Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


HỘI CHỢ VĂN HÓA PHỤC HƯNG




R enaissance festival hay còn gọi là Renaissance Fair là một hội chợ văn hóa lâu đời, bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ mười sáu ở nước Anh. Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ văn hóa phục hưng dưới triều đại nữ hoàng Elizabeth đệ nhất. Hội chợ văn hóa phục hưng tái diễn những hoạt động văn hóa nghệ thuật, sinh hoạt đời sống cung đình lẫn dân gian… Hội chợ quy tụ rất nhiều nghệ sĩ dân gian lẫn cung đình, đó là những người hề mua vui cho nữ hoàng và hoàng gia, những kịch sĩ diễn kịch Shakespeare, nghệ sĩ nhào lộn, nghệ sĩ đàn hạc, nghệ sĩ hát rong đường phố... Có rất nhiều những hoạt động cưỡi ngựa đấu trường thương, âm nhạc, nhạc kịch và những sinh hoạt đời thương như: sản xuất thủ công mỹ nghệ gốm, thủy tinh, đan, dệt, kẹo, bánh, hương vị, nến…

Ban đầu hội chợ văn hóa phục hưng chỉ có ở nước Anh, sau đó lan rộng ra khắp các nước châu Âu. Hội chợ vừa tổ chức cố định ở một địa điểm lại vừa có thể tổ chức lưu động khắp nơi, tùy theo hoàn cảnh của các địa phương và các ban tổ chức.

Hội chợ văn hóa phục hưng lần đầu tiên diễn ra ở Mỹ vào năm 1963 bởi giáo viên Phyllis Patterson tổ chức tại Los Angeles với hơn 8000 người tham dự. Tháng 5/1967 Patterson và chồng Rap Patterson đứng ra tổ chức Renaissance Festival cho đài KPFK tại China Camp State park và năm 1971 lại tổ chức ở rừng Black Point – Cali và từ đó Hội chợ văn hóa phục hưng lan ra khắp nước Mỹ. Có thể điểm danh vài Renaissanec Festival đình đám như: Renaissance Festival ở Texas, Arizona, Georgia, Tennessee... Năm nay thành Ất Lăng tổ chức hội chợ văn hóa phục hưng lần thứ ba mươi tám và tổ chức cố định tại vùng quê của Fairburn. Nơi đây tạo dựng cảnh quan của nước Anh ở thể kỷ mười sáu trên một diện tích 32 mẫu Anh. Hàng loạt công trình mang dáng dấp kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của Anh, Ireland, Scotland…

Hội chợ văn hóa phục hưng cởi mở và khuyến khích những nét văn hóa khác, bởi thế mà ngoài bối cảnh văn hóa phục hưng Anh quốc thời nữ hoàng Elizabet là chính, ngoài ra còn có nét văn hóa Viking của bắc Âu, một chút Carnival của Ý, một ít phong cách Pirates của thế kỷ mười bảy, một tí phong cách thần thoại của Harry Potter, Shrines … Hội chợ văn hóa phục hưng tổ chức ở Fairburn (GA) được bình chọn là một trong hai mươi sự kiện văn hóa hàng đầu của vùng đông nam Hoa Kỳ.

Chủ nhật tôi trẩy hội cùng với hàng ngàn người khác, cảm nhận đầu tiên là vô cùng vui vẻ, thú vị và hào hứng. Rất đúng với lời giới thiệu của ban tổ chức: “Hứng thú, lãng mạn, hào hiệp và kỳ ảo”. Điểm khác biệt ở hội chợ văn hóa phục hưng với những lễ hội khác là người diễn và khách tham quan hòa làm một, hầu hết mọi người tham gia đều mặc trang phục hóa trang.Ở những lễ hội khác thì người diễn và khách tham quan hoàn toàn tách biệt. Ở hội chợ văn hóa phục hưng tôi thấy đa phần người tham dự đều mặc cổ trang, có đến 1000 loại trang phục cổ tái hiện hoạt cảnh những nhân vật hoàng gia như: vua, nữ hoàng, quý tộc, phu nhân, tiểu thư, hiệp sĩ… dĩ nhiên có cả binh lính, người hầu, nông phu, dân thành thị. Ngày nay hội chợ có thêm những nhân vật từ huyền thoại hay cổ tích bước ra như: tu sĩ, phù thủy, lãng tử…. Đi chơi hội chợ mà cứ ngỡ lạc vào khung trời cổ tích hay những vùng đất huyền thoại trong Fairy Tales.

Một điển đặc biệt khác nữa là ở Renaissance Festival có nhiều trò chơi dân gian cổ xưa, hoàn toàn dùng sức người, dùng cơ bắp chứ không dùng đến cơ khí, máy móc hay điện, gas. Tôi thật sự thấy phấn kích và thích thú một cách kỳ lạ, có lẽ tôi là một người nặng tính hoài cổ. Tôi thích lang thang hay sống trong một khu phố cổ với những tiệm rượu, nhà hàng nho nhỏ hay những tiệm đồ thủ công mỹ nghệ: gốm, sứ, thủy tinh, kẹo, đèn cầy… hơn là sống trong một khu vực hiện đại với những phương tiện văn minh như: Iphone, Ipad, AI, robot… Renaissance Festival đã cho tôi cơ hội trở về quá khứ, lạc vào một xứ sở thần tiên với những nhân vật huyền thoại. Tôi có dịp xuyên không trở về nước Anh của thế kỷ mười sáu xa xưa. Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhau của những nhà văn hóa. Họ tranh luận bất tận nhưng nhìn chung với hai khuynh hướng cho là Renaissance Festival mang tính văn hóa xác thực hay thương mại giải trí. Tôi nhận thấy duy nhất đúng ấy là câu nói của Phyllis Patterson, người sáng lập Renaissance Festival ở Mỹ:

“Chúng tôi gạt người ta để học bằng tiếng cười – We trick into learning with a laugh”

Renaissance Festival thật sự là một sự kết hợp tuyệt vời của xác thực (authentic), lịch sử (history) và giải trí (entertainment).


Qua hội chợ Renaissance Festival, tôi cảm nhận được một nước Anh huy hoàng trong quá khứ. Có rất nhiều nét văn hóa đặc trưng từ triều đình cho đến giới lao động bình dân, cảnh tái diễn những trận đấu trường thương của các kỵ sĩ cho ta thấy được phần nào sự dũng cảm hào hiệp của những kỵ sĩ thời xưa. Trên khán đài thì hoàng gia và giới quý tộc ngồi cổ vũ, dưới đất thì giới bình dân reo hò không ngớt, tuy chỉ là cảnh phục diễn nhưng cũng đủ để ta hiểu mức độ khốc liệt của những trận chiến. Rồi những cảnh sinh hoạt lao động, sản xuất, biểu diễn nghệ thuật… của dàn nghệ sĩ, nghệ nhân cũng rất hấp dẫn, đầy sức thu hút, xem mà không chán. Rồi những nhân vật thần thoại bước ra từ những câu chuyện cổ tích, thần thoại, fairy Tales, Harry Potter, Shrines…

Renaissance Festival còn có thể gọi là Medieval Festival là lễ hội đặc trưng của văn hóa Anh quốc nói riêng của người da trắng nói chung. Tôi cảm nhận họ rất tự hào về văn hóa truyền thống của họ. Người đi trẩy hội tham gia và hưởng ứng nhiệt tình. Họ sẵn sàng chi từ vài trăm đến cả ngàn đô để sắm sửa một bộ đồ cổ trang như giáp trụ, gươm giáo, và nhiều phụ tùng lỉnh kỉnh của một hiệp sĩ. Tôi thấy giá bán một thanh gươm của hiệp sĩ từ một trăm đến một ngàn đô la, mà một hiệp sĩ phải có đến mấy thanh gươm ngắn, dài, dao găm và bao nhiêu phụ kiện ăn theo…

Tôi là người có máu hoài cổ, khi trẩy hội Renaissance mà cứ ngỡ như mình trở lại thời thơ ấu xa xưa nào đó trong quá khứ. Tôi cứ như một đứa trẻ háo hức không sao kiềm chế nổi cảm xúc của mình. Tôi ngỡ mình cũng là một người trong cái cộng đồng của thời kỳ phục hưng văn hóa ở thế kỷ mười sáu vậy. Nhìn cảnh tái diễn mà cảm nhận sự khắc nghiệt bất công giữa giới quý tộc triều đình và giới lao động bình dân, nhìn cảnh đám đông reo hò mà mường tượng những chuyện kết án oan khốc vì sự cuồng tín mê muội của đám đông. Những người bị triều đình xử oan, bị giáo hội kết tội, bị dân gian cho là phù thủy… Cái đám đông khi bị kích động thì sự cuồng tín và sự độc ác sẽ đẩy lên cao độ. Những cái mồm độc, những cái tâm ác cộng với sự mê muội thì sẽ đem lại khổ đau, chết chóc, oan khốc.

Nước Anh đã có một quá khứ huy hoàng rực rỡ: thời văn hóa phục hưng, thời cách mạng khoa học kỹ thuật cơ khí, thời bá chủ các đại dương và trên hết ấy là thời hãnh diện: “mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh”. Làm sao có thể diễn tả tất cả những sự kiện văn hóa, lịch sử như thế trong một ngôi làng tái dựng với vỏn vẹn ba mươi hai mẫu Anh? Làm sao có thể tái dựng được một thời huy hoàng như thế chỉ bằng một lễ hội Renaissance? Tất cả chỉ như là mô hình, sa bàn, hoặc giả như một vở kịch trên sân khấu mà thôi! Dù vậy lễ hội Renaissance cũng đủ để tâm trí tôi bay bổng với sự lãng mạn của văn hóa nghệ thuật phục hưng. Tôi thấy vô cùng khâm phục những gì người ta tạo dựng nên sự hào hiệp, lãng mạn và kỳ ảo.

Lễ hội Renaissance quả là vừa có tính xác thực (authentic) của lịch sử văn hóa lại vừa có tính giải trí, thương mại (entertainment), các yếu tố hòa quyện vào nhau một cách hài hòa. Lễ hội Renaissance góp thêm vào đời sống văn hóa tinh thần của người Mỹ một nét văn hóa rất đẹp và nhiều ý nghĩa. Lễ hội vừa có tính văn hóa nghệ thuật vừa lợi ích về mặt kinh tế thương mại, những nhà tổ chức các sự kiện họ rất giỏi, họ là chuyên gia trong việc khiến cho du khách vui lòng móc hầu bao ra chi tiêu. Người tham dự hài lòng với những gì họ chi tiền và thích được chi như thế vì những gì họ hưởng rất xứng đáng với đồng tiền họ chi ra.

Với ba mươi hai mẫu Anh ở vùng quê thuộc thị trấn FairBurn đã tái hiện một khung cảnh nước Anh ngày xa xưa. Nước Mỹ thoát thai từ nước Anh nên văn hóa Anh cũng in dấu ấn đậm trong văn hóa Mỹ. Nước Mỹ không có chế độ phong kiến, không có vua chúa hoàng gia… vì thế những yếu tố này khá lạ và gây hứng thú với mọi người. Hình ảnh hoàng gia, quý tộc hay giới bình dân mặc những trang phục cổ làm cho mọi người vui thích và họ không tiếc tiền mua đồ cổ trang để trẩy hội hàng năm. Cũng có thể trong số những du khách này một phần khá lớn có nguồn gốc xa xưa từ Anh quốc.

Rời lễ hội, tôi lái xe chạy lòng vòng những đồng quê quanh đây, chỉ cách trung tâm thành Ất Lăng chừng bốn mươi dặm ấy vậy mà những vùng quê ở Fairburn, Union, Peachtree, Tyrone, Fayetteville… cũng quá chừng bát ngát mênh mông. Những ngôi nhà xinh xắn hay đồ sộ giữa một cỏ xanh ngát, những vườn thông xanh biếc, đất tưởng chừng như không có giới hạn cuối cùng. Tôi lại thấy mình như một anh chàng nông dân ngày xưa đã từng sinh sống ở đây. Chạy qua những downtown của các thị trấn cổ nho nhỏ giữa vùng quê, nhìn thấy những tòa thị chính xinh xinh cổ kính, những nhà thờ cổ trầm mặc qua tháng năm, những tiệm hoa, tiệm kẹo, tiệm đồ cổ be bé và sát ở mặt đường. Ngày xưa các thị trấn cổ nho nhỏ, nhà cửa hay tiệm đều sát mặt đường y hệt như Hội An, hay Chợ Lớn của ta vậy. Nhìn cảnh vật đồng quê, máu hoài cổ trong tôi trỗi dậy mạnh mẽ. Tôi cứ ngỡ như mình trở về quê cũ quán xưa. Tôi thấy rất thân thuộc như thể mình đã từng sống ở đây, đã từng dạo quanh những thị trấn cổ này đến mòn gót giày.

Đồng quê Mỹ mênh mông bát ngát, những con đường dài tít tắp chạy đến tận chân trời. Những con đường kết nối với nhau thành mạng lưới cứ thế mà chạy cho đến hết xăng chứ không thể hết đường. Càng đi càng thấy đất trời vô cùng tận, thấy đời người hiện hữu chừng trăm năm sao mà ngắn ngủi và mong manh quá! Thiên nhiên trường cửu, đất trời vô cùng tận, sơn hà đại địa mênh mông bao la… Con người chen chúc nhau trong những thành phố kẹt xe, con người quanh năm suốt tháng và cả đời kèn cựa tranh đấu giành giật nhau từng tí một mà không thấy ngoài kia đất trời mênh mông, sông núi, biển cả bao la. Đồng quê Mỹ xanh mướt và thanh bình quá, đời nối đời yên ả sống trong sự bình an và sung túc. Đồng quê Mỹ cho người nghệ sĩ những cảm xúc mãnh liệt để rồi người nghệ sĩ viết ra những bản nhạc đồng quê khiến bao người mê say. Nhạc đồng quê là một đặc trưng của nước Mỹ, văn hóa Mỹ là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mỹ.

Nước Mỹ, nói văn vẻ hơn là xứ Cờ Hoa hay Hoa Kỳ vốn là thuộc địa của nước Anh. Người Mỹ cũng một phần từ người Anh cho nên văn hóa Anh rất đậm đặc trong văn hóa Mỹ. Nước Mỹ chỉ mới ba trăm năm, còn rất trẻ so với lịch sử nước Anh hay những nước có nền văn hóa lâu đời như: Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Iran, Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản… Nhưng ngày nay nước Mỹ lại là một cường quốc đứng đầu thế giới về mọi mặt: Văn hóa, kinh tế, quân sự, giáo dục, y học, kỹ thuật, công nghệ...và là nước dân chủ, bảo trợ và khuyến khích nền dân chủ trên thê giới. Nước Mỹ là bá chủ như ngày xưa nướcAnh, Hy Lạp, La Mã, Trung Hoa, Ấn Độ… đã từng. Nước Mỹ giương cao ngọn cờ tự do, dân chủ, nhân quyền. Cổ vũ, ủng hộ và đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền trên toàn thế giới, dĩ nhiên là nước Mỹ cũng có những hạn chế, những mặt trái tất yếu của nó. Nước Mỹ khai phóng, tự do dung nạp tất cả những khác biệt của các nền văn hóa trên thế giới. Mỗi sắc dân di cư đến Mỹ đã mang theo văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, ngôn ngữ, tín ngưỡng đặc trưng của mình. Nhờ thế mà nước Mỹ không những giàu mạnh về kinh tế mà còn vô cùng phong phú về văn hóa, ngôn ngữ, nghệ thuật, ẩm thực… Lễ hội Renaissance là một nét văn hóa đặc sắc trong nền văn hóa của nước Mỹ hiện nay.

Lễ hội – hội chợ văn hóa phục hưng vốn là bản sao của Renaissance Festival nước Anh nhưng theo thời gian đã trở thành nét văn hóa của Mỹ, tuy vẫn giữ cái hồn cốt căn bản nhưng ít nhiều có thêm những yếu tố mới. Chính cái tôn chỉ tinh thần của lễ hội đã khuyến khích dung nạp thêm những cái mới, thêm lãng mạn, hào hiệp và kỳ ảo. Renaissance Festival ở Fair Burn chỉ là một trong hàng trăm cái lễ hội Renaissance khác ở khắp nước Mỹ, mỗi tiểu bang, mỗi địa phương có thời gian và cách tổ chức khác nhau, hoặc di động hoặc cố định một nơi. Riêng thành Ất Lăng thì ngoài nơi tổ chức cố định ở Fair Burn còn có những Renaissance Festival tổ chức lưu động ở trong downtown hay những địa điểm khác. Cứ mỗi mùa xuân thì thành Ất Lăng tưng bừng với không biết bao nhiêu là lễ hội văn hóa nghệ thuật nhưng với lễ hội Renaissance Festival là lễ hội lớn và thu hút đông đảo người tham gia. Fair Burn lập ngôi làng Anh quốc để tổ chức Renaissance Festival đã ba mươi mấy năm qua, ngoài ngôi làng Anh quốc làm khu vực chính của lễ hội còn có đồng cỏ bên ngoài vô cùng bao la đủ để vài ngàn chiếc xe đậu mà không lo thiếu chỗ hay kẹt xe. Fair Burn cứ mỗi hai ngày cuối tuần của bốn tuần liền cuối xuân đầu hạ tưng bừng với hàng chục nghìn người về trẩy hội. Nam thanh nữ tú, quý ông quý bà, già trẻ lớn bé… gì cũng tung tăng. Người đi trẩy hội sống lại với một thời lịch sử xa xưa. Cả nhân viên của ban tổ chức lẫn người trẩy hội đều mặc cổ trang hóa thân vào những nhân vật lịch sử, nhân vật huyền thoại, nhân vật cổ tích…

Tôi đi chơi lễ hội mà ngỡ mình lạc vào quá khứ. Lễ hội Renaissance Festival như cánh cửa xuyên không, một tấm vé cổ tích thần tiên đưa tôi về dĩ vãng ngày xưa của nước Anh. Những hoạt cảnh trong lễ hội, những trang phục cổ của các nhân vật, những màn biểu diễn của các diễn viên… cứ như cây đũa thần của bà tiên đã kích thích vào những mảng ký ức vụn vặt trong tôi sống dậy. Những mảnh vụn ký ức vốn chìm sâu trong tâm thức có thể do từ đọc sách, đọc sử, xem phim… cũng có thể từ một kiếp xa xưa nào đó tôi đã từng là một thành viên trong cộng đồng ấy, giờ lễ hội Renaissance Festival đã khơi dậy mở và ra những ký ức cũ. Có thể ví nhữ ký ức cũ trong tiềm thức như những hạt cỏ dại ẩn trong đất, chỉ cần một cơn mưa khi mùa xuân đến thì đồng loạt nẩy mầm mọc lên làm xanh biếc cả đồng quê. Mùa xuân bắc Mỹ đẹp lắm, cỏ cây hoa lá xanh biếc, hoa bạt ngàn, hương thơm thoang thoảng đến nồng nàng, phấn hoa vàng cả một vùng trời đất. Những lễ hội như Renaissance Festival góp thêm cho đời, cho người những nét văn hóa đẹp và đầy ý nghĩa. Văn hóa nghệ thuật, lịch sử xác thực, giải trí thương mại quyện lấy hài hòa nhau, bởi vì con người cần có cả vật chất lẫn tinh thần.

Ất Lăng thành, 0523




VVM.12.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .