Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

THĂM ĐỀN TẢN VIÊN


                        

T ừ bao đời nay, núi Tản Viên huyền thoại quanh năm mây trắng bao phủ vẫn nằm soi bóng bên dòng sông Đà...

Sông Đà vào mùa xuân hiền hòa và duyên dáng như cô gái Việt cổ yếm thắm lụa đào. Cảnh sắc thơ mộng yên bình trong tiết trời xuân khiến Ba Vì chẳng khác chốn bồng lai tiên cảnh nơi hạ giới...

Tôi đang ở mảnh đất của núi Tản - sông Đà, nơi mà thi sĩ Nguyễn Khắc Hiếu- một nhà thơ nổi danh của thời kỳ Thơ mới đã sinh ra và lấy đó làm biệt danh cho mình: Tản Đà. Ông đã có bao vần thơ tuyệt bút viết về chốn quê này...

Sóng gợn sông Đà con cá nhảy
Mây trùm non Tản cái diều bay

Ngọn Tản viên là ngọn cao nhất của dãy núi Ba Vì.

Trong Chiếu dời đô, vua Lý Công Uẩn có câu viết về kinh đô mới như sau: "tiện giang sơn hướng bội chi nghi"- tức là: nhìn sông tựa núi... Kinh đô Thăng Long nhìn ra dòng sông Cái- tức sông Hồng, và tựa núi, nghĩa là tựa vào hai dãy núi Ba Vì, Tam Đảo - đó là những dãy núi linh thiêng của người Việt tự cổ xưa.

Nhắc đến Tản Viên, bất cứ ai là người dân Việt đều không thể quên câu chuyện truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh kể về cuộc chiến đấu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh để giành lấy công chúa Mị Nương. Câu chuyện tôn vinh sự mưu trí, tài giỏi của thần Sơn Tinh trong việc trị thủy- một sự nghiệp gian nan của cha ông ta trong quá trình dựng nước... Nhưng ắt hẳn chưa nhiều người biết về thân thế của thánh Tản Viên- vị đứng đầu trong Tứ bất tử của Thần điện Việt Nam, vị thường được gọi là thần Sơn Tinh, một trong những người Anh hùng văn hóa đáng tự hào của mọi thế hệ con dân nước Việt chúng ta...

Theo một truyền thuyết, thần Sơn Tinh được sinh ra ở động Lăng Xương, nay thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đứng từ núi Tản nhìn sang mảnh đất bên kia bờ Sông Đà chính là vùng đất Lăng Xương.

Truyện kể lại rằng, ngày xưa ở vùng đất Lăng xương có một cặp vợ chồng nọ, tuổi đã ngoại ngũ tuần mà chưa có con. Một ngày, người chồng vào rừng kiếm củi và gặp một vị thần hiện lên mà rằng “Nhà ngươi phải chăm lo tu nhân tích đức, gắng làm việc thiện và đem di cốt của Tổ phụ mà an tang trên sườn núi Tản, không bao lâu sẽ sinh được quý tử và làm rạng danh gia tộc”. Sau khi nghe thần núi mách bảo, về nhà bà có thai. Sau 14 tháng mang thai, bà hạ sinh được một con trai, đặt tên là Nguyễn Tuấn. Năm Nguyễn Tuấn lên 6 thì cha là ông Nguyễn Cao Hành qua đời; đến năm Tuấn lên 12 thì mẹ là bà Đinh Thị Đen cũng qua đời. Cùng năm đó người chú và thím ruột của Tuấn cũng qua đời để lại hai người con trai con nhỏ tên là Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Hàng ngày ba anh em vẫn bơi qua sông, lên núi Tản Viên kiếm củi. Đến mùa nước lên, ba anh em không thể qua sông kiếm ăn, vì thế họ quyết định chuyển hẳn nhà sang chân sườn núi Tản để ở. Trên nền đất của Động lăng Xương- nơi thần Sơn Tinh được sinh ra, nhân dân trong vùng đã lập điện thờ cha mẹ ngài để tưởng nhớ công ơn sinh thành nên một người con kiệt xuất, có công giúp dân trừ nạn giặc nước. Tiền đường đặt thờ ba pho tượng. Pho tượng lớn chính là hiện thân của mẹ ngài, bà Đinh Thị Đen; hai bức tượng ngồi là hiện thân của ngài – thần Sơn Tinh và vợ ngài – công chúa Mị Nương. Ban thờ bên phải là ban thờ cha ngài; ban bên trái là thờ Dưỡng mẫu của ngài – bà Ma Thị Cao Sơn. Hàng năm cứ vào dịp xuân về, nhân dân đến chiêm bái khu di tích Tản Viên thì đều qua sông sang đền Mẫu Lăng Xương để dâng hương lên đức thánh Mẫu. Bên ngoài cửa đền còn lưu giữ nhiều dấu tích của bà trong kỳ sinh nở. Dấu chân, dấu tay, của bà còn hằn sâu trên trên phiến đá, cho thấy sự đau đớn, vất vả của người mẹ khi sinh con.

Nhưng Lăng Xương cũng chính là nơi mà theo một truyền thuyết khác, được truyền tụng nhiều hơn, bà Âu Cơ - người Mẹ Việt đầu tiên của giống nòi đã chia tay với 50 người con đi xuống biển theo cha Lạc Long Quân, và đưa 50 người con lên núi cùng mình... Phải chăng, truyền thuyết ở vùng Lăng Xương đã đời thường hóa bà Âu Cơ thành bà Đinh Thị Đen? Và phải chăng Đức thánh Tản Viên như vậy sẽ là một trong năm mươi người con đi theo Mẹ Âu Cơ? Các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ còn tiếp tục tìm hiểu nữa về truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy tinh gắn với sự tích trăm trứng và thời đại Hùng Vương... Nhưng có điều ta có thể chắc chắn rằng: tục thờ Mẫu từ ngàn xưa của dân tộc ta cũng đã bắt đầu từ chân núi Tản linh thiêng này...

Ngôi nhà mà ba anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng, Nguyễn Hiển ở sau khi vượt sông, ngày nay được gọi là đền Hạ thuộc xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Nhân dân xây dựng ngôi đền này để tưởng nhớ những công ơn to lớn của ngài khi còn sống. Ngôi đền hạ nằm bên sông Đà. Bước qua cổng tam quan là một khoảng sân nhỏ, dưới tán cây cổ thụ là một con Sấu Đá đang ở tư thế trầu vào đền. Nhà Tiền tế là một ngôi nhà 3 gian tường hồi bít đốc, thiết kế đơn giản. Chính giữa nhà Tiền tế bài trí tượng bốn vị Thần Quan. Ngoài ra còn có hai con ngựa gỗ và hai con voi đá cũng được bài trí tại đây. Qua nhà tiền tế là hậu cung. Chính điện là nơi thờ tam vị đức thánh tản, chính là 3 anh em Nguyễn Tuấn, Nguyễn Sùng và Nguyễn Hiển. Gian bên trái là tượng của dưỡng mẫu – bà Ma Thị Cao Sơn.

Trước kia, cứ mỗi dịp xuân về, người dân nơi đây lại tổ chức lễ rước thánh rất long trọng vào chính ngày sinh của đức thánh Tản – ngày 15 tháng Giêng. Nhưng nhiều năm qua, vì nhiều lý do mà những nghi lễ trang nghiêm này bị lãng quên. Tới năm 2010, nhân dân và chính quyền nơi đây lại họp sức, đồng lòng quyết tâm xây dựng lại một lễ hội truyền thống vào đúng ngày rằm tháng Giêng.

Rời đền hạ, tôi lên đền Trung, nằm trên lưng chừng núi Tản Viên, khoảng cốt 600. Đền Trung được người dân nơi đây truyền tụng là chốn hết sức linh thiêng. Trước đây, không có đường cho xe lên, chỉ có đường mòn, người dân phải đi bộ. Bây giờ thì ô tô, xe máy đều có thể lên được tận nơi. Đứng ở đền Trung, phóng tầm mắt ra xung quanh là những ngọn núi với mây trắng bồng bềnh ôm ấp, phía trên là bầu trời xanh thẳm – cảnh sắc như một bức tranh lụa tuyệt tác. Không gian nơi đây dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, mang một không khí tĩnh mịch vô chừng, tưởng như có thể nghe thấy cả tiếng lá rơi, tiếng gió thổi... Quần thể đền Trung xưa kia rất tráng lệ, được xây dựng ơ chính nơi mà xưa kia Tam vị Thánh Tản - tức ba anh em họ Nguyễn tập chú thuật cùng với Dưỡng mẫu là bà Ma Thị. Nhưng do thời gian và chiến tranh tàn phá, đền bị lãng quên, và hiện nay đang được từng bước tu sửa lại. Gian giữa hậu cung – nơi uy nghiêm nhất trong đền – bày trí 3 pho tượng là hiện thân của tam vị đức thánh Tản... Trở lại với câu chuyện truyền thuyết, sau khi ba anh em đức thánh Tản lập nhà dưới chân sườn núi, thì hàng ngày đều lên núi kiếm củi, khai hoang. Một ngày, ba anh em được một người phụ nữ trên núi nhận làm mẹ nuôi – bà tên là Ma Thị Cao Sơn. Bà đã truyền dạy cho 3 anh em họ các chú thuật và phép thiền định. Ba anh em tiếp thu rất nhanh, không chỉ giỏi các chú thuật mà ba anh em còn được học các môn như Binh pháp, y pháp và các nghề thủ công, đặc biệt là việc trị thủy, trồng lúa nước và nuôi tằm dệt lụa. Dấu vết của nghề dệt lụa vẫn còn được lưu giữ tại làng Cổ Đô dưới chân núi Ba vì... Trải qua 6 năm học tập chuyên cần, ba anh em họ Nguyễn đã tới lúc trưởng thành. Một hôm bà Ma Thị cho gọi ba anh em lên mà dặn rằng: “ Nay các con đã trưởng thành, các pháp ta cũng đã dậy xong, núi này thuộc Kim Sơn, nguồn dương khí chốn trời Nam, rất thích hợp cho các con cư trú. Còn ta sẽ về Hương sơn để khai tràng thuyết pháp. Nay các con là đệ tử của ta, phải khuông phù đạo ta, chăm lo cho dân, giữ cho dân chúng trời Nam được hưởng thái bình.” Nói rồi bà bay đi. Kể từ đó, ba anh em chuyên tâm chăm lo, dạy dỗ dân chúng, chữa bệnh dạy học cho dân. Kể từ đó, nhân dân kính trọng và tôn 3 anh em ngài lên làm Thủ Lĩnh, cai quản dãy núi Ba Vì.

Hàng năm, rất đông dư khách thập phương vẫn lữ lượt kéo đến chiêm bái, cầư an tại đây. Qưần thể đền Hạ và Trung còn được gọi là Tây cung hay là chính cung thờ thánh Tản Viên.

Cách đền Trung khoảng 300m, ở cùng độ cao cốt 600, nhân dân nơi đây đang tôn tạo lại chùa Tản Viên. Chùa được đặt ở một địa thế tuyệt đẹp, lưng dựa vào núi, trước mặt là dòng sông Đà uốn khúc chầu vào.

Khác với kiến trúc của các ngôi chùa cổ ở đồng bằng Bắc bộ với cổng tam quan, với quần thể chùa được thiết kế theo hình chữ tam hoặc chữ công, chủ yếu dựa trên chất liệu gỗ; chùa Tản Viên lại mang trong mình dáng dấp của một thiền viện; vòm mái xây cao, chất liệu hoàn toàn là bê tông cốt thép; tạo không gian rộng rãi và thoáng đáng, khi vào bên trong. Đến chùa Tản Viên, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự khoáng đạt của không gian; sự đồ sộ và hoành tráng của một ngôi chùa lớn. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện uy nghiêm tráng lệ 12 mái. Bốn phía đều có hàng hiên rộng với hàng lan can và cột đá bằng đá xanh được chạm khắc tinh xảo. Các chi tiết dù là nhỏ nhất cững đều được thiết kế hết sức tỉ mỉ và công phu.

Cách bài trí trong chính điện cũng khác hẳn với các ngôi chùa cổ ở đồng bằng Bắc Bộ, tạo nên ấn tượng đặc biệt cho du khách ngay khi mới bước vào. Ở giữa chính điện là pho tượng Đức Phật tổ Như Lai khổng lồ. Pho tượng này được tạc hoàn toàn bằng gỗ mít, cao 7,78m do nghệ nhân Thế Anh ở làng nghề Vạn Điểm – Thường Tín – Hà Nội chế tác, đó là một trong những pho tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á hiện nay. Bên trái của chính điện là tượng Bồ Tát Phổ Hiền, bên phải là tượng Bồ Tát Văn Thù, với chiều cao 3,5m- cả hai pho đều bằng gỗ mít và hiện cũng là những pho tượng Bồ Tát lớn nhất Đông Nam Á.

Tôi được biết, đại đức Thích Đạo Thịnh- vị sư trụ trì, người đã bỏ không ít tâm sức để xây dựng ngôi Đại Hùng Bảo Điện uy nghiêm và tráng lệ này vẫn ngày đêm nung nấu tâm nguyện xây dựng chùa Tản Viên trong một tương lai không xa có thể trở thành một thiền viện uy tín bậc nhất Việt nam.

Nghỉ lại chùa Tản viên một đêm, hôm sau tôi lên đường đến với đền Thượng, một ngôi đền nằm trên đỉnh núi Tản Viên. Tương truyền sau khi thần Sơn Tinh đã chiến thắng Thủy tinh, cưới được công chúa Mị nương, Hùng Vương có ý định nhường ngôi cho Sơn tinh, nhưng chàng từ chối.

Sơn tinh cùng Mị Nương đã về ẩn cư tại sườn núi Tản. Về sau không ai còn thấy Sơn Tinh nữa, nhân dân cho rằng Sơn Tinh và công chúa Mị Nương đã đắc đạo và về trời. Cũng không ai biết chính xác nơi thần thoát xác, vì thế nhân dân nơi đây đã chọn đỉnh núi Tản là nơi thờ vọng thần và coi đó là nơi ngài thoát xác khi đắc đạo. Do thế mà đền Thượng được xây dựng lên.

Đền Thượng xưa kia chỉ là một thảo am nhỏ, được tu tạo lại vào năm 1993 với kiến trúc khá độc đáo, ba gian hai trai, một nửa mái sau ấp vào vách đá. Vì thế nên đền Thượng còn được gọi bằng một cái tên khác là đền Một Mái.

Đền Thượng nằm ở độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển. Đại đức Thích Đạo Thịnh, người đồng hành với tôi trong chuyến đi này cho biết, bình thường ở đây quanh năm sương phủ không thể nhìn xa được. Tôi có lẽ là người may mắn, lên đền Thượng gặp đúng ngày có nắng, trời trong xanh và quang đãng nên có thể phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng phong cảnh nên thơ của vùng đất xứ Đoài cổ kính này... Đứng từ đây, có thể nhìn rõ dòng sông Đà chảy êm đềm, bao bọc dãy núi Tản, ôm ấp những xóm làng yên bình vùng trung du Bắc Bộ. Nếu xét về độ cao, núi Tản Viên chưa phải là ngọn núi cao nhất nước ta, nhưng từ xa xưa đã có câu ca rằng: “ Nhất cao là núi Ba Vì, thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn”. Phải lên đền Thượng, phải đứng ở vị trí mà con người có thể cảm nhận được từng lớp mây trắng đang vây quanh mình, được hòa mình vào một thiên nhiên trong lành đến tinh khiết và ngẫm nghĩ về công lao của người anh hùng dân tộc, vị thánh muôn đời trong lòng người dân Việt, thì mới có thể thấm hết ý nghĩa của câu ca dao kia.

Không phải ngẫu nhiên mà hàng triệu lượt người dân Việt từ Nam ra Bắc - hàng năm vẫn lũ lượt về đây dâng hương, tưởng nhớ tới công lao to lớn của đức thánh Tản. Người ta vẫn truyền tai nhau rằng, đứng ở đền Thượng, đánh một tiếng chuông thì tiếng chuông ấy sẽ vang lên thấu trời xanh... Đó là một mơ ước, hơn thế- là niềm tin, là khát vọng của mỗi người Việt nam về những gì tốt đẹp dành cho cuộc sống, về tình nghĩa gắn bó đồng bào- tức là con từ cùng một bọc sinh ra; tình nghĩa ấy sẽ mãi mãi trường tồn... Tôi, cũng như hàng triệu người dân nước Việt, khi đứng tại đây cũng cầu nguyện như thế, và tôi tin chắc rằng đức thánh Tản đang ngự ở đâu đó trên cao xanh kia sẽ nghe thấy những lời nguyện cầu này, và truyền giúp cho tôi thêm sức mạnh tinh thần đáng quý- cái sức mạnh tinh thần từng được hun đúc trong truyền thống văn hóa sâu thẳm của ông cha ta qua nhiều thiên niên kỷ...




VVM.12.7.2023 - NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .