N hung chuẩn bị cho chuyến về thăm nhà sau khi nghỉ hè. Hòa ý kiến là để từ từ hãy đi nhưng Nhung nói đã mua vé rồi.
- Mua vé rồi sao không nói.
- Thì cũng định nói, thứ ba tuần sau mới đi.
- Em định đi lâu mau?
- Đi hết hè luôn.
- Làm gì có chuyện đó. Không được.
Nhung cười :
- Nói vậy mà cũng tin, ra ngoài đó mới mua vé vô. Ở lâu hay mau là do anh trong này, coi mà sa đà.
Tàu đến ga Huế, Bảo đi xe đạp lên đón chị, có hai đứa nhỏ nên Nhung phải đi cyclo về nhà. Ba mẹ cô biết trước nên hai người đã ngồi sẵn ở salon, đưa tay ra đón hai cháu ngoại khi mới vào cửa. Bé Bin không nhìn ông bà ngoại mà nhìn vào mấy cái bánh trong tủ và đòi lấy ra, ai cũng tức cười.
Sau Giải phóng, gia đình ba mẹ Nhung gặp cảnh khó khăn, trước nhà phải mở quán bán một số tạp hóa nên cũng đắp đổi mấy năm nay. Bảo đi học tập cải tạo được ba năm đã về, vợ chồng buôn bán tự do kiếm sống một thời gian, đang chuẩn bị đi Kinh tế mới. Bình và người em trai thứ tư mới vượt biên năm ngoái, hiện còn ở Hồng Kông chờ xét duyệt đi nước thứ ba.
Nhung nói cho mẹ biết Hòa đã nghỉ dạy.
Mẹ nói :
- Ở đây giáo viên cũng có nhiều người nghỉ dạy, phải ra ngoài kiếm công việc làm ăn mới đủ chi tiêu chứ lương có mấy chục đồng làm sao đủ sống, gia đình nào cũng chân trong chân ngoài – những người còn dạy học thì vừa dạy vừa kiếm việc làm phụ, hoặc buôn bán gì thêm mới đắp đổi, có giáo viên nghỉ dạy phải sửa xe đạp.
Nghe mẹ nói, cô cảm thấy đỡ băn khoăn phần nào về việc nghỉ dạy của Hòa. Ở đâu cũng tình trạng này, không làm việc này cũng việc khác, phải chấp nhận hoàn cảnh mới mà thôi, mọi sự đều do may mắn và sự kiên trì vươn lên giữa buổi giao thời.
Đem con ra đây, Nhung không định ở lâu. Tính Hòa thì cô biết, anh sẽ hụt hẩng nếu sống thiếu hai đứa nhỏ.
Mẹ nói - Ở lâu mau tùy con, việc ăn uống không bao nhiêu để mẹ lo, tiền lương ít ỏi để dành đi tàu xe - Rồi sực nhớ ra, mẹ nói thêm:
- À, cậu An đi cải tạo về rồi, lâu lâu vô đây mua đồ dùng gì đó có ghé nhà thăm, mang theo khoai sắn cho mẹ.
Nhung hơi ngạc nhiên hỏi mẹ:
- Anh An có ghé nhà hở mẹ - cải tạo về lâu chưa?
- Cũng hơn năm nay. Tội nghiệp, cũng còn nhớ nhà này mà đến thăm.
- Thăm ba mẹ là việc tất nhiên của anh rồi. Mẹ thấy hồi này anh thế nào?
- Ốm và đen hơn trước nhiều. An hỏi thăm con hè này có về không. Mẹ nói một đôi năm con có về dịp hè.
Nhung không thắc mắc gì thêm, trong lòng gợn lên một cảm xúc khó tả. An ghé nhà thăm là điều cô chưa hề nghĩ tớí, bao nhiêu năm nay với biết bao sự cố vật đổi sao dời ảnh hưởng không ít đến tâm tư đời sống, còn đầu óc đâu mà nghĩ tới ai. Mấy năm sau ngày giải phóng, thấy nhiều người vợ bới xách nuôi chồng cải tạo rất khổ nhọc, thỉnh thoảng cô nghĩ đến An cũng đang trong hoàn cảnh đó, nhưng chỉ thoáng qua với suy nghĩ mọi chuyện với An như thế nào đã có vợ con anh lo, thỉnh thoảng có nhớ tới nhưng rồi cũng quên lắng, cứ tưởng chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.
Nhung thả hồn theo những kỷ niệm cũ để lẫn tránh thực tế hiện tại, một cuộc sống đầy khó khăn với tất cả mọi người, không riêng ai, trước chuyển biến mới của cả một xã hội từ tinh thần đến vật chất, tình cảm ủy mị chỉ là ảo tưởng mà thôi.
Ngay vợ chồng cô cũng đã thay đổi nếp sống bình thường, nhờ cô tạm ổn định với công việc dạy học nên Hòa đỡ vất vả. Dù có lập trường và siêng năng nhưng anh vẫn bấp bênh trước thời cuộc, phập phòng như chiếc bong bóng. Hàng nghìn, hàng vạn người đang như vậy, có hơn kém gì nhau.
Những ngày sau đó Nhung đi thăm bà con và vài người bạn học cũ, ra phố, vào chợ Đông Ba, qua những con đường quen xưa. Cầu Trường Tiền mỗi ngày qua lại bốn lượt nắng mưa quen thuộc thuở học trò. Con đường Lê Lợi rực rỡ màu phượng vỹ với lá me bay trong nắng gió đầu thu nhập học trên lối đi về của nữ sinh Đồng Khánh. Mái tóc thề và tà áo trắng ngày xưa giờ đây nhòa nhạt trên từng bước đi tưởng chừng lạc lõng, tưởng chừng chẳng còn bóng dáng bạn học, chẳng còn bóng dáng ai xưa. Đúng là con đường kỷ niệm trong ca từ thơ nhạc, đang gợi lại hoài niệm đã nhạt phai theo thời gian.
Vài buổi chiều đi lang thang những con đường bên kia cầu Trường Tiền thăm trường cũ thời Trung học, công viên ngoài bờ sông thay hoa đổi cảnh khiến cho trường Đồng Khánh thêm phần thơ mộng dù đã thay tên. Bên kia trường Quốc Học nhìn vắng lặng như thuở nào, Quốc Học luôn bãi về trước Đồng Khánh mười lăm phút, nên chẳng bao giờ thấy bóng nam sinh bãi trường. Lại nghe lòng vắng lặng thêm khi quay xe trở về.
Vừa về đến nhà, Nhung bỗng thấy An ngồi trên ghế salon đang nhìn ra cửa, cả hai lặng người nhìn nhau một lúc. Cảm nhận đầu tiên cô nhìn thấy là đôi mắt An thật ngỡ ngàng sáng lên thoáng mừng rỡ, tuy nét mặt có phần rắn rỏi dày dạng hơn trong nghĩ tưởng của Nhung. Cô không tin đây là sự thật, thế mà đã bao nhiêu năm gần như quên lãng. Nhung ngồi trên ghế đối diện, im lặng một lúc mới nghe tiếng An:
- Nhung đi đâu về ?
- Đi qua mấy ngã đường và thăm trường cũ. Anh đến lâu chưa ?
- Chờ Nhung lâu lắm rồi. Mẹ không biết Nhung đi đâu. Anh định về cho kịp xe. Sẵn vô đây mua vài vật liệu làm việc nên ghé đây xem thử Nhung về đây chưa.
- Bây giờ anh đang ở đâu – mẹ anh còn khỏe không?
- Mẹ vẫn khỏe, cả nhà anh đã đi Kinh tế mới.
- Lên đó gia đình làm gì để sinh sống?
- Làm nông chứ còn làm gì nữa - An ngửa hai bàn tay ra trước - Nhìn xem hai tay nè, đốn cây vác củi, cuốc đất trồng khoai chuyên nghiệp hơn ba năm trời.
Vừa nói An vừa cười rất tự nhiên. Nhung nhìn tay An, hai bàn tay thư sinh ngày xưa không còn nữa, dày lên với nhiều vết chai sạm. An tiếp :
- Ở trong trại cải tạo phải lao động khổ cực gấp trăm lần làm nông ở nhà. Có thuê được mấy sào đất trồng mía, đang chờ thu hoạch.
- Còn Chi ?
- Chi bị nhà nước cho nghỉ làm vì là vợ ngụy quân, cũng đang ở trên đó.
Nhung chia sẻ thêm:
- Cải tạo về ai cũng phải đi Kinh tế mới, Bảo cũng cải tạo về, kể ở trại họ bắt làm cực lắm, phải đốn cây cưa gỗ, đóng tủ đóng bàn ghế, còn bắt rèn cuốc xẻng dao rựa, có người tập cúp tóc cho nhau, phòng khi ra trại có nghề mà sống. Đúng là rồng hóa cuốc, nhất là mấy ông tướng tá.
- Ở trại nào cũng vậy, tướng tá còn bị hành hạ ra xương. Sau khi được thả về, lính tráng cấp nào cũng phải làm nghề tay chân vặt vảnh vậy thôi. Anh thì đang sống với đất. Vợ chồng Nhung còn tiếp tục dạy học là may mắn, thiếu đủ cũng tạm yên.
- Lương có mấy chục đồng, sống khó khăn chật vật, anh Hòa nghỉ dạy rồi.
An hỏi với một thoáng ngạc nhiên:
- Tiền lương thế này, giáo viên cũng nhiều người nghỉ dạy. Hiện giờ Hòa đang làm gì?
- Lúc đầu ra chợ trời mua bán gì đó, lúc có lúc không, sau này gặp người bạn sửa quạt máy, tủ lạnh, đang học nghề cũng được gần năm nay rồi.
- Như vậy là tạm được rồi, sau này sẽ có công việc ổn định, khỏi ra vô chợ trời. Còn Nhung có làm gì thêm?
- Có chứ, đặt tủ kem bán trước nhà lâu nay, còn kèm thêm kẹo bánh tự làm. Lúc học Đồng Khánh có môn Nữ Công gia chánh do cô Kim Cúc dạy nên làm được.
- Phải cô Cúc người tình của Hàn Mặc Tử không? Nghe nói cô Cúc dạy bên Đồng Khánh.
- Đúng rồi, lúc đó cô lớn tuổi nhưng vẫn độc thân một mình.
An chuyển hướng câu chuyện :
- Nhung định ở lâu mau ?
- Mới ra được tuần lễ nên chưa tính được.
An nhìn đồng hồ tay:
- Anh phải về cho kịp chuyến xe đò - Đưa mắt nhìn quanh một lúc, An hỏi thêm - Các cháu của anh đâu rồi?
Nhung vội đứng lên, gọi bé Bi :
- Chào bác đi con.
An vẫn ngồi trên ghế, hai tay ôm vai bé kéo sát vào mình, nhìn Nhung :
- Cháu gái giống em quá, còn cháu nhỏ đâu rồi?
- Chắc là đang ngủ. Thôi anh về kẻo không kịp xe.
Hai người dừng lại ở cửa một lúc. Biết An nhìn mình nhưng cô không nhìn lại, tiễn An ra khỏi hiên nhà, nhìn bóng anh xa dần trên chiếc xe đạp cũ.
Ở Huế được hơn tuần, từ sáng sớm đã thấy người đưa thư gọi ngoài cửa. Nhung đi ra và nhận điện tín của Hòa - “Em và các con có khỏe không? Nhà vắng quá, anh rất nhớ hai con. Khi nào mới vô?”. Biết Hòa rất nhớ con, nhưng Nhung vẫn luyến lưu ngôi nhà thân thương này, nơi cô đã lớn lên từng ngày, con sông bến nước trước nhà, hàng sầu đông đến mùa hoa tím lay bay, mỗi lần về thăm là muốn ở lâu.
Tha hương lâu ngày, nhớ từng con đường, từng ngõ phố. Thời gian rãnh rỗi, Nhung đạp xe lòng vòng những con đường cũ, lòng cảm thấy bâng khuâng. Nước dòng Hương trôi êm ả dưới mấy nhịp cầu, trước bến Văn Lâu thuyền trôi lơ lững, bốn cửa Thành dẫn vào Đại Nội, những con đường bóng mát che râm, cành lá nghiêng nhau như thì thầm nhắc nhở kỷ niệm xưa. Nhìn quanh một lượt, những mái cổ tường rêu, tứ bề thành quách. Trên đường về còn ngậm ngùi bao hình ảnh cũ, lãng đãng mơ hồ.
Biết mấy cho vừa, để rồi mai đây còn mang hình ảnh quê hương về nơi xứ xa. Đời sống áo cơm không thể khác trước những khó khăn đang chờ đợi, hình ảnh bến nước, cây cầu vẫn luôn là nỗi nhớ bên lòng. Trách sao con người ở đây tâm hồn không mơ màn thơ thẩn, bởi những con đường Huế cứ man mác gợi buồn. Trách sao những người đi xa vẫn còn hỏi lại “Huế bây giờ buồn lắm không em?” Huế mộng mơ nhưng Huế thật buồn.
Vài ngày sau An trở lại, lần này Nhung không bở ngỡ, không vui như lần gặp trước, chỉ nghe một cảm giác đủ lay nhẹ trái tim ngủ quên. Căn phòng khách này vẫn không thay đổi, bàn, ghế, những bức tranh treo tường nơi đây vẫn còn giữ nguyên. Người xa bao năm bây giờ trở lại, ngồi trong không gian cũ, có thay đổi chăng là tuổi đời với bao nhọc nhằn hằn trên nét mặt An, anh không còn dáng dấp thư sinh ngày nào, đôi vai giờ đây như trĩu xuống, không còn muốn vươn lên.
Cả hai cùng mỉm cười nhìn nhau, và hai đôi mắt cùng dừng lại ở phía tủ buffé. Hai cánh hồng nhung đỏ thắm An vừa mới cắm trong bình, còn đọng những giọt nước long lanh. Đây mới là giây phút ngỡ ngàng đầy xúc động thấu suốt gan ruột hai người. An vẫn còn nhớ đến hoa hồng nhung thuở nào tặng cô học trò tuổi mười sáu. Trong sâu thẳm tâm hồn, Nhung nghe xúc cảm trào dâng.
Phút im lặng thật lâu, không ai biết phải nói lên điều gì dù rất nhiều điều để nói. Dòng sông trước mắt xanh thẳm dưới màu trời hạ, thấy rõ từng đám bèo chầm chậm trôi qua thật êm ả dưới hàng sầu đông xanh lá. Cho đến lúc có tiếng gọi mẹ của bé Bi, như kéo hai người về hiện tại. Bé Bi đến sà vào lòng mẹ.
An cười nhìn Nhung : - Đôi mắt của cháu thật giống mắt em, lớn lên sẽ rất xinh.
- Bởi vậy mới đặt tên Bi, mắt to tròn như hai viên bi. Anh được mấy cháu? Được hai đứa trước 75, giờ đã trên dưới mười tuổi, ở Kinh tế mới chăn bò giỏi lắm.
- Tội chưa. Vậy nhà cửa trong Thành nội thế nào?
- Đã bán rồi. Thời gian đi cải tạo, Chi còn ở Huế, bày buôn bán trong nhà cũng tạm đủ, lo cho mẹ và hai đứa con. Khi cải tạo về, đi Kinh tế mới nhưng mẹ không đi, còn nhà cũ ở quê, mẹ ở đó để giữ nhà, thỉnh thoảng lui tới để thăm chừng.
Nhung chia sẻ :
- Có ít tiền nhà, chắc anh đỡ khó khăn.
- Cũng mua được cặp bò.
- Hai đứa còn nhỏ vậy mà bắt chăn bò? - Nhung phản đối.
- Đâu có, chỉ nói cho vui thôi, phải nhờ người cắt cỏ. Thấy bò hai đứa thích lắm, cứ săm soi như nuôi chó trong nhà, lâu lâu cỏ quanh nhà mọc cao, anh cũng cắt cho bò ăn.
- Cũng vui, đúng là vật đổi sao dời, anh Hòa đâu có tưởng tượng ra nổi cảnh này.
An bào chữa :
- Tại Hòa sống đầy đủ thỏa mái quen rồi, chưa chịu cảnh gian khổ của người lính trận, của tù nhân trong trại cải tạo. Nhung còn tiếp tục dạy học nên Hòa ỷ lại, thiếu đủ cũng tạm ổn nếu biết tiện tặn.
Nhung phàn nàn:
- Tại anh Hòa không biết lo xa, hay nói “sinh bất phùng thời”, chắc phải cho đi cải tạo vài năm cho sáng mắt ra.
- Câu nói đó có thể là để bào chữa, mà có thể là kết quả của sự trăn trở. Anh cũng nhiều lần suy nghĩ như Hòa, nhưng mà, anh nhớ mang máng một tư tưởng gặp ở đâu đó “Cảnh khổ và sự thất bại là một kho tàng cho người có chí và là một vực thẳm cho kẻ yếu hèn.”
Cần nhất là em nên giữ thăng bằng cho tâm hồn và đừng làm cho Hòa phải băn khoăn rối trí. Em cứ nghĩ, bọn anh ở trong trại nhiều lúc tuyệt vọng cùng cực, vậy mà vẫn vượt qua được đến hôm nay.
Thấy Nhung buồn không muốn nói gì. An nói như muốn lấy chuyện cũ để chứng minh:
- Điều khổ tâm ngày trước, khi anh xa em, em biết nó hành hạ anh trong thời gian nằm viện Pleiku như thế nào, vì vậy đằng đẵng bao nhiêu năm nay, có lúc nào anh không nhớ đến em. Gặp nhau như thế này không phải sự tình cờ, lẽ ra phải sớm hơn nữa nhưng vì thời cuộc. Dẫu không gần gũi, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn chẳng bao giờ phai nhạt được.
Nhung trầm ngâm:
- Anh quá đa cảm, trong lúc bên cạnh còn có Chi với mấy đứa con nữa.
- Thì cũng là …tình chồng nghĩa vợ - An cười nhẹ – nhưng mà nhờ em, thôi thúc anh làm được tất cả, vượt qua tất cả. Ngay cả những gì đang tiếp tục hôm nay.
- Em không hiểu.
- Chính anh nhiều khi cũng không hiểu, nhưng đúng là như vậy. Chi là hình, mà em là bóng, không là một nhưng luôn đi bên nhau. Đây, em xem đây .
An lấy chiếc bóp trong túi ra, đưa tấm hình nhỏ cho Nhung xem. Nhung hơi lặng người khi nhìn tấm hình của cô lúc còn đi học.
- Hình này anh còn giữ tới bây giờ. Chi không nói gì ? - Nhung thắc mắc.
- Chi rất quý trọng những gì là kỷ niệm của anh. Chi đã chứng kiến tận cùng sự tồi tệ của anh khi cô ấy chăm sóc anh ở bệnh viện Daklak. Sau này anh có nói cho Chi biết lý do khiến anh không vui. Chi rất cảm thông và thỉnh thoảng có hỏi thăm em.
- Chi đúng là người có tấm lòng đáng quý.
- Chi đã biết cuộc tình lỡ của anh và em. Biết anh vẫn còn nhớ em nhưng cư xử rất tế nhị. Anh quý Chi ở điểm đó, và anh không thiếu sót bổn phận với Chi, chính hoài niệm đã nuôi dưỡng tâm hồn anh. Trên đường đời đầy chông gai vất vả này, anh có thêm được một bóng mát, đó là Chi. Nhiều lúc Chi đùa “tâm hồn anh không nên để xơ hóa”. Và anh cảm thấy may mắn khi có người vợ Huế như Chi, công dung, nền nếp.
Nhung nói ra cảm nghĩ :
- Đức tính của phụ nữ Huế đó anh.
An nhắc :
- Nhung đưa lại ấm hình cho anh.
- Hình phai màu rồi, anh giữ làm gì.
- Vậy mà quý gấp mấy lần hình mới, đó mới chính là Nhung của ngày xưa, kỷ vật đó Nhung.
An nhìn đồng hồ: - Chiều rồi, thôi anh về. Khi nào em vào, mua vé chưa? - Chưa, chắc là thứ ba mới đi mua. - Thứ ba anh sẽ vào cùng đi mua vé với em, để biết ngày em đi.
An cầm lại tấm ảnh, siết chặt bàn tay Nhung.
An đi rồi, hoài niệm trở về như dòng nước lũ. Không nói, nhưng ai cấm được tâm hồn cô không được nhớ, dù chẳng còn tình. Và nếu còn tình chăng nữa thì cũng là tình chỉ để mà nhớ.
Và ai ngăn được cô, tắm mình trong dòng thánh kỷ niệm. Chỉ có người vô tình mới không biết nhớ, dù nỗi nhớ có bị cắt khúc như từng đoạn phim đang từ từ ghép lại. Nhung buông xuôi dòng cảm xúc, cho nó tung tràn như con nước vỡ bờ. Cô tự nhũ, nhiều lúc không nên vì một điều gì đó mà đành tâm bóp chết trái tim. Tất cả chỉ là nỗi nhớ về rất thầm kín. Hết sức thầm kín.
CHƯƠNG XXII
V ài hôm sau Nhung nhận điện tín của Hòa “Em thu xếp đưa con vào, anh đang bệnh”. Nhung tức cười, biết Hòa nói xạo. Một năm mười hai tháng chưa khi nào thấy anh uống viên thuốc nào, bây giờ bỗng dưng bệnh mới là chuyện lạ. Một ngày suy suy nghĩ nghĩ, sáng hôm sau, cô đi trả lời điện tín: “Mẹ cũng đang bệnh, phải ở lại hơi lâu. Cuối tháng mới vào được”. Cũng là khích nhau cho vui thôi, để xem anh phản ứng ra sao.
Tính Hòa hay rộn ràng, còn cả tháng hè có gì mà vội, chỉ do anh nhớ con mà điện tín kiểu đó thôi. Cô đã quen với tính nết của chồng bao nhiêu năm nay, điều gì thích hay không là nói ngay, nhiều khi cũng vui cửa vui nhà nhưng nhiều lúc cũng đến bực mình.
Nhung nói với mẹ vài hôm nữa sẽ mua vé vào.
Mẹ nói :
- Mẹ cũng muốn con ở lâu cho vui một thời gian. Mấy đứa sắp đi hết rồi.
- Con cũng muốn ở lâu với mẹ, thứ ba con đi mua vé.
Sáng thứ ba, Nhung lo cho hai đứa nhỏ ăn sáng xong rồi chuẩn bị đi mua vé. Đang soi gương chải tóc bỗng nghe tiếng xe máy nổ trước nhà, nhìn ra thấy An xuống xe đi vào. Anh hỏi:
- Nhung sắp đi à, sao không chờ anh ?
- Thì đang chờ đây, anh có dặn hôm nay. Bữa nay anh đi xe máy?
An đùa :
- Thì phải chở Nhung, đi công tác mà.
Nhung cười theo:
- Bữa nay nói năng toàn giọng cách mạng.
- Nhung định mua vé ngày nào?
- Hôm nay thứ ba, chắc là chủ nhật mới vào, mẹ nói ở lại thêm vài ngày.
An chào ba mẹ Nhung xong ra xe máy ngồi trước. Nhung ngồi lên xe, hỏi:
- Xe này chắc là xe cũ còn?
- Gần cả chục năm rồi đó, nhờ chiếc Dam cũ này mà chạy lui chạy tới nuôi con tạm đủ.
- Nhưng mà xăng cộ khó khăn đắc đỏ, xe anh Hòa để lâu không đi, chuột cắn đứt dây dợ hết, đã bán rồi, đi dạy hai vòng bằng xe đạp xa xôi mệt nhọc, mỗi kỳ hè phải học chính trị trên mười cây số nên mới nghỉ dạy.
- Đúng rồi, phần nhiều viên chức đều đi xe đạp, đồng lương không đủ mua xăng.
Xe qua khỏi cầu Trường Tiền, con đường Lê Lợi dẫn lên ga rợp bóng mát khiến cả hai phơi phới nhẹ lòng. Ngoài kia, mặt nước sông Hương bừng sáng trong màu nắng hạ ban mai. Cả hai như đang chìm đắm trên con đường tình xưa, hai người thường chờ nhau song song trên xe đạp. Chàng nam sinh Quốc học, nàng nữ sinh Đồng Khánh, còn gì đẹp hơn.
Đi thêm một quãng, bỗng Nhung nghe có tiếng gọi tên mình thật lớn. An thắng xe lại, nhìn qua bên kia đường. Từ phía đó, ánh mắt Hòa sáng quắc chiếu từ bên trong chiếc xe cyclo. Cô nói khẻ với An “Anh Hòa mới ra mà không nói trước”.
An nói nhanh “ Nhung qua đó đi. Mình chia tay ở đây luôn”.
Nhung băng qua đường, đối đáp với Hòa mấy câu rồi ngồi vào cyclo, mắt còn nhìn sang phía An. Hòa xoay đầu cô lại. An vẫn đứng đó, nhìn theo phía sau xe cho đến cuối tầm mắt.
Biết Hòa đang cay cú, thái độ tốt nhất của Nhung là im lặng. Xe chạy ngược qua cầu Trường Tiền, đến phố, Hòa mới bắt đầu nặng nề lên tiếng :
- Phải An đó không ?
- Phải.
- Em ra đây để đi chơi với hắn?
- Không phải.
- Vậy thì đi đâu ?
- Đi lên ga mua vé.
- Ai mua vé ?
- Thì em mua chứ ai.
- Em mua vé thì dính dáng gì tới hắn?
- Thì ... ảnh chở giùm.
- Hừm. Chở giùm!
Hòa muốn gằn giọng thật lớn nhưng sợ ông cyclo nghe nên cố nén lại - Người sao mà nhẹ dạ. Biết trước mà.
Để một lúc Hòa dịu lại, cô nói nhỏ :
- Chỉ là tình cờ…
- Có tình cờ cũng không được quyền.
Xe dừng trước nhà. Ba mẹ Nhung ngạc nhiên khi thấy Hòa về cùng chung xe với Nhung. Hòa chào ba mẹ vợ xong, ôm con vào lòng, hôn lấy hôn để. Suốt từ đó cho tới chiều, anh chuyện trò thăm hỏi thật vui vẻ với mọi người trong nhà, thái độ đó khiến Nhung thấy dễ chịu hơn nếu anh hằm hằm mặt lạnh.
Tối đến, Nhung treo mùng trên divan, nói với Hòa :
- Treo mùng rồi, anh ngủ đó đi.
- Còn em ngủ đâu ? Hòa thắc mắc.
- Ngủ với hai đứa trên phảng - Nhung đáp nhỏ.
- Không được, dẹp mùng đi.
Biết Hòa bực mình, Nhung im lặng dẹp mùng, thật lâu không thấy anh lên phảng, đang ngồi vắt chéo chân lên táp-đờ-nuy. Điếu thuốc hút hết một nửa, một chốc, hết một điếu, rồi hai điếu, ba điếu. Miệng nhả khói từ từ, vẻ mặt bình thản, nhìn cũng hay hay, một thái độ trầm tỉnh hơi bất ngờ. Gạt tàn đầy dần, nhưng không thấy cử chỉ gì khác, dù Hòa hiểu lầm nhưng Nhung khó thể giải bày trong tình cảnh này, mà có giải bày anh cũng không tin, việc còn sờ sờ ra đó, đúng là oan Thị Kính. Cô nhắm mắt nghĩ ngợi miên man những việc vừa xảy ra, cho đến khi ngủ quên. Bỗng nhiên có vòng tay ôm siết lấy mình khiến Nhung thức giấc. Bốn mắt nhìn thẳng vào nhau như có đốm lửa. Nhung nghe bên vai mình hơi đau, hiểu được ý nghĩa vết cắn của Hòa, cô im lặng nén chịu.
Biết Nhung đau dù anh chỉ cắn nhẹ, anh nhìn sâu vào mắt cô với một thoáng buồn, rồi nghiêng đầu bên vai vợ, nằm im sợ hai đứa nhỏ thức dậy. Nhung nhìn đồng hồ treo tường, mười hai giờ khuya. Trong không gian riêng biệt này, ánh sáng mờ của ngọn đèn ngủ như muốn xóa nhòa hết những xáo trộn trong ngày, để mãi mãi là những giờ phút êm thắm, bình yên. Cũng là thái độ của người có hiểu biết, Nhung cảm thấy yên tâm.
Sau giấc ngủ này, liệu Hòa còn bực tức? Bây giờ trông khuôn mặt anh sao mà bình thản, vô tư. Cô không giận chồng nhưng cảm nhận đây là dấu ấn khó phai, ghi khắc giây phút ngọt bùi tình chồng nghĩa vợ. Người xưa nói đúng“Thương nhau lắm cắn nhau đau”.
Nghĩ kỹ cũng không trách anh được. Nếu Hòa là người nóng tính thiếu suy xét thì chẳng hiểu việc gì sẽ xảy ra, cô thầm cám ơn cách cư xử khá tế nhị của anh. Gần sáng, Hòa thức dậy sớm, ra ngồi trước nhà châm thuốc hút. Đến khi thấy con ngủ dậy là anh lo rửa mặt mày cho hai bé, xong biểu Nhung cùng con đi ra quán gần nhà ăn sáng. Nhung không có thói quen này nhưng vẫn nghe theo lời anh.
Ăn sáng xong, Hòa nói:
- Mình tới quán cà phê ngồi đi.
Không có tiếng “em” dịu tai sau câu nói mà như ra lệnh. Nhung hiểu ý, im lặng dẫn con đi theo.
Nhìn qua ly cà phê, ánh mắt Hòa đầy rẫy những dấu hỏi, và cô cũng đã nghĩ tới điều này nên chuẩn bị tinh thần.
Hòa lên tiếng:
- Ra đây em đi chơi với An mấy lần?
- Không đi lần nào.
- Không tin.
- Hỏi kiểu đó, dù có nói thật anh cũng không tin.
- Kiểu đó là kiểu gì ?
- Lúc nào cũng nói đi chơi, là đi đâu ?
- Chở nhau ngang nhiên kiểu đó, không đi chơi còn đi đâu ? Vẻ mặt hắn còn nghinh nghinh nữa chứ.
Nhung tức cười nhưng cố nén. Cô nhớ lại cái nhìn của An buổi sáng hôm qua, rõ ràng là An nhìn rất tự nhiên để biết ai gọi, làm sao lại nghinh với Hòa cho được.
Nhung thử chống chế :
- Lúc trước anh An dạy kèm ở trong nhà, bây giờ lui tới thăm viếng ba mẹ cũng là việc phải, có gì đâu quan trọng. Cái gì cũng phải từ từ.
Hòa lập lại :
- Hừm! Từ từ ... Tui mà không ra kịp thì còn lộng hành tới đâu.
Hòa nói vậy quả là rất đúng, nhưng cái lập luận áp đảo thế này thì cô không nói năng giải thích gì được nữa.
Thời gian trước, những lúc vợ chồng cởi mở, cô vui miệng kể lại cuộc tình không thành với An. Tưởng mọi sự rồi cũng qua đi, ai ngờ cớ sự như thế này, đúng là không còn đường chối cãi.
Thấy Nhung im lặng, Hòa nhìn thẳng vào mắt vợ :
- Đúng tội rồi chứ gì. “Tình cũ không rũ cũng tới”.
- Anh An không tầm thường như anh nghĩ. Bây giờ có nói gì anh cũng không tin.
- Đúng là An không tầm thường, nhưng anh không ngu để mà hiểu theo cách em nói. Mà An cũng không ngu để chỉ nhìn bằng mắt khi em bước chân về đây. Hai người đã một thời với nhau rồi mà. Hắn chiếm đoạt em rồi, giờ này gặp nhau làm sao khỏi.
- Thôi đừng nói thêm gì nữa, cũng đừng suy diễn nhiều điều. Người nào cũng gia đình con cái, phải biết tôn trọng nhau chứ.
Tự nhiên mắt Nhung rưng rưng. Cô khóc vì An và cô gặp nhau hoàn toàn trong sáng, thứ hai là An không ăn mà chịu, anh đã giữ gìn cho cô từ thuở ban đầu.
Và nước mắt đã làm mềm lòng Hòa, anh nắm chặt bàn tay Nhung :
- Thật tình... em có phản bội anh không ?
- Không.
- Chắc chắn không ?
- Chắc chắn.
Một phút xúc động khi nhìn đôi mắt rưng rưng của vợ, Hòa có vẻ dịu giọng:
- Thấy vợ ngồi chung xe với người tình cũ, hỏi ai không tức, suy đi nghĩ lại cũng tại anh không lo gì được cho em, nhiều lúc cảm tưởng như em lạnh nhạt. Em có biết anh thương yêu em chừng nào không?
Không trả lời, đang ngồi trong quán nên Nhung cố ngăn xúc động, cô cầm tay Hòa siết chặt như cảm nhận tình cảm tuyệt đối Hòa dành cho cô.
CHƯƠNG XXIII
V ề đến Nha Trang, Hòa tiếp tục công việc sửa máy với Hùng, có khi về sớm có khi về muộn, do việc làm và giao tiếp với bạn hàng sửa máy, đàn ông phần nhiều là vậy. Phải có phê pháo, phải qua lại vài ly bia bọt bàn chuyện thời sự mới vui vẻ thỏa mái được.
Tính cách ăn nói và đối xử của Hòa tương đối được lòng bè bạn. Nhiều người bạn học cũ đến bây giờ vẫn còn gắn bó, kể cả bạn đồng nghiệp dạy học lâu nay. Thỉnh thoảng có dịp gặp gỡ nhau, chính những người bạn anh cũng muốn vậy, gặp nhau năm điều ba chuyện trao đổi tin tức là niềm vui chung. Nhung hiểu điều đó nên không hề phàn nàn anh điều gì.
Vào năm học mới thì bụng Nhung hơi lớn, phải hoàn tất công việc ở trường, nào sổ sách giáo án, hội họp kiểm điểm, công tác thi đua… còn chăm sóc hai con dại và thêm một cái bầu, không phải dễ dàng. Thấy Nhung thức khuya dậy sớm, mỗi cuối tháng, Hòa thường cộng sổ, sắp vị thứ giùm vợ, phụ giúp nấu nướng dọn dẹp, tắm rửa giặt đồ cho hai con. Xong rồi thì anh như chim sổ lồng, vài hôm chủ nhật Hòa đi biền biệt tới tối mới về. Nhung nói đôi điều là anh cự ngay:
- Đàn ông bây giờ ai chẳng vậy, cứ ra đường mà xem, quán sá nơi nào cũng đông người. Mà đâu phải chỉ có dân thường, cán bộ cấp thấp cấp cao không thiếu, họ uống bia rượu cao cấp chứ đâu cần uống ba cái thứ rẻ tiền như mình. Uống là uống cay uống đắng với bạn bè trao đổi thông tin để biết ngõ mà lần, không phải lúc nào cũng dễ nuốt đâu. Đừng tưởng.
- Có gì mà tưởng với không tưởng, họ làm có tiền nhiều họ uống, mình làm gì có được như người ta, cứ so bì theo thì so bì sao nổi.
Câu nói nhẹ nhàng nhưng có sức bật khiến Hòa nổi nóng :
- Chẳng tôi ngu dốt lắm sao không biết chuyện đó. Coi thường người ta vừa vừa chứ, đủ thứ chuyện trên đời.
- Tôi làm gì đủ chuyện ?
- Làm gì thì tự biết, đừng có giả bộ.
Nhung tự ái nguýt dài :
- Hừm, người ưa dàn cảnh.
Hòa lớn tiếng thách thức :
- Dàn cảnh gì ? Biết quá rồi, muốn đổi giọng với tôi mà. Muốn gì thì cứ nói trắng ra đi.
- Như vậy là anh muốn chứ không phải tôi, anh muốn gì cứ nói thẳng ra đi.
- Hừm, còn muốn gì nữa, hai đứa con là đủ tiêu chuẩn rồi, thêm chi đứa nữa.
Câu nói của Hòa xác định quá rõ ràng cái bụng bầu này chắc gì của anh. Tính Hòa rất kham con, sao lại phản ứng khi sắp có đứa thứ ba. Hóa ra trong lòng anh có những viên sỏi nhọn mà sống chung bao năm nay không thấy, chỉ mới thể hiện thời gian gần đây. Vậy là trong đầu anh đã có vấn đề, khiến cô càng cảnh giác trong từng cử chỉ lời nói, mặc dù ngoài ra hai người không có điều gì mâu thuẩn.
Cũng may Hòa hay nói vậy rồi thôi, ít khi mặt hờn mặt lạnh nhưng lần này không hiểu sao anh lại không chịu dừng, còn dai dẳng lý sự :
- Lúc nào đầu óc cũng nghĩ tôi là thứ người bê bối vô tích sự. Mỗi người mỗi cách sống khác nhau chứ, đâu phải ai cũng như ai, sống cái kiểu này, phải chờ ngày sinh xong rồi mới tính, nãn lắm rồi.
Hòa nói vậy là cô đã hiểu, cô trả lời ngay:
- Cần gì sinh xong, đã nói rồi không tin thì thôi, đứa con này không phải của anh thì cứ quyết định đi, chưa muộn, sống bao nhiêu năm mà không hiểu tính tình của tôi thì thôi.
- Gần nửa tháng ngoài đó chứ đâu phải ít, tính đi. Một lần bất tín vạn lần bất tin. Từ nay cấm không được về ngoài đó nữa.
Sau đó là búa lua xua những lời gì Nhung không còn nghe rõ, đầu óc quay một vòng ba trăm sáu mươi độ và nước mắt tự do tuôn trào. Thấy Nhung khóc, anh thay áo quần xách xe đi.
Bực mình thì cô nói vậy thôi chứ thật lòng ai mà muốn vợ chồng ly tán, bản tính cô một dạ thủy chung, hai cuộc tình đầy ngang trái đã là quá đủ, Hòa đã mang lại hạnh phúc cho cô với hai đứa con xinh xắn, còn muốn gì hơn.
Cú sốc ở Huế vừa rồi khiến Hòa thấm đau nên còn ấm ức. Nhung dặn lòng phải thận trọng từng cử chỉ với Hòa vì không muốn gia đình xáo trộn, chỉ muốn vui hòa. Cô thầm nghĩ, nếu có một mối tình để mà nhớ tới, thì có gì sai trái? Sao lại cấm được tình cảm của con người. Trong thơ, trong nhạc, thiếu gì những bài gợi nhớ tình xưa, cũng là đáng để trân trọng.
Yêu một người thì nhớ thương muôn thuở, mà người yêu phản bội thì khó mở lòng tha thứ rồi đến chỗ ly dị bỏ nhau. Kiểu này Hòa sẽ nhớ mãi không quên nếu anh là người ích kỷ, thiếu suy xét để nhận ra sự trong sáng giữa cô và An. Tuy vậy, mỗi sáng Hòa vẫn đều đặn chở bé Bi đi học, bé Bin đi nhà trẻ, sẵn mua thức ăn sáng cho Nhung và chở cô đi dạy.
Hình như Hòa biết lời nói hơi chuyên quyền của mình, nhưng việc xảy ra chỉ mới đây, khó mà lắng lòng lắng dạ chứ anh biết Nhung không có tính dễ giải buông lung. Ai gặp phải cảnh này cũng phải nghi ngờ chứ không phải riêng anh, mà anh cũng không nhất quyết một hai. Cũng còn nhiều lý do để khỏi nghĩ oan cho Nhung.
Được hơn một tháng vui vẻ, sáng nay thấy quá giờ mà Hòa vẫn chưa đi làm. Nhung hỏi:
-Sao giờ này anh chưa đi làm?
Hòa ngoắc tay gọi vợ lại gần :
- Em đến đây, anh có chuyện muốn nói.
Thấy vẻ nghiêm túc trên nét mặt Hòa, Nhung hơi lo không biết muốn sinh sự gì nữa đây.
Hòa bắt đầu mở đề :
- Còn lâu mau nữa em sinh?
- Khoảng một tháng.
Im lặng một lúc, Hòa hỏi :
- Em về Huế sinh được không?
Sao Hòa lại có quyết định lạ lùng như vậy, mới đây anh cấm cô không được về Huế, chẳng lẽ quên rồi.
Cô im lặng chờ anh nói tiếp.
- Anh sẽ đi xa.
- Ủa, đi đâu?
Hòa thấp giọng, nhìn Nhung thăm dò :
- Mấy người bạn rủ anh vượt biên.
- Vượt biên à. Rồi anh định thế nào?
- Thấy em gần sinh nên chưa trả lời dứt khoát với người ta, nhưng khi họ chuẩn bị xong, nếu mình muốn đi là phải đi ngay.
- Việc đó tùy anh, nhưng bây giờ nghe nói vượt biên khó lắm, phần bị công an bắt giữ, phần cướp giựt đủ thứ trên tàu. Chưa kể gặp khi gió bão.
- Chuyện đó biết rồi, nhưng nhiều người vẫn đi trót lọt, vấn đề là phải đủ số người trên một chuyến ghe, với một cây vàng. Em có lo được không?
- Thì có tiền bán chiếc xe, lo thêm một ít cũng đủ, nhưng mà anh quyết định chưa?
- Để chờ thời gian xem tình hình thế nào rồi tính.
Chừng một tháng sau thì Nhung chuyển bụng, Hòa vội chở vợ đến nhà hộ sinh. Cô đỡ khám xong nói rằng phải một hai tiếng nữa mới sinh. Nhung biểu anh ra ngoài ăn sáng rồi mua cho cô ổ mì. Khi Hòa về thì cô mụ nói đã sinh xong và đã chuyển phòng, anh mau chân đi nhanh vào phòng em bé:
- Trai hay gái em ?
- Con gái.
- Thôi cũng được, có chị có em chơi với nhau. Để xem có giống bé Bi không.
Nhung mạnh dạn:
- Xem đi.
Hòa buông một câu xanh dờn :
- Nó mà giống ai là anh giết chết em.
Hòa nghiêng xuống gần mặt em bé, cười cười đánh trống lãng:
- Con gái giống cha giàu ba họ. Vừa nói anh vừa ôm cả hai mẹ con trong vòng tay mình rồi hôn nhẹ vào trán bé.
Nhung biết em bé ra đời là lý do để anh dẹp bỏ tự ái, vui cười giải tỏa nỗi niềm bấy lâu, để sau này không còn nhắc nhở chuyện cũ tích xưa. Và đối với Nhung, đây cũng là giờ phút thỏa mái trọn vẹn nhất khi thấy anh vô tư đón nhận hai mẹ con với câu nói “con giống cha…”. Lòng cô ngập tràn hạnh phúc.
Chăm sóc mấy mẹ con tròn một tháng thì đến mùa mưa. Nhung cứng cáp đi ra đi vào được rồi, An nhắc lại chuyện ra đi của mình:
- Một mình em với ba đứa nhỏ như thế này làm sao anh bỏ đi được, rồi ai đưa hai đứa đi học.
- Em cũng định hỏi anh chuyện đó và quyết định không để anh đi trong hoàn cảnh thế này, với lại mùa mưa bão sắp tới.
- Anh cũng nghĩ vậy, không thể bỏ hai đứa lạc lõng ở trường, với lại lúc này công an canh bãi gay gắt quá, nhiều ghe bị bắt, bị nhốt hết nên chưa ai dám hành động. Anh đã nói lại với người ta rồi, hẹn lúc khác.
Nhung chọc quê:
- Cũng biết thương vợ thương con đó chứ.
CHƯƠNG KẾT
Đ ằng đẵng bao nhiêu năm, bỗng Nhung nhận được một lá thư của An gởi đến trường.
“ Nhung, Khi mà em tưởng mọi chuyện đang trôi theo cuộc sống áo cơm và bổn phận rồi quên đi tất cả. Những lần vô Huế, anh có ghé thăm ba mẹ em, biết lâu nay em ít về vì ba đứa con còn nhỏ. Nghe mẹ em nói vậy và anh cũng không hỏi han gì nhiều, để em an tâm lo cho gia đình con cái. Tất cả sẽ lắng dịu theo thời gian.
Từ lần chồng em bắt gặp anh chở em lên ga mua vé tàu, một cuộc chia tay như vậy vẫn còn nhiều điều ngổn ngang chưa nói hết, nhưng anh tự nhủ sẽ không bao giờ khuấy động đời sống của em thêm nữa. Chúng ta không sai, nhưng với Hòa thì anh có lỗi, khiến anh băn khoăn mãi trong lòng, không biết Hòa nghĩ gì về anh. Và em cũng hiểu tâm trạng anh như thế nào khi quay xe trở về một mình, em quay lưng bước lên cyclo với Hòa không một lời từ biệt, hình bóng ấy vẫn mãi trong lòng anh.
Thư này gởi đến em là báo với em một tin, anh sẽ rời khỏi Việt Nam. Chắc em có nghe tin những người học tập cải tạo về, được đi Mỹ theo diện HO. Vài lần cùng gia đình vào Sài Gòn phỏng vấn, anh định ghé Nha Trang thăm em nhưng không được vì nhiều lý do chắc em cũng hiểu. Bây giờ đã có giấy báo rồi, anh đã mua vé tàu đi Sài Gòn ngày thứ năm tuần tới, sáng hôm sau tàu tới Nha Trang. Vào Sài Gòn ở lại nhà người bà con vài ngày rồi lên máy bay đi Mỹ.
Anh có nói với Chi là sẽ ghé Nha Trang vài tiếng, Chi biết là gặp em để chia tay. Chi hiểu tính anh và mến em nhiều nên rất đồng cảm, thường nói:
- Em và Chi - và anh, cùng là Huế với nhau, không nên làm xa lạ.
Anh may mắn có được người vợ có tâm lành. Chi vào Sài Gòn trước anh, vé từ Nha Trang đi tiếp đã mua sẵn.Tàu đến Nha Trang vào sáng thứ sáu, em cố gắng dàn xếp thời gian ra ga gặp anh”.
Hai đứa nhỏ đã đến trường, Hòa đi làm. Nhung xin nghỉ dạy hôm nay. Tàu đến ga Nha Trang. An dẫn theo con gái đi ra cửa chính.
Thấy Nhung, An giới thiệu con mình:
- Đây là bé Hạnh, gái út của anh - An biểu con - Đây là cô Nhung, chào cô đi con.
- Dạ. Con chào cô.
Nhung gật đầu nhận lời chào của bé, xong chỉ tay bên kia đường:
- Chắc là chưa ăn uống gì, ta qua quán cho cháu ăn sáng.
Ba tô phở trên bàn, An gọi thêm hai ly cà phê.
Nhung hỏi :
- Gái út của anh lớn thế này, học lớp mấy rồi?
- Năm nay lớp ba, sinh ở Kinh tế mới. Nhung cười :
- Cũng là tăng gia sản xuất, vượt tiêu chuẩn thi đua. Nhưng mà cần con hơn cần của.
- Nhung cũng ba cháu, nhà trường không nói gì?
- Ngành giáo dục dễ giải hơn, không ai nói gì, còn cho ăn lương cả ba đứa, Hiệu trưởng còn vui vẻ chúc mừng.
Nhung hỏi thêm:
- Vé đi tiếp mấy giờ lên tàu?
- Gần bốn giờ chiều lên tàu, vé có sẵn đây rồi. Bây giờ mình đi đâu đây, bé Hạnh đòi xuống Nha Trang là muốn đi biển.
- Sao mà bé biết có biển trong này?
An cười:
- Mấy hôm gần đây cả nhà hay nói biển Nha Trang đẹp lắm, đứa nào cũng muốn xuống đây đi biển.
Ăn uống xong, An gọi xe thồ trước quán, Nhung đạp xe theo, chừng mười lăm phút đã tới biển, bé Hạnh reo lên:
- Biển ba ơi, biển đây rồi.
Mặt biển bao la lung linh dưới ánh mặt trời, ngoài khơi là những dãy núi thấp cách nhau không xa, trước tầm mắt là vài hòn đảo nhỏ như tô vẽ thêm cảnh đẹp biển Nha Trang. Từng đám mây xanh trôi lơ lững trên nền trời, in bóng xuống biển làm cho mặt nước xanh hơn, ít nơi nào có được.
Nhung chỉ hòn đảo nhỏ trước mắt cho bé Hạnh:
- Kia là Đảo Yến, chim Yến đến đó làm tổ, mình ăn Yến là ăn tổ của nó.
Bé thắc mắc:
- Sao mà ăn tổ của nó được, con chưa ăn lần nào.
An và Nhung nhìn nhau cười. An gỡ rối :
- Thì để từ từ vô Sài Gòn ba mua cho con ăn, trong đó có bán nhiều lắm. Nhung chỉ vài cánh chim chớp cánh lượn vòng trên trời, nói cho Hạnh biết đó là chim Yến.
Ba người đi dọc theo bờ cát, bé Hạnh muốn dẵm chân đùa sóng, An phải cầm tay bé dẫn đi. Mắt anh nhìn mãi cảnh biển, từng lớp sóng theo nhau vỗ vào bờ cát trắng dài hút tầm mắt, xa xa vài dãy núi chắn sóng cho phố biển bình yên, hàng thùy dương nghiêng theo chiều gió. Vẻ đẹp thiên nhiên hữu tình sẽ ghi mãi trong trí nhớ người đi. An hít thở làn gió ngoài khơi thổi vào với tâm thái an lành. Anh nói với Nhung :
- Ở thành phố có cảnh biển đẹp như thế này, không khí trong lành, nhà Nhung gần đây, lúc nào muốn ra biển cũng được. Nhung nói thêm :
- Biển chiều rất vui, công viên biển có nhiều trò chơi cho trẻ nhỏ, nhìn chúng chơi nhiều trò chơi rất vui mắt, và thả diều. Không gì đẹp hơn nhìn những cánh diều bay trên sân biển buổi chiều.
An nói đùa:
- Rồi thả hồn theo cánh diều bay, không chừng thành thi sĩ.
Nhung cười theo :
- Cũng đúng, tinh thần nhẹ nhàng thư thái khi ra đến đây, không còn bận tâm điều gì. Vào mùa nắng, đến khuya biển vẫn còn đông người, trông như mới đầu hôm. Đèn trên tàu đánh cá ngoài khơi sáng lung linh như thành phố nổi.
- Thành phố du lịch mà, ở đây một lúc, thấy khách Tây khách Tàu các nước đi qua đi lại khá nhiều, họ còn tắm dưới kia kìa, anh cũng muốn ở đây luôn.
Nhung đùa theo:
- Vậy là anh quên rồi, sắp lên tàu đi xa còn muốn ở đây luôn thì giữ lấy lời. An cười như hiểu câu nói hàm ý của Nhung, xong cầm tay Nhung và bé Hạnh ngồi xuống. Có vẻ mỏi chân nên bé ngồi phịch xuống cát, hai tay chống ra sau muốn nằm. An vội lấy tấm khăn nhỏ trong xách tay trải ra cho bé.
Ngồi trên cát, dưới bóng dừa xanh, An cầm tay Nhung :
- Lần gặp gỡ hôm nay, được gần gũi như thế này, không thể ngả vào nhau, nhưng cứ nghĩ rằng chúng ta luôn là bóng mát của nhau, không ai phụ bạc ai, chỉ do số phận.
- Anh tin vào số phận?
- Anh tin, và thường tự xoa dịu mình bằng dòng thơ của Paul Verlain “Tình yêu là một khu vườn đầy hoa, nhưng không ai bước vào mà không nhỏ lệ”. Tuy xa cách nhau nhưng trong tâm hồn chúng ta luôn nở những cánh hoa. Thời gian qua, anh và em đã có mái ấm gia đình và sống yên vui, không phân tâm chia trí vì nhau. Không “hắt hiu chờ nhau, xót xa chờ nhau…” như lời ca của Vũ Thành An. Bởi chúng ta không có gì vướn mắc. Phải không?
Nhung gật nhẹ đầu sau câu nói thấm ý thấm tình của An, còn thêm thắt ý thơ lời nhạc, cũng là tâm hồn đa cảm.
An tiếp lời:
- Nay mai sang đất Mỹ, đời sống mới sẽ cuốn theo cả gia đình anh, cũng như em khi trở về với công việc và bổn phận, mọi sự sẽ trôi xuôi giữa bộn bề cuộc sống, không phải bận lòng, đó là điều anh mong muốn ở em.
Nhung cảm nhận như một lời chia tay, nghe lòng lắng dịu, nhưng sóng biển kia vẫn xô bờ, cô trầm ngâm nghe lòng dào dạt.
Chợt nhìn đồng hồ, An vội vàng:
- Gần trưa rồi, nên cho bé ăn để còn đi.
Nhìn lên phía trên, An chỉ tay vào quán ít người.
Ba người bước vào, vài món đặc sản đưa lên bàn. Cầm đũa một lúc, An khen cua mực ngon không kém gì cá mực ở Thuận An.
Anh vừa ăn vừa gợi chuyện :
- Thời gian còn ở lính, vài lần có dịp ngang qua Nha Trang, nhưng không được ở lâu như hôm nay, xe quân sự có ngang qua Tháp Bà, Xóm Bóng, nhưng Lầu Bảo Đại, Hải học viện thì chỉ nghe nói thôi chứ chưa đến được. Không biết có còn dịp trở về.
Nhung thêm nhận xét:
- Phần nhiều người mình qua đó lo làm có tiền gởi về giúp gia đình, họ ít khi về.
An phân tích:
- Nhiều người cả mười năm vẫn chưa thấy về mặc dù họ khá thành công giàu có, đầy đủ nhà cửa xe cộ bên đó, cũng tại công việc làm ăn không thể gián đoạn. Nhưng mà lâu nay Hòa không có ý định đi tìm đất mới?
Nhung trả lời:
- Trước đây anh Hòa định vượt bên với mấy người bạn nhưng mấy đứa con còn nhỏ quá, em thì xa cha mẹ anh em chẳng nhờ cậy được ai nên hoãn lại, sau có nhắc lại vài lần nhưng không có ý định đi.
- Nhung có muốn đi không?
- Không. Biết chấp nhận hoàn cảnh và đời sống hiện tại tạm ổn, vị trí trong xã hội cũng bình thường nên không muốn thay đổi xáo trộn. Anh Hòa biết tính em ngại sóng ngại gió, không mơ không tưởng xa vời, nên không còn nghĩ tới chuyện đó nữa.
- Anh biết tính Nhung không đua đòi, thích cuộc sống giản dị bình thường. Chẳng qua người ta ra đi vì nhiều lý do, ngoài việc bất kể sống chết hàng ngàn người để ra khỏi nước trong trận tháng 4/75, sau này phần đông vượt biên vì họ muốn tìm tới đất nước tự do, nhất là ngụy quân ngụy quyền cũ.
Nhung thêm ý kiến:
- Mười mấy năm nay, thấy chính sách nhà nước có phần thay đổi cởi mở hơn, công nhân viên chức không quá gò bó, dân tình chợ búa mua bán tự do là được rồi. Ở đâu cũng ăn ngày ba bữa.
An tức cười:
- Thôi ăn đi Nhung, em nghĩ quá đơn giản, nhiều người không sống nổi với những thất bại về tiền bạc và chức vị nên họ phải ra đi, cần phải có tự do.
- Đúng rồi, em cũng có nghĩ đến điều đó chứ.
Nhìn sang bé Hạnh, Nhung hỏi – Con ăn no chưa, biển Nha Trang đẹp không?
- Dạ biển đẹp lắm – xong bé quay sang An – mình xuống bắt con cua đi ba.
- Đó là con còng chứ không phải con cua – An nói rõ từng tiếng cho bé Hạnh nghe, rồi cùng cười với Nhung. Cô nói với An:
- Bốn giờ chiều mới lên tàu, anh chưa đi Lầu Bảo Đại và Hải Học Viện, giờ có nên đi không. Lên tàu rồi nghỉ ngơi cũng được.
- Cũng phải đi cho biết, mà có xa không?
- Khoảng năm cây số, xe đạp cứ để đó, về rồi lấy không sao, giờ gọi hai xe thồ để đi.
An trả tiền bàn xong, Nhung mua thêm ít bánh và nước ngọt đem theo. Hai người lên hai xe, bé Hạnh ngồi cùng xe với An.
Đến Hải Học Viện, vừa vào phòng trước là bé Hạnh đã mở mắt há miệng nhìn bộ xương cá voi to lớn dài đến cuối phòng, xong đi qua nhiều bể nước lớn bằng kính trong, đủ mọi loại thủy sản bơi lội trong đó. Bé Hạnh biết gọi tên con rùa con rắn, cá heo cá mập, mà cả An cũng không ngờ loài cá ăn thịt này được nuôi ở đây. Hơn cả ngàn loài cá thể sinh vật, động thực vật biển Đông, mở rộng tầm mắt cả ba người về sinh vật đại dương.
Đi quanh vài vòng xem đi xem lại như được lưu trí tận mắt tất cả loài vật biển giàu ấn tượng. Xong An biểu đi Lầu Bảo Đại.
Hải Học Viện gần Lầu Bảo Đại, chỉ đi bộ một lúc là đến. Lầu Bảo Đại gần bờ biển, trên một ngọn đồi thấp, không nguy nga lộng lẫy như ai vẫn tưởng. Năm ngôi biệt thự từ trước ra sau chỉ một tầng lầu, chung quanh có những hàng cây đủ các loài hoa rợp bóng che nghiêng, mỗi Biệt Thự được đặt tên một loài hoa ( Hoa Sứ, Bông giấy, Hoa Xương rồng, Cây bàng, Phượng vỹ). Trước các khoảng sân là những khu vườn xanh mướt, đủ loài hoa khoe sắc bốn mùa.
Các cửa sổ từ trước ra sau kín đáo theo kiểu dáng thế kỷ trước từ thời Pháp thuộc, sáng chiều đón gió mát lành từ phía biển, đêm về Vọng Nguyệt Nghinh Phong. Nghiêm cật khiêm cung, cao sang quyền quý cho những ai còn hoài vọng một thời Hoàng cung Vua Chúa.
Tầng dưới nhiều phòng được dùng làm phòng Họp, phòng Chiêu đãi quan khách, phòng Giải trí…phòng nào cũng trưng bày trang trí những ảnh tượng mang tính nghệ thuật ấn tượng của Phương Tây và tinh thần Á Đông rất quý phái sang trọng. Tầng trên là nơi nghỉ của vua và hoàng hậu. Phòng nào cũng có chân dung Vua và Hoàng Hậu Nam Phương.
Rời Lầu Bảo Đại hơn ba giờ chiều, về tới ga chuẩn bị chờ tàu tới.
Ngồi ở phòng chờ, An cầm tay Nhung, xúc động:
- Nhung… có lẽ lần chia tay ở đây là lần đưa tiễn cuộc tình mình. Anh đã sắp xếp thời gian để em về nhà kịp với gia đình con cái. Anh sắp khóc đây… Nhớ giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc gia đình nghe Nhung…
Tiếng còi tàu thúc giục khách lên tàu, hai người rời tay, hai mắt chào nhau không lời.
Nhung chờ tàu chuyển bánh mới bước chậm từng bước ra khỏi sân ga, tay đè lên ngực không nén được lòng. Trái tim không phải là sắt đá để không ngậm ngùi trong phút giây này. Lời dặn dò của anh như một lời lưu luyến chia tay.
Trên đường về, Nhung nhớ lại câu nói của An “Tình yêu là một khu vườn đầy hoa, nhưng không ai bước vào mà không nhỏ lệ”. Và cô đã để vài giọt lệ rơi trên đôi má.
Dù An có lòng nhắc nhở cô giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhưng trong lòng cô “Vẫn còn một chút gì để nhớ để thương” trong lời ca tiếng hát còn âm vang đâu đây. Và, cũng là một dấu son điểm trang tâm hồn cho những ai có được tình yêu tuyệt đẹp như An và Nhung./.