G ó là một quần thể gò đồi đa dạng nằm phía tây thành QN. Gò Sa- hình dáng già nua, được dân bàn địa tôn vinh là vị thần bổn mạng xứ Chánh Mông. Vây quanh là những ngọn đồi to nhỏ khác nhau: gò Cát, gò Găng, gò Chay, gò Cô Ba… cùng hướng về sông Đào uốn lượn hiền hòa. Mỗi ngọn gò đồi đều có lai lịch riêng. Gò Cô Ba nhỏ bé và câu chuyện Cô Ba, chốn này ai cũng biết, nhưng tình tiết câu chuyện có thể thay đổi tùy theo người kể.
Trong mưa, nhìn từ núi Chúa của dãy Trường sơn, gò Cô Ba nằm đơn côi ngoài cánh đồng, nhỏ nhắn như dáng hình người thiếu nữ hướng về đại ngàn. Mặt gò phủ một lớp cỏ mượt mà, khỏe khoắn, dân xóm Gò gọi là cỏ Cô Ba.
Nghe đồn gò Cô linh lắm, ban đêm không mấy người dám một mình ngang qua. Chẳng rõ gò đứng đó từ bao giờ, nhưng hỏi những người già nhất trong xóm, ai cũng nói khi lớn lên thì họ đã thấy gò Cô.
Khi Gò Sa hình thành nên thôn xóm, có lý trưởng, hương dịch thì dân ở đây chủ yếu làm ruộng. Và điều đó cũng bình thường vì cuộc mở cõi phương Nam chỉ bu quanh những cánh đồng lúa nước, còn vùng “rừng thiêng nước độc” thì chẳng ai màng. Người nào có nhiều ruộng thì được xem là giàu có.
Ở xứ Gò này, Ba Giám là người đầu tiên đi buôn thượng. Đó là những chuyến hàng mua bán, trao đổi với đồng bào dân tộc trên Tây Nguyên xa xôi. Là dân ngụ cư, chẳng có vai vế trong làng xã nên Ba Giám thường bị chức sắc địa phương coi thường. Ông nhờ bà Loan “mai mối” với cô Bốn Na, con gái Hộ Chín xóm Nghĩa An. Cô Bốn người lùn, mặt tròn, mắt lé cũng ưng ông nhưng nhà bá hộ thì cho là hai gia đình không môn đăng hộ đối, nên chuyện hôn nhân bất thành.
Thường thường vào đầu tháng mùa khô, Ba Giám thuê người đóng thuốc lá, cau khô, muối, đường… thành từng kiện rồi cho ngựa thồ hàng lên cao nguyên, nghe đâu tới tận Ba Tơ, Măng Giang, An khê và xa hơn nữa. Người Gò Sa không thích buôn bán mạo hiểm nên nhìn Ba Giám với con mắt nghi ngờ. Nhưng rồi họ cũng nhận ra rằng ông giàu lên với trầm hương, gỗ quý… Ông tậu mấy đám ruộng nhất đẳng điền ở khu vực ven sông Đào.
Gò Sa là vùng duyên hải bán sơn địa, nối với núi rừng Trường Sơn qua một ngọn đèo cao - nổi tiếng khắc nghiệt với những cơn gió giật bất chợt lồng lên từ trên đỉnh, rồi ào ào đổ xuống chân dốc như con ngựa bất kham – Đèo Eo Gió. Đó là con đường ngoằn ngoèo, chạy ngược lên những dãy núi cao thăm thẳm. Ngọn đèo như cánh cửa rừng bí hiểm ngăn đại ngàn với xứ Gò Sa, vì, bất kỳ ai muốn lên thượng du đều phải qua cánh cửa Gió này.
Một buổi chiều, mặt trời ráng đỏ, người ta nhìn thấy từ trên đèo, Ba Giám đưa về một cô gái trẻ, da ngăm, mắt sáng, tóc quăn . Rõ ràng cô không phải người ở chợ. Hai người nói chuyện với nhau líu lo như chim hót , chẳng một ai ở xóm Gò hiểu họ nói những gì. Có lẽ vì vậy nên dân Gò Sa gọi cô là Ba... Cô Ba trông khá xinh, nhưng không phải cái đẹp của các cô gái vùng chợ. Ánh mắt ngây thơ, dáng người cân đối, rắn rỏi như con nai rừng.
Ba Giám đã lặng lẽ ngắm nhìn cô một mình tắm suối. Giữa thanh thiên bạch nhật, làn nước trong veo in hình người thiếu nữ quyến rũ đến mờ mắt. Thế là bao nhiêu vốn liếng của chuyến buôn lần ấy Ba Giám cho “cháy” hết. Về câu chuyện lạ lùng này, nếu có dịp Ba Giám sẽ kể tường tận cho cả xóm nghe.
Người ta cứ tưởng Ba Giám đưa cô về làm “người ở” trong nhà, nhưng Ba Giám lấy cô làm vợ... Mỗi khi ra khỏi nhà cô xinh tươi trong bộ quần áo mà đám đàn bà con gái cả vùng đều ao ước. Ông kéo nước giếng lên cho vợ tắm; ông cũng kêu “Giàng ơi” mỗi khi gặp chuyện mà ông phải cầu cứu tới thần linh...
Nhưng Xóm Gò không chấp nhận họ. Khi cô Ba thắp đèn, cởi trần xay lúa, giã gạo thì lũ con trai choai choai núp sau hàng rào nhà Ba Giám nhìn trộm, nhưng khi cô ra đường thì chúng ném đá sau lưng. Ở nơi đông người, bọn đàn bà, con gái lườm nguýt cô với ánh mắt không thiện cảm. Nếu Ba Giám được mời đến dự giỗ chạp, tiệc tùng thì phải nghe những lời châm chọc, dèm pha. Cả xóm cho rằng Ba Giám bị bỏ “bùa mê”. Dẫu vậy, cô Ba vẫn là ngọn gió núi mát lành thổi qua cái xóm khô cằn và hủ lậu. Mấy tay thợ cày Gò Sa, sau khi thả bò, nghỉ tay hút thuốc, thường tụ tập bên lùm tre sát bờ sông; vì, đến trưa nắng, cô Ba hay ra tắm trần ở khúc sông này.
Nhưng cô Ba là đứa con của đại ngàn, được nuôi dưỡng bằng sinh khí và tập tục phóng khoáng của rừng. Không có loài hoa rừng nào, dù là hoa bất tử có thể tươi nguyên nếu bị cắt lìa khỏi cội nguồn.
Cô Ba nhớ rừng. Ba Giám dựng một cái chòi cao bằng đá ong trong vườn để khi nhớ nhà thì cô vợ trèo lên chòi mà vọng về núi. Nhưng sự việc không diễn ra như ông mong đợi. Chòi càng cao, cô càng nhớ rừng, nỗi nhớ làm cô héo hắt.
Nhìn cánh chim chiều bay về núi, cô quên sao được ngọn gió xoáy lồng lên như hơi thở của rừng. .. quên sao được ngọn thác trắng từ trên cao ầm ào đổ xuống như lời tự tình của núi …quên sao được ánh lửa đốt rừng chạy dài mấy ngọn đồi khi mùa tỉa hạt bắt đầu… quên sao được con đường mòn băng qua suối nhỏ in dấu chân của lũ làng và thú hoang… và bao nhiêu lễ hội. Nhớ tiếng cồng chiêng, nhớ bước nhảy vòng tròn ngày lễ “Ăn trâu” … lòng cô đau thắt… những tia sáng trong mắt cô cứ lịm dần.
Cô Ba qua thế giới bên kia khi còn trẻ. Ông Ba khóc rồi chôn vợ mình ngay dưới chân gò đá ong. Ông cũng đặt vào phần mộ cô Ba nào gùi, nào rựa, nào cuốc, nào liềm… theo như phong tục đối xử với người ra đi của bộ tộc mẹ cô. Ngày giỗ vợ, ông Ba thắp nhang, khi ông khấn vái thì không ai hiểu những lời ông thì thầm, nhưng mùi trầm đặc biệt lan tỏa bí ẩn, dịu dàng thì mọi người đều cảm nhận. Cô Ba chính là trầm hương, tặng vật thiêng liêng của rừng của núi.
Từ đó Gò Sa có mả Cô Ba. Theo thời gian trên mộ cô xuất hiện một loại cỏ lạ, nhỏ sắc, lan nhanh như điềm báo cô đã thành ma, thành nỗi ám ảnh tâm linh của mảnh đất này. Nghe đồn cô linh lắm, hay hiện về, cởi trần, giã gạo thùi thụi vào những đêm trời tối.
Gió trên Đèo vẫn thổi về Gò Sa nhưng hiền lành hơn so với trước. Các cụ trưởng lão trong xóm Gò nói thế.
Năm tháng qua đi, Gò Sa xuất hiện nhiều tay buôn Thượng như Ba Giám. Họ bán buôn trên rừng dưới biển. Dân xóm Gò không còn xa lạ với những tên người Ba na, Hrê, Gia rai, Cờho… Con đường cái quan từ thị xã lên thượng du, chạy vắt ngang qua Gò Sa đã in dấu chân những đàn voi với những quản tượng đóng khố, vận áo đen có hoa văn màu đỏ, kẻ ngang. Mỗi khi đàn voi qua xóm Gò, thường dừng chân bên đường, các bà mẹ liền ẵm con nhỏ chạy ra, xin quản tượng cho “lòn” các bé dưới bụng “ông” để lấy vía – tín ngưỡng Gò Sa.
Xóm Gò đã khác xưa và những người từ trên núi xuống cũng vậy – tự tin và hiểu biết, bao dung và thực dụng.
Không rõ từ bao giờ và vì sao, dân xóm Gò mỗi khi đi ngang qua đều đắp thêm lên mộ Cô một nắm đất. Có lẽ họ tin Cô phù hộ Gò Sa. Do vậy, lâu ngày phần mộ cô lớn dần thành gò Cô Ba bề thế.
Ma cũng như nghệ thuật, là sự tồn tại đối lập giữa hiện thực và hư vô; rất thực vì chính nó là sự biểu đạt của sự vật và cũng là hư vô, vì nó chẳng đại diện cho bất cứ điều gì cụ thể.
Đây là câu chuyện tôi nghe ông nội kể từ thuở tôi còn bé. Khi tôi trở lại cố hương thì ông đã qua đời, bạn bè cùng trang lứa chỉ còn vài người trong xóm. Gò Cô Ba xác xơ vì thời gian và chiến sự nhưng vẫn đứng sát bờ sông như chứng tích của một thời huyền ảo.