Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

NHATRANG ĐI DỄ KHÓ VỀ


                        

T ôi còn nhớ đó là cái năm tôi đang làm việc ở Nha Trang, tuổi vừa "tam thập" nhưng chưa có gì gọi là "nhi lập". Thế mà tôi đã dũng cảm cưới vợ sau khi đã tung tăng khắp đường phố Nha Trang từ ba, bốn năm rồi. Thực ra, tôi là dân Nam kỳ chính cống, cư trú tại Saigon từ khi tóc còn hớt cua, và giấy chứng sanh được ghi là Gia Định. Đúng ra tôi cũng chỉ là dân nhập cư ở Saigon vì cha tôi xuất thân từ một vùng sâu, vùng xa mang một cái tên nghe qua cũng thấy thăm thẳm rồi. Đó là Xóm Ao thuộc làng hay xã chi đó gọi là Bình Phục Nhì thuở ấy thuộc tỉnh Gò Công, gần Chợ Gạo, hồi xưa còn có chiếc phà kéo bằng tay theo một sợi dây cáp bắc ngang qua con sông.

Nhiều khi tôi ngồi nghĩ nếu cha tôi hồi xưa không dũng cảm "bung" lên Saigon thì giờ này tôi đang vuốt râu chăn dắt mấy đứa cháu nội, cháu ngọai trong khi cha mẹ chúng đang chăm lo việc đồng áng. Đêm đêm tôi phải nghe tiếng nhái bầu ảnh ương kêu râm ran chắc là buồn rả ruột. Vậy là tôi được sinh ra ở Gia Định hồi đó còn là một tỉnh bên cạnh Saigon. Cha mẹ tôi không giàu có gì nhưng cũng đủ nuôi mấy anh em chúng tôi lớn lên, cho ăn học đến nơi nhưng chưa đến chốn, chỉ xàng xàng bậc trung.

Tôi lại có máu giang hồ vặt nên khi đang làm việc tại Saigon, anh chàng sếp tôi người xứ củ sâm rủ tôi đi theo anh ta ra Nha Trang làm việc với mức lương gấp đôi. Tôi ô kê liền. Anh chàng củ sâm này cũng cẩn thận lắm. Anh ta dắt tôi về nhà xin phép cha mẹ tôi và khi được cha mẹ tôi đồng ý rồi anh ta mới chịu dắt tôi ra sân bay.

Nơi làm việc của tôi ở ngay trong phi trường Nha Trang do đó tôi cùng mội vài người bạn cũng từ miền Nam ra thuê nhà trọ ở ngoài phố để dễ dàng đi lại. Năm đó tôi vừa qua cái đốt 24 tuổi. Thành phố Nha Trang lúc bấy giờ có một vẻ đẹp đặc biệt sang trọng, đài các khác thường không như bây giờ hoàn toàn mang vẻ hào nhoáng, lòe lọet của một cô gái quê, có tiền tha hồ trang điềm nhưng không dấu được những đường nét vay mượn của nước ngoài.

Trong phòng làm việc của tôi có mấy người lớn tuổi hơn khoảng ba lăm bốn chục gì đó, phụ trách các phần việc khác nhau. Đặc biệt các vị đó nói được tiếng Anh và tiếng Pháp rất lưu loát. Khi các bác này trao đổi với nhau họ thường chêm thêm khá nhiều tiếng Pháp. Khi đặt chân đến Nha Trang, được gặp những người chung quanh có trình độ như vậy, tôi thấy như đã mãn nguyện cái mộng ước giang hồ lãng tử của tôi.

Đến Nha Trang coi như tôi phải từ giả cái món cá đồng của miền Nam. Ngày nào cũng ăn cá biển. Những ngày đầu tôi thấy khó ăn và bắt đầu nhớ cá đồng. Tôi nhớ cái món cá lóc kho mẹ tôi thường làm. Hình ảnh khứa cá lóc màu nâu sẫm vì đã được tẩm nước màu trước khi nấu, nằm trong đĩa trắng tinh với nước kho đậm đà loang loáng mỡ, điểm dăm ba miếng hành lá trôi lềnh bềnh trong dĩa. Khứa cá lóc kho toả ra một mùi thơm hết sức đặc biệt mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi lại nhớ đến món cá sặc chưng tương. Phải nói rằng các sặc có cái hương vị hết sức đặc trưng của một loài cá sông cao cấp, hoàn toàn không giống một con cá nào khác. Ai đã từng ăn khô cá sặc chắc chắn cũng có ý nghĩ như vậy. Một miếng khô cá sặc kẹp chung với một lát xoài sống, một miếng thịt luộc sẽ làm cho khẩu vị người ta như bị tê cứng lại trong chốc lát rồi mới bắt đầu nhai được. Cá sặc chưng tương lại có một hương vị đặc biệt khác. Mùi vị của tương không làm mất hương thơm của cá mà tạo thành một mùi vị tổng hợp của riêng món cá sặc chưng tương. Tôi cũng lại hồi tưởng đến món cá kèo cùng với câu hát theo điệu Lý con sáo của mấy tay đàn anh trong xóm tự biên tự diễn: "Cá trê kho mặn, cá kèo kho khô. Ôi con cá trê va…à…n…g tôi đem ram ở trong lo…ò…." Hồi còn nhỏ mỗi khi ăn đến món cá kèo kho, tôi thường lấy dao cắt nửa phần đuôi bỏ vô chén cơm của mình trước, vì phần đầu gặp khúc ruột rất đắng, mà khi làm cá kèo không ai bỏ ruột. Nhưng lớn dần tội tập ăn phần đầu, chính cái vị đắng và phần thịt bụng mềm mềm, beo béo đã hấp dẫn tôi riết rồi quen và cảm thấy ghiền. Từ đó về sau khi đụng món cá kèo tôi luôn luôn bụp nguyên con bỏ vô chén cơm để ăn dần.

Nhưng thời gian dần trôi, giống như cái chuyện tôi tập ăn cá kèo hồi xưa, bấy giờ tôi cũng tập ăn cá biển. Lâu dần tôi đã cảm nhận được cái hương vị đậm đà của cá biển. Người dân Nha Trang hầu như ăn toàn cá biển và đặc biệt là cái món cuốn bánh tráng. Cá canh cũng cuốn, cá nướng cũng cuốn rồi cá hấp cũng cuốn luôn với các lọai rau sống, chấm với món nước mắm của chính những người đi biển làm thì không còn món nước chấm nào trên đời có thể qua mặt được. Đặc biệt người ta còn lấy bánh tráng đã nướng qua đem nhúng nước rồi lại cuốn với cá, với mực. Nói đến mực thì không thể quên cái món mực ống dồn thịt cuốn bánh tráng. Mực ống mới bắt lên dài chừng mười lăm phân, làm sạch dồn thịt bằm rồi đem hấp. Nồi hấp vừa mở ra bốc khói nghi ngút, những con mực trắng tinh, nằm sắp lớp, đầy vẽ khêu gợi và quyến rũ. Ông chủ nhà vừa sấp mực ra, vừa nuốt nước bọt.

Một người đàn anh trong sở làm lớn gần gấp hai tuổi tôi chạy chiếc Vespa Super, người to con, phốt pháp nhưng có cái tên khiêm tốn là Bé. Tôi thường gọi là Anh Bự. Anh thường rủ tôi về nhà nhậu cá tươi với lý do là "Hôm nay tụi nhỏ mới đem về một mớ cá ngon". Thực ra, anh Bé có một ông anh kế sở hữu hai ba chiếc ghe câu. Chiều nào ghe về, mấy bông bạn biển thường lựa ra mấy con cá qúy hiếm, nhưng chưa vô sách đỏ, đem lại nhà anh làm rồi ráp vô nhậu. Tôi thường có mặt tại những buổi nhậu đó. Có lần, mấy ông bạn biển mang về được mấy con cá Bò Hòm mà họ cho là vô cùng qúy hiếm vì chúng thường bơi sát đáy biển nên ít khi bắt được. Hỏi tại sao có cái tên ngộ nghĩnh như vậy. Họ cho biết lọai cá này thuộc giống cá Bò nhưng thân mình không dẹp mà lại có hình khối chữ nhật dài dài chừng hai tấc, bầu bầu giống như chiếc… quan tài. Vì vậy mà họ gọi là cá Bò Hòm. Từng em cá được gắp ra dĩa bốc khói nghi ngút. Ông bạn tôi lấy con dao nhỏ kê lên sóng lưng chẻ một con cá ra làm hai. Thịt của cá trắng tinh. Ông bạn tôi giục: "Chú mầy làm một miếng cỏi". "Cỏi" là tiếng địa phương thay vì nói "coi". Tôi hươi đũa chỉa liền một miếng bỏ vào miệng mà quên rằng còn nóng quá. Tôi phải chu cái miệng lại thổi phò phò cho nguội bớt rồi nhai từ từ. "Quá đã! quá đã!" Tôi khen liền miệng. Thịt của cá hơi dai hơn các lọai cá thường và có sớ to gần giống như thịt gà. Đặc biệt cá có một mùi "thơm" của… biển. Từ đó tôi cuốn bành tráng liên tục đến nỗi anh bạn tôi phải nhắc nhở: "Diệt mồi hơi nhiều rồi nghe!"

Đến Nha Trang phải thưởng thức một chuyến picnic ở đảo. Một sáng Chủ Nhật anh bạn tôi trưng dụng một chiếc ghe có sẵn cùng với mấy ông bạn biển. Anh bạn tôi hú thêm mấy người bạn khác cùng làm trong sở. Tất cả chúng tôi xuống ghe bắt đầu cuộc hành trình. Chúng tôi đến Bãi Chủ sau khoảng bốn mươi lăm phút ngồi lắc lư trên chiếc ghe câu. Tiếng máy nổ phịch phịch cũng làm cho tôi có một cảm giác xa lạ. Bãi Chủ ngày xưa rất hoang sơ, phía sau bãi biển là núi đá và rừng chồi. Bãi biển có sẵn tự nhiên không hề có nhà chòi, lều và ghế nằm như bây giờ. Chúng tôi thay đồ tắm nhảy xuống nước lội vô vì ghe không đậu được sát bãi tắm. Khi chúng tôi vào đến bờ thì chiếc ghe câu cùng với mấy người bạn biển tiếp tục rẻ sóng đi về phía xa. Tôi nhìn theo đến khi chiếc ghe đi khuất sau một mõm đá, tôi mới bắt đầu bơi. Khoảng một giờ sau, chiếc ghe câu quay trở lại chỗ chúng tôi đang tắm. Lúc đó vào khoảng tháng tư nên mặt biển rất yên như mặt hồ, không có sóng lớn. Chỉ hơi gợn nhẹ lăn tăn mỗi khi có một làn gió thổi đến. Mấy ngươi bạn biển đã vận chuyển nồi niêu xoong chảo và một vài thùng giỏ lỉnh kỉnh khác vào bờ. Họ bảo chúng tôi tiếp tục bơi lặn để họ "làm việc". Tôi trở xuống biển nhưng vẫn ngoái cổ lại để xem mấy ông này "làm việc" ra sao.Tôi thấy họ lấy đá làm ông táo và kê một cái nồi rất lớn lên trên, rồi lấy củi khô đưa vào bếp đun. Có người bày một đông củi bằng nhánh cây khô rồi đố lên cho cháy thành thanh sau đó kê những con cá vừa bắt được lên lớp than hồng để nướng. Mùi cá với các lọai gia vị được ướp bay lên thơm phưng phức. Hỏi ra mấy người bạn biển chỉ bắt được sáu bảy con cá Bè chi đó. Cá Bè là tên một loài cá ở biển chứ không phải là cá nuôi trong bè. Lọai cá này cũng giống cá chim nhưng lớn và dài hơn nhiều. Chiều dài từ đầu tới đuôi khoảng 6 tấc, chiều cao cũng tròm trèm 3 tấc. Tất cả chỉ có hai món. Đầu tiên là món cá nướng cuốn bánh tráng. Mấy ông bạn biển rất chu đáo, chuẩn bị đầy đủ tất cả gia vị, sau sống các lọai, nước chấm, chén đĩa đủ hết, và bia thì bao la. Mấy anh em chúng tôi từ Saigon lần đầu tiên ra Nha Trang ăn được bữa cá nướng thật tuyệt vời. Bây giờ tôi còn nhớ cái mùi thơm của miếng tỏi cháy xém cùng với miếng cá nướng tôi nhai ngồm ngoàm trong miệng. Tôi làm một hơi năm, sáu cuốn và tu hết mấy lon bia rồi chuyển sang nếm món cháo cá. Một ông bạn biển giúp tôi múc cháo. Nhìn vào nồi tôi không thấy cháo đâu cả chỉ toàn những khứa cà Bè nằm đầy trên mặt. Ông bạn biển phải lấy cái vá dài cán đùa cá qua một bên mới múc được cháo và vớt ra cho tôi hai khứa cá để trên miếng là chuối. Tôi có thể hiểu được rằng nồi cháo dù to bằng nồi nước lèo ở tiệm hủ tiếu nhưng với số lượng cá như thế thì làm sao cháo không ngon được. Tôi vừa thổi vừa húp, mùi vị tiêu cay nồng, nước mắt chảy ràn rụa, hơi nóng bốc lên làm mờ cặp kính cận thị làm tôi phải lau đi lau lại mấy lần.

Mặt trời dần dần "ngả về Tây", chúng tôi gom góp "đồ tế nhuyển" đưa ra ghe câu trờ về hướng Nha Trang…

Bên cạnh cơ quan tôi là một sân tennis đạt tiêu chuẩn một sân tỉnh lẻ nhưng chung quanh hàng rào phủ đầy dây leo của hoa ti-gôn trông rất đẹp. Nhờ tình hữu nghị thắm thiết của hai cơ quan nên chúng tôi cũng được sử dụng sân tennis này để thi đấu và… cá độ nho nhỏ chơi. Một anh bạn khác cũng xấp xỉ tuổi anh Bự, quê ở Phan Thiết, đem cả vợ con ra Nha Trang làm việc. Anh này rất mê tennis và cũng hay rủ bạn bè về nhà nhậu rượu Tây. Anh có biệt tài thuộc lòng ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu Kiều. Mỗi khi vô được vài cái "cồng-xôm" anh kể chuyện Kiều và đọc thơ Kiều. Anh cũng hay pha trò bằng cách đọc lên một hai câu Kiều tương ứng với hành động của những người chung quanh đang làm. Chính anh đã đọc hai câu Kiều khi thấy mọi người gom góp đồ đạc đem lên ghe ra về:

"Đồ tế nhuyển của riêng tây  
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham."

Ra sân tennis khi anh Bự tạt một quả vào góc, quá khó khiến anh bó tay, nhưng may mắn cho anh là banh lại ra ngoài, anh đắc chí ngâm:

"Dễ dàng là thói hồng nhan,  
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều."
….

Khối lượng công việc của tôi nhiều thêm khi sếp yêu cầu tôi đảm trách công việc phát lương cho toàn cơ quan gồm khoảng hai chục người. Cuối mỗi tháng tôi ra Kho Bạc lãnh lương về phát lại cho nhân viên và cho cả sếp. Thế là tôi có cơ hội quen "cô ấy". Tôi thích làm quen với cô ấy vì lý do đơn giản là cô ấy rất… "giản đơn", hồi xưa gọi là giản dị và nghiêm trang. Thực ra công việc của tôi lại liên quan đến hai cô nhân viên khác ngồi bên cạnh cô ấy. Chính hai cô này trực tiếp đưa tiền ra cho tôi mang về phát lương. Hai cô nàng này diện hết ga, một cô thì xinh xắn nhưng đã có bồ rồi. Còn cô kia thì cái bề ngang hơi quá khổ, có phần tròn trịa và hai cái răng cửa khá to nên miệng cô lúc nào cũng há ra như đang tặng ai đó một nụ cười. Một ngày nọ, lấy lý do đến hỏi mandat lương, tôi mua sẵn một gói xí muội rồi đến ngay cửa sổ ghi-sê của cô ấy. Thấy có bóng người, cô ấy nhìn lên, dừng tay đếm những tờ giấy bạc. Tôi cất tiếng trước:

- Chào Cô.

- Chào Ông. Cô ấy nói nhỏ nhẹ

Tôi tấn công liền, xé gói xí muội ra, đẩy vào cửa sổ ghi sê:

- Mời Cô ăn xí muội.

Tôi thấy cô ấy cười rất tươi đưa tay nhón lấy một quả. "Cám ơn".Tôi chuyền sang hai cô bên cạnh. Cô tròn trịa chộp lấy gói xí muội. "Tịch thu hết". Tôi nói nhẹ nhàng: "Cứ tự nhiên, xin mời".

Thế là chúng tôi quen nhau. Qua ngày hôm sau tôi lấy hết can đảm viết cho cô ấy một cái thư nói rõ cái profile của mình và chuyển đi theo đường công văn để không bị thất lạc, lại không tốn tiền tem. Không đầy một tuần sau, vào một buổi sáng đẹp trời, ông nhân viên văn thư trao cho tôi thư hồi âm của cô ấy. Oào! Oào! Tim tôi lúc bấy giờ hình như đã lạc nhịp, lạc phách. Nhìn bì thư trắng tinh, ghi dòng chữ của tên tôi được viết một cách năn nót, đầu đặn. Tôi cẩn thận lấy kéo cắt cạnh bì thơ để lấy lá thư bên trong ra đọc. Tôi liếc qua một cái vèo là hết ngay lá thư ngắn ngủi, chỉ khoảng hai phần ba trang giấy học trò. Tôi hết sức vui mừng vì cô ấy đã đồng ý cho tôi làm quen và cho tôi biết sơ bộ về profile của cô. Hoá ra cô ấy là người Huế, theo gia đình vào Nha Trang từ năm lên bẩy. Nhà ở trong khuôn viên Kho Bạc vì Ba của cô cũng đang làm việc tại cơ quan này. Tôi không còn biết làm gì hơn là lấy giấy ra viết một bức thư hồi âm. Ròng rả thư đi thư lại gần một năm trời. Nhiều lần tôi mời cô ấy đi uống cà phê, xem ciné, hay ăn sáng, ăn trưa, ăn tối gì cũng không được, bởi vì ông già vô cùng khó tính, canh giữ con gái như người ta canh giữ tử tù. Khuôn viên Kho Bạc lại kín cổng cao tường. Sau cùng, tôi quyết xuất chiêu của ông vua Napoléon, gửi tối hậu thư cho cô ấy. Trong thư tôi đã rao Nam rao Bắc, vòng vo tam quốc một hồi rồi kết luận là muốn cưới cô ấy và yêu cầu trả lời gấp. Hai ngày sau cô ấy trả lời rằng "Ông già cần gặp". Tôi biết đây là cú interview gay go nhất trong đời. Tuy nhiên trời thương, tôi đã pass lần interview đó. Hai tháng sau chúng tôi làm đám hỏi, và rồi như người ta đã nói hễ đầu xuôi thì đuôi lọt, ba tháng sau đám cưới của chúng tôi được cử hành. Một ngày của tháng bẩy.

Nha Trang, đi dễ khó về…




VVM.12.7.2023 - NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .