, cứ thuyền nam làng này lại ra hát với thuyền nữ làng kia. Hết đêm này qua đêm khác, từ mồng mười đến hai mươi tháng Tám, gần như trọn tiết trung thu. Đêm ấy đêm rằm, ánh trăng trải khắp khiến đầm nước vùng cửa phủ như được tráng một lớp bạc còn núi Chè núi Đối thì huyền ảo như cõi tiên.

Gọi núi Chè là theo cách gọi nôm na dân dã bởi tên chữ của núi là Trà Sơn. Nếu như những vườn chè của làng Trà Phương cho thứ chè có hương thơm đặc biệt thì chè trên núi Chè lại thêm vị đượm khác thường. Người các nơi đến hát hoặc nghe hát vì thế không ai là không la cà hàng quán với những bát nước chè vàng sánh như mật ong. Đêm đó thuyền nữ làng Trà Phương hát với thuyền nam Cổ Trai. Cả ba anh em Đăng Dung đều thích hát chèo hát đúm nhưng hát ở hội lớn như hội trung thu này chỉ Đăng Dung mới dám vì phải nhanh trí mới hòng đối lại được các cô gái làng bên. Đăng Dung trong bụng cũng lo vì nghe nói bên Trà Phương có cô Toản đã hát hay lại giỏi ứng biến. Đăng Dung nghĩ cách phải làm cho cô nàng hoảng đã rồi mới hát nên đẩy sào cho thuyền mình lao như tên về phía thuyền Trà Phương. Đúng lúc các cô gái Trà Phương dúm cả lại vì sợ hai thuyền đâm vào nhau vào nhau thì thuyền Cổ Trai dừng sững lại, chỉ còn cách thuyền Trà Phương chưa đầy hai gang tay!

Phải khéo mới làm được như thế bởi đà thuyền lao chả thể nào biết trước. Đăng Dung lớn tiếng: “Nghe đồn bên ấy có người/ Tên là Ngọc Toản vậy thời người đâu?” . Ghét cái kiểu đùa kinh người lúc nãy nhưng khi mời trầu, giọng cô Toản vẫn ngọt ngào: “Gặp đây ăn một miếng trầu/ Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng”. Đăng Dung đáp lại: “Không đi thì hội không đông/ Đi thì trầu vỏ cho lòng thêm mong”. Toản lại hát: “Nhớ mong xe sợi chỉ hồng/ Trói người quân tử vào trong khuôn giời/ Bao giờ quân tử có lời/ Thì em mới mở khuôn giời cho ra” . Đăng Dung không chịu thua: “Đêm nay rồi sáng mai ra/ Lọng vàng chẳng tiếc bằng ta tiếc mình/ Chỉ hồng em buộc thì đành/ Anh xin một phép ở trong khuôn giời!”. Cô Toản được thể: “Đã đi đến hội thì chơi/ Chẳng sợ ai cười chẳng sợ ai chê/ Nào, cho mãn hội thì về/ Mẹ mắng cũng mặc chồng chê cũng đành!” . Đăng Dung chưng hửng, cô ấy có chồng rồi sao?

Thấy Đăng Dung không đối lại được một người trong thuyền ra đỡ lời, phía thuyền bên kia Toản cũng lui vào khoang, nhường cho chị em khác. Đám bạn đấm lưng Toản thùm thụm, rúc rích cười: “Chết mày nhá! Trông người ta đang ngẩn ngơ ra kìa!”. “Kệ! Cho bõ ghét!” - Cô Toản nói.

Họ biết nhau từ đấy, ít lâu sau mấy anh em Đăng Dung sang bên Trà Phương xin thụ giáo một thầy đồ, không ngờ lại đúng nhà cô Toản. Toản hát bỡn vậy chứ đâu đã có chồng! Mà bây giờ lại cứ như một cô Toản khác với hôm hội: Không hề đáo để, mà chỉ thấy những nét chân chất của người hay lam hay làm nhưng lại đầy vẻ người quý phái, đôn hậu, nền nã.

... Chia tay Toản, về đến nhà, thấy nhà đang có khách. Đó là Nguyễn Bỉnh Đức, bạn học ngày trước, còn người kia thì chưa biết là ai.

- Anh Dung ạ, hôm qua bão gió, tôi lo cho mấy anh em nhà anh quá! - Bỉnh Đức nói, giọng hồ hởi. - Còn đây là anh Lê Bá Ly, nghe tôi nói về anh, anh ấy cứ muốn tôi đưa lại chỗ anh.

Bá Ly kinh ngạc nhìn Đăng Dung. Bá Ly hỏi giờ sinh tháng đẻ của Đăng Dung rồi cứ thế bấm đốt ngón tay tính toán trong sự ngạc nhiên, tò mò và chờ đợi của tất cả mọi người. Một lúc sau Bá Ly trầm trồ:

- Quý tướng! Quý tướng! Sinh giờ ngọ, ngày Nhâm Tý, tháng Đinh Dậu, năm Quý Mão, thật quý tướng! Phải nói đại quý tướng mới phải.

- Tý, ngọ, mão, dậu, tứ hành xung, còn hay ho gì nữa.- Mạc Đăng Dung cười, bảo.

- Nhưng đinh, nhâm, quý anh có cả! Mặt vuông, mắt tròn, vai ngang, tướng anh là tướng võ. Anh cởi áo quay lưng lại đây tôi xem nào.

Mạc Đăng Dung làm theo. Bá Ly xoa vai Đăng Dung, mặt bỗng biến sắc.

- Sao? - Đăng Dung và ông thân sinh Mạc Hịch cùng hỏi.

- Thưa cụ với các anh, lạ lắm. Anh Dung ạ, tướng anh là tướng chọc trời khuấy nước! Đôi vai này có thể gánh vác cả sơn hà!

Mạc Đăng Dung cười:

- Tôi đâu có nhẽ thế. Ra sao thì cũng tại giời định thôi. Chỉ biết thầy đồ Trà Phương thường dạy anh em chúng tôi rằng con người ta không nên yên phận; kẻ đại trượng phu hơn người là biết ứng biết biến. Nhưng mà thôi, anh em ta gặp nhau đây, được ăn với nhau miếng trầu, uống với nhau bát nước, chén rượu thế là vui rồi. Anh Bỉnh Đức ạ, tôi vừa gặp cô Toản ngoài bến. Lại nhớ thuở tôi với anh đèn sách theo thầy rồi vì nghèo khó tôi phải bỏ dở nghiệp văn, chữ nghĩa đâm ra lõm bõm.

Nguyễn Bỉnh Đức bảo:

- Văn hay võ đều căn bản như nhau. Anh Bá Ly đây dù theo nghiệp văn nhưng lại lấy văn làm võ, chí hướng học đòi Gia Cát Lượng. Còn như các quân vương đời Trần nước ta ngày trước lại lấy võ làm văn. Chẳng giấu gì các anh tôi cũng muốn lấy võ làm văn như tiền nhân thời Đông A. - Bỉnh Đức uống một hơi cạn chén rượu rồi cao giọng ngâm: “ Đoạt sóc Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan” . Chà! Thơ Chiêu Minh vương Trần Quang Khải sao mà hào sảng! Trước tiên mạn phép cụ rồi đến anh Bá Ly nhiều tuổi hơn cả trong anh em chúng ta, sau nữa đến anh Đăng Dung cùng em Đốc em Quyết, tôi mới làm được hai câu thơ, xin đọc cùng nghe: “Hàn giang ngư hấp nguyệt/ Cổ luỹ điểu minh sương”.

Nguyễn Bỉnh Đức cười ha hả, ngất ngư, có vẻ say. Lê Bá Ly bảo:

- Thơ hay lắm. “Sông lạnh cá đớp trăng, luỹ cổ chim kêu sương”. Qua thơ thấy cái chí của anh Bỉnh Đức cũng cao vời lắm. - Bá Ly quay sang Đăng Dung: - Tôi nghe anh Bỉnh Đức nói anh côn quyền, đao cung giỏi lắm. Tôi cũng có quen Vũ Hộ, anh ấy khen anh giỏi vật; nhưng cũng tiếc cho anh vì nhà nghèo nên vừa chân lấm tay bùn, vừa phải chuyển văn sang võ, đi đấu vật lấy giải để sinh sống, chứ anh dòng dõi nho gia họ Mạc đất Lũng Động, nếu cứ chuyên nghề cử nghiệp, nhất định không hổ danh con cháu Lưỡng quốc Trạng nguyên. Tôi thì nghĩ thế này: Đừng có quá trọng văn khinh võ. Chỉ có điều người côn quyền đao cung giỏi lắm cũng chỉ địch nổi trăm người, thông thạo binh thư mới địch nổi vạn người.

Mạc Đăng Dung bảo:

- Trời phú cho tôi sức khoẻ, côn quyền, đao cung, võ vật cũng gọi là tạm. Nhưng đúng như anh Bá Ly vừa nói, giỏi mấy thứ đó cũng chỉ là kẻ võ biền nên tôi hằng ngày vẫn đọc sách, hiềm là chưa có cuốn nào thật vừa ý và cũng sinh nhiều thắc mắc: Khổng Tử, Mạnh Tử dạy nhiều điều hay nhưng không phải đều đúng cả. Thuyết pháp trị của Quản Trọng, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương ưởng và nhất là Hàn Phi Tử rất hay nhưng không có vua chúa nào theo được bền bỉ. Vậy là do đâu?

Đăng Dung trầm ngâm rồi nói tiếp:

- Anh vừa nhắc đến Vũ Hộ làm tôi lại nhớ một lần gánh cá đi bán thì gặp một tay người to lớn đang thách vật ngay giữa chợ. Hắn treo giải năm tấm lụa và mười quan tiền nếu ai thắng hắn. Cũng dăm ba người cả gan nhưng chả ai chịu nổi một keo! Tôi tò mò vào xem rồi đã định mặc kệ vì vội vào chợ thì chính hắn ta túm tay giật lại, bảo tôi trông to xác thế kia, sao không đọ sức với hắn. Tôi không ham giải nhưng thấy hắn ngông nghênh thì tức, với lại cũng định thử sức xem sao nên nhận đấu. Hắn quả là ghê gớm, keo vật thực gay go. Tôi khoẻ hơn nhưng các miếng đánh hắn sành hơn. Mình vốn là dân quê, có được đi đâu mà học hỏi! Người xem mỗi lúc một đổ đến cơ man mà kể, tiếng hò reo vang trời, trống đành tức ngực. Rồi tôi nhận ra hắn xoay xở chậm nên quyết định không dùng sức mà vận dụng khéo léo. Nhưng cũng phải đến keo thứ năm hay thứ sáu gì đó mới hạ được hắn. Mọi người xúm đến mừng cho tôi. Tôi định đi thì hắn và người nữa kéo vào quán uống rượu. Hắn xưng tên là Đào Cứ, còn người kia hoá ra Vũ Hộ. Tôi với anh Vũ Hộ vốn biết nhau từ trước vì anh ấy người làng Cung Hiệp. Từ Cung Hiệp xuôi sông Cửu Biền tới làng tôi cũng chẳng bao xa. Vì lâu không gặp nhau nên lúc này tôi mới biết anh Vũ Hộ là người nhà của Giản Tu công. Anh ấy và Đào Cứ nói Giản Tu công đang noi theo Mạnh Thường Quân ngày xưa, chiêu mộ hiền tài, muốn tôi theo Giản Tu công. Tôi từ chối, bảo chỉ là dân thuyền chài, đâu dám bén mảng tới chốn lầu son gác tía. Thực ra, thấy Đào Cứ ăn nói trịch thượng, cử chỉ lỗ mãng, nhìn người bằng nửa con mắt nên tôi ngại. Đã vào nơi cửa quyền lại gặp người như thế tôi không muốn.

Lê Bá Ly vân vê chén rượu trong tay, vẻ đăm chiêu. Lâu nay ở kinh đô xì xầm chuyện Giản Tu công Lê Oánh chiêu mộ gia nô, bây giờ nghe Đăng Dung nói càng rõ. Chưa bước vào nhà Giản Tu công chưa biết hay dở thế nào, Bá Ly chỉ nhắc lại lời của chính Đăng Dung rằng con người ta không nên yên phận, thời thế tạo anh hùng. Xưa Lưu Bang nhà Hán xuất thân là anh Đình trưởng, Chu Nguyên Chương nhà Minh mồ côi cha mẹ, phải vào chùa xin làm chú tiểu để kiếm miếng ăn; nước ta thì tổ tiên nhà Trần cũng nối đời làm nghề đánh cá! Đăng Dung lại vốn dòng dõi nho gia và có quý tướng, không nên để lỡ cơ hội, bỏ phí tài năng mà giam chân mãi ở chốn quê mùa này, sắp tới triều đình mở khoa thi tiến sĩ võ, anh em Đăng Dung nên đi thi. Năm trước thi ở trấn phủ, nếu trúng cách, năm sau lên kinh đô thi Hội, thi Đình. Bỉnh Đức cũng khuyên thế và cho biết năm nay bốn vệ binh Cẩm Y, Thiên Vũ, Thiên Bồng, Vũ Lâm đều cử những kẻ rất mạnh ra ứng thí, quyết giành ngôi Đô lực sĩ.

Đăng Dung bảo hai em cùng tạ Bá Ly và Bỉnh Đức:

- Chúng tôi xin nghe theo hai anh, sau này nên người quyết không quên ơn lời khuyên bảo chí tình chí nghĩa của hai anh.

Nguyễn Bỉnh Đức hứa hai tháng nữa sẽ quay lại, đem đến cho anh em Đăng Dung mấy con ngựa tốt. Mấy cô em gái Đăng Dung thảy đều ít tuổi mà lại tinh nghịch, cứ đẩy người chị lớn là Ngọc Phong ra mặt sắp cơm, mời khách. Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà cái nhìn của Bá Ly lại bắt gặp ánh mắt của cô nàng khiến cô nàng như chạm phải lửa, thẹn quá, bỏ chạy vào nhà trong, đấm lưng các em thùm thụp rồi xấu hổ chúi đầu vào lòng mẹ, phụng phịu. ở gian giữa, những người đàn ông rượu vào râm ran cười nói.

Trên đường về, Nguyễn Bỉnh Đức hỏi Lê Bá Ly tại sao lúc coi tướng mạo cho Mạc Đăng Dung, Bá Ly lại bảo Đăng Dung cởi áo để xem lưng. Chưa thấy thầy bói thầy tướng nào lại đi xem lưng!

- Có đấy! Để xem nốt ruồi. Nghe bảo vai bên tả vua Lê Thái Tổ có bảy nốt ruồi. Vai Đăng Dung không thế nhưng cũng là đôi vai lạ, chưa thấy một ai như thế, vì xương vai liền thẳng. Đôi vai ấy có thể gánh vác cả giang sơn xã tắc! Họ không ai nói gì nữa, mỗi người đeo đuổi một ý nghĩ, cho tới bến đò thì chia tay.

♣♣♣

Thi văn chương cử tử đều đặn ba năm một khoa. Thi tiến sĩ võ không thế, chỉ tổ chức khi triều đình thấy cần tuyển Đô lực sĩ. Khoa tiến sĩ võ lần này cách lần trước những 9 năm. Chọn Đô lực sĩ cũng quy củ như chọn tiến sĩ văn khoa, chỉ khác lính tráng cũng được ứng thí. Năm trước, bốn trấn binh các xứ Hải Dương, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc và bốn vệ Thiên Vũ, Thiên Bồng, Vũ Lâm, Cẩm Y mỗi nơi chọn lấy mười người trong số lính ứng thí; gia nô các vương công mỗi nhà một người; thường dân dự sát hạch từ phủ huyện lên đến trấn rồi mỗi trấn chọn lấy năm người, riêng Thanh Hoa là đất căn bản của triều đình thì được mười người. Đầu tháng Ba năm sau, lúc tiết trời thuận tiện, bớt rét mà cũng chưa nóng, tất cả lên kinh đô thi thố. Cả thảy khoảng hơn trăm người. Nhà vua sẽ chọn những người mạnh nhất sung vào đạo Túc vệ ỳa Cấm binh, đủ bù cho số lính không còn đủ sức khoẻ bị thải ra, hoặc về các vệ, các đạo hoặc cho hồi hương, để bao giờ đạo Túc vệ cũng toàn lính tráng trẻ trung, khoẻ mạnh, đao cung võ bị đều giỏi. Trong số các lực sĩ trúng tuyển thì những người xuất sắc gọi là Đô lực sĩ xuất thân, ngang hàng như Đồng tiến sĩ xuất thân bên văn chương, trong đó đỗ đầu là Đô đầu Đại lực sĩ, ba người tiếp theo là Đại lực sĩ, cũng vinh hạnh như các vị Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp bên văn khoa.

Từ khi gặp Lê Bá Ly và Nguyễn Bỉnh Đức, anh em Mạc Đăng Dung quyết tâm luyện tập. Đăng Dung thuê thợ rèn tạo cho mình chiếc đao nặng hơn 42 cân (**), Mạc Đốc thanh kích, Mạc Quyết ngọn thương.

Hai tháng sau, một người bán ngựa xưng tên là Nguyễn Hậu dẫn theo năm con ngựa tới Cổ Trai. Sau tuần trà, người bán ngựa nói:

- Tôi đến đây theo lời anh Nguyễn Bỉnh Đức. Đáng lẽ anh ấy cùng đi nhưng đột xuất bận việc nên đi chỉ có mình tôi. Trại ngựa của chúng tôi dưới chân núi phía Đông Bắc dãy Tam Đảo, xứ Tam Đới. Sở dĩ chọn chỗ ấy làm trại là để ngựa quen với mưa gió, rét mướt và muông thú. Sáng thúc ngựa lên núi, đến chiều thì lùa xuống núi, nhờ vậy chúng leo dốc mà không bị mệt xuống dốc mà không bị ngã, lại quen với gai góc bụi rậm và muông thú. Ai tinh ra có thể thấy ngựa của trại tôi khác với nhiều giống ngựa khác.

- Anh em chúng tôi chỉ quen với sông nước, cá mú, về ngựa thú thật không biết.

- Ngựa này là ngựa ta lai với ngựa Mông Cổ. Trước đây, khi quân Nguyên vào nước ta, chúng đem theo rất nhiều ngựa vì kỵ binh là sở trường của chúng. Khi chúng thất trận, chiến mã bị ta bắt rất nhiều, một số thì chạy vào rừng trở thành ngựa hoang. Số ngựa hoang quanh Tam Đảo đến hàng mấy trăm con. Tôi mới thả đám ngựa cái của trại vào rừng để lai giống với đám ngựa ấy. Gọi là ngựa Mông Cổ chứ thực ra còn có cả ngựa Thổ Phồn, Đại Lý. Giống ngựa càng được lai hỗn tạp càng khoẻ. Năm con tôi dẫn theo đây đều là tuấn mã, các anh chọn lấy ba con, một con tôi sang Lê Xá bán cho ông Phạm Gia Mô, một con để tôi cưỡi về.

Mạc Đốc hỏi:

- Thầy đồ Trà Phương dạy chúng tôi câu của Trang Tử, đại ý: Người ta sống trong khoảng trời đất cũng giống như bóng bạch câu lướt qua cửa sổ, trong chốc lát mà thôi! Bóng bạch câu là bóng ngựa trắng phải không?

Nguyễn Hậu bảo:

- Đúng thế, nên trong chữ “câu” có chữ “mã”. Chính xác hơn thì bạch câu là ngựa non, bởi ngựa non cũng tính như trẻ con ham chạy, chẳng yên lúc nào, vụt cái chỗ này vụt cái chỗ khác nên mới được ví như thời gian qua mau. Người phương Bắc gọi ngựa là mã, thố, câu, đôi khi còn gọi là long. Người cưỡi ngựa theo hầu vua ngoài Phò mã còn có Ngự câu vương là bởi vậy. Căn cứ vào màu lông thì có xích là ngựa đỏ, như Quan Vân Trường đời Tam Quốc có con xích thố; ô và ly là đen, Hạng Vũ có con ô truy; bạch là trắng; tinh và hồng là ngựa hồng; nê là ngựa trắng khoang đen; thông là ngựa xanh, ta thường gọi là màu xám hay màu gio; phiêu là ngựa xanh chấm trắng toàn thân, nên Phiêu kỵ tướng quân là phải cưỡi ngựa phiêu; lạc là ngựa vằn, giống này rất hiếm nên chỉ dành cho người tước vương và vị ấy được gọi là Lạc mã thiên lý vương.

Người bán ngựa dẫn anh em Đăng Dung tới trước mấy con ngựa:

- Tôi có bán cho Cù Khắc Xương ở vệ Thiên Bồng con bạch xích long, con này dưới nắng lông ánh lên màu đỏ rực, riêng trán lại có vệt trắng. Khắc Xương giới thiệu Đàm Cử cũng ở vệ Thiên Bồng tới mua của tôi con ly câu đen bóng như than. Ngoài ra tôi còn bán cho Nguyễn Kính ở Sơn Tây con ô câu. Kỳ thi tiến sĩ võ lần này có thể ba anh được gặp Cù Khắc Xương và Đàm Cử. Nguyễn Kính cũng muốn đi thi lắm nhưng còn quá trẻ nên ông cụ thân sinh không cho đi, sợ do bồng bột, hiếu thắng mà kinh suất.

Người bán ngựa vỗ lưng, vuốt trán từng con ngựa:

- Con này là con nê thông vì lông nó màu gio, đã vậy lại đốm đen trắng. Lông như vậy rất hiếm, xưa vua Duệ Tông nhà Trần đi đánh Chiêm Thành cũng cưỡi một con nê thông. Con này là con ly đề, nó đặc sắc ở móng chân như móng chân thú, tính nó có phần hung dữ, khoẻ và chạy nhanh. Còn đây là con song vĩ xích, đuôi toẽ hai bên, xưa Lý Thường Kiệt đời Lý có một con song vĩ tinh. Con này là bạch mã. Giống bạch mã khó kiếm không chỉ vì đẹp do toàn thân trắng như tuyết mà bởi tính khí ôn hoà nhưng dạn dĩ, không sợ tiếng động, tiếng gào thét, tiếng voi rống, tiếng hí của ngựa khác, không sợ tiếng va chạm của binh khí, lại mến chủ và có nghĩa với chủ, không nhanh không dữ như con ly đề nhưng sức dẻo dai lại hơn hẳn. Vì vậy các hoàng đế Bắc quốc khi cần đều dùng bạch mã. Tuy nhiên đừng lầm với loại bạch mã đến cả móng chân cũng trắng, loại này cực hiếm, cực quý nhưng không dùng để cưỡi và càng không dùng làm chiến mã được vì thực ra nó bị bệnh bạch tạng, cũng như người bạch tạng nó cứ gặp nắng là quáng. Nhưng xương đem nấu cao thì cho loại cao quý, gọi là cao bạch mã. Còn con ô truy này thì đáng được gọi là ngựa ký ngựa kỳ, ngựa thiên lý, ngày chạy ngàn dặm không biết mệt. Xưa vua Nhân Tông nhà Trần từng ví Đỗ Khắc Chung như con ngựa kỳ ngựa ký trong đám toàn là ngựa kéo xe muối.

Đăng Dung trầm trồ:

- Thật anh em chúng tôi không biết chọn con nào vì nghe phân tích thấy con nào cũng hay!

- Ngựa hay còn bởi có hợp với chủ không, lại còn do khí số thời vận của chủ còn hay hết. Xưa Lưu Bị được người ta tặng con Đích lư, có người khuyên không nên dùng vì nó có tướng hại chủ nhưng chính con Đích lư ấy lại cứu Lưu Bị nhảy qua suối thoát chết. Còn như Xích thố là con ngựa hay, từng giúp Quan Công nhanh chóng giết được Nhan Lương, Văn Sú rồi qua năm cửa quan chém sáu tướng nhưng sau cũng không giúp được ngài thoát khỏi bị quân Ngô bắt sống.- Nguyễn Hậu ngẫm nghĩ rồi bảo - Theo tôi thì, anh Dung nên dùng con bạch mã, anh Đốc có vẻ hợp với con ly đề, anh Quyết con song vĩ xích. Tôi giữ con nê thông, còn sẽ bán cho anh Nguyễn Như Quế ở Đại Trà gần đây con ô truy.

- Chúng tôi có biết Nguyễn Như Quế. – Mạc Đốc nói – Còn như đặt tên cho chúng, tiện thể cũng xin nhờ tiên sinh giúp.

- Việc này không thể vội vàng được. Ngoài con Nê Thông của vua Duệ Tông nhà Trần, sử sách nước ta còn nhắc đến các con Phúc Thông, Cát Thông, An Tường Ký, Thần Lương Câu, Phúc Lưu, Cát Lưu, Thiên Mã, ba anh em nên dựa vào đó mà đặt tên sao cho con vật mang lại điều tốt lành cho người là được.

Ba anh em Đăng Dung cùng cảm tạ Nguyễn Hậu.

Sáng nào ba anh em Đăng Dung cũng dậy sớm, chạy từ nhà đến đền Mõ rồi từ đó chạy về. Đền Mõ có cây gạo hơn hai trăm tuổi thân to, ngọn cao ngất trời. Họ quăng dây lên cành cây gần nhất rồi bám leo lên chỉ bằng tay còn chân thì thả thõng, leo lên leo xuống hàng chục lần. Những ngày chài lưới trên biển đã luyện gân cốt họ. Về nhà, lúc này mới ăn lót dạ, nghỉ ngơi chút đỉnh rồi tập các môn côn, quyền, đao, kiếm, cung, nỏ. Tất cả đều thành thạo, chỉ có bắn cung là xem ra còn non, nhất là bắn trên lưng ngựa. Muốn đỗ Đô đầu Đại lực sĩ trong trận chung kết phải hơn hẳn đối thủ một môn, môn kia cũng chỉ được phép kém tí chút. Mạc Đăng Dung không giấu giếm khát vọng giành ngôi Đô đầu Đại lực sĩ .

Chẳng mấy chốc đã đến các kỳ thi ở trấn. Ba anh em Đăng Dung vượt qua thi Hạch và cả thi Hương không khó khăn gì. Chỉ có điều Mạc Đốc bị sái vai trong lần thi Hương, cái vai cứ thỉnh thoảng lại đau nên lo không lên kinh đô thi Hội được.

Trước ngày lên đường một tháng, ba anh em đi Đồ Sơn để cầu thần Điểm Tước đại vương phù hộ. Thần là thượng đẳng thần, thành hoàng của cả vùng, thiêng lắm, những người đi biển quanh vùng không năm nào không đến đền lễ thần.

Truyền thuyết kể rằng người Đồ Sơn từ lâu đã làm nghề đánh cá nên muốn lập ngôi đền để tế thần, cầu mong cho họ được xuôi chèo mát mái. Một ngư phủ cao niên đêm nọ mơ thấy thuỷ thần hiện lên bảo sáng sớm hôm sau hãy tới chân núi Tháp, sẽ thấy điều linh nghiệm. Ông lão làm y như vậy thì thấy một đàn chim quần lượn trên một vùng đất dưới chân núi. Nghĩ ứng với điềm trong mộng, ông lão nói với dân làng lập đền ở chỗ đất ấy. Dựng đền xong thì lại đến chuyện tên hiệu của thần, biết gọi thần thế nào cho nghiệm. Ông lão lại bàn với dân làng lập đàn cúng tế để cầu thần cho biết tên hiệu, sau một tuần trăng, đến ngày cuối cùng thì đặt trên nền đền mâm bột gạo, nếu thần linh thiêng có về ắt phải để lại dấu chân. Mọi người làm y như thế, cúng tế xong cứ để mở cửa đền và ra về, ai cũng thấp thỏm cầu mong suốt đêm. Quả nhiên sáng hôm sau ra đền thì thấy mâm bột hiện rõ vết chân chim sẻ, do vậy biết tên hiệu của thần là Điểm Tước. Dân chài từ đó đi biển phần nào được yên ổn, chỉ còn lo nỗi thuỷ quái; thì một đêm mưa to gió lớn, biển nổi sóng ầm ầm mãi đến sáng mới yên, cũng lúc đó dưới chân núi Tháp, cách đền thần Điểm Tước không xa, biển dạt vào xác một con cá lớn trông rất dữ tợn, trên mình đầy vết chân chim cào, cổ họng như bị chim rỉa; đến chiều thì mối xông đùn đất lấp kín xác con cá làm thành một gò đất lớn, dân chúng gọi là Mả Cá. Mọi người đoán rằng đêm qua thần Điểm Tước đã diệt thuỷ quái trừ hoạ cho họ. Từ đó thần Điểm Tước trở thành vị thần hùng trấn cả một vùng biển rộng.

Ba anh em Mạc Đăng Dung đi từ lúc còn tối trời nên tới sông Họng mới tờ mờ sáng. Qua sông là tới ngay sườn phía Tây chân núi Tháp, địa đầu của dãy Cửu Long Sơn.

Từ ngoài biển nhìn vào mới thấy rõ Cửu Long Sơn vươn dài, không khác gì con rồng nhấp nhô uốn chín khúc hướng về phía biển. Mỗi núi lại có tên riêng, từ khi vua Thánh Tông nhà Lý xây tháp Tường Long trên đỉnh núi địa đầu, núi ấy mới gọi là núi Tháp. Tháp cao chín tầng khi mờ khi tỏ ẩn hiện trong sương núi và mây mù. Đền thờ Điểm tước đại vương cũng dưới chân núi Tháp nhưng ở sườn phía Đông. Đường sang bên ấy xuyên qua rừng bằng lối mòn, lá rừng loà xoà và phải vượt qua một cái dốc lớn, chính là dốc Mả Cá. Sang bên sườn Đông, đường có quang quẻ hơn, những gốc đa cổ thụ nhiều không biết bao nhiêu mà kể, cành rễ giao nhau rậm rịt; cứ thế len men đi dưới chân núi thì tới đền thờ thần. Cầu khấn xong, ba anh em lại tới suối Ngọc để tìm đường lên tháp Tường Long. Cách đây hơn 400 năm, vào năm Long Thuỵ Thái Bình thứ tư (1085), vua thứ ba nhà Lý là Thánh Tông trong một lần ngự giá qua cửa biển Ba Lộ thấy dãy Cửu Long hiện ra phía xa trông thật hùng vĩ, bèn cho dựng trên ngọn Long Sơn ngôi tháp chín tầng để thờ Phật. Một đêm tại kinh thành, nhà vua mơ thấy rồng hiện liền ban cho tháp tên hiệu là Tường Long để ghi lại điềm lành.

Đường lên đỉnh núi khá vất vả, đủ biết người xưa gian nan ra sao khi xây tháp. Đỉnh núi chỗ xây tháp khá bằng phẳng. Tháp cao chín tầng, đỉnh tháp vút lên tưởng muốn vươn tận trời xanh.

Anh em Mạc Đăng Dung ngắm biển trời mãi không biết chán. Biển ở tít dưới kia, mây lại ngay trên đầu, khăn áo tung bay trong gió lộng. Sảng khoái quá, Mạc Đốc, Mạc Quyết bảo nhau cùng hét lên một tiếng rồi cười ha hả. Họ vẫn còn tính trẻ con.

Chuyến đi của anh em Mạc Đăng Dung chiếm trọn một ngày.

Thấm thoát đã đến ngày lên đường. Cuối cùng, Mạc Đốc vai vẫn đau nên đành bỏ thi Hội, nhưng “cờ ngoài bài trong” nên vẫn theo lên kinh để xem có gì thì mách giúp .

Cây gạo đền Mõ sắp đến kỳ trổ hoa, đây đó trên cành đã lấm tấm những nụ non mỡ màng. Ngày trảy kinh, dân làng đưa tiễn, người dọc đường trong huyện nghe tin cũng đổ ra đường, ai nấy đều mong anh em Mạc Đăng Dung mang vinh hạnh về cho quê hương. Xúc động nhất là khi qua làng Trà Phương, cả thầy đồ thuở trước dạy anh em họ cũng đón đường đưa tiễn. Cô Toản, con ông, biết mình là phận gái nên chỉ dám đứng ở xa ngấp nghé, nhớn nhác trông đến tội.

Một đám trẻ con đông tới hơn chục đứa bảo nhau chạy trước dẹp đường, cứ gặp đàn bà con gái chúng lại bảo họ về ngay nhà. Cũng vì vậy bến đò Sáu tịnh không một bóng váy yếm! Ông lão chở đò còn không cho bất kỳ ai sang sông, dành riêng một chuyến cho anh em Đăng Dung. Thuyền ra xa, những người trên bến còn đứng nhìn theo vẫy tay không dứt. Đăng Dung bảo Mạc Quyết: “Anh em mình phen này có công thành danh toại cũng không quên tình nghĩa xóm làng!”.

Bên kia sông đã là địa hạt huyện Tân Minh. Thuyền vừa cập bến, một phụ nữ từ sau đê đi lên. Ông lái đò giật mình, cứ như chết sững. Biết ý, Đăng Dung bảo:

- Ông ơi, không sao đâu, chả nhẽ tránh các bà các cô suốt dọc đường được hay sao!

Người phụ nữ xuống bến. Khi đã rõ người, ông lái đò bỗng trở nên niềm nở và kính trọng:

- Chị Thục! Chị đi đâu sớm vậy?

- Chào cụ... - Người phụ nữ đáp một cách kiêu kỳ nhưng rồi kinh ngạc khi để ý đến Mạc Đăng Dung.

Thấy vậy, Mạc Quyết khẽ hích anh một cái. Thấy ông lão lái đò rạp mình khúm núm khi bước qua mặt người phụ nữ, Đăng Dung biết đó không phải là người bình thường. Tiễn anh em Đăng Dung lên tận bờ đê, ông lão nói: “Đấy là nhà chị Thục, con gái quan Nhữ Thượng thư”. Nhữ Thị Thục, con quan Hộ bộ Thượng thư Nhữ Văn Lan, tiếng nghe đã lâu bây giờ mới giáp mặt - Đăng Dung nghĩ - Thảo nào kiêu kỳ thế không biết!

Nhữ nương quả thật là người kiêu kỳ. Nhưng đó là với người khác, vào lúc khác, bởi lúc này đây nàng đã mất hết sự tự chủ. Chờ ông lái đò trở lại, Nhữ nương hỏi lúc nãy trên đò là ai. Nghe ông lão nói, nàng bảo:

- Ông không biết đâu, tướng người ấy là tướng quân vương!

Nhữ nương ngẩn ngơ nhìn theo bóng Mạc Đăng Dung mãi, khiến ông lái đò không khỏi cười thầm trong bụng: Phải lòng mất rồi chị chàng ơi! Chả nhẽ tiếc vì đã có chồng, không thì sẽ lấy người ta hay sao? Đến gấp đôi tuổi người ta chứ ít à? Thảo nào cứ nghe thiên hạ nói chị ta lắm lúc như người cuồng!

Vị nữ cuồng thẫn thờ mãi đến khi đò cập bến. Ông lái đò nghĩ không sai. Kể gì tuổi tác! Nhữ nương tiếc mãi không được gặp Mạc Đăng Dung sớm. Nàng vốn thông thiên văn, tường địa lý nên ngay từ thời Hồng Đức thịnh trị của Lê Thánh Tông đã tiên đoán chỉ vài chục năm sau nữa nhà Lê sẽ hết số và họ khác sẽ lên, đồng thời chính vùng Hải Đông của nàng là nơi tàng ẩn vị đế vương khai sinh triều đại mới. Bao lâu nay nàng cố công tìm người ấy để kết duyên nhưng tìm mãi không thấy, đến khi ngấp nghé tuổi ba mươi mới chịu buông xuôi, nhận lấy ông Nguyễn Văn Định, sau khi xem tướng biết ông sau này sinh con đỗ Trạng (***). Bây giờ gặp Đăng Dung, Nhữ nương mới ân hận, lâu nay nàng cứ tìm người sẽ sinh ra vua ở đâu đâu vì nghĩ người ấy nếu không thuộc nòi danh gia vọng tộc thì cũng là bậc hàn sĩ hoặc thầy đồ thầy khoá, không ngờ hỏi ông lão lái đò mới biết gia đình Mạc Đăng Dung ba đời nay chưa một ai hiển đạt!

(*) Các miếu hiệu Thái Tổ, Thái Tông, Hiến Tông... đều được triều đình đặt sau khi vua mất, ở đây nhiều chỗ chúng tôi gọi khi các vua còn sống cốt để bạn đọc dễ theo dõi. Khi vua còn sống, thường dùng niên hiệu để gọi ( Hiến Tông: Cảnh Thống. Túc Tông: Thái Trinh, Uy Mục: Đoan Khánh, Tương Dực: Hồng Thuận, Chiêu Tông: Quang Thiệu, Cung Hoàng: Thống Nguyên ).
(**) Theo cân ta, 1 cân = 0,605 kg. Tại đền thờ họ Phạm (tổ là họ Mạc) ở Nam Định hiện thờ thanh đao của Mạc Đăng Dung, dài 2,5 m, nặng 25,5 kg. Cần phải biết thanh đao của Ngô Tam Quế đời Thanh ( Trung Quốc), một týớng rất khoẻ, hiện thờ ở Kim Điện, Côn Minh, tỉnh Vân Nam, chỉ nặng 13 kg.
(***) Là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.

…....... CÒN TIẾP




VVM.31.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .