H àng ngày, hay có bận bịu mấy thì ít nhất là ngày Chủ Nhật, người Thiên chúa giáo vẫn đến nhà thờ xem lễ để ngợi khen Chúa. Trong buổi lễ luôn có phần đối đáp: “Chúa ở cùng anh chị em”, “Và ở cùng cha”, để nhắc nhở nhau rằng tất cả mọi người đều có Chúa ngự ở trong lòng.
Nhưng có bao giờ mỗi người Thiên chúa giáo tự hỏi: Làm thế nào để lòng ta xứng đáng cho Chúa ngự? Hay nói rõ hơn: những việc nào làm cho Chúa không thể ngự ở trong lòng chúng ta nữa để xa lánh?
Thật vậy, Chúa tượng trưng cho những gì cao cả, trong sạch, thánh thiện, bác ái. Cuộc đời của Chúa là sống và chết cho mọi người. Như thế, để có thể mang hình bóng của người,
Lẽ nào chúng ta sống ngược lại và coi việc đi nhà thờ là cách duy nhất để thể hiện lòng yêu thương chúa để cầu xin, để mong về thiên đàng, mà quên rằng còn vế thứ hai trong phần tóm tắt của 10 điều răn cũng quan trọng không kém là “Yêu người”, vì chắc chắn thiên đàng không có chỗ cho người chỉ có Kính Chúa mà không Yêu Người, bởi “Chúa ở cùng anh chị em”, tức là mỗi người đều có mang hình ảnh của Chúa, do đó, Yêu Người tức cũng là Yêu Chúa. Tình yêu thương Chúa và tình yêu người, cả hai đều phải cân bằng với nhau mới thật sự là người Thiên chúa giáo sống theo lời Chúa, và phải chăng, nếu chúng ta không sống và không cư xử với nhau giống như người mang hình ảnh của Chúa, nhìn người khác cũng mang hình ảnh Chúa, thì những lời nhắc nhở đó chỉ là hình thức cho có mà thôi, rời nhà thờ thì đâu lại vào đấy!
Bên Phật giáo cũng thế, người Phật Tử có hạnh “thường bất khinh Bồ Tát” cần làm, để nhắc nhở phải kính trọng mọi người, vì tất cả đều là những vị Phật trong tương lai, đều mang chứng tử của Phật trong tâm. Như vậy, phải chăng, dù lý thuyết của hai tôn giáo có vẻ khác nhau, nhưng lại cùng gặp nhau ở cách thức nhắc nhở con người hãy đối tốt với nhau hơn, vì Chúa hay Phật thì ở xa, nhưng con người với con người thì hàng ngày, gặp gỡ, tiếp xúc với nhau. Hai tấm gương hiện rõ: Một Thiên Chúa sinh ra nơi hèn hạ, sống và chết vì tình yêu thương, để giáo dục con người hãy biết yêu thương. Một Thái tử từ bỏ ngai vàng, sống một đời đạm bạc cũng để làm gương cho con người đừng đắm mê vào vật chất phù du vì “Thế gian là cõi tạm”, “Cuộc đời là Vô Thường”! Nếu chúng ta luôn nhớ lời nhắc nhở đó để đừng tham lam, ích kỷ, mà bao dung, yêu thương nhau thì “Ở đâu có tình yêu, ở đó có Thiên Chúa”, cuộc đời có phải là tốt đẹp thêm bao nhiêu.
Một bên dùng nghi lễ “Rước Mình Thánh Chúa” để con người được “Hiệp làm một với Chúa”. Một bên nói rằng Phật Tánh sẵn có trong mỗi người, chỉ cần trừ đi Tham, Sân Si là sẽ hiển lộ, phải chăng cả hai tôn giáo đều muốn con người trở nên trong sạch, thánh thiện hơn. Nếu con người sống đúng với Phật Tánh hay với Chúa ở trong họ, thì chẳng phải trần gian này là thiên đường hay niết bàn đó sao, cần gì đợi chết mới được về? Nước Chúa hay Phật quốc cũng được diễn tả là nơi an lạc, thanh tịnh, thánh thiện, thì làm sao Chúa hay Phật có thể ngự trong những tâm địa đen tối, xấu xa… Cho nên đâu thể chỉ bằng vào lời cầu nguyện hay tụng kinh cho nhiều mà vào được, mà phải thanh lọc tâm hồn mới xứng đáng là nơi Chúa hay Phật ngự.
“Cây nghiêng bên nào thì đổ bên đó”? Sống sao, chết vậy. Cuộc sống của chúng ta thể hiện những gì ta đang mang ở trong lòng. Nếu lòng ta có Chúa ngự, ắt là ngôn ngữ, cử chỉ không thể bất cẩn và hành vi của ta cũng thể hiện điều đó. Nếu ta nhìn người khác như họ cũng mang hình ảnh của Chúa hay Phật, ắt ta cũng không thể ngạo mạn, khinh người…. Cho nên, chỉ cần người Công Giáo và người Phật Tử áp dụng lời Chúa, lời Phật trong cuộc sống hàng ngày ắt xã hội sẽ đổi khác, vì nếu trước mặt ta là Chúa, là Phật hẳn ta đâu có rút hung khí, đâu có nặng lời, mà cung kính hoặc ít ra cũng lịch sự hơn khi tiếp xúc, và thay vì tìm cơ hội để lừa nhau, ta sẽ giúp nhau, nâng đỡ nhau, chia sẻ cho nhau bớt những khó khăn để mọi người cùng được hạnh phúc trong kiếp sống ngắn ngủi này, và ở một phạm trù rộng lớn hơn sẽ không có những việc manh động, chiến tranh, tàn sát nhau diễn ra. Phải chăng đó là điều mà cả hai vị sáng lập tôn giáo vẫn mong mỏi khi mang giáo lý cao cả đến với cõi tạm này, vì hòa bình, hạnh phúc làm sao đến được khi con người không nhìn nhau như đối diện với Chúa hay Phật mà lại thấy đó là đối thủ cần cạnh tranh, cần thóa mạ, cần tiêu diệt?!
Bên phía Đạo Phật cũng có câu:
“Dẫu xây chín bậc phù đồ,
không bằng làm phúc cứu cho một người”
hay
“Tham, sân, thương, ghét không chừa.
Bo bo mà giữ tương dưa ích gì”!
Đức Bác Ai, Tâm Từ Bi luôn được hai tôn giáo đề cao. Chắc chắn đó không phải đó là sản phẩm độc quyền của Chúa hay Phật, mà mỗi chúng ta, những người con của Chúa, của Phật cần phải làm theo để xứng đáng là con của các Ngài, vì tại sao phải đợi đến nhà thờ mới chịu “nâng tâm hồn lên”, mới chịu “hướng về Chúa” mà từng ngày, từng giờ chúng ta không làm điều đó ? Một Chúa Giê-Su, dù bị hành hình thân thể tan nát vẫn “Xin Cha tha thứ cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”, và dạy đệ tử “chìa thêm má kia cho đối phương khi bị tát”! Một Đức Thích Ca xem Đề Bá Đạt Đa là người luôn tìm cách hại Ngài là tha y, và nhờ đó mà Ngài đã tiến bộ trên con đường tu, dạy đệ tử phải hành hạnh Nhẫn Nhục, lớp chúng ta tự xưng là đệ tử của các Ngài mấy ai đã chịu làm theo? Cho thấy chúng ta lý thuyết thì vanh vách nhưng phần thực hành thì quá yếu, trách sao chiến tranh qui mô nhỏ lớn vẫn triền miên diễn ra! Vì thế, cả một đời đi chùa, đi xem lễ, đọc Kinh ắt hẳn không thể có công đức cho bằng một ngày áp dụng lời Chúa, lời Phật trong cuộc sống, vì nó thực tế, vừa lợi mình, lợi người, vừa sống đúng với Phúc âm, với Đạo pháp, vì không còn có những hận thù, đố kỵ, nhỏ nhen, mà chỉ còn lòng yêu thương, qúy trọng nhau thôi. Không phải ai cũng đủ tài, đủ đức để gánh vác việc xã hội, nhưng ước gì mọi người chỉ cần áp dụng lời Chúa, lời Phật vào cuộc sống hàng ngày thì có lẽ không riêng ta và đối tượng, mà cả xã hội đều được hưởng thành quả, vì ít nhiều cũng góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn vậy