Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHUYỆN NHỎ VÀ TÔI



     V ới một thanh niên như tôi, xa thành phố về cù lao này sống vài ngày cũng đã là cả một cố gắng rồi, huống chi… vài tháng. Nội tôi đổ bệnh đúng thời gian cô Út cũng đang phờ phạc nuôi con gái sinh mổ ở bệnh viện tỉnh, nên tôi được ba má “phái” về chăm sóc nội. Thật sự nội chỉ bị cảm cúm và chứng đau nhức xương khớp của người già, nhưng vắng cô Út, nội ở một mình thì ba má tôi không yên tâm, tôi lại vừa bước vào kỳ nghỉ hè nên về quê sống với nội là quá hợp tình hợp lý.

Nội tôi chỉ có hai con là ba tôi và cô Út. Ba tôi được gửi lên Thành phố học Đại học, sau đó mở công ty riêng, rồi khi gặp má tôi thì ở lại nhập hộ khẩu thành phố luôn. Công việc quá bận rộn nên ngoài những dịp giỗ kỵ ra, ba má tôi cũng ít thu xếp được thời gian rảnh về thăm nội. Coi như mọi việc dưới quê giao vào tay cô Út. Cô Út bất hạnh góa chồng rất sớm nên đưa đứa con gái duy nhất về sống chung với nội từ lâu. Năm ngoái cô mới gả con gái theo chồng, cũng là người cùng huyện, ngôi nhà rộng lớn của nội đã vắng càng thêm vắng.

Bây giờ thấy tôi về, nội mừng lắm. Dĩ nhiên trước giờ thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm nội chứ, khi đi một mình, có khi hứng chí còn rủ thêm đám bạn thân nữa, nhưng tôi chỉ ở từ sáng tới chiều thôi, xem như làm một cuộc dã ngoại để thay đổi không khí. Chưa bao giờ tôi ở lại lâu ngày như lần này, nên nội rất vui, khỏe hẳn ra, các bệnh ho hen, xương khớp của tuổi già chẳng cần thuốc cũng giảm đi đáng kể.

Vùng quê heo hút, thâu đêm uồm uộp tiếng cóc nhái ễnh ương càng khiến cảnh vật chung quanh tăng thêm hiu hắt. Nhất là không có đường truyền internet, điện thoại thường xuyên “ngoài vòng phủ sóng” nên giao tiếp với bạn bè bị tắc nghẽn. Tôi buồn và ngán ngẩm quá. Chẳng có báo và ngoài vài cuốn kinh, nội tôi cũng không có cuốn truyện nào để tôi đọc giải khuây. Nhiều lần, tôi cứ băn khoăn tự hỏi không hiểu đất cù lao này có gì hấp dẫn mà nội nhất quyết không rời bỏ? Vì tiếc mảnh vườn cây trái sum suê hay những ngôi mộ thân quyến bao đời níu kéo?

“ Cũng may mình chưa có người yêu, nếu không, tự nhiên “mất tích” không kèn không trống thế này, dám bị người yêu đá lắm à”. Tôi nghĩ.


Nhưng đó là cảm giác mấy ngày đầu thôi, còn từ lúc nhìn thấy nhỏ, những ý nghĩ buồn nản ấy biến đâu mất sạch trong đầu tôi. Bây giờ thì tôi có thể vui vẻ ở lại đây thật lâu, không cần viện lý do cần chăm sóc nội nữa.

Nhà nhỏ cạnh nhà nội tôi, ngăn cách bằng một hàng rào dâm bụt dày đặc hoa đỏ. Hàng rào thấp, chỉ lưng chừng người, hình như dựng nên cho có lệ, giá tôi rướn người một chút cũng có thể bước sang được vườn bên kia. Cũng như tất cả những vùng thôn quê khác, nhà nội và nhà nhỏ đều sở hữu một chu vi đất vườn khá rộng, trồng nhiều loại cây ăn trái. Nội tôi chỉ trồng cây lấy quả thôi chứ khoảnh vườn sau nhà nhỏ còn trồng thêm những thứ linh tinh khác: bầu, mướp, cà, chanh, ớt… Cây nào cũng chắc khỏe, lá xanh mướt, trái bụ bẫm, rất bắt mắt, ngầm khoe được đôi tay đảm đang tận tụy chăm sóc hàng ngày.

Một sáng, tôi ra vườn và thấy bên hàng xóm, nhỏ đang cặm cụi xách thùng tưới nước cho từng gốc cây. Nhìn mái tóc dài gói gọn trong cái kẹp to bản hình cánh bướm đong đưa một cách tinh nghịch và khuôn mặt xinh xinh ửng hồng lấm tấm những giọt mồ hôi, tự nhiên tôi bồi hồi khó tả. Tôi đứng ngây ra, mắt như dán vào nhỏ, không rời. Bên kia, nhỏ không biết sự xuất hiện của tôi, vẫn cắm cúi với công việc. Tôi mon men đến đứng sát bờ rào từ lâu mà nhỏ cũng không hay.

Đến khi tôi thu hết can đảm để khẽ đánh tiếng gọi: “Nhỏ… ơi!…” thì nhỏ mới giật nảy người, suýt buông rơi thùng tưới xuống, ngước lên ngạc nhiên nhìn tôi. Ôi chao, đôi mắt tròn xoe sáng long lanh mới dễ thương làm sao! Tôi biết thế là từ giờ phút này, tôi đã bị đôi mắt biết nói kia hút mất hồn vía rồi…

Từ hôm ấy, hai khu vườn phía sau của hai nhà là nơi tôi và nhỏ thường gặp nhau, chuyện trò, dĩ nhiên vẫn ngăn cách bằng hàng rào hoa dâm bụt thấp. Giá nội không trồng dâm bụt mà trồng mồng tơi thì tôi đã đọc ư ử lên rằng “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn…” y như thi sĩ Nguyễn Bính ngày xưa.

Ngày mấy lượt, nhỏ có mặt ở mảnh vườn ấy, hết tưới nước thì vun gốc, tỉa lá. Chiều chiều, nhỏ hái xuống đầy một rổ cà, ớt, bầu, mướp… để tinh mơ hôm sau đem ra chợ bỏ mối cho bạn hàng bán lẻ.

Chẳng mấy lúc mà tình cảm chúng tôi trở nên thân thiết. Thân tới nỗi có lần tôi đã mạnh dạn nắm bàn tay mềm mại của nhỏ và kéo nhẹ lên môi. Từ mái tóc dài đen nhánh ấy phảng phất tỏa ra mùi thơm hoa bưởi, khiến lòng tôi dậy lên cảm giác yên ả, lưu luyến.

Tôi kể cho nhỏ nghe về chuyện học hành, về gia đình tôi, cả về những mơ ước tương lai sau này. Nhỏ hay cười nhưng ít nói và có chút gì đó bí ẩn, thường chỉ im lặng nghe một cách chăm chú chứ không kể về mình… À không, phải nhận xét cho công bằng: có lẽ tại vì tôi không hỏi nên nhỏ không kể đó thôi. Tôi nghĩ điều đó không cần thiết. Biết gia đình nhỏ là hàng xóm của nội tôi còn nhỏ là một cô gái xinh xắn, hiền hòa, đảm đang… thế là đủ!

Mỗi ngày, tôi khám phá ra một điểm cộng của nhỏ: thông minh, dịu dàng, tốt bụng, thật thà… toàn những ưu điểm xưa nay tôi vẫn dùng để đánh giá cao một cô gái. Chỉ duy nhất một điều quan trọng thì tôi lại chưa “khám phá” được: tên thật của nhỏ. Không hiểu sao nhỏ nhất định bí mật không nói cho tôi biết, chỉ một mực:

- Anh cứ gọi “Nhỏ” là được rồi. Em thích vậy.

Thì tôi cũng thích vậy đấy. Bạn bè tôi đa số vẫn gọi bạn gái là “Bé”, nhưng tôi thích dùng từ “Nhỏ” hơn, dù nghĩa hai từ giống hệt nhau.

Nhỏ càng bí mật, tôi càng háo hức khám phá. Buổi chiều đó, lúc đứng nhìn nhỏ cắt xuống những trái mướp no tròn mập mạp, tôi làm mặt rầu rĩ, thông báo:

- Vài ngày nữa, anh phải về thành phố rồi.

Nhỏ chưng hửng:

- Ủa, hôm trước anh nói còn ở đây đến hết hè mà?

- À, gia đình mới nhắn gọi. Với lại đã có cô Út về lo cho nội rồi.

Nhỏ tưởng thật, mặt buồn hiu. Tôi vờ vĩnh thở dài:

- Đi khỏi đây, anh nhớ nhỏ nhiều lắm… Nhất định anh sẽ thu xếp về thăm nhỏ sớm...

Nhỏ cúi mặt, tay bứt vu vơ một chiếc lá mướp. Tôi tiếp:

- Sắp chia tay rồi, nhỏ cho anh biết tên thật đi, đừng bí mật nữa. Là gì thế?

Thấy nhỏ bậm môi im lặng, tôi làm ra vẻ mặt rầu rầu:

- Nhỏ vẫn không muốn nói à? Thôi đành vậy, chắc anh và nhỏ còn thiếu chút duyên với nhau, cho nên…

Quả nhiên con mồi sập bẫy ngay, nhỏ ngước nhìn tôi, ấp úng:

- Tên… là… là…

Tôi hỏi dồn:

- Là gì thế?

Nhỏ lí nhí:

- Là… Thanh Kiều…

Rồi mặt nhỏ đỏ ửng lên, trong lúc tôi suýt soa:

- Trời ơi, tên hay vậy mà giấu hoài!

Thanh Kiều ngúng nguẩy quay mặt đi, hai tay hết bứt lại vò nát những chiếc lá, như giận dỗi điều gì. Tôi cười thầm: “Con gái ngộ thật, chuyện có gì đâu mà cũng thích làm ầm ĩ!”


Trong bữa cơm tối, tôi tìm cách “điều tra” thêm qua nội.

Vừa nghe đến tên Thanh Kiều, nội hóm hỉnh cười:

- Chèng ơi, bộ con “chịu” nó rồi hả?

Tôi sượng sùng quá, không biết nên chối hay nên nhận? Nhận thì kỳ mà chối cũng dở. Tôi chỉ ậm ừ nói lảng:

- Cô bé dễ thương quá há nội?

Nội lườm tôi, mắng yêu:

- Giống thằng cha bay dữ a! Gặp cô nào cũng khen dễ thương ráo trọi!

Cô Út từ nãy vẫn ngồi im mủm mỉm cười, giờ mới chen vào:

- Thôi cháu ơi, nó có chồng rồi.

Tôi suýt nhảy nhỏm lên, đánh rơi đôi đũa cầm trong tay xuống mâm:

- Cô nói ai có chồng rồi?

Cô Út đưa mắt nhìn nội. Vừa nhai cơm, nội vừa thong thả kể:

- Con Thanh Kiều đó chớ ai. Coi như nó có chồng rồi. Ba má nó hứa với nhà người ta từ lâu lắm, hồi hai đứa còn nhỏ xíu xiu lận. Tết năm nay là nhà trai đi cưới đó.

Tôi không biết nên cười hay nên mếu. Thất vọng một mà giận tới hai. Tôi giận chính mình sao bộp chộp quá, chưa chịu tìm hiểu kỹ đã mơ tưởng viễn vông. Tôi giận cả Thanh Kiều giấu tôi chi tiết tối quan trọng ấy. Chẳng lẽ nhỏ định lừa gạt tôi? Hay nhỏ cố tình đem tôi ra làm trò hề? Hóa ra nhỏ đâu có “thật thà, tốt bụng” như tôi đã nghĩ?

Ở miền quê này, trai gái kết hôn rất sớm, nhất là trong lúc trà dư tửu hậu, các bậc cha mẹ cao hứng giao ước hôn nhân cho những đứa con còn bồng bế trên tay cũng là điều bình thường, chẳng làm ai ngạc nhiên. Biết thế nên tôi không ngạc nhiên mà chỉ buồn và băn khoăn. Buồn vì tôi nhận ra mình đã “lỡ”cảm tình sâu đậm với Thanh Kiều. Băn khoăn vì không hiểu được nguyên nhân thật sự hành động của nhỏ. Đã “có nơi có chỗ”, là “hoa có chủ” rồi, sao nhỏ còn chịu quen tôi làm chi cho rắc rối?

Nghiền ngẫm lại tất cả mọi chuyện trong thời gian qua, tôi nhận ra nhỏ rất nghiêm túc, không thể bảo là giả dối. Như vậy, nhiều khả năng nhỏ bị ép duyên chứ không hề có chút tình cảm gì với người chồng “trà dư tửu hậu” kia. Và người nhỏ thương thật lòng chính là tôi chăng? Nghĩ thế, tôi chẳng vui chút nào, lại càng não ruột thêm. Chuyện giữa hai gia đình người lớn không thể thay đổi được, thời gian cũng gần lắm rồi, nếu thật sự nghiêng về tôi, Thanh Kiều chỉ đeo mang thêm nỗi đau khổ dai dẳng mà thôi. Tôi ngậm ngùi thương tôi, thương nhỏ.

Tôi biết mình nên làm gì lúc này. Đầu tiên là không gặp Thanh Kiều nữa, gặp nhau càng thêm chua chát. Và nên mau chóng rời khỏi nơi đây, càng sớm càng tốt. Tôi cần biết rút lui đúng lúc.

Tự dặn lòng thế, nhưng chỉ một ngày không gặp Thanh Kiều, tôi đứng ngồi không yên, bứt rứt khôn tả, lòng lúc nào cũng nóng như hơ lửa. Chỉ hai ngày là tôi đầu hàng vô điều kiện. Chiều xuống, tôi lại mon men ra sau vườn, đến bên hàng rào dâm bụt, chỗ hẹn hò quen thuộc.

Tôi tự bào chữa cho hành động yếu đuối của mình rằng, nếu tôi lẳng lặng rút lui, Thanh Kiều sẽ không hiểu nguyên nhân, biết đâu nhỏ sẽ oán trách ngược lại tôi nữa. Rằng, tôi cần nói cho nhỏ biết bí mật của nhỏ đã bị phanh phui. Rằng, tôi sẽ kết án nhỏ thật gay gắt, nặng nề trước khi tuyên bố chấm dứt. Nhất định là thế!

Thanh Kiều đang thơ thẩn dưới giàn mướp đầy hoa vàng rực. Chắc nhỏ đang mong tôi lắm vì vừa nhìn thấy tôi, mặt nhỏ tươi lên:

- Trời ơi, em tưởng anh về thành phố rồi…

Nụ cười hồn hậu và đôi mắt sáng long lanh của Thanh Kiều làm tôi tự nhiên ngắc ngứ. Những lời kết án gay gắt dự định từ trước biến đâu mất tiêu. Tôi không sao nặng lời được, chỉ buồn rầu nói:

- Nội tôi đã kể hết về nhỏ cho tôi nghe rồi… Không ngờ nhỏ lại lừa dối như vậy… Tôi rất chân thành, thế mà…

Mặt Thanh Kiều tái đi rồi lại bừng đỏ. Nhưng nhỏ không nói câu nào, đột ngột quay lưng bỏ chạy mất.

Bây giờ đến lượt Thanh Kiều tránh mặt tôi. Ngày nào tôi cũng lởn vởn ra vườn ngồi chờ cả buổi mà không hề thấy nhỏ đâu. Hình như mảnh vườn cũng bị nhỏ bỏ quên, không ra hái trái đem bán nữa.

Tâm trạng tôi đầy mâu thuẫn: lúc muốn tránh mặt nhỏ, lúc lại khao khát gặp đến não lòng. Cả ngày, tôi buồn rầu uể oải như đang ốm nặng, ngẩn ngơ như mất hồn vía, chẳng tha thiết động tay đến việc gì.

Suốt mấy ngày liền như thế, tôi thất vọng đặt dấu chấm hết cho chuyện tình ngắn ngủi của mình bằng một lá thư. Trong thư, tôi thành thật thú nhận mềm yếu của mình. Tôi nói với Thanh Kiều rằng tuy biết nhỏ sắp lấy chồng, tình cảm của tôi dành cho nhỏ vẫn nguyên vẹn. Tôi muốn quên lắm mà không sao dứt bỏ hình ảnh nhỏ được. Nhưng tôi không thể tiếp tục quen nhỏ nữa, điều đó làm tôi vô cùng ray rứt, ăn năn, như phạm vào trọng tội. Ngay sáng mai tôi sẽ trở về thành phố bằng chuyến xe sớm nhất. Và tôi không quên chúc nhỏ hạnh phúc trong ngày cưới sắp tới đây v.v… và v.v…

Bỏ thư vào túi quần, tôi lững thững ra vườn, định bụng nếu vẫn không gặp Thanh Kiều, tôi sẽ mạnh dạn sang nhà bên kia tìm nhỏ để trao tận tay lá thư “vĩnh biệt”.

Nhưng may quá, Thanh Kiều đang đứng kia. Tôi mừng rỡ, suýt reo lên. Nếu không quá chủ quan thì rõ ràng tôi thấy gương mặt nhỏ cũng bừng lên niềm vui khi tôi xuất hiện.

Tôi thận trọng nhẹ bước lại gần bên rào. Mái tóc dài đen nhánh của Thanh Kiều hôm nay mới gội còn ướt, thoang thoảng mùi thơm hoa bưởi, giản dị và gợi nhớ.

- Em… xin lỗi…

Thanh Kiều lí nhí nói thế rồi dúi vội vào tay tôi một vật. Tôi chưa kịp hiểu gì, cũng chưa nói được câu nào thì nhỏ đã ù té quay lưng chạy mất. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo, lòng hoang mang tột độ. Nhìn xuống bàn tay thấy một mảnh giấy được cuộn tròn như điếu thuốc, tôi hiểu ngay: là nhỏ viết cho tôi.

Lúc này trời đã sập tối, khu vườn xum xuê cây lá không đủ ánh sáng cho tôi đọc chữ. Tôi hấp tấp quay vào nhà, vội vàng mở miếng giấy, đọc ngấu nghiến:

“Đừng giận em nữa. Em thành thật xin lỗi vì những lời dối trá của mình. Nhưng mong anh thông cảm. Chẳng hiểu bắt nguồn từ một kỷ niệm sâu sắc thầm kín nào mà khi sinh em ra, ba má lại chọn cho em cái tên xấu xí, kỳ cục như vậy, làm em rất mặc cảm với nó. Lúc anh hỏi, em đã nhớ ngay đến một cái tên đẹp nhưng không phải là của mình…”

Nhỏ viết lơ lửng, không lời mở đầu, thiếu câu kết thúc khiến tôi càng mù mờ, hoang mang, không hiểu hết ý nghĩa.

Cuối cùng, tôi lại phải đi tìm nội:

- Nội ơi, Thanh Kiều là ai?

Tưởng tôi đùa, nội bật cười nhưng vẫn trả lời:

- Thì con gái thím Sáu hàng xóm kế nhà mình đó.

- Có phải cô bé tóc dài không?

- Đâu phải. Con Kiều lúc nhỏ đau ban, má nó cạo đầu trụi lủi, từ đó nó chỉ ưng cắt tóc ngắn. Còn con nhỏ tóc dài là cháu, gọi má con Kiều bằng dì ruột.

- Sao cô ấy lại ở đây?

- Chớ còn biết ở đâu? Ba má nó bỏ nhau rồi mạnh người nào người nấy có vợ có chồng khác, bỏ nó cho má con Kiều nuôi từ bé tới nay.

Thiếu chút nữa nếu không kịp kềm chế là tôi đã nhảy tửng lên, ôm cổ nội mà reo. Chi tiết nội cung cấp thật quý giá, làm sáng tỏ mọi bí ẩn.

Tôi phóng ba bước biến khỏi nhà, ra vườn. Việc tôi cần làm ngay lúc này là lấy “lá thư vĩnh biệt” của tôi còn cất trong túi quần ra, xé vụn.

Tôi sực nhớ vẫn chưa kịp hỏi nội tên của nhỏ.




VVM.26.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .